SỐ 20 - THÁNG 11 NĂM 2003

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Trên tàu hỏa
Nguyên Nhi
Mùa thu trên đất khách
Huỳnh Kim Khanh
Tháng 7
Hoàng Mai Phi
Mùa thu và em
Nguyễn Vĩnh Châu
Lá tình
Tóc Tím
Thăm lại trường xưa
Ngọc Trân
Ngày trở lại phòng mổ
Dã Thảo
Thu vắng
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn - Tùy bút

Con gà trống của người lính tù tuẫn nạn
Phan Thái Yên

Đứng giữa cơn bão rớt
Phạm Hồng Ân
Bỏ chốn mù sương
Song Thao
Thoáng tình cuối đông
Hoàng Mai Phi
Cái lồng đèn Trung Thu ... méo
Cỏ Biển
Lá thư không gởi - Kỳ 7
Trương Thanh Diễm Thùy - Bảo Lộc
Chiến tranh

Trần Phương
Thoáng rơi những giọt trăng ...
Vũ Hoàng Thư
Một thoáng ngoài kia

Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 14
Huỳnh Kim Khanh


 

Cái lồng đèn trung thu... méo

 

".... Hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc thì lòng tôi lại nao nao những kỷ niệm của buổi tựu trường............."

Không biết có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay đã được định trước, mỗi năm vào ngày khai giảng niên học mới hầu như tôi đều được thầy cô giáo cho đọc bài tập đọc hoặc viết bài chính tả như vậy. Những năm ở bậc tiểu học chúng chỉ là một đoạn vài câu văn ngắn. Đến khi tôi thi đậu Đệ Thất, bài văn bình giảng đầu tiên mà tôi được giáo sư Việt văn bắt làm là bài "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh, lúc ấy tôi mới biết rõ xuất xứ của bài tập đọc khi còn nhỏ và biết bài này trích từ quyển truyện "Quê mẹ" khi tôi tìm đọc quyển này trong thư viện của trường.

Bây giờ bài văn không chỉ nhắc cho tôi nhớ đến mùa Thu là mùa tựu trường, mùa cây xanh trút lá một cách đơn thuần mà là mùa nhắc lại những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu của mỗi người mà không một ai có thể quên được : "Mùa Trung Thu" ; và đã có nhiều người gọi nó một cách văn vẻ là ngày Tết của nhi đồng.

oOo

Tôi mở chốt cửa rào, hai đứa em tôi hí hửng cầm chiếc lồng đèn ngôi sao, mỗi đứa cầm một góc giơ cao, ánh sáng từ ngọn đèn cầy bên trong xuyên qua giấy màu hắt vào khuôn mặt em tôi nét tươi vui rực rỡ.

Bỗng trong đám con nít đang lom khom túm tụm đốt đèn cầy trước sân có tiếng kêu :

- Á! Coi kìa, lồng đèn méo

Có vài đứa chỉ trỏ :

- Lồng đèn méo, tụi bây ơi.

Rồi chúng đồng thanh vỗ tay chế nhạo :

- Một hai ba... Lồng đèn méo, lồng đèn méo.

Hai đứa em tôi mặt méo xệch, đứng khựng lại ở cửa. Tôi nhận ra đứa đứng đầu của cả bọn là thằng Ức. Tôi an ủi hai em :

- Tụi nó nói láo đó, thằng Ức chắc muốn trả thù chuyện con mèo thôi.

Thằng Ức là đứa cầm đầu bọn con nít của xóm Chùa. Đám con nít đa số là con nhà lao động nghèo, nhà mái lá vách bằng phên cót dán giấy báo. Vì vậy khi Ba Má tôi dọn về xóm này và cất lên ngôi nhà mái ngói, vách tường, có hàng rào ngăn cách với khoảng sân chung phía trước. Nếu đứng trên dốc cầu cao nhìn xuống, sẽ trông thấy căn nhà mái ngói đỏ thắm của gia đình tôi giống như một cô tiểu thư áo quần sặc sỡ đang đứng giữa đám người nghèo, quần nâu áo vá. Cũng vậy, so với đám trẻ trong xóm lúc nào mặt mũi cũng lem luốc, da dẻ mốc thếch hoặc khét nắng đen thui thì chị em chúng tôi lại mặc quần áo tươm tất, tay chân trắng trẻo sạch sẽ, vì tất cả đều có bà giúp việc nhà chăm sóc khi Ba Má tôi bận lo sinh kế, do những cách biệt này nên chị em chúng tôi không hòa nhập được với bọn trẻ con trong xóm, chúng hay lừa thế chế giễu và chọc ghẹo các em tôi. Mấy hôm trước, khi tôi đi học về, em tôi mếu máo ôm con mèo trắng mà nó rất yêu thương với cái mặt bị bôi lọ nghẹ đen thui, tôi biết ngay đây là tác phẩm của bọn thằng Ức. Thằng này trạc bằng tuổi tôi nhưng chỉ mới học lớp Tư thua tôi hai lớp, tôi hứa với em, nhất định chị em tôi sẽ trả thù này. Dịp may đã đến ban sáng, khi thấy con mèo vàng của nhà thằng Ức lén chui rào mon men đến sàn nước lúc bà giúp việc đang làm cá, chúng tôi chộp ngay lấy nó và lấy kéo cắt phăng hàng ria mép của con mèo trước khi thả nó về nhà. Tôi nghe nói khi mèo bị cắt râu sẽ không đánh hơi được để bắt chuột cho đến khi nào râu mèo mọc dài như cũ. Con Mèo bị cắt mất râu, cứ ngọ ngoạy mũi trông vẻ mặt rất tức cười khiến trong lòng chị em tôi thấy hả hê đôi chút.

