SỐ 99 - THÁNG 7 NĂM 2023

TỪ ISTANBUL ĐẾN TU MƠ RÔNG
THEO ĐƯỜNG CHIM BAY

Dùng dằng với múi giờ vừa quen nay phải vội lìa xa, tôi trằn trọc trở lăn suốt đêm đầu tiên trở lại nhà. Mắt biếng lười khép mở, nhấp nhem khung cửa nhờ nhờ bóng cây trong vườn phủ kín vùng thao thức sâu quá canh tàn. Bâng khuâng trong cảm giác khơi vơi của ra-đi-quay-về, tôi như người say trong giấc mộng du, đầu óc mụ mị nhấp nhô những ngày những tháng như dãy cột mốc dập dềnh trên sóng nước. Tôi nằm nghe cảm giác mình mềm theo trí tưởng, chừng như muốn nhão ra cho thấm vấy đến tận cùng chốn hồng hoang hòa quyện giữa lịch sử với truyền thoại theo dòng thời gian trắc trở, máu me.

Đoàn chiến binh giáp trụ, khiên đao, ầm ào vó ngựa qua mấy thời đế quốc Roman, Byzantine, rồi Ottoman, hưng phế. Is…tan…bul… âm hao ngọt ngào tiếng khải hoàn ca. Istanbul, thành phố từ những ngày tôi tóc xanh đã ước mong được đến một lần, sao lòng vẫn mãi bồi hồi nghĩ về cơn mộng cũ? Xa xưa rồi, Constantinople. Có một bài ca… Mỗi cô gái ở Constantinople đều sống đời mình ở Istanbul, nên nếu bạn được hẹn hò ở Constantinople (nên nhớ) nàng sẽ đợi bạn ở Istanbul.

Chờ chi nữa, lên đường thôi!

Vẫy chào Istanbul, con tàu mộng du theo cánh chim bay về quê hương yêu dấu, châu thổ tràn ngát hương sen, và Tây Nguyên xanh thẩm đại ngàn. Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Hội An. Quê hương cũ mến yêu, đã bỏ đi mà vẫn mãi nhớ về. Nơi gia đình, người thân, mồ mả mẹ cha vẫn còn ở đó và kỷ niệm một thời xuân vẫn tươi tắn nụ cười chờ đón. Hồ như thoảng vọng đâu đây tiếng mẹ ầu ơ ru con bên vườn trưa… Hay vẫn mãi là tiếng chim hót trong lòng qua bao năm tháng?

Phải chăng sự luân chuyền bất tận của mùa xuôi theo thời gian và kỷ niệm chuỗi ngày thơ sẽ nối dài thêm ước vọng. Người đứng nhìn đọt núi Ngọc Linh vói trời rồi vọng theo ngàn mây trôi mà kiếm tìm giấc mộng đời mình. Tự nghìn năm xưa, người đi về biển xanh, người ở lại đầu non, nên người vẫn mãi phân ly, ngoái vọng đợi chờ, dắt díu ra đi. Trên đá cũ lũy đồn cheo leo quan ải, từ hàng trăm năm trước có lẽ gió trên đỉnh Bạch Mã vẫn thổi chạnh lòng người lính thú Đàng Trong. Người hiu hắt nỗi lòng trấn thủ lưu đồn... chiều chiều mây phủ Hải Vân, súng rền Non Nước bâng khuâng dạ người...(Ca dao).

Những giấc mơ vẫn lặn lội lên đường. Cơn mơ nào nối liền cách trở cheo leo như những toa tàu nối vào nhau bền bỉ. Con tàu thấp thoáng băng mình qua cánh rừng xa, mỏng manh làn khói xám bị gió xé rã rời. Thế thôi, dù có lắng tai cũng chẳng nghe được chút âm vọng nào ngoài nhịp đập tim mình và tiếng gió trời. Con tàu vẫn lao mình về phía trước, lúc chênh vênh triền vực, khi tối tăm qua mấy dặm hầm sâu. Con tàu ra đi, níu kéo thời gian, nối lại những quãng đời có mưa rơi ở hai đầu nỗi nhớ.

Lòng bỗng chùng theo nỗi nhớ về dòng sông lưu lạc quê nhà. Dòng sông trôi, đẩy nhịp hư vô cuốn trả cơn mơ bất tận kiếp người về lại với cảnh đời dâu biển. Dòng sông trở mình thấm đẫm phù sa, ôm đồm từng nỗi niềm riêng của đá sỏi nghìn xưa mà mơ buổi hóa thân. Giấc mơ của đá. Nỗi buồn của từng giọt lệ, từng giọt mồ hôi rã đọng muối khô vì ngọn gió lịch sử tai chướng, lọc lừa.

Tiếng chim Mockingbird ồn ào cuối cùng đã lay tôi khỏi cơn ngái ngủ đầy cảnh sắc mộng mị.

Tôi ngồi dậy, định bụng làm vài động tác vươn vai cho tỉnh người nhưng rồi chỉ lặng lẽ bước ra khỏi phòng ngủ. Tình cảm đầy xúc động về hình ảnh của thành phố đi qua, về sinh hoạt ròng vã mồ hôi của dân quê mình cùng những cánh chim bay trên núi cao, đồng sâu khiến tôi bồi hồi đứng lại, nhắm mắt hồi lâu.Tôi muốn ở lại với giấc chiêm bao đầy màu sắc đã cho tôi nỗi vui được ra đi, được trở về, tràn đầy hạnh phúc suốt 33 ngày qua.

Mùi café thơm làm tôi tỉnh táo. Vợ chồng vừa trở về cõi riêng thân thuộc của mình. Khu vườn sau hoa nguyệt quế nở trắng, tinh khôi. Và như thế, chuyện kể về những ngày vui lại được sống dậy.

Rốt cùng rồi bố con tôi cũng hẹn nhau được một chuyến đi. Cơ may đến khi trường Đại học Hải-Đăng dạy đồng ý tài trợ cho anh chàng một chuyến đi dài khảo sát, tìm kiếm các loài chim quý hiếm ở Việt Nam cùng nhóm giáo sư thuộc các trường ở California và Colorado. Roya vừa chấm xong điểm thi cuối niên học cho sinh viên nên mừng rỡ được dịp về thăm quê chồng như dự tính. Ông bố chồng thì như mở cờ trong bụng vì hành trình về Sài Gòn qua ngã Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở thăm Istanbul 5 ngày, 4 đêm. Ba tuần kế tiếp sẽ đi “săn” chim tại vùng châu thổ Miền Tây và Tây Nguyên. Hai tuần cuối của chuyến đi, ba chúng tôi sẽ đoàn tụ tại Đà Nẵng với bà ngoại và gia đình con gái về thăm.

Chuyến bay dài hơn mười tiếng đồng hồ từ Chicago đến Istanbul vào buổi sáng. Phi trường Quốc Tế Istanbul chưa đến giờ cao điểm, người đi lại thưa thớt. Ngủ gà ngủ gật mãi trong quán café phi trường mà vẫn chưa đến mười giờ sáng. Homestay đặt trước từ Mỹ thì mãi đến hai giờ chiều mới được vào, may sao Đăng liên lạc trước với người chủ nhà đồng ý cho gởi hành lý sau mười một giờ sáng.

Nơi chúng tôi trọ là một apartment có hai phòng ngủ khá khang trang trong một khu nhà cổ, có lẽ được xây từ đầu thế kỷ trước. Tôi ngán ngẩm nhìn dàn cầu thang xoắn lên đến tầng ba, rồi tặc lưỡi theo hai người trẻ tuổi từng bước leo lên. Rán đi cho quen ông già! Còn về Việt Nam ba tuần leo núi, băng rừng theo cho kịp bọn trẻ và mấy con chim biết bay, tôi thầm nhủ. Ngôi nhà nhìn ra một quảng trường rộng lát đá cuội mòn nhẵn dấu thời gian. Bầy chim câu hàng trăm con chấp chới bay theo đàn rồi ùa sà xuống tranh thức ăn từ những người đàn bà trùm khăn ngồi từng nhóm rải rác trên những băng ghế đá. Không xa quảng trường là Galata Tower ẩn hiện sau con phố dốc lát đá, quanh co đông nghẹt người đi. Gởi xong hành lý, chúng tôi tìm đường đi… ăn sáng, mà phải là bữa ăn sáng truyền thống Turkiye mười một, mười hai món. Nhìn một bàn thức ăn đầy màu sắc và thơm phức, tôi thầm nhủ thôi thì… “đường điếc” gì đó tính sau đi. Rời nhà hàng “breakfast all day” về lại nhà trọ vừa kịp hai giờ chiều, chính thức nhận phòng.

Tắm mát và giấc ngủ bù nạp đủ năng lượng, chúng tôi sảng khoái bước vào buổi tối Chủ Nhật Istanbul. Phố đông nghẹt người, thương hiệu thời trang cao cấp trên thế giới chen vai với khách sạn, nhà hàng san sát nhau và người đi như nước tràn. Âm nhạc, tiếng động, tiếng nói cười trẻ trung chói động vào tai, lùng bùng như đang ngồi trong một phi cơ phản lực đang rời phi đạo lao lên không trung. Không hẳn là phố đi bộ nhưng chẳng có xe qua lại ngoại trừ thỉnh thoảng những xe bọc thép cảnh sát vũ trang đến tận răng lèn lách chạy qua và các đoàn xe pick up dềnh dàng chở đầy thanh niên vẫy cờ Trăng lưởi liềm trắng. Họ hô rầm vang khẩu hiệu nghe lỏm bỏm được tên ông Tổng thống Erdogan vừa thắng cuộc bầu cử chung kết tối nay. Ở cuối phố, qua khỏi náo nhiệt, tình cờ vào một nhà hàng nhỏ ăn được tô cháo cá ngon tuyệt.

Hải-Đăng có thói quen thức dậy rất sớm mỗi sáng, mang theo ống dòm đi thơ thẩn tìm chim. Trúng ý tôi nên hai cha con sè sẹ ra khỏi nhà, dò dẫm theo Google đến một công viên đầy cây xanh gần bến tàu. Thấp thoáng sau hàng cây dẫn xuống cầu tàu còn mờ trong hơi nước, chiếc phà nhỏ vừa cập bên lố nhố hành khách lên xuống. Cậu con trai chỉ về hướng một nhóm tàu cả chục chiếc lớn nhỏ với những hàng ghế sắp thứ tự theo từng dãy trên bong lộ thiên. Ngày mai mình sẽ đi boat tour cả ngày trên Bosphorus Strait ra cho tới Black Sea.

Buổi sáng chim thức dậy hót ríu rít trong các tàng cây. Hải-Đăng mải mê chăm chú lắng nghe, kiếm tìm vị trí của từng cái đầu, cái mỏ chim nhỏ xíu lay động trong lá, hay cặp chân chim mảnh khảnh, vàng vàng, đen đen nhảy chuyền bất giác trên những nhánh cây nhỏ. Anh chàng thỉnh thoảng lại ậm ừ xuýt xoa trong cổ họng tiếng tán dương rồi đối chiếu, tra xét trên iPhone và ghi chép vào chiếc sổ nhỏ luôn mang theo bên mình. Ông bố thì hậm hực, tiếc rẻ hùi hụi đã mấy lần mới vừa chỉnh xong tiêu điểm, cận cảnh vừa rõ ràng chưa kịp bấm thì chim vụt bay mất. Mất toi tấm hình chim đẹp hết biết. Đang “săn” chim miệt mài, thì Roya nhắn tin sắp ra khỏi nhà và hẹn ăn sáng ở quán cà phê nhìn ra quảng trường.

Quán cà phê cũng là một tiệm làm bánh, chủ là một thiếu phụ nói tiếng Anh rất lưu loát và đúng giọng, có lẽ đã từng sống ở Anh Quốc. Cô vui vẻ giới thiệu, giải thích cà phê, trà, bánh Turkish dành riêng vào buổi sáng. Hải-Đăng và Roya mỗi người thử một loại cà phê khác nhau, tôi gọi một tách trà đen với lời dặn đừng pha quá đậm. Bánh thì chúng tôi gọi Baklava và Kurabiye (một loại bánh quy Turkish) và vài cái Croissant Pháp cho chắc bụng tới trưa. Roya thăm hỏi tôi trà đen uống với đường củ cải tím ra sao, tôi gật đầu tán thưởng đưa cô ta uống thử một ngụm. Tôi cũng tán đồng với cô con dâu về cái vị ngon đặc biệt của cà phê Turkish uống với mật ong. Cắn một miếng Baklava, thấm ngẩm hương vị quế và mật ong rệu chảy trong miệng rồi chiêu ngụm trà thơm chát ngòn ngọt… Phải rồi, tôi đang ở Istanbul. Đời bỗng dưng vui, bổng nhớ tới Jed Hamoud, người bạn hiền hơn ba mươi năm trước làm việc chung ở Đại học Minnesota. Baklava do Jed tự tay làm cho gia đình và bạn bè vào mỗi cuối năm. Lần sau cùng gặp nhau đã mười năm hơn, trước ngày Jed đưa gia đình trở về miền Nam Thổ Nhỉ Kỳ sinh sống.

