SỐ 99 - THÁNG 7 NĂM 2023

chiếc khẩu trang. đoá hoa vô nhiễm

Nguyên Minh

 

1
cách ly 1. duyên vẽ. acrylic on canvas.

Gần giữa tháng 3 năm 2020 mẹ tôi mất khi bà đang nằm dưỡng thương ở một Skilled Nursing Home. Bệnh dịch khi đó đang ở một thời điểm làm hoảng sợ mọi người đến chóng mặt. Quyết định đi qua San Jose để tiễn mẹ và nhìn bà lần cuối không còn là quyết định của riêng tôi mà còn liên quan đến gia đình và do tình thế thay đổi từng ngày của thế cuộc, chuyện không còn giản dị nữa.Tôi như người mộng du, đi ra đi vào không biết làm sao giải quyết chuyện của mình. Người anh lớn sống cùng một tiểu bang gọi tôi hàng ngày: nhất định phải đi, tôi đồng ý! nhưng vì những thủ tục chôn cất trong lúc này không giản dị xuông sẻ như đám tang của bố tôi, mấy năm trước. Chờ đợi tin tức hàng ngày cho tôi cảm tưởng của người ngồi trên lửa, không lối thoát. Cố gắng tìm cho mình sự cân bằng: làm điều gì hữu ích trong lúc này, phải thật bận rộn để có thể quên đi những gì đang xảy ra mà khả năng tôi không giải quyết được.Tôi bốc phone quy tụ một số bạn và những người quen biết có khả năng may vá rủ rê làm khẩu trang cho nhà thương hay viện dưỡng lão. Tất cả rất hăng hái, nhưng lúc chuẩn bị vào công tác thì chúng tôi chạm trán với khan hiếm vật liệu may vá trên toàn quốc, không thể nào thực hiện được ý muốn, buồn vô cùng. Tôi không đầu hàng, lục trong phòng may tìm số vải tôi mua  những năm trước đây vì lười nên còn đó, nằm trong các ngăn tủ, thêm những miếng vải vụn tôi để dành sau khi may pijama cho các cháu nội ngoại, các miếng vải chắp nối, đủ cho tôi bận rộn đến cả tuần. Nhưng nửa chừng tôi không còn dây thun để làm dây đeo, lại bỏ cuộc! Bướng bỉnh đến lạ kỳ, tôi không đầu hàng, cố tìm cách vượt qua trở ngại. Càng lì lợm hơn, khi các con bắt đầu gọi cho biết sự cần thiết của những khẩu trang bằng vải. Tôi trang bị cẩn thận tìm ra tiệm vải, hy vọng mong manh lắm, tiệm vải đóng cửa tôi thấy tiệm bán vật liệu văn phòng ngay bên cạnh, thử thời vận tôi bước vào hỏi xem có dây thun không. Người bán hàng chỉ cho tôi đến cuối tiệm, dây thun như tôi muốn không có đó, nhưng có các bọc thun to sợi để buộc hồ sơ, à thì ra thế! tôi nghĩ cứ  mua thử một bịch và tìm cách xử dụng, cố làm cho xong cái khẩu trang tôi đang nóng lòng hoàn tất. May sao, với máy vắt sổ và những mũi kim khâu tay, kết quả cũng khả quan. Mỗi ngày tôi khâu được vài ba cái, lòng rất vui (lại thương nhà văn Trần Hoài Thư và những quyển sách anh vẫn cặm cụi khâu bìa).Hoàn tất một số vừa đủ để gửi cho các con cháu, mỗi đứa hai cái. Khi các cháu nhận được cảm động chụp hình cả nhà đeo khẩu trang gửi cho bố mẹ xem, gửi lời bạn chúng nó khen rối rít, ước ao có được khẩu trang giống như vậy: BINGO! tôi lại cặm cụi làm và thầm lặng gửi đi...sự bận rộn này giúp đầu óc tôi quên bớt lo lắng về chuyện mẹ tôi. Tôi bình tĩnh hơn chờ đợi. Bỗng tin mới, liên quan về tình hình bệnh dịch: ngày chôn cất mẹ được đôn lên sớm hơn một tuần, thay vì hai tuần như đã dự định. Các anh chị em tôi ở San Jose cuống quít phân chia công việc để ngày đưa mẹ được tốt đẹp. Không ngờ “shelter in place” gây rất nhiều khó khăn phiền não.Tôi và người anh ở xa biết không về được nữa, nên cũng cuống quít theo, chẳng giúp được gì, không thể về bên mẹ chia tay, nhìn mẹ lần cuối, tôi tan nát cõi lòng... ơn Trời Phật đám tang mẹ cũng hoàn tất yên ấm với sự coi sóc của các anh chị em ở California. Em trai tôi tổ chức, lo xếp đặt để thân nhân ở xa có thể tham gia và theo dõi trực tiếp trên mạng ngày tiễn mẹ về cõi Phật. Mọi người không ai bảo ai nhưng chắc cũng ấm lòng. Bên vùng Vịnh có 7 gia đình mà nhà quàn chỉ cho 10 người vào dự lễ, mọi người thu xếp thay phiên nhau vào chia tay bà lần cuối, những vòng hoa thay người, tiễn mẹ đi…

