7

XUÂN MẬU TÝ SỐ 37 - THÁNG 2 NĂM 2008

 

Thơ

Chuyện thuyền xuân
24 Phạm Hồng Ân
Xuân
24Bùi Thạch Trường Sơn
Thơ xuân

24
Hải Dương
Thơ chuột

23
Tú Trinh
Đêm dài quê hương
21Vinh Hồ
Chiều trên phố
18
Tiểu Đỉnh
Tình nhớ tha hương
18
Ái Ưu Du

18
Trần Việt Bắc
Có phải em về trong đêm xuân
18Huỳnh Kim Khanh
Giấc mơ xuân
18Đỗ Phong Châu
Tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa
21
Nguyễn Ngọc Mục
Mùa xuân về
21Tôn Thất Phú Sĩ
Một cõi chập chùng
21Kim Thành

Truyện ngắn, Tâm bút

Những lóng xuân
14
Vũ Hoàng Thư
Nàng thơ
14Phạm Hồng Ân
Một ngày nữa nơi chỉ xài bạc cắt
14Tầm Xuân
Dưới trăng tháng chạp
14Phan Thái Yên
Đôi mắt bồ câu
13
Cỏ Biển
Truyện thơ chuột
14
Tú Trinh
Con thuyền hoa xuân
15
Ưu Du
Nhà em
8Võ Thị Đồng Minh
Người đàn bà ôm bó hoa trong ngày Tết
8Song Thao
Tản mản về năm Mậu Tý
8Trương Thanh - Diễm Thùy
Một đêm trăn trở cùng Hà Nội
8Đỗ Trường

Văn học, biên khảo

Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
4
Vinh Hồ
Giao Chỉ và Tượng Quận - Phụ Lục
4Trần Việt Bắc
Bánh nếp
4Xuân Phương
Phiếm luận văn chương (04)
4Huỳnh Kim Khanh
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 24
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn
1Ái Ưu Du
Thằng Nèm
1
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 31

1Huỳnh Kim Khanh


 

Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

 

I. BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG

Người Việt Nam đã mất Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc và nhiều vùng đất biên giới từ năm 1979, nay lại mất thêm hai quần đảo trên Biển Đông, Trung Quốc đã ngang nhiên chính thức hóa trước con mắt của thế giới:

- Ngày 2/12/2007 Quốc Vụ Viện (Quốc Hội) Trung Quốc ở Bắc Kinh đã phê chuẩn việc thành lập một thành phố cấp huyện có tên là Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam, để trực tiếp quản lý ba quần đảo trên Biển Ðông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa (Trung Cộng gọi là Tây Sa) và Trường Sa (Trung Cộng gọi là Nam Sa) của Việt Nam, cùng với quần đảo Trung Sa gần Phi Luật Tân.

Đồng bào trong và ngoài nước đã phẫn nộ đứng lên:

- Ngày 7 /12/2007 tại Việt Nam, một số văn nghệ sĩ, trí thức đồng ký tên trong Bản Tuyên Cáo, xin ghi lại vài điểm:

- Cực lực phản đối và lên án chính quyền Trung Quốc xâm lược lãnh thổ Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

- Yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải ngưng tức khắc việc thi hành cái gọi là khu hành chánh Tam Sa được thiết lập bất hợp pháp tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

- Chính phủ Việt Nam phải có biện pháp đối phó thích ứng và quyết liệt với hành vi xâm lược thô bạo của Trung Quốc.

- Chính phủ Việt Nam bạch hóa trước quốc dân nội dung chi tiết của các hội nghị tay đôi giữa Việt Nam-Trung Hoa và các bên liên quan khác về tiến trình khẳng định chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

- Ngày 7/12/2007,  “Bản khẳng định lập trường của Người Việt hải ngoại về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ kêu gọi “dân chúng Việt Nam tích cực biểu tỏ thái độ phản đối hành vi ngang ngược của Trung Hoa, nêu rõ “trách nhiệm của đảng Cộng Sản Việt Nam trong việc làm mất lãnh thổ và lãnh hải vào tay Trung Cộng”, kêu gọi sự đoàn kết của tất cả dân chúng trong việc bảo vệ đất nước, không phân biệt trong nước hay hải ngoại. Ðồng thời cũng khẳng định “Sự đoàn kết này chỉ có thể đạt được trong môi trường sinh hoạt dân chủ, nhân quyền được tôn trọng, và nhân phẩm con người được đề cao. Chỉ có thế toàn dân mới ngồi lại được thành một khối trước hiểm họa ngoại xâm.”