Năm nay gia đình tôi dọn về vùng đất ngoại ô ở Phía Tây rất xa và cách biệt thành phố một con sông rộng nên chị em chúng tôi đã mất đi niềm vui rộn rã của những ngày tháng cũ vào mùa Trung Thu.

Bao giờ cũng vậy, chẳng năm nào sai. Cứ đến vào đầu tháng tám âm lịch, vẫn là buổi trưa tan học như thường lệ, khi băng qua khu nhà ga xe lửa sang đến đường Phan Chu Trinh, bên hông chợ Saigon, tôi bất chợt nhận ra một quang cảnh đổi khác với ngày thường. Những cửa hàng chuyên bán nữ trang bằng vàng bạc nằm dọc theo các con đường quanh cửa Bắc chợ Saigon bỗng nhiên biến mất, thay vào đó trước mỗi cửa hiệu này là những tủ kính trưng bày các loại bánh trung thu, phía dưới hàng hiên thì treo đủ loại lồng đèn Trung thu, đủ màu, đủ kiểu. Đường phố bổng trở nên rộn rịp hơn và lòng tôi cũng vì thế trở thành náo nức theo.

Thế là bắt đầu mỗi buổi chiều, sau khi cơm nước xong và đường phố đã lên đèn, chị em chúng tôi cùng bọn trẻ trong cư xá í ới rủ nhau đi vòng vòng các cửa hiệu quanh chợ xem các loại đèn Trung thu. Ngước mắt nhìn lên nóc hiên mỗi cửa tiệm lủng lẳng treo đầy các loại đèn, này là đèn xếp bằng giấy hình tròn như trái bí, hình tam giác xòe ra như cái nan quạt, hình ống tròn chăng thành dãy, phía trước nổi bật những cái lồng đèn làm bằng tre đan, phất giấy bóng kính màu sặc sỡ hình những con cá đầu hóa thành rồng được gọi là cá hóa long, con tôm mình cong cong, con thỏ lưng khum khum với hai lỗ tai vểnh viền dúm lông trắng, chiếc tàu bay, chiếc thuyền, thậm chí cho đến con bươm bướm, con ong, thôi thì đủ loại hình dáng, kích cỡ, sắc màu. Chúng tôi ngắm nhìn, chỉ trỏ, trầm trồ với nhau mỗi khi thấy cửa hàng bên cạnh có cái lồng đèn lạ mắt. Chiếc đèn quyến rũ đám trẻ chúng tôi đứng lại lâu nhất có lẽ là chiếc đèn kéo quân, chắc vì loại đèn này không dành cho bọn trẻ con chúng tôi cầm đi rước đèn mỗi tối. Chiếc đèn có hình bát giác, được phất giấy mờ, có cái làm bằng lụa trắng, dưới các góc đều được trang trí lủng lẳng một chùm tua sợi vải màu sặc sỡ. Mỗi cạnh của nó trông giống như một ô cửa sổ của tòa lâu đài cổ, nổi bật những bóng đen di động vòng quanh, uốn éo tượng hình, khi thì chiếc xe ngựa kéo phía sau có ông Tiên, mũ cánh chuồn ngồi chễm chệ, tiếp theo là hình ảnh đoàn tiên nga ẻo lả, xiêm áo thướt tha đang múa khúc nghê thường. Ở mỗi cái đèn hình như có một sự tích qua những bóng hình khác nhau, thôi thì tha hồ cho đám con nít chúng tôi lồng trí tưởng tượng của mình từ những câu chuyện cổ tích đã được nghe kể lại. Có đứa bảo rằng hình này là sự tích chú cuội và cây đa vì chúng nhác thấy có bóng con thỏ chạy trong đó. Có đứa thì cãi, không phải vì chứng vừa thấy có ông Vua ngồi xe song mã lướt qua.

