SỐ 98 - THÁNG 4 NĂM 2023

Trốn lính

Nguyễn Thanh Sơn 

Một chiều thứ bảy như mọi chiều cuối tuần khác, tiết học bao giờ cũng cụt lủn. Dường như cây kim đồng hồ ở cuối tuần đồng cảm với giới học sinh ở bậc trung học, một giờ tụt lại chỉ còn bốn mươi phút hoặc nhỉnh hơn một chút. Tôi còn nhớ hôm đó là môn vật lý, vị giáo sư giảng về sự co giãn của vật thể rắn, về sự thay đổi nhiệt độ có thể thay đổi hình dạng, thể trạng của nó. “Thầy cam đoan với em rằng dù em có vận dụng ý chí sắt đá đến đâu cũng không thể thay đổi được tốc độ di chuyển của cây kim đồng hồ!” Vị giáo sư liếc nhìn tôi hơi có chút diễu cợt, trong câu nói hóm hỉnh đó lẫn chút buồn phiền vì sự chểnh mảng của đám học sinh dưới bục giảng. Và tôi lấy làm tiếc rằng đã biểu lộ nhiều hành vi gây sự chú ý của thầy giáo, những cử chỉ như nhìn đồng hồ hơi quá mức cần thiết, ngong ngóng tiếng reo của cái chuông được đặt dọc theo hành lang của mỗi lớp học. Tiếng reo của cái chuông kêu reng reng như tiếng điện thoại bàn bây giờ. Tiếng hiệu reo của cái chuông mỗi lúc một khác, đầu hay giữa các tiết học, tiếng reo ngắn, hai lần. Giờ tan trường, nó lảnh lót, ngân dài như tiếng chim. Cớ sao chiều hôm đó, tôi lại ngong ngóng nhiều về tiếng chuông với một tâm trạng bồn chồn, lo lắng. Lòng bồn chồn như một điềm lạ vừa nẩy sinh, trong bụng nôn nóng như có tia lửa điện chạy rần rần trong cơ thể. Tôi nghĩ không hẳn là vì đói, linh tính báo tôi là như thế. Cái đói đã nhiều lần làm xốn xang bụng dạ con người tôi. Buổi sáng qua loa đại khái để có một chút gì vào bụng, một tô bánh canh, gói xôi hoặc là không có gì cả trước khi đi học. Cái bụng để vậy cho đến trưa giờ tan học, lủi thủi dọc theo con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm dài ngoằng ngoẳng, đói lay lất, đói toát mồ hôi hột nhưng vẫn chịu được. Tôi đã nhiều lần từ chối mọi cám dỗ của những thứ ngon vật lạ bày biện ở gác bếp của người thiếm thân yêu chuẩn bị cho bữa ăn gia đình, quá đỗi là thèm. Có một lần duy nhất làm tôi nhớ mãi, nhớ đến bây giờ vẫn còn nhớ là, mỗi khi ngửi mùi thơm bốc lên từ gian bếp của gia đình hay đi ăn nhà hàng thì cảm giác hổ thẹn ray rức lương tâm. Cảnh đó như một thước phim chạy chậm còn trong trí nhớ là tôi đã “nhót” món thịt heo quay mà thiếm vừa đặt trên bàn thờ cúng tổ tiên, cái chất béo ngầy ngậy đó quá hấp dẫn, quá đỗi là thèm mà tôi không thể nào dằn tâm được. Chất béo đó chưa kịp vào bụng thì đã bắt quả tang bởi nhiều tiếng xì xồ từ phía dưới nhà chồ vọng lên : “Ối! Thằng Sơn kìa, nó ăn vụng!” Những ngày xưa cái thằng tôi sao khổ thế, cái gì cũng thèm.

