SỐ 99 - THÁNG 7 NĂM 2023

Giới Thiệu Truyện Dài

“Đời Thủy Thủ 2”
Vũ Thất

Ảnh bìa: Ethan Trần
Thiết kế bìa: Uyên Nguyên Trần Triết
Dàn trang: Công Nguyễn
Biên tập: Trần Thị Nguyệt Mai
Nhà xuất bản Nhân Ảnh 2023
Sách dày 318 trang
Ấn phí: $20.00

Đã được phát hành và bán:
1) trên mạng Amazon theo link dẫn sau đây:
https://www.amazon.com
2) tại Tự Lực Bookstore
14318 Brookhurst St.
Garden Grove, CA 92843 USA
3) hoặc liên lạc với tác giả: vuthat@yahoo.com

Văn Nghệ Biển Khơi chân thành cảm ơn Nhà văn Vũ Thất và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc khắp nơi.

oOo

TỰA

Truyện dài “Đời Thủy Thủ” của nhà văn Vũ Thất xuất bản lần thứ nhất năm 1969 tại Sài Gòn, Thư Ấn Quán tái bản năm 2012 tại Hoa Kỳ với nhân vật chính Võ Bằng, một sĩ quan Hải Quân trẻ tuổi, mới ra trường, bước đầu vào hải nghiệp.

“Đời Thủy Thủ 2” được viết xong vào tháng 3/2023, 54 năm sau. Nhân vật chính lần này là một người đẹp Nha Mân, sinh viên khoa Sử Địa thuộc Đại học Sư phạm Sài Gòn, cảm tình viên của phong trào sinh viên phản chiến, có người yêu là một kiến trúc sư, nhân viên USAID, con trai một chủ thầu rác cho căn cứ Mỹ ở Quy Nhơn. Thuộc gia đình khá giả nhờ chiến tranh nhưng chàng ta lại đi theo Việt Cộng và muốn lôi kéo người yêu cùng hoạt động với mình. Dù đã được hai bên cha mẹ đồng ý, nhưng nếu hai người muốn cử hành hôn lễ, nàng phải lập thành tích bằng cách cho nổ tung một chiến hạm của Hải quân VNCH.
Mù quáng trước tình yêu cộng thêm những buổi học tập cách mạng, nghe theo lời tuyên truyền “căm thù và chống đối Mỹ Ngụy” của cộng sản, cô bằng lòng dùng giấy phép quá giang giả với tên giả để mang quả bom xuống chiến hạm.

Câu chuyện bắt đầu từ 7 giờ tối ngày thứ sáu 4/8/1967 và kết thúc vào khoảng 9 giờ 30 phút tối chủ nhật 6/8/1967 với hai ngày hai đêm trên biển cả qua các vùng biển Quy Nhơn, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, vịnh Cam Ranh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy, Phước Tuy, vịnh Gành Rái và sông Lòng Tào.

Trong chuyến hải hành dài 50 tiếng đó, qua từng chương sách, tác giả đã khéo léo tỉ mỉ giới thiệu về Hải quân VNCH mà ông chọn làm binh nghiệp. Từ cách phân biệt sĩ quan hạ sĩ quan và thủy thủ đoàn dựa trên kiểu quân phục và cấp bậc đến các ngành nghề chuyên môn cũng như việc thuyên chuyển, thăng cấp trong Hải quân. Rồi cách bày trí, kích cỡ của các phòng trên chiến hạm, cách chọn màu sơn, tiếng còi hiệu thay đổi phiên hải hành hoặc sẵn sàng chiến đấu. Ông cũng giới thiệu các loại chiến hạm, chiến đỉnh, chiến thuyền và duyên đoàn, các loại hiệu kỳ mang những ý nghĩa khác nhau, như tàu đang chở hàng nguy hiểm, tàu đang lâm nạn, tàu đang neo v.v... Cách xác định vị trí tàu trên đại dương để tránh bị giạt vào vùng đá ngầm, bãi cạn.

Qua mỗi hải phận Miền Nam, tác giả nhắc tới các danh lam thắng cảnh kèm theo một câu chuyện về đặc điểm nơi đó, hoặc lịch sử, hay văn nghệ rất lý thú. Cũng có lúc tác giả giới thiệu sách hay phim ảnh nên xem để hiểu rõ hơn về một sự việc được đề cập... Đặc biệt, tác giả kể lại chuyến hải hành xuyên Thái Bình Dương suốt 45 ngày, xuyên nhật đạo nhằm đúng Mồng Một Tết Đinh Mùi 1967 thật thú vị.

Tác giả cũng không quên nhờ chàng Hạm Phó giải thích cho người đẹp Nha Mân vì sao bầu trời và biển có màu xanh, vì sao biển thì xanh mà sóng lại bạc đầu, vì sao mây trôi lang thang, vì sao mỗi dạng mây mang tên khác nhau, vì sao có cầu vồng sau cơn mưa, vì sao có thủy triều, vì sao có bão... Đặc biệt, ở một phiên hải hành ca tiên từ nửa đêm tới bốn giờ sáng, tác giả dùng truyện ngắn Les Étoiles của Alphonse Daudet mào đầu cho chàng và nàng nhắc đến những vì sao, những chòm sao... Đây là một chương đẹp và thơ mộng nhất.

Nhưng trên tất cả, tác giả nhắc tới hiện trạng bất ổn của Miền Nam sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị ám sát. Mặt Trận Giải Phóng xúi giục sinh viên học sinh rầm rộ biểu tình chống đối chính quyền Quốc Gia. Trong khi ấy, Cộng Sản Bắc Việt được Cộng Sản Nga Tàu tích cực yểm trợ súng đạn tối tân hơn, gia tăng xâm nhập Miền Nam, mở nhiều trận đánh kết hợp với Đặc công tăng cường khủng bố nhiều nơi. 

Đặc công người đẹp Nha Mân mang quả bom xuống chiến hạm nhưng lại được Hạm Trưởng, Hạm Phó, thủy thủ đoàn, kể cả cố vấn Mỹ vô tình tiếp đón nồng hậu trên suốt cuộc hải hành. Qua việc tận tai tận mắt nghe thấy sinh hoạt của chiến hạm, thấm thía lòng nhiệt thành bảo vệ Tổ Quốc của mỗi người, liệu cô nàng đặc công có thay đổi ý định hay vẫn sẽ cố sức làm nổ tung con tàu giết chết toàn bộ thủy thủ đoàn?  Câu trả lời sẽ làm hài lòng độc giả vào cuối truyện qua văn phong trong sáng, bố cục chặt chẽ, nội dung hấp dẫn và cuốn hút…   

Nơi đây xin được cảm ơn nhà văn Vũ Thất đã để lại cho những thế hệ sau một tác phẩm văn chương cũng là một tài liệu sống động về Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trong giai đoạn Miền Nam hết sức nhiễu nhương.

Ước sao ông còn đủ sức và ý nguyện để tiếp tục viết Đời Thủy Thủ 3. Mong lắm thay!

Trần Thị Nguyệt Mai
30-4-2023  

oOo

Cảm nghĩ về tác phẩm Đời Thủy Thủ 2 của nhà văn Vũ Thất
Vương Trùng Dương

“Chỉ người đã trải nghiệm cả ánh sáng và bóng tối, cả chiến tranh và hòa bình, cả thăng và trầm, chỉ người ấy đã thực sự trải nghiệm cuộc sống” (Stefan Zweig)

Nhà văn Vũ Thất, sinh năm 1940 tại Tân Châu, Nam Kỳ Lục Tỉnh. Cựu học sinh trung học Võ Tánh Nha Trang (1957-1959).

Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 11 Đệ Nhất Bảo Bình (1961-1963), TTHL Hải Quân Nha  Trang. Xuất thân với 81 Sĩ Quan Khóa 11 Đệ Nhất Bảo Bình có các nhà văn Trần Đỗ Cẩm (biên khảo Quân Sử), Tuấn Anh Trần Trọng Hải, Vũ Hữu San, Trần Quang Thiệu, Tam Giang Hoàng Đình Báu, Phan Lạc Tiếp,  Chu Bá Yến (Chủ Nhiệm bán nguyệt san Việt Báo Florida)… và Vũ Thất Võ Văn Bảy. Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa hân hạnh được đăng các bài viết, tác phẩm của các nhà văn trên trong suốt 16 năm qua.

Chức vụ cuối cùng của Vũ Thất Võ Văn Bảy là Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 3 Ngăn Chận, Đồng Tâm nhưng chiến đấu đến giờ phút cuối nên bị kẹt lại trong nước. Anh đã trải qua các trại tù: Trại 1 (Hoàng Liên Sơn), Nam Hà B (Hà Nam Ninh), Z30D (Hàm Tân).

Vượt biên: tháng 3/1984, ghe số MB 160 Paulo Bidong, Malaysia.

Tác phẩm ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn: Đời Thủy Thủ (1969), Trong Cơn Bão Biển (1969), Một Dòng Sông Cho Chiến Đỉnh (1974)…

Khi định cư tại Virginia, nhà văn Vũ Thất tiếp tục cầm bút với nhiều bài viết và các tác phẩm: Đời Hạm Trưởng (truyện dài), Làm Lại Từ Đầu (hồi ức)… Tháng 5/2023, ấn hành tác phẩm Đời Thủy Thủ 2
Tác phẩm Đời Thủy Thủ năm 1969, Thư Ấn Quán tái bản năm 2012 tại Hoa Kỳ. Tác phẩm dày 300 trang, gồm 14 chương và chương kết.

Trước khi giới thiệu đến Đời Thủy Thủ 2 sau 54 năm, ghi nhận lại tác phẩm đầu tay của nhà văn Vũ Thất.

Nhân vật chính Võ Bằng, sĩ quan Hải Quân trẻ tuổi, mới ra trường, bước đầu vào hải nghiệp, cuộc đời thủy thủ trên biển cả, sông nước, trong đó tình chiến hữu, tình yêu, tình người lính (huynh đệ chi binh) với quê hương trong thời chinh chiến.

Tấm lòng của tác giả cũng là phần đời của bao người trai thời chiến đã dấn thân vào con đường binh nghiệp để bảo vệ giang sơn.

Mở đầu trang sách “Tôi lặng ngắm hình ảnh quen thuộc của thành phố về đêm. Những ô cửa sổ của các cao ốc có kích cỡ khác nhau, không cùng độ sáng. Vài vì sao rải rác trên khung trời úa vàng. Bây giờ là cuối tháng tư, còn là mùa Xuân, đúng ra là tôi phải thấy các chòm sao quen thuộc nằm về hướng Bắc. Tôi tẩn mẩn ôn lại tên từng chòm sao. Chòm Đại hùng tinh, Tiểu hùng tinh. Chòm Hải sư, Song nam, Thiên hậu… Tôi cũng không thấy nhóm Bảo Bình, là chòm sao quen dạng nhất được dùng để đặt tên cho khóa tôi…”. Và, mối tình của Bằng (Hải Quân Thiếu Úy Võ Bằng số quân 60A700653) nơi miền thùy dương cát trắng, với ba mối tình lãng mạn đó nặng trĩu trong lòng người lính biển… Rồi những chuyến hải hành phải chống chọi với bao nhiêu sóng gió, nguy hiểm trên đại dương. Đời thủy thủ của chàng trai trẻ được trang trải với cuộc tình lãng mạn, trắc ẩn, và cuối cùng (chương kết) mang căn bệnh tương tư!

Với nhiều ghi nhận của các nhà văn về tác phẩm nầy, trích đôi dòng của Lương Thư Trung:

“Cuộc tình tay ba giữa Hiền, Thanh và Bằng còn kéo dài mãi về sau này, nhưng trước Hiền nhân vật Võ Bằng còn có Bạch Tuyết giữ chân chàng trai trẻ thôi hết lang bang trong Đời Thủy Thủ…
… Trong các chương kế tiếp, người đọc bị tác giả dẫn dắt qua hết những bất trắc này đến bất trắc khác trong các bước đường tình ái của nhân vật Võ Bằng. Ở chương 5, Tâm, Tuyềt và Võ Bằng; ở chương 6 lại có Hiền tìm thăm Võ Bằng và cũng có gặp Tâm, nhưng lần này Võ Bằng tỏ ý muốn rời Hiền nên cuộc gặp cũng chẳng có gì vui; rồi chương 8 lại Tâm, Tuyết và Võ Bằng; chương 10, chương 11, chương 12 và nhiều chương khác nữa, có thêm nhiều người đẹp nữa nhưng tôi không thể mất lịch sự đến độ quên để bạn tìm đọc những chương sách còn lại trong truyện dài Đời Thủy Thủ này để biết cuối cùng Hải Quân Thiếu Úy Võ Bằng sẽ ghé lại bến nào trong những ngày trái tim bị bầm giập ấy?…
... Truyện dài Đời Thủy Thủ hấp dẫn là nhờ  cái tài dựng truyện đã đành mà cách viết các câu đối thoại giữa các nhân vật, đặc biệt vai nhân vật nào có ngôn ngữ riêng của nhân vật ấy, mà cái hay là đối thoại hợp với từng hoàn cảnh, từng câu chuyện và từng cảnh đời lại ngắn gọn nhưng súc tích, đầy đủ, không dư, không thiếu. Tác phẩm đầu tay mà tác giả viết đối thoại được như vậy tôi nghĩ ông đã là một nhà văn khi chưa viết văn rồi! Vì tôi cũng thường đọc nhiều sách, nhứt là truyện ngắn truyện dài và cả tiểu thuyết trước đây cũng như sau này, tôi ít khi gặp được các tác phẩm có những câu đối thoại tự nhiên và hay như vậy, ngoại trừ Vũ Thất và Lâm Chương là hai nhà văn mà tôi đã được đọc…”

Với nhà văn Hà Kỳ Lam: “Đời Thủy Thủ cho người đọc dịp hiếm hoi khám phá thế giới của một người lính biển thời chiến, ở đó không chỉ có cái thăm thẳm của biển trời, bão tố thiên nhiên, mà còn bão tố của những cuộc tình “ủi bãi” vội vã, và bão tố của chiến trận. Và vượt lên trên tất cả mọi thường tình, người ta thấy long lanh cái đẹp của tình đồng đội, tình huynh đệ chi binh.”

* * *

Tác phẩm Đời Thủy Thủ 2, tiếp nối sau nửa thế kỷ, một chặng đường khá dài nhưng được tác giả gầy dựng lại thời quá khứ trong cuộc đời người lính.

Đời Thủy Thủ 2 đã phổ biến trên trang web Thất Sơn Châu Đốc (thatsonchaudoc.com), quê hương của nhà văn Vũ Thất từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023 trước khi in thành sách.

Sách dày 318 trang trong bối cảnh và thời gian chỉ trong hai ngày, hai đêm qua các hải phận, gồm 17 chương: Chương I Vịnh Quy Nhơn ngày 4/8/1967 (trang  23). Chương II & III Hải Phận Bình Định cùng ngày (trang 38, trang 56), Chương IV Hải Phận Phú Yên 5/8 (trang 70), Chương V, VI, VII & VIII Hải Phận Khánh Hòa 5/8 (trang 83, trang 88, trang 111 & trang128), Chương IX Vịnh Cam Ranh 5/8 (trang 144), Chương X Nhật Đạo Thái Bình Dương 9/2/1967  (trang 162), Chương XI Hải Phận Ninh Thuận 5/8 (trang 177), Chương XII  Hải Phận Ninh Thuận 6/8 (trang 191), Chương XIII Hải Phận Bình Thuận 6/8 (trang 222),  Chương XIV Hải Phận Bình Tuy 6/8 (trang 238), Chương XV Hải Phận Phước Tuy 6/8 (trang 254), Chương XVI Vịnh Gành Rái 6/8 (trang 268), Chương XVII Sông Lòng Tảo (trang 282) & Kết (trang 295).

Tựa tác phẩm với bài viết của Trần Thị Nguyệt Mai (trang 9). Mở của tác giả (trang 13). Bạt của Lương Thư Trung (trang 299) & Vài cảm nhận của độc giả (trang 309)…

Nhân vật chính không phải là HQ Đại Úy Vũ Bằng mà là người đẹp Nha Mân,  cô Phan Kim Phượng sinh viên khoa Sử Địa thuộc đại học Sư Phạm Sài Gòn, cảm tình viên của phong trào sinh viên phản chiến, có người yêu là kiến trúc sư Hưng, nhân viên USAID, con trai chủ thầu rác cho căn cứ Mỹ ở Quy Nhơn. Thuộc gia đình khá giả nhờ chiến tranh nhưng chàng ta lại đi theo Việt Cộng và muốn lôi kéo người yêu cùng hoạt động với mình. Dù đã được hai bên cha mẹ đồng ý, nhưng với điều kiện nếu hai người muốn cử hành hôn lễ, nàng phải lập “thành tích” bằng cách dùng giấy tờ giả để đi theo chiến hạm của Hải Quân VNCH nhằm lập công phá hoại... nhưng cuối cùng Kim Phượng gặp Trưởng Phòng An Ninh Bộ Tư Lệnh Hạm Đội và chia tay Võ Bằng.

Bối cảnh và từng mẩu chuyện xảy ra trong thời gian ngắn từ vịnh Quy Nhơn đến sông Lòng Tảo, qua ngòi bút linh động của tác giả đã dẫn dắt người đọc theo dõi từng diễn biến.

Trong phần Tựa của Trần Thị Nguyệt Mai ghi nhận:

“… Trong chuyến hải hành dài 50 tiếng đó, qua từng chương sách, tác giả đã khéo léo tỉ mỉ giới thiệu về Hải Quân VNCH mà ông chọn làm binh nghiệp. Từ cách phân biệt sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ đoàn dựa trên kiểu quân phục và cấp bậc đến các ngành nghề chuyên môn cũng như việc thuyên chuyển, thăng cấp trong Hải Quân. Rồi cách bày trí, kích cỡ của các phòng trên chiến hạm, cách chọn màu sơn, tiếng còi hiệu thay đổi phiên hải hành hoặc sẵn sàng chiến đấu. Ông cũng giới thiệu các loại chiến hạm, chiến đỉnh, chiến thuyền và duyên đoàn, các loại hiệu kỳ mang những ý nghĩa khác nhau, như tàu đang chở hàng nguy hiểm, tàu đang lâm nạn, tàu đang neo v.v... Cách xác định vị trí tàu trên đại dương để tránh bị giạt vào vùng đá ngầm, bãi cạn.
Qua mỗi hải phận Miền Nam, tác giả nhắc tới các danh lam thắng cảnh kèm theo một câu chuyện về đặc điểm nơi đó, hoặc lịch sử, hay văn nghệ rất lý thú. Cũng có lúc tác giả giới thiệu sách hay phim ảnh nên xem để hiểu rõ hơn về một sự việc được đề cập... Đặc biệt, tác giả kể lại chuyến hải hành xuyên Thái Bình Dương suốt 45 ngày, xuyên nhật đạo nhằm đúng Mồng Một Tết Đinh Mùi 1967 thật thú vị…
… Đặc công người đẹp Nha Mân mang quả bom xuống chiến hạm nhưng lại được Hạm Trưởng, Hạm Phó, thủy thủ đoàn, kể cả cố vấn Mỹ vô tình tiếp đón nồng hậu trên suốt cuộc hải hành. Qua việc tận tai tận mắt nghe thấy sinh hoạt của chiến hạm, thấm thía lòng nhiệt thành bảo vệ Tổ Quốc của mỗi người…”.

Trong phần Bạt của Lương Thư Trùng ghi: “Đọc truyện dài Đời Thủy Thủ 2 của nhà văn Vũ Thất tôi mê nhất là tác giả đã đưa mình qua các vùng biển vừa kể với nghệt thuật tả cảnh rất là cảnh của một người tứng sống trên chiến hạm qua khắp đất trời biển rộng mọt mùng; chỉ riêng về khía cạnh này thôi, tôi tin khó có tác giả nào qua nổi nhà văn Vũ Thất…”.

Nhà văn Áo Stefan Zweig (1881-1942) là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của Châu Âu vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, ông là tiến sĩ Triết nên đem sở học phân tích tâm lý nhân vật vào tác phẩm rất sâu sắc trong mọi hoàn cảnh. Truyện ngắn 24 Giờ Trong Đời Người Đàn Bà, năm 1968, dựng thành phim 24 Hours in a Woman's. Và, với tựa đề nầy trong tập truyện gồm 5 truyện ngắn hay nhất của ông.

Trong phạm vi Văn Chương Việt Nam hải ngoại tròn một thế kỷ sau, có thể nói Đời Thủy Thủ 2 với nhân vật trong truyện kể trong 50 giờ với tâm lý nhân vật từ nội tâm đến đối tượng, với tôi, tác giả là “hiện thân” của Stefan Zweig. Tính nhân bản trong văn chương Stefan Zweig và Vũ Thất đồng cảm ở điểm đó, nhân vật bị cám dỗ, lôi cuốn không bị vùi dập mà nhân thức được bóng tối của tâm hồn.

Little Saigon, July 4, 2023
Vương Trùng Dương

* * *

Vài ý kiến về Truyện dài Đời Thủy Thủ 2 của Nhà văn Vũ Thất
Khiêm Cung

Tôi thích thú đọc từng câu, từng chữ Truyện dài Đời Thủy Thủ 2 của Nhà văn Vũ Thất, không thấy mỏi mắt và buồn ngủ như mọi khi. Lý do trước hết, tác giả đã gây cho tôi một nỗi lo lắng là chiến hạm có thể bị phá hoại, khiến tôi tò mò muốn biết câu chuyện kết thúc ra sao, do đó khi đọc tới Chương 9 – Vịnh Cam Ranh, giữa đường Quy Nhơn – Sài Gòn, tôi đặt câu đố vui để bạn bè đoán già đoán non xem chiến hạm kết cuộc có bị hề hấn gì hay không. Hơn nữa, trang nhà Thatsonhaudoc.com đã cho đăng mỗi tuần một chương, tôi có thời gian để nghiền ngẫm cả 18 chương của cuốn truyện dài.

Ngay ở Chương 1, tôi thấy tác giả viết theo lối tự truyện với chủ từ “tôi”. Nhiều người, trong đó có tôi, ngỡ “tôi” là tác giả, nhưng đó là một người đẹp tên Phan Kim Phượng, quê quán ở Nha Mân – Vĩnh Long, có trình độ văn hóa, đang theo học Ban Sử Địa Trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn, là đặc công của Cộng sản, trá hình là khách quá giang đi từ Quy Nhơn về Sài Gòn. Phưọng quen với Kiến Trúc Sư Hưng, nhân viên cơ quan USAID, quê ở Quy Nhơn, thành viên Tổ đặc công nội thành Sài Gòn. Hai người bị bố ráp trong khi nghe Khánh Ly trình diễn nhạc Trịnh Công Sơn tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, rồi từ đó hai người yêu nhau, Phượng được đưa đi học tập đường lối đấu tranh và cùng với Hưng có hành động chống phá chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Phượng giả vờ quá giang để đặt bom cho nổ tung chiến hạm. Đó là điều kiện cần và đủ để Thành ủy chấp nhận cho Phượng và Hưng thành vợ thành chồng.

Cái khéo là để cho nhân vật chánh, Cô Phượng, nói lên ác cảm của mình đối với Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa để rồi dần dần chính nhân vật đó có nhận xét bên nào đúng, bên nào sai, tác giả không tự bào chữa cho chế độ mình đang sống và đang phục vụ. Cô Phượng rất thông minh, lanh lợi, bản lãnh sống “trong lòng địch”, nhưng cũng là “hoa lạc giữa rừng gươm”, cả thủy thủ đoàn nam giới đều có cảm tình với cô, hướng dẫn cho cô biết mọi nơi, mọi việc trên chiến hạm, giải thích cho cô những địa danh, những di tích lịch sử dọc duyên hải miền Trung từ Quy Nhơn đến Sài Gòn, chỉ cho cô các vì sao, giải thích vì sao bình minh và hoàng hôn lại đầy sắc màu, vì sao bầu trời và đại dương lại màu xanh và tại sao màu xanh đại dương lại đậm hơn màu xanh bầu trời, vì sao có mây và vì sao mây có nhiều loại, lắm màu, vì sao có bão, gặp bão làm sao tránh, chỗ cạn chỗ sâu dưới biển, nhật đạo Thái Bình Dương là gì. Họ giúp cô phân biệt cấp bậc trong Hải quân VNCH, ý nghĩa các loại cờ với màu sắc, kích cỡ khác nhau, các đèn hiệu để thông tin ban đêm.

Cô Phượng tưởng rằng tên sĩ quan Mỹ mới có thực quyền chỉ huy chiến hạm và đám quân nhân Việt Nam trên chiến hạm, kể cả hạm trưởng đều là kẻ thừa hành, là ngụy quân, ô hợp, háo sắc… Được Đại úy Võ Bằng, Hạm phó nhường phòng ngủ, tiếp đãi hết sức niềm nở. Lại được Thiếu Tá Hạm trưởng cho đến thăm phòng riêng của ông. Lúc này cô Phượng có ý nghĩ đen tối là có thể bị cưỡng hiếp, chuẩn bị sử dụng võ để tự vệ, nhưng cô đã hố to. Vị chỉ huy chiến hạm luôn thân tình, đứng đắn, không xúc phạm đến cô.

Chân tình và tư cách của cả thủy thủ đoàn làm cho cô Phượng hồi tâm, thấy thực tế khác hẳn với những gì phía bên kia và Hưng đã nhồi sọ. Đời Thủy Thủ 2, theo thiển ý, có giá trị cao về mặt đấu tranh tư tưởng, không cần phải bắc nhiều cái loa lên các cột đèn để ơi ới tuyên truyền xuyên tạc như đối phương đã từng và đang làm.

Đọc Đời Thủy Thủ 2 mới thấy ngoài kỹ năng chuyên môn đã được đào tạo cùng với những máy móc thiết bị của ngành hàng hải, tập quán nhân gian cũng giúp cho việc dự báo thời tiết cho người đi sông, đi biển rất nhiều:

– Ráng mỡ gà có nhà thì giữ (bầu trời có màu óng ánh như mỡ gà thì sắp có dông mưa);
– Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy, cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi (Nếu thấy mưa ở hướng Đông thì mưa sắp tới, thấy mưa ở hướng Nam thì không mưa hay mưa chậm tới chỗ của mình);
– Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm…

Đời Thủy Thủ 2 sẽ rất khô khan, nếu không có mối tình “thấy vậy mà không phải vậy” của Đại úy Hạm phó Võ Bằng và Cô Phan Kim Phượng. Ai trên chiến hạm cũng nghĩ rằng hai người là nhân tình của nhau, tội nghiệp cho Đại úy Hạm phó nhà tôi có tiếng mà không có miếng. Tôi đã được làm quen với Thiếu úy Võ Bằng qua Đời Thủy Thủ (1), bây giờ được nghe Đại úy Võ Bằng nói chuyện với Cô Phượng mà phục cái lối đối thoại treo trả, duyên dáng, thanh nhã, và tình tứ của ông.

Chắc chắn tác giả phải là người lâu năm trong ngành hải quân và lão luyện chuyện đời mới sáng tác được một truyện dài với quá nhiều chi tiết kỹ thuật, chuyên môn nhưng không quên điểm tô thêm mối tình thơ mộng trái ngang.

Ngoài ra, Đời Thủy Thủ 2 đã làm cho người đọc một phen ứa nước mắt với câu chuyện về lòng chung thủy của loài chim yến: khi thành vợ thành chồng suốt đời sống với nhau, cùng nhau xây tổ ấm, suốt đời sống với tổ ấm đó, khi yến con bị giết hay bị con người phá tổ, yến mẹ đâm đầu vào vách đá ngay tổ của mình để chết theo con hoặc theo tổ và yến cha cũng đập đầu vào cùng chỗ đó để chết theo vợ. Nghe thật não nùng, yến bổ cách mấy mình cũng rất ngại, không dám dùng.

Sau cùng, Chương Kết Đời Thủy Thủ 2 làm cho độc giả lại phải bâng khuâng ngơ ngẩn. Bom không nổ, nhưng Cô Phượng bị đưa đi thẩm vấn. Cô sẽ bị kết tội ra sao? Cô đã viết thư để lại, tỏ sự cảm mến với Võ Bằng và thủy thủ đoàn, tỏ sự hồi tâm bằng cách nhờ ông ném bỏ xuống sông trái bom oan nghiệt. Đại úy Võ Bằng sẽ xử trí cách nào? Sẽ ném bỏ quả bom hay trình báo cho Hạm Trưởng? Có bị liên lụy gì không?

Cho tới giờ phút này bạn bè chỉ giải đáp được một phần câu đố vui của tôi đã đặt ra là quả bom không nổ, chiến hạm không hề hấn gì, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra cho Cô Phượng và Đại úy Hạm phó Võ Bằng, không ai đoán nổi. Hỏi tác giả, tác giả hứa trả lời trong “Đời Thủy Thủ 3”! Mọi người chỉ biết nhìn nhau và … chờ!

Có thể ví một cuốn truyện dài như một vườn hoa đầy hương sắc, người thưởng ngoạn đứng ở một góc vườn không thể ghi nhận hết muôn hồng ngàn tía. Do đó, xin chỉ nêu lên vài ý kiến thô thiển sau khi chiêm ngưỡng vài khóm hoa trong vườn hoa biển lạ mà đẹp Đời Thủy Thủ 2.

Khiêm Cung
(Sydney, giữa Đông 2023)

oOo

TRỌNG THANH CẢM NHẬN KHI ĐỌC ĐỜI THỦY THỦ (2)

Sau nhiều tháng theo dõi, chờ đợi và thích thú (của tôi), truyện dài Đời Thủy Thủ (2) – tác giả Vũ Thất – đã đến đoạn kết, và nay sách đã xuất bản.

Chắc nhiều người viết đồng thuận với tác giả, và chắc nhiều người đọc chưa thỏa mãn, muốn có điều gì hơn nữa.

Riêng tôi, thấy ý kiến của Khiêm Cung* đăng trên trang VHNT/TTNM khá đầy đủ, có thể nói: chắc là hợp với ý kiến của số đông. Dù vậy, xin nêu ra đây đôi điều cảm nhận, phần nào có liên quan đến bản thân.

Tôi không có thói quen đọc sách để giải trí, mà chỉ tìm đọc những tác phẩm trong đó có những điều phải tìm hiểu, thuận và nghịch, để cho tâm trí được “sáng” hơn một chút, tầm nhìn được “rộng” hơn một chút – có phần “cầu lợi”. Đời thủy thủ (2) đáp ứng được điều mong muốn ấy.

Điểm lại từng chương, thấy đó là thì hiện tại, đến cuối sách nhìn lại toàn bộ, tất cả là thì quá khứ.

Người đọc đã yên tâm khi con tàu bình an, người đọc cũng yên tâm về nhân vật mang tên giả Kim Phượng, cô cũng được bình an mới có thể “tường thuật” lại mọi diễn tiến đã trở thành quá khứ. Tuy nhiên với lá thư viết cho Võ Bằng, Kim Phượng còn nợ bạn đọc. Nói một cách khác là nhà văn Vũ Thất còn nợ bạn đọc. Vậy, bạn đọc hãy chờ đợi Đời Thủy Thủ (3) chưa biết đến lúc nào!

Thật ra, từ khi bắt đầu vào truyện, do lối xưng danh bằng “ngôi thứ nhất” của nhân vật chính, tôi đã không lo lắng nhiều về số phận chiến hạm, thủy thủ đoàn và Kim Phượng, chỉ phân vân không biết tác giả sẽ đưa đến chung cuộc thế nào cho đẹp, nên tự mình nghĩ “nếu ta là nhà văn” thì sao? Cái kết “dự định” của tôi minh bạch quá, không hay, không có được tính cách “tiểu thuyết” – vì tôi chỉ thử nghĩ chứ không phải là nhà văn.

Tôi thích thú đọc Đời Thủy Thủ (2) vì… trong không khí chiến tranh (lúc ấy) tác giả đưa vào một câu chuyện tình cảm thật đẹp, thật thơ mộng. Không đắm đuối, nồng nàn, không đau khổ cùng tột nhưng cũng đủ nét ray rứt khi phân vân, lựa chọn để đi đến quyết định, của nữ sinh viên tuổi trẻ một thời.

Tác giả đã thành công khi diễn tả sự chuyển biến trong lý trí và tình cảm của nhân vật nữ duy nhất trong truyện mang tên giả Phan Kim Phượng.

Bên cạnh đó, người đọc còn được biết thêm nhiều điều bổ ích về hải quân, về một phần quan trọng trong lãnh hải Miền Nam, nhất là về chuyện “trên trời dưới biển”, ngày và đêm, các vì sao v.v… Như bản thân tôi, có nghe về “đường sang ngày”, giờ mới hiểu việc chiến hạm vượt qua “nhật đạo”. Tuyệt vời. Lúc học trung học, tôi được vị thầy tận tâm và uyên bác nhiều đêm chỉ rõ các vì sao: nam tào, bắc đẩu, thần nông, ngân hà, bồ cạp v.v… nhưng cũng chỉ hiểu với trình độ một cậu học trò nhỏ nhìn lên hằng hà sa số tinh tú. Và thời niên thiếu ấy chưa có được chút “tình yêu” thơ mộng, nhẹ nhàng trong sáng của chú chăn cừu. Dù có lần đọc ở đâu đó rằng: Hãy thử hỏi người chăn cừu xứ Écosse, có muốn đổi lấy ngai vàng đế vương bậc nhất hoàn cầu không? Xa đàn cừu, thác nước, vầng mây… chàng sẽ vô cùng đau khổ và chết dần chết mòn trong nỗi đau khổ ấy.

Đọc những đoạn viết về thiên nhiên, mây trời, trăng sao… trong Đời Thủy Thủ (2), chắc nhiều bạn đọc sẽ nghĩ: Sao ông Võ Bằng biết rõ và nhớ kỹ vậy? Tài thật! Rồi chắc họ sẽ nghĩ: A, hẳn ông nhà văn Vũ Thất lật sách ra tham khảo mới viết nổi! Có sao đâu? Miễn là nhà văn đã cung cấp cho người đọc những điều hay ho, bổ ích.

Đời Thủy Thủ (2) cũng gợi lại những kỷ niệm.

Có lần chúng tôi ra chơi Cù lao Xanh (thuộc tỉnh Bình Định). Nhờ một đơn vị hải quân đóng ở Sông Cầu đưa đi. Con tàu (tuy nhỏ) cũng đủ tiện nghi, tới gần ủi bãi, thả “bửng” cho chúng tôi xuống lội vào. Chúng tôi cắm trại, vui chơi, phát thuốc (xin từ Ty Y tế) cho đồng bào. Đêm ấy tôi được nhìn cảnh trăng lặn nơi biển đảo và hằng bao năm chưa bao giờ gặp lại cảnh này. Con tàu neo lại để chiều hôm sau cho chúng tôi về lại Sông Cầu.

Có lần tôi được ngồi trên máy bay, dọc bờ biển từ Quy Nhơn vào. Nhìn xuống thấy rõ những vũng, vịnh, y hệt bản đồ chúng tôi đã học thời tiểu học, rồi trung học (1952), ngày ấy vị giáo sư Địa lý đã chỉ cho chúng tôi: đây là những hải cảng tốt của Miền Nam Trung Phần từ mũi San Hô đến mũi Dinh, trong sách (chữ Tây) của P. Gourou. (Lúc chúng tôi học, sách tiếng Việt gần như không có, quý thầy dùng sách tiếng Pháp dịch ra, dạy chúng tôi. Chuyện đời xưa cũng vậy, vị thầy dạy Pháp văn cầm quyển sách “cổ tích” ông Phạm Duy Khiêm viết bằng chữ Tây kể cho chúng tôi nghe!).

Tôi cũng có dịp đi (theo) tàu HQ từ bến Bạch Đằng SG ra Nha Trang. Không nhớ là HQ 4 lẻ mấy, tàu lớn. Buổi sáng đầu tiên thích thú nhìn biển, mơ mộng theo bài Hoa Biển, thấy những con sóng bạc đầu bên dưới lui dần, đẹp quá. Ra khơi không bao lâu bị bão, thời gian kéo dài thêm, chúng tôi hết thức ăn nước uống mang theo, trong cảnh say sóng nhồi dập tôi bị mệt lả. Tới một lúc nào đó, bỗng nhiên nghe yên lặng và nhẹ nhàng. Tàu vào vịnh Nha Trang. Như một phép mầu. Tôi tỉnh dậy, nhưng chưa khỏe hẳn, nên “hành trang” nhờ một bạn trẻ hơn mang vác. Trong khi ấy có mấy người nữ, coi như không sao cả, họ đi lại nhanh nhẹn thoăn thoắt. Chắc là khách quá giang như nhân vật Kim Phượng.

Nói thêm một chút là (qua tác giả) nhân vật Võ Bằng giỏi quá, ngoài nghiệp vụ còn thông thạo cả văn thơ, nhạc, điện ảnh, đọc rất nhiều sách, xem nhiều phim, biết tên tuổi nhiều tác giả xưa và nay, các tài tử xi-nê nữa, còn am hiểu cả văn chương bình dân, ca dao, tục ngữ, có những câu rất “đời”.

Chỉ có một điều, nhận định của tôi không giống nhân vật Phan Kim Phượng (có phải là nhận định của nhà văn Vũ Thất?) về vua Gia Long.

Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, mỗi vị đều có những ưu điểm và khuyết điểm, nhiều khi do các “sử quan” của mỗi giai đoạn tô hồng hoặc bôi đen để hướng dẫn dư luận. Ta nên xét toàn bộ công nghiệp bằng cái nhìn khách quan, công bằng.

Lâu lâu mới đọc được một tác phẩm hay, nên có mấy điều cảm nhận sơ lược như vậy.

TRỌNG THANH

oOo

GIỚI THIỆU CUỐN “ĐỜI THỦY THỦ 2” CỦA VŨ THẤT.

Song Thao

Vũ Thất là một tác giả có tác phẩm từ trước 1975 tại Việt Nam. Đó là các cuốn: Đời Thủy Thủ, Trong Cơn Bão Biển, Một Dòng Sông Cho Chiến Đỉnh. Chỉ cần đọc tên các tựa sách, người ta cũng biết ông là người của biển cả. Vũ Thất, tên thật là Võ Văn Bảy, một sĩ quan Hải Quân. Cuốn Đời Thủy Thủ 2 tôi vừa nhận được cũng theo dòng biển đó.

Tôi cũng thích thú theo dòng chữ nghĩa của Cuốn Đời Thủy Thủ 2. Tôi hầu như không có chút hiểu biết nào về cuộc sống của các thủy thủ lênh đênh trên biển. Sự tò mò của tôi hầu như được giải đáp tất cả trong cuốn sách dày hơn 300 trang này. Từ những điều căn bản như sĩ quan, hạ sĩ quan, thủy thủ ăn mặc khác nhau ra sao, làm sao phân biệt cấp bậc sĩ quan và hạ sĩ quan khi nhìn vào lon lá họ đeo, tới các ngành chuyên môn của các thủy thủ trên tàu, ý nghĩa các loại cờ treo trên tàu, phân biệt các loại tàu như chiến hạm, chiến đỉnh, chiến thuyền, cách dùng la bàn, cách nhìn các vì sao trên trời để định phương hướng. Thú thật là tôi có chú em Trung Úy Hải Quân nhưng vẫn rất mù mờ về những điều này. Vì vậy, đọc Đời Thủy Thủ 2 , với tôi, là một cách học hỏi khá thú vị.

Thú vị còn là vì Đời Thủy Thủ 2 là một truyện tình cảm pha lẫn… phiêu lưu trinh thám. Nhân vật chính là một cô sinh viên trẻ mang tên giả, giấy tờ giả, mang một trái bom xuống tàu với mưu toan cho nổ chìm tàu. Cô gái gốc Nha Mân này có người tình là sinh viên tranh đấu, nằm vùng tại Sài Gòn. Điệp vụ này là quà cưới mà người tình đòi hỏi cô thực hiện trước khi hai người nên vợ nên chồng. Trái bom đã được cô mang trót lọt xuống tàu nhưng các thùy thủ dưới tàu, từ Hạm trưởng, Hạm Phó tới sĩ quan cố vấn Mỹ và các thủy thủ đối đãi quá nồng hậu nên trái bom đã không nổ và cô gái đã hiểu bản chất của người tình nằm vùng.

Trân trọng giới thiệu cuốn truyện hấp dẫn và đầy kịch tính này tới các bạn.

Song Thao (Facebook)

oOo

VÀI CẢM NHẬN CỦA ĐỘC GIẢ
Đinh Từ Bích Thúy (tạp chí Da Màu):
"Như chị Nguyệt Mai viết trong bài giới thiệu, văn phong trong sáng và tình tiết hồi hộp, thông tin lôi cuốn của tiểu thuyết về Hải quân VNCH sẽ giúp độc giả học hỏi nhiều điều thú vị mà vẫn được giải trí — vì Đời Thuỷ Thủ 2 cũng là một tiểu thuyết gián điệp, gây cấn và có phần sống động hơn Cảm Tình Viên của Nguyễn Thanh Việt!

Đồng thời, nhân vật chính trong Đời Thuỷ Thủ 2 là một phụ nữ thông minh, có võ và biết ráp bom, một female James Bond — cấp tiến và phức tạp hơn nhân vật Vô Danh và toàn những nhân vật đàn ông đã choán hết không gian và đẩy các nhân vật phụ nữ ra lề trong Cảm Tình Viên. Tóm lại là Thuý rất thích cách anh diễn tả tinh thần độc lập và biết ứng biến của người đẹp Nha Mân. Tiểu thuyết, tuân theo quy luật classic của Aristotle trong sự đoàn kết của cấu trúc giữa không gian và thời gian, cũng tăng cường sự hồi hộp nghẹt thở xen kẽ với những đoạn tả cảnh thơ mộng, sự bao la và mông lung của nước, của biển." 

K. V. N. (Trung tá KQ): 
"Hầu như độc giả nào sau khi đọc xong  " Đời Thuỷ Thủ 2 " cũng muốn anh viết tiếp " Đời Thuỷ Thủ 3 " để biết anh giải quyết tình trạng  của cô  Phượng như thế nào sau khi bị cái thằng Hưng việt công nhẫn tâm đưa người  yêu mình vào chỗ chết .  Anh đã thành công trong tác phẩm nầy vì sau khi đọc xong , người đọc oán giận thằng Hưng và bọn cộng sản bao nhiêu thì thương mến cô Phượng bấy nhiêu !"

Nguyễn Vy Khanh/facebook:
Tác-phẩm có nội dung đặc sắc đưa lịch-sử vào văn-chương và viết bằng hồi ức, nhất là với độc giả như tôi chưa được dịp đọc Đời Thuỷ Thủ tập đầu xuất bản năm 1969. Với ngôn-ngữ, tiếng nói của một miền Nam đã mất, tác-giả đã thành công vẽ lại đời sống của một thời  và sinh hoạt của những thuỷ thủ, những người lính bảo vệ tổ quốc - qua chuyện của một nữ sinh viên phản chiến bị cộng sản lợi dụng sai lén đem bom xuống chiến hạm …

Tôn Nữ Thu Nga:
“Đời Thủy Thủ 2” là một cuốn truyện giá trị và thích thú. Mời quý độc giả tham gia một chuyến hải hành thật đẹp đầy hương vị hoa biển.

Trần Bang Thạch:
Vùng Tân Châu có một hạm trưởng viết văn hay và qua tác phẩm mình thấy thêm nhiều điều thú vị trong sinh hoạt hải quân.

Trần Đỗ Cẩm:
Đây là một tác phẩm quý hiếm nhiều giá trị đáng đọc, nhất là tác giả lại là một nhà văn HQ/QLVNCH hiếm có tại hải ngoại.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023