Chiều ba mươi, trời sâm sẩm tối. Đó đây thỉnh thoảng vang lên vài
tiếng pháo lạc lõng do đám trẻ con đốt lên như giục giã ngày tháng
cuối năm trôi qua thật nhanh. Vói tay đảo sơ chảo mứt dừa đang trên
bếp, đậy nắp nồi thịt kho vừa hâm lại, tôi khoan khoái thở ra khi
thấy tất cả công việc bếp núc đã xong. Bây giờ chỉ còn đi chuẩn
bị bày biện mâm trái cây sẵn sàng để cúng giao thừa. Tôi đang loay
hoay sắp đặt thì con gái tôi từ trước hiên nhà chạy vào nói với
tôi :
- Má, má ra xem ngoài kia có thằng câm, lạ lắm
Tôi nghiêm nét mặt :
- Người ta là kẻ tật nguyền, bất hạnh con đừng nên chế giễu.
Con tôi sinh ra và lớn lên trong xã hội mà nền giáo dục ở nhà
trường đã không còn chú tâm dạy những điều căn bản sơ đẳng nhất
về lễ nghĩa, đạo đức và nhân cách. Vì vậy tôi luôn luôn lo lắng
cho sự hình thành cá tính của con mình. Tôi chỉ biết cố gắng uốn
nắn dạy dỗ thêm, sao cho con tôi mai này khi lớn lên sẽ trở thành
một người còn có chút lòng nhân hậu. Trong xã hội hiện tại, miếng
ăn được xem là cứu cánh. Giá trị thứ bậc con người được đánh giá
qua tiêu chuẩn thực phẩm phân phối với chủ thuyết "Làm theo
năng lực, hưởng theo lao động". Những ngày đầu làm việc, nhìn
thiên hạ xúm quanh nhau chia dăm con cá "xô"(*), miếng
thịt bạc nhạc mỡ nhiều hơn thịt với giá cung cấp. Ai cũng muốn chọn
miếng ngon. Thôi thì từ anh kỹ sư đến chị lao công quét dọn, từ
anh thợ bậc 1 cho đến trưởng xưởng tất cả đều bỏ việc xúm vào cùng
một lúc, chậm chân sẽ mất phần ngon, tôi cứ đứng tần ngần. Trong
xã hội mà chủ trương " Vật chất quyết định tất cả.." những
ai có lòng tự trọng theo kiểu quân tử Tầu đều thua thiệt. Tại tôi
cứ nhớ như in trong đầu óc câu nói Ba tôi dạy lúc còn nhỏ "Miếng
ăn là miếng tồi tàn. Đừng mất một miếng lộn gan lên đầu" nên
tôi cảm thấy lòng thẹn thùa nếu phải tranh giành nhau về miếng ăn.
Chồng tôi qua những năm tù tội trở về đã thuật lại cho tôi nghe
chuyện xảy ra trong tù. Khó có thể tưởng tượng rằng hai người tù
chỉ vì giành nhau một miếng cơm cháy mà người này đã cắn đứt nghiến
lỗ tai người kia, cho dù trước đó người tù này đã từng có một thời
giữ một địa vị cao nắm giữ tiền bạc của một ngân hàng danh tiếng.
Anh còn nói thêm, "trước cái đói, lý trí không còn kiểm soát
được hành động, con người rất dễ dàng thể hiện bản năng thứ hai
trong đơì sống ! Sau tính người là tính thú. Cũng vậy, nếu sống
trong xã hội luôn luôn cổ võ cho việc căm thù giai cấp, phê bình,
tố cáo đồng loại, thì lòng nhân ái và khoan dung khi đối xử với
nhau có lẽ là một thứ xa xỉ !.
Lúc còn đi học có lần tôi đã nghe ông thầy dạy triết đề cập trong
bài giảng tâm lý học về vô thức: "...đầu óc trẻ con như một
mảnh sáp mềm, như một tờ giấy trắng..." Cá tính con người bắt
đầu hình thành và chịu ảnh hưởng môi trường chung quanh từ những
ngày tháng người ta cất tiếng khóc chào đời. Một xã hội nghèo đói,
con người luôn luôn lo lắng về miếng ăn hàng ngày chắc chắn lòng
nhân ái, xót thương đồng loại sẽ bị thui chột đi. Thỉnh thoảng nhìn
thấy những đứa trẻ tật nguyền, người già đi xin ăn ngang qua cửa
nhà, tôi đều xui con mang cho họ một vài đồng bạc lẻ, một cái áo
cũ để con tôi có dịp tập tành bài học về lòng nhân ái, làm cho người
khác vui tức là làm cho chính mình vui.
Bị rầy oan, con tôi lắc đầu :
- Con không có cười người ta má à, má ra mà xem..
Nói xong con tôi kéo tôi ra trước cửa. Tôi hỏi :
- Nó là con cái nhà ai ??
- Dạ con hông biết nửa. Tụi con chơi từ chiều đến giờ thấy nó
cứ lẩn quẩn ở đây. Hỏi chuyện thì nó giống như là không biết nghe,
không biết nói gì hết.
Đứa cháu, con gái của bà chị tôi ở gian bên cạnh cũng vừa kéo tay
mẹ nó chạy ra đứng bên tôi nhìn đám con nít đang xúm xít chung quanh
một thằng bé trạc độ mười hai, mười ba tuổi.
Ngày thường, khi trời chạng vạng tối, con đường trước nhà tôi tấp
nập xe cộ, người qua kẻ lại. Nhưng hôm nay là ngày cuối năm, mọi
người đã hối hả về nhà từ lâu để còn kịp sửa soạn giao thừa, đón
mừng năm mới nên đường phố trở nên vắng vẻ.
Thấy chúng tôi đứng nhìn, một đứa nhỏ trong bọn con nít kêu lên
:
- Cô ơi, thằng nhỏ này bị câm.
Đứa khác chêm vào :
- Hễ bị câm là sẽ bị điếc luôn phải không hở cô ?
Thằng bé đứng dựa lưng vào tường, dáng dấp mảnh khảnh, khuôn mặt
thuôn dài, xanh xao, đôi mắt với hàng mi rậm, trông có vẻ buồn rầu
đang cúi mặt nhìn xuống đất. Bộ quần áo mặc trên người hết sức tươm
tất, áo chemise dài tay kẻ sọc đậm với chiếc quần tây sạch sẽ. Đôi
chân mang hẳn đôi giày "xăng đan" với hai quai chéo. Nhìn
chung, chúng tôi nhận ra đứa bé không phải là con nhà nghèo khổ
hoặc là đám con nít bụi đời trên phố. Bà chị tôi bàn :
- Nó không nói được !! Hay là mình nói chuyện với nó bằng cách bút
đàm.
Mảnh giấy và cây viết được chị tôi mang ra. Cuộc trò chuyện giữa
chúng tôi và thằng bé diễn ra suông sẽ. Thằng bé cho biết đang ở
Trường Câm Điếc tận Bình Dương. Tết này không có người trong gia
đình đón về nhà, thằng bé nhớ mẹ quá nên tìm đường về thăm mẹ. Trái
tim đàn bà đa cảm của chúng tôi lại vội vàng đập nhịp thương xót
vì tấc lòng cảm thấy xốn xang!.
Ngày cuối năm, theo truyền thống từ ngàn xưa, cho dù bận rộn sinh
kế đến đâu người ta cũng cố gắng bằng mọi cách về sum họp với gia
đình tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nhìn thằng bé lòng trắc ẩn khiến tôi
nghĩ đến một cánh chim non đang lẻ loi trong cơn mưa bão cố gắng
chấp chới bay, tìm về tổ ấm. Cõi lòng mênh mang đưa tôi về khoảng
thời gian mình lang thang trong đêm, vất vưởng dưới mái hiên nhà
một thị xã heo hút hay nằm co ro một góc liều chợ ở ven rừng xa
xôi, lắng nghe tiếng gió hú xào xạc trên cành cây, tán lá trong
những lần đi thăm nuôi, nuốt nỗi buồn với dòng lệ âm thầm thê thảm
vào tận cõi lòng.
Trong khi tôi đang trầm ngâm, Bà chị tôi thắc mắc viết trên tờ giấy
câu hỏi :
- Vậy thì con về nhà thăm mẹ bằng cách nào ? Con định đi về đâu.?
- Con sẽ ra ga đi xe lửa về Nha Trang.
Đêm nay là đêm giao thừa, dù cám cảnh thương xót cho thằng bé,
gia đình chúng tôi cũng vẫn còn chút mê tín không dám cho thằng
bé vào ngũ trong nhà vào ngày đầu năm mới ! Bà chị tôi đưa đề nghị
:
- Hay là con đến trụ Sở Công An cách đây mấy khu nhà để xin ngủ
nhờ qua đêm nay.
Thằng bé lắc đầu :
- Không được, vì con trốn trường để đi về. Công An sẽ bắt con
trở lại trường. Và con cũng không có tiền mua vé xe lửa nửa !!!
Thương cho cảnh ngộ một đứa trẻ tật nguyền, bà chị tôi nảy ra
ý nghĩ, chúng tôi sẽ cùng nhau góp ít tiền có lẽ sẽ đủ cho thằng
bé làm lộ phí về quê. Đám nhỏ chung quanh cũng chạy về thuật lại
chuyện thằng bé cho gia đình chúng nghe. Rốt cuộc sau khi chị tôi
đi một vòng, thằng bé đã có đủ tiền mua một vé xe về quê và còn
thừa lại chút ít để ăn uống dọc đường.
Cuộn tròn số tiền gói lại trong mảnh giấy, bà chị tôi nhét vào túi
thằng bé với lời dặn dò phải giữ kỷ, chúng tôi quay vào nhà chuẩn
bị đón giao thừa.
oOo
Năm nay gia đình tôi ăn một cái Tết tạm gọi là sung túc sau mười
mấy năm đổi đời, nhờ vào món tiền của người bạn từ nước ngoài gởi
tặng. Thêm vào đó đúng lúc chính sách hủy bỏ "ngăn sông cấm
chợ" bắt đầu cho thời kỳ "mở cửa" khiến người dân
quê có thể mang được một vài thứ lên thành phố buôn bán, thế nên
mọi người có thể mua thêm những hàng hóa ngoài phạm vi các cửa hàng
quốc doanh, tuy rằng giá cả có đắt hơn, nhưng có để mua vẫn còn
hơn là không.
Sau khi kính cẩn thắp nén hương cầu xin một năm mới tốt đẹp hơn
cho đơì sống hiện tại, tôi ngồi bó gối trên bậc thềm nhìn ra đường.
Ngoài kia mâm trái cây bày biện ngoài trời đang nghi ngút hương
khói, tai tôi lắng nghe tiếng pháo giao thừa bắt đầu ròn rã nổ từ
một nhà, hai nhà rồi dồn dập vang rền cả khu phố. Tất cả khoảng
không gian hầu như không còn nghe tiếng động nào khác ngoại trừ
tiếng pháo nổ vang trời. Thằng bé bây giờ đã lùi ra đứng khoanh
tay dựa cột đèn bên lề đường nhìn thiên hạ đón mừng năm mới. Những
năm về sau người ta có xu hướng đốt thật nhiều pháo, người giàu
đốt nhiều để mong vận đỏ sẽ tiếp tục đến trong năm mới. Người nghèo
mấy cũng cố gắng đốt ít nhất vài phong pháo để xua đuổi vận hạn
đen tối, nghèo khổ hiện tại và mong mỏi ngày tháng sắp đến trong
tương lai sáng sủa hơn.
oOo
Đêm rồi cũng qua, trước khi đóng cửa đi ngũ, bà chi tôi cẩn thận
mang ra chiếc chiếu cùng chiếc chăn đơn cho thằng bé nằm tạm dưới
mái hiên. Chị tôi cũng giữ giùm số tiền để mai sáng trao lai đề
phòng nửa đêm có kẻ xấu lợi dụng lúc thằng bé mê ngủ lục túi lấy
mất. Chúng tôi còn dặn dò là hễ có việc gì thì cứ đập cửa nhà báo
động cho chúng tôi biết. Vả lại chỉ còn độ vài giờ là trời sắp sáng
nên chúng tôi cũng yên tâm đôi chút về tình trạng của thằng bé.
Có phải vì đơì sống vật chất khó khăn con người đã xem hành vi
ích kỷ, thái độ lạnh lùng, chỉ lo toan cho cá nhân là chuyện bình
thường ?? Nếu không nói là nhẫn tâm ? Tôi nghĩ đó không phải là
tuyệt đối. Vẫn còn rất nhiều người có tấm lòng vị tha, cao cả không
bị chai lì. Chỉ cần có một chút chân thành quan tâm đến người khác
mình sẽ đem niềm vui, hạnh phúc cho họ rồi. Tôi tin trong mỗi con
người đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái, chỉ cần mở cửa trái tim
kho tàng nhân hậu, thắp sáng dù chỉ là một ngọn nến yếu ớt cũng
có thể mang lại một chút niềm vui, một chút ấm áp cho mọi người.
Sáng mồng một, chúng tôi trao cho thằng bé gói tiền cùng hai chiếc
bánh chưng nhỏ Gói trong cái bọc nylon với lời chúc tốt đẹp nhân
dịp đầu năm khi thằng bé lên đường. SaiGon - NhaTrang tôi phỏng
chừng là độ buổi chiều là thằng bé đã về đến nhà.Tôi sung sướng
nghĩ đến nỗi vui mừng của hai mẹ con gặp mặt nhau vào ngày đầu năm,
chắc là sẽ rất cảm động !
oOo
Mồng năm Tết, em gái tôi đi chùa Vĩnh Nghiêm bị giựt mất xách
tay nên đến Công An Phường gần đó để cớ mất. Thình lình em gái tôi
gặp thằng bé câm hôm nọ trong trụ Sở Công An bị bắt về tội lừa đảo.
Em tôi chạy về nhà lắc đầu và la lên :
- Mấy bà ơi !! Mấy bà bị một cú lừa gạt cuối năm !! Thằng bé
đó nó chỉ giả câm !!
Chị em chúng tôi nhìn nhau thất vọng
- Chẳng lẽ thằng nhỏ chỉ mới có hơn chục tuổi đầu mà thành thạo
đóng kịch dối đời quá!! Cả đám chị em mình đều bị nó lừa !
Tôi chợt nhớ đến câu nhận xét của người xưa:
" Đất tốt sinh cây rườm rà, đất xấu cho cây khẳng khiu"
Chỉ mới có mười mấy năm trồng người của chế độ, xã hội đã sinh
ra những nhánh cây tuy còn non nớt nhưng đã bị mục ruỗng ngay từ
trong ruột.
Cỏ Biển
(+) Cá xô gồm đủ các thứ cá nhỏ trộn lẫn, bán cho công nhân
viên nhà nước giá cung cấp theo tiêu chuẩn hàng tháng
|