SỐ 99 - THÁNG 7 NĂM 2023

Sân Ga Một Mình

Từ hồi nhỏ tôi đã từng nghe người ta chửi những đứa trẻ ngỗ nghịch hay phá phách bằng nhiều từ ngữ :

“Đồ ôn hoàng dịch vật” “Đồ mắc dịch trời đánh” “Đồ mắc dịch, mắc toi”

Mắc dịch thì tôi chưa thấy bao giờ nhưng mắc toi thì có. Năm đó theo phong trào kinh doanh gia đình, ba tôi có nuôi một bầy gà công nghiệp, những con gà đang sởn sơ hôm trước sáng hôm sau nhìn thấy trong chuồng một lượt mấy con gà tự dưng lăn quay ra ngay đơ cán cuốc. Má vào nói với ba tôi :

- Ông ơi bầy gà mình nuôi bị mắc toi rồi!
- Đêm qua trời bỗng trở lạnh đột ngột tôi chưa kịp bắt thêm đèn ủ ấm cho bầy gà.

Nói rồi ba tôi bắt mấy con gà chết ra trước, kế tiếp là những con gà đứng cú rũ gục đầu đem ra nhốt riêng, những con gà còn lại từng con được ba nhỏ vào mũi nước tỏi giả nhuyễn. Có thể nhờ bầy gà con mua về từ trại gà giống trước khi xuất chuồng, tất cả chúng đều đã được chích hay cho uống một loại thuốc trụ sinh có tên tetracylin gà. Do đó ba tôi cứu được đàn gà mắc toi chỉ chết hơn chục con.

Sau những năm đổi đời thuốc men khan hiếm, xã hội “bị” quay về chữa bệnh bằng cây lá tự nhiên gọi là thuốc “dân tộc”. Có lần tôi bỗng hắt hơi và nước mũi bắt đầu chảy ra nên có cảm giác chắc mình sắp bị lây bệnh cúm từ ai đó khi đi chợ. Nhớ lại năm xưa thấy ba chữa bệnh cho bầy gà tôi bỗng nghĩ ra, nước tỏi chữa được cúm cho gà sao không làm thử cho người, đang làm bếp sẵn có mấy tép tỏi trong tay tôi đập dập rồi bạo gan nhét đại vào hai hốc mũi. Trời ạ! vừa nóng vừa cay tôi phải thở bằng miệng. Chỉ mấy phút sau tôi hắc xì mạnh một cái tép tỏi văng ra kèm theo nước mũi, tôi lại thay bằng tép khác chỉ chừng mười lăm phút mũi tôi không còn chảy nước và khô ráo ngay sau đó một cách ngẫu nhiên, nhiều năm tôi cũng thử vài lần như vậy đều có kết quả như nhau và để bụng mà thôi. Ra hải ngoại với nền văn minh thừa mứa thuốc men, bồi hồi nhớ lại thời gian khó khăn tôi bèn kể lại cho mấy đứa con cháu trong nhà biết chuyện tôi chữa bệnh bằng mấy tép tỏi, chúng đều lăn ra cười nói nhỏ với nhau : “Bà ngoại nói chuyện ‘so funny’!!”.

Ngày xưa những trận dịch chưa có thuốc chữa nên để lại di chứng đầy mặt của nhiều người, hỏi ra tất cả họ đều có năm sinh giống nhau. Hồi nhỏ có thời gian tôi ở nhà ông ngoại để đi học thêm chuẩn bị thi vào đệ thất trường công, tôi quen con nhỏ hàng xóm nó nói :

- Mày có biết tại sao cậu mày và chị cả của tao đều có nốt rỗ đầy trên mặt không? Má tao nói năm đó có dịch đậu mùa, con nít sinh ra bị lây hết trơn.

Đó là người ở thế hệ trước cách tôi gần hai mươi năm vào thời thuốc chủng ngừa chưa có nhiều và được phổ cập áp dụng. Những tưởng các trận dịch xảy ra từ mấy trăm năm xa xưa đã đi vào quên lãng trong trí nhớ của mọi người, vậy mà lần này ở thế kỷ hai mươi mốt lại bùng phát một cách ghê gớm. Khoa học tiến bộ khiến tin tức lan truyền từng giây tổng số người chết như rạ trên toàn thế giới khiến người ta hãi hùng bởi đang chứng kiến một trận dịch thế kỷ trong đời mình. Một năm trôi qua trí tuệ loài người chạy đua với thần chết, nếu những cơn bão đem đến tai họa cho đại dương đa phần đều mang tên phụ nữ, khác hơn trước lần này con virus cũng mang tên người phụ nữ “Cô Vi” lại bị thua cuộc khi thuốc chủng ra đời. Sau khi mọi người đang kiểm điểm lại ai còn ai đã mất và ngẫm nghĩ đến câu “Ông trời có đức háo sinh” để an ủi trong khi lâm vào tuyệt lộ.

Song song vẫn khốn khổ thay cho những ai không may mắn trong thời gian này khi có việc phải cần đến bệnh viện bởi ngành y chỉ chú tâm vào cơn bão dịch. Nếu nói hơi quá khi cho rằng dường như tất cả đều bị tê liệt, không chỉ riêng cho bệnh nhân ngay cả bác sĩ, y tá cùng nhân viên trong bệnh viện cũng phải bó tay, việc chữa trị các bệnh mãn tính hầu hết đều bị tạm hoãn bởi sợ lây lan.

Nhân loại vừa hoàn hồn sau khi mọi người nhận mũi chích ngừa đầu tiên với niềm hy vọng. Ông chồng tôi là người trước nhất trong gia đình được gọi tiêm chủng vì lớn tuổi và có bệnh nền lâu năm. Cơn dịch vừa dịu đi chưa kịp lắng xuống, sinh hoạt xã hội vẫn chưa trở lại bình thường. Những tưởng được hưởng thụ niềm vui không ngờ hồn vía lại lên mây vì biết cần phải vào bệnh viện thật gấp!

Đang đứng trong bếp nấu bữa cơm trưa tôi quay ra hỏi khi thấy anh từ sân sau đi vào :

- Anh làm gì ngoài ấy? Có muốn ăn tạm món gì bây giờ không?

Ông nhìn tôi miệng cười cười như mếu.

- Đang dẹp hết giàn su su chuẩn bị mùa đông sắp đến.

Tôi nghe giọng nói hơi khác thường nên ngạc nhiên gặng hỏi :

- Sao anh nói chuyện giống bị đớ lưỡi nói ngọng vậy? Anh nói thêm câu gì nữa xem.

Anh nói với tôi :

- Anh biết mình bị gì rồi bởi ngày xưa ba anh cũng vậy. Sáng sớm ngũ dậy là ú ớ nói không ra tiếng.

Tôi buông tay mọi thứ và tức tốc chở anh chạy ngay vào bệnh viện gần nhà, khu cấp cứu bây giờ vẫn bị phong tỏa! Cửa đóng muốn vào phải sắp hàng, người trước cách người sau mấy mét ai cũng khẩu trang che kín mặt mũi, y tá cũng vậy. Bàn nhận bệnh đặt bên ngoài hiên có kính che phía trước, hạn chế chỉ cho một người thân đi cùng, tôi phải ra ngoài đứng xa xa ở hàng hiên nhìn vào cố nghe được cô y tá hỏi từng người đến bệnh viện qua màn che miệng : “Có bị sốt không? Có ho không?” trong khi tay chĩa dụng cụ đo thân nhiệt vào trán. Cũng may chỉ có ba nhóm người chờ đợi, đến lượt chồng tôi đứa cháu ngoại nói ông bị stroke, cô y tá đến đứng trước mặt hỏi và bắt mở khẩu trang để nhìn mặt chồng tôi kiểm tra, sau đó mới mở cửa cho hai ông cháu bước vào khu vực cấp cứu. May mắn được ở vào thời đại có phone cầm tay, đứa cháu nhắn ra :

- Bà ngoại về đi, ông ngoại khám bệnh lâu lắm! Khi nào có kết quả con gọi phone cho bà ngoại biết.

Bên ngoài trời bắt đầu lạnh nhiều, tôi ngồi co ro tuy bệnh viện có đặt mấy cây cột sưởi bằng gaz bên ngoài hiên vậy mà vẫn thấy lạnh toát cả sống lưng.

Nửa ngày thấp thỏm chờ đợi trôi qua, nghe được đứa cháu gọi tôi đến chở cả hai về khiến tôi mừng quá, nó nói :

- Bác sĩ cho ông ngoại về nhà mua thuốc và chữa bệnh qua phone không cần ở lại bệnh viện.

Sau khi chụp hình khám mọi thứ ông bác sĩ nói với chồng tôi :

- Ông đã bị đứt một mạch máu nhỏ trong não từ lâu lắm rồi, bây giờ đứt thêm mạch máu khác cũng nhỏ thôi.

Và ông chồng tôi được bệnh viện xếp vào loại bị tai biến được theo dõi chữa trị dặn dò thường xuyên bằng phone thay vì phải nằm bệnh viện. Nghe nói giai đoạn đầu tiên rất quan trọng và tùy theo nặng hay nhẹ để hồi phục nhanh hay chậm.

Được hai tháng chúng tôi mừng giáng sinh trong vui vẻ bởi những người thân quen đều khỏe mạnh và được chích ngừa theo từng đợt. Ngày Tết dương lịch đầu năm tôi có thói quen nấu các món với gà :

- Bên này Tết tây ngày ba mươi mốt mình ăn gà cho may mắn, gà bay nhảy bới xới kiếm ăn tượng trưng cho công việc làm ăn nhanh chóng kết quả tốt.

Mọi người hay cười cho rằng tôi tin dị đoan quá :

- Mặc kệ, có kiêng có lành. Đầu năm ăn thịt bò bộ muốn bò cả năm hả??

Cũng vậy Tết nguyên đán âm lịch tuy không cần mâm ngũ quả “cầu dừa đủ xài” tôi đặc biệt không mua và cúng chuối vì âm vần với “chúi đầu, chúi mũi” xui xẻo.

Hôm sau chiều ngày một Tây tháng giêng, tôi chuẩn bị thức ăn mới đứng ở bếp nhìn lên màn hình TV kết nối từ computer, tôi nói :

- Anh tìm cho em tên bộ phim này mở lên xem.

Tôi đọc tên phim, anh ngồi loay hoay bấm bấm keyboard, bấm tới lui mãi không xong. Đi đến đứng nhìn sau lưng tôi mới khám phá ra anh không nhận biết bất cứ chữ gì, tôi nói với anh : ‘Anh đánh tên anh cho em xem’. Anh mò mẫm mãi không đánh được! Tôi cầm viết lấy giấy bắt anh viết, đọc chữ A, anh viết không ra. Tôi mở nguyên bảng tập đánh vần bắt anh đọc một chữ anh đọc không xong, có nghĩa là anh không nhớ và không nhận được mặt chữ cũng như không biết đọc nhưng may mắn là anh còn nghe và hiểu được.

Buổi chiều các con đi làm về tôi kể cho chúng nghe chuyện và tức tốc chở ngay anh vào bệnh viện. Cũng vì dịch “vật” vẫn còn nên không ai được ở lại cạnh anh. Buổi tối sốt ruột tôi gọi phone vào thật may anh còn nhớ nút bấm nhận trả lời. Sau khi khám bác sĩ nói anh bị cục máu đông chận một mạch máu, có lẽ anh được cho thuốc vào nên từ từ phục hồi lại sự nhận biết. Vậy là bây giờ trong các loại thuốc uống trị tiểu đường, thêm thuốc aspirin trị đông máu. Thêm một trọng trách cho người nấu ăn là tôi. Không được cho nước mắm hay muối như bình thường có nghĩa là phải ít hơn. Không ăn nhiều thịt bò có nghĩa là một tháng nhiều nhất hai lần và không được liên tục, nhiều rau xanh..v..v.. website nào chỉ dẫn cách ăn uống cho người tiểu đường, bị tai biến não là có tôi xông vào lĩnh giáo.

Vậy mà cũng chưa đủ, chỉ mới hơn nữa năm lại phải vào bệnh viện lần nữa mặc dù tôi kiêng khem theo dõi đủ điều đến nỗi anh phải khó chịu quạu quọ. Thói quen kê gối nằm lên cao xem TV bị tôi vứt bỏ. Tôi nói :

- Nằm gối cao, máu không đến được não khi ngũ, cổ bị gập lại làm trặc xương cổ.

Anh vặc lại :

- Y học miệt vườn, bà làm lang băm hồi nào vậy??

Nói thế nhưng cũng phải chịu phép thua tôi bởi vào lần này do tôi khám phá bởi tính tôi ngủ rất dễ thức giấc. Nửa đêm tôi nghe anh cựa mình lấy hộp thuốc tylenol uống. Tôi thắc mắc sao uống thuốc này, anh nói :

- Thấy người giống bị cảm nhẹ, hơi sốt.

Tôi hỏi :

- Bao lâu rồi?
- Bốn năm ngày rồi.

Sáng hôm sau đo áp huyết thấy hơi cao, tôi nói :

- Anh bị tiểu đường và tai biến mà bị cảm sốt uống Tylenol ba bốn ngày không hết là có chuyện, phải đi bệnh viện liền.

Hai ngày tiếp tục phải ra vào bệnh viện để thử thuốc vẫn không tìm ra loại virus đang ở đâu. Đến ngày thứ ba theo hẹn gặp bác sĩ buổi chiều nhưng mới sáng sớm thì con virus phát tác khiến anh khó thở, xanh xám mặt mày run lẩy bẩy đi không nổi. Cháu gái bốc anh chạy ngay vào bệnh viện tức tốc, vào giường nằm nó mới gọi về cho tôi hay.
Rốt cuộc lần này anh phải ở lại bệnh viện bốn ngày ba đêm để tìm cho ra con virus gây bệnh, hình như nó nấp kỹ trong gan, bác sĩ phải lấy kính chiếu yêu mới cho đúng liều thuốc.

Nằm bệnh bây giờ không buồn vì rảnh rỗi như ngày xưa bởi có hand phone, ipad với facebook, youtube xem đủ thứ còn không hết, không giống như ở nhà vì bận bịu công việc. Tôi vào thăm cũng phải qua hai lần gặng hỏi của bệnh viện. Lần đầu tiên phải trình chứng cứ đã chích ngừa ba mũi, rồi hỏi han có đi đâu đến các vùng dịch hay đi du lịch ngoài nước không. Lên đến tầng lầu khu vực anh chữa trị lại phải qua một cửa ải hạch hỏi ghi vào hồ sơ thật kỹ càng. Có như vậy ngành y mới theo dõi được nguồn lây lan dịch bệnh từ đâu, xâm nhập giờ khắc nào. Tuy hơi nhiêu khê nhưng là một chuyện tốt. Vào thăm mang thêm đồ dùng cá nhân thấy anh mạnh khỏe, ngồi thoải mái xem ipad tôi không cần ở lâu bởi muốn nói gì hay dặn dò đã có cái phone hò hẹn rồi.

oOo

 Chúng tôi tưởng mình đến nhà quàn là sớm nhất vì tôi nhận phụ trách mang cơm cúng cho người đã khuất. Quan tài đã được mang ra đặt sẵn, xúm quanh là gia đình con cháu của người chị chồng tôi, tiếng bà gào khóc chỉ với câu hỏi:

- Tại sao? Tại sao? Tại sao anh bỏ ra đi vậy??

Khách viếng đến sớm có vài người bạn rất thân đến dìu chị an ủi bằng những câu thông thường. Tiếng khóc không dứt chị luôn miệng tự hỏi tại sao chồng mình bất ngờ ra đi khi không có một triệu chứng bệnh tật báo hiệu.Chị kể lể:

- Anh chở chị đi shopping, xong về ghé qua một parking cho chị đi washroom, chị trở ra không thấy anh ngồi trong xe. Nào ngờ anh vừa mở cửa xe bước ra anh đã té nằm dài ngay dưới đất. Mọi người bèn xúm lại gọi xe ambulance giùm chị.

Chồng tôi nghe chị gọi phone báo tin người anh rễ bị stroke đang trong bệnh viện, anh nghe như sét đánh bên tai vì ông rất khỏe, người yếu là chị vợ vừa mới mổ tim, nào ngờ người ra đi không phải người bệnh mà là người khỏe mạnh. Cũng giống như chị ruột tôi, ông chồng hôm nay đau ngày mai yếu vậy mà người buông tay ra đi chóng vánh là người chị khỏe mạnh của tôi.

Màn hình nhà quàn đang chiếu hình ảnh và tiểu sử người đã khuất. Thời gian là sinh viên Luật khoa, ra trường, kết hôn và nhận nhiệm vụ phó lãnh sự nước ngoài của bộ ngoại giao VNCH. Sau tháng 4/75 định cư tại Bắc Mỹ giống như bao người, ban ngày đi học lại, ban đêm giúp việc cho một nhà hàng. Sau khi tốt nghiệp làm việc một thời gian cho sở di trú địa phương trước khi mở văn phòng riêng, sống đời thành đạt và viên mãn cùng vợ, con và các cháu. Bây giờ bài hát “Nghìn trùng xa cách” trên màn hình gieo vào lòng người ở lại nỗi bi thương.

- Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi! Còn gì đâu nữa mà khóc với cười.
 Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi! Còn lời trăn trối gửi đến cho người...
 Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi!!!

Dạo trước khi dịch bệnh xảy ra tôi hay đến nhà quàn theo sư thầy hộ niệm, đám tang nào người chồng qua đời tôi đều nghe tiếng khóc than thảm thiết của những người vợ :

- Tôi không cam lòng! Tôi không cam lòng sự chia cắt này. Tôi không cam lòng mới một tháng mà anh đã bỏ đi!

Người phụ nữ là đệ tử trong chùa của sư thầy, khi khám phá căn bệnh ung thư chị vợ không ngờ người chồng ra đi nhanh như vậy và vì chưa kịp chữa trị nên chị không cam lòng. Chị tin vào y học và còn nước còn tát người ta hay nói vậy.

Nếu đám tang nào người qua đời là vợ, tuyệt nhiên tôi không hề nghe tiếng khóc lóc, than van kể lể của đức ông chồng. Hầu hết xảy ra trong im lặng bởi lời giải thích nước mắt đàn ông chỉ chảy ngược vào lòng. Ấn tượng mạnh mẽ hơn là câu “Đàn ông đổ máu chứ không rơi lệ”, nhưng đa phần tôi thấy người chồng nhanh chóng đi tiếp bước nữa bất kể độ tuổi nào. Còn về phần người phụ nữ rất hiếm khi tái giá và thường thường chỉ xảy ra với người trẻ tuổi.
Bà chị chồng tôi còn với theo kêu gọi tên chồng nhắn nhủ khi chiếc quan tài được nhà quàn đẩy vào lò thiêu phía sau cánh cửa :

- Anh T.. ơi! Mình hẹn nhau kiếp sau, mình cũng là vợ chồng, mình sẽ gặp lại nhau nữa nghe anh.

Chị kêu lên trong tuyệt vọng,những người bạn đỡ thân hình khi hai tay chị chới với níu kéo trong khoảng không! Cố giữ lại hình ảnh người chồng ra đi trên chuyến xe đời, bỏ lại một mình chị trên sân ga lẻ bóng.

... Anh đi rồi, còn chi anh ơi, Bao yêu thương cũng theo người rồi!
Anh xa rồi trời buồn không nắng, Mưa sẽ buồn ai vuốt tóc em!
Anh đi rồi, tình ta tan mau, Và tháng năm phai tàn úa màu.
Anh xa rồi nụ cười đã tắt, Người ở lại có bao giờ vui!
Làm người ở lại có bao giờ vui..../. (*)

Cỏ Biển
Vu Lan tháng 7/2023



(*) Trích bài thơ Tiễn Đưa của Đặng Hiền.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023