7

XUÂN MẬU TÝ SỐ 37 - THÁNG 2 NĂM 2008

 

Thơ

Chuyện thuyền xuân
24 Phạm Hồng Ân
Xuân
24Bùi Thạch Trường Sơn
Thơ xuân

24
Hải Dương
Thơ chuột

23
Tú Trinh
Đêm dài quê hương
21Vinh Hồ
Chiều trên phố
18
Tiểu Đỉnh
Tình nhớ tha hương
18
Ái Ưu Du

18
Trần Việt Bắc
Có phải em về trong đêm xuân
18Huỳnh Kim Khanh
Giấc mơ xuân
18Đỗ Phong Châu
Tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa
21
Nguyễn Ngọc Mục
Mùa xuân về
21Tôn Thất Phú Sĩ
Một cõi chập chùng
21Kim Thành

Truyện ngắn, Tâm bút

Những lóng xuân
14
Vũ Hoàng Thư
Nàng thơ
14Phạm Hồng Ân
Một ngày nữa nơi chỉ xài bạc cắt
14Tầm Xuân
Dưới trăng tháng chạp
14Phan Thái Yên
Đôi mắt bồ câu
13
Cỏ Biển
Truyện thơ chuột
14
Tú Trinh
Con thuyền hoa xuân
15
Ưu Du
Nhà em
8Võ Thị Đồng Minh
Người đàn bà ôm bó hoa trong ngày Tết
8Song Thao
Tản mản về năm Mậu Tý
8Trương Thanh - Diễm Thùy
Một đêm trăn trở cùng Hà Nội
8Đỗ Trường

Văn học, biên khảo

Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
4
Vinh Hồ
Giao Chỉ và Tượng Quận - Phụ Lục
4Trần Việt Bắc
Bánh nếp
4Xuân Phương
Phiếm luận văn chương (04)
4Huỳnh Kim Khanh
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 24
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn
1Ái Ưu Du
Thằng Nèm
1
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 31

1Huỳnh Kim Khanh


 

Giữa hai lằn đạn


Chương 10

TIẾNG HÁT RU ĐỜI BIẾN LOẠN

Đêm nay anh em trong đoàn Tâm-lý-chiến diễn xuất tại khu vực Chùa Ông, cho đồng bào cư ngụ trong vùng, và ở vùng lân cận như Nghĩa Hòa, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, vân vân... đến xem văn nghệ. 

Chùa Ông nghi ngút khói hương trang nghiêm và uy linh, do người Hoa dày công xây dựng, được chạm trổ tinh vi từ lâu đời. Tường vách, câu đầu, xà ngang, đòn bẩy, đều chạm hình hoa lá, cây cỏ, hình người và muôn chim, thật hài hòa tuyệt đẹp. 
Người đàn bà hớt hãi, tất tả quảy quang gánh lên vai, vừa chạy vừa kêu to: 

- Bà con ơi!Chờ tui đi coi văn nghệ với chớ.  

Bà quảy "triêng gióng nợ đời" độc nhất vô nhị trên vai, lưng bà còng xuống những cố gắng vĩ đại. Phía trước triêng gióng, là thằng cháu đích tôn, mệt mỏi co mình ngủ gật trong thúng. Vòng tay bé vẫn ôm bức tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Chiếc nôi đời kẽo kẹt trên vai gầy bà đong đưa lên xuống nhịp nhàng. Phía sau thúng kia là mớ gia tài lộn xộn, áo quần, tô chén, xoong nồi luộm thuộm. Hai bà cháu sống còn, dắt díu nhau bò lê trên dòng đời đầy binh lửa.  
Hoài đứng trên sân khấu nhìn xuống khán thính giả áo quần bạc phếch tơi tả, mặt mày hốc hác bơ phờ. Trông họ mỏi mệt già nua trước tuổi. Khuôn mặt lặng lẽ, ánh mắt xa xăm, đa số người già có đôi bàn tay gân guốc gầy trơ xương, nhăn nhúm nắm chặt vào nhau. Như bóp chết uẩn khúc hờn tủi, khổ đau từ kiếp người nghèo nàn trong xã hội.  

Những đứa trẻ đen đúa ở trần, hoặc mặc áo dài lụng thụng thay quần. Có đứa mặc chiếc quần cháo lòng vá chằng vá đụp. Có những đứa nhỏ trần truồng như nhộng, không manh vải che thân. Lũ trẻ con, đứa chạy, đứa bò, đứa lết đít, kéo theo những vệt bùn loang trên mặt đất ướt. Trừ đứa quá lớn, có quần đùi, còn đa số hầu như trần truồng. Đầu tóc bù xù, mặt mũi lem luốc như chú mèo vá. Tấm thân èo uột, bụng ỏng đít teo. Thật xấu hổ!

Ôi! Giữa cảnh khốn cùng, nghèo đói, chiến tranh liên miên, bệnh tật, thiên tai luôn bám sát người dân dai hơn đỉa đói. Còn hay biết gì, mà xấu với hổ cơ chứ!  

Mỗi khi có trình diễn văn nghệ tại các khu công cộng, thì Dân Vệ, Nghĩa Quân, Công An, Cảnh Sát, An ninh Quân Đội, Quân Cảnh lo giữ an ninh trật tự, bảo đảm cho diễn viên cũng như cho đồng bào.  

Quần chúng không ngừng đông lên, lớn rộng ra trong sân xem như nước tràn bờ. Họ bắt đầu leo lên chỗ cao, trên bờ tường, gò mối, ụ đất, cành cây. Giờ phút chờ đợi xem văn nghệ thật mệt mỏi, bực bội, ồn ào. Tiếng la ó chửi bới, vênh váo láu cá chửi rủa xô đẩy nhau, tranh giành chỗ ngồi, càng lúc càng kích động thêm nỗi bất bình, khi đôi cánh màn nhung đỏ chưa kịp kéo mở.  

