SỐ 99 - THÁNG 7 NĂM 2023

Con gái

Cao Vị Khanh

oiseau-de-feu

Hoàng Trúc Ly, người thi sĩ vai khoác áo-hào-hoa rất mực, không biết có lần hứng thú ra sao mà làm mấy câu thơ hào hoa quá cỡ...

Ô hay con gái bay nhiều quá
Hai cánh tay mềm như cánh chim

ông ta nói ông ta nằm chiêm bao

ta từ giấc mộng bước gần em
đường phố đầy trăng
hay mặt trời chìm
ô hay con gái bay nhiều quá…

Ờ mà nằm chiêm bao cũng phải. Thấy gái mà như thấy chim (chim là loài động vật có lông vũ, con gái là loài động vật có vú, làm sao mà lẫn lộn được tới vậy!) Thì chỉ có trong chiêm bao mộng mị mới thấy được vậy thôi.

Nhưng mà gì thì gì, thử nhắm mắt lại, đọc lẩm nhẩm trong đầu (hay mở mắt đọc sang sảng cũng được). Thử coi.

Ô hay con gái bay nhiều quá

Ô hay con gái bay nhiều quá

Có thấy gì không? Hay chẳng thấy gì?

Mà thực sự cũng khó thấy thiệt. Khi ngày ngày giờ giờ phút phút cái đầu cứ bị cột vào với những tỉ mỉ tủn mủn của đời sống. Hết stock lên đến stock xuống. Hết nhà xuống giá rồi nhà lên giá. Rồi xăng rồi dầu lên xuống xuống lên. Hết giải phóng phụ nữ tới giải phóng tình dục. Hết bình đẳng nam nữ tới bình đẳng giữa thú và người... v.v... và v.v... Còn gì nữa không? Còn chớ. Còn ba điều bốn chuyện không đâu. Còn cái thằng-hàng-xóm-mới-kéo-về-cái-xe-mới, còn con mẹ láng-giềng-mới-sắm-cái-hột-xoàn... Còn nhiều lắm, đủ thứ trên trời dưới đất, chỉ thiếu có cái gần nhất, một tấm-lòng.

Thử đi. Hở lòng ra một chút đi. Ngày hôm qua, đô-la Canada lên giá bằng đô-la Mỹ nhưng mà trên trời mây trắng cũng có quợn một chút mây xanh, ngoài sông nước bỗng dưng đổi màu vì lồng lộng vô vàn bóng lá mới sang thu…

Thử đi. Biết đâu sẽ thấy

Ô hay con gái bay nhiều quá

Trời, thơ đâu mà nghe trầm thống có thua gì tiếng kêu của ông sư Không Lộ khi đốn ngộ ra thiền.

Làm như cả đời chưa thấy gái không bằng. Ô hay con gái sao nhiều quá! Hay vì nhiều quá nên có thấy được đâu. Mà không thấy (hay không dám thấy) cũng phải. Ở cái thời mà cầm-tay-em-khẽ-nói thì con gái quả là một vật cấm (mà không kỵ). Khổ nỗi thói đời hể càng cấm thì càng thèm (chẳng phải chính trái cấm ở thiên đàng đã dẫn Adam và Eve tuốt xuống trẩn gian để nếm mùi lạc thú của trần thế đó sao!) Bởi vậy, bởi không kỵ mà lại cấm, cấm kỵ kỵ cấm cứ lộn tùng phèo nên cứ sanh ra những chuyện đời tréo nghoe cẳng ngỗng. Có khi nhìn mà không thấy. Có khi thấy dẫu không nhìn. Mà nếu có thấy thì thường cũng giả tảng như không. Yêu nhau từ độ bao giờ. Gặp nhau giả bộ hững hờ khói sương (**). Có cái gì đó lạ lắm, thời đó. Yêu “con gái” thì không ai cản. Thương cũng không ai trù. Mà điều yêu thương phải biết điều một chút. Từ từ. Kín đáo. Len lén. (mà thầm lặng ôm mối hận lòng càng tốt!) Yêu mà nhảy nhỏm lên la hoảng “tôi yêu” “tôi yêu” thì có đường bị mắng là hổng hư thân thì cũng mất nết… Kỳ há.