- Ngày 7/12/2007 Bản Lên Tiếng của Đảng Vì Dân về chủ quyền VN trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

- Ngày 8/12/2007 Tập hợp Thanh Niên Dân Chủ  đưa ra Quan Điểm về  việc Tàu Cộng tự tung tự tác  thành lập thành phố Tam Sa trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

- Ngày 9/12/2007 theo bản tin của Người Việt Online, trước cửa Tòa lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn, hơn 500 người đã tập trung biểu tình chống Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. Những người biểu tình tập trung từ lúc 8 giờ sáng tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên, đối diện Tổng Lãnh sự Trung Quốc. Khoảng hơn 9 giờ sáng, các văn nghệ sĩ bắt đầu xuất hiện. Chứng Nhân Lịch Sử nói rằng nhạc sĩ Tuấn Khanh, thi sĩ Thận Nhiên, họa sĩ Trịnh Cung, Phan Bá Thọ, nhà văn Nguyễn Đình Bổn, nhà báo Thu Hồng và nhiều người nữa, đã có mặt đầu tiên. Đa số người biểu tình là thanh niên, sinh viên. Các blog cho biết có nhiều sinh viên từ đại học Hồng Bàng, Kiến Trúc, Kinh Tế…  Một thanh niên đã trải lá cờ Trung Quốc ra rồi ngồi lên. Một người khác, trên tay cầm ảnh đảo Hoàng Sa, trải cờ Trung Quốc, rồi đạp lên. Khoảng 9 giờ 30 phút, có người hô “tiến lên.” Ngay sau đó, nhiều tiếng vỗ tay đáp lại và đoàn người băng sang đường, tiến sang trước cổng lãnh sự quán Trung Quốc. Công an tại đây lập tức dàn hàng chặn và đuổi mọi người sang bên kia đường với lý do: “An ninh.” Đoàn biểu tình lui về hướng lề đường Nguyễn Thị Minh Khai, đối diện Lãnh Sự, xếp hàng trong trật tự, giương biểu ngữ, hô lớn: “Đả đảo Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa”, “Trả Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam”, “Bọn xâm lược phải trở về nước”... Người tụ tập càng lúc càng đông hơn. Công an phản ứng nhanh (113) của Việt Nam xuất hiện giải tán tất cả những người đang đứng ở các khu vực lân cận nhưng không tấn công đoàn biểu tình trước Lãnh sự quán.

- Tại Hà Nội, một cuộc biểu tình tương tự cũng đã diễn ra cùng ngày trước cửa Tòa Đại sứ Trung Quốc. Các Blog ghi nhận có khoảng 100 người tham gia.

Các cuộc biểu tình hôm 9/12 là kết quả của lời kêu gọi trên Internet, được phát đi mấy ngày trước đó. Một lời kêu gọi có nội dung: “Phải làm gì hỡi những thế hệ trẻ yêu nước, cha ông chúng ta đã phải hy sinh bao nhiêu xương máu để bảo vệ từng tấc đất Việt Nam yêu dấu. Nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo vệ nó”. Một lời kêu gọi khác: “Hãy tham gia biểu tình chống lại động thái Quốc Vụ Viện Trung Quốc vừa phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý ba quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa”. Gần đây nhất là lời nhắn gọi: “Nếu bạn tham gia, hãy tập trung tại Ðại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội, số 64 Hoàng Diệu. Ở Sài Gòn, Tổng Lãnh Sự Quán Trung Quốc, số 39 Nguyễn Thị Minh Khai đúng 9 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 9 Tháng Mười Hai, 2007, đem theo biểu ngữ, quốc kỳ. Hãy trả lời tham gia và gửi thông điệp này đến mọi người.