Một vài vụ đánh lộn, ẩu đả nhau đã xảy ra. Người Việt Nam vốn dĩ da vàng mũi tẹt, nhân cơ hội nầy, mũi sưng tấy lên cao (như vị cố vấn James Webb). Da vàng bủng, trở thành trắng nhợt như con ma da. Hoặc đỏ gay (như ông da đỏ Joe, phụ tá cố vấn Mỹ). Người Việt mình bị "dộng cho lai căng" như rứa, trông thiệt khó chịu. Thật khó coi!  

Trăng chưa mọc nên trời tối đen. Bóng tối ghê rợn, buồn bã bao bọc làng quê, như có điều bí ẩn. Tất cả mọi người ngồi bó gối dưới sân cỏ há hốc miệng nhìn lên. Khán giả đa số là ông bà già nhất là mấy bà sồn sồn, và trẻ em lớn tồng ngồng cỡ mười hai, mười ba. Hiếm thấy thanh niên nam, nữ, từ ba mươi, bốn mươi tuổi ở trong làng. Từng vết nhăn trên trán cụ già trầm tư, ngồi bó gối bên bậc thềm. Đa số dân làng chân không nứt nẻ, sần sùi. Lớp da dày khô khan đầy đất bùn. Tơi rách trên quần áo vá chằng vá đụp. Thân hình gầy còm xanh xao, hốc hác. In dấu ấn khổ cực triền miên, lam lũ, đói lạnh, hằn trên vừng trán, dưới đuôi mắt mệt mỏi lờ đờ, nơi bao mái tóc ngã bạc trước thời gian xô sóng gió.  

Tuy vậy, họ vui vẻ hân hoan khi xem các đoạn hài kịch, và thích thú vỗ tay qua màn tân cổ nhạc giao duyên. Thế mới biết: Từ trong lớp vải sờn rách thô sơ, họ còn một trái tim nóng bỏng cuống quít gọi tình. Họ cưu mang tình tự quê nhà thắm thiết, dạt dào tình quê chân thật. Ngọt ngào, vời vợi như chất men nồng, keo thơm, tỏa nhựa mật từ hương hoa, khiến mình ngây ngây, say say. 

Đám trẻ thả diều, thấy Hoài ca trên sân khấu, chúng say sưa nhìn cô, liên tục vỗ tay hoan hô. Không vì Hoài hát hay, mà do các em mừng rỡ thấy người quen biết. Hoài rất thù ghét chuyện chiến tranh, nhưng nàng rất yêu các em thơ trẻ thật thà, mến từng vồng sắn nương khoai, nơi cư dân trong vùng nhọc nhằn vất vả lam lũ về nghề nông.  

Mấy tuần nay, chiều chiều khi gió bắt đầu lên, hai “cô lính mới” thấy đôi cánh diều cao bay. Con màu trắng cụt đuôi, được nối một đoạn giấy hồng. Thêm một con diều mới, giấy bóng thân màu đỏ, đuôi khúc hồng khúc xanh. Diều sánh vai êm đềm bay lượn trên không, trông thật đẹp mắt, dưới dãi nắng vàng hanh, nhuộm đầy những mái tóc hoe hoe. Nhìn hai con diều, Hoài, Trúc, cảm thấy vui vẻ, len lỏi chút hạnh phúc, ấm lòng yêu thương, nồng ngọt tình tự dân tộc dường bao! 

Phòng 5 mở đầu chương trình ca nhạc kịch bằng bản nhạc đồng ca “Vó Câu Muôn Dặm” của Văn Phụng: Một đoàn trai đi khi xuân tới. Hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi. Non nước khi xa vời, ta đã yêu thương đời. Đừng e nắng gió sương bạn ơi!... Anh em ta đi muôn phương xa, non xanh bao la. Ta vui câu ca, những đêm xa nhà, cùng ngồi bên đá... Mai vó câu lên đường. Đem chí trai can trường. Đời ta sống thác vì cố hương.  

Đồng bào nồng nhiệt vỗ tay và reo hò “Bis” - “Bis” - “Bis” 

Thế là các anh chị em đồng ca tiếp bản nhạc: “Bánh Xe Lãng Tử” của Trọng Khương.  Bánh xe quay nhanh nhanh, chiếc thân xe rung rinh chìm trong làn cát trắng. Xe nhịp nhàng quay bánh lướt. Hình xe mớ khuất trong mênh mông. Ta luyến lưu một kiếp giang hồ, dù rằng cuộc sống vô bờ, tim nồng tràn máu vô tư. A ha ha! à 
Trúc mặc áo mini robe, bên trong có soutien nòng sắt độn khéo, nâng bộ ngực nở nang lên caoTrúc cùng bạn biểu diễn các điệu Rumba, Bebop, Boston, Valse, Tango, Cha Cha Cha, Pasodoble. Thu Hoa ca bài: “Biệt Kinh Kỳ” của Lê Minh Bằng: “Bạn ơi. Quan hà xin cạn chén ly bôi. Ngày mai tôi đã, đã đi xa rồi...”  

