SỐ 99 - THÁNG 7 NĂM 2023

VỀ NƠI BẾ BỒNG

Thi Vũ

“… Lá thu nhẹ rơi rơi, nắng thu vàng phai phai… Ai về nẻo cũ bâng khuâng tình xưa…”. Rồi với Thu Kinh Châu, bài ca mang phách điệu Koto được hát thời quân đội Nhật tràn chiếm Đông dương “Đàn chim bay cách xa trên núi cao miền xa, mang theo nỗi buồn mộng mơ, nguồn thảm sầu đã qua…” hay “Biệt ly nhớ nhung từ đây, chiếc lá rơi theo heo may, người về có hay…”. (1)

Giọng trầm đắm, thoa hồn thắt ruột, lẵng vào nỗi nhớ hiu hiu trầm mặc. Đó là Duy Trác mà tôi nghe lần đầu sau những tháng dài nằm nơi Phòng đợi Chết về lại cõi Sống. Tôi ngơ ngác xa lạ trước bao cảnh mới. Cái bình thường mất hút, niềm đời trống không. Một cảm giác lạ lùng xâm chiếm. Cảm tưởng như nhạc hát đang nghe dạy tôi bài học vỡ lòng về cuộc sống mới.

Người ta không ngừng chứng kiến cái chết. Nhưng là cái chết của người khác, người thân, bằng hữu, khi nghe tin, hay tiễn đưa đến mộ phần. Có nhớ nhung, thương tiếc. Vẫn chưa là cái chết của chính ta, của sự kiệt lực, mỏi mòn, tan rã… Hết vói tới tay, chân, thể xác. Bất động lăn dần từ núi cao xuống vực thẳm không đáy. Biệt ly xa mãi từ đây. Xa mãi, xa mãi… nơi vũ trụ không cùng.

Khó tả niềm vui chấn lòng theo những bài hát đưa ta về cuộc sống.

Rồi nghe lại nhạc thơ Trịnh Công Sơn.

Người khơi nguồn cho nền triết lý của trái tim, qua ca từ đẹp lạ, chất ngất thơ. Thơ không nhờ ngâm mới thấm, vì thơ đã chuyển hình thành nhạc, đưa ta về quê hương của tâm hồn từ lâu xa mất. Lý do làm cho nhạc thơ Sơn sống mãi qua mọi tầng lớp với thời gian kéo dài.

Mặc bao thị phi phố chợ.

Yêu nhạc, chúng ta chứng kiến từ Ca Cải lương, Nhạc tiến chiến rồi Nhạc tân lãng mạn Miền Nam cũ. Trừ dòng Nhạc Hùng đẩy người vào hố chết.

Nhạc thơ Trịnh Công Sơn mở ra thượng lưu trầm tư về thân phận con người nơi vùng đất chết, chẳng cách thoát thân. Trầm tư từ trái tim, trái tim văn hiến nghìn đời.

Thoát ly khẩu hiệu, thúc quân, bộc phá tới trời nghiêng. Sơn nhìn nội chiến điêu linh bằng trái tim, không bằng não trạng phân tâm, vong tính. Từ tình yêu chưa với tới, đến thảm sát truyền đời, ca từ lọc róc mọi biểu tượng vênh váo của xã hội kịch trường. Dịu dàng, khả ái, nhân hậu, cầm tay ta về lót ổ chốn quê hương của tâm hồn —phần nào tựa như mô thức La tinh “Ubi bene, ibi patria / Nơi nào sống hạnh phúc, đó là quê hương”.

Ít khi được nghe tiếng vỹ cầm réo rắt, lột tả hồn và tâm nhạc Sơn qua băng nhạc Lênh đênh phố nhớ của Giang Trang. Một giọng hát mới, chất phác, mộc mạc, ta theo ca từ bước vào lòng triết lý của trái tim. Toàn bộ tác phẩm Sơn đều nói lên điều đó. Như tiếng thở dài hay Vườn Xưa đơn bạc là một ví dụ cuộc trầm tư mặc tưởng.

Một mùa đông, người nhạc sĩ về thăm căn nhà cũ của mình, của bạn, hay người tình. Nhưng dãy cửa lá sách đã gài then. “Nhà im đứng”. Mưa chiều rót bóng đen phủ kín hàng hiên. “Người lên tiếng hỏi Người có không?”. Không. “Người đi vắng về nơi bế bồng!”. Nơi ấy ở đâu ? Chắc chắn không là nơi này nơi kia. Cũng không do thời gian cách biệt, không gian cách biệt, mà là lòng người.

Lòng người bị thời đại xoá sổ.

Giữa vườn xưa chỉ còn một chiếc lá, cố gửi sức sống xanh về trời. Sau lưng, Cổng chào cuối sân đón khách thời thân ái, nay ngậm ngùi từ giả.

“Người vinh quang mơ ước địa đàng, người gian nan mơ ước bình thường, làm sao đến gần hy vọng cuộc vui chung… Lúc tình ta thấy lại xác người bên xác người… Với những cuộc tình bão tố lênh đênh, xin có một lần uống chén muộn phiền… Hãy gần nhau… Làm con sông cho tháng ngày trôi… Và tim tôi xin có một ngày, ngồi thong dong cho đến mọi loài chút tình tôi”. (2)

Thi Vũ
Paris, 9.12.2022



1. Các chữ viết nghiêng trong bài, là trích dẫn các bài ca.

2. Lời trích từ Như tiếng thở dài & Vườn xưa : https://www.youtube.com/watch?v=Y_r8_eBOqMQ&t=1737s

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023