- Cùng lúc cuộc biểu tình diễn ra tại Hà Nội và Sài Gòn, một nhóm người Việt hải ngoại đã đến biểu tình trước Tòa lãnh sự Trung Quốc ở San Francisco để phản đối quyết định của nước này lập thành phố Tam Sa quản lý hành chánh trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuộc biểu tình đã diễn ra vào lúc 6 giờ tối Thứ Bảy, để trùng với giờ hẹn biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn là 9 giờ sáng Chủ Nhật 9 tháng 12. Dù trời đã vào Ðông, mới 6 giờ trời đã lạnh và tối, nhưng nhiều người lái xe 50 miles từ San Jose đến San Francisco để tham dự biểu tình. Trước cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tọa lạc tại địa chỉ 1450 Laguna St., nhóm người này đã tập trung biểu tình dù chỉ được kêu gọi trong vòng 12 giờ. Cánh cửa khép kín của Tòa Lãnh Sự, nhưng có loa phóng thông vào bên trong.

Ở VN tiếp tục có 2 cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên diễn ra tại Hà Nội, Sài Gòn ngày 16/12/2007.
Ở hải ngoại biểu tình liên tục diễn ra tại: Quận Cam, CA (15/12/2007); San Jose, CA (15/12); Los Angeles, CA (19/12); Houston, TX (21/12); Paris (21/12);  Bá Linh, Đức (22/12); Ottawa, Canada (22/12); Tây Úc (29/12); San Francisco,CA (4/1/2008), v…v… kể cả những bản tuyên cáo, kháng thư, lên tiếng, quan điểm, khẳng định… của nhiều cá nhân, hội đoàn, đoàn thể, đảng phái, cộng đồng … trong và ngoài nước.
Đặc biệt nhất là lòng dũng cảm của thanh niên sinh viên trong nước qua 4 cuộc biểu tình ngày chủ nhật: 9 và 16/12/2007 tại Hà Nội và Sàigòn đã làm cho mọi người VN trong và ngoài nước cảm thấy tự hào, hãnh diện và tin tưởng về tương lai của đất nước.

II. LỊCH SỬ HOÀNG SA -TRƯỜNG SA

- Nhà văn Mường Giang cho rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo chính sử cũng như những tài liệu của ngoại quốc đều xác nhận là lãnh thổ lâu đời của Việt Nam, còn ghi trong Quảng Ngãi Tỉnh Trí của các Tuần vũ Nguyễn Bá Trác và Nguyễn Ðình Chi, Quảng Ngãi Nhất Thống Chí của Lê Ngại… Còn tác phẩm ngoại quốc, có ký sự của các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo trên tàu Amphitrite, viết năm 1701, của Ðô Ðốc Pháp tên là D’Estaing viết năm 1768 rằng: “Sự giao thông giữa đất liền và các đảo Paracel (Hoàng Sa) rất nguy hiểm, khó khăn nhưng Người Ðại Việt chỉ dùng các thuyền nhỏ, lại có thể đi lại dễ dàng.” Quan trọng nhất là tác phẩm của Ðổ Bá tự Công Ðạo, viết năm Chính Hòa thứ 7 (1686), trong đó có bản đồ Bãi Cát Vàng: “Ðảo phỏng chừng 600 dặm chiều dài và 20 dặm bề ngang. Vị trí nằm giữa cửa Ðại Chiêm và Quyết Mông. Hằng năm vào cuối mùa đông, các chúa Nguyễn Ðàng Trong, cho Hải Ðội Hoàng Sa gồm 18 chiến thuyền đến nơi tuần trú.”  Năm 1776, trong tác phẩm Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Ðôn viết: “Trước đây, các Chúa Nguyễn đã đặt Ðội Hoàng Sa 70 suất, tuyển lính tại Xã An Vĩnh, cắt phiên mỗi năm vào tháng 2 ra đi, mang theo lương thực 6 tháng. Dùng loại thuyền câu nhỏ, gồm 5 chiếc, mất 3 ngày 3 đêm, từ đất liền tới đảo.” Tóm lại, từ thời các Chúa Nguyễn (1558-1783), nhà Tây Sơn (1788-1802), Nhà Nguyễn (1802-1945), đã có Hải Ðội Hoàng Sa. Ðặc biệt, năm 1836, Minh Mạng thứ 17, quần đảo Paracel hay Bãi Cát Vàng được Công Bộ đặt tên là “Bản Quốc Hải Cương Hoàng Sa Xứ, Tối thị Hiểm Yếu”.