Xem chán chê các loại đèn chúng tôi quay sang những tủ kính trưng bày các loại bánh. Này là hộp bánh in hình rồng phụng giao đầu to bằng cái mẹt sàng gạo, bên cạnh là những cái bánh dẻo trắng tinh, vuông có tròn có nổi bật hình hoa cúc phía trên mặt bánh. Bánh nướng vàng rượm, bóng láng đầy nhân đậu xanh, đậu đen điểm thêm cái tròng đỏ trứng ngay chính giữa trông thật hấp dẫn, loại bánh chúng tôi đọc được có giá bán mắc nhất là bánh có tên gọi thập cẩm, vi cá. Đứa nào cũng thắc mắc : "Vi cá thì có gì mà bán mắc vậy ??" Các bà má chúng tôi lần nào khi làm cá cũng phải chặt vi, vây, vảy cá vứt hết, bộ không phải sao ??. Nhưng những thắc mắc của chúng tôi đều dẹp qua một bên khi nhác thấy những hộp giấy hoa sặc sỡ nho nhỏ trên nắp là khung giấy bóng kính trong suốt. Trong mỗi hộp đều chứa đựng một chú heo nằm phễnh bụng trố đôi mắt làm bằng hai hạt đậu đen nhìn chúng tôi mời mọc. Đứa nào cũng tranh nhau thích thú chụm đầu nhìn hộp bánh trong có hình con heo mẹ nằm khoanh tròn ôm lúc nhúc một bầy heo con đang châu mõm rúc vào bụng nó.

Buổi trưa tan học, đám học trò về ngang các cửa tiệm thế nào cũng phải dừng chân hàng giờ để xem những người thợ làm bánh. Những bàn tay thoăn thoắt nhồi nắn các cục bột dẻo nhẹo, trắng tinh. Bọc bên trong là nhân bánh làm bằng đậu xanh hay các loại mứt cắt hình hột lựu. Sau khi nhồi cục bột vào khuôn, họ lật ngược đập chan chát xuống mặt bàn gỗ dầy để lấy ra cái bánh dẻo trắng trẻo, xinh xắn.

Năm nào cũng vậy, hễ cứ đến mùa Trung Thu là Ba tôi đều dẫn gia đình vào Chợ Lớn, vương quốc của người Tàu để Ngắm nhìn các loại lồng đèn và xem người ta mua bán. Sau khi no căng bụng trong một tiệm cơm thố, chúng tôi được ba má dẫn đi mua cho mỗi đứa một cái lồng đèn ưa thích để tối tối chị em tôi nhập bọn với đám trẻ trong cư xá đi vòng vòng tay giơ cao cái lồng đèn có đốt nến sáng trưng của mình. Đêm Trung Thu đứa nào cũng đòi Ba má mình mua cho bằng được hộp bánh hình con heo để đem khoe với nhau.

Tất cả chỉ mới năm ngoái đây thôi mà dường như đã quá xa vời. Tôi biết Ba Má mình đã mang hết tiền dành dụm ra để xây ngôi nhà này sau khi cư xá bị giải tỏa. Ba tôi sau giờ làm việc phải phụ giúp Má tôi trong việc buôn bán nên cả hai tối mịt mới về đến nhà. Bọn trẻ trong xóm lác đác đã thấy bắt đầu chơi Trung Thu. Cái nghèo cũng thể hiện qua các trò chơi. Lồng đèn làm bằng cái lon sữa bò đục nhiều lỗ dưới đáy, trong có cây đèn cầy gãy thành hai ba đoạn được đốt lên. Cũng có đứa nhà khá giả hơn bằng cách mua giấy bóng bao tập để làm lấy cái lồng đèn ngôi sao cho mình. Lần đầu tiên chị em tôi nhìn tận mắt cảnh nghèo của những đứa trẻ trạc tuổi mình, chúng biết tạo niềm vui cho riêng mình bằng cách tự làm lấy những đồ chơi. Chỉ với cục đất sét thô sơ, chúng nhào nặn thành hình cái tô, cái chén, cái nồi, viên bi, con trâu, con heo chiếc xe kéo với bốn bánh xe bằng nút khoén., thật khéo léo. Nhìn những tác phẩm đang nằm phơi nắng, tôi chợt nhận ra chị em tôi có nhiều diễm phúc hơn những đứa trẻ cùng tuổi và càng thấy thương Ba má nhiều hơn.

Buổi trưa sau khi ngủ dậy tôi nảy ý định tự làm cái lồng đèn cho các em tuy rằng chưa bao giờ làm. Tôi chỉ nhớ mang máng lúc còn nhỏ gia đình từ quê dọn vào cư xá, đêm Giáng sinh thấy những nhà có đạo treo những chiếc lồng đèn ngôi sao thật to, đẹp trước cửa nhà họ, chị em tôi thích lắm. Trung Thu năm đó Ba tôi đã làm một cái lồng đèn ngôi sao tương tự với cái vòng tròn quấn đầy giấy màu cắt tua tủa chung quanh hình ngôi sao cho chị em chúng tôi chơi rước đèn. Tôi nghĩ : Bọn trẻ trong xóm đã làm được thì chị em tôi cũng sẽ làm được. Bà chị tôi xách dao ra khóm trúc phía sau chùa cạnh bờ ao chặt một cây trúc dài, đường kính lớn hơn ngón tay, sau khi cắt thành từng đoạn ngắn và róc hết cành lá mang về. Chúng tôi bày tất cả lên trên bộ ván gõ cùng với, dao, kéo, hồ dán, giấy màu. Đám em tôi xúm xít chung quanh xem hai chị lớn làm lồng đèn cho chúng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm lồng đèn. Tôi mường tượng ra hình ảnh cái lồng đèn mình sắp làm để đo đo, cắt cắt các thanh tre. Muốn làm lồng đèn ngôi sao phải có mười thanh tre bằng nhau cột thành hai cái hình có năm góc chéo nhau, chụm lại, chính giữa phải cắt những thanh tre ngắn khác để tách đôi chúng ra ở chỗ giao điểm của mỗi hình. Nhìn thì đơn giản nhưng chúng tôi cũng phải chật vật lắm mới làm xong cái khung đèn. Phải làm gãy mất ba bốn thanh trúc non khi chèn cây chống vào chính giữa hai cái hình. Cặm cụi mãi mới xong phần khung hình rồi đến phần chọn giấy màu để dán lên. Cuối cùng thì chiếc lồng đèn cũng hoàn thành. Chị em tôi hỉ hả âu yếm nhìn tác phẩm đầu tay của mình. Bắt chước Ba, tôi cắt từng đoạn giấy màu tua tủa dán vào mỗi cạnh đèn. Ngắm nghía lần cuối, sửa sang cẩn thận, thâm tâm chúng tôi cảm thấy chiếc lồng đèn của mình quả thật đẹp. So với những chiếc đèn của bọn trẻ trong xóm thì đèn của chúng tôi to lớn hơn nhiều. Thế là được rồi, tối nay chiếc đèn của chị em tôi sẽ mang ra đốt lên, chắc hẳn đám trẻ con xóm Chùa sẽ lé mắt thán phục khi nhìn thấy nó.

Vậy mà tôi không thể ngờ kết quả ngược lại !!! Tôi ngắm nhìn thật kỹ chiếc đèn vẫn không sao nhận ra chỗ nào méo như lời chế giễu. Tội nghiệp hai đứa em tôi nét mặt ỉu xìu. Tôi thận trong mang chiếc lồng đèn treo lên cánh cửa sổ trong sân và an ủi các em tôi với giọng tự tin :

- Mấy đứa đó nói xạo lắm đừng tin.

Nhìn lên vầng trăng mồng mười đỏm đáng, e ấp thò ra sau đám mây, bầu trời bỗng quang đãng hẳn ra, ánh trăng thả xuống trần gian một thứ ánh sáng xanh nhạt, dịu dàng. Chỉ tay lên vầng trăng tôi bắt đầu kể cho các em tôi nghe sự tích chú Cuội và cây đa mà tôi đã đọc trong sách truyện.

- Các em có nhìn thấy quầng đen ở trên mặt trăng mỗi khi trăng tròn không ?? Người ta nói đó là bóng cây đa có chú Cuội đang ngồi dưới gốc đa nhìn xuống trần gian ôm một mối mơ.

Trong khi các em tôi đang mơ màng hình ảnh chú Cuội, quên đi chuyện cái lồng đèn méo thì có tiếng xe của Ba Má tôi về tới. Đám em tôi ùa ra reo lên :

- A ! Ba má về, Ba Má về có mua lồng đèn Trung Thu nữa.

Các em tôi tíu tít, mỗi đứa mừng rỡ cầm trên tay chiếc lồng đèn phần của mình.

Trên khung cửa sổ, chiếc lồng đèn ngôi sao vẫn nhẹ nhàng tỏa ánh sáng lung linh soi rọi niềm vui của các em tôi. Tôi ngơ ngẩn khi nhìn mãi vẫn không biết chiếc lồng đèn mình làm ra đã méo chỗ nào ? Tôi sẽ hỏi lại Ba tôi điều này. Nhưng có một điều tôi biết chắc ; chiếc lồng đèn của chị em tôi lúc nào cũng đầy ắp tình thương và tròn trĩnh như mặt trăng vào đêm rằm Tháng Tám.


Cỏ Biển