Bên ngoài quán cà phê, từ khung cửa kính lớn tầng hai, nắng trên quảng trường bắt đầu chiếu sáng lên mặt đá cuội, lảng vảng bầy chim câu đang chờ bữa ăn sáng.

Hôm nay chúng tôi đi thăm Topkapi Palace Museum và trung tâm Sultanahmet Square cách nhau một cuốc taxi ngắn.

Khi ba chúng tôi đến Cung điện Topkapi, hàng dài khách du lịch đã rồng rắn trước hai phòng vé.

Vợ chồng Hải-Đăng nhanh chóng chia nhau vào sắp hàng ở cả hai nơi. Roya may mắn mua được vé trước, vé dành cho cả Palace và Bảo tàng viện Harem ở cùng khuôn viên với Hoàng cung.

Quốc Vương Mehmed II người đánh bại đế quốc La Mã, chinh phục Constantinople, mở ra thời kỳ hào thịnh của đế quốc Ottoman đã đổi tên đế đô là Istanbul. Mehmed II khởi công xây dựng Topkapi Palace từ năm 1460 đến 1478. Trong gần 400 năm sau đó, Palace là cung điện của những quốc vương Ottoman kế vị, đã được tu sửa, chỉnh trang nhiều lần. Vào những năm đầu 1850s, các vì Sultans lúc đó đã dời đến Dolmabahce Palace bên bờ Bosphorus. Tuy thế, kho báu, kho lưu trữ Hoàng gia, và Thánh tích của Đấng tiên tri Muhammad vẫn được bảo tồn tại Tokapi, kể cả những quốc lễ của triều đại Ottoman vẫn được tổ chức ở Palace này.

Sau sự tan rã của đế chế Ottoman và bắt đầu nền Cộng hòa Turkish vào năm 1922, Topkapi Palace đã trở thành 100-ngàn-mét-vuông Topkapi Palace Museum, bao gồm 200 ngàn tài liệu lưu trữ, 86 ngàn cổ vật và 20 sảnh đường triển lãm.

Chúng tôi chăm chú đi qua từng khu triển lãm trưng bày những bộ sưu tập lớn về đồ sứ, trang phục áo choàng của vương gia vọng tộc, khí giới khiên giáp của dũng sĩ tướng quân, những tiểu cảnh về đế chế Ottoman, các thư thảo Hồi Giáo (hiểu được chết liền), và cả báu vật nữ trang Ottoman.

Món châu báu tôi thích nhất là chiếc dao găm bằng vàng, chuôi dao nạm ngọc lục đẹp hãi hùng, ông nào xem cũng trầm trồ, đó là chiếc Topkapi Dagger. Còn các bà thì đổ xô tới, xem mãi không chịu đi, viên kim cương lớn gần bằng ngón chân cái.

Lưu luyến rời Topkapi Palace lúc trời vừa quá trưa. Phía ngoài cung điện là khoảng phố ngắn với nhiều quán ăn và cửa tiệm nhỏ bán đồ lưu niệm. Có cả Topkapi Daggers cũng được bày bán ở đây. Quá đắt cho món đồ chơi vàng mã made-in-China. Con Đường Tơ Lụa đã bơi qua Hắc Hải đến đây từ lâu rồi.Trung Hoa ngày nay đã đi quá xa khỏi Trường An, con đường không còn êm như tơ lụa nữa mà đầy mùi dầu thô Trung Đông, tanh hôi mùi sừng voi tê giác, kim cương đá quý Châu Phi, có khi còn thơm tho mùi Cognac Bordeaux Pháp, thượng lưu thời trang Venice, Milan, Florence nước Ý. Con đường tơ lụa của họ đã qua tới Châu Mỹ, mướn phòng ở UNESCO Liên Hiệp Quốc hay Foundations các trường Đại học, xây viện Khổng Tử. Con đường tơ lụa bây giờ bao gồm cả thềm lục địa, qua Việt Nam, Đông Nam Á trắng trợn bá quyền như Đường Lưởi Bò chín mười phân đoạn, đường vòng đường tránh xảo quyệt mưu mô…

Mùi cá mackerel nướng thơm quá. Anh chồng tán thán, chị vợ gật đầu, cả ba chúng tôi bước vào.

Sultanahmet Square tự hào với hai đền Hồi giáo nổi tiếng Hagia Sophia Mosque và Blue Mosque.

Đền Hồi giáo Hagia Sofia Mosque được xây dựng từ Thế kỷ thứ 6, thời Byzantine, như là một nhà thờ Cơ Đốc, lúc kinh đô còn mang tên Constantinople. Vào thế kỷ 14, thời kỳ đế quốc Ottoman, nhà thờ này trở thành đền Hồi giáo cho đến năm 1934 chính phủ Turkish đã quyết định biến nơi này thành bảo tàng viện, một “tàng kinh các” của lịch sử nhân loại. Năm 2020, có lẽ vì muốn hài lòng thế giới Arab Muslim, ông tổng thống Erdogan này một lần nữa đã “cải đạo” bảo tàng viện thành đền Hồi giáo. Hagia Sophia Mosque tiêu biểu cho thời kỳ huy hoàng của Byzantine xa xưa đã thể hiện tất cả qua kiến trúc các thời đế quốc, từ nóc vòm Hồi giáo đến các khảm họa, phù điêu hiếm có của văn minh Cơ Đốc.

Blue Mosque, cũng trong phạm vi Sultanahmet Square, được xây dựng vào thời kỳ đế quốc Ottoman, những năm đầu 1600. Đền nổi tiếng với hơn 20,000 viên gạch men xanh ngọc trong hơn 50 họa tiết tulip khảm lên tường bên trong đền. Blue Mosque là ngôi đền duy nhất ở Istanbul có 6 tháp thay vì 4. Điều này đã gây tranh cãi, thậm chí là những khiêu khích thù địch vì lúc bấy giờ chỉ có Đền của Đấng Tiên Tri ở Mecca được bảo quyền có 6 tháp. Cuối cùng Sultan Ahmet I đã tài trợ xây ngọn tháp thứ 7 cho ngôi đền ở Mecca để giải quyết hiểu lầm nghiêm trọng này.

Quảng trường phía ngoài đền, tín đồ đang đến khá đông có lẽ sắp đến giờ cầu nguyện. Nắng trưa hanh vàng phủ lên tháp chuông một màu sáng lóng lánh như mật. Chim biển tranh ăn với chim câu đậu rồi bay theo đàn quanh hồ phun nước. Mấy chú chó to lớn, không thấy chủ đứng gần, biếng lười nằm ngủ lim dim dưới bóng cây. Vài thiếu phụ đeo khăn mạng niqaah ẵm con thơ, họ ngồi ủ rủ ở một góc đền lấm lét xin ăn. Chuông báo giờ ngân nga gióng lên, rồi tiếng cầu nguyện từ hai ngôi đền vang lên đối đuổi nhau mạnh mẽ, ấm áp và dài hơi như một bản song ca hay tuyệt khiến tôi nhớ đến những lời kinh thơ man mác điệu buồn phương Nam từ ngôi chùa Hòa Hảo ở Đồng Tháp Mười gần nửa thế kỷ trước.

Trong tiếng cầu kinh vạm vỡ, rền vang tôi vừa thấy Istanbul của một thời Ottoman vẫn còn lẩn khuất đâu đây. Istanbul. Thành phố của Sultan Đại đế, Vương gia, Tướng quân xưa, hồn muôn năm cũ vẫn cùng lúc hiện hữu với con người thế hệ mới. Những người trẻ tuổi hừng hực sống, đầu trần không mạng che, những người không có tiếng nói, cho dù đói nghèo nhưng khát vọng và ước mơ đã vãng sinh, tái tạo Istanbul. Một nơi thật và huyễn như tiếng gọi vang tên của ba thành phố dội vào thời gian sâu thẳm. Từ thánh thư Quran đến lúc những trang chữ Shakespeare viết ra, chuyện của ba thành phố Byzantium, Constantinoble, Istanbul là lịch sử, là ý niệm đã thăng hoa thành thực tế. Istanbul sừng sững như cổng ngọ môn giữa trời Đông Tây, Âu Á. Trong lịch sử nhân loại, có một thành phố đã lần lượt từng là đế đô của cả ba đế quốc Roman, Byzantine, và Ottoman. Istanbul! Một khải hoàn ca.

Sáng nay cả ba chúng tôi đến Galata Tower thật sớm, rồi Google đi bộ đến khu phố gần Karakoy Ferry, hy vọng có thể tìm chim, ngồi nhâm nhi trà, cà phê ngắm mặt trời lên hay nhìn thiên hạ trên bộ, dưới thuyền. Không tệ, ống kính tôi chụp cận cảnh được bầy chim biển đang sãi cánh bay trong bầu trời hừng đông. Ăn sáng xong, chúng tôi trở về quảng trường đứng chờ trước một khách sạn đã hẹn trước để được đưa tới bến tàu đi du lịch suốt ngày trên Bosphorus Strait ra Hắc Hải.

Con tàu chạy dọc theo dải nước kéo dài chia đôi hai lục địa Âu Á. Đền đài, cung điện đôi bờ chầm chậm lướt qua trước mắt, đi vào ống kính, nối theo nhau thành chiều dài uy linh của lịch sử ba thời Đế quốc hài quyện vào nhau.

Tàu chạy chầm chậm vào phía bờ Âu, cập vào cầu tàu của khu làng cổ Ortakoy đẹp như tranh vẽ với những tòa nhà cấu trúc kỳ lạ và những con phố nhỏ trải đá cuội san sát cửa hàng nghệ thuật, phòng trưng bày, chợ nhỏ và hàng quán cà phê. Tôi ngạc nhiên khám phá ra một quán phở Việt nam trang trí khá tinh tế theo kiến trúc Việt Nhật. Lòng bàng hoàng nghĩ tới chuyện đời nào sẽ được kể ra đàng sau quá khứ của người Việt lưu vong này. Thuyền nhân, vượt biên, “lao động nước ngoài” ở lại, một cô gái đi theo diện hôn nhân? Hay cơ duyên nào. Tôi muốn biết nhưng nhà hàng vẫn chưa tới giờ mở cửa.

Tàu rời bến chạy về phía bờ Á để được hướng dẫn ghé thăm Kucuksu Palace, tòa lâu đài thời kỳ Ottoman này xây vào những năm 1800s được xử dụng như là một nhà nghĩ sau lúc đi săn lùng thú hoang cho hoàng thân quốc thích thời bấy giờ. Lâu đài tuy nhỏ nhưng không thiếu phòng ốc được tô điểm với vàng, đá hoa cẩm thạch và pha lê. Tấm thảm đỏ trải kín đại sảnh được thêu khảm theo tiết họa Iran tinh tế cầu kỳ là quà tặng của một Sa Hoàng Tsar.

Con tàu tiếp tục hải trình về phía Remeli Hisari Fortress. Tàu chạy chậm để du khách tha hồ ngắm nhìn khu pháo đài thành lũy dọc theo bờ Âu của Bosphorus. Sultan Mehmed II khởi xây Lũy đài Rumeli vào các năm 1451, 1452 để chuẩn bị cho cuộc bao vây tiến công lật đổ đế quốc Byzantine, chinh phục thành phố Constantinople và độc tôn cho đế quốc Ottoman. Đế đô được thay tên mới Istanbul vào năm 1453. Thời gian sau đó, Rumeli Fortress được dùng làm nơi kiểm soát quan thuế và là nơi định cư của đại sứ các vương quốc thù nghịch hay có chiến tranh với đế quốc Ottoman. Vật đổi sao dời, ngày nay Rumeli Fortress là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Istanbul có bán vé vào “đồn”.

Tàu tháo dây rời cầu tàu của Rumeli Fortress, tiếp tục chạy lên hướng Bắc phía Hắc Hải Black Sea. Đã quá ngọ, đói rồi! Vừa lúc lunch buffet được dọn ra ở dãy bàn cuối bong. Thực đơn hôm nay gồm có gà nướng, khoai tây chiên và rau cỏ cùng vài loại nước ngọt. Nhìn bộ điệu rất thành thuộc, nhắm mắt mà làm, của anh chàng kiêm mọi việc trên tàu, tôi nghĩ có lẽ đây là thực đơn duy nhất hàng ngày của chiếc tàu. Cũ mình mới người mà!

Tàu chạy qua một căn cứ Hải quân lớn phía bờ Âu. Khu trục hạm, tuần dương hạm đậu lềnh khênh, có cả một chiến hạm bong rộng với vài chiếc trực thăng trên đó. Lực lượng kiểm soát tàu thuyền, kể cả chiến hạm ngoại quốc ra vào Hắc Hải đây sao? Tin tức, tình hình chiến sự vệ quốc của Ukraine trong hơn năm qua, đôi khi hé lộ phần nào quyền lực của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga hoặc NATO trên vùng biển Hắc Hải khiến tôi muốn nhìn cho rõ hơn hạm đội đang neo bến trong kia.

