SỐ 99 - THÁNG 7 NĂM 2023

Giới thiệu sách mới

“Xếp Màu Cho Tuổi” & “Ngồi Nhớ Ca Dao”
Thơ Đặng Toản

 1     2

Tác giả xuất bản

3
Nhà thơ Đặng Toản
(Trương Đình Uyên vẽ)

Văn Nghệ Biển Khơi chân thành cảm ơn Nhà thơ Đặng Toản và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc khắp nơi.

 oOo

 Vài Ghi Nhận Về Thơ Đặng Toản

Hai Trầu


Theo như tóm lược vài hàng về tiểu sử ở bìa sau tập thơ “6/8 Đặng Toản”, thi phẩm đầu tay do Thư Ấn Quán (New Jersey, Hoa Kỳ) ấn hành năm 2020, thì tác giả Đặng Toản sanh năm 1960 tại Nha Trang, quê quán Quảng Nam – Đà Nẵng; định cư tại Mỹ năm 2003 và hiện cư ngụ tại Houston; “yêu thơ và làm thơ nghiệp dư”; tức là tác giả còn rất trẻ so với nhiều anh chị văn nghệ sĩ trong vùng nhưng khi có dịp tiếp xúc và trò chuyện với Đặng Toản, lúc bấy giờ tôi mới thấy thơ Đặng Toản không phải là thơ của người “làm thơ nghiệp dư” (nói theo từ ngữ bây giờ) như tác giả thố lộ.

Thật vậy, bạn có thấy đứa trẻ nào mới bước vào đời mà dám nghĩ rằng mình sẽ “đo vũ trụ” bằng cách nào? Thì đây, với một bài thơ lục bát dài tới 108 đoạn, mỗi đoạn bốn câu, chung quy thành 432 câu, nói về cách do vũ trụ của mình. Tác giả phải là người giàu cảm xúc, suy tư rất lâu và nghĩ ngợi rất nhiều, rồi góp nhặt trên từng trang đời của chính mình mới có thể có nhiều lời kiến giải về cách đo vũ trụ của riêng mình mà không phải bất cứ tác giả nào cũng có cách làm thơ khá đặc biệt và khá lạ như vậy! Và đây là đoạn thơ mở đầu:

“Tôi đo vũ trụ tim tôi
Còn nguyên đứa trẻ mồ côi quê nhà
Bước trên quê mới bôn ba
Viễn trông theo bóng chiều quê xưa”

(Đo Vũ Trụ, trích trong Ngồi Nhớ Ca Dao, trang 6)

Theo nhà bình luận Đoàn Nhã-Văn, thì:

“Cách đo của Đặng Toản chẳng giống ai. Đo bằng tâm thế thay đổi ở những giai đoạn khác nhau trong một đời người. Ông đo bằng: rã rời, hao gầy, cuồng nộ, hiền minh; nhưng cũng có lúc bằng mỏi mòn, chán chường, tuyệt vọng, v.v. Dù đo bằng cách nào đi nữa, độc giả vẫn thấy được một trái tim đã đập những nhịp đập tha thiết với cuộc đời. Khi chữ nghĩa khởi đi từ trái tim nồng nàn với cuộc đời như thế, thì cho dù có những chỗ chưa chắc lọc, nó vẫn làm rung động những độc giả khó tánh.”
(Trích bài Đặng Toản – Người Đo Vũ Trụ Không Bằng Ba Chiều Không Gian của Đoàn Nhã-Văn, tháng 3/2022, trong thi tập Ngồi Nhớ Ca Dao, trang 47).

“Đo vũ trụ” xong, Đặng Toản còn muốn đi tìm coi vũ trụ có màu gì nơi trang 326 trong thi tập “Xếp Màu Cho Tuổi” với đoạn thơ mở đầu:

“Khi hiểu rõ hơn về bản sắc của màu
Anh không thể nào
Chê một con quạ
Và khen một con công
Như cách mà xưa nay anh vẫn thường suy nghĩ”

Tiếp theo với nhiều cách giải thích về màu của vũ trụ, tác giả có câu kết về “vũ trụ màu gì?”:

“Qua màn hình vi tính nhiễu sắc
Khi anh tự hỏi một câu
Vũ trụ màu gì?
Anh biết không còn ai có thể trả lời chính xác
Bởi lẽ các bậc thiên tài Newton, Einstein và Stephen
Hawking đều đã chết
Huống hồ anh còn chưa biết màu của nỗi nhớ
Màu của tao nôi, màu của ca dao, màu khóc, màu cười…
Một hôm anh gặp vị thần ánh sáng
Và hỏi điều này
Thần ánh sáng đăm chiêu
Ta tự biết mình là bảy màu
Nhưng màu của vũ trụ ư?
Ta chịu
Ngươi hãy về mà tự hỏi giấc mơ!”

