PHẠM HỒNG ÂN
Tôi dẫn cô gái lên dốc, loanh quanh theo lối mòn. Đỉnh hòn nằm phía
trên kia. Vẫn còn xa lăn lắc. Và cheo leo một cách kỳ cục. Càng
lên cao, lối mòn càng hẹp dần. Độ dốc càng dốc. Các chòm cây càng
lưa thưa, càng lêu khêu như cổ con hươu rừng. Trán cô gái đã lấm
tấm mồ hôi. Vạt tóc nghiêng nghiêng theo nhịp leo, che kín một bên
má, làm nổi bật màu hồng tươi của đôi môi, màu sâu thẳm của đôi
mắt.
- Xin ông dừng lại. Tôi muốn nghỉ một tí. Mệt quá.
Tôi dừng lại, ngó quanh quất. Các hòn đá chồng lên nhau, chông
chênh như sắp rơi xuống vực. Tôi chỉ vào hòn đá phẳng, tròn hêu
tựa một cái mâm :
- Cô tạm ngồi đó. Nhớ bám vào thân cây. Coi chừng té.
Gió biển thổi lên lồng lộng. Nhưng không đủ sức làm dịu đi cơn
nóng như thiêu của mùa nắng vùng Hà Tiên. Tôi ngước lên đỉnh hòn
Đốc. Ngọn ăng-ten sừng sững của đài kiểm báo lớn dần. Ước chừng
trèo lên khoảng mươi phút nữa, sẽ tới con đường nhựa dẫn vào bộ
chỉ huy.
Tôi ngó về phía ngôi làng. Những mái nhà ven biển. Những táng lá
đen thẳm xung quanh. Những kè đá. Những chiếc hòn khum khum trên
mặt đại dương. Bờ biển vắng tanh, không thấy bóng người.
- Ông đưa tôi đi đâu? Tôi vô tội. Tôi là dân. Chẳng dính dáng
chi tới việt cộng.
Tôi hất mặt về phía ngôi làng. Đơn vị bộ binh đang nổ súng trong
đó. Khói lửa bốc lên ngút trời. Ngoài biển, đoàn PCF quẫy sóng tưng
bừng. Những họng súng đại bác chỉa thẳng vào bờ, vào những mái nhà,
vào những táng lá đen thẳm, mịt mùng.
- Cô có thấy lá cờ tổ bố của việt cộng không? Ngay bãi ghe đầu
làng đấy ! Cô từ trong đó ra, trên ghe đầy ắp hàng hóa. Tiếp tế
cho việt cộng hả?
Cô gái chau mặt, đôi mắt nheo nheo trước ánh sáng mặt trời.
- Ông không thấy biển động sao? Tôi phải vào đấy núp sóng chớ!
Còn hàng hóa? Tôi mua từ biên giới. Vào Hà Tiên, bỏ mối cho chợ.
Con đường nhựa hiện ra, độc đạo dẫn đến doanh trại. Doanh trại
buồn hơn một cái chùa, lững thững vài người lính bách bộ trước sân.
Đỉnh hòn quá cao, xung quanh chỉ có mây trắng và trời xanh. Và ngọn
ăng-ten khổng lồ, đâm vút lên trên, xòe thẳng ra biển khơi, uy nghi
và huyền bí giống con mắt thần, mà các chiến sĩ hải quân đã từng
phóng đại. Chỉ có gió lùa gió, thổi tôi cùng cô gái xốc tới. Chỉ
có nắng lồng nắng, xối lên vai chúng tôi những mảng ánh sáng lung
linh.
Trình com-măng-đăng. Đây là cô gái, chủ nhân chiếc ghe lạ, vừa
bị bắt trong vùng hành quân.
Vị sĩ quan ngẩng lên, chăm chú quan sát cô gái. Tội nghiệp, nàng
mềm nhũn như chiếc lá, chực rơi vào vai tôi, cần sự che chở dịu
dàng.
- Cô ta tên chi? Căn cước đâu?
Tôi úp căn cước cô gái lên góc bàn. Tấm hình hiện lên. Xôn xao
những dòng chữ in còn đậm nét.
- Thưa,...Nguyễn thị Thục Phướng....
Chiếc PCF hướng về mũi pháo đài, rẽ sóng, lướt vào cửa Hà Tiên.
Tôi cho máy tiến full, chạy đua với buổi chiều sắp tàn. Chỉ còn
mảng nắng yếu ớt, giẫy giụa trên thành phố. Báo hiệu buổi tối đến
dần, những ngọn đèn bắt đầu hắt hiu trong chợ. Báo hiệu quán cà
phê của Thược Dược sắp đóng cửa. Tôi sẽ mất một chỗ ngồi lẻ loi
trong đó. Mất ly cà phê nóng hổi vừa thổi vừa hít hà. Mất hàng chục
điếu thuốc thả khói mịt mù. Mất hình ảnh Thược Dược đứng trước bức
tranh tĩnh vật. Cái má lúm đồng tiền ngoi ngóp, giết người không
cần gươm đao.
Cái quán vẫn chưa đóng cửa. Màu hồng của ánh đèn vẫn man mác, lướt
thướt rọi khắp các góc bàn. Thược Dược vẫn đứng trước bức tranh
tĩnh vật, hai bàn tay mềm mại chống dưới cằm, mơ màng ngó ra con
đường. Tôi và thằng Quang lách vội qua cửa, bước về những dãy ghế
trống.
- Thược Dược, khách vào...
Người thiếu nữ ngồi phía quầy bật dậy, cất tiếng vang dội. Sau
đó, cô ta gõ những nhịp guốc lốp cốp về phía chúng tôi.
- Cho một cà phê đen, nóng nhé!
Thằng Quang xua tay, có vẻ như muốn xóa bỏ lời gọi của tôi :
- Không, cho bia đi em!
Rồi nó day qua tôi, cắn điếu thuốc giữa hai hàm răng, đánh que
diêm cháy bùng :
- Tau mới lãnh lương. Nhậu cho "đã".
Thằng Quang vừa về từ ngôi làng ven biển. Đại đội của nó đã giải
vây ngôi làng, rượt việt cộng chạy lao nhao như bầy vịt. Lá cờ ngôi
sao tổ bố được hạ xuống. Dân làng cũng an tâm trở lại nơi chốn dấu
yêu của họ. Trong lúc thoát thân, việt cộng đã dùng ghe dân tung
thẳng ra biển. Đó là lý do tôi bắt giữ Thục Phướng, cô gái với số
hàng hóa khả nghi trong vùng hành quân sáng nay.
Thược Dược bưng bia ra bằng cái khay hình bầu dục. Một mùi hương
kỳ diệu, thoang thoáng bay ra từ vóc dáng ngọc ngà - khiến tôi ngây
ngất, lảo đảo như người say rượu.
Thằng Quang cũng bị thôi miên bởi sắc đẹp tuyệt hảo đó. Nó ngồi
thừ ra như tượng đá. Điếu thuốc bị nghiến nát giữa hai ngón tay
thô tục đầy khói ám của nó.
Cũng như những lần trước, khi cái má lúm đồng tiền lúng liến, ngoi
ngóp trên khuôn mặt Thược Dược - tôi lại hồn xiêu phách lạc, mê
mẩn tự thú với nàng :
- Anh thương Thược Dược lắm, bé biết không?
Lúc đó, Thược Dược chợt nghiêng nghiêng mái tóc, xoay xoay chiếc
khay hình bầu dục giữa đôi tay mềm mại, rồi bình thản quay lưng,
rút lui về phía bức tranh tĩnh vật.
Thằng Quang nhìn theo, chặt lưỡi :
- Mẹ, em đẹp quá! Hèn chi...mày chôn đời nơi đây cũng đáng.
Quán bắt đầu vắng khách. Chỉ còn hai đứa tôi cù cưa cù nhầy với
những ngụm bia hào phóng, hừng hực trong cổ họng. Vỏ chai nằm ngổn
ngang dưới gầm bàn. Chúng tràn ra lối đi. Lâu lâu, chúng khua nhau
loảng xoảng, bởi bàn chân khuấy động của thằng Quang phàm tục.
Chúng tôi lướt khướt say. Càng lướt khướt say, chúng tôi càng lý
sự dông dài. Tôi nói về Thược Dược, về nỗi thất vọng ê chề đang
trĩu nặng trong lòng. Thằng Quang hoài nghi những điều đó. Nó cật
vấn lung tung, không tin tình yêu là một mũi tên, đang cắm sâu trái
tim tôi, hiện tại.
- Mẹ, tao đã đến đây 112 lần. 112 lần tỏ tình. Thược Dược vẫn
không mảy may xúc động. Nàng luôn im lặng như thế, chẳng trả lời
trả vốn một câu...
- Láo, sao mày đếm chính xác 112 lần? Và mỗi lần tỏ tình, em
luôn im lặng. Vậy, làm thế nào mày biết tên em là Thược Dược?
Tôi đứng dậy ngả nghiêng. Men bia đã thấm dần trong máu, khiến
tay chân luống cuống một cách quờ quạng. Quyển sổ nhỏ trong túi
áo tôi nhô lên. Nó là thứ hồi ký đáng tin cậy. Tôi đã ghi vào đó
những nơi chốn tôi thường đặt chân đến, những bài thơ con cóc làm
trong lúc tuần duyên, những lần đến quán Thược Dược...Thằng Quang
không tin ở miệng lưỡi tôi, nhưng nó phải chấp nhận dòng hồi ký
trung thực này. Tôi lật lật những trang giấy nhầu nát, dí thẳng
vào đôi mắt quỷ quái của nó.
- Đây, nhìn đi cha nội! Mày đếm các ô vuông này này...Những lần
tau tỏ tình đấy! Còn tên Thược Dược ư?
Tôi hất mặt về phía quầy, về phía người thiếu nữ đang lu bu đếm
tiền :
- Mỗi lần khách bước vào quán, chính người thiếu nữ đó đã gọi
tên Thược Dược vang dội. Mày không nhớ sao?
Thằng Quang chẳng đếm xỉa chi đến các ô vuông thành khẩn của tôi.
Nó chụp một bài thơ con cóc, ngâm nga vang rền trong quán :
" Thả câu thơ xuống dòng sông
Làm con sóng đẩy thuyền hồng em đi
Còn anh mặc áo sa-di
Ngồi tu dưới cội tình si suốt đời."
- Câu này thiếu hiện thực. Mày phải sửa lại : "...Còn anh
mặc áo trây-di..."
Tôi nhào đến, túm áo thằng Quang, thuận tay đẩy cú đấm vào mặt
nó :
- Mẹ, mặc áo trây-di thì làm sao tu được, thằng quỷ?
Tiếng guốc lốp cốp về phía chúng tôi. Người thiếu nữ nhã nhặn,
xin phép đóng cửa. Ngọn đèn ở trên bức tranh tĩnh vật đã tắt. Bóng
tối hắt hiu chỗ Thược Dược. Nàng vẫn đứng đó như thiên thần, hai
tay chống lên cằm, kiêu hãnh nhìn chúng tôi đẩy đưa với nhau. Thằng
Quang bốc một nắm tiền, quăng lên bàn. Nó ngất ngưởng, choàng qua
vai tôi, lè nhè :
"Chiến trường trăm trận chưa hề bại
Mà chết vì em tuổi nguyệt rằm..."
Trời khuya dần, con đường dẫn tới cầu tàu đầy bóng tối. Phía chợ,
trái lại, Hà Tiên đang rực rỡ ánh đèn. Người ta buôn bán suốt đêm.
Hàng hóa từ biên giới đổ về nườm nượp. Tuy vậy, xung quanh Hà Tiên
vẫn còn những mặt trận sôi động. Như ngôi làng ven biển, sáng qua,
việt cộng đã tấn công vào đấy, chiếm trọn các cơ sở chính quyền.
Tới ngã ba, tôi và thằng Quang phải chia tay. Tôi xuống tàu. Nó
qua cầu nổi, về chân núi Tô Châu. Tôi biết, nó chưa " đã ".
Những chai bia lẹt đẹt chưa lấp đầy nỗi cô đơn quá to lớn của nó.
Về đơn vị, có thể, nó sẽ rủ vài thằng em thân tín khác, chui vào
một góc nào đó, cụng ly cho đến say mèm.
Khi chúng tôi vừa quay lưng rời nhau, chợt trông thấy hai cô gái
đang ngồi thủ thỉ bên lề phố. Tôi và thằng Quang đâu lạ chi các
cô gái giang hồ. Cám ơn các em. Các em đã có mặt khắp nơi trên trái
đất. Các em đã chân thành ban phát niềm vui một cách rộng lượng
cho chúng tôi - những chiến sĩ xa nhà, cuộc sống luôn cận kề bên
lằn tên mũi đạn.
Không có các em, chúng tôi sẽ như khẩu súng hết đạn, sẽ như chiếc
tàu chết máy, như bầu rượu cạn queo, như thuốc thơm thiếu lửa...
Một giọng nói quen quen, kéo tôi dừng lại trước vạt tóc nghiêng
nghiêng, dìu dịu mùi bông huệ :
- Chào ông. Hân hạnh gặp lại ông tại thành phố mỹ miều này!
Thục Phướng. Tôi mở to mắt nhìn. Đây là cô gái khả nghi, tôi bắt
giữ trong vùng hành quân sáng nay, và đã giải giao cho Đài Kiểm
Báo Hòn Đốc. Cô gái làm tôi nhớ đến ngôi làng ven biển. Nhớ những
trái bích kích pháo cuồn cuộn khói lửa. Nhớ đại đội thằng Quang
xáp lá cà với việt cộng, đánh một trận ác liệt để đời.
- Cô được trả tự do? Cô vô tội ư?
Thục Phướng mỉm cười. Vạt tóc nghiêng nghiêng, che kín một bên
má. Ngọn đèn đường vàng ệch, hắt xuống bên má phía kia, làm nhan
sắc nàng đẹp não nùng. Tôi đưa mắt tìm thằng Quang. Con đường trống
vắng, hun hút phía sau. Mẹ, thằng quỷ nhanh hơn sóc. Nó đã tài ba
dắt cô bạn của Thục Phướng đi về hướng bờ sông từ lúc nào? Bóng
nó và bóng con nhỏ lăn dài xuống phố phường. Hai bóng chập vào nhau,
lung linh và huyền ảo như khúc phim hoạt họa.
- Cô đi đâu vậy? Khuya quá!
- Em ra chợ giao hàng. Hôm nay, hàng về khuya. Cực ghê!
Tôi nhìn vào đôi mắt Thục Phướng, đo lường mức độ chân thật của
lời nói. Nhưng, chỉ thấy một màu đen tuyền và bóng tối đùn xuống
trên khuôn mặt bầu bĩnh. Tôi bắt đầu rạo rực. Những chai bia hào
sảng của thằng Quang cồn cào trong bụng.
- Vậy, đêm nay cô về đâu? Cho tôi theo với...
Thục Phướng đưa hai tay lên trời, vạt tóc cuống quít trên bờ môi
đầy vẻ hoảng hốt :
- Trời ơi! Ông nói chi kỳ cục thế? Đêm nay, em ngủ nhờ nhà cậu
em. Trong trạm quan thuế đây này!
Trạm quan thuế kề sát chỗ chúng tôi đang đứng. Giờ này, các phòng
làm việc đã đóng cửa im ỉm. Chỉ có ánh sáng liu riu của ngọn đèn
trên tấm biển màu xanh, lờ mờ soi con đường đi vào, đầy đá sỏi và
ổ gà. Cái cổng luôn luôn xiêu vẹo, lúc nào cũng mở toang, suốt tháng
quanh năm, chẳng bao giờ có người đứng gác. Đằng sau những phòng
làm việc là các dãy nhà tối đen. Thục Phướng và cô bạn đang đi về
đó.
Hai chân thằng Quang như bị chôn vào đất. Nó đứng nguyên một chỗ,
lo lắng ngó theo hai cô gái từ từ xa dần. Nó lầu bầu chửi thề, rồi
bỏ ý định về núi Tô Châu. Nó cũng giữ tôi lại, không cho bước xuống
cầu tàu. Lời nói của Thục Phướng làm nó hoài nghi, đặt thành vấn
đề. Dãy nhà tối đen, phía sau phòng làm việc quan thuế, làm sao
có thể là nơi chốn an toàn cho đám con gái nhẹ dạ, lỡ vận thất thời?
Tôi chợt nhớ lại chiếc ghe đầy ắp hàng hóa của Thục Phướng trên
biển. Lần đó, nàng nói nàng đi buôn ở biên giới. Buôn lậu. Buôn
lậu là đối tượng nguy hiểm của quan thuế. Thì làm sao nàng có thể
bình yên, ngủ trong những dãy nhà quan thuế u ám này cho được?
Quả đúng như tiên đoán của thằng Quang. Con nhỏ tóc dài trở lại.
Tiếng chân rào rào, vừa mạnh bạo vừa vội vã trên mặt sỏi lỏm chỏm.
- Các anh ơi! Cứu giùm Thục Phướng. Chị ấy bị thằng cha quan thuế
cưỡng bức...
Tôi chạy bừa tới, lắc vai con nhỏ :
- Sao? Sao cưỡng bức?
- Chúng tôi đi buôn, bị bắt. Thằng chả đòi ngủ với chúng tôi.
Rồi...mai, sẽ hoàn lại hàng.
Thằng Quang nổi máu anh hùng. Nó đẩy cô gái chạy thẳng tới dãy
nhà. Gió từ biển thổi lên phần phật. Gió mang hương vị ngai ngái
của đại dương, làm trời đất mênh mang, lạnh lẽo một cách kỳ lạ.
Tôi kéo cao cổ áo giữ ấm thân thể, và chưa kịp phóng qua ổ gà trước
sân, để xốc tới trước. Thì thằng Quang đã vội vàng ấn tung cánh
cửa, bằng gót chân cường tráng của nó.
Tiếng động đột ngột vang lên, khiến gã quan thuế hoảng hốt, bật
dậy. Gã lúng túng kéo vội chiếc áo may-dô, che lếu láo cái bụng
phệ mỡ màng. Thục Phướng ngồi thút thít kế bên, hàng cúc áo xổ tung,
để lộ khoảng ngực trắng muốt.
- Mẹ, mày có biết cô bé này quan hệ với tau như thế nào không?
Em gái đấy! Mày toan giở trò tồi bại hử?
Một cú đấm thần tốc tung vào mặt gã quan thuế. Gã ngã sầm xuống
sàn nhà, kêu lên đau đớn.
- Mẹ, tụi tau tác chiến khổ sở ngoài chiến trường. Sống chết
trong gang tấc. Tụi mày ở hậu phương, sướng quá, làm bậy hử?
Gã quan thuế lồm cồm ngồi dậy. Giọng khẩn thiết, van lơn :
- Tôi biết tội...xin tha lỗi...
Thằng Quang vẫn nóng nảy. Nó cuốn phăng chăn màn, quăng vào một
xó phòng. Rồi, xỉa ngón tay vào trán gã đàn ông, nói như ra lệnh
:
- Ngày mai, mày phải trả tất cả hàng hóa cho hai cô gái này.
Xong, cút khỏi nơi đây ngay! Tau không muốn thấy mặt mày lần thứ
hai...
Tuần lễ này, tàu chúng tôi không về bến Hà Tiên được, như thường
lệ. Chúng tôi phải chở phái đoàn ngoại giao của Sài Gòn đi Sihanoukville
- một trong những hải cảng sầm uất của Cam Bốt. Quán Thược Dược
sẽ vắng một người khách quen thuộc. Và biết đâu, trong lúc trống
vắng nào đó, khi nhìn sang chiếc bàn lẻ loi, nằm cạnh bức tranh
tĩnh vật - Thược Dược sẽ cảm thấy bơ vơ, nuối tiếc điều gì? Và biết
đâu, trong những giây phút chạnh lòng nào đó, nàng sẽ chợt nghĩ
đến tôi, đến gã si tình phóng đãng...tự dưng biến mất nơi đâu?
Sihanoukville là một thành phố tuyệt đẹp. Bãi biển thơ mộng với
những du thuyền xinh xắn, đầy dẫy bóng sắc giai nhân. Trên đồi cao,
có các dinh thự tráng lệ, nằm nguy nga, phơi mình dưới ánh nắng
ban mai. Dường như, nơi đây chưa có dấu vết của binh biến, mặc dù
chiến tranh đang lan tràn khắp nơi, trên quê hương chùa tháp.
Tàu chúng tôi tiến dần vào bến cảng quân sự. Doanh trại hải quân
rực rỡ màu sắc. Các máy móc, các dụng cụ...đều bóng loáng, ngăn
nắp. Thủy thủ tươm tất trong bộ đồng phục chỉnh tề. Họ giống như
lính " kiểng " hay lính hoàng gia của một chế độ vương
quyền?
Một đoàn PCF oai nghi nằm san sát nơi bến tàu. Đây là loại PCF
kiểu mới (mark III), giàu tiện nghi, được trang bị hỏa lực rất hùng
hậu. Không biết hải quân Miên đã tận dụng những chiếc PCF thần tốc
này vào công tác tuần duyên, hay hành quân phối hợp với bộ binh
chưa? Sao chúng vẫn còn mới tinh, bóng bẩy...chẳng khác loại tàu
dành để triển lãm trong các buổi tiếp tân thượng khách?
Người sĩ quan Miên tiếp đãi chúng tôi rất chu đáo. Những bữa cơm
thịnh soạn được dọn ra, thừa mứa thức ăn sang trọng. Những đêm khiêu
vũ suốt sáng thâu đêm, trong một tòa lâu đài lãng mạn, nằm cheo
leo trên đỉnh đồi yên tịnh. Các cô gái Miên lai Pháp, lai Tàu...lả
lơi theo điệu nhạc - chẳng khác nào Chiêu Quân, Điêu Thuyền của
Trung Hoa thời trước. Càng vui, tôi càng nhớ Thược Dược. Càng mong
phái đoàn ngoại giao sớm kết thúc công tác, để ngày trở lại Hà Tiên
được cận kề.
Ngày trở lại Hà Tiên đã thành hiện thực. Chỉ cần chờ lệnh ban xuống,
tôi đã full máy, vượt muôn ngàn sóng gió đại dương, bỏ lại sau lưng
trận cuồng phong ào ạt của vùng biển Cam Bốt. Chẳng bao lâu, mũi
pháo đài lờ nhờ hiện ra. Hai chấm đèn tín hiệu màu xanh nhấp nháy
trên bầu trời, trên cột thu lôi cao ngất của thành phố Hà Tiên.
Chiếc PCF vừa vào sông, tôi đã thấy Thược Dược từ xa, đứng thơ
thẩn trên cầu tàu, hướng mắt ra cửa biển. Mái tóc chấm vai, làn
da trắng nổi bật trong cánh áo màu vàng, khiến trời chiều cũng phải
ngẩn ngơ, tung gió lồng lộng. Lòng tôi nôn nao, bồi hồi một cách
lạ kỳ. Và tự hỏi, nàng ra đây làm chi? Chẳng lẽ để chờ trông một
gã si tình, ngốc nghếch như tôi?
Chiếc PCF tiến dần vào bến. Không thể đợi thủy thủ cột dây, tôi
vội vàng phóng thẳng lên bờ, chạy như bay đến Thược Dược. Thấy tôi,
nàng nhảy lên, mừng rỡ. Nhưng rồi, tích tắc sau đó, nàng chợt quay
lưng, cắm đầu, chạy nhanh ra đường cái. Tôi hụt hẫng, ngạc nhiên.
Rồi, cũng cắm cổ bén gót theo nàng, kêu lên ơi ới. Và cứ thế, giữa
cái đìu hiu của buổi chiều sắp tàn, tôi và Thược Dược đuổi nhau
như chơi cút bắt, cho đến khi bóng nàng mất hút sau cánh cửa cà
phê quen thuộc.
Cách đây một giờ, Phú Quốc còn trông thấy mồn một. Bắc Đảo hùng
vĩ, với mũi Kwala vươn thẳng trời cao. Phía trái, hai hòn Kaomei
và Kaochea của Miên, lồ lộ như bộ ngực bốc lửa của người đàn bà
lãng mạn. Thế mà, bây giờ, bốn hướng đều mịt mù, âm u như địa ngục.
Chúng tôi chỉ thấy gió và sóng, xung quanh, đang thi nhau gào thét
mãnh liệt. Gió vùn vụt, xoáy tròn, đẩy chúng tôi vào giữa cơn hãi
hùng của ba đào. Sóng thịnh nộ, gầm gừ dã man. Chúng đập thẳng vào
thân tàu đùng đùng. Và mỗi lần như vậy, tôi tưởng chừng con tàu
cơ hồ bị gãy ra từng khúc.
Cơn bão tiếp tục hoành hành tàn khốc. Thủy thủ đoàn đã ngất ngư.
Một số mệt nhoài, nằm lăn ra sàn nôn mửa lênh láng. Một số mê man,
buông xuôi hai tay, chìm vào giấc ngủ, mặc cho cơn bão dương oai
diệu võ.
Tôi cố gắng điều khiển tay lái, đưa tàu vào nơi bình an. Nhưng
càng cố gắng, đầu óc tôi càng choáng váng, nặng nề. Và khi mũi Kwala
hiện ra trước đầu tàu. Những vách đá dựng thẳng, hùng vĩ, lung linh
dưới trời mây. Tôi bỗng lảo đảo, quay cuồng, rồi...ngã ầm xuống
tay lái.
Tiếng động ồn ào xung quanh đánh thức tôi dậy. Hình như tiếng trò
chuyện ơi ới, tiếng băng ca kéo loạt xoạt, tiếng giọt nước biển
nhỏ chịch chịch...trong ống cao su. Trời ơi! Tôi đang nằm trong
bệnh viện. Hình như quân y viện Hà Tiên. Vì có những y tá mặc trây-di
đi qua đi lại. Có những người lính nằm trên băng-ca, quằn quại với
vết thương.
- Ô, Trung úy tỉnh rồi! Sao? Ông thấy dễ chịu chưa?
Tôi ngó người y tá, gật đầu. Căn phòng màu xanh làm đôi mắt tôi
tươi mát, dìu dịu một cách thoải mái. Tôi hân hoan nhìn xung quanh,
bằng tâm trạng của người vừa từ cõi chết trở về.
- Cô bé này chờ ông từ sáng tới giờ. Cổ cứ ngồi khóc, chẳng hé
môi một lời...
Người y tá đưa tay về phía hàng ghế bên tường. Ô kìa, Thược Dược!!!
Nàng đang ngoi ngóp cái má lúm đồng tiền, bên cạnh nụ cười tuyệt
diệu, dễ thương nhất trần gian. Tôi bật dậy, nhào xuống giường,
chạy vội đến bên nàng. Nhanh như chớp, Thược Dược đứng lên, lách
vội qua dãy ghế, cắm đầu chạy ra khoảng sân mênh mông nắng. Tôi
thu hết sức lực, đuổi theo nàng. Nhưng hình như có một sức nặng
vô hình nào đó, ấn tôi ngã sóng soài xuống nền xi-măng lạnh lẽo.
Tôi trở lại quán Thược Dược, sau những ngày nằm bệnh viện buồn
bã. Hà Tiên vẫn đẹp, vẫn óng ánh những sợi nắng ban mai trĩu nặng
mùa hè. Con đường đến quán, vẫn có bóng mát của những tàng cây,
rụng đầy lá khô xuống lòng hè phố. Tôi trở lại một mình. Thằng Quang
bận hành quân phương xa. Nó rời núi Tô Châu về Hòn Đất. Tội nghiệp
cuộc đời người lính, lúc nào cũng lang bạt cùng trời, hết sông dài...rồi
đến biển rộng.
Tôi trở lại quán Thược Dược, lần này, như một khách lạ. Hình như,
có điều thay đổi nào đó, chưa được biểu lộ rõ ràng. Cái bàn quen
thuộc đã có ai chiếm. Những chiếc ghế ấm cúng đã thay người ngồi.
Bức tranh tĩnh vật sống động nhất, sâu xa nhất, giờ đây chỉ là khung
vải tạp vô hồn. Thược Dược mất hút, như bóng chim tăm cá, không
còn đứng kiêu hãnh nơi chỗ cũ nữa.
Tôi tìm góc tối thầm lặng, ẩn mình, xót xa với nỗi cô đơn ngút
ngàn.
- Chào trung úy! Ba tôi mời trung úy vào nhà trong. Có chuyện
muốn nói.
Tiếng thiếu nữ trầm xuống, cùng tiếng guốc nhẹ nhàng. Chẳng giống
như lúc trước, khi phát âm, giọng cô vang dội khắp gian phòng.
Tôi lúng túng, đứng dậy. Lê bước theo cô gái. Ngang qua bức tranh
tĩnh vật, đi thấu về phía trong. Một người đàn ông trung niên, miệng
ngậm điếu, đang ngồi uy nghiêm trên chiếc ghế mây, đặt giữa gian
nhà. Thấy tôi, ông nhào tới, tấn công dữ dội :
- Cậu dụ dỗ con gái tôi ư? Cậu muốn ở tù hay ra vùng I thử thách
với súng đạn?
- Dạ, thưa bác, cháu...
- Cậu im đi! Cậu có biết con Thược Dược bao nhiêu tuổi không?
Nó chỉ mới 16. Lứa tuổi quá ngây thơ, trong trắng, hồn nhiên...
- Dạ, thưa bác, cháu...
- Cậu có biết con Thược Dược tật nguyền không? Nó bị câm từ lúc
mới sinh ra. Cậu dám lấy nó làm vợ suốt đời không?
- Dạ, cháu...
- Cậu là sĩ quan. Lại là sĩ quan hải quân. Trăm bến ngàn bờ.
Cậu đừng ỷ vào lợi thế đó để phá hại đời con gái người ta?
- Dạ, cháu...
- Từ nay về sau, tôi cấm cậu bén mảng đến quán tôi. Thà tôi mất
một người khách nguy hiểm, còn hơn để mất đứa con gái thân yêu
nhất trên đời.
- Dạ, cháu...
Người đàn ông trung niên giận dữ, ném cái điếu xuống mặt bàn. Cái
điếu cày một đường dài trên kiếng, rồi trúng vào tách cà phê, vỡ
toang từng mảnh vụn.
- Cậu cút đi! Cút cho khuất mắt tôi ngay!
Tôi rời Hà Tiên, mang theo nỗi buồn to lớn, trĩu nặng trong lòng.
Kể từ đây, Thược Dược như một cánh chim, bay xa bay xa. Tôi chưa
kịp gần nàng, đã vội mất nàng vĩnh viễn. Chưa kịp bày tỏ lời yêu
thương, đã phải xa cách nghìn trùng. Về quần đảo Bà Lụa, nhìn trời
mây hiu quạnh muôn đời trên các đỉnh hòn, tôi muốn chôn vùi quá
khứ ở đó, mãi mãi chôn vùi.
Con tàu lầm lì cặp bến Hòn Heo. Dưới trận mưa tầm tã. Sấm chớp
vang rền. Phía trên, nhà máy bột cá nằm đìu hiu, cửa đóng im ỉm.
Khoảng sân thênh thang bạc thếch rong rêu, những gờ tường rữa vôi,
những lu những hũ lăn lông lốc hỗn độn...Rẽ sang bên trái, là cái
quán cóc duy nhất của hòn. Mái lá loạt soạt, vách phên dựng đứng,
khi có ngọn gió biển oằn oại thổi qua.
Tôi loạng choạng trong mưa. Nhắm cái quán đi tới. Giờ đây, chỉ
có rượu. Rượu thần sầu sẽ bôi xóa mọi nỗi đau, dẫn người ta đi vào
cõi quên lãng.
Cửa quán trống vắng. Gió luồn tuồn tuột vào bên trong. Chiếc bàn
độc nhất, chơ vơ, đầy những mảnh nứt trên gỗ. Cái kệ làm bằng nẹp
tre chuốt mỏng. Ở đó, người ta bày ra dăm chai nước ngọt, bia, trà,
thuốc lá...Và tôi đứng sững trước tấm phên, thất thần nhìn cô chủ
quán : Thục Phướng. Nguyễn thị Thục Phướng.
- Ô! Chào trung úy. Hân hạnh gặp lại ông ở cái hòn nhà quê này!
Thục Phướng vồn vã, mừng rỡ. Nàng hỏi thăm huyên thiên về Hà Tiên,
về thằng Quang, về tôi...Đáp lại, tôi đang lãng đãng những phiền
muộn chất chồng. Hình bóng Thược Dược, bây giờ, cứ như một lưỡi
dao vô hình, cứa nát trái tim tôi. Thế là, tôi giận hờn, thù oán
vu vơ con gái. Cau có, quạu quọ với Thục Phướng :
- Hân hạnh cái con khỉ! Cô làm gì ở đây? Bỏ Hà Tiên từ lúc nào?
- Đây là quê nhà của em. Em muốn về đây sống lại cuộc đời hiền
lành. Hà Tiên đầy cạm bẫy, đầy phiền toái. Va chạm, quá phức tạp.
Tôi cười khục khặc. Khoát hai tay phản đối câu nói của Thục Phướng.
Hà Tiên vốn thơ mộng và ngoan hiền. Chỉ có con người. Con người
làm khổ nhau, đày đọa nhau...cho tới...chết.
- Cạm bẫy cái con khỉ! Dẹp ba chuyện bá láp đó đi! Bây giờ, cô
mang cho tui một xị đế, một dĩa khô. Đêm nay, tôi sẽ nhậu ở đây...suốt
đêm.
Tôi nhìn Thục Phướng, uống rượu. Hết ly này tới ly kia. Cứ thế,
tôi làm lia chia, cho đến khi ngất ngư, thấy trời đất quay cuồng.
Trong cơn say ảo ảo hư hư, tôi thấy Thục Phướng hóa ra Thược Dược.
Rồi, Thược Dược biến thành Thục Phướng. Cuối cùng, Thược Dược bằng
da bằng thịt trước mắt tôi. Cái má lúm đồng tiền ngoi ngóp. Cái
khuôn mặt trái xoan trắng ngần, rạng rỡ một trời. Tôi loạng choạng
đứng dậy, bước lên, đắm đuối kéo Thược Dược vào lòng. Tôi áp môi
tôi vào cái má lúm ngoi ngóp, hôn như điên như dại.
Tiếng thét vang lên chói lói, cùng với tiếng xô đẩy mãnh liệt của
cô gái, khiến tôi tỉnh rượu, trở về với thực tại.
- Trời ơi! Trung úy, buông tôi ra! Tôi là đàn bà đã...có chồng.
Mùi thuốc lá khét lẹt, bay loáng thoáng quanh đây. Mùi của phong
sương dạn dày, của mưa sa nắng cháy. Mùi của chiến trường lửa đạn,
của quê hương khốn khó, tội nghiệp muôn đời. Tôi ngước mặt. Một
chiếc xe lăn từ từ tiến ra. Trên xe, người lính trong bộ quân phục
Thủy Quân Lục Chiến đang buồn rầu nhìn tôi, nửa như trách móc, nửa
như thương hại. Anh ta bị cụt đôi chân. Hai ống quần chơ vơ, trống
không, đong đưa theo gió.
- Trung úy say quá! Xin ông vào trong, nằm nghỉ một lát.
Tôi bỡ ngỡ :
- Anh...Anh là...
- Tôi là thương phế binh. Là chồng Thục Phướng.
Tôi bàng hoàng, gục đầu lên cánh tay, phản tỉnh. Trời ơi! Thì ra,
tôi cũng hèn hạ, cũng bất lương giống như gã quan thuế dâm đãng
ở Hà Tiên chăng? Tôi đã táng tận lương tâm, phản bội chiến hữu,
toan cưỡng bức vợ của đồng đội mình ư?
Tôi xấu hổ bước ra khỏi quán. Đêm Hòn Heo vắng tanh. Vắng tanh
như nỗi cô đơn tuyệt đỉnh của tôi. Hình như, có một cơn bão vừa
thổi qua quần đảo này.
Tôi chệnh choạng ra bãi biển. Đi thẳng xuống những ngọn sóng đang
trườn mạnh vào bờ. Đi thẳng xuống những âm thanh đang gào thét loạn
cuồng ngoài đó. Và cứ thế, tôi tiếp tục đi, như một tên điên...
San Diego, 20/7/2003
PHẠM HỒNG ÂN
(Thời Kiêu Bạc)
|