Có tiếng reo mừng của Roya và du khách trên tàu khi nhìn thấy bầy cá heo đang bơi lộn nô đùa trên mặt nước xa xa trước mủi tàu. Tụi nó đang dẫn mình ra Black Sea đó, Papi thấy không!?

Con tàu giảm dần tốc độ tiến vào vùng vịnh nhỏ im gió của làng chài cổ Payrazkoy. Ngôi làng đẹp duyên dáng nép mình giữa đồi cây sau lưng và bãi cát trắng mịn ôm dọc theo bờ vịnh phía trước. Đoàn du khách “đổ bộ” vào làng. Mấy quán ăn nhỏ lố nhố khách đứng ngồi thưởng thức món cá nướng đang tỏa mùi thơm phức. Chúng tôi vừa ăn kem xoài vừa tản bộ đi sâu vào xóm nhà sau chợ. Những ngôi nhà nhỏ nhắn, đầy màu sắc nằm dọc theo cung đường nhỏ trải đá cuội. Nắng nửa chiều lung linh rọi lên những giàn hoa giấy rực bông đỏ.

Làng Payrazkoy nhìn ra Hắc Hải, nên sau khi rời làng tàu chỉ chạy thêm chừng năm, sáu hải lý rồi thông báo quay trở về. Hắc Hải đây sao? Trong lòng mắt đại dương đen của nàng từng thấp thoáng hằng hà chiến thuyền của bao đời Đế quốc bỗng chợt chẳng mảy tăm hơi… Tôi tiếc rẻ nhìn con tàu quay đầu. Vẫn nước xanh, vẫn bầy cá heo tung tăng bơi lội nhưng tôi cảm thấy có điều gì đó rất khác. Ngoài kia. Odessa, Crimea, Biển xanh, Trời xanh, Mặt trời, Chiến Tranh và Hòa Bình… Mình đã đi hết biển sao?

Một ngày nữa ở Istanbul, chiều mai sẽ ra phi trường bay về Sài Gòn. Vợ chồng hai đứa đã lấy hẹn thưởng thức “traditional turkish bath”, Roya buổi sáng, Hải-Đăng vào lúc chiều tối sau khi chúng tôi đi thăm Grand Bazaar.

Tôi không đi nhưng theo Roya giải thích thì Turkish Bath là một kiểu tắm hơi hay một nơi tắm công cọng có sự kết giao với thế giới Hồi giáo. Nó là một đặc trưng nổi bật trong văn hóa Hồi giáo và được thừa kế từ khuôn mẫu suối nước nóng của La Mã. Nói theo thằng cháu ngoại 10 tuổi “chữ nghĩa một bồ” của Papi tui thì kiểu tắm Turkish truyền thống đã Islamized cách tắm hơi của La Mã.

Chợ Grand Bazzar được khởi công vào năm 1455 nhưng nhiêu khê mãi đến sau 1730 mới thật sự hoàn thành. Chợ rộng 30,700 mét vuông (so với chợ Bến Thành 13,056 mét vuông) có hơn 3000 gian hàng. Mỗi ngày có chừng 400,000 khách viếng thăm, mua sắm. Tôi nghĩ phần rất lớn chắc là đi thăm cho biết. Đây là khu chợ xưa và lớn nhất thế giới. Chợ bày bán đủ mọi thứ trên đời, thượng vàng hạ cám, thiệt giả có đủ. Sau một hồi đi quanh, tôi nhận thấy đa số các mặt hàng tiêu biểu, mắc có rẻ có, là nữ trang đủ loại, thảm Trung Đông, bột gia vị đủ loại. Nghệ thuật rao hàng, chặt chém thì đã đến mức thượng thừa. Tuy nhiên cung cách trao đổi, mua bán khá lịch sự, nhỏ nhặn. Vợ chồng hai đứa mua vài món quà lưu niệm nho nhỏ, tôi cũng góp phần, có hớ “một chút” cũng không sao, góp chút tiền điện cho phải đạo. Tóm lại là đừng quên bảo vệ chiếc ví của mình theo cả hai nghĩa.

Chuyến bay về Sài gòn thật ra là đến sáng sớm mai, khởi hành lúc 2 giờ sáng. Tuy thế, hành lý đã thu dọn xong nên sau bữa ăn tối, chúng tôi thơ thẩn dạo quanh quảng trường với mùi thơm của bắp nướng mở hành và vị mật ngọt đẫm hương quế của Baklava trên môi. Lúc đêm Istanbul vừa sâu, chúng tôi gọi taxi ra phi trường.

Suốt mấy ngày ở Istanbul không thấy một đồng hương nào nhưng vừa đến phòng chờ lên máy bay tôi đã thấy nhiều gia đình Việt Nam đang chộn rộn đứng ngồi, rì rào trò chuyện. Đa số họ có lẽ đã đợi quá cảnh ở đây từ trưa.

Trong tiếng động cơ rập rềnh chờ khởi hành tôi nghĩ đến lịch sử hào hùng của đế quốc Ottoman,

Sultan Mehmed II vị “chúa tể của hai châu lục và hai đại dương” cùng sự vãng sinh của thành phố vĩ đại Istanbul. Tôi nhắm mắt mơ mòng, cùng thời kỳ những năm hậu bán 1400’s ở vùng Đông Nam Á, Hoàng đế Lê Thánh Tôn cũng đã đưa Đại Việt phát triển đến thời cực thịnh, từ giáo dục, trọng hiền đến mở rộng cõi bờ. Nam tiến xuống tận Quảng Nam và lân bang trên đường Tây tiến như Chiêm Thành, Ai Lao, Chân Lạp, Chiang Mai (thuộc Xiêm La), Mekala (thuộc Mã Lai) đều phải làm tròn nghĩa vụ cống nạp cho Đại Việt hàng năm. Lịch sử luôn có những diệu kỳ riêng của nó. Và tôi vừa sống qua những ngày sảng khoái bên dòng Bosphorus.

Những vầng sáng của thành phố bên dưới chìm khuất mất tăm lúc phi cơ bay vượt qua trần mây, màu trắng chập chờn như ảo giác dưới trời khuya đầy sao. Tôi nghĩ tới Dấu Chân của Đấng Tiên Tri trên sa thạch bảo tồn trong bảo tàng viện Harem, đến người thiếu phụ áo chùng đen, đeo mạng niqaah ẵm con thơ bên góc đền, mẹ con ngồi bất động như một bức tượng. Tôi nghĩ đến Sài Gòn chiều nay, những nơi trên đất nước Việt Nam tôi sẽ đi qua trong trong vài tuần tới. Nơi quá khứ, kỷ niệm đang chờ. Là cả dòng đời vui buồn ngó lại.

Sài Gòn, 10 giờ đêm. Cuối cùng chúng tôi đã ra khỏi cửa phi trường với đầy đủ hành lý trên xe đẩy. Ngọc, em trai tôi đang kiên nhẫn chờ đón hai cháu và anh Hai với thẻ sim điện thoại và số lớn tiền đồng tôi đã gởi dollar về trước nhờ đổi. Ngọc gọi nhắn người lái xe mà chú ấy đã hợp đồng giúp cho chuyến đi Miền Tây ngày mai. Sáng mai anh ta sẽ đón chúng tôi ở khách sạn rồi chở thẳng đến chùa Báo Ân nơi thờ bài vị của Ba Me tôi. Các em sẽ có mặt ở chùa chào đón anh, thắp nhang cho cha mẹ và cùng nhau ăn trưa trước khi tiễn anh và vợ chồng đứa cháu xuống Tràm Chim Đồng Tháp bắt đầu cho 4 ngày tìm chim, du lịch Miền Tây.

Khách sạn ở Bến Thành Tower gần trung tâm Sài Gòn. Nhận phòng xong đã vừa nửa khuya, ba chúng tôi ai cũng đói bụng cồn cào. Phố bắt đầu vắng người, hàng quán ăn uống quanh khu khách sạn đã đóng cửa. Đi loanh quanh hồi lâu, chúng tôi thấy một xe bún, phở trước cửa Đông chợ Bến Thành, lố nhố vài thực khách đang ngồi quanh ăn uống sì sụp. Tôi kéo ghế ngồi xuống một bàn trống. Còn gì cho con dâu tôi ăn không đây cô chủ? Câu nói khiến cả chủ quán lẫn khách thôi nhìn chúng tôi tò mò, miệng cười thân thiện. Bụng đói nên ba tô hủ tíu cuối ngày cũng ngon. Ba cha con còn “cưa” một chai bia không nước đá. Đêm đầu tiên ở Sài Gòn. Ăn hủ tiếu lề đường ngay trước Chợ Bến Thành, uống bia Sài Gòn. Tôi chợt cảm thấy bình yên, bước băng qua khoảng đường trống có lẽ là Công trường Quách Thị Trang trước bảy lăm. Tôi chỉ tay về hướng Ga Hàng Không Air Vietnam cũ, kể chuyện có một lần chiến hạm về nghĩ bến, nhậu với bạn bè tại một quán bar gần đó, uống liên miên qua trận mưa lớn không hay biết, đến khi xong buổi nhậu ra ngoài mới thấy mấy chiếc xe gắn máy bị nước không thoát kịp đẩy nghiêng chỉ còn cái gi-đông xe nhô khỏi vũng nước.

Chúng tôi chậm rãi băng qua đại lộ không một bóng xe, đi vào đường Ký Con để về khách sạn ở góc đường.

Qua Trung Lương, vào đường Cao tốc sẽ chạy nhanh hơn. Chắc phải bốn tiếng hơn mới tới Tràm Chim. Anh Sơn, người tài xế cho bốn ngày đi Miền Tây vừa lái xe len luồng qua đoạn đường đầy nghẹt xe gắn máy về phía Xa lộ Đại Hàn vừa giải thích.

Suốt chặng đường tôi chỉ lờ mờ đoán phương hướng khi thỉnh thoảng đọc được những địa danh cũ, cho đến khi xe vào địa phận tỉnh Đồng Tháp (Kiến Phong cũ) bắt đầu chạy dọc theo một dòng kinh thẳng tắp. Xe chạy qua một khu khá đông dân cư, tôi chợt xúc động nhìn thấy bên trái là nhà lồng chợ “Trường Xuân”, ngay trước mặt là một ngả tư kinh nhìn rất quen thuộc. Góc phải chênh chếch nhánh kinh nhỏ hơn chảy sâu giữa hai dãy nhà đơn sơ thấp thoáng sau những lùm điên điển. Nhánh kinh thẳng góc bên trái nhà cửa xây cất tươm tất, cửa hàng mua bán khá tấp nập. Một cây cầu hai làn xe bắt qua kinh nhìn còn rất mới. Bờ kè bê tông trước nhà lồng chợ Trường Xuân đẹp mắt giúp sân chợ nhìn rộng rãi quang đãng hơn. Chừng mười năm trước, một bạn cùng đơn vị cũ ở Đồng Tháp Mười có cho hay chợ Phước Xuyên gần căn cứ giang đoàn trước 75 đã đổi tên thành chợ Trường Xuân.

Lòng tôi tràn ngập cảm giác vui sướng của một người đang trở về nơi thân yêu cũ. Bất giác tôi bỗng nhớ như in những điều thật cũ. Những lần một mình đi qua cây cầu làm bằng vỉ sắt Công binh kêu cót két theo bước chân, rồi bước dọc theo bờ kinh về tới căn cứ. Chân bước lòng bâng quơ và hình như buồn phiền bay đi ít nhiều theo cơn nắng nhàn nhạt ngây ngây của “châu thổ mang mang trời nước sát, lòng chùng hiu hắt nỗi không tên” (TTY)…

Tôi bảo anh Sơn chạy thêm chừng cây số nữa thì dừng cho tôi xuống xe.

Tôi đứng bồi hồi nhìn quanh, rồi nhắm mắt ngoái nhìn về phía chợ. Một sĩ quan trẻ, quần áo rằn ri sóng biển, P38 lận lưng đang chậm rãi đi từ chợ Phước Xuyên về, dưới dòng kinh một đoàn PBR phóng nhanh nước cuồn cuộn chẻ đôi trắng xóa. Năm mươi năm rồi sao!? Tôi ngậm ngùi nhìn khoảng ruộng dài trước mặt dọc theo bờ trái con lộ, mắt chợt cay. Sông kia rày đã nên đồng. Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai. Vẳng nghe tiếng ếch bên tai. Giật mình còn tưởng tiến ai gọi đò (TTX) … Có tiếng người từ dưới bờ kinh đi lên. Một người đàn ông khoảng tuổi tôi và thằng bé chừng năm, sáu tuổi tay ì ạch xách con cá lóc to quẫy đuôi loạn xạ. Ông Hai hỏi thăm ai dzậy? Tôi chỉ tay về phía trước mặt. Tôi muốn hỏi thăm mua lại mấy công ruộng đó, anh có biết chủ là ai không vậy? Hợp Tác Xã bán cho Năm Thiệt lâu lắm rồi. Mà thằng chả cỡ nào cũng không bán lại đâu. Sao vậy? Tôi mua giá cao mà. Người đàn ông nhìn quanh, nói nhỏ. Miếng ruộng này hồi nẳm là căn cứ của lính Giang đoàn. Năm Thiệt hồi đó cũng là lính Giang đoàn, sau 75 ở lại lấy con gái út ông Bảy Chà, mần ruộng từ hồi đó tới giờ, khấm khá lắm! Vậy anh hồi đó có lính tráng gì không? Tui đi Nhân Dân Tự Vệ ngoài chợ Phước Xuyên. Tui là anh ba của con Bé Năm, hồi đó Năm Thiệt với nó bồ bịch nhau dữ lắm, mém làm đám cưới rồi. Người đàn ông có vẻ tiếc rẻ. Tôi ngạc nhiên đến thảng thốt. Thằng Thiệt! Người lính trẻ nhất đơn vị, bắt chước để râu mép cho giống Ông Thầy. Mỗi lần Chỉ huy trưởng (Nhạc sĩ Trường Sa) xuống khu giang đĩnh là hắn lủi trốn sợ bắt phải cạo mười mấy sợi lông mép. Bé Năm có dạo bán căng-tin trong Căn Cứ. Tôi cười, gật gật đầu nheo mắt nhìn người đàn ông. Chớ không phải vì Bé Năm đã có chồng là du kích trốn vô bưng nên mới rã đám với thằng Thiệt sao? Người đàn ông lộ vẻ lúng túng nhưng như chợt nhớ ra điều gì, ông ta nhìn tôi thật chăm chú. Vậy có phải Ông Hai hồi trước cũng… Tôi gật đầu. Người đàn ông cố gắng moi trí nhớ mình… Thiếu úy Chinh, trung úy Bé thì đen. Ông Cần thì cao, ông Lương cũng đen … Có phải Ông Hai có lần bị thương ở Khu 6? Tôi xúc động gật đầu. Tôi đã tìm ra quá khứ mình ở vùng đất thấp xa xôi này. Người đàn ông cầm tay tôi, môi run giọng nói. Trung úy Ái phải không? Ông về thăm chiến trường xưa sao? Chỉ là thửa ruộng hiền hòa thôi, tôi trả lời. Tôi muốn ghé thăm, thắp nhang thiếu úy Trí. Người đàn ông kéo tay tôi qua bên kia đường, phía gần bờ kinh. Ngay đây nè. Cô giáo Hà mấy năm sau tái giá, dọn ra Cao Lãnh, thỉnh thoảng có về thắp nhang. Mấy năm trước chính quyền làm đường Tỉnh lộ 844 này, cô Hà về giúp tôi với Năm Thiệt sửa sang và dời miếu xa đường một chút. Cái trang thờ nhỏ bé, cũ kỹ sau bao năm vẫn tồn tại với thời gian, với quá khứ kỷ niệm như con người chúng ta vẫn tranh đấu, sống còn qua cuộc bể dâu. Mùi nhang thơm phảng phất trong gió chiều châu thổ. Tôi vuốt mái tóc khét nắng của thằng bé, mỉm cười nhìn ông. Cháu cố của tui năm tuổi rồi đó! Cha mẹ nó đi làm ở Bình Dương, lâu lâu mới về. Tôi tặng người đàn ông một ít tiền, nhờ mua quà bù 5 sinh nhật cho cháu và để Ông Cố uống cà phê. Tôi đưa thêm tiền,vỗ vai ông dặn dò nhờ sửa sang quét dọn miếu thờ của Trí. Hắn nằm lại bên bờ kinh này hơn 50 năm rồi.

Vợ chồng Hải-Đăng và Roya đang đi tản bộ khá xa phía trước, như thường lệ mắt để trên cây, “vừa đi vừa ngước nhìn”.

Anh Sơn chuẩn bị dừng một nơi nữa khoảng bốn cây số phía trước, hy vọng còn thấy một ngôi trường học phía bên trái con lộ, thấy nó anh bắt đầu chạy chậm lại là vừa. Tôi nói với người tài xế lúc ngoái nhìn về phía miếu thờ như muốn thổ lộ với chính mình. Tôi muốn tìm lại chiến trường nơi tôi trúng đạn suýt phải vĩnh viễn nằm lại bên bờ kinh Đồng Tiến như người bạn chiến đấu ít nói của mình.

Roya khẽ khàng vỗ vai tôi lúc Hải-Đang hỏi han. You’re OK Papi!? Tôi im lặng gật đầu nhìn dòng kinh phẳng lặng, không muốn bị lay ra khỏi cơn mơ dài đang trôi ngược vào kỷ niệm váng vất cảnh sắc hỗn độn, ấp úng không thành tiếng… Tất cả bắt đầu từ một ngày bình thường trong chiến tranh. Dòng kinh quen. Ngôi trường. Quán cà phê nhỏ. Nhà lồng chợ Khu 6 tồi tàn. Cánh đồng lúa vừa chín tới. Những người nông dân lo lắng bỏ ruộng về nhà vì chiến trận hiện hình. Đoàn giang đĩnh phơi mình dọc theo bờ kinh. Cánh rừng tràm nằm đen đúa im lìm như một chân trời vây khốn, rình rập đe dọa. Vài chiếc trực thăng chao đảo trong bầu trời không mây xanh ngắt như bầy cá óc nóc quẫy đuôi trong chiếc thau nhựa xanh. Những tràng súng liên thanh từ hai phía réo tràn trong không gian. Làn đạn vô tình xé gió, gặp nhau đâu đó trên trên nóc cánh đồng làm run rẩy màu vàng rộm của từng nhánh lúa vô tội. Viên đạn lẻ cắm sâu vào thân thể. Chút âm thanh sắt gọn lao đến bất chợt như một điều không dám nghĩ. Những hơi thuốc Pall Mall không giảm được cơn đau, hơi thở hụt dần vì máu đổ bên trong làm căng ngạt thân thể. Đôi mắt ríu lại. Tiếng cánh quạt trực thăng chập chùng chao đổ. Vầng sáng trắng dịu mơ hồ, lao đao biên ngưỡng sống chết vô nguồn… Màu đen phủ chụp tràn lấp thinh không. Bóng tối. Phòng hồi sinh trắng sáng, im lặng. Khu điều dưỡng. Những người thương binh mới trong cuộc chiến. Bà chị, người mẹ nhẫn nại thương em, thương con từ thuở bế bồng vẫn cũ kỹ ấm lòng như điển tích dịu dàng. Cô y tá hiền hậu, mặc cảm vì khuôn mặt quá xấu trùm kín trong bộ đồ lính bốn túi thùng thình che dấu vóc dáng đẹp đầy lôi cuốn của mình. Bầy con gái thành phố áo màu và nỗi buồn hậu phương thời thượng. Mái tóc dài theo đợi chờ bên giàn bông giấy rực màu hoa đỏ trước sân nhà bên kia con dốc thành phố mặn gió. Khoảng trời xanh bên ngoài khung cửa lá sách trên vách cao ngày xuất viện. Khuôn mặt gầy xanh, cánh tay khẳng khiu, phần còn lại của đôi chân không còn của những thương binh còn nằm lại. Vụng về nói lời chào ra đi, ở lại mà lòng buồn muốn khóc…

Xóm chợ Khu 6 khá tập nập không điêu tàn như thời chiến tranh 50 năm trước. Chúng tôi rời quán cà phê võng Mỹ Hạnh gần chợ. Xe chạy hết hai mươi cây số cuối về tới Wildbird Hotel gần cổng vào của Vườn Quốc gia Tràm Chim lúc trời còn nắng rát da.

Nhận phòng, gột rửa bụi đường xong tôi theo vợ chồng Hải-Đăng đi thăm ngay chủ nhân biết bay của hơn 7.6 ngàn héc ta đất trũng ngập nước giữa Đồng Tháp Mười này, hi vọng các chủ “hiếm quý” có nhà. Đoạn bờ mẫu dài gần nửa cây số dọc theo phần cuối của con kinh trước khi đến bến đò nơi du khách lên xuống là khu rừng tràm nho nhỏ lẫn sen súng, nơi đây chim chóc tụ tập khá nhiều vào sáng sớm hay chạng vạng chiều. Tôi mãi nhìn những con cò, vạc trắng hay xám rón rén bước qua bãi lá sen già khô, tua tủa năng đước qua ống kính quên cả bấm máy.

Tối đó chúng tôi ăn ngoài phố. Tràm Chim là một thị trấn du lịch nhỏ, hàng quán khá nhiều nhưng không có gì đặc biệt, chỉ là không tệ. Tuy thế ly mảng cầu xiêm dầm không đường, không sữa, không đá của tôi thì tuyệt. Sau khi khám phá ra nhà hàng Cơm niêu Senta (chắc là từ Sen Ta?) của khách sạn, chúng tôi đã “trụ” tại đó cho các bữa ăn của mình, có lẽ do sau các buổi “săn” chim mệt quá không muốn đi đâu chăng?

Sáng sớm hôm sau chúng tôi được người hướng dẫn về chim của khách sạn đưa đi thăm một vòng lớn 12km bằng tắc-ráng. Tuy đã qua mùa không còn nhiều hoa nở nhưng chứng kiến nét đẹp thuần khiết của sen trắng, sen hồng, bông súng, lúa trời, năng, lác… và tìm thấy các loài chim, đậu trên cành cây hay lững lờ trên mặt nước với nào là vạc, cò, le le, trích, diệc, vịt trời, cồng cộc mới cảm nhận được hết vẻ đẹp mà thiên nhiên đã hào phóng ban cho.

Bữa ăn trưa trễ, kéo dài do các đoàn nhóm từ Sài Gòn lần lượt xuống đến, cả các giáo sư từ Mỹ qua và nhóm phóng viên của đài truyền hình khu vực nhân dịp gặp gỡ này.

Sau khi Hải-Đăng giới thiệu bố với mọi người, tôi vắn tắt câu chào hân hạnh rồi “chuồn” ra ngoài đi thơ thẩn trong khu rừng cạnh khách sạn.

Buổi chiều, hội họp nghỉ ngơi xong mọi người lỉnh kỉnh ống dòm, máy hình, máy quay phim lục tục xuống hai chiếc xuồng lớn có mái che, hăng hái nói cười hứa hẹn cho một buổi săn chim thành công. Rời bến vừa hơn cây số, có người may mắn bấm máy được một, hai lần chưa ăn ý lắm thì cơn giông bất ngờ ập đến. Chúng tôi cố gắng cầm cự được một lúc nhưng ai nấy đều ướt như chuột nên đành phải đành tiu nghỉu quay về. Cơn giông kéo dài khá lâu.

Nhà hàng Senta lại tíu tít bận rộn. Sau bửa ăn tối, tôi và cô con dâu về sớm, còn lại một nhóm thanh niên và không còn thanh niên nhưng tâm hồn vẫn trẻ ở lại với bia Sài Gòn và đặc sản Đồng Tháp.

Hôm sau chúng tôi lại thức sớm theo người hướng dẫn cũ đi tìm chim bằng đường bộ. Đó là một khu xóm thưa nhà nhưng cây cối rậm rạp nằm trong địa phận của Vườn Quốc Gia Tràm Chim, cách khách sạn chừng 2 km. Đang là buổi sáng sớm trời chưa nắng nóng nên chuyến đi khá thoải mái. Chúng tôi tìm thấy khoảng 17, 18 loài chim.

Cả hai ngày ở Tràm Chim, Hải-Đăng rất hài lòng đã ghi chú vào sổ khoảng 50 loài chim khác nhau.

Rời Wildbird Hotel với chút lòng bâng khuâng, chúng tôi chạy vào Cao Lãnh để qua Sa Đéc. Không còn dấu vết gì để giúp nhìn ra thành phố Cao Lãnh quá nhỏ bé và bất an xưa. Tôi còn nhớ suốt thời gian công tác vào đầu năm 73, đậu tàu ở Bến Đá, tôi chỉ biết con đường nắng chang trước Tòa Tỉnh và quán cà phê duy nhất cạnh Sân vận động. Cũng may, không biết giang đĩnh nào đó đi kiếm ăn đã khám phá ra cù lao Mỹ Hiệp, cái ốc đảo xanh tươi giữa lòng Sông Hậu.

Xe đi ngang qua Làng Hoa Sa Đéc, Tết Nguyên Đán đã qua từ lâu nên Làng Hoa cũng mất đi sắc màu rực rỡ của nó. Người tài xế đang tìm đường đi đến ngôi nhà trong phim “The Lover”. Lái quanh co mãi rồi chúng tôi cũng tìm đến được ngôi nhà nhìn ra Sông Hậu, tọa lạc sát bên khu chợ tấp nập.