- Bộ "Hoàng Việt Địa Dư Chí"  ấn hành năm Minh Mạng thứ 16 (1834) và cuốn "Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí" của Phan Huy Chú (1782-1840) có nói Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

- Nhà văn Trần Đỗ Cẩm viết “Vào năm 1836, Đức Giám mục Taberd đã viết trong cuốn sách "Địa dư, lịch sử và mô tả mọi dân tộc cùng với tôn giáo và phong tục của họ" (Universe, histoire et description de tous les peuples, de leursreligion et coutumes) như sau: "Tôi không kể dài dòng về những đảo thuộc Nam Kỳ, nhưng chỉ nhận xét rằng từ 34 năm nay, người Nam Kỳ đã chiếm cứ nhóm quần đảo Paracels mà người An Nam gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa, thực là những hòn đảo nhỏ bí hiểm, gồm những mỏm đá xen lẫn với các bãi cát mà những người đi biển đều kinh hãi. Tôi không rõ họ có thiết lập cơ sở gì ở đó không, nhưng chắc chắn rằng Hoàng Đế Gia Long nhất định muốn mở rộng lãnh thổ của Hoàng Triều bằng cách chiếm quần đảo này, và vào năm 1816, ngài đã long trọng trương lá cờ tại đây". Trong tác phẩm "Hồi ký về Đông Dương", ông Jean Baptiste Chaigneau cũng ghi rằng vua Gia Long đã chính thức thu nhận quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816. Khi người Pháp đặt nền bảo hộ trên toàn cõi Đông Dương, họ cũng tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa. Vào các năm 1895 và 1896, có hai chiếc thương thuyền tên Bellona và Iruezi Maru chở đồng cho người Anh bị đắm tại nhóm đảo Tuyên Đức và bị người Trung Hoa đến đánh cướp. Đại diện người Anh tại Bắc Kinh đòi nhà Thanh phải bồi thường vì có một số đồng được đem về bán tại đảo Hải Nam. Nhưng chính quyền nhà Thanh không chịu bồi thường, viện cớ quần đảo Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Hoa. Các quốc gia trong vùng Đông Nam Á cũng mặc nhiên công nhận chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Vào đầu thế kỷ 20, một công ty Nhật tên Motsli Bussan Kaisha đã đệ đơn xin chính quyền Pháp tại Đông Dương cấp quyền đặc nhượng khai thác phosphate tại đây. Năm 1925, tàu Lanessan chở phái đoàn nghiên cứu của Hải Học Viện Nha Trang ra thám sát quần đảo Hoàng Sa. Phái đoàn này xác nhận Hoàng Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam vì dính liền với thềm lục địa Việt Nam. Tại hội nghị San Francisco vào ngày 7 tháng 9 năm 1951, Thủ Tướng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn Việt Nam cũng đã lên tiếng xác nhận chủ quyền Việt Nam tại các hải đảo thuộc Biển Đông. Ông tuyên bố trước hội nghị: "Chúng ta cần phải lợi dụng mọi cơ hội để dập tắt mầm mống chiến tranh, vì vậy chúng tôi xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay vẫn luôn luôn là những thành phần của lãnh thổ Việt Nam". Trong tổng số 51 quốc gia tham dự, không một quốc gia nào - kể cả Trung Hoa - lên tiếng phản đối nên lời tuyên bố này đã được ghi vào biên bản của hội nghị. Dưới thời Pháp thuộc, Việt Nam đã thiết lập những cơ sở hành chánh tại Hoàng Sa qua nghị định số 156-SC ngày 15-6-1932 của Toàn Quyền Đông Dương. Trong đạo dụ số 10 ký ngày 30-3-1938, Hoàng Đế Bảo Đại sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Ngày 5-5-1938, Toàn Quyền Đông Dương thiết lập hai đơn vị hành chánh tại quần đảo Hoàng Sa. Đó là đơn vị Trăng Khuyết và phụ cận (délégation du Croissant et dépendences) và đơn vị Tuyên Đức và phụ cận (délégation de l'Amphitrite et dépendences). Ngày 13-7-1961 dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh số 175-NV đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam thay vì tỉnh Thừa Thiên và đặt tên là xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang. Dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nghị định số 709-BNV-HC ngày 21-10-1969 của Thủ Tướng Chính Phủ đã sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long cũng thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.”