Tuyết Ngọc Trúc ca bản nhạc: “Gợi Giấc Mơ Xưa” của Lê Hoàng Long: “Ngày mai lênh đênh trên sông Hương. Nghe gió mơ hô hồn về đâu. Sóng sầu dâng theo bao năm tháng. Ngóng về đường lối cũ tìm em...” 
Anh Hùng đơn ca “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” của Đoàn Chuẩn Từ Linh: “Với bao tà áo xanh, đây mùa thuHoa lá tàn, hang cây đứng hững hờ. Lá vàng từng cánh rơi từng cánh. Rơi xuống âm thầm trên đất xưa...” 

Tiếp theo là đôi song ca Huy Tuấn và Lan Anh qua bản nhạc: “Gửi Người Em Gái” của Đoàn Chuẩn Từ Linh: “Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồngRừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng. Hà Nội chờ đón tết, hoa chen người đi, liễu rũ mà chi. Đêm tân xuân hồ Gươm như say mê. Chuông reo ngân Ngọc Sơn sao uy nghi...” 

Tuyết Ngọc Trúc, Hương Hoài và Thu Hoa trong tam ca: “Ngàn thu Áo Tím” của Hoàng trọng, Vĩnh Phúc: “Ngày xưa xa xôi em rất yêu mầu tímNgày xưa vô tư em sống trong trìu mến. Chiều xuống áo tím thường thướt tha. Bước trên đường gấm hoa. Ngắm mây chiều thướt tha...” 

Tiếp theo là đồng ca bản nhạc “Huynh Đệ Chi Binh” của nhóm AVT - Lữ Liên- thì trong sân Chùa hầu như được bản nhạc vui tươi nầy làm cho kích động thêm, đồng bào hâm mộ nồng nhiệt vỗ tay hưởng ứng và hứng khởi hẳn lên. 

Thế rồi vỡ bi kịch cũng không kém phần sống động, và gần cuối chương trình là hài kịch vui tươi lành mạnh, cười ra nước mắt, được xen kẽ trong những vũ khúc xuân tình lả lướt mời mọc. Những điệu hò câu hát dân ca Nam-bộ. Hò Mái Nhì. Hò dân ca Quan-họ thật ý nhị súc tích, trữ tình, được các anh chị em nhiệt tâm cung hiến cho quý khán thính giả xem say mê. 

Buổi công tác nầy, Trúc không đạt kết quả mỹ mãn như ý, bị phê là kém nhất kể từ khi đi làm. Làm sao được! Khi trong bất cứ hoàn cảnh nào, Trúc muốn vươn lên, cố gắng hết mình, dù thật khó khăn. Trúc còn lòng dạ nào mà ca với múa, khi nhìn đồng bào cơ cực lầm than đến vậy?  

Đêm trình diễn văn nghệ rất thành công, kết thúc tốt đẹp. Tấm màn nhung đỏ khép lại lúc gần một giờ sáng. Đồng bào vui vẻ ra về hết, chừa khoảnh sân chùa Ông trở lại u trầm vắng lặng, buồn bã như cũ.  

Cả đoàn tâm lý chiến hì hục tháo gỡ rạp sân khấu, lụi hụi chất đầy cây gỗ nặng lên hai chiếc xe GMC Anh Thái căn dặn đoàn đi công tác, phải hết sức dè dặt, cẩn thận:  

- Đi đâu, các anh, các cô đi chung, không đi lẻ tẻ. Bị bắn tỉa, bắt cóc bịt mắt, dẫn vào "bưng". Chết đa.  - Mình đi làm chuyện giúp ích, hữu dụng cho mọi người mà. Anh nói gì, nghe ghê thấy mồ vậy? Anh Thái!  

Đoàn công tác phòng 5, leo lên ba chiếc xe lính, chạy đến vùng Sơn Hà Phòng 5 giữ một khẩu liên thanh nhẹ ba càng, đạn lên nòng, phòng hờ khi bất trắc. Thật ra, chưa bao giờ đoàn người nầy phải sử dụng nó.  

Hoài sợ nhất là tiếng súng đại bác đặt phía chéo ngọn đồi, nghe chát chúa, lạnh lùng, khô khan, mãnh liệt, chính xác. Mặt đất rung chuyển, gầm rú vang động dữ dội, hung tàn, man rợ. Sức ép của nó khiến ta nghẹt thở, lồng ngực nóng ran cào xé đau buốt, nhức nhối vô cùng.  

Sau bao ngày "ác ôn côn đồ" đó, đoàn được trở về hậu cứ. Việc đầu tiên, khi về đến thành phố. Hoài vội vàng thay bộ áo quần nặng nề khó chịu, (như Thắng đã nói). Hoài đi tắm gội, kỳ cọ sạch sẽ. Sợ "hơi người chết" còn bám riết theo.  

Sau đó, cùng Tuyết Ngọc Trúc dạo phố mùa xuân. Ăn phở và đi ciné phim “Hopy a Writ” do Robert Mitchum thủ vai chính. Hai cô hớn hở vui mừng, cười nói huyên thuyên. Y như họ bỏ thành phố nầy từ lâu lắm, nay vui mừng trở lại. Thế mới biết thương người lính quanh năm suốt tháng, trấn giữ nơi ngàn chốn bom đạn ở sơn khê.  

Tan ciné, Trúc gặp bồ tèo, cô cậu năn nỉ Hoài cùng đi tắm biển Thanh Bình, hay Tiên Sa Hoài không thích tham dự cùng bạn, nên bỏ về nhà ngủ li bì đến tận chiều. Thức giấc, Hoài nằm vắt tay lên trán nhìn vu vơ ra ngoài khung cửa kính. Gió chiều xô mạnh những cành cây me, là sà quật lui quật tới, cọ xát trên mái nhà nghe rào rào, lá me bay bay, rơi rụng hoặc dán chặt đầy ô cửa kính.  

Nàng ngạc nhiên nhìn quanh, vì mùi hoa hồng thoang thoảng thơm. À thì ra... mấy nhung hồng đã đứng trên lọ sứ, mỉm cười khoe cánh. Hoài nghĩ "Hẳn là hoa của Thắng mang đến, anh biết Hoài thích hoa hồng mà".  

Quả thực, khi xuống nhà rửa mặt, chị bếp vui vẻ nói:  

- Cô ngủ say quá! Cậu ấy đến đây, ngồi ngoài phòng khách đánh đàn, như ong, như ó kêu. Vậy mà cô không nghe gì cả. Tôi nói để tôi vào kêu cô dậy, cậu ấy không cho, nói là cô đi làm rất khổ cực, mất ngủ luôn. Cậu Thắng ở Sài Gòn về ba ngày rồi. À, cậu có gửi cho cô con mèo lông xù bằng gòn, hay bằng cái gì mà đẹp ghê. Hộp kẹo. Hai quyển sách gì đó.  

Hoài cười thân ái, "mình mất bảy ngày thức trắng đêm, vì sợ ma, sợ xác chết kinh khủng. Bi giờ không ngủ li bì sao được".  

Nàng ra phòng khách, lấy hai quyển Le Bossu de Notre Dame và Les Miserables của văn hào Victor HugoNàng thích thú lật lật vài trang sách mới thơm mùi giấy. Hoài ngồi xuống sofa, bắt đầu đọc Les miserables.


Chương 11

LÍNH,
với NỖI YÊU THƯƠNG DÀY VÒ  

Trên ngọn đồi, nhìn xuống thung lũng trước mặt, là cầu đúc mang tên Cộng HòaCầu sơn trắng, dài ngót một cây số, cầu móc từ bờ nầy sang bờ kia. Bãi phù sa và cồn cát vàng mịn nổi lên mặt nước. Như cù lao rồng giữa dòng sông xanh mênh mông. Mặt sông bồng bềnh bèo, lá khô mỗi khi nước xuống, nước lên, nước đứng, nước rút.

Mang theo bao mộng ước thời Trọng mới lớn, thả mặc tình yêu đơn thuần giữa dòng thác lũ, như canh bạc về khuya. Anh xả láng cuộc đời trai trẻ, trên những mưu toan đen đỏ thời cuộc, và rủi may của số phận đẩy đưa. 

Trúc suy nghĩ liên miên, khi nhìn xuống mái nhà Trọng, cô thầm nhớ ông Sáu, có tên là Linh ở trong Xã nầy. Trọng ghét ông chú kinh khủng, đến nỗi anh nhập tâm. Thấy ông và những trò hề ông làm, mà anh "giựt chắt". Anh khinh thường chú, không phải vì chú ruột, mặt mày bặm trợn, trông cô hồn, làm thầy cúng, thầy bói, huyện đề... 

Ông vẫn cười gằn nói: "Đa nghề thì dễ bề hoạt động".

Câu nói ngụ ý chẳng lành, khiến Trọng điên tiết. Anh không láu cá hỗn láo, ngang tàng, hay ỷ mình có chút kiến thức đâu. Bởi, anh biết "cái tẩy" ác ôn, lưu manh gian trá. Nhưng miệng lưỡi chú ngọt như mía lùi.

Ông chú mượn cớ: đã "tu nghiệp đa nghề". Nay ông lân la đầu trên xóm dưới nghe ngóng, thu lượm. Ông giả vờ nhậu không say, không xỉn, không về. Từ kiến thức hẹp hòi, đến tâm tư nhỏ nhen, khả năng tầm thường. Nhưng việc thọc gậy, thì ông rành mạch. Mà, bạn anh nói:

- Đó là thứ tà lọt chuyên tò le mách lẻo, đưa xóm làng đến tận cùng bằng số. Không có gì quý hơn chết chóc, điêu linh mút chỉ cà na.  

Bề ngoài con người biểu kiến ấy, không ai đoán biết ông thực sự nghĩ gì. Ông ít nói việc “chính chị chính em”, nhưng trong lòng ông ghim gút rất phức tạp, ích kỷ hại nhân, quá quỷ sứ. Ông học chẳng biết “chữ cu chữ cò, mà viết như rồng như rắn”. Ông qua mặt dân hiền “họa hổ họa bì, nan họa cốt. Tri nhân tri diện, bất tri tâm".

Thế nhưng, ông không thể qua mắt Trọng bất cứ điều gì. Trọng quyết chí phản đối ông kịch liệt. Tội ông hãm hại người khác, không thể dung tha, dù hại người hay giết người, vì bất cứ lý do gì, trong vùng chiến tranh liên miên, cũng là sai. Sinh mạng con người bình đẳng, đầy nhân phẩm, tự do cao quý, đáng trân trọng như nhau. Không ai có quyền hủy diệt, tước đoạt sự sống hay tự do tư tưởng của người khác. Dù bất đồng chính kiến, hay đổ lỗi do liên đới vì chiến tranh. Thế thôi.  

Ông rỉ tai phao tin các vườn rau, bị ai đó rải chất hóa học cực độc, nên rau ở chợ ế ẩm không ai mua, sình thúi Ông còn phao tin nước ven sông bị bỏ thuốc sát trùng, khiến lũ chuột chù, chuột chũi, chuột cống, chuột hôi, chuột đồng, chuột lang, chuột nhắt chết la liệt. Lại nghe nói giếng tư nhân có nhà lén bị bỏ thuốc độc. Khiến bà con sợ hãi, không tin tưởng bất cứ kẽ lạ người thân. Họ phải làm nắp giếng khóa chặt. Không cho người ngoài được xài chung.  