(Houston, 14/5/2021)

Và còn nữa, Đặng Toản dường như luôn bị ám ảnh bởi màu sắc với nhiều tầng bậc cùng những trăn trở về nỗi mình và nỗi người qua những gian truân trong dòng đời… Xin mời bạn nghe Đặng Toản “xếp màu cho tuổi” với những cách sắp xếp rất riêng của anh nhưng lại ghim thành một chuỗi màu rất dài:

“Anh nói cùng hư hao. Sẽ ghim màu thành chuỗi.
Ký ức thầm lao xao… Hãy thêm màu vào tuổi.

Huynh gán màu cho muội, Màu xanh non dậy thì.
Tuổi dỗi hờn vàng chuối. Tuổi dại khờ màu chi?”

Dà, còn nhiều màu cho nhiều đối tượng nữa mà tác giả muốn đem sắp xếp cho mỗi chặng đời, mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm cảm khác nhau… Chẳng hạn như:

“Anh xếp màu thiệt thà, bên tuổi đời lừa lọc.
Anh xếp màu dè sẻn, vào tuổi đời phí hoang…”

Rồi cuối cùng, tác giả kết:

“Tuổi học trò bảy sắc; Gắn quạt bàn anh quay
Thành màu ngây ngất trắng; Như mộng sớm mai này.”
(Houston, 20/3/2021)

Thế đó, bạn không thấy ngạc nhiên về những ý thơ lạ ở Đặng Toản sao?

Rồi nhắc tới “buồn”, bạn có biết nhà thơ Đặng Toản có bao nhiêu cách buồn không? Thì đây, tác giả có cả một bài thơ dài với cái tựa “Lục bát buồn” gồm 22 câu và mỗi câu là một nỗi buồn riêng mà dường như lúc nào cũng hiu hắt, bất tận:

“Buồn bên anh, buồn bên em, buồn năm xưa, buồn hôm nay, buồn quê hương, buồn trăm năm, buồn sân anh, buồn cơn dông hạ, buồn ta, buồn bưng mặt khóc, buồn điêu linh, buồn miên man, buồn bên ni, buồn bên tê, buồn như lửa đốt, buồn như con nít, buồn tê tái buồn đa đoan, buồn khi nhặt cánh hoa, buồn đá cứng chân mềm, buồn rơi rụng, buồn đêm nay, buồn đêm mai…”(Ngồi Nhớ Ca Dao, trang 137)

Nhưng có lẽ cái thời còn là học trò lớp Đệ Tam (tức lớp 10 sau này), gia đình tác giả đang ở Nha Trang, rồi sau 1975, thân phụ bị đi “cải tạo”, gia đình buộc phải dời đi tới vùng kinh tế mới ở Gia Lành, thuộc quận Di Linh (tỉnh Lâm Đồng cũ) mới thật sự là nỗi ám ảnh triền miên ở một người con khi nghĩ về các đấng sanh thành và nghĩ về thân phận chính mình qua bài thơ “Dụ ngôn tháng tư”:

(…)
Hoa niên cánh rụng tàn.
Cha thành tên tội phạm.
Mẹ đêm nằm ho khan.
Đếm ngày vơi cõi tạm
Ta đốt buồn trên sân.
Nhìn vầng trăng ảm đạm.
Ôn cố rồi tri tân.
Trong hoàng hôn lịm xám.
Sáng ra vác cây cuốc.
Vào rẫy chào cây rừng.
Ngước đầu nhìn khói thuốc.
Lệ cứ trào rưng rưng.
Tháng tư lòng hoang phế.
Tháng tư đời thiên tai.
Xuân này bòn xuân kế.
Đêm nay vùi đêm mai.
Xuân rồi hoa chẳng nở.
Dòng suối vắng chân quỳ.
Cha cúi đầu trả nợ.
Quê hương buồn như ri.
Tháng tư buồn không nói.
Tháng tư trầy đôi vai.
Bóng nào bên truông mỏi.
Vẫy tay chào giêng hai.
Lệ rơi tràn luống chữ.
Dụ ngôn thầm bên tai.
Lệ lăn vào quá khứ.
Dụ ngôn vờn tương lai.
Tháng tư buồn xâm thực
Tháng tư sầu kinh niên
Đá gầm lăn xuống vực
Lệ chảy vào vô biên
Tháng tư tờ lịch bóc.
Dòng lệ nhòa con ngươi
Xin một lần được khóc
Cho trọn ngày ba mươi!”

(Kinh tế mới Gia Lành, Di Linh)
30/4/1984

Dà, thưa bạn, tôi rất hiểu nỗi đau đời chất ngất ấy của những đứa trẻ còn đang tuổi học trò mà vì hoàn cảnh phải theo gia đình lên các vùng “kinh tế mới”. Vào những năm 1976-1977, lúc bấy giờ tôi vô rừng tràm Kinh Năm miệt mài đi đốn tràm, phá rừng trồng khóm năm sáu năm dài, nên trên đường mòn đi vô rừng tràm, tôi có dịp đi qua các căn nhà chòi lợp bằng lá dừa mới dựng bên bờ Kinh Năm (Chương Thiện) còn tươi màu lá dừa nước mới đốn với những em bé tuổi học trò từ Cần Thơ cùng gia đình phải vô chỗ rừng này để sống với một môi trường vừa quê mùa vừa cơ khổ thì thật đáng cảm thương biết bao!

Rồi tôi lại chứng kiến ngay chỗ miệt quê tôi, vùng Lấp Vò, có nhiều người có quê quán ngoài Nha Trang, ngoài Huế, trên Đà Lạt, ngoài Quảng Trị … lại phải theo dòng đời xuống quê tôi ngự cư và làm ruộng như gia đình anh bạn của ông anh Năm tôi, tác giả cuốn hồi ký “Nặng Gánh Ân Tình”… Những cảnh đời ấy cho tôi có thêm cái thấu cảm về những gia đình phải bỏ quê quán thị thành của mình để “đi kinh tế mới” là cái nỗi thấu cảm có thật trong lòng tôi từ độ ấy, từ những năm cách nay gần tròn nửa thế kỷ, mà sao trong lòng tôi vẫn không quên được những chua xót của những người phải bỏ quê mình đi xứ khác như gia đình của Đặng Toản ngày ấy!

Dà, để thay lời kết về vài ghi nhận này, tôi xin trân trọng kính mời bạn nhín chút thời giờ quý báu ghé ngang qua đây để nghe nỗi niềm của Đặng Toản với bài thơ “Đêm Không Ngủ Trước Khi Về Thăm Nhà”, tác giả sáng tác cách nay 41 năm và cũng để biết thêm vì sao Đặng Toản có thêm tên gọi rất khắng khít khác trong giao tiếp trên trang nhà của anh là “Bích Thượng Thổ” (vùng đất cao màu xanh):

Đêm Không Ngủ Trước Khi Về Thăm Nhà

“Thưa mẹ!
Mai con sẽ về vùng cao xa xôi đó
Vùng đất thật lành
Trên mình nó có chở mẹ và anh chị em con
Vùng đất hôm nao
Khi chúng con vừa lớn
Theo mẹ đến nơi
Như đàn gà con líu ríu bươn chải kiếm mồi
Vì vốn sợ phố phường tình người u ám
Từ ngày cha lưng còng, xiềng xích nặng trên vai
Mùa xuân đến cao nguyên rất nắng?
Đường đất đỏ khô gió cuốn bụi mù
Bụi phủ mờ
Những khung cửa ố hoen màu những song sắt cũ
Khung cửa mà em con vẫn hay ngồi bên cạnh
Để vui để buồn
Để nhớ bâng quơ
Hay để khóc một mình sau những lần mẹ mắng
Khi ngoài sân gió lũ lượt kéo về
Hiu hắt lòng người…
Xơ xác đám dâu khô
Xuân vùng cao năm nay có gì lạ không hở mẹ?
Hay vẫn chỉ là ngọn gió mùa Đông-Nam, Tây-Bắc?
Tặng vật thiên nhiên vẫn nhiều cơn gió lốc
Xoáy mạnh điên cuồng, như chiếc đũa vô hình
quậy động giữa thinh không
Bóng anh con trơ trọi đứng giữa đồng
Ruộng đất khô cằn, nứt nẻ lọt bàn chân

Ngước lên cao hỏi cơn gió xoay vần
Sao chưa có mưa, chở mùa màng về đây no ấm?
Con nhớ những chiều mưa trời giăng đầy mây xám
Dấu bánh gai xe cắn nát mặt đường lầy
Con trở về nhà mình ướt lạnh run khi chiều
xuống nhá nhem
Mẹ vẫn ngồi trong bếp, chờ đun sôi nồi nước tắm
Nhớ những dốc thẳm cheo leo, chân qua ngàn bận
Núi đồi cao, thung lũng ngút ngàn xanh
Khu rừng xa từng đụn khói mong manh
Sườn đá chênh vênh, thở sương chiều sau những
cơn mưa rào ngày hạn
Rừng núi thâm u mùa khô khoác tấm áo choàng
đêm bằng một vùng sương loãng
Đính hoa thêu những đám cháy rừng hừng hực
lửa thâu đêm…

Ngày xanh nắng nhẹ trời êm
Thông kim lá trải thảm mềm dưới chân…
Mơ ngày rũ áo phong trần
Con về nằm xuống nghe gần tuổi thơ.”

(Chợ Lớn, 1982)
(Trích trong thi tập Xếp Màu Cho Tuổi, năm 2022, trang 7)
Dà, tôi nghĩ chắc bạn có lúc không khỏi bồi hồi trong lòng mình cùng nỗi niềm xót xa qua những câu thơ vừa rồi của tác giả!
Mong lắm thay!!!

Hai Trầu
(Một người đọc nhà quê già miệt Lấp Vò)
Houston (Lấp Vò), ngày 03 tháng 7 năm 2023

oOo

“Xếp màu cho tuổi”– Dung dị đời thường và đầy nội lực...

28/06/2023
Trần Hoàng Vy

(Đọc tập thơ “Xếp màu cho tuổi”, thơ Đặng Toản, Houston 2022).

Cuối năm 2022, tại Houston, Texas, nhà thơ Đặng Toản cho xuất bản hai tập thơ “Ngồi nhớ ca dao”và “Xếp màu cho tuổi”. Tập “Ngồi nhớ ca dao”gồm những bài lục bát, tái bản lần thứ 3 và có bổ sung. Tôi đặc biệt chú ý đến tập thơ “Xếp màu cho tuổi”, dày đến 442 trang với 173 bài thơ, được ghi năm sáng tác từ 1982 đến 2022, tức 40 năm nhà thơ đã... lao động miệt mài với những vần thơ tâm huyết của mình.

Nhà thơ Đặng Toản sinh năm 1960 tại Nha Trang, quê quán Quảng Nam, Đà Nẵng, hiện là thợ tiện đứng máy cắt ống sắt, thép Laser CNC, tại Houston, Texas, theo anh tâm sự: “Tôi chỉ là người yêu thơ, mê thơ và làm thơ nghiệp dư...”Song qua tập thơ Lục bát “Ngồi nhớ ca dao”, cho thấy, những vần thơ lục bát của Đặng Toản vô cùng nhuần nhị, câu chữ luôn neo vào lòng người đọc với những cảm xúc dung dị, đời thường nhưng cũng rất mới lạ, mà nhà văn Đoàn Nhã Văn đã nhận xét: “Trong thi ca, ít ai dám “chơi”được những chữ như “vô tư”, “tà tà”. “đã đời”, “hà rầm”, “dị òm”... và đặt nó lên trên những trang thơ của mình. Đặt trên những trang văn đã khó, đặt trên những dòng thơ còn khó hơn. Vậy mà ông dường như không băn khoăn gì mấy. Ông “chơi”một cách thoải mái và nhiệt tình... Dù bằng cách nào đi nữa, độc giả vẫn thấy được một trái tim đã đập những nhịp đập tha thiết với cuộc đời. Khi chữ nghĩa khởi đi từ trái tim nồng nàn với cuộc đời như thế, thì cho dù có những chỗ chưa chắt lọc, nó vẫn làm rung động những độc giả khó tính...”( Trang 47, Ngồi nhớ ca dao).

Đã bước qua cái tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận”, song mỗi ngày, Đặng Toản vẫn phải lao động cật lực tại xưởng thép, tranh thủ những giây phút nghỉ “giải lao”hiếm hoi, Đặng Toản lại... làm thơ! Anh từng khoe trên trang Facebook của mình, những tờ bản thảo, từ những tờ giấy vụn sẵn có, với nét chữ vội vàng, nghệch ngoạc, lấm lem dầu của sắt thép, những bài thơ dung dị, đời thường, song đầy ắp những cảm xúc, nỗi niềm của một người yêu thơ và say thơ. Những bài thơ “khác thường”ấy, ngày một dày thêm, để rồi Đặng Toản tập hợp lại cùng với những bài thơ sáng tác khi còn ở quê nhà, hình thành nên thi tập “Xếp màu cho tuổi”xuất bản lần này, như một kỷ niệm, ghi dấu một quá trình dài gắn bó và đến với thơ.

Bài thơ mở đầu thi tập là bài thơ làm khi còn ở quê nhà, được ghi là năm 1982, với tựa đề “Đêm không ngủ trước khi về thăm nhà”( trang 7), với “Một vùng cao xa xôi”nhưng “Vùng đất thật lành”, nơi có những hình ảnh bình thường của cuộc sống “đàn gà con líu ríu bươn chải kiếm mồi”, “Những khung cửa ố hoen màu những song sắt cũ/ Khung cửa mà em con vẫn hay ngồi bên cạnh/ Để vui để buồn/ Để nhớ bâng quơ...”Hình ảnh tràn đầy: “Mẹ vẫn ngồi trong bếp, chờ đun sôi nước tắm”, “Sườn đá chênh vênh, thở sương chiều sau những cơn mưa rào ngày hạn”. Có vẻ như hơi thơ vẫn còn những bộn bề, vụng về của cuộc sống kham khổ, để rồi chút nhẹ nhàng thanh thoát của thơ ở 4 câu lục bát cuối bài: “Ngày xanh nắng nhẹ trời êm/ Thông kim lá trải thảm mềm dưới chân/ Mơ ngày rũ áo phong trần/ Con về nằm xuống nghe gần tuổi thơ”( trang 9).

Năm 1984, khi Đặng Toản nằm ở bệnh viện Di Linh, một ý thơ tạo thành một tứ thơ mới trong bài “Mái tóc mùa đông”, với những liên tưởng buồn, lãng mạn và khá ý vị: “Mùa đông không ngắn như mái tóc/ Gió kéo dài thêm những dải băng mây/ Mùa đông không ấm như mái tóc/ Băng giá đùn cao thấp đỉnh mây”... và “Mái tóc mùa đông không buồn gội/ Hẹn sang xuân chùm kết được mùa/ Mái tóc mùa đông làm biếng chải/ Lược trách gương mờ, gương trách lược xưa”( trang 21).

Bài thơ “Lời mười năm”(trang 34-40), tác giả làm khi còn ở Bảo Lộc, vùng đất quê nhà của một thời gian khó, như một bản tổng kết, cuộc đời, có lẽ tính từ năm 1975 đến thời điểm viết bài thơ, cái vất vả khó nhọc, của những người miền Trung phải vất vả trôi giạt lên tận vùng cao nguyên đất đỏ: “Nắng thu vàng úa đỉnh non/ Mùa thu lầm lũi dáng còm cha đi/ Hội An, Vĩnh Điện/ Tam Kỳ/ Thâm sơn Tiên Lãnh vui gì cha nương/ Mười năm khăn gói ly hương/ Tin người xa vắng mắt thường rưng rưng...” Mười năm ấy, nhà thơ ví như: “Mười năm nòng nọc đứt đuôi/ Cá voi mắc nạn, sóng chuồi bãi nông/ Mười năm đi có về không/ Tàn trông lụi nhớ bên sông ngóng đò”. Những hình ảnh buồn tràn ngập những câu thơ: “Mười năm đời rẫy, đời ruồng/ Mười năm trời đục mây tuôn lệ nhòa”, “Mười năm tách biệt sơn khê/ Mười năm mẹ vấn tóc thề búi tang”. Để rồi, bất lực ngậm ngùi vào thơ: “Mười năm còn lại thân không/ Mười năm còn lại mấy dòng xót cay/ Thơ không nói hết một ngày/ Hoài công mong mỏi giãi bày mười năm...”

Ly hương luôn là nỗi nhớ và khắc khoải trong thơ Đặng Toản, có lẽ đó cũng là nỗi niềm chung? Bài thơ “Cô gái da đen và điệu nhạc Jazz” (trang 59), rưng rưng niềm cảm xúc: “Ngày đầu ly hương quán lạ ghé chân/ Tôi nhấp ngụm whisky đầy khắc khoải/ Ngây ngất chạm điệu Jazz trầm uể oải/ Đốt hoang liêu cùng điếu thuốc lạc loài...” “Môi em lựng mùi gối chăn hoang dại/ Vói tay xa không níu được vai gần/ Vốc lệ đã bốc hơi còn muối cặn/ Bầy dơi về, đậu kín tiếng chuông ngân”. Và “Tôi quay lại không còn em ở đó/ Trống Rumba quyện nhớ gót quay tròn/ Đôi sục sạc lục gì trong tiếng gõ/ Tôi đi tìm... phế tích phiến môi son...” Nỗi nhớ như vẫn còn và cả trong những món ăn thân thuộc quê hương: “Tặng em chiếc bánh lá/ Ăn nhớ trời quê hương/ Gặp nhau nơi xứ lạ/ Vui cùng chung đoạn đường...” Để rồi hoài mong ước: “Bánh lá ơi, bánh lá/ Ăn quên đời tha hương/ Mơ ngày nao bánh lá/ Ăn bên trời quê hương”! ( trang 62).

Và đời thường, cũng chính là cuộc sống mưu sinh của nhà thơ: “Cả ngày lui tới quanh cỗ máy/ Ta vui phận cá ở trong lờ/ Đếm hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy/ Bất ngờ lượm được một vần thơ...” Một chút so sánh hóm hĩnh: “Nơi đây sắt thép nhiều vô kể/ Thích hợp anh hùng luyện giáo gươm/ Ta qua ngó ướm chơi lấy lệ/ Bán, không mua nổi mảnh trăng thề” (Ở hãng ống dầu nhớ CTS, trang 84).

Lẽ thường ly hương thì nhớ cố hương. Đặng Toản vẫn không ngoài lẽ thường tình ấy. Bài thơ “Gửi người cố xứ”, cho dù giọng thơ “hoạt náo”, đùa vui nhưng vẫn chất chứa nỗi ngậm ngùi: “Vậy mà rốt cuộc quê vẫn nhớ/ Bệnh nhớ đâu tè... thuốc lý suông/ Bạn cười... ta chán cơm đòi phở/ Ta chỉ vui thêm chớ chẳng buồn”? Và: “Nơi đây đông lạnh hơn Đà Lạt/ Hạ về nắng chấp cả Tây Ninh/ Nơi đây hàng xóm giao tình nhạt/ Lại đỡ ngồi lê chuyện bất bình”. Đây nữa “... Nơi đây cơm áo đều dư dật/ Việc làm lắm lúc cũng nhiêu khê/ Hằng ngày ta giống con lật đật/ Sáng phóng xe đi, tối lết về”. Cùng một lời hứa: “Bạn ơi đừng có chờ ta nhé/ Ngày thăm quê nào dám hẹn đâu/ Nếu như về được ta hứa sẽ/ Bước xuống sân bay lặng cúi đầu.” (trang 92). Có lẽ không có nỗi đau, buồn nào đủ diễn tả tấm lòng người xa xứ, ly hương...

Bàn về chuyện làm thơ, Đặng Toản cũng có bài viết “Tản mạn về thơ và văn vần”, trong đó, nhà thơ cho rằng “Người viết có nhu cầu rất chủ quan là bộc bạch bày tỏ tâm sự của mình theo một cách riêng...” Song, ngoài cái nhu cầu “bộc bạch, tâm sự đời thường ấy”, Thơ Đặng Toản còn chất đầy nội lực và nội tâm hướng đến một “triết lý sống”, ta có thể tạm gọi là “cuộc sống tâm linh”, hướng đến cái vô ngã của bản ngã, mà cũng có người gọi là “thiền”. Thiền từ những ngẫm nghĩ của đời thường mà “ngộ” chính cuộc sống. Hãy nghe Đặng Toản “ngộ”: “Nắng trong lòng dẫu cạn/ Thắp đủ mùa nhớ phai/ Nước xoi bờ tả ngạn/ Ra bến ngồi ngóng ai?” (Trốn tìm, trang 138). Hay như “Buông đàn ngại vắng tri âm/ Buông sân thiền tự u trầm giọt chuông...” rồi “Buông ly tiếng vỡ giòn tai/ Buông vần hàn sỹ miệt mài cuộc thơ/ Buông tràn điệu ví ầu ơ/ Buông tha nhau để/ Rồi ngơ ngẩn buồn!” (Buông, trang 165).

Bài thơ “Xếp màu cho chữ”(Trang 346), được dùng làm tựa đề chung cho cả tập thơ, là những nỗ lực làm mới, từ những dung dị đời thường, thêm một chút triết lý của cuộc sống, sẽ thành một bức tranh màu, dù chưa thật tuyệt bích, nhưng cũng đủ ấn tượng, ám ảnh người đọc, khi tác giả viết: “Anh nói cùng hư hao. Sẽ ghim màu thành chuỗi/ Ký ức thầm lao xao... Hãy thêm màu vào tuổi/ Huynh gán màu cho muội/ Màu xanh non dậy thì/ Tuổi dỗi hờn vàng chuối/ Tuổi dại khờ màu chi?” Và “Anh xếp màu thiệt thà, bên tuổi đời lừa lọc/ Anh xếp màu dè sẻn, vào tuổi đời phí hoang...” Cuối cùng là “Tuổi học trò bảy sắc. Gắn quạt bàn anh quay/ Thành màu ngây ngất trắng/ Như mộng sớm mai này.”

Bên cạnh là một số bài thơ được cô giáo, dịch giả Võ Thị Như Mai chuyển sang Anh ngữ như các bài “Trốn tìm - Hide and seek”, “Chất đồng vị phóng xạ - Radioactive isotopes”, “Vàng thu nắng mỏi - Yellow autumn in drowsy sunlight”, “Xếp màu cho tuổi - Arranging colours for age” càng tăng thêm sự thi vị cho người đọc, khi muốn khám phá thơ Việt qua một ngôn ngữ khác.

Còn nhiều và rất nhiều bài thơ thú vị khác khẳng định nội lực và sự chuyên nghiệp của nhà thơ Đặng Toản, người viết muốn dành riêng để các thi hữu, bạn đọc yêu thơ, bước vào khu vườn thơ của Toản để cùng chiêm nghiệm và khám phá, chỉ góp một ý nhỏ, giá có lần tái bản sau, Đặng Toản nên “chắt lọc lại”, chỉ nên giữ  tròn trăm bài thơ để tránh những sự trùng lặp, thậm chí có khi vụn vặt trong một số bài thơ mà tác giả... “dễ dãi” đưa vào, khiến người đọc đôi khi phải hụt bước...

– Trần Hoàng Vy
Katy, tháng 6/ 2023
(vietbao.com)

oOo

XẾP MÀU CHO TUỔI
NGỒI NHỚ CA DAO

THƠ ĐẶNG TOẢN (BÍCH THƯỢNG THỔ)

Có lẽ thơ là một sự cứu rỗi nào đó ít nhất với những người xa quê hương và những dòng lục bát của anh cuồn cuộn như nước đổ về nguồn, ngập tràn trong nỗi nhớ thương quê đã quá tơi bời..

Chúng ta đi mang theo quê hương, đúng vậy và anh đã viết, viết miên man, viết liên tục, viết khẩn thiết, viết như sinh mệnh cần được thở và những dòng lục bát như sự cứu rỗi của chính mình!

Quê hương khuất một tầm chiều
Lũy tre xanh, áo lụa điều tứ thân
Quê chừ không chỗ chen chân
Nhớ quê tụng một đôi vần ca dao

Chạp bồi hồi nắm tay giêng
Dẫu nghèo, quê Tết xóm giềng nôn nao
Cội buồn đơm nụ ca dao
Quê ơi ! nhớ quá làm sao mà về

Tôi đo vũ trụ tim tôi
Còn nguyên đứa bé mồ côi quê nhà
Bước trên quê mới bôn ba
Viễn trông theo bóng chiều tà quê xưa

Tôi đo vũ trụ lòng mình
Quyết không ghé lại hành tinh nào buồn
Thoảng khi soi lại cội nguồn
Bỗng dưng nhớ chú chuồn chuồn tuổi thơ

Và anh đã đo lòng mình, đo cả vũ trụ, đo cả càn khôn!

Với tư duy đầy mộng mơ và cả tính triết luận, tâm hồn anh đã bay ra khỏi đời cơm áo..

Bay trong mộng mơ, bay trong hoang tưởng!
Đo ánh sáng và bóng tối, đo nhật nguyệt đầy vơi, đo những thiên hà cách xa hàng ngàn năm ánh sáng, đo những ảo ảnh lẫn khuất nhất trong dằng dặc bóng đêm, và đo cả ưu tư của loài người như con sâu run rẩy, khốn khổ đo từng bước buồn vui đời mình!

Có những bước đo thật tài hoa :

Tôi đo vũ trụ bềnh bồng
Nằm yên tập thở trên sông Ngân Hà
Ngó về trái đất quá xa
Lao theo ánh sáng tan ra muôn chiều.

Tôi đo vũ trụ đôi khi
Nín khe chịu cú song phi của đời
Nén đau thưa với Ngôi Lời
Máu trên thập giá, giọt rơi xóa buồn

Tôi đo vũ trụ mịt mù
Đường bay ánh sáng thiên thu còn gần
Tới nơi thù bạn bất phân
Đạn bom, súng ống không cần nữa đâu

Khi mà con người không còn đau khổ vì thù hận, đạn bom súng ống sẽ phế thải và rỉ sét, chỉ còn cõi thơ tung tăng bềnh bồng, bay vào sự kỳ diệu của vô biên, anh lại làm thơ tình trêu hoa, ghẹo nguyệt, những dòng thơ vô cùng duyên dáng..

Tôi đo vũ trụ lặng thầm
Biết chưa ra khỏi trọn tầm sát thương
Của bao mắt biếc môi hường
Cúi đầu ngồi đốt cỏ tương tư nhìn

Tôi đo vũ trụ run run
Nhớ quê một chút chùn chun thôi mà
Tôi hôn em giữa nương cà
Em giận lẫy, con bướm sà bỗng bay.

Tôi đo vũ trụ xa xăm
In trong đáy mắt lá răm của nàng
Vừa đo qua ngưỡng thiên đàng
Bỗng dưng địa ngục dịu dàng bủa vây.

Tôi đo vũ trụ thịnh suy
Tiễn em tròn mộng vu quy cùng người
Bờ môi đà tắt nụ cười
Mà sao giọt lệ biếng lười chưa lăn?

Thật là dễ thương với cách đo đạc của tác giả, làm thơ kiểu này mà đi tán gái thì nhiều em rụng lắm..

Thơ anh còn rất nhiều bài hay cô đọng, phong phú nhiều thể loại, thảng hoặc vui với chút dí dỏm trào phúng, thảng hoặc buồn, buồn đến tái tê ..

Tiếng thơ nhớ quê của anh buồn kẽo kẹt, xa vắng như tiếng võng mẹ ru, ru con qua bao nhiêu thăng trầm khốn khó, gieo neo của một kiếp người..

Xin trân trọng giới thiệu đến các bạn Thi Tập Lục Bát Ngồi Nhớ Ca Dao, Xếp Màu Cho Tuổi của anh Đặng Toản, hai tập thơ hay xuất sắc mà tác giả đã chắt chiu viết ra bằng tất cả tâm hồn mình.

THỤC UYÊN.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023