- Theo Nhà báo Ngô Nhân Dụng, Viện Viễn Ðông Bác Cổ của Pháp mới thực hiện một đĩa CD-Rom chụp hình toàn bộ Tập San Sử Ðịa gồm nhiều số xuất bản ở Sài Gòn từ 1969-1975 với sự hợp tác của Tòa Ðại Sứ Pháp ở Hà Nội và Hội Sử Học Việt Nam. Số sau cùng đề ngày 1/3/1975 gồm những bài nghiên cứu đặc biệt về Hoàng Sa, Trường Sa mà Giáo Sư Phan Huy Lê đã ca ngợi là có “tính khoa học và tính dân tộc”. Người chủ trương tạp chí này từ lúc là sinh viên mới ra trường Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn, Tiến Sĩ Nguyễn Nhã. Trong Tập San Sử Ðịa số 29 kể trên, các học giả đã nêu lên rất nhiều bằng chứng vững chắc cho thấy Hoàng Sa và Trường Sa là 2 quần đảo thuộc chủ quyền của nước Việt Nam từ lâu đời. Lê Quý Ðôn (thời Trịnh-Nguyễn phân tranh) từ thế kỷ 18 đã xác nhận Hoàng Sa thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Tại thư viện Anh Quốc còn giữ những bản đồ của người Trung Quốc từ đời Thanh, công nhận các quần đảo Ðại Trường Sa và Tiểu Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Một giáo sư sử học khác đã tìm thấy ở văn khố nước Úc những tài liệu sách lịch sử địa lý của Trung Quốc chứng tỏ họ chỉ mới nói đến các quần đảo này từ đầu thế kỷ 20. Các ông Nguyễn Nhã và Dương Trung Quốc đã tìm đến đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) chiêm ngưỡng đền thờ những người “Lính Hoàng Sa” được lập ra từ thế kỷ 19. Nơi đây, những người lính Việt Nam được “tế sống” trước khi lên đường đi Hoàng Sa, vì biết chắc là không có ngày trở về. Trên hòn đảo này còn đền thờ họ Phạm, thờ vị tổ Phạm Quang Ảnh, đội trưởng Ðội Hoàng Sa dưới thời vua Gia Long năm 1815. Ðền thờ có câu đối: “Trung can huyền nhật nguyệt - Nghĩa khí quán càn khôn!”.
(Cù Lao Ré - theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí -  nằm giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về phía đông, xung quanh nổi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân 2 phường Vĩnh An và An Hải ở tại đấy. Phía đông đảo có động, trên động có chùa mấy gian, có giường đá, kỉ đá, bên hữu động có giếng, nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi, khi có giặc biển thì dân phường ẩn núp  ở đấy. Đất sản nhiều lạc và ngô.)

- Trong “Thiên Nam Tứ  Chí Lộ Đồ Thư” vẽ lại năm 1741 (bản sao của  Dumoutier) “Bãi Cát Vàng” tức Hoàng Sa thuộc lãnh thổ VN.