Khi tôi từ trường về tới xóm Cồn thì có tai nạn xảy ra, ông Sáu đang nằm rên hừ hừ trên cái đi văng đóng bằng ván ép kê ở góc nhà. Còn thiếm tôi thì ngồi tru tréo ở góc bếp, mồm mép đầy nước dãi, thỉnh thoảng đưa cánh tay trần quẹt nước mắt. Vừa thấy tôi, thiếm đã nức nở: “ Ối trời ơi là trời ơi, Cháu đi đâu là đi lắm thế, học cho lắm có làm ông cống ông nghè đâu mà nở bỏ ông chú tội nghiệp nằm như thế kia. Ôi! Trời ơi hu..hu.. Sao còn đứng đực ra đó! Cháu lanh lợi cho ông nằm dưới kia nhờ. Trời ơi, nó chả làm lợi lộc gì cho nhà tôi, mời ngay ông y tá về đây chăm sóc cho ông!”. Ở dưới chân nhà chồ, cánh đàn ông cùng lứa, cùng khổ sở vì tuổi lính tráng, cũng đã từng làm nhiều chuyện để khỏi ra chiến trường.

“Ông ấy thiệt gan cùng mình, một tay liều mạng đáo để!”
“Sao, ông ta chuẩn bị từ trước à?”
“Đúng vậy, ông sắp xếp kịch bản như con tàu đang chuẩn bị đi biển, máy Yarmar vừa khởi động, bánh trớn quay đều là ông dí ngón tay trỏ vào, một thoáng là mất tiêu cái ngón. Nhìn mặt tỉnh queo, thiệt tình tôi phục ông ấy!”

Tôi vừa kịp gọi vị y tá đến thì đã thấy gã áo đen cũng vừa có mặt ở đó. Cái tin ông Sáu bị tai nạn nghề nghiệp đã đến tai gã nhanh hơn tôi nghĩ. Đây cũng là điều bất lợi, một tình huống không ngờ ngoài dự kiến của ông Sáu và ắt sẽ gây phiền phức cho ông sau này. Vừa thấy bóng gã, Sáu Lá, một cán bộ xây dựng nông thôn, là những người bạn thuyền ông lần lượt chuồn lẹ, duy chỉ còn lũ đàn bà con nít, tụm năm tụm bảy bàn tán inh ỏi dưới nhà chồ. Gã áo đen, vẫn diện mạo cũ, cái mũ rộng vành xùng xụp che kín chân mày hình sâu róm, đôi kiếng đen và đôi dép râu của thời kháng chiến chống Pháp, đồng hành với anh bộ đội vượt Trường Sơn cứu nước. Sáu Lá, cán bộ xây dựng nông thôn, đại diện cho chính quyền sở tại. Gã nhìn tôi chằm chằm rồi quay sang ông Sáu:

“Một tai nạn nghề nghiệp, hẳn thế. Vết thương làm ông mất máu nhiều (gã lẩm bẩm một mình: “Sao là ngón tay trỏ, ngón tay dùng để bóp cò súng!”.

Với điệu bộ mạnh mẽ, dứt khoát, gã vung tay về phía trước, nói:

“Với tai nạn này, bà Sáu nên tìm một nhân chứng cụ thể để ghi vào biên bản trước khi đưa ông nhà đi nhà thương!.”
“Trăm sự nhờ thầy Sáu giúp đỡ, ơn này gia đình không dám quên.”

Thiếm tôi chấp tay như van vái, vẻ mặt quỵ lụy đến cực độ. Gã quay sang tôi, xoi mói đôi bàn chân như tìm một dấu vết nào đó theo thói quen nghề nghiệp:

“Thằng nhỏ con chị chóng lớn quá nhỉ, mới ngày nào!”

Gã cười huềnh huệch đầy ẩn ý.

“À à cháu nó... ồ không thằng con đầu của tôi đó, thầy sáu. Trông lớn xác nhưng tính tình tuềnh toàng lắm! Sao còn đứng đực ra đó, mua nước non gì mời thầy Sáu”
“Thôi khỏi, tôi vừa uống xong.”

Tai nạn rồi cũng trôi qua, ấy là nhờ “ly nước vừa uống xong” của gã Sáu Lá. Tuy nhiên, vài ngày sau tôi lại có công việc bận rộn hơn, thời khóa biểu trong ngày tất nhiên ghi thêm một công việc ngoài dự kiến. Ngày hai buổi tôi phải có mặt ở nhà thương, như một tay cần vụ có tinh thần trách nhiệm cao, lo toan từng giấc ngủ, miếng ăn cho ông Sáu mà sao lãng mọi thú vui khác.

Nhà thương Bình Dân nằm trên đường Pasteur cách rạp cinéma Nha Trang vài chục bước. Suốt tuần đó, các băng rôn quảng cáo tùm lum ở mọi ngã đường về bộ phim Doctor Zhivago rất được ăn khách lúc bấy giờ, nó được chiếu ở Sài Gòn mà theo như quảng cáo là có doanh thu rất cao.

Hễ có phút nào rảnh rỗi hoặc tiện đường là tôi ghé tạt vào rạp để chiêm ngưỡng các diễn viên điện ảnh thế giới, các cô đào xinh như mộng cười toe toét trên tấm áp phích lộng trong lồng kính treo trước tiền sảnh, hoặc đọc lướt qua nội dung phim truyện và nhìn dòng người chen lấn mua vé. Thường là có bộ phim hay người ta đặt trước hai ba ngày. Để tránh tình trạng chen lấn khi mua vé, đề phòng kẻ gian lợi dụng, trước quầy bán vé người ta đặt một thanh chắn hình chữ L rộng vừa đủ cho một người đi. Tuy vậy, khi có những bộ phim hay được chiếu trong thời gian thích hợp như ngày thứ bảy, chủ nhật thì cái trật tự kia bị phá vỡ, lại cảnh chen lấn, xô dẩy trước quầy bán vé, các nhân viên phục vụ dù phát huy hết khả năng vẫn khó gìn giữ nề nếp như ý muốn.

Cảnh chen lấn này gợi cho tôi một kỷ niệm đáng nhớ, một quang cảnh in đậm trong tôi, ngày mà chú bé mới chập chửng bước vào thành phố, được các anh chị ở xóm Cồn dắt tay qua các khu phố chính. Thằng bé như người trên trời vừa rơi xuống, say sưa ngắm nhìn những phẩm vật, những của ngon vật lạ bày dọc theo dãy phố. Những thứ ấy sắp xếp rất có quy củ, lớp lang, lấp la lấp lánh như sao trên trời, những ánh sao lung linh suốt con phố chính, đường Độc Lập hoa lệ nhất của thành phố. Những mẫu vật đa dạng cuốn hút lấy thằng bé, khẩu carbin y như thật, colt 45 nằm gọn trong góc tủ, khẩu AR15 màu đồng hung được dựng bên chiếc xe tăng M113 chạy bằng pin sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ mục tiêu nào. Tất cả được sao chép như một cảnh đời thu nhỏ.

Đôi chân thằng bé líu ríu, ì ạch như dính vào đường bê tông hè phố bởi chú lính Mỹ bằng nhựa đội chiếc mũ rằn ri MP, đôi tay như vẫy gọi, chào mời nó qua lớp kính, qua lớp mờ mờ nhân ảnh, qua dòng người xa lạ, qua bao cảnh nhốn nháo sắc màu đường phố. Thằng bé mất tăm cái dắt tay vô tình của người thân, giờ nó như cái rơ móc bị rời ra, như cái đuôi con thằn lằn bị đứt nhảy lưng tưng trên hè phố, xô đẩy nó qua bao lớp người cuồn cuộn chảy. Hết con phố chính, nó lầm lụi con đường phụ, qua hết con đường sáng choang đèn điện nó lại lầm lụi vào con hẻm tối om. Lúc bấy giờ, nó không có khái niệm về thời gian,  mù mờ nhân ảnh, chỉ có ánh trăng thượng tuần nhắc nhở với nó rằng đêm đã khuya. Lúc đầu nó cố nhớ những con đường đã qua, đến ngã ba rồi ngã tư lướt tới, chặp sau nó quên mất. Có lẽ nhiều ngã ba ngã tư nên nó đếm không xuể, đi mệt nghỉ.

Nó định hướng con đường về nhà bằng những ngôi sao lấp lánh, những ngôi sao trên nền trời như trêu ngươi, như mời gọi nó. Hồi còn ở quê, vào những đêm trăng thanh gió mát, chú Út Muời và nó nằm hóng mát ở góc hiên nhà, nghe sóng biển và gió nồm lồng lộng thổi, chú Út chỉ cho nó những ngôi sao chụm lại thành hình bánh lái, và phần lại bao giờ cũng chỉ về hướng bắc. Ở đó bầu trời rộng rãi, thông thoáng chứ không bị che khuất bởi những ngôi nhà, khối bê tông tầng tầng lớp lớp, to nhỏ, lớn bé xen kẽ không đều nhau nên khó tìm những ngôi sao  kia lúc ẩn lúc hiện trong đôi mắt nhòe nước.