Yêu là lời thú tội chân thật nhất của con người (chân thật bằng-năm-bằng-mười những bản tuyên ngôn hay tuyên cáo cứ được phát thanh ra rả). Vậy mà cũng bị bài bác như cái loại tuyên truyền xỏ lá ba que. Thiệt ra, ai mà hổng có tự ái, nhất là tự ái của các đấng trượng phu. Vậy mà lỡ phải lòng ai rồi là cứ phải nín thinh. Thò-tay-anh-ngắt-cọng-ngò- thương-em-đứt-ruột-giả-đò-ngó-lơ. Con mắt ngó lơ mà chắc cái lòng ngó lại. Bởi vậy mà thử lật mấy trang nhật ký nhật trình của mấy anh con trai mới lớn thời đó ra coi có phải toản là thơ thất tình thất chí thất bại thất vọng cả trăm cái thất dù là chưa một lần mở miệng ấp a ấp úng nói... tui yêu em. Chưa biết tên nàng biết tuổi nàng mà sầu trong dạ đã mang mang. Tội tình chi lắm vậy cà! Khổ nỗi tại cái đời nó vậy, nó kỳ vậy đó. Mà rồi nếu có bậm gan trợn mắt mở miệng thì cũng phải dòm trước dòm sau, uốn lưỡi mười bốn lần làm như cà-lăm không bằng (hổng phải sợ nói trật, mà sợ… người ta nghe!) rồi mới dám thổ lộ… Cái gì mà khó tới vậy. Ờ mà khó vậy đó. Dù cái người tôi yêu là con gái, giống cái, xuôi ngược gì cũng rất hợp âm dương.

Thì đã nói mà. Hồi đó vậy đó. Làm như giống cái, đàn bà, con gái, thiếu nữ, xíu-chẽ, tiểu thơ… hồi đó hổng phải là người ta mà là tiên, là thánh… hay là khủng long hay là ma quái gì đâu á. Nhớ lại coi, người nữ đầu tiên đã gặp. Có run run, có muốn đau tim không thì biết. Những triệu chứng vừa kể, y khoa bây giờ biểu là do chất adrénalin tiết ra. Mà hễ có chất đó tiết ra nghĩa là trong người có gì đó nhiễu loạn, có gì đó kích thích dữ dội lắm. (Mà cái gì kích thích hoặc kích thích cái gì. Ai biết đâu. Hồi đó có ai cho biết đâu). Hổng kích thích thì cũng là một trạng thái bấn loạn của tâm-sinh-lý. Mà hễ có bấn loạn là có không bình thường rồi. Mà đã không bình thường là chắc tại gặp cái gì lạ lắm, lạ hơn mình, lạ hơn bình thường. Mà thật ra con gái hồi đó cũng giống như bây giờ thôi, đâu có nanh dài ba thước mà chỉ có răng hột lựu, lưỡi dài đâu tới ba gang mà chỉ có môi ướt như son, mặt đâu có dài xanh mét mà lại còn có gò má mận hồng đào nữa là khác.

Vậy đó mà hồi đó vậy đó.

Cho nên mới bảo cái câu thơ của Hoàng Trúc Ly, thời đó, như một công án thiền là vậy. Cứ y như là khám phá ra một cái gì quá ư là… quá ể!

Ô hay con gái bay nhiều quá.

Mà điều ở xứ ta có bao giờ thiếu con gái đâu mà khi không rồi la lên vậy... Không thiếu có nghĩa là đủ. Mà không chừng còn dư nữa là khác vì ở cái xứ từng huênh hoang đốt-cả-Trường-sơn-đi-cứu-nước này trai thiếu gái thừa là cái chắc. Như vậy, chẳng những không thiếu mà còn dư nữa. Còn dư nghĩa là nhiều lắm. Nhiều lắm nghĩa là đầy dẫy ra đó. Trong nhà ngoài ngõ, hổng chừng lên tới chỗ mấy-dặm-sơn-khê cũng còn hoa mắt nữa là khác. Hổng tin ở Sài-gòn, trưa chiều ra đón mấy cổng trường Gia Long, Trưng Vương hay Lê văn Duyệt thử coi, ở Huế thì chầu cổng Ðồng Khánh, Cần Thơ thì chực cửa Ðoàn thị Ðiểm. Mỹ Tho thì lấp ló Lê Ngọc Hân. Ấy là chưa kể tới chuyện đi xe đò về miền đông hay miền tây lại thử mấy cái trường hỗn hợp̣ (trai gái học chung) ở mấy cái tỉnh lẻ tẻ sẽ thấy… ôi thôi con gái đâu nhiều thế! Nhiều lắm. Vậy cớ sự gì mà ông Hoàng Trúc Ly ổng la làng lên như vậy.

“Ô hay”, phải là ngạc nhiên lắm, phải là quái lạ lắm, phải là giựt mình lắm mới... ô hay được. La hoảng lên như kiểu Tề Thiên phò Tam Tạng đi Tây Vực thỉnh kinh, mỗi lần (cả ngàn lần mà lần nào cũng vậy) hể thấy mấy con yêu nữ chờn vờn phục kích là y như rằng la hoác lên : “có quỷ, có quỷ”. Mà có xa lạ gì đâu mấy con quỷ cái hay mấy thằng ma vương ma đầu đó đâu. Ðường đi Tây Vực xa ngàn dặm, mà lòng người ta thì ma quỷ mấy hồi, nên cái chuyện gặp ma quỷ chặn đường phải kể là như ăn cơm… chay mỗi bữa. Vậy mà cũng la. Thì ra cái chuyện Tề Thiên la lối om sòm như vậy cũng giống như mấy cái tấm bảng “ xe qua cầu, coi chừng đứt thắng” vậy thôi. Có đó mà có ai để ý tới đâu.

Thật vậy đó. Ô hay con gái bay nhiều quá! Thì cũng nghĩa như tấm bảng “coi chừng, con gái”. Bằng chứng là la lên như vậy rồi ông ta chắp lên đôi tay con gái đôi cánh chim. Ðã là chim thì rồi đến một lúc nào đó sẽ bay mất. Còn chi trong giả tưởng, hay một vết chim bay**. Có gì phiền hà đâu mà coi chừng coi đổi. Thật ra, kêu như vậy, kêu như hòa thượng đốn ngộ hay như Tề Thiên gặp yêu nữ chỉ là (mượn chữ của Nguyễn Bính)… chỉ là… là yêu quá đấy mà thôi! Ðã yêu như vậy, yêu gái tới như vậy, nên gặp được thì la lên. Chớ ai mà không biết con gái là… con gái!?

Có điều dẫu nghe như vô nghĩa, lãng nhách, nhưng rồi trong cái hoàn cảnh cấm cản cực kỳ cùng cực đó mà lần đầu có người la lên (tại mình có dám la đâu!) làm sao không khoái trá cho được. La lên cho trời biết đất biết. Dõng dạc la lên. Ðường hoàng la lên. La lên cho chín cõi thiên địa phong trần này hay. Tôi (ông Hoàng Trúc Ly) gặp con gái! Tôi gặp con gái! Mà tôi gặp con gái thì cũng có nghĩa là tôi yêu con gái, tôi mê con gái! Nói thật thì mích lòng mà lần nói thật này có mích lòng ai đâu ngoài mấy ông chi-hồ-giả-dã.

Làm thơ hồi đó kể cả từ thời tiền chiến chưa có ai kêu lên một tiếng rạch ròi, chân thật như vậy. Hổng “em” thì “nàng”, hổng “nàng” thì “cô”, hổng “cô” thì trở lại “em”… vừa cũ xì, vừa chung chung, vừa trớt quớt cái bản lai diện mục. Chưa biết tên nàng biết tuổi nàng mà sầu trong dạ đã mang mang, vậy mà đã yêu, yêu một người không tên không tuổi, vậy thì yêu cái gì nếu không phải là yêu chính cái con người đó, con người thật, xương thịt tóc tai mặt mũi, tay thuông chân dài, con người trống trơn, chưa có quần áo trang phục nghĩa là chưa có che đậy, chưa có che đậy nghĩa là không có giấu diếm, không có giấu diếm nghĩa là không có gian trá, không có gian trá nghĩa là yêu thật vô cùng. Ôi còn gì hơn thứ tình yêu chân thật, tình yêu không bơm không độn, không trang phục, không mỹ viện cũng chẳng bằng cấp, tiền tài hay danh vọng gì gì che phủ bên ngoài. Ai trong đời không mơ ước được gặp gỡ một tình yêu như vậy. Vậy thì yêu em Hồng, yêu em Ngọc, yêu cô ca sĩ …, yêu bà luật sư…., yêu chị nhân công…, gì gì cũng là chưa yêu ngay boong cái diện mục bản lai của tình yêu. Còn cái tên, cái tuổi, cái chức, cái tiền… thì vẫn còn là thứ rượu cồn chưa cao tới chín chục chữ. Những thứ đó chẳng qua như tấm áo chiếc quần trùm quấn cột ghịt cốt để che đậy một cái gì cần che đậy. Mà thật ra tình yêu có cái gì phải che đậy đây hở trời! Yêu gái, yêu con gái, yêu chính cái yếu tính của người ta thì mới là yêu!