- Trong “Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ” do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn ấn hành (TK 19) ghi rõ Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

- Theo “Đại Nam Thực Lục Chánh Biên” từ thời Minh Mạng, hàng năm triều đình cử các đội “Hoàng Sa” thay phiên nhau trấn thủ và khai thác hải sản trên các đảo nổi thuộc Hoàng Sa. Năm 1833 Vua Minh Mạng ra lệnh cho Bộ Công xây một ngôi miếu trên quần đảo Hoàng Sa.

- Theo “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn biên soạn vào hậu bán TK 19, được Viện Sử Học dịch, xuất bản 2006, Tập 2, trang 492 ghi:
“Đảo Hoàng Sa: ở phía Đông Cù Lao Ré huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ ba bốn ngày đêm có thể đến nơi. Có đến hơn 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường, hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết hàng mấy ngàn dặm , bằng phẳng, rộng rãi, tục gọi “Vạn Lý Trường Sa”, nước rất trong, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản nhiều ốc hoa, hải sâm, đồi mồi, vích, cùng những hàng hóa của tàu thuyền người Thanh bị bão trôi giạt vào đấy. Hồi đầu bản triều, đặt đội Hoàng Sa, có 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ tháng Ba là ra biển tìm kiếm hải vật, đến tháng 8 thì do cửa biển Tư Hiền về nộp, lại đặt đội Bắc Hải, do đội Hoàng Sa kiêm quản để đi lấy hải vật ở các đảo. Phía đông đảo Hoàng Sa gần phủ Quỳnh Châu, đảo Hải Nam, nước Thanh, đầu đời Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau lại bỏ. Đầu đời Minh Mệnh thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát  trắng chu vi 1.070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn có cái giếng, phía tây nam cồn có ngôi miếu cổ, không rõ dựng từ thời nào, có bia khắc bốn chữ: Vạn lý ba bình” (muôn dặm sóng yên). Đảo này xưa gọi là núi Phật Tự, phía đông và phía tây đảo đều là đá san hô mọc vòng quanh ở mặt nước. Về phía tây bắc tiếp với đá san hô nổi lên một cồn  chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước ngang với cồn cát gọi là đá Bàn Than. Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến đấy xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2.000 cân.”

- Theo Luật sư Nguyễn Hữu Thống, ít nhất từ năm 1816, dưới đời vua Gia Long, Việt Nam đã chiếm cứ công khai, liên tục, hòa bình các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bia chủ quyền do người Pháp dựng năm 1938 có ghi rõ:
République Francaise (Cộng Hòa Pháp)
Empire d’Annam (Vương Quốc Việt Nam)
Archiel des Paracels (Quần Đảo Hoàng Sa)
1816-Ile de Pattle 1938 (Đảo Hoàng Sa).

- Sau khi lập xong chế độ bảo hộ Việt Nam, từ giữa thế kỷ 19, Pháp nhân danh VN lập tại 9 đảo Hoàng Sa 2 đơn vị hành chánh, 1 trạm khí tượng mà các số liệu đã được cung cấp liên tục trong mấy chục năm cho tổ chức khí tượng thế giới dưới ký hiệu Hoàng Sa. Giữa TK 19, Pháp đã tiến hành  khảo sát đo đạc và phân định ranh giới trên đất liền, trên biển với nhà Thanh  bằng một số hiệp định trong đó có lần đi vẽ bản đồ do các chuyên gia ngành địa dư thực hiện một cách khoa học chính xác năm 1895.

-  Từ năm 1954-1959: quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam, VNCH, do đơn vị Tiểu đoàn TQLC bảo vệ. Từ 1959- 1974: do đơn vị ĐPQ Quảng Nam trú đóng, đài khí tượng được thiết lập từ thời Pháp thuộc vẫn còn được duy trì.