Đi sâu vào đêm, đường phố càng trở nên lạnh lẽo, bí hiểm bởi những con hẻm tối om, sâu hun hút. Thỉnh thoảng ở góc phố có đàn chó chạy xồ ra, chèn kéo, tranh giành miếng ăn, sủa inh ỏi, thoáng thấy bóng người chúng càng sủa hung tợn hơn. Tiếng chó sủa của đàn chó làm không gian bớt vắng lạnh, còn chút hơi thở cuộc sống chung quanh nó. Ngoài tiếng chó, còn có thứ khác gây cho nó cảm giác bớt vắng lạnh, đó là caí bóng nó. Cái bóng liêu xiêu chạy dài trên mặt đường âm ẩm hơi sương, loáng thoáng trước mắt, lẩn lút sau lưng. Qua mỗi trụ đèn đường, bóng đèn cao áp đổ xuống mặt đường một thứ ánh sáng đỏ lòm là tạo cho nó một người bạn đường, người bạn đường lúc đầu bằng nó, bị nó giẫm đạp lên. Sau đó, cái bóng phình ra to, chạy dài thành gã khổng lồ có trong truỵên cổ tích nghìn lẻ một đêm.
   Đi mệt nghỉ, nó ngồi bệt xuống con hẻm tối om phía trước. Dưới bóng trăng mờ mờ thoáng hiện bóng một người đàn bà. Bà ta dường như từ trong trăng bước ra, trên khắp người thấm đẫm màu trăng nhờ nhợ, trăng trắng, thân thể trần truồng như được bọc bằng trăng. Nó chưa kịp nhìn rõ thì liền sau đó vài gã đàn ông xuất hiện, họ xì xầm chèn kéo lẫn nhau. Tiếng đàn ông thì nhầy nhụa mùi rượu, giọng đàn bà mờ đục vì thiếu ngủ. Họ mơn trớn với nhau trong bóng trăng, nó ngẩn ngơ nhìn những cảnh người lạ lẫm trong đôi mắt trẻ thơ. Một chặp sau, người đàn bà lẩn trong bóng tối, chỉ còn đàn ông chân nam đá chân chiêu bước bên nó.

“A mày! Thằng nhỏ, cái thằng ăn mày mà tao tưởng đống rác chớ, may xíu nửa đá nhầm mẹ nó rồi.”
“Thôi kệ mẹ nó, chuồn lẹ kẻo lính ốp thấy mụ nội. Đi các cha.!”
“Chú, chú… cháu không phải là kẻ ăn mày. Cháu bị lạc đường, cháu không tìm được đường về xóm Cồn, nhờ các chú chỉ giùm cho!”
“A! Mày lạc đường thiệt hả? Đây là gần cầu Hà Ra, đường ra xóm Bóng, mày đi hết đêm nay là tới Đồng Đế nghe con. Mày muốn về xóm Cồn thì đi đường này

… đường này. Bây giờ có nhiều trẻ con trôi sông lạc chợ quá. Chậc! Thời buổi nhiễu nhương. Chúng tao cũng vậy, ăn chơi tí chút rồi tìm đường ra Đồng Đế, vài tháng quân trường rồi làm bia đở đạn. Lỡ mai anh chết em có buồn không. Sao em không đến khi anh còn sống.”

Tiếng hát của gã say rượu trôi vào đêm nhạt nhòa, ngả nghiêng cùng với cái bóng đổ dài trên con đường nhựa. Nó theo sự chỉ dẫn của gã say mà tìm đường về xóm Cồn. Trước mặt là Tiểu Khu Khánh Hòa đầy những giây kẽm gai giăng mất lối. Có vài chiếc GMC chở lố nhố người trên đó, hẳn là có trận bố ráp nào đó. Vài tên lính nhảy xuống xe, tay lăm lăm khẩu AR15 đang chỉ dẫn số người hỗn độn trong thùng xe. Nó đứng nép bên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, vốn tính hiếu kỳ trẻ con, nó chăm chú vào cảnh mà qua một lần thì người ta không bao giờ mong thấy trở lại.

Nguyễn Thanh Sơn

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023