Lo cho mẹ xong, tôi giật mình vì tình trạng khẩn trương của cả thế giới, tình hình bệnh dịch như đám mây đen che kín bầu trời. Các con gọi về hàng ngày vừa cấm đoán vừa rầy rà bố mẹ không cho đi đâu. Chưa bao giờ thấy cả bọn cùng lo cho bố mẹ đến thế...đây là điều duy nhất tôi có thể mỉm cười trước con virus quái ác này.

Đầu tháng 3 cả nước Mỹ còn rất ít ca nhiễm bệnh, chỉ vài ngày sau, con số nhảy vọt, tin tức làm nhiều người lo sợ, mất ngủ, cảm giác vô vọng nẩy mầm.Thị trường chứng khoán tụt dốc thê thảm, tương lai gần hay xa đều mất hút...người giầu cũng như nghèo mang cùng một số phận mong manh như nhau: đối mặt, sợ hãi một con vi khuẩn nhỏ xíu, lơ lửng giữa Người và Thượng Đế. Shelter in place bắt buộc mọi người không ra ngoài chỉ khi cần mới đi mua thuốc, thức ăn, ngoài ra cấm cung ở nhà 24/24. Trong thời gian này nhiều tiểu bang tăng vọt số người nhiễm bệnh như con sóng biển liếm vào bờ khiến Tổng Thống và các Thống Đốc họp báo mỗi ngày đưa chi tiết phũ phàng, đồng thời cố gắng giúp dân an lòng trong tình trạng tồi tệ đó.Tiểu bang tôi đang sống, Michigan cũng chen vào xếp hàng thứ 3, HOT nhất những ngày này. Con số người chết, theo dấu cộng lên thật nhanh...Hầu hết các nạn nhân chết trong cô đơn vì thân nhân không được gần gũi . Các bác sĩ, y tá biến thành linh mục, thượng tọa, tăng ni hay các vị đỡ đầu các tôn giáo, đồng thời họ cũng là người thân yêu cuối cùng cầm tay người bệnh trước giờ nhắm mắt. Ở Ý đã có bao nhiêu quan tài mầu trắng xếp hàng dài dưới cây thánh giá và New York cũng có một mồ chôn tập thể cho các người không thân nhân...lịch sử cứ thản nhiên lập lại những đau thương dù cuộc chiến có đổi dạng. Ai có thể nghĩ đến một ngày, chuyện kinh hồn như thế đang diễn ra ở bên Ý và một nước Mỹ văn minh này?

Những ngày chồn chân ở nhà, bắt buộc phải xa cách muôn loài, nhiều trật tự đã đổi thay, trong tư tưởng, trong ý nghĩ và trong lối sống của rất nhiều người. Tưởng rằng cú giáng bất ngờ này thức  tỉnh loài người nghĩ lại về cuộc sống. Nhưng chỉ vài ngày lo sợ, người trở về bản ngã cố hữu, con người  bình thường đã xa, nay thêm cách ly lại càng xa hơn nữa, nên cánh tay hụt hẫng...với vào thinh không.Tôi muốn tìm một cứu rỗi cho chính mình trong cơn hoảng loạn này mà tin tức cứ ập tới từng giây từng phút. Tắt TV đi để khỏi nghe tin tức thì điện thoại bingboong tin nhắn, email...ngập tràn, các chia sẻ tin tức được bạn gạn lọc gửi đến, các bài viết về con siêu vi khuẩn mang tên dễ thương CoVi, cô cũng đeo mặt nạ nhỏ bé che dấu bộ mặt tử thần phía sau…

Michigan có vài ngày nắng ấm, hàng xóm bắt ghế ra sân tắm nắng, một đứa trẻ mới sanh vài tháng, nhà bên cạnh, tôi không hề hay biết, thiệt tình! Hôm nay tôi bước ra vườn ngắm cảnh, tìm hơi ấm của một ngày đẹp trời. Chợt như tiếng ai chào, tôi nhìn về phía cây japanese maple còn trơ cành sau mùa đông, dưới gốc cây một bông hoa bloodroot trắng muốt, nhiều cánh xếp, rất nghệ thuật. Các cánh hoa ôm lấy nhau trong nắng sớm, cho tôi niềm hạnh phúc lạ kỳ. Trong khoảnh khắc đó, dường như mọi ưu phiền đã trút bỏ tôi, đi...

Trong gần hai tháng trời hoang mang, lo sợ, cố tìm cho mình sự quân bình, nay đoá hoa nhỏ nắm tay, đưa tôi về miền an nhiên đó. Tôi trở vào nhà, ngồi giữa những mảnh vải vụn và kim chỉ, tôi tiếp tục khâu những chiếc khẩu trang còn dang dở. Những thiếu hụt vải vóc, vật liệu, máy may không còn là quan trọng, cứ may đi, rồi tính…

Khẩu trang tôi khâu tay, xỏ kim với cặp kính không còn rõ, chưa kịp đổi kính mới vì tình trạng hiện nay. Thỉnh thoảng kim phập vào tay, đau nhói, nhưng tôi cứ khâu...mỗi khẩu trang tôi cầm trong tay hiện lên khuôn mặt thân yêu của người thân, của bạn, tôi bướng bỉnh, kiên trì thổi vào những chiếc khẩu trang một sứ mệnh: giúp tôi che chở người tôi yêu quý, và như thế tôi lặng yên khâu vá, đêm đã về, phủ ngập bóng tối phía sau...những chiếc khẩu trang xếp lên nhau ấm áp, liên tưởng đến những khuôn mặt có cặp mắt đang cười trên chiếc khẩu trang, tôi chợt mỉm cười...

Trong phút hạnh phúc ấy, màn hình điện thoại chợt bật sáng, tôi với tay lấy chiếc điện thoại, email của anh Nguyên Minh, anh rất ít liên lạc, sao bỗng dưng anh gửi, chắc anh lo lắng cho bọn tôi vì tiểu bang tôi sống, đang nổi tiếng về bệnh dịch. Vội vàng đọc, đúng là Nguyên Minh, ngay cả khi thế giới sụp đổ, trước mắt, văn chương vẫn là sự sống. Email anh là một tin nhắn rất ngắn nhưng như tiếng chuông ngân nga vang làm tôi thức tỉnh, hơn hai tháng qua tôi đã để lo sợ chiếm mất ý nghĩ và phần hồn. Thơ anh viết:

Những  ngày ở riết trong nhà buồn quá nên anh đang thực hiện một cuốn sách của nhiều tác giả viết về Nguyên Minh, Tác giả và tác phẩm. Anh nhớ đến Duyên, Trần Thị Nguyệt Mai, nên hai cô em phải có bài viết  cảm nhận về NM được không.

Sách dự kiến 40 tác giả.
Sách khổ 16x24
Số trang 600
Bìa cứng.
Chúc DT vui khỏe
NM

 

2
Nguyên Minh – duyên vẽ

Làm sao viết về Nguyên Minh khi tôi đã được đọc bao nhiêu chữ nghĩa hay đẹp viết về anh: những cây bút cổ thụ, Trần Hoài Thư, Đỗ Hồng Ngọc, Đinh Cường, Lê Ký Thương, một thời Gió Mai, Ý Thức, và Sài Gòn trước  4/75, cho đến những cây bút của Quán Văn gần đây có Elena,Trương Văn Dân, Nguyễn Minh Nữu, Hoàng Thị Kim Oanh, Đoàn Văn Khánh, Nguyễn Sông Ba và nhiều người nữa...không những văn họ hay mà cái đặc sắc hiếm có của Nguyên Minh làm các bài viết vô cùng sống động. Tôi từng đọc các bài này say mê như đọc một tiểu thuyết tuyệt vời ước mong không dứt . Họ không chỉ viết về người bạn họ yêu mến, nhân vật Nguyên Minh có thật và đã sống rất thật trong các tác phẩm đó, đời anh là một quyển truyện dài ly kỳ và lý thú. Mỗi người chia sẻ cùng anh một đoạn đời khác nhau. Các bạn từ thời trung học chập chững bước vào văn chương thi phú như Lữ Quỳnh, Lữ Kiều (Thân Trọng Minh) của một thời mới lớn, những thanh niên trẻ (già hơn tuổi), ôm mộng văn chương. Giấc mộng đó đã cột chặt chân các anh vào văn nghiệp, giấc mộng cũng say mê các anh không kém, ôm chặt các anh, chưa bao giờ buông thả trong bất kỳ một hoàn cảnh nào...để những năm tháng sau, khi tôi có hạnh phúc quen biết, tôi đã trải nghiệm được điều lạ kỳ đó, ôi! nửa thế kỷ, có hề gì! Trăm năm cũng thế! Khi tất cả không còn, tác phẩm sẽ rơi rớt lại trần gian* như lời người bạn thi sĩ nổi tiếng đã viết về tác phẩm của mình trước khi anh nhắm mắt lìa đời, và giờ đây bao nhiêu người vẫn yêu mến tìm đọc thơ anh.

Lối yêu văn chương của Nguyên Minh cận kề tín ngưỡng: khi vui, hạnh phúc, anh cám ơn văn chương chữ nghĩa. Khi buồn, anh mượn văn chương soi rõ sự thống khổ của mình. Và khi đối diện với vô vọng, văn chương vực anh dậy không bỏ quên anh. Trong mọi hoàn cảnh, lời văn anh luôn trong sáng bình dị, ngay trong một tình huống não nề, anh chấp nhận để vươn lên, sống cuộc đời đáng sống, không than van....Thế nên giữa những hỗn độn, đen tối này, ánh sáng đã nguyên minh, bật anh dậy, đẩy anh về nghệ thuật, gom góp áng văn chương các bạn viết cho mình, những áng văn thơ anh gìn giữ bao năm qua, anh sẽ bỏ cả vào một quyển sách, anh sẽ làm thật đẹp, đúng vậy! điều anh muốn làm từ lâu, vì bận rộn với các tác phẩm khác anh chưa làm. Bài vở anh đã có trong tay, không phiền nhiễu ai, sao không làm trong lúc này, mọi người đang buồn bã quá, phải làm một điều gì xứng đáng, vượt qua âu lo của tương lai vô định, tìm về với văn chương. Nhớ các bạn, và anh gọi. Điều dễ thương nhất là anh không quên tôi, anh gọi luôn cô em nhỏ, chưa có bài nào viết cho anh, điều dễ hiểu vì tôi không phải là một nhà văn, lại không có tên tuổi như các bạn anh, tôi cảm động đến thẫn thờ, biết được mỹ ý anh đang cho tôi vào chung với những người bạn anh yêu quý, gom các bài viết này vào tác phẩm anh muốn để lại trần gian. Tôi mường tượng ra anh khi có ý nghĩ làm tác phẩm này, trên khuôn mặt vô tư đó, đôi mắt anh đang sáng lên, niềm vui thường làm anh lúng túng, anh nói nhiều hơn che dấu hạnh phúc mình. Giờ này mọi người đang cách ly, không gặp được ai, anh sẽ chuyện trò với tác phẩm của từng người bạn, ý nghĩa của đời sống! Anh như đoá hoa nhỏ bé tinh khiết trong vườn, nở ra vào một ngày Xuân tươi đẹp, đóa hoa vô nhiễm. Nhìn đoá hoa, tôi nhìn ra hạnh phúc, quên hết những muộn phiền…

Đêm qua, ba cây đào vườn sau thì thầm gì với nhau, sáng nay trong nắng Xuân những nụ hồng vừa hé nở. Những nụ hoa nho nhỏ lung lay trong gió, nhắn nhủ nhau: ngoài kia…bao đoá hoa… đang chờ tiếng gọi.

duyên
05/01/2020.

Trích trong Tác Giả & Tác Phẩm Nguyên Mình. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, năm 2020.

3

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023