Ngày 11/1/1974, Trung Cộng ngang ngược tuyên bố Hoàng Sa là của chúng, ngày 19/1/ 1974 chúng xâm chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực, ngày hôm sau bắt 14 chiến sĩ thuộc tàu HQ4 cùng 34 chiến sĩ Địa Phương Quân của VNCH trong đó có 1 nhân viên dân chính Mỹ, tổng cộng là 48 tù binh đưa về giam tại Quảng Châu. Trận hải chiến phía VNCH có nhiều chiến sĩ hy sinh trong đó có hải quân Thiếu tá Ngụy Văn Thà, 1 tàu bị chìm. Phía Trung Cộng có 18 chết trong đó có 1 hạm trưởng cùng 67 bị thương, 1 chiếc tàu bị hư hại nặng.
- Năm 1933, quần đảo Trường Sa nhập vào tỉnh Phước Tuy cho đến năm 1975 do 1 đaị đội ĐPQ bảo vệ. Sau 1975, Trường Sa chuyển qua tỉnh Đồng Nai. Năm 1981, Trường Sa chuyển sang tỉnh Phú Khánh. Năm 1989 đến nay, Trường trở thành huyện đảo của tỉnh Khánh Hòa.

Từ  những bằng chứng lịch sử nêu trên cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam từ nhiều thế kỷ.

III. ĐỊA LÝ HOÀNG SA - TRƯỜNG SA 

Quần đảo HOÀNG SA:  Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, có 130 đảo nhỏ nằm ngoài khơi phía đông Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, tại các vĩ tuyến 17-15 Bắc, cách bờ biển Đà Nẵng chừng 170 hải lý (khoảng 300km), nhưng trên hải đồ quốc tế chỉ ghi nhận vài ba chục đảo san hô. Đảo cao nhất là Rocky Island cao độ 20m. Có 2 bãi ngầm san hô (Bank hay Shoal) rất lớn chìm dưới mặt biển: Macclesfield và Scarborough Shoal.
Theo Tác giả Trần Đỗ Cẩm, Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands hay Paracels) được các nhà hàng hải chia thành 2 nhóm:

A. Nhóm Trăng Khuyết, hay Nguyệt Thiềm (Crescent Group) hình cánh cung hay lưỡi liềm (tên quốc tế là Crescent hay Croissant): là nhóm đảo quan trọng nhất, nằm về phía Tây của quần đảo Hoàng Sa, gồm 7 đảo chính và một số bãi ngầm.

1. Đảo Hoàng Sa (Pattle Island): là đảo chính (nhưng không phải là đảo lớn nhất) hình bầu dục, chiều dài khoảng 1.000m, rộng khoảng 700m. Cơ sở quân sự, đài khí tượng, hải đăng, cầu tàu... được đặt trên đảo này, đa số được xây dựng từ thời Pháp, thuộc quyền sở hữu của VNCH. Còn có Miếu Bà, Nhà Thờ, bia chủ quyền Việt Nam và đường xe goòng dẫn ra cầu tàu để chuyển vận phân bón.
2. Đảo Cam Tuyền (Robert Island) rộng chừng 0,35km2.
3. Đảo Duy Mộng (Drummond Island): cao độ 4m, rộng chừng 0.45km2.
4. Đảo Quang Ảnh, hay Vĩnh Lạc (Money Island): cao chừng 6m, rộng gần 0,5 Km2.
5. Đảo Quang Hòa (Duncan Island): lớn nhất trong nhóm rộng khoảng 0,5 km2, quanh đảo là bãi cát vàng, được chia thành 2 đảo Quang Hòa Đông và Quang Hòa Tây.
6. Đảo Bạch Quỷ (Passu Island): chỉ ló trên mặt nước khi triều xuống.
7. Đảo Tri Tôn (Triton Island) gần đất liền Việt Nam nhất.
8. Các Bãi Ngầm:
- Bãi Antelope Reef
- Bãi Vuladdore
- Bãi Discovery Reef: lớn nhất, dài khoảng 15 hải lý, rộng khoảng 5 hải lý.

