SỐ 99 - THÁNG 7 NĂM 2023

 
Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 42

Laila

Aziza bỏ mấy thứ này vô cái túi giấy: cái áo kiểu bông và cặp vớ duy nhất của nó, đôi găng tay bằng len hai chiếc khác nhau, cái mền cũ màu cam lấm chấm ngôi sao và sao chổi, cái ly nhựa mẻ miệng, một trái chuối, bộ xúc xắc của nó.

Hôm đó là một buổi sáng lạnh vào tháng Tư năm 2001, ngay trước ngày sinh nhật thứ hai mươi ba của Laila. Trời xám xịt và từng cơn gió lạnh thấu xương làm rung rinh cánh cửa lưới.

Trước đó vài ngày, Laila nghe tin chỉ huy trưởng Ahmad Shah Massoud đi Pháp để phát biểu trước Quốc Hội Âu Châu. Giờ đây Massoud đang ở quê ông nơi phía Bắc và đang lãnh đạo Liên Minh Bắc, là nhóm đối lập duy nhất vẫn còn chiến đấu chống quân Taliban. Lúc đến Âu Châu, Massoud đã cảnh báo Tây phương về những trại quân khủng bố đặt ở A Phú Hãn, và đã khẩn cầu Hoa Kỳ giúp ông để chống lại Taliban.

“Nếu Tổng thống Bush không giúp chúng tôi,” ông đã nói, “bọn khủng bố này sẽ gây nguy hại cho Hoa Kỳ và cho Âu châu một ngày rất gần.”

Một tháng trước đó, Laila đã nghe nói Taliban đặt chất nổ trong khe của các pho tượng Phật ở Bamiyan và cho nổ tan tành vì chúng cho đó là những đối tượng của sự thần tượng hóa và tội lỗi. Cả thế giới lên tiếng phản đối, từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc. Các chính phủ, các nhà sử học, và các nhà khảo cổ khắp toàn cầu đã viết thư khẩn cầu Taliban đừng phá hủy hai di tích lịch sử quan trọng nhất của A Phú Hãn này. Nhưng Taliban đã vẫn tiến hành và đã châm ngòi nổ bên trong hai tượng Phật hai ngàn năm tuổi ấy. Họ niệm danh Allah-đấng-duy-nhất theo từng đợt nổ, họ cổ vũ mỗi lần các tượng mất đi cánh tay hay cái chân đổ xuống tan thành cát bụi. Laila còn nhớ hồi năm 1987 cô đã từng cùng ba cô và Tariq đứng trên đỉnh pho tượng lớn nhất, gió thổi mát và nắng chan hòa trên mặt họ, theo dõi con diều hâu lượn vòng trên thung lũng trải dài bên dưới. Tuy nhiên khi nghe tin hai pho tượng đã bị phá hủy, Laila chẳng cảm thấy gì. Hầu như không quan trọng. Làm sao cô có thể quan tâm đến những pho tượng khi chính cuộc đời của cô đang tan thành tro bụi.

Laila ngồi bệt dưới đất trong một góc phòng khách, không nói gì, mặt bất động, tóc từng lọn rối bời rũ quanh mặt, cho tới khi Rasheed nói đã tới giờ đi. Dù hít thở mạnh đến đâu, Laila vẫn có cảm tưởng phổi mình không đủ dưỡng khí.

Trên đường đi đến khu xóm Karteh-Seh, thằng Zalmai nhún nhảy trên tay Rasheed, còn Aziza thì nắm tay Mariam trong lúc bước nhanh bên cạnh Mariam. Gió thổi chiếc khăn dơ buộc dưới cầm Aziza và làm dợn gấu áo đầm của nó. Aziza giờ đã âu sầu hơn, như thể sau mỗi bước đi, nó đã bắt đầu cảm nhận là mình bị lừa. Trước đó, Laila đã không có đủ nghị lực để nói cho Aziza biết sự thật. Cô chỉ nói là nó đi học, một trường học đặc biệt ở đó học trò ăn, ngủ và không đi về nhà sau giờ học. Bây giờ, Aziza cứ hỏi miết những câu nó đã hỏi từ mấy ngày nay. Học trò ngủ riêng từng phòng hay tất cả ngủ chung một phòng lớn? Nó sẽ có bạn không? Laila có chắc là các thầy dễ thương không?
Và nó cứ hỏi, Con phải ở đó bao lâu?

Còn hai dãy nhà nữa đến tòa nhà rộng và thấp kiểu trại lính, thì họ dừng lại.

“Tôi với Zalmai chờ ở đây,” Rasheed nói. “À, trước khi quên...”

Rasheed móc trong túi ra một cây kẹo cao su, món quà chia tay, và chìa cho Aziza với vẻ kẻ cả, cứng ngắc. Aziza đưa tay nhận và lẩm bẩm nói cám ơn. Laila thầm phục sự duyên dáng của Aziza, sự rộng lượng vô ngần của nó, và mắt cô bỗng mờ lệ. Tim cô thắt lại, cô lịm người nghĩ đến trưa nay sẽ không có Aziza nằm ngủ trưa bên cạnh, sẽ không cảm thấy cánh tay mỏng manh của con bé đè lên ngực cô, cái đầu của nó nhấn vô be sườn của cô, hơi thở của nó phà nóng lên cổ cô, góc chân nó chọc vô bụng cô.

Lúc Aziza bị dẫn đi, thằng Zalmai bắt đầu khóc, kêu Ziza! Ziza! Nó quằn quại và đá lung tung trên tay ba nó, nó kêu đòi chị, cho tới khi con khỉ lên giây thiều bên kia đường đánh lạc hướng chú ý của nó.

Mariam, Laila và Aziza, họ đi một mình qua hai dãy nhà cuối cùng. Gần tới tòa nhà đó, Laila nhìn thấy mặt tiền nhà bị phá hư hết, mái xệ xuống, mấy tấm ván đóng bít khung vì cửa sổ đã mất, chóp của cái xích đu nhô lên khỏi bức tường đổ nát.

Họ dừng lại trước cửa, và Laila lập lại những gì cô đã nói với Aziza trước đó.

“Và nếu người ta hỏi về cha con, thì con nói sao?”

“Thánh chiến quân giết chết rồi,” Aziza thận trọng nói.

“Tốt lắm. Con có hiểu không, Aziza?”

“Tại vì đây là một trường học đặc biệt,” Aziza nói. Bây giờ đã đến đây, tòa nhà sừng sững đó, con bé có vẻ hoang mang rõ rệt. Môi dưới của nó run rẩy, mắt nó chỉ chực khóc, và Laila thấy nó phải cố gắng lắm mới giữ được can đảm. “Nếu mình nói thật,” Aziza nói thật nhỏ, “họ sẽ không nhận con. Ðây là một trường học đặc biệt. Con muốn đi về nhà.”

“Mẹ sẽ đến thăm con luôn,” Laila cố gắng lắm mới nói được. “Mẹ hứa.”

“Dì cũng vậy,” Mariam nói. “Dì sẽ đến thăm con, Aziza, và mình sẽ chơi với nhau như trước giờ. Con ở đây một thời gian ngắn thôi, tới khi nào ba con tìm được việc.”

“Ở đây có cơm ăn,” Laila run rẩy nói, thầm cám ơn cái áo dài trùm kín khiến Aziza không nhìn thấy cõi lòng tan nát của cô. “Ở đây con không phải chịu đói. Họ có cơm, với bánh mì và nước, có thể cả trái cây nữa.”

“Nhưng không có mẹ. Và dì Mariam cũng không ở đây với con.”

“Mẹ sẽ đến thăm con mà,” Laila bảo. “Mẹ sẽ đến hoài. Nhìn mẹ này, Aziza. Mẹ sẽ đến thăm con. Mẹ là mẹ của con. Có chết mẹ cũng tới thăm con.”

Giám đốc viện mồ côi là một người đàn ông lưng khòm, ngực lép, với gương mặt dễ nhìn. Ông hói đầu, có bộ râu rậm rạp, mắt như hai hột đậu. Tên ông là Zaman. Ðầu đội mũ chụp. Cái tròng mắt kính bên trái bị mẻ.

Trên đường dẫn họ đến văn phòng, ông hỏi tên Laila và Mariam, hỏi Aziza tên gì, mấy tuổi. Họ đi qua những hành lang tối mù, bọn con nít tránh đường cho họ qua và nhìn theo dõi. Tóc chúng rối bù hay đầu chúng cạo trọc. Áo len chúng mặc sờn tay hết, quần jeans rách lòi đầu gối, áo khoác vá víu bằng băng keo. Laila ngửi đuợc mùi xà-bông và phấn, mùi a-mô-ni-ắc và nước tiểu cùng nỗi e sợ đang tăng lên của Aziza đang bắt đầu thút thít khóc.

Laila thoáng nhìn thấy khoảng sân đầy cỏ dại, cái xích đu ọp ẹp, mấy cái bánh xe cũ, một trái bóng rổ xì hơi. Những căn phòng họ đi ngang qua đều trống rỗng, cửa sổ che bằng những tấm bạt nhựa. Một thằng bé phóng ra, nắm lấy khuỷu tay Laila để cố trèo lên tay cô. Một người giúp việc đang dọn dẹp hình như vũng nước tiểu, đặt khăn lau nhà xuống và đến gỡ thằng bé ra.

Ông Zaman ra vẻ hơi chủ nhân ông với lũ trẻ mồ côi. Khi đi qua, ông vỗ nhẹ đầu mấy đứa, nói vài lời thân mật với chúng, vò tóc chúng. Mấy đứa nhỏ thích thú được ông chạm vào. Ðứa nào cũng nhìn ông, chờ đợi được khen, Laila nghĩ.

Ông dẫn họ vô văn phòng của ông, một căn phòng chỉ có ba cái ghế xếp và một bàn viết bừa bãi những đống giấy.

“Bà là người ở Herat,” Zaman bảo Mariam. ”Tôi nghe giọng là biết.”

Ông ngả lưng vô ghế và đan hai tay trước bụng, nói ông có người anh rể từng sống ở đó. Ngay cả trong những động tác bình thường này, Laila cũng nhận ra những cử chỉ lịch sự của ông. Và mặc dù ông mỉm cười nhẹ, Laila cũng cảm nhận có điều gì đó bồn chồn và tổn thương bên trong ông, sự thất vọng và thất thủ được che đậy bằng bề ngoài vui vẻ.

“Anh ấy là thợ làm thủy tinh,” ông Zaman nói. ”Anh ấy làm những con thiên nga màu xanh ngọc thạch tuyệt đẹp. Cầm đưa ra ánh sáng mặt trời thì chúng lấp lánh bên trong như nạm ngọc li ti vậy. Bà đã trở lại đó chưa?”

Mariam nói chưa.

“Tôi là người ở Kandahar. Bà có bao giờ đến Kandahar không? Không hả? Ðẹp lắm. Những khu vườn đẹp làm sao! Còn nho nữa! Ôi những trái nho, ăn mê làm sao.”

Vài đứa trẻ tụ tập ngoài cửa phòng, len lén nhìn vô. Zaman nhẹ nhàng đuổi chúng đi bằng tiếng A Phú Hãn.

“Dĩ nhiên tôi cũng thích Herat. Thành phố của nghệ sĩ và văn sĩ, của giáo sĩ và huyền bí.  Chắc bà biết câu nói đùa xưa, là không thể duỗi chân ra mà không chọc vào mông một nhà thơ.”

Ðứng bên cạnh Laila, Aziza phì cười.

Ông Zaman làm bộ giựt mình. “À, ta đã làm được cho con cười. Cái đó khó đó nhe, hồi nãy ta hơi lo. Tưởng phải cục tác như gà hay kêu be be như lừa chứ. Nhưng con cười rồi. Và con dễ thương lắm.”

Ông gọi một người giúp việc vô trông chừng Aziza một lúc. Aziza nhảy vào lòng Mariam, đeo cứng ngắc.

“Mẹ chỉ trò chuyện với ông thôi,” Laila bảo. “Mẹ ở đây mà. Ở tại đây.”

“Mình ra ngoài một chút nhe Aziza?” Mariam bảo. “Mẹ con cần nói chuyện với bác Zaman một chút xíu. Nào, mình đi nào.”

Còn lại hai người, Zaman hỏi ngày sinh của Aziza, lý lịch bệnh lý của nó, những thứ nó dị ứng. Ông hỏi về cha của Aziza, và Laila đã phải trải qua một kinh nghiệm lạ lùng là phải nói dối một điều mà chính ra là sự thật. Ông Zaman lắng nghe, mặt không lộ vẻ tin mà cũng chẳng hoài nghi. Ông nói ông điều hành viện mồ côi dựa trên danh dự. Nếu một bà nói chồng mình đã chết và bà không nuôi con nổi, ông không thắc mắc tại sao.

Laila bắt đầu khóc. Ông Zaman đặt bút xuống.

“Tôi xấu hổ quá,” Laila thì thầm, tay bưng miệng.

“Bà hãy nhìn tôi.”

“Mẹ gì mà bỏ rơi con mình?”

“Hãy nhìn tôi.”

Laila đưa mắt nhìn lên.

“Ðó không phải là lỗi của bà. Bà nghe tôi nói không? Không phải tại bà. Chính những kẻ man rợ đó mới đáng trách. Họ làm cho những người A Phú Hãn như tôi phải xấu hổ. Họ đã sỉ nhục dân tộc tôi. Và bà không phải là người duy nhất đâu, thưa bà. Chúng tôi gặp những người mẹ như bà hoài – hoài hoài - những bà mẹ đến đây vì họ không nuôi nổi con mình, bởi vì quân Taliban không cho họ đi ra ngoài để làm việc kiếm tiền. Cho nên bà đừng tự trách mình. Ở đây, không ai trách bà đâu. Tôi rất hiểu.” Ông ta nghiêng người về phía trước. “Thưa bà, tôi rất hiểu.”

Laila kéo áo lau nước mắt.

“Còn nơi này,” Zaman thở dài, đưa tay ra dấu, “như bà thấy, đang trong tình trạng thảm hại. Luôn luôn thiếu tiền, luôn luôn xáo trộn, phải nghĩ ra đủ cách để giải quyết cấp thời! Chúng tôi nhận được rất ít hay không nhận được chút nào sự hỗ trợ của chính quyền Taliban. Nhưng chúng tôi cố gắng xoay sở. Cũng như bà, chúng tôi làm những gì chúng tôi phải làm. Allah rộng lượng và Allah ban phước, ngày nào ngài còn ban cho, tôi sẽ lo cho Aziza được ăn và được mặc. Tôi xin hứa với bà điều đó.”     

Laila gật đầu.

“Bà yên tâm chứ?”

Ông Zaman mỉm cười thông cảm. “Nhưng đừng khóc bà ạ; đừng để con bé thấy bà khóc.”

Laila lại chùi nước mắt. “Xin Chúa ban phước lành cho ông,” Laila nhiệt thành nói. “Xin Chúa ban phước lành cho ông.”

Tuy nhiên đến giờ chia tay, cảnh lại xẩy ra đúng như Laila lo sợ.

Aziza hoảng loạn lên.

Suốt trên đường về nhà, tựa vô Mariam, Laila còn nghe tiếng khóc thét của Aziza. Trong đầu cô, Laila còn thấy hai bàn tay to dày, chai sạn của Zaman nắm hai cánh tay của Aziza; thoạt đầu kéo nhẹ, rồi mạnh hơn, sau đó hết sức mới gỡ Aziza ra được. Laila thấy Aziza đá lung tung trong khi Zaman vội vã bế con bé đi khuất, Laila nghe Aziza hét thật to như thể Laila sắp biến mất khỏi mặt đất. Và Laila thấy mình cắm đầu chạy ra khỏi hành lang, tiếng rú dâng trong cổ.

Về đến nhà, Laila nói với Mariam, “Em ngửi thấy mùi con em.” Ɖôi mắt thất thần và thâm đen của Laila nhìn xuyên qua vai Mariam, xuyên qua sân, qua vách tường, tới tận dãy núi đàng xa. “Em ngửi thấy mùi ngái ngủ của con em. Chị có ngửi thấy không?”

“Thôi Laila,” Mariam nói. “Thôi. Có ích gì? Ích lợi gì?”   

Thoạt đầu, Rasheed chế nhạo Laila, và đi cùng với họ - Laila, Mariam và Zalmai - đến trại mồ côi, cho dù trong lúc đi, y làm đủ cách để Laila nhìn thấy vẻ đau khổ của y, nghe hết những lời ca than giả dối rằng y khổ sở chừng nào, hai chân và cái lưng của y đau đớn bao nhiêu khi phải cuốc bộ hai bận đi - về trại mồ côi. Y nhất định phải làm cho Laila biết được y nhọc nhằn khủng khiếp.

“Tôi đâu còn trai trẻ nữa,” y nói. “Mà cô có cần biết đâu. Ðể cô làm theo ý cô thì chắc tôi gục luôn. Nhưng đâu có được, Laila. Cô đừng hòng được làm theo ý cô.”

Còn hai dẫy nhà nữa đến trại mồ côi thì họ tách ra, và Rasheed không bao giờ cho Laila đi hơn 15 phút. “Trễ một phút thôi,” y nói, “là tôi bỏ đi đó. Tôi không giỡn đâu.”

Laila phải kỳ kèo, phải van nài y để kéo dài đôi chút những giây phút gặp gỡ Aziza. Cho cô, và cho Mariam, mặc dù Mariam tuy rất buồn vì sự vắng mặt của Aziza nhưng đã chọn lặng lẽ chịu đựng một mình như từ trước tới nay. Và cho cả Zalmai, thằng bé mỗi ngày đều đòi chị nó và nổi cơn giận khóc lóc không dỗ được.

Có đôi khi, trên đường tới trại mồ côi, Rasheed đứng lại và phàn nàn chân bị đau. Rồi y quay đầu lại, bắt đầu đi bộ về nhà bằng những bước chân dài, vững vàng, chẳng hề khập khễnh. Hoặc có khi y chắt lưỡi rồi nói, “Tại phổi của tôi, Laila. Tôi khó thở quá. Có thể ngày mai tôi khỏe hơn, hoặc ngày mốt. Ðể coi.” Y chẳng màng giả vờ khó thở, dù chỉ một chút. Nhiều lần, lúc quay gót trở về nhà, y còn châm một điếu thuốc. Laila sẽ phải theo đuôi y đi trở về nhà trong sự bất lực, run rẩy vì oán giận và phẫn nộ mà không làm gì được.

Rồi một hôm y bảo Laila y sẽ không đưa cô đi nữa. Y nói, “Tôi quá mệt mỏi phải đi bộ ngoài đường cả ngày để tìm việc làm.”

“Vậy tôi sẽ đi một mình,” Laila nói. “Ông không cản tôi được đâu, Rasheed. Ông nghe không? Ông muốn đánh tôi bao nhiêu cũng được, nhưng tôi sẽ tiếp tục đi.”

“Muốn làm gì thì làm. Nhưng cô không qua lọt bọn lính Taliban đâu. Ðừng trách tôi không báo trước nhé.”

“Chị sẽ đi với em,” Mariam nói.

Laila không chịu. “Chị phải ở nhà với Zalmai. Nếu mình bị chặn… Em không muốn nó nhìn thấy.”

Và như thế cuộc sống của Laila bỗng nhiên xoay quanh việc tìm cách để gặp Aziza. Một nửa số lần, cô không đến nơi được. Vừa băng qua đường, cô đã bị lính Taliban phát hiện và tới tấp hỏi -Tên gì? Ði đâu? Tại sao đi một mình? Người thân nam của cô đâu?- trước khi bị đuổi về nhà. Nếu may mắn, cô sẽ bị chửi một trận hoặc bị một cái đá vô mông. Những lần khác, cô nhận được đủ những loại gậy gỗ, nhánh cây tươi, roi, tát, và rất thường những cái đấm.

Một hôm, một tên lính Taliban trẻ đánh Laila bằng cây ăng ten ra-dô. Ðánh xong, y còn bồi thêm một cái quất cuối cùng trúng sau cổ Laila, rồi nói “Tao mà thấy mày một lần nữa thì tao sẽ đánh mày tới xương mày bật ra sữa mẹ mày.”

Lần đó, Laila quay về nhà. Cô nằm xấp, cảm thấy mình là một con vật ngu ngốc, đáng thương, và cô hít hà khi Mariam đắp khăn ướt lên lưng và hai đùi rướm máu của cô. Tuy nhiên, thông thường Laila đâu chịu thua. Cô làm như cô quay về, sau đó kiếm đường khác đi tiếp. Ðôi khi cô bị chận lại, hạch hỏi, chửi bới – hai, ba, thậm chí bốn lần một ngày. Rồi những làn roi quất xuống, những cây ăng–ten xé không khí, và Laila lê bước về tới nhà, người đẫm máu, mà có được nhìn thấy Aziza đâu, dù chỉ một thoáng. Chẳng mấy chốc, Laila biết phải mặc thêm nhiều lớp áo ngay cả khi trời nóng như thiêu, hai ba cái áo lạnh dưới chiếc áo dài trùm kín người, để làm đệm đỡ những trận đòn.

Dù thế, đối với Laila, nếu cô vượt qua được bọn lính Taliban, phần thưởng thật là xứng đáng. Cô sẽ được gặp Aziza thật lâu – hàng giờ nếu muốn. Hai mẹ con ngồi ngoài sân, gần ghế xích đu, giữa những đứa trẻ và những bà mẹ đến thăm khác, và họ nói chuyện về những gì Aziza đã học được trong tuần lễ đó.

Aziza nói bác Zaman nhất định mỗi ngày phải dạy cho chúng một điều gì, hầu hết là đọc và viết, đôi khi địa lý, chút ít về lịch sử hay khoa học, đôi điều về thực vật, động vật.

“Nhưng chúng con phải kéo màn lại,” Aziza bảo, “để lính Taliban không nhìn thấy.”  Nó nói bác Zaman đã để sẵn kim đan với mấy cuộn chỉ, phòng trường hợp lính Taliban đến kiểm soát. “Chúng con dấu sách đi và làm bộ đan.”

Một ngày nọ, trong một lần viếng thăm Aziza, Laila trông thấy một người phụ nữ trung niên, khăn trùm đầu kéo xuống, đến thăm ba đứa con trai và một đứa con gái. Laila nhận ra gương mặt sắc nét, đôi mày rậm, dù cái miệng chảy xệ và mái tóc bạc thì lạ. Laila nhớ lại những khăn choàng, những chiếc váy đen, giọng nói cộc lốc, mái tóc đen nhánh ngày xưa bà ta vẫn thường cột túm lên, đưa những sợi lông cứng đen sau gáy. Laila nhớ lại một thời người phụ nữ này đã cấm đám nữ sinh che mặt vì bà ta cho rằng đàn bà và đàn ông bình đẳng nhau, không có lý do gì đàn bà phải che mặt trong khi đàn ông thì không.

Có một lúc, cô Rangmaal nhìn lên và bắt gặp cái nhìn của Laila, nhưng Laila không thấy chút gì ngập ngừng hay thoáng nhận ra trong đôi mắt của cô giáo cũ của mình.

“Ðó là những vết nứt trên vỏ trái đất,” Aziza bảo. “Gọi là các đứt gãy.”

Hôm đó là một buổi trưa thứ sáu nóng bức vào tháng sáu năm 2001. Họ đang ngồi ở khu đất phía sau trại mồ côi, bốn người, Laila, Zalmai, Mariam và Aziza. Lần này Rasheed đã nhượng bộ - lâu lâu mới được một lần – và đã dẫn họ đi. Y đang ngồi đợi tại trạm xe buýt ở ngoài đường.

Mấy đứa trẻ con chân đi đất chạy chơi xung quanh. Một trái banh xẹp lốp bị chúng rượt đá tả tơi.

“Và hai bên các đứt gãy là những lớp đá kiến tạo vỏ trái đất,” Aziza đang nói.

Ai đó đã chải tóc Aziza ra sau, bím lại và cài lên đỉnh đầu thật gọn gàng. Laila cảm thấy ghen tức với người nào đã ngồi sau lưng con gái cô, thắt những lọn tóc cho nó, bảo nó ngồi yên.

Aziza đang diễn tả bằng cách mở hai bàn tay ngửa lên, rồi chấp lại chà sát nhau. Zalmai theo dõi đầy thích thú.

“Những mảng tiến tạo (kectonic), gọi thế đúng không?”

Kiến tạo (tectonic),” Laila bảo. Nói chuyện làm Laila đau. Quai hàm của cô vẫn còn ê, lưng và cổ đau lắm. Môi cô xưng vù, còn cái lưỡi cứ đưa vô lỗ trống của cái răng cửa hàm dưới vừa bị Rasheed đánh gẫy hai bữa trước. Trước kia, trước khi ba má Laila qua đời và cuộc đời cô bị đảo lộn hoàn toàn, Laila không bao giờ tin thân thể con người lại có thể chịu đựng những trận đòn như thế, những trận đòn tàn nhẫn và thường xuyên như thế, mà vẫn hoạt động được.

“Ðúng rồi. Và khi chúng trượt qua nhau, chúng cọ sát – như vậy nè, thấy không mẹ? – và phát ra năng lượng, năng lượng đó đi đến bề mặt trái đất và gây ra địa chấn.”

“Cháu bây giờ thông minh quá,” Mariam bảo. “Thông minh hơn bà dì ngu ngốc này nhiều.”

Mặt Aziza sáng lên, nụ cười nở rộng. “Dì không ngu đâu, dì Mariam ạ. Và bác Zaman nói, đôi khi rất sâu ở bên dưới đá chuyển dịch cực mạnh và đáng sợ lắm, nhưng ở trên mặt đất mình chỉ cảm thấy rung động nhẹ. Chỉ một rung động nhẹ.”

Chuyến thăm trước, thì nói về phân tử oxi trong khí quyển làm tán xạ màu xanh lơ từ ánh sáng mặt trời. Nếu trái đất không có bầu khí quyển, Aziza nói không kịp thở, thì bầu trời sẽ không có màu xanh mà chỉ là một biển tối đen, và mặt trời sẽ là một ngôi sao to sáng trong bóng tối.

“Aziza có đi về nhà với mình lần này không?” Zalmai nói.

“Mai mốt, con” Laila nói. “Chẳng bao lâu nữa đâu.”

Laila nhìn Zalmai lững thững bỏ đi, thằng bé đi giống y cha nó, lưng tôm, ngón chân chỉa vô. Nó đi tới cái xích đu, đẩy chiếc ghế trống và cuối cùng ngồi xuống nền xi măng, bứt cỏ dại từ một khe nứt.

Nước bốc hơi từ lá cây - mẹ có biết không? – cũng giống như nước bốc hơi từ quần áo giặt phơi trên sào. Và hơi nước được đưa lên cây. Từ mặt đất thấm xuống rễ, rồi tuốt lên thân cây, qua các nhánh tới lá cây. Ðó là hiện tượng thoát hơi nước.

Nhiều lần Laila tự hỏi lính Taliban sẽ xử sự như thế nào nếu họ phát hiện ra những buổi học bí mật này của bác Zaman.

Trong lúc thăm, Aziza chẳng để cho im lặng. Nó lấp hết mọi khoảnh khắc với những phát biểu sôi nổi bằng một giọng cao, réo rắt. Nó nắm vững các chủ đề của nó, và đưa tay lên xuống diễn tả một cách nhiệt cuồng và căng thẳng khác xa bình thường. Thật thế, nó có một giọng cười mới. Không hẳn là cười, đúng hơn là một cách chấm câu đầy căng thẳng như để trấn an, Laila nghĩ.

Và còn những thay đổi khác nữa. Laila đã để ý thấy dưới móng tay của Aziza có đất dơ, và khi thấy Laila nhìn, Aziza vội dấu hai bàn tay xuống dưới đùi. Mỗi khi có đứa bé kế cận khóc, nước mũi chảy lòng thòng, hoặc nếu có đứa bé nào đi qua mà không mặc quần, tóc tai dính đầy đất, thì hai mắt của Aziza chớp liên hồi và nó mau mau giải thích. Nó như người chủ nhà lúng túng trước mặt khách vì sự bẩn thỉu của nhà mình và sự luộm thuộm của con mình.

Những câu hỏi về nó sống như thế nào ở đó được nó trả lời một cách mơ hồ nhưng vui vẻ.

Tốt lắm, dì. Con khỏe.

Bọn trẻ có chọc con không?

Dạ không mẹ. Ai cũng tốt với con.

Con có được ăn không? Ngủ tốt không?

Con có ăn. Có ngủ nữa. Tối qua mọi người được ăn thịt cừu. Hay có thể hôm tuần trước.

Khi Aziza nói thế, Laila thấy nó giống Mariam rất nhiều.

Bây giờ Aziza có tật nói lắp bắp, Mariam là người đầu tiên nhận ra điều đó. Rất nhẹ, nhưng cũng nghe, nhất là ở những chữ bắt đầu bằng chữ t. Laila có hỏi ông Zaman về việc này. Ông cau mày nói, “Tôi nghĩ trước nó vẫn vậy đó chứ.”

Buổi trưa ngày thứ sáu hôm đó, họ đưa Aziza ra ngoài trại mồ côi một lát để gặp Rasheed đang chờ ở trạm xe buýt. Lúc Zalmai nhìn thấy ba nó, nó reo lên mừng rỡ và nôn nóng cố lách mình ra khỏi tay của Laila. Aziza thì chào Rasheed một cách cứng ngắc, tuy không thù nghịch.

Rasheed bảo phải nhanh lên, y chỉ có hai giờ đồng hồ rồi phải về trình diện làm việc tiếp. Ðây là tuần lễ đầu tiên y làm gác dan cho Khách Sạn Intercontinental. Từ 12 giờ trưa đến 8 giờ tối, 6 ngày một tuần, Rasheed mở cửa xe, mang hành lý, lau chùi nước đổ. Ðôi lúc cuối ngày, người đầu bếp của nhà hàng kiểu “buffet” của khách sạn cho Rasheed đem về nhà một ít đồ ăn thừa – nhưng y phải kín đáo - mấy cục thịt băm lạnh tanh đẫm dầu; cánh gà chiên đã khô cứng; bánh xếp đã dai nhách; cơm cứng như sỏi. Rasheed hứa với Laila khi nào y để dành được ít tiền, Aziza sẽ được trở về nhà.

Rasheed mặc bộ đồng phục bằng vải polyester màu đỏ tím, áo sơ-mi trắng, cổ kẹp cà-vạt, nón kết đè lên mái tóc bạc của y. Trong bộ đồng phục này, Rasheed đã biến thành một người khác. Y trông yếu ớt, ngơ ngác một cách đáng thương, gần như vô hại. Như một kẻ cuối đầu chấp nhận không một tiếng thở dài phản đối những điều hạ thể mà đời đã đưa đến. Một kẻ mà sự ngoan ngoãn tuân phục vừa đáng thương, vừa đáng ngưỡng mộ.

Họ đi xe buýt đến “Thành phố Titanic”. Họ đi bộ xuống lòng sông khô cạn, hai bên là những sạp hàng tạm thời. Ở gần cầu, lúc họ đi xuống bậc thang, một người đàn ông chân đất chết treo lủng lẳng trên cái cần cẩu, hai tai bị cắt mất, cổ nghẻo ở cuối sợi dây thừng. Trên sông, họ tan lẫn vào đám đông người đi dạo mua sắm, những người đổi tiền và những nhân viên của Tổ chức Phi Chính phủ vẻ mặt chán nản, những người bán thuốc lá, những người đàn bà trùm kín người chìa đơn thuốc giả mạo ra để xin tiền mua thuốc. Lính Taliban tay cầm roi da, miệng nhai thuốc rê đi tuần trong “Thành phố Titanic” để tìm những người đàn bà vô ý cười to hay không che mặt.

Ðến một hàng bán đồ chơi nằm giữa hàng bán áo khoác và sạp bán bông giả, Zalmai chọn ra một trái banh bóng rổ bằng cao su có vòng màu vàng và xanh.

“Chọn một món đi,” Rasheed bảo Aziza.

Aziza rụt lại, cứng người bối rối.

“Lẹ lên. Một tiếng nữa tao phải có mặt ở chỗ làm rồi.”

Aziza chọn một cái máy kéo kẹo cao-su - đồng tiền bỏ vô ra kẹo sẽ được thu lại ở chỗ cái nắp phía dưới.

Cặp chân mày của Rasheed dựng đứng lên lúc nghe người bán hàng nói giá. Một màn trả giá diễn ra sau đó để rồi cuối cùng Rasheed hài lòng bảo Aziza, như thể chính Aziza là người đã mặc cả với y, “Trả lại đi. Tao không có tiền mua cả hai.”

Trên đường trở về, càng đến gần viện mồ côi, gương mặt vui vẻ của Aziza càng xìu xuống. Hai bàn tay của nó không còn đưa lên nữa. Mặt nó trở nên nặng nề. Lần nào cũng vậy. Giờ thì Laila, với sự phụ họa của Mariam, phải cố gợi chuyện và cười gượng gạo để lấp đầy không khí u buồn lặng lẽ bằng những lời bông đùa vu vơ.

Một lúc sau, khi Rasheed đã dẫn họ về tới viện mồ côi rồi đón xe buýt đi làm, Laila nhìn theo Aziza vẫy tay từ biệt và kéo lê chân dọc theo bức tường nơi sân sau của viện mồ côi. Laila nghĩ tới tật cà lăm của Aziza, và những gì Aziza đã nói về những vết nứt và những va chạm mạnh mẽ sâu trong lòng đất mà đôi khi trên bề mặt người ta chỉ thấy một rung động nhẹ.

“Ði đi, mày!” Zalmai kêu lên.

“Suỵt,” Mariam bảo. “Con la ai vậy?”

Thằng bé chỉ tay. “Kìa. Ông đó.”

Laila nhìn theo tay chỉ của Zalmai. Có người đàn ông đứng trước nhà, tựa vô cửa. Người đó quay đầu lại khi họ đến gần, bỏ tay xuống, bước khập khiễng vài bước về phía họ.

Laila khựng lại.

Một tiếng kêu tắt nghẽn trong cổ họng cô. Hai đầu gối cô qụy xuống. Ðột nhiên Laila muốn, Laila cần mò tìm cánh tay, vai, cổ tay của Mariam hay bất cứ cái gì để tựa vào. Nhưng Laila không làm điều đó. Laila không dám làm. Laila không dám nhúc nhích. Cô không dám thở, không dám chớp mắt, vì sợ người đó chỉ là một ảo ảnh lung linh đàng xa, một ảo giác sẽ tan biến ngay dù chạm vào rất nhẹ. Laila đứng yên hoàn toàn và nhìn Tariq cho tới khi buồng phổi của cô thét lên đòi không khí và mắt cô rực cháy đòi chớp. Và, chẳng hiểu sao, kỳ diệu thay, sau khi Laila hít một hơi thở, khép lại và mở mắt ra, người ấy vẫn còn đứng đó. Tariq vẫn còn đứng đó.

Laila  tự cho phép mình bước một bước về phía Tariq. Rồi một bước nữa. Và một bước nữa. Và sau đó Laila chạy thật nhanh đến.

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023