Trái ngược với cảnh náo động chợ búa bên ngoài, ngôi nhà thật yên tĩnh sau cổng vào và sân gạch rộng rêu phong. Nhà được hoàn thành vào năm 1917, có kiến trúc hỗn hợp Pháp thời Trung Hưng và Trung Hoa truyền thống với rồng chim, mai lan cúc trúc, mái lợp ngói âm dương.

Chi tiết trang trí công phu mà cảm giác tăm tối cô đơn của ngôi nhà như là biểu tượng cho niềm đam mê đã mất và lớn hơn nữa là sự tàn lụi của chế độ thực dân Pháp mở ra cánh cửa nhìn vào lịch sử rối rắm, u mê của đất nước.

Nhà văn nữ người Pháp Marguerite Duras sống ở Sa Đéc từ 1928 đến 1932 với mẹ là hiệu trưởng một trường học ở đó. Tại đây, cô nàng Duras 15 tuổi đã gặp Huỳnh Thủy Lê, 27 tuổi, con trai một hào gia người Hoa. Mối tình đổ vỡ chết non là nguồn cơn cho cuốn tiểu thuyết best seller, đoạt giải Prix Goncourt năm 1984 của Duras. Người Tình (The Lover) đã được dịch ra 43 thứ tiếng và bán được hơn 2.4 triệu bản.

Tôi đứng bên bờ sông Hậu nước cuồn cuộn chảy nghĩ tới nỗi đam mê vũ lộng càn khôn của Marguerite Duras 15 tuổi khi yêu, nó cũng cuồn cuộn như “những dòng sông chảy như thể trái đất dốc xuống”.

Điểm tới kế tiếp của chúng tôi là Vườn Cò Bằng Lăng trước khi về nghỉ qua đêm tại Cần Thơ để sáng sớm hôm sau thăm Chợ Nổi Cái Răng.

Qua khỏi Long Xuyên đi vào địa phận Cần Thơ, chừng 15km đến Ô Môn, Thốt Nốt thì rẽ vào cầu Bằng Lăng để tới Vườn Cò. Con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, ngồi cạnh tài xế mà tôi cũng lên ruột theo. Xe chạy tầm 2km, chúng tôi đều thở phào đã đi đúng chỗ vì tiếng cò, vạc như một ban hòa nhạc Tây Nguyên rôm rã chiên cồng. Trả tiền vé mỗi người 20 ngàn đồng, chúng tôi trèo lên đài quan sát, lòng khích động không nguôi vì cả ngàn cò trắng bay lượn quanh mình.

Trong suốt gần một giờ, chúng tôi mê man đứng trên đài quan sát nhìn nhiều loài chim cò khác nhau nổi bật trong nền xanh của tre, trúc và cây bằng lăng điểm bông tím.

Theo “quảng cáo”, vườn cò Bằng Lăng hội tụ cả vài trăm ngàn con cò với khoảng 20 chủng loại khác nhau, đặc biệt là cò ráng với lông màu đỏ khá bắt mắt. Chiều nay tôi chỉ thấy loạn một màu trắng và đếm không xuể.

Trời đã chiều, tôi có cảm giác cò bay về tổ mỗi lúc càng nhiều nhưng nhìn thấy một nhóm du khách vừa đến nên chúng tôi đành tiếc rẻ leo xuống đất nhường đài quan sát cho họ. Tôi nhìn quanh, lắc đầu thở dài khi nhìn thấy quán tranh nhỏ ở góc vườn với tấm bảng nhỏ viết nguệch ngoạc bằng phấn trắng. Quán nhậu - Cò khìa nước dừa. Khách trong quán có lẽ là một đôi tình nhân (?) ăn mặc khá chỉnh tề. Cô gái mặc áo dài trắng, ngồi quay lưng dấu mặt. Tôi buồn cười, thầm nghĩ biết đâu anh chàng đưa nàng đến để nàng lên dáng cùng bầy cò trên kia làm một “chùm” ảnh nhớ đời, may ra anh có dịp nói chuyện giăng ca con cò bay bổng qua sông, hỏi thăm em bậu có chồng hay chưa, có chồng năm ngoái, năm xưa, năm nay chồng để nên chưa có chồng.

Lúc ra xe, nhóm bốn người có bà thâu tiền vé vẫn chăm chú xòe tứ sắc.

Hải-Đăng có lẽ còn nghi ngờ khả năng tiếng Việt của mình, hỏi tôi có phải cái bảng gỗ viết vậy không?

Tây Đô! Về tới khách sạn ở gần Bến Ninh Kiều Cần Thơ lúc Phố Đi Bộ vừa lên đèn LED chớp tắt rộn ràng. Lười về khách sạn lấy xe, lại lo khi trở về sẽ mất chỗ đậu nên sau khi rảo xong vòng phố chúng tôi vào một tiệm mì người Hoa. Tôi cần một giấc ngủ hơn. Cô gái “chạy” vé thăm Chợ Nổi qua trung gian khách sạn đã dặn tới dặn lui sẽ chờ chúng tôi trước khách sạn lúc 4:30 sáng.

Đúng thật! Trước 5 giờ sáng cô đã dắt hai, ba nhóm khách của cô bương bả xuống bến tàu. Tôi “thuê bao chuyến” nên ba bố con nhanh chóng xuống ghe thẳng tiến về Chợ Nổi sau khi khoác áo phao lên người theo quy định.

Chiếc tắc ráng có mái che, máy ghe nổ dòn dục dã. Từ Bến Ninh Kiều tới chợ Cái Răng hết 30 phút, người chạy tắc ráng nói nghe tiếng mất tiếng còn vì âm thanh hỗn độn, hào hứng của cuộc đua ghe đang diễn ra. Đoàn ghe chui qua cầu với bảng chữ lớn “Chợ Nổi Cái Răng” dựng chắc chắn trên thành cầu là đích cuối, thắng hay thua chúng cùng tỏa ra trong lúc bầy ghe đang đợi thơm mùi phở, mì, hủ tíu, kẹo bánh, trái cây… nhanh chóng lao tới, nhập vào, rồi ôm choàng nhau đồng điệu. Tất cả đều diễn ra trong làn sương sớm của bình minh vừa ló dạng trên sông.

Tôi ân cần nhìn Hải-Đăng, Roya lạ lẫm nhìn mãi cảnh sinh hoạt lạ mắt của chợ nổi, của người và thuyền quần tụ, tỏa ra, dạt trôi êm đềm theo sóng nước. Lòng tôi cũng nôn nao với cảm giác quây quần, đổi trao đằm thắm.

Chiếc ghe bán thức ăn sáng chèo cập sát vào tàu. Có lẽ cảm giác e dè lúc đầu đã tan biến trong cảnh rộn rịp người mua kẻ bán, vợ chồng Hải-Đăng gọi bún phở và cà phê cho cả ba rồi ăn húp xì xụp, ngon lành. Giữa màu sắc rực rỡ tươi tắn của bầy xuồng ghe nhấp nhô theo sóng nước và tiếng nói, tiếng cười giữa con người bình dị, chân thành tất cả đều trở thành cao lương mỹ vị. Tôi níu tay người bán trái cây, kéo xuồng chị ta lại gần để nhận bịch dâu lớn vừa mua. Tiếng mạn đò chạm nhau, lòng bàn tay chai tần tảo, khuôn mặt rám nắng, ánh mắt cười sâu dưới chiếc khăn rằn quấn đầu, tiếng nói cười, sông nước… tất cả quyện lại thành nỗi vui nao nao dịu dàng.

Người lái tắc ráng tấp ghe mình cặp vào chiếc xà lan được dùng làm nơi bán đủ các loại kẹo bánh dừa đặc sản, mỹ phẩm chế biến từ dừa và quà lưu niệm. Có cả  chỗ trình bày từng bước cho du khách xem các thao tác sản xuất kẹo dừa để mua tại  chỗ.

Tôi bước rời khỏi đám đông du khách đang ồn ào mua sắm vì không muốn nghe những câu chửi bới tục tỉu, lớn tiếng như  chỗ không người với chất giọng khó nghe từ một nhóm người ăn mặc kệch cỡm, quê mùa. Nhìn ghe xuồng vẫn chèo chống rập rờn kín cả một vùng sông rộng, ánh nước quẩy long lanh dưới ánh mặt trời vừa lên, lòng tôi nhanh chóng bình thản trở lại.

Sự mua bán đổi trao bình dị, chân thành trên mặt nước dập dềnh là sự pha trộn dung dị mà lãng mạng của con người với gió trăng sông nước. Cuộc sống thương hồ bồng bềnh vương vấn quá và từ đâu đó trong tiềm thức luôn là nỗi vọng nhớ về một vùng châu thổ xa vời.

Chỉ mới sau 7 giờ sáng. Chúng tôi lẳng lặng về lại khách sạn với tâm trạng người đi chơi quá khuya lén về nhà không muốn cho ai biết. Nằm nghỉ một lát, tôi nhớ ra khách sạn có điểm tâm, tôi cần ăn chút chi đó để uống mấy viên thuốc buổi sáng. Tôi ngạc nhiên khám phá ra điểm tâm buffet ở đây nhìn phẩm chất cao và có nhiều món để chọn, Tây Ta đều có. Vừa lúc đó tôi lại nghe âm thanh “quen thuộc” ở Chợ Nổi từ hàng lấy thức ăn. Cô gái phục vụ có lẽ đã quen với tình huống này, im lặng đi nơi khác. Tôi thán phục nhìn cô gái. (Năm) mươi năm Hà Đông. (Năm) mươi năm Hà Tây… Thôi thì. Thì thôi… Tôi lấy cho mình chén bánh canh, ít trái cây và ly cà phê cùng chai nước uống thuốc. Cà phê ngon. Một lát sau vợ chồng Hải-Đăng cũng xuống tới. Như tôi, hai đứa khá ngạc nhiên.

Lúc cô phục vụ đến châm cà phê, tôi hỏi chuyện lúc nãy. Cô nhìn về phía đám người ở cuối phòng, nói nhỏ, bà ta lấy cả đĩa sausage không để lại trong khay bao nhiêu, cháu can thì họ lớn tiếng. À, ra là vậy…

Chúng tôi đi dạo một vòng qua Cầu Đi Bộ Ninh Kiều ôm theo sông Cần Thơ ra đến bờ Sông Hậu. Sông nước mênh mông khiến lòng tưởng nhớ tới bóng dáng những chuyến phà qua Bắc Mỹ Thuận một thời xưa. Bên kia sông là Long Hồ, là chợ Trường An biết bao kỷ niệm.

Mấy mươi năm dâu biển, năm tháng trôi qua, xã hội tiến bộ dường bao, mà sao biết bao cảnh đời vẫn khổ đến điếng lòng. Con gái nghèo không chỉ bỏ quê lên Sài Gòn móng đỏ, áo màu kiếm tiền như ngày xưa mà còn đi xa lắm, đi cùng khắp bán vốn trời cho để sống. Thôi thì dẫu có miên man, lòng cũng đành trở về với thực tại mà xuống xề câu Tuyệt Tình Ca “Tôi đứng đây mà ngỡ như đứng bên bờ sông Mỹ Thuận…Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn. Con nước lớn lục bình trôi rời rạc. Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương lẩn khuất giữa sông…đầy”

Rời Bến Ninh Kiều về Sài Gòn qua ngả Vĩnh Long, chúng tôi dự định sẽ thăm viếng thành phố Mỹ Tho trước khi kết thúc chuyến đi Miền Tây.

Qua cầu Cần Thơ bắt đầu vào địa phận Vĩnh Long, tài xế Sơn tìm theo địa chỉ một quán ngon do người bạn anh giới thiệu để ăn trưa. Nhà hàng Hải Liên nước bao quanh, cạnh đó là Cà Phê Mé Sông, thức ăn có món ngon, món không ngon lắm. Đang ăn thì trời mưa nên kéo dài, ăn hoài no bụng. Chúng tôi cùng anh Sơn, Google tìm địa chỉ Vườn Cò Hai Chìa ở xã Tân Mỹ, Huyện Trà Ôn, Vĩnh Long.

Sau chừng 6, 7 lần hỏi đường cuối cùng chúng tôi đã tìm tới nơi. Tuyệt vời một điều là ở xã Tân Mỹ, hỏi Vườn Cò Hai Chìa ở đâu ai cũng biết và chỉ dẫn cặn kẽ, nhưng vì đường quanh co khó đi nên phải hỏi nhiều lần.

Chúng tôi may mắn vì bất ngờ tìm đến mà ông Hai Chìa có ở nhà. Ông đón chúng tôi rất niềm nở, hái dừa chặt cho 4 chúng tôi giải khát, rồi kể chuyện nhà, chuyện cò chí nghĩa chí tình. Tôi đùa hỏi nhỏ ông. Anh có tới 2 cái chìa vậy anh có được mấy ổ khóa. Hai Chìa cười đôn hậu, răng sún cái còn cái mất. Bả đi năm ngoái rồi, bệnh ngặt ngèo cả mấy năm.

Khác với vườn cò Bằng Lăng Cần Thơ nhìn chim từ đài quan sát, ở đây chúng tôi có thể di chuyển thoải mái trên mặt đất lúc quan sát cả ngàn con chim, cò bay lượn hay đậu trên cây.

Miếng đất vườn nhà ông gần 2 héc ta, trước đây trồng, nhãn, măng cụt, dâu… lợi tức rất khá. Chuyện bắt đầu từ năm 2006 có một đàn chim vạc vài chục con đến cư trú, rồi chúng cùng các loài chim khác cũng lũ lượt theo nhau kéo về. Vì thương chim, nên ông bà quyết định để môi trường phát triển tự nhiên không canh tác để dễ dàng cho chúng sống và sinh sôi.

Đặc biệt, cuối năm 2018 cò nhạn (cò ốc) là loài chim trong danh sách chim quý hiếm cũng chọn vườn nhà ông cư trú.

Đến năm 2020, số lượng chim, cò về đông nhất, 20 loài với khoảng 6000 – 8,000 con.

Những năm qua tệ nạn săn bắt ngày càng tệ hại, ông phải một mình ngăn chận rất vất vả.

Chúng tôi bịn rịn chào từ giã ông Hai Chìa. Hải-Đăng tặng ông một số tiền để ông tùy nghi.

Chúng tôi uống cà phê, nghỉ chân ở Mỹ Tho rồi về tới Sài Gòn giữa cơn mưa lớn.

Hôm nay là ngày đầu tiên ở Đà Lạt.

Tối qua từ phi trường Liên Khương về, nhận phòng xong đã 8 giờ tối.

Suốt ngày hôm qua, buổi sáng chúng tôi đi thăm Công Viên Tao Đàn rồi qua Phố Sách, Bưu Điện. Trở về khách sạn nghĩ mệt xong, chúng tôi mang hết hành lý xuống phòng lễ tân gởi ở đó rồi làm thủ tục trả phòng. Chúng tôi hẹn nhau 2 giờ chiều sẽ gặp nhau ở đây rồi ra phi trường. Hai đứa đi mall mua quà cho bạn ở Đà Lạt, còn tôi mang giỏ trái cây từ Chợ Nổi Cái Răng đi viếng bàn thờ Ba Me ở từ đường liền kế nhà cô em ở Tân Phú. Hai thằng em trai và cô em út ở Tân Bình gần đó cũng chạy qua. Mấy anh em cùng thằng cháu cúng xong rủ nhau đi ăn món mới, bánh ướt chồng dĩa. Không thể nói là ngon, nhưng lạ, đám con nít rất thích. Tôi chồng được 6 dĩa, hai cô em mỗi đứa 8 dĩa, hai chú 10 dĩa mỗi đứa, thằng cháu vô địch 12 dĩa. Anh Hai thua nên tình nguyện “chung” tiền, nhưng khi về phải vác 3 trái xoài cát Cao Lãnh to tổ chảng và bịch măng cụt lên Đà Lạt.

Từ homestay mướn cho mấy ngày ở Đà Lạt, kế bên Collins Hotel, xuống khu chợ Hòa Bình chỉ một khoảng ngắn đi bộ, ngắn hơn nữa nếu đầu gối chịu được cỡ trăm bậc cấp lên xuống. Roya Google hồi lâu tìm được quán cà phê đặc sản Đà Lạt, quán nhỏ đi bộ đến được, yên tĩnh, cà phê ngon. Chúng tôi ngồi thưởng thức cà phê vừa bàn bạc chương trình cho mấy ngày sắp tới. Thắng cảnh thăm viếng ở Đà Lạt đều là rừng, hồ, suối thác, núi non, cây cảnh hi vọng có nhiều chim chóc để săn tìm nên chúng tôi sẽ kết hợp hai sinh hoạt với nhau, mỗi ngày chọn thăm viếng một hai nơi. Riêng hôm nay, sẽ đi thăm chợ Hoa, chợ Đà Lạt và ăn trưa ở đó. Chiều sẽ đi thăm hồ Than Thở và các nơi chung quanh. Tối thăm chợ đêm lần nữa dù tối qua sau khi nhận phòng đã chạy ra chen vai thích cánh, kiếm thức ăn lót cho cái bao tử lép từ buổi trưa ở Sài Gòn.

Quảng trường trước chợ Hòa Bình giữa ban ngày trống trải, có vẻ nhớp nháp vì mặt đường ẩm ướt còn đọng từ sương sớm, không thể nào hình dung ra nơi đây là Chợ Đêm đông đúc, sôi nổi, hàng quán la liệt, mùi thức ăn chiên nướng thơm lừng đêm qua.

Chúng tôi thơ thẩn, la cà ngắm khu chợ hoa, đủ giống đủ màu rực rỡ trước khi vào bên trong chợ. Roya làm người mẫu cho chồng chụp không ít ảnh đẹp bên hoa. Tôi thầm nghĩ, không lẽ mình nhớ lầm, chứ các cô gái bán hoa chợ Đà Lạt năm xưa cô nào cũng xinh xắn, da trắng, môi đỏ, má hồng au. Giờ đây chắc phải xin xăm để lựa gian hàng đến cho đúng, nếu không 50/50 bị nghe giọng lạ thì buồn lắm. Tôi đã đi qua một vòng và đúng như vậy, 50/50. Trước 75, bạn đã bao giờ nghe hay được trò chuyện với một cô bán hoa người Đà Lạt gốc Huế chưa?

Chợ Đà Lạt là một trong những chợ tầng hiếm thấy ở Việt Nam. Từ quảng trường, nơi ban đêm là Chợ Đêm Đà Lạt hay chợ Âm Phủ, đi vào là tầng một với các gian hàng bán hoa tươi, trái cây tươi và la liệt các sạp bán đặc sản nông nghiệp cà phê, trà đủ loại và nhiều loại trái cây sấy khô. Tầng trên là “food court” loại chiến, nơi đây hầu như có đủ các món ăn bạn thích. Tuy có từng gian hàng riêng, nhưng nếu bạn muốn, cứ ngồi một  chỗ mà gọi món cho tiện bàn tọa. Chúng tôi gọi bánh canh cua, bún riêu, bánh xèo, nước trái cây và đã có một bữa ăn trưa rất ngon.

Chỉ mấy bước đã về tới homestay, chúng tôi nghỉ trưa chuẩn bị cặp giò cho buổi chiều dạo bờ hồ, mỗi vòng là 5km. Bờ hồ Xuân hương gần 10 năm trước được chính phủ nạo khô rồi sửa sang lại, đổ nước mới, đền đài, quảng trường, dinh thự chen nhau mọc lên quanh hồ 3 vòng, 4 lớp bao vây. Nếu bạn là người không có quá khứ với Đà Lạt những năm 60s, 70s thì khu vực hồ Xuân Hương hiện nay là một nơi đẹp tuyệt… vâng, nếu Đà Lạt không có những trận mưa làm ngập úng, sạt lở vì lượng bê tông che phủ mặt đất khiến không còn  chỗ cho nước rút tháo kịp. Còn tôi, đứng từ Quảng trường Lâm Viên nhìn xuống Hồ Xuân Hương, nhìn qua ngôi chùa như hoàng cung Nhật Bản bên kia hồ rồi nhìn quanh cảnh vật lấp lánh trong ánh đèn LED rực rỡ, đẹp lộng lẫy đấy, nhưng lòng vẫn bâng khuâng mối hoài niệm về một Đà Lạt xưa, Hồ Xuân Hương dương liễu rũ soi mình xuống mặt nước lặng lờ, anh chàng sinh viên Võ Bị đi bên người yêu chiều cuối tuần. Nhà Thủy Tạ lúc này, trông có chút cô đơn, là nét chấm phá của kỷ niệm một thời. Bà ngoại mấy đứa không có mặt ở đây với tôi chiều nay, phải 10 ngày nữa chúng tôi mới sum họp nhau với hai đứa cháu ngoại tại Đà Nẵng. 49 năm. Bà ráng chịu đựng tôi thêm 51 năm nữa thôi, nghe bà.

Thêm một lần Chợ Đêm Đà Lạt, người vẫn đông vẫn ồn áo náo nhiệt nhưng đã phần nào bớt lửa trong lòng, có lẽ vì yếu tố ngạc nhiên đã không còn, địa lợi của Tôn Tử chăng? Hơn nữa, chúng tôi phải đi tìm pharmacy để mua thuốc đau bụng cho Hải-Đăng. Không có chi quan trọng, chỉ là chút chột dạ, “dư chấn” từ thủ phạm là ổ bánh mì Sài Gòn có quá nhiều “đủ thứ” trong đó.

Thiền Viện Trúc Lâm là điểm đến đầu tiên ở Đà Lạt chúng tôi đến thăm viếng. Đây cũng là nơi có tiếng tăm trong giới “bird watching” . Taxi đưa chúng tôi tới đồi Robin, từ đó lấy vé cáp treo khứ hồi đưa thẳng đến thiền viện cách 2km.

Vị sư khởi xây thiền viện này thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xuất hiện từ đời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông.

Trúc Lâm Thiền Viện tọa lạc trên núi Phụng Hoàng có rừng trúc trước mặt và rừng thông bạt ngàn bao quanh. Từ thiền viện nhìn xuống là hồ Tuyền Lâm trong xanh, ngàn thông soi bóng, không khí mát mẻ trong lành, không gian yên tĩnh khiến lòng khách viếng cũng thân tâm an lạc. Xa xa là 5 nhánh suối đổ về hồ, trông như bàn tay thiên nhiên đang bao bọc cho cả khu vực.

Khuôn viên chùa rộng rãi, cây cối xanh tươi với hàng trăm cây bonsai được chăm sóc tỉ mỉ, trau chuốt. Tôi loanh quanh, tỉ mỉ bấm máy từng dáng bonsai như những tác phẩm nghệ thuật kiệt tác. Tại thiền viện còn có một khu vườn hoa vô cùng rực rỡ gồm nhiều loại hoa quý càng giúp cảnh chùa thêm tươi vui, ấm áp.

Vợ chồng Hải-Đăng có lẽ đang mải mê săn tìm chim chóc trong khu rừng trúc, có khi còn dám lội xuống tận bờ hồ Tuyền Lâm.

Hoa Sơn Điền Trang là thắng cảnh kế tiếp chúng tôi thăm viếng. Roya thức dậy trước bố con tôi từ rất sớm vì phải hội họp qua internet với trường. 5 giờ sáng ở Việt Nam hay 5 giờ chiều ở Mỹ xem ra thuận tình, hợp lý cho đôi bên. Hai bố con đến Hoa Sơn Điền Trang (HSDT) quá sớm phòng bán vé chưa mở cửa, nhân viên có lẽ còn say giấc nồng. May sao gọi số điện thoại phòng bán vé vài lần thì có người trả lời sẽ ra mở cổng lúc 7 giờ sáng. Còn gần một giờ nữa. Người tài xế xe Grab tốt bụng chờ kết quả cuộc gọi trước khi lái xe đi. Anh nói phải về nhà ngủ vì đã chạy xe cả đêm, nhưng đã gọi một tài xế khác đón chúng tôi khi ra về. Vừa dứt lời thì Hải-Đăng nhận điện thoại của anh ta và chuyện đón đưa được xác định.

HSDT nằm trên đường đi đến đèo Tà Nung là một “điểm nóng” săn chim. Khoảng rừng trước cổng sơn trang chim chóc thức dậy bay chuyền, ca hót rộn cả một góc rừng. Hải-Đăng mừng rỡ tìm kiếm, tán thán, ghi chép liền tay. Tôi cũng bấm máy được vài tấm cận cảnh khá vừa ý. Lúc phòng vé mở cửa, cổng lớn đang mở thì một chiếc SUV trờ tới, trên xe có một người ngoại quốc, người tài xế mở cửa xe thì cả hai nhận ra nhau ngay. Họ bắt tay nhau. Hải-Đăng giới thiệu tôi. Anh niềm nở chào. Cháu là Minh, tuần tới sẽ đón Hải-Đăng ở Đà Nẵng và hướng dẫn bác và vợ chồng Hải-Đăng đi Bạch Mã, Măng Đen, Tu Mơ Rông… Thế là suốt buổi sáng, thỉnh thoảng Minh lại nhắn “tip” cho Hải-Đăng về dấu vết chim chóc 5, 6 trăm mét phía trước.

Người lập HSDT phải là một con sâu đọc Kim Dung, tôi nghĩ. Mạn Đà Sơn Trang, Hoa Sơn Điền Trang, nghe quen quen phải không bạn?

Họ đã khéo chọn khu rừng nguyên sinh duy nhất của Đà Lạt để xây dựng HSDT rộng đến 38ha. Nơi đây vẫn còn nhiều loài chim quý hiếm và nhiều cây cổ thụ.

HSDT có những kiến trúc độc đáo hài hòa với thiên nhiên. Đặc biệt là nhiều tiểu cảnh để chụp hình như: “Bàn tay Phật”, “Trứng Nữ Oa”, “Vườn hoa hồng cổ Sapa”, “Vườn mai anh đào”… sẽ khiến những ai yêu thiên nhiên hài lòng. Người yêu thích sự yên tĩnh cũng như muốn tìm một nơi dừng chân lý tưởng sau những ngày làm việc căng thẳng thì Hoa Sơn Điền Trang là sự lựa chọn tuyệt vời.

Hôm nay là ngày của Dạ Thảo, cô là một giáo viên trung học hồi hưu ở Đà Lạt. Năm trước, Dạ Thảo và người bạn trai Cal, giáo sư đại học hồi hưu ở California, du lịch Bali đã gặp vợ chồng Hải-Đăng trong lúc săn chim rồi trở thành bạn tốt với nhau.

Dạ Thảo sẽ đưa chúng tôi đi thăm Dinh Vua Bảo Đại (Dinh 1 Đà Lạt), ăn trưa gà nướng cơm lam, sau đó thăm Chùa Ve Chai rồi Làng Hoa Vạn Thành (Đà Lạt Sắc Màu).

Cô nói Làng Hoa Vạn Thành (Đà Lạt Sắc Màu) chỉ là một trang trại rau, hoa lớn không có chi đặc biệt nhưng gần trung tâm Đà Lạt nên đi cho biết. Ngoài vô số những chậu hoa vàng đỏ sắp hàng loạt là rau trái củ quả với những loại bí hình thù vui mắt treo lủng lẳng. Đúng vậy, không bắt mắt lắm ngoài những trang trí, tiểu cảnh cho người thích chụp hình.

Dinh 1 Bảo Đại tọa lạc trên một ngọn đồi cao 1550 mét so với mực nước biển. Dinh cách Đà Lạt 4 km về hướng Đông-Nam, có diện tích khoảng 60 ha. Dinh được bao bọc bởi những tán rừng thông xanh bạt ngàn, có tuổi đời khá lâu. Tòa lâu đài sở hữu một công trình kiến trúc đồ sộ, độc đáo nhìn thật nguy nga tráng lệ với cảnh quang thiên nhiên tuyệt vời chung quanh càng làm nổi bật những vườn hồng đủ màu khoe sắc. Đặc biệt làm chúng tôi chú ý ngay chính là 2 hàng cây tràm cổ thụ và con đường đá dẫn vào Dinh 1.

Roya và chị bạn Dạ Thảo đang thơ thẩn trong vườn hồng. Hải-Đăng không cần tìm kiếm cũng biết là đang dán mắt vào ống dòm, đâu đó trong rừng thông.

Phòng chụp hình mặc triều phục hoàng đế, hoàng hậu có vẻ được khách viếng chiếu cố khá nhiều, thấp thỏm sắp hàng chờ lên ngôi. Rẻ chán, chỉ 150 ngàn đồng, sau đó còn được đi xe song mã. Lại phải nghe tiếng quát của giọng lạ vang lên. Anh không muốn chụp thì xéo ra ngay cho tôi, thế là anh chồng lại khổ sở, khúm núm làm vua Bảo Đại.

Chùa Ve Chai (hay Chùa Linh Phước) tọa lạc gần trung tâm Đà Lạt. Chùa hoàn toàn được làm từ sành sứ của làng gốm Bát Tràng. Đặc biệt con rồng uốn quanh Phật Di Lạc gần cửa vào chùa dài tổng cọng 49m, mình rồng làm bằng 12,000 vỏ chai bia. Đặc biệt chùa có tòa tháp 7 tầng, ở tầng 2 có tháp chuông nặng 8.5 tấn, nặng nhất Việt Nam. 18 tầng địa ngục hôm đó vì có “sự cố” gì đó không mở cửa. Hú hồn, người Đà Lạt ai qua đời hôm nay khỏi phải lo lắng gì.

Langbiang, Núi Lâm Viên, là thắng cảnh tôi chờ đợi viếng thăm. Một hotspot săn chim nữa cho Hải-Đăng.

Chúng tôi lên đến đỉnh Langbiang từ bến xe dưới chân núi bằng một trong những chiếc xe nhìn tựa như golf cart nhưng đến 9  chỗ ngồi. Nơi đây chỉ cách trung tâm 12km. Đứng trên đỉnh núi gió lạnh mây bay này tôi muốn kể bạn nghe thiên tình sử Lang Biang lâm ly trước khi theo thằng con lòng vòng bấm máy chụp chim.

Xa xưa lắm trên vùng Núi Mây này có đôi trai gái rất yêu nhau - chàng trai tên K'lang, cô gái tên Hơ Biang. Tình yêu đến sau khi K’lang cứu sống nàng Biang khỏi bầy sói dữ, nhưng họ không được phép kết hôn do mối thù truyền kiếp giữa hai bộ lạc. (Romeo và Juliette của Đà Lạt Sương Mù đây nhé!)

Họ bỏ nhà tự kết hôn và trốn lên núi cao sinh sống. Không may, khi Biang lâm bệnh hiểm nghèo, K’lang phải quay về bộ lạc của nàng để cầu cứu, người dân nơi đây đã bắn chàng bằng một mũi tên độc. Trớ trêu là Hơ Biang lại bị bắn chết vì xông lên che chắn cho chồng. K'lang không thể chịu đựng nỗi mất mát to lớn, chàng đã khóc đến chết. Nước mắt chàng chảy thành dòng suối lớn Dankia - Suối Vàng.

Cha của Hơ Biang ăn năn về cái chết của con gái đã thống nhất hai bộ lạc thành một gọi là K'ho. Từ đó trai gái trong bộ lạc K'Ho được kết hôn với nhau. Mộ của họ sau đó mọc thành hai ngọn núi cao mà người đời sau này gọi là: Lang Biang.

Lang Biang gồm hai đỉnh cao nhất của Cao nguyên Lâm Viên là Lang Biang và Bidoup Ban nên thường được mệnh danh là nóc nhà của Đà Lạt.

Đứng trên đỉnh Lang Biang, nhìn Đà Lạt huyền ảo như một thung lũng xanh mướt với hai dải lụa bạc vàng, đó chính là Suối Bạc, Suối Vàng.

Hàng chử “LANGBIANG” (theo kiểu HOLYWOOD) kiên cố dựng rất thẩm mỹ bên rìa đỉnh núi nổi bật lên nền mây trời và những lằn núi xanh xa tắp là nơi rất nhiều du khách đến lấy dáng chụp hình. Vợ chồng Hải-Đăng Roya cũng cầm lòng không đậu để Papi bấm máy lia chia cho tới khi một nhóm du khách nữ Đại Hàn đến sau lưng phó nhòm nói chuyện kim-chi ỏm tỏi.

Còn nhiều nơi để viếng thăm nhưng chiều mai sẽ phải ra phi trường Liên Khương bay về Đà Nẵng tiếp tục chuyến đi lên Bạch Mã rồi Măng Đen, Tu Mơ Rông. Hi vọng của cậu con trai là nhìn được giống chim khướu rât hiếm, trên thế giới hiện tại chỉ tìm thấy ở vùng Ngọc Linh, Tu Mơ Rông.

Nhưng trước khi đi thăm điểm viếng cuối cùng ở Đà Lạt, xin viết mấy dòng này đa tạ bạn Quý Bùi và phu nhân về khoảnh khắc thời gian quý báu tối qua. Cuối cùng mình đã gặp nhau, trò chuyện thăm hỏi, tán chuyện Xuân Thu, ăn gà nướng cơm lam nhìn núi ngàn Lâm Viên sau lớp sương chiều. Mừng cho bạn, mừng cho chúng ta còn sức khỏe thăm nhau.

Rút kinh nghiệm từ Hoa Sơn Điền Trang, chúng tôi đến khu phòng vé Datanla rất sớm để săn tìm chim trong lúc chúng vừa thức dậy và phòng vé chưa mở cửa, du khách chưa đến. May mắn lần này chúng tôi được mời vào sớm lúc nhà hàng cà phê mới pha bình đầu tiên. Tuyệt vời!

Nằm cách trung tâm khoảng 5 km, Datanla là một trong những thác nước tuyệt đẹp ở Đà Lạt. Câu nói nghe bù trớt, nhưng thật ra thác Datanla không chỉ là một thác nước bình thường mà nó đã được phát triển thành một khu du lịch nổi tiếng. Ngoài vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước, hệ thống sinh thái rừng có nhiều chim chóc, còn có các trò chơi mạo hiểm được bảo vệ bởi các thiết bị hiện đại. Hệ thống máng trượt tại thác Datanla là trò chơi phổ thông nhất. Có hai hệ thống máng trượt, ngắn 1,000 ngàn mét và dài 2,400 mét. Đường trượt có phanh cảm biến để giảm tốc độ nên khá an toàn khi nó uốn lượn qua các sườn núi, các khu rừng cổ thụ.

Papi Ái là nạn nhân (hay anh hùng?) của cái máng dài thăm thẳm 2,400 mét này. Số là, ba chúng tôi vừa thơ thẩn ngắm cảnh tìm chim, thưởng thức tiếng suối reo dọc theo con đường núi đi xuống thác tận phía dưới thấp, con đường gần 2 cây số đi qua lúc nào không hay. Tới suối rồi được ngồi chụp hình với Tôn Ngộ Không đang ngồi bên thác nước ầm ào chảy, nên không nghĩ gì khác hơn. Có lẽ trong tiềm thức đã ỷ vào tài Cân Đẩu Vân của Tôn Ngộ Không chăng? Hơn nữa, trước đó cơ duyên đưa tôi đến một gian hàng bán tượng gỗ điêu khắc. Nhìn cái tượng Đạt Ma Tổ Sư nhỏ cỡ gang tay với nét chạm tinh tế, nhất là đôi mắt, và thế đứng cùng cánh tay cầm chiếc giày cỏ rất quen thuộc, tôi ngờ ngợ nhìn người thợ điêu khắc đang lúi húi cúi đầu đục đẻo trên khúc gỗ còn thô sơ chưa ra hình dáng. Chỉ có mùi thơm ngất ngây từ gỗ tiết ra. Câu hỏi rồi giọng trả lời, sau đó là chuyện làng xưa, người cũ, không có chuyện đời thường, ví dụ như là leo núi đi ngược trở lên chừng hơn cây số. Anh ta là người Huế, ra làng Phước Tích học nghề điêu khắc với Ôn Quý được 5 năm. Phước Tích là làng nghề chạm trỗ, điêu khắc nổi tiếng Việt Nam. Quê ngoại của mẹ Hải-Đăng ở Phước Tích. Tôi mua cái tượng Đạt Ma Tổ Sư nhỏ, Roya thì được tặng một xâu vòng gổ, tiện bằng tay. Còn leo núi đi về vẫn là vấn nạn lớn trong ngày. Roya luôn có ý kiến hay. Cô ta mua 3 vé máng dài, 1 chiều đi lên. Problem solved!? Không, kỷ niệm về chuyện đi roller coaster với 2 đứa con, thời Hải-Đăng mới 12, vẫn còn tươi rói trong tôi. Nhưng không có lựa chọn nào khá hơn nên tôi đành nhắm mắt đưa chân, leo lên. Không tệ lắm! Lúc gần đến đích  chỗ chụp hình online, tôi còn đưa tay cao mừng chiến thắng.

Hẳn các bạn còn nhớ chuyện tình lâm ly bi đát của Lang và Biang tôi kể ngày hôm qua.

Thác Datanla chính là nơi gặp gỡ của anh hùng Lang và nàng sơn cước Biang. Tại đây, Lang đã chiến đấu với bầy thú thú dữ các loài để cứu nàng. Lang đã lấy dao cắt đứt hai cái lưỡi chẻ đôi của rắn rồi dùng 9 mũi tên bắn vào bầy sói và cáo khiến chúng bỏ chạy. Tại  chỗ ác chiến rừng bị cày xới thành những hố sâu, một trong số đó là vực Tử thần dưới chân thác. Kể từ đó, thác Datanla là nơi hò hẹn của đôi trai gái và sau này là truyền thuyết về ngọn núi Lang Biang huyền thoại.

Trên đường về homestay, Roya cho hay Cal vừa về đến Đà Lạt, đang ngủ bù. Ngày mai mình mời hai người brunch để chào từ giã.

Sáng cuối cùng ở Đà Lạt. Trên đường đến restaurant, chúng tôi ghé vào một tiệm hoa gần đó. Roya chọn đặt một bó hoa rồi hẹn giờ nhờ người mang đến tận restaurant.

Cal là người vui tính, chúng tôi chuyện trò, ăn uống như bạn cũ gặp nhau. Hoa đến, bó hoa màu sắc hài hòa tuyệt đẹp. Dạ Thảo ngạc nhiên, xúc động. Roya và Dạ Thảo ôm nhau không rời.

Chúng tôi bịn rịn chia tay, hẹn nhau lần tới.

Chuyến bay đến Đà Nẵng lại trễ. Lúc chúng tôi nhận phòng đã gần 9 giờ tôi. Đi bộ ra đường Bờ Sông ăn vội mấy tô mì Quảng. Không ngon lắm. Sáng mai Lê Quý Minh sẽ đến đón, 9 giờ sáng như đã hẹn. Không tệ.

Tôi ngồi trong xe với Minh chờ vợ chồng Hải-Đăng lấy cà phê trong một quán có thương hiệu khá nổi tiếng ở gần Cầu Rồng. Minh tính ra ghé ăn sáng ở Lăng Cô rồi vượt đèo lên thẳng Bạch Mã.

Cháu thích chạy qua đèo hơn là đường Cao tốc, Minh nói, từ Đà Nẵng ra khoảng 65km.

Gần đây, vườn quốc gia Bạch Mã đã trở thành một trong những điểm săn tìm chim ở Việt Nam có tiếng tăm. Vườn quốc gia Bạch Mã, có diện tích khoảng 22,000 ha, nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển.

Đến chân núi Bạch Mã, chúng tôi ghé nơi làm việc cũ của Minh, một cơ quan quản lý tài nguyên môi trường của Vườn quốc gia này. Hải-Đăng không bỏ lỡ cơ hội mang ống dòm đi loanh quanh.

Chúng tôi lên đến khu nghỉ dưỡng vừa đúng lúc nhận phòng khách sạn. Minh cười, bác muốn nhận phòng của Madame Trần Lệ Xuân, hay của bà Cả Lễ? Biệt thự của Cố vấn Ngô Đình Cẩn cũng có nữa. Minh không đùa. Hai biệt thự sau không được giữ gìn tốt nên bị xuống cấp. Villa Phong Lan của bà Trần Lệ Xuân thì đã có người. Phòng nào cũng được, chỉ một đêm nghỉ chân có  chỗ đặt lưng là được.

Minh hướng dẫn chúng tôi đi tìm chim suốt buổi chiều. Hải-Đăng lại được hí hoáy viết lên sổ tay. Chúng tôi may mắn thấy được một con chim trích màu hung đỏ đang chạy qua đường. Tôi bấm máy nhưng không cận cảnh mấy. Chiều trong rừng xuống nhanh và ẩm ướt. Qua bữa cơm đạm bạc, chuyện trò một lúc, chúng tôi về phòng. Bây giờ để ý mới thấy căn phòng thật ẩm, chui vào tấm đắp có cảm giác như bị ướt. Mãi một lúc lâu nhờ thân nhiệt tỏa ra mới cảm thấy bình thường.

Hôm sau, mới 5 giờ sáng Minh đã chờ ở phòng ăn với bình cà phê pha sẵn. Anh không lựa được đâu, không phải Đà Nẵng, Minh đùa với Hải-Đăng. Chúng tôi vừa thơ thẩn tìm chim, dần leo núi về phía Hải Vọng Đài chừng 1,500 mét. Trên đỉnh mây sương mờ che hết những vùng đầm phá, thung lũng, vịnh Lăng Cô bên dưới. Chúng tôi đang ở trên mây, cảm giác lâng lâng bay bổng. Trở về ngang khách sạn, chúng tôi tiếp tục đi xuống về phía thác Đổ Quyên, nơi có cảnh quan quyến rũ nhất ở Vườn quốc gia Bạch Mã. Thác nước tung bọt trắng, lung linh hoa đỗ quyên đỏ dưới ánh nắng vừa lên. Cảnh sắc núi non thật nên thơ mà hùng vỹ nơi đây.

Bữa ăn sáng là tô mì gói có hai trứng chiên. Trả phòng, chất hành lý lên xe cũng gần 10 giờ sáng. Chúng tôi đã “lao động” được nửa ngày rồi, còn một nửa rất dài nữa. Đi thôi!

Chúng tôi sẽ đến Kontum, làm nhanh hai công tác “dân vận” rồi chạy về Măng Đen. Có lẽ phải 7-8 giờ tối mới đến.

Qua Lăng Cô vào địa phận Đà Nẵng, xe vào đường Cao tốc qua Tam Kỳ, đến thành phố Quảng Ngãi đã quá trưa. Cơm nước xong lại tiếp tục hướng về Kontum. Chúng tôi đến thành phố này lúc trời đã chiều. Kontum cũng như bao nơi khác trên đất nước này đều thay da đổi thịt, tấp nập hơn đông đảo hơn, nhưng tôi đang trở về để nhớ lại những điều rất cũ mà rất thân thương, mà đau xé lòng. Sau cải tạo, vợ chồng tôi đã sống ở đây 2 năm suốt thời gian quản chế, Hải-Đăng được sinh ra ở đây rồi bồng trốn vào Sài Gòn đi vượt biên lúc mới hơn một tuổi.

Xe chạy qua ngôi nhà thờ nổi tiếng xây dựng toàn bằng gỗ, quẹo qua đường Trần Hưng Đạo là nhà Ba Me, vợ chồng tôi cư trú lúc sa cơ. Ông Bà vào Sài gòn với con cái đã lâu, đã mất và ở lại trong đó. Tôi gõ cửa căn phố số 174, rất may chú Giã hàng xóm cũ từ những năm đó, người đã mua lại căn nhà ra mở cửa. Chúng tôi xúc động nhắc lại thời bao cấp. Chú kể những ngày hai chú cháu đi làm củi, làm rẫy. Chú đã 88 rồi. Người già nhớ nhiều chuyện xưa. Tôi cũng thường nhớ về chuyện cũ.

Chỉ một lần quẹo phải là tới bệnh viện cách nhà cũ chừng hơn một cây số, nên xe tìm ra không khó. Bấm cho vợ chồng Hải-Đăng vài tấm hình trước bệnh viện. Nơi con sinh ra. Roya nhìn ngẩn ngơ xúc động.

Xe rồ chạy một tiếng nữa thì tới Măng Đen. 7:30 tối.

Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đó là cao nguyên thuộc phía Bắc Tây Nguyên với độ cao trên 1200m so với mực nước biển. Chính nhờ độ cao đáng nể này mà Măng Đen có hệ thực vật nguyên sinh đa dạng bao quanh, kết hợp cùng khí hậu trong lành, mát mẻ thật lý tưởng.Sau buổi ăn sáng “hoành tráng” bù cho hôm qua ở Bạch Mã chúng tôi bắt đầu đi thăm vài nơi quanh Măng Đen như Thác Pa Sỹ, hệ thống rừng Măng Canh …

Thác Pa Sỹ có khá nhiều chim chóc cho chúng tôi săn tìm. Phong cảnh thác cũng rất thoải mái để thư thái. Sau khi thăm viếng Pa Sỹ, chúng tôi đến Măng Canh. Đây là một trong những nơi có mật độ chim cao nhất trong vùng Bắc Tây Nguyên. Hải-Đăng hài lòng với mức độ sinh hoạt của chim chóc ở đây, anh chàng vô sổ được cả chục loài khác nhau trong thời gian chưa tới 4 giờ.

Chim Khướu Cánh Vàng là mục tiêu của anh chàng nên đã đến lúc đi Tu Mơ Rông, Ngọc Linh để tiếp tục săn tìm.

Chúng tôi đến Tu Mơ Rông vào lúc giữa chiều. Minh rầm rộ giới thiệu với Roya về khách sạn Hilton of Tu Mo Rong, khiến cô ta nửa tin nửa ngờ. Cho đến lúc vào nhận phòng… Đây là khách sạn tệ nhất trong đời, thế mà mình phải ở lại đây 2 đêm. Roya than vãn. Tôi kể lại gần 50 năm trước, những đêm bị cắt đi theo Hợp Tác Xã đến đây để khiêng vác gỗ về Kontum cho xưởng mộc… Phải trải chiếu nằm trên nền đất, hay treo võng mà nằm cho đở lạnh.

Sau đây là vài đoạn qua diễn tả của Hải-Đăng lúc theo Minh săn tìm chim Khướu Cánh Vàng chỉ hiện hữu trong vùng Ngọc Linh Tu Mơ Rông. 

Từ Tu Mơ Rông, xe chạy càng lúc càng cao để đến Khu Bảo Tồn Tài Nguyên Ngọc Linh. Chúng tôi đã đi được 2.000 mét, con đường không còn cao hơn được nữa. Chúng tôi phải đi bộ hết quãng đường còn lại. Khi chúng tôi xuống xe, Minh chỉ tay về phía một trong những ngọn núi xanh rờn cây rừng và hỏi: “Thấy mấy cây chuối kia không?” Đôi mắt của tôi bằng cách nào đó đã nhìn thấy những tán cây trên sườn núi đối diện. “Tụi mình tới đó mà!”

Tôi không chắc chúng tôi đến đó bằng cách nào, nhưng đột nhiên chúng tôi phải lao vào rừng, ngay sau khi một nhóm người Sedang từ một ngôi làng gần đó chạy vào rừng và biến mất. Minh đã nói chuyện với họ, những người hái nhân sâm, và nói rằng họ định ngủ trong rừng hai đêm. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được cụm cây chuối đó. Điều mà Minh không nói với tôi là có thể có loài Hoạ mi cánh vàng đang lảng vảng ở gần đó, và quả thực chúng có ở đó.

Tất nhiên là Minh đã nghe và nhìn thấy chúng trước, vẫy tay cho tôi với vẻ hào hứng hơn bao giờ hết. “Chim Khướu Cánh Vàng!” anh thì thào-hét lên. Tôi nhìn thấy bóng của nó đổ xuống từ bụi cây tre và chỉ trong vài giây đáng ghét không thể tìm thấy nó nữa, mặc dù Minh bảo đảm với tôi rằng chúng đang ở ngay trước mặt tôi, lúc này đang ở rất thấp. Tôi đặt ống kính lên chúng, một cặp nổi bật tuyệt đẹp, và trong giây lát, một trong hai ẩn hiện một phần nửa sáng nửa tối, một tia nắng thẳng đứng chiếu lên chiếc cánh một màu vàng chói lọi. Tôi như bắt được vàng! Nó ở ngay bên đường, trốn trong bụi cây rậm rạp bên dưới những cây chuối. Chúng tôi đã ở rất gần trong một khoảnh khắc khác, tôi có thể nhìn thấy bộ ngực giống như vảy cá và con mắt đen sáng bóng khi con chim cánh vàng đứng lặng lẽ trên một khúc gỗ phủ đầy rêu xanh ngọc bích.

Hai con Khướu Cánh Vàng đó đại diện cho loài chim quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất ở Việt Nam mà tôi gặp trong suốt chuyến đi. Rất ít người săn tìm chim có đủ may mắn để gặp nó. Minh cho biết anh đã đến Ngọc Linh vào mùa xuân năm ngoái cùng một nhóm nhỏ những người săn chim chuyên nghiệp, đã qua đêm và tìm kiếm trong hai ngày, ở nhiều độ cao khác nhau, từ 1.800 đến 2.200, và không phát hiện được gì, thậm chí không có một tiếng kêu. Tôi có thể nói anh ta đã rất vui nhìn thấy chúng. Minh thì nói rằng chúng ta đã vô cùng may mắn vào buổi sáng hôm đó. Tôi chỉ đồng ý một phần

Chúng tôi có Minh, một hướng dẫn viên cực kỳ lành nghề, kiên nhẫn và tận tâm, người dường như nhìn và nghe nhiều hơn hầu hết những người bình thường, và dường như hiểu rõ khu rừng từ trong ra ngoài. Nếu không có anh ấy, chúng tôi sẽ không thấy gì cả. Săn chim với Lê Quý Minh, tôi cảm thấy mình như một người hoàn toàn mới bắt đầu và nghiệp dư, đang học cách quan sát. Tôi quan sát chim không nhiều bằng việc quan sát Minh quan sát chim. Anh ấy nói chuyện với chim và đến với chúng, huýt sáo và trò chuyện với chúng, những con Khướu vàng, Cú Vọ của anh ấy, cũng như anh ấy là một người trò chuyện nồng nhiệt với người quanh mình.

Buổi tối ngày thứ hai ở Tu Mơ Rông.

Ngày mai chúng tôi phải có mặt ở phi trường Đà Nẵng không quá 12 giờ trưa. Tham Mưu Trưởng và cả nhà về tới phi trường giờ đó.

Minh lẩm nhẩm tính lui, rồi nói, vậy thì 5 giờ sáng mai lên đường, hi vọng tới trước được nửa giờ.

Và như thế, chúng tôi âm thầm rời khỏi Tu Mơ Rông khi trời chưa sáng.

Papi đã kịp đón Granny và gia đình cháu ngoại lúc ra khỏi cổng phi trường cùng lỉnh kỉnh hành lý. Tôi đỡ xách hành lý nhỏ trên tay Đa. Nàng thở ra, chờ hành lý mà hai đứa nhỏ chạy như con loai choai, bắt mệt!

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023