B. Nhóm An Vĩnh, hay Tuyên Đức (Amphitrite Group)
nằm về hướng Đông Bắc của quần đảo Hoàng Sa gồm:
- Đảo Phú Lâm
- Đảo Cây (Cù Mộc)
- Đảo Lincoln:  lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa rộng khoảng 1,5km2,  cao độ 3m.
- Đảo Trung.
- Đảo Bắc
- Đảo Nam
- Đảo Tây
- Đảo Hòn Đá

Tác giả Trần Đỗ Cẩm viết: “Trước đệ nhị thế chiến, ngưới Pháp tại Đông Dương đã khai thác những đảo thuộc nhóm An Vĩnh. Họ cũng thiết lập tại đây một đài khí tượng giống như trên đảo Hoàng Sa. Sau thế chiến thứ hai, người Pháp tại Ðông Dương phái chiến hạm Savorgnan de Brazza đến chiếm lại các đảo tại vùng Hoàng Sa từ tay người Nhật vào tháng 6 năm 1946. Nhưng sau đó vì chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, Pháp phải rút quân về đất liền. Lợi dụng cơ hội Hoàng Sa bị bỏ trống, Trung Hoa lấy cớ giải giới quân Nhật đã lén đổ quân lên đảo Phú Lâm rồi chiếm đóng đảo này. Ngoài ra, họ cũng tiến xa hơn về phía Nam, chiếm luôn đảo Thái Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vào ngày 13 tháng 1 năm 1947, người Pháp tại Đông Dương chính thức phản kháng hành động chiếm đóng các hải đảo bất hợp pháp của Trung Hoa và phái chiến hạm Le Tonkinois ra Hoàng Sa. Thấy đảo Phú Lâm đã bị chiếm đóng và phòng thủ kỹ lưỡng, chiến hạm này quay về đảo Hoàng Sa (Pattle Island) để đổ 10 quân nhân Pháp và 17 quân nhân Việt Nam lên giữ đảo. Khi Trung Hoa Dân Quốc phải bỏ Hoa Lục chạy sang Đài Loan, họ cũng rút quân ở đảo Phú Lâm và Thái Bình về. Mãi tới 7 năm sau khi làm chủ được lục địa, Trung Cộng mới cho quân chiếm đóng Đảo Phú Lâm vào đêm 20 rạng ngày 21 tháng 2 năm 1956.”

Quần đảo TRƯỜNG SA: là một quần đảo có diện tích khoảng từ 160.000km2 đến 180.000km2 (tùy theo thủy triều lên xuống) tại các vĩ tuyến 12-7 với khoảng 500 đảo đá, bãi cạn, bãi đá, bãi san hô ngầm… chỗ rộng nhất từ Tây sang Đông là 800km, chỗ rộng nhất từ Bắc xuống Nam là 600km, nằm rải rác từ Cam Ranh về Nam Cà Mau và từ Việt Nam qua Phi Luật Tân. Trong đó chỉ có 20 đảo nổi với tổng diện tích chừng 10km2, còn lại chỉ có thể nhìn thấy khi thủy triều xuống. Không có thường dân cư ngụ và không tự túc về kinh tế. Điểm gần đất liền nhất (tại Cam Ranh) là Đá Lát (phía Tây Trường Sa) cách chừng 250 hải lý (450km). Các đảo chính: Trường Sa Lớn (khoảng 1,6km3), Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử Tây, An Bang, Phan Vinh…

Theo Luật sư Nguyễn Hữu Thống:

a)  Từ 1974 Trung Quốc chiếm toàn thể  HOÀNG SA gồm 13 đảo:
  - 7 đảo phía Đông Bắc thuộc Nhóm Tuyên Đức, trong đó có Đảo Phú Lâm (Woody Island) hình bầu dục, diện tích 1.3km2.
   - 6 đảo phiá Tây Nam thuộc Nhóm Nguyệt Thiềm, trong đó có Đảo Hoàng Sa (Pattel) rộng 0.56km2 bằng 1/2 Phú Lâm và bằng 1/1000 Phú Quốc (568 km2).

b) Vùng biển TRƯỜNG SA: 180.000 dậm vuông, rộng gấp 10 lần Hoàng Sa, nhưng chỉ có 9 tiểu đảo: Việt Nam chiếm 3 đảo:  Trường Sa (Spratley), Nam Yết (Namyit) và Sinh Tồn (Sincowe). Phi Luật Tân chiếm 5 đảo:  Bình Nguyên (Flat), Vĩnh Viễn (Nanshan),  Bến Lