Biên khảo văn học
Tác giả: Hoàng Thiếu Khanh
3. Truyện Kiều.
Tố Như sáng tác Truyện Kiều theo thể thơ thuần túy Việt Nam, thể
thơ lục bát, câu sáu chữ rồi tới câu tám chữ và cứ thế tiếp theo
nhau. Cốt truyện và mọi nhân vật trong truyện Thúy Kiều được lấy
từ một quyển tiểu thuyết Trung Hoa với văn chương thật tầm thường,
tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân. Bộ sách ấy kể lại chuyện một người
đàn bà tài sắc, khôn ngoan với đủ mọi đức tính trung hiếu tiết nghĩa
mà phải sống một cuộc đời lận đận, gian truân, đầy giông tố. Có
lẽ vì cảm thương cho một kiếp hồng nhan bạc mệnh mà cũng để chia
xẻ, cảm thông với một kẻ đồng hội, đồng thuyền mà Nguyễn Du viết
Truyện Kiều. Nhan đề đầu tiên của áng thơ trác tuyệt này là "Đoạn
Trường Tân Thanh" ( Tiếng than đứt ruột mới). Bốn chữ đó cũng
đủ gói ghém tình cảm thong thiết của Tố Như đối với nhân vật chính
Thúy Kiều, một người đàn bà tài hoa, đa tình, đa cảm. Tuy Nguyễn
Du không sống đồng thời với, công ở cùng xứ sở với nàng, nhưng vì
đồng thanh, đồng khí nên mới đọc qua truyện này mà đã động lòng
trắc ẩn:
Hữu tình ta lại gặp ta...
Cuộc đời Thúy Kiều trải qua bao truân chuyên, cay đắng, chung qui
cũng tại một chữ tình. Sư bà Tam Hợp tóm tắt cuộc đời Kiều như vầy:
Thúy Kiều sắc xảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành
Lại mang vào một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng
Ma đưa lối quỉ dẫn đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
3.1. Lược truyện
Mở đầu, Nguyễn Du đưa ra chủ đề chính: Thuyết tài mệnh tương đố
( tài và mệnh ghen ghét nhau). Sau đó. Sau đó tác giả dẫn chứng
bằng cách lần lượt kể qua gia thế và tài sắc hai chị em Thúy Kiều,
Thúy Vân, rồi lần lượt những tai biến trong gia đình đưa dến quảng
đời đầy sóng gió của Thúy Kiều. Cuộc gặp gỡ hẹn hò với Kim Trọng
chỉ là một sự giới thiệu mở màn cuộc đời tình cảm của Kiều, chỉ
cho độc giả thấy sơ qua tâm hồn phức tạp của một người đàn bà tài
hoa, đa sầu, đa cảm và cực kỳ lãng mạn, đa tình...
3.1.1. Kiều gặp gỡ Kim Trọng ( câu 39-528)
Thúy Kiều cùng hai em là Thúy Vân và Vương Quan đi lễ Thanh Minh
tình cờ gặp mả Đạm Tiên, một kỹ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh. Lúc sắp
về thì tình cờ gặp Kim Trọng, bạn đồng học của Vương Quan. Hai bên
bắt đầu để ý yêu nhau. Đêm đó Thúy Kiều lo nghĩ miên man về Đạm
Tiên rồi lo cho duyên số của mình với Kim Trọng. Phần chành Kim
thì cũng bị tiếng sét ái tình nên bèn tìm cách dời nhà để đến ở
gần nhà nàng Kiều. Sau đó hai bên tìm cách gặp gỡ và hẹn ước nhau.
3.1.2. Vương Ông bị vu khống, Kiều bán mình chuộc cha ( câu 529-864)
Kim Trọng phải về quê hộ tang chú. Liền sau đó, Vương Ông bị thằng
bán tơ vu khống nên bị bắt tù. Thúy Kiều vì cần tiền để chuộc cha
nên bán than cho Mã Giám Sinh và theo hắn về Lâm Truy.
3.1.3. Kiều ở thanh lâu lần thứ nhất ( câu 865-1274)
Mã Giám Sinh mượn cớ lấy Kiều làm thiếp, nhưng thực ra hắn là tay
sai củ mụ Tú Bà, một chủ thanh lâu ở Lâm Truy. Kiều biết bị lừ nên
toan tự tử. Tú Bà dụ dỗ ngọt cho Kiều ra ở lầu Ngưng Bích. Sau đó
Tú bà lập mưu cho Sở Khanh giả dạng ra tay nghĩa hiệp giúp Kiều
trốn đi. Nửa đường, hắn bỏ Kiều bơ vơ và bị Tú Bà bắt về ép phải
ra tiếp khách.
3.1.4. Kiều bị Hoạn Thư đánh ghen ( câu 1275-1992)
Kiều ở thanh lâu được ba năm thì gặp một khách chơi là Thúc Sinh
lấy về làm thiếp. Vợ Thúc Sinh là Hoạn Thư, nhân lúc chàng về quê
có việc nhà, cho bộ hạ bắt Kiều về, hành hạ khổ sở.
3.1.5. Kiều sa vào thanh lâu lầu thứ hai, lấy Từ Hải ( câu 1993-2736)
Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư, đến tá túc chùa của vãi Giác Duyên.
Lúc ra đi, nàng có lấy theo chuông vàng, khánh bạc của họ Hoạn.
Sư nữ Giác Duyên sợ vạ lây nên dàn xếp cho Kiều về ở nhà Bạc Bà,
một bà hay đến chùa làm công quả thường xuyên. Bạc Bà và Tú Bà cũng
cá mé một lứa. Tuy hay đi chù lễ Phật, bà vốn là chủ một thanh lâu
ở Châu Thai. Thế là Kiều sa vào thanh lâu lần thứ hai. Sau đó nàng
kết duyên cùng tướng hải tặc Từ Hải. Kiều được cơ hội trang trải
những ân oán giang hồ từ dạo trước. Sau vì nghe lời khuyên của Kiều,
Từ Hải chịu về đầu thú triều đình nhà Minh và bị bắt giết. Cháng
chiến đấu đến khi chết đứng giữa mặt trận. Chung qui chỉ vì Kiều
nhẹ dạ nghe lời dụ ngọt của một viên chức địa phương tên Hồ Tôn
Hiến.
Kiều bị ép hầu rượu và gẩy đàn giúp vui trong tiệc mừng chiến thắng.
Sau đó vì sợ tai tiếng, họ Hồ ép Kiều lấy một tên thổ quan. Kiều
phẫn uất trầm mình tự tử ở song Tiền Đường nhưng không chết và được
vãi Giác Duyên vớt đem về ở trong am của bà.
3.1.6. Kiều gặp lại Kim Trọng ( câu 2737-3240)
Về phần Kim Trọng, sau khi hộ tang chú xong, trở về chốn cũ tìm
Kiều mới hay nàng đã bán mình chuộc cha. Chàng Kim theo lời dặn
của Kiều, kết duyên với cô em lá Thúy Vân. Sau đó cả Vương Quan
và Kim Trọng đều thi đỗ làm quan. Lúc bấy giờ hai người mới tìm
cách dò la tin tức và tìm ra chỗ cư ngụ của Kiều. Thế là cả nhà
sum hợp. Kiều từ chối không chịu tái duyên với Kim Trọng mà chỉ
giữ tình bạn mà thôi.
3.1.7. Kết cục ( câu 3241-3254)
Tác giả nhắc lại thuyết tài mệnh tương đố và khuyên người người
phải giữ thiện tâm mà ở đời.
Nguyễn Du tuy dựa trên quyển tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân
mà viết Truyện Kiều nhưng có thay đổi và bỏ bớt nhiều chi tiết rườm
rà hoặc thô lỗ như chỗ Tú Bà dạy Kiều mánh khóe tiếp khách, đoạn
Kiều trả thù v..v... Trong Truyện Kiều của Tàu, Kiều tự tử ở sông
Tiền Đường
Kết thúc câu chuyện. Một chi tiết khác cũng quan trọng không kém
là trong chuyện Tàu, Kiều phải lưu lạc 25 năm; trong khi Kiều của
Tố Như chỉ trôi nổi có 15 năm.
Đến đây chúng ta hãy cùng nhau theo bước nàng Kiều trên suốt quãng
đường lưu lạc:
3.2. Mười lăm năm lưu lạc
3.2.1. Mối tình đầu.
Tố Như mở đầu Truyện Kiều bằng hai câu:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Những đấng tài hoa thì phải chịu đời lận đận. Người đẹp sắc xảo
thì cuộc đời phải đầy giông tố, truân chuyên. Hai chị em Thúy Kiều
tuy đều đẹp đẽ nhưng mỗi người một vẻ. Cô em Thúy Vân thì có nét
đẹp phúc hậu
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da
Còn Thúy Kiều có vẻ đẹp sắc xảo, mặn mà, lại thông minh, kheo léo
và đa tài, thong thạo cả thi họa lẫn ca ngâm. Đây là vẻ đẹp nghiêng
thành đổ nước:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đói một, tài đành họa hai
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm...
( Còn tiếp)
|