Như vậy, hỏi coi làm sao không phục, không khoái cái câu thơ của Hoàng Trúc Ly cho đành.

Ô hay con gái bay nhiều quá!

Gặp con gái là nói gặp con gái, hổng có Hồng Hồng Tuyết Tuyết gì ráo, con gái nhiều quá làm tôi chới với muốn ngộp thở là tôi nói tôi ú ớ. Nói đúng cái cốt lõi, ngay boong cái vấn đề. Thơ đó. Phải không.

Có điều bây giớ nói thì dễ, chớ nếu trí nhớ đã không quá lười biếng thì hình như hồi đó (những năm sáu mươi, bảy mươi và xa hơn nữa) cũng ít ai dám nói thẳng như vậy. Dĩ nhiên không còn nương tử với lại tiểu thơ nữa, nhưng cũng ít ai dùng hai tiếng “con gái” để gọi… con gái! Làm như thơ hồi đó ra chiều trịnh trọng lắm với người đẹp. Mà hễ trịnh trọng rồi còn có cái sướng của tự nhiên không?

Nghĩ như vậy rồi lại đâm ra phục mấy ông thi sĩ. Ông ta là loại người dám yêu (dù yêu thầm), dám nói (dù nói trỏng). Có điều cũng phải nói thêm. Cái loài thi sĩ là loài động vật có bệnh trầm cảm. Gió nhẹ ông ta cũng sầu. Gió lớn nhiều khi ông ta cũng không vui. Giữa vui ông ta cũng thấy buồn. Giữa buồn hổng chừng ông ta lại buồn hơn. Ðã hay buồn như vậy thì để tồn sinh chắc không có cách nào chuyên trị hơn bằng cách yêu đương vớ vẩn. Ðã có biết bao nhiêu chuyện thi nhân và mỹ nữ. Mà thiệt tình có thiệt là thi nhân yêu mỹ nữ hay không. Năm này qua năm khác, nghe ông nhà thơ này ông nhà văn kia kêu rêu thảm thiết, ới Quyên ơi, ới Thơ, ới Ngọc ơi, ơi Ðào, Lê, Tuyết, Lựu ơi… hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm, anh nhớ em (lại em!!), em hỡi, anh nhớ em…(*) nghe mà nát cả lòng. Có điều có chắc không cái cô em đó thiệt là Ðào Lê Tuyết Lựu… hay là Bầu Bí Hủ Hoa gì đó. Ðôi khi ông ta chỉ mượn một cái tên, một dáng mặt, một cái mũi của người này chắp với cặp môi của người kia, nối thêm vào mái tóc của người nọ làm thành một NHAN SẮC để có cớ mà mê, mà yêu, mà tình tự… rồi tặng lại cho đời vài ba câu thơ tương tư cho đời thương cảm, hay vài ba câu truyện tình trắc trở cho đời chảy nước mắt cho… vui. Cũng có khi, ông ta chộp đại một dung nhan nào đó, trong một dịp bèo nước tương phùng nào đó, rồi dựng lên một thứ tình sử mà cốt chỉ để làm khung cho nỗi khắc khoải của mình về một lý tưởng nghệ thuật, thứ lý tưởng xa vời và bí hiểm như nụ cười không-đâu-ra-đâu của Monna Lisa trong bức tranh La Joconde vậy thôi. Vậy chớ mấy trăm năm rồi có ai giải thích cho đúng ý (mà có cái ý gì không đã) của bà ta về cái nhếch môi đó đâu. Thiên hạ thì cứ tranh cãi dài dài.

Ngay cả cái ông Khổng Tử nghiêm trang rất mực, chọc lét cũng không cười mà cũng có khi chơi cái trò giả mù sa mưa đó. Cữu thời ngô bất phục mộng mỹ nhân. Hai chữ mỹ nhân này mà dịch là người đẹp thì có màn bị nọc ra đánh đòn ngoài văn miếu!

Nói vậy không có nghĩa là thơ văn chỉ toàn láo khoét. Nếu vậy thì làm sao thơ văn dỗ được lòng người. Chẳng qua, tưởng riết rồi tưởng thiệt nên văn chương mới áo não lâm ly như vậy. Chớ hư cấu thì vẫn hoàn là hư cấu.

Bởi vậy mà níu áo mấy ông nhà văn nhà thơ đòi truy tầm lý lịch có nhiều khi là đẩy ông ta vào chỗ nghiệt cùng. Lắm khi rồi lại xảy ra chuyện quanh co tròng tréo. Mà làm vậy chi cho mệt. Ôi cõi người có bao nhiêu. Mà tình sầu vô lượng … (**)

Không nghe ông Xuân Diệu nói sao…

Tôi chỉ là con chim đến từ núi lạ
ngứa cổ hót chơi

Hót chơi thôi mà!

Hót chơi thì nghe chơi mới đúng điệu chớ. Ðọc thử vài đoạn của một lời “hót lạ”, coi có vừa dạ chút nào không.

Ðường vào tình sử. Ðinh Hùng.

Khi tóc mùa xuân dài trước cửa
Khi nắng chiêm bao khẽ chớp hàng mi
Khi những con thuyền chở mộng ra đi
Giấc mộng phiêu lưu như bầy hải đảo
Kỷ niệm trở về, nắm tay nhau hiền dịu
Ngón tay thơm vàng phấn bướm đa tình
Anh sẽ tìm em như tìm một hành tinh
Mặc trái đất sắp tan vào mộng ảo
……………………………………………
Anh sẽ tìm em chiều nào tận thế
Khi những sầu thương cất cánh xa bay
Khi những giận hờn, khi những mê say
Khi tất cả hiện nguyên hình ảo mộng
Giọt lệ hoa niên cung đàn hoài vọng
Và những hương thơm tình ái trao duyên
Những không gian thăm thẳm mắt u huyền
Những vạt áo bỗng trở màu sông biển
Chúng ta đến, mùa xuân thay sắc diện
Chúng ta đi mùa hạ vụt phai nhòa
Gương mặt mùa thu phút chốc phôi pha
Ta dừng gót chợt mùa đông tàn phế
………………………………………….
Em ơi! Vệt nắng phù kiều uốn mình ô thước
Ta, suốt đời ngư phủ
Thả con thuyền trên mái tóc em buồn lênh đênh
Ôi chao! dĩ vãng. Dĩ vãng thần linh
Một phút, một giây nhìn ta ngàn kiếp
Lời nói bâng khuâng! Bàn tay duyên nghiệp
Thầm gọi cỏ hoa sang tự tình
Anh nhìn em như chiêm ngưỡng một hành tinh

Chữ nghĩa gấm hoa như vậy nghe ra có đủ đã chưa. Nếu đã thì còn đòi chi nữa cái chuyện cơ duyên cho nó mệt. Rồi đâm ra phiền não mà thiệt cái thân. Cái loài thi sĩ ấy! Kệ mấy ổng yêu, mấy ổng mê, mấy ổng làm thơ tả tình tả oán gì đó thì tả. Có mất mát gì đâu. Cái loài thi sĩ đó! Có chết chóc ai đâu.

Ðược vậy quả là ba sinh hữu hạnh cho cái loài thi sĩ. Cái loài thương vay khóc mướn, hẵn cũng đã nhận căn phần không lấy gì làm may mắn cho lắm.

Sống trọn một kiếp người, nhả tằm trả lại cho tơ, không đáng được một lần vinh danh sao còn bày đặt đòi chi món nợ chỉ vay hờ mà phải trả cả lời lẫn vốn.

Anh Từ Thế Mộng ơi, anh mất rồi, tôi mới được đọc đôi dòng tiểu sử, in trang trọng ở bìa sau tập thơ in bên bển. Nhìn hình anh, kê ống sáo áp môi với mấy ngón tay bấm nốt điệu hết sảy, trông phong lưu nào có kém chi Tư Mã Tương Như đang trổi khúc Phượng Cầu Hoàng. Tiểu sử thiệt đơn giản mà làm tôi khoái làm sao… Từ Thế Mộng, tên thật là Nguyễn Ðình Tư, bạn bè thân mật thường gọi là Tư Ðình. Tính rất mê gái, thấy gái đẹp là mắt sáng rỡ….

“Mê gái đẹp” có phải là “đức tính” của những kẻ mơ-với-trăng-và-vơ-vẩn-cùng-mây!

Tôi đọc lại câu thơ này cho anh ở trển anh nghe coi có phiêu phiêu chút nào không anh há

Ô hay con gái bay nhiều quá!

marc-chagall_over-the-town-02

Cho hay danh sĩ với giai nhân cùng một kiếp hoa nghiêm nặng nợ! (***)

CAO VỊ KHANH 


(*) Xuân Diệu
(**) Phạm Thiên Thư
(***) Chu Mạnh Trinh
+ Tranh của Marc Chagall

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023