Chó là điều ông đại kỵ, ông đi đến đâu, nó sủa rần trời đến đó. Hình như nó đánh hơi biết được lòng lang dạ thú, nên chó không tiếc "lời" gâu gâu tố giác. Tiếc thay! Ít ai hiểu chó muốn "nói" gì.  

Ông sống sung túc, no đầy phủ phê, nhờ bà con làng nước nhẹ dạ, mê tín dị đoan, họ nghe giọng lưỡi ông ngọt xớt, như mía lùi. Ông trổ tài khuyển mã khá lưu loát. Nhặt ba thứ lá tầm phào đem về, ông cho tà lọt xắt nhỏ trộn lẫn, đem phơi vài ba nắng. Nếu ai cần, ông bán với giá cắt cổ.  

Trọng nghĩ câu ca dao “Chổi cùn cắp nách khăng khăng. Hễ ai hỏi tới, thì văng nghìn vàng”. Thật đúng cho ông chú nhà mình.  

Nắng gió trở trời, đau đầu đau bụng, hắt hơi nhảy mũi, họ lo chạy đến ông, nhờ coi mạch. Lúc đó "thầy nổ" lên mặt luyện phù chú. Chuyện nhỏ mà! Còn nhiều pha gay cấn, ghê hồn hơn. Ai đau ốm nặng nhẹ mặc lòng, ông bắt đàn bà thắt bín đuôi sam. Đàn ông húi cua, ông nói:  

- Để tóc dài che mặt, thần linh không thấy "chọt" vô mắt, đỏ mắt, không còn “đôi mét là cửa lộ” của tâm hồn, cho thần linh rọi vào.  

Bà con làng nước nghe “văn chương", của ông thật đúng là chọt vô mắt, thì tất nhiên phải đỏ mắt, bùi tai sao mà ông thiệt hay đáo để! Có nhiều nông dân bị đau răng, ông xe sợi chỉ, quấn một đầu chỉ vào cây đinh mười, đóng trên cột nhà, đầu kia ông cột vào chiếc răng. Cứ thế, ông lôi họ ra bẻ răng. Mặc họ dùng cả sức mạnh hai bàn tay, đẫy cái cột nhà. Họ ré lên eng éc... é..ec...,  như con heo bị thọc tiết, máu chảy có vòi.  

- Bựt!  

Ông tự hào vỗ ngực, xong rồi! Đồ ỉa cái rẹt! Sơn Đông Mãi Võ, nhổ răng còn thua ông!

Bị ngất xỉu, ông cho con Nụ giả tép sả, bắt thằng cu Út rặn ít nước tiểu, hòa tí muối, ông cho bệnh nhân uống. Bị chảy máu cam, ông nhét đầy cục tóc rụng vô hai mũi. Bà con muốn ngộp thở.  

Không còn tóc rụng, ông thản nhiên kêu con Mót vô sau hè nhà, cắt túm tóc đuôi gà nhu nhú. Tóc con bé càng ngày càng sát da đầu. Nó tức mình, chột dạ nhảy đành đạch, khóc ngất... Vì mấy thằng con trai trong xóm cứ chọc quê nó là:

- Ê! Cái đồ ái nam ái nữ.

Nó thiệt chịu thua ông thầy chạy! Bị ghẻ hờm do vắt, đỉa cắn, ký sinh trùng gây ra ngứa ngáy, đau nhức khó chịu, bưng mủ sưng tấy. "Thầy nổ": 

- Rứa là, do ăn ở không có đức, gây ra.  

Người ấy thẳng thắn lý sự lại: 

- Ồ, có bốn thứ: Lé, lùn, hô, sún, thầy chiếm hết ba rồi.

E là do rứa?  
Mắc cỡ và tức mình, không trả lời được, ông để bụng thâm thù. Ông qua mắt đa số dân quê chất phác, gạt họ tin ông như điếu đỗ. Ông nói voi, họ tin voi. Ông vẽ vượn họ tin vượn. Người giàu có hậu tạ xứng đáng, thôi cũng đành.

Người nghèo khổ bần hàn, cố sức bán chác, moi móc chạy vạy, mua thức ngon vật lạ, kết cỏ ngậm vành, dâng biếu ông. Dân nghèo cúng xôi chè, lương đăng trà quả. Nhà giàu thêm gà luộc, heo quay, bò tái, bê thui. Sau khi cúng, chủ nhà biếu thầy hậu hĩ.  

Ông ngồi trong mát ăn bát vàng, moi tiền bạc của dân, bằng thích. Tiền họ đưa ông, làm ma chay đình đám, ông ngắt nhéo chỗ nầy một ít, chỗ nọ một ít, nhét đầy vào túi quần. Cất tiền trong bóp ông cứ nơm nớp lo sợ. Nằm ngủ trên võng, một mắt nhắm, một mắt mở, ông đề phòng mất cắp. Có tật gian trá thì hay giật mình.

Y như rằng, có một lần, ông mãi chen lấn vào đám Sơn Đông Mãi Võ “coi mê tơi”, coi say sưa. Coi khỉ cỡi xe đạp. Khỉ ăn cắp bánh bao. Ông bị mất bóp tiền thật, tiền bạc không cánh mà bay lúc nào, ở đâu chả rõ.

Ông lạch bạch đi quét dọn, moi móc khắp mọi xó xỉnh. Tiếc của ngẩn ngơ, ông đi kiểu tăng gô xì lô bộp nửa mùa, với cây chổi cùn luân vũ. Ông hùng hục vừa tìm, vừa chửi đổng. Nghe dễ mất lòng. Dễ đổ quạu. Dễ xa nhau. Dễ giận nhau. Dễ ghét nhau. Dễ tức nhau. Dễ đánh nhau. Khổ ghê đi.  

Ông khóc hụ hụ hụ. Đàn chó trong vườn, nghe tiếng chủ la rống, chẳng những hôm đó chúng không sợ chủ đánh đập tàn nhẫn, như mọi ngày. Chúng bắt chước đàn chó hùa theo chủ, tru tréo hú họa từng hồi inh ỏi. Vang làng vang xóm. Thật kinh sợ hết biết, cái đời ông thầy dỏm. Cái ông thầy cà chớn.  

Ai khuyên lơn chi, ông cũng lì lợm, như đàn gãi tai trâu, ông khoái chí biết danh ta, nổi như cồn ngoài nhà bà Ba Cu Bà Ba chịu đèn mê ông tít thò lò. Bà có nuôi ba con cu, nên họ gọi bà là “bà Ba Cu”. Ừ, thì quả thật bà điệu nghệ có nuôi chim cu hưởng nhàn. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.  

Tuần sau, có dịp "tạo vốn" khác, tiền lời to gấp ba lần số tiền đã mất. Sung sướng quá, lúc ăn cơm, khề khà tợp ngụm rượu đế, ông nói nhỏ với người nhà (Trọng ngồi ở trong phòng riêng, nghe: 

- Mình lồm en với cái bợn đàn bòa, dưới đất chun ra, ngu như con bò tót ni, rứa mà khá dữ đa. Thật sướng rơn người. Nghe mậy! Tiền bạc nẫu lo tau đều chi. Không thiếu một hào, một trự. Đôi khi tau bốc phét lên, là việc ni thầy lo không xuể. Phải lo cho cấp sư phụ của thầy. Nẫu tin như điếu đỗ, đưa tiền cho tau hậu hĩ. Rứa là tau giả đò mẹt áo, ra bà Cu ở lại mấy bữa. Lại ăn chặn bên ni bên tê, thêm một mớ. Thiệt sướng rơn người. Nghe mậy.  

Trọng nghe ông nói, lòng bỗng dâng lên nỗi yêu thương ruột thịt và nỗi hận dày vò. Anh càng khinh ghét chú. Trọng muốn ra dộng vô mặt ông một cái thẳng cánh, chửi ông một trận. Tới đâu thì tới. Nhưng bứt dây động rừng, anh thương cha mẹ già quá.  

Thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, cứ thế, ông vơ vét của dân làng hiền hậu ở nơi thâm u cùng cốc, kể cả bà con ruột thịt, không chừa một ai.

Trúc nghe Trọng than thở, nàng cảm thấy càng ghét ông thầy hơn Trọng nữa. Hai tâm hồn Trúc Trọng đồng điệu, thu hút quyện mắc vào nhau sít sao, như cục nam châm, trước bối cảnh lịch sử đối nghịch, bất đồng chính kiến trăm phần trăm. Làm sao họ yêu nhau, xe tơ kết tóc, xây dựng tình yêu trên hoang tàn rách nát tơi tả. Từ trong gia đình ra tới làng mạc, quê hương. Làm sao yêu nhau đến cuối cuộc đời? Cay đắng - đau xót dường bao!  

Bỗng đâu, một con khỉ khá lớn, từ trên nhánh cây rừng to nhảy xuống cái độp. Khiến Trúc giật bắn người. Cô chưa kịp hoàn hồn, con khỉ xô Trúc ngã lăn ra đất. Nó vội chộp cái nón sắt, thoăn thoắt leo lên cây cao. Nó chí chóe khò khè gãi đầu gãi mông tứ tung. Đội mũ sắt vào, nó ngồi chồm hổm trên cây, kêu chí chóe, hí hoáy nhảy nhót, chỉ chỏ xuống đất.

Trúc điên tiết, không có cách gì dụ nó quăng mũ xuống, dù cô đã mỏi nhừ hai tay, cô lui cui ném đá xuống đất. Nó chả thèm bắt chước. Ở trong vùng chiến tranh con khỉ “nó ma lanh” còn thua ông chú. Khỉ ta đội nón biến mất tiêu trên những tàng cây rậm trong rừng sâu.  
Ra chiến trường, Trúc không khôn ngoan, không có mũ sắt. Kể như thua.  

Chương 12
THẬT TÌNH CỜ

Hoài nhớ những chiều năm cũ, dọc theo bờ suối, nhớ tình yêu vô cớ tàn phai phi lý. Từ cánh bướm chập chờn do dự, dẫn Hoài về bao ngày hái hoa bắt bướm, ép khô trong trang sách học trò, nơi ngôi nhà xưa. Nàng thấy từng người thân trong gia đình, qua mỗi đóa hoa pensée, hoa violette, coquelico, mimosa, forget me not, kim châm, hoa giấy trắng tím hồng, hoa ngâu, mãn đình hồng, sen địa v.v... Hoa bằng lăng màu tím luyến thương rộ nở, cánh hoa thiên lý có chú bướm nhởn nhơ bay về, đưa Hoài quay trở lại thuở nhỏ, cùng ngày tháng tha hồ rong chơi bên suối.

Hoài ưa vớt lục bình trôi lênh đênh nhấp nhô bên sông Bồ. Nước chảy dưới cầu Thanh Long, xuôi về Bao Vinh, dẫn Hoài theo dòng lưu thủy, tan vào cuối nguồn. Nước từ dòng sông Thạch Hãn, Như Lệ, Phá Tam Giang, đi Trà Khúc, sông Vệ, Nghĩa Hòa, ưu ái hòa thông ngoài biển rộng bao la. Yêu thương luân lưu đến đầu non Minh Long, Tà Noát. Có thể nhập hội trùng dương lắm!?  

Rồi cánh bướm vụt bay đi, không buồn quay lại bên đóa bằng lăng yêu kiều, để Hoài ngồi trơ trọi, liu riu ngu ngơ trông ngóng, bơ vơ một mình trong ca bin xe Hoài nghĩ đến tình quê. Nghĩ đến điều bất hạnh vong gia thất thổ. Xóm, Làng nầy, gánh chịu đời sống kinh hãi, khổ ải tận cùng nỗi chiến tranh đau thương.  

Hoài nhìn xuyên suốt qua lũy tre xanh ẩn khuất, có dòng sông lặng lờ uốn khúc nhấp nhô cánh lục bình, bụi dừa nước, tàu lá xòe to đâm thẳng lên trời Nhà nào cũng có bụi chuối lùm tre, gốc cam cây ổi, chen chân với cây cau dây trầu óng ả, quyến luyến tình thân.  

Trên đọt cây cau, dây trầu, dăm ba chú ve tơ dạm ngỏ duyên tình, tán tỉnh cô nàng ve mái yêu kiều. "Chàng" khoe bộ cánh mỏng tanh, đỏ rực màu lửa với "cô nàng" làm le, làm dóc, cô ả ỷ mình đang độ thanh xuân xinh đẹp nhất: "Em... ve ve ve! Em... ve ve ve”...  

Trên rừng cây kiền kiền thân thẳng gỗ lớn, mặt lá mốc trắng, rơi rào rào trước sức gió nghiêng ngả, dồn dập xô về Bất giác Hoài nhìn mãi lên bầu trời cao, thầm mong mình bắt gặp một trong đôi cánh diều thân thương, chao lượn trên không hết sức! Mong hết sức. Đôi khi nàng mở to mắt, nhìn đăm đăm về phía trước, mong chờ những hình ảnh không hẹn. Lúc nào đi qua chốn cũ, thốt nhiên Hoài cũng có những cử chỉ dáo dác, kiếm tìm vài em bé miền quê vừa biết, nhưng chưa quen mặt.  

Chìm đắm trong sự yên tĩnh như thế, không biết bao lâu, từ phía sau hông xe, Thu Hoa mở cửa nhảy lên, với năm sáu chiến lợi phẩm tịch thu của Cộng quân. Thấy bạn, Thu Hoa tươi nét mặt, quay qua phía hai người lính trẻ đứng dưới đất, Hoa vui vẻ nói:  

- Em xin giới thiệu: đây là Hương Hoài. Cô gái vừa rồi ngâm bài thơ “Tình Nhớ Tha Phương”, mà anh Đan hỏi: "Ai rứa". Còn đây là anh Văn, anh Đan, đó Hoài.  

Hoài chào hai chàng trai, họ mặc áo trận, bạc màu nắng gió khói sương. Họ không mang phù hiệu, cấp bậc, huy hiệu. Ai nấy có vẻ dễ nhìn và thanh lịch. Khuôn mặt rắn đanh, bất khuất kiên cường trên bờ chiến tuyến, màu đen trên mái tóc ngả bụi vàng đường xa.  

Họ hiên ngang đánh chiếm, giành lại, gìn giữ lại từng Ấp Chiến Lược, gò mối, lũy tre, ao làng, ruộng vườn, nhà cửa, dân cư, quí từng mảnh đất thân yêu trên khắp Bốn Vùng Chiến Thuật.  

QUÂN NHÂN CỘNG HÒA VIỆT NAM anh dũng và lẫy lừng, qua chứng tích đã đạt được, những trận không tập, có cường độ oanh tạc tàn khốc, hữu hiệu, chính xác, chiến thuật quân sự lẫn chiến lược chiến tranh chính trị Không cần huân chương, mề đay, họ tặng lại cho Thu Hoa, đem về nộp chiến công đó, làm thành chiến công riêng mình.  
Đan đứng chống tay ngang hông, trầm ngâm hút thuốc lá. Vầng trán cao rộng thiên tài, biểu lộ con người thông minh. Dáng hiên ngang oai dũng, dưới đôi ống quần còn ướt sũng nước. Đôi mắt khá đẹp ẩn dưới hàng mi dày cong vút, anh nhìn vu vơ lên giàn hoa thiên lý. Anh nhìn qua hàng bằng lăng tim tím, rồi nhìn hoa bạch đàn nở vàng cây phía trước.  

Thấy ngón tay tháp bút vàng khói thuốc nơi hai ngón tay, và, không đeo nhẫn của Đan, Hoài chợt thấy lòng nao nao, niềm vui vui lâng lâng khó tả.  

Văn cầm xâu chìa khóa tung lên trước mặt, rồi đưa tay đón bắt. Sau đó Văn quay qua, vỗ vỗ vào vai bạn thân, trêu đùa:  

- Thế nào? Anh bắt tôi cùng lội qua sông Nghĩa Phú, cho bằng được, để anh... có dịp làm quen, nói chuyện, với người em đồng hương của anh. Bây giờ, đứng trước mặt cô em rồi. Sao anh im lìm như gỗ đá vậy? Anh?  

Đan ngẩng nhìn Hoài qua hàng mi cong, che nửa giếng mắt u buồn. Nét mặt anh trông nghiêng, như khắc trên tấm phù điêu, đầy vẻ kiên cường, bất khuất. Môi anh thoáng động đường răng trắng bóng, với cái nheo mắt hữu tình. Phút định mệnh thật tình cờ đọng lại, qua nụ cười nhã nhặn quá đỗi:  

- Ấy... đứng trước giai nhân thì... bao nhiêu dự tính đều tiêu tùng ráo trọi. Có lội qua sông rồi, mới biết là sông sâu, nước lạnh. Khó dò.  

Bỏ thói độc hành, để song hành cùng người mới gặp, Hoài nhẹ nhàng mỉm cười:  

- Anh Đan à! Nguyễn Bá Học nói câu nầy: "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông". Theo thiển ý của em, anh đã vượt thắng sông núi kia rồi. Vì, dưới đôi ống quần còn ướt sũng nước đó. Anh đạt vài ý nguyện. Bằng cách, là Hoài đối diện, và đối thoại với anh đây.  

Văn ngửa người ra cười ha hả, vỗ bôm bốp vào vai bạn mấy cái:  

- Tuyệt cú mèo chưa! Anh mình?  

Thu Hoa reo lên như tiếng chim. Cô nói:  

- Hoài là cô bé cưng dễ thương nè! Nhưng thương không dễ à nha. Có nhiều người trồng cây mơ, cây si, cây mê.

Tuy vậy, Hoài còn cô-đơn nhất.  

- Hai anh đừng nghe Thu Hoa nói xạo, mà bán hết gạo ăn bây giờ.  
- Ê! Bồ tèo. Trưa nay, tui cho bồ nhịn đói à.  

Văn khoát tay lia liạ:  

- Đừng lo Hoài. Anh hân hạnh mời em qua doanh trại anh dùng cơm. Kể từ hôm nay.  

Thu Hoa chúm hai môi, nguây nguẩy giây lát, nói:  

- Hai anh không mời em há?  
- Dĩ nhiên anh muốn mời em nữa. Do em chỉ lối đưa đường, anh Đan mới có dịp đứng thộn ra, vì... cảm động nè.  

Màn đấu hót tay đôi giữa, Văn và Hoa, nghe vui tai. Mặc bạn ríu rít, cười nói trêu ghẹo nhau. Đan bắt chuyện:  

- Em ở Huế, đường nào vậy?  
- Dạ, nay thì ba má em ở Mỹ Chánh. Các anh chị ở An Cựu, và Gia Hội. Còn anh, ở chốn núi rừng hẳn anh nhớ nhà. Buồn lắm nhỉ?  
- Rồi... quen thôi em. Lâu nay em có về Huế không?  
- Không anh à. Em ở Đà Nẵng.  
- Anh biết rồi.  

Ngạc nhiên, Hoài tròn xoe đôi mắt nhìn anh, hỏi:  

- Anh biết... Hoài?  
- Có gì đâu. Ngày đầu tiên, anh thấy em leo lên đỉnh Núi Thần. Anh nghe bạn nói các em đặt tên núi là “Tê Tê bại bại” gì đó. Anh để ý dò hỏi, thì biết em là cô bé đồng hương. Là cánh hoa rừng biết nói. Một sơn ca. Một hoa hậu dễ bị ngất xỉu nhiều lần, vì... bệnh tim thời đại.  

Thoáng mắt bất ngờ giao nhanh, cùng vui cười hồn nhiên, Hoài nói:  

- Hẳn anh nhớ lắm người em áo trắng xa xưa, tóc thề bay trong gió, cặp ôm ngang ngực, mong manh bài thơ trên nón quai thao, tơ vàng óng ánh, xinh lịch, rồi há?  
- Thời hoa mộng đó đã trôi qua. Giờ đây, anh chỉ là người lính độc hành, lang thang trên ngõ cụt tình yêu.  
- Sao vậy anh?  
- Lính tráng như anh, làm sao có cái nhìn thân mật, ngọt ngào, ấm áp hương vị mùa xuân. Hở em? Anh đã đánh mất nửa hồn mình, trên nẻo đường bơ vơ, lạc loài tìm kiếm. Thật khó bắt gặp nửa hồn ai đồng điệu, hợp tình hợp ý, thấu hiểu, khoan dung, rất mực yêu thương lính. Anh có đôi lần yêu; duy muốn tìm người bạn đường, phù hợp đã khó. Anh muốn tìm một người bạn đời, càng khó hơn. Em ạ!  
- À... ra thế.  

Tiếng depart đạn súng cối giới hạn tầm bắn vùn vụt xoáy rít, khô khan sắt lạnh, bay cao vút trên trời Bỗng ùm! ùm! ùm!!! Pháo binh nã đạn về cuối ghềnh. Nghe từ xa, giống như tiếng thủy lôi tàu ngầm, nổ rầm rầm. Hoặc trận mưa giông sấm sét rất lớn. Hay như người ta giật mìn lấy đá trong hầm núi.  

Chiếc máy bay cường kích vụt qua trên không trung, giây lát sau có những tiếng nổ lớn, làm rung chuyển cả bầu trời, nghiêng ngả hàng cây bằng lăng, bạch đàn phía trước.  

Hai người lính nghiễm nhiên ngước nhìn về mấy đụn khói đen mỉm cười, tiếp tục chuyện trò thân mật. Họ không thấy vẻ mặt ngờ nghệch tái xanh, run rẩy của hai cô bé khờ. Câu chuyện đang hào hứng, bỗng khựng lại đến đấy là chia tay. Đoàn xe lên đường trở về ngọn đồi T T 2. Đan cùng bạn lội qua sông rộng nước sâu, về với làng mạc quạnh hiu, ở cuối núi đầu đèo hoang dã.  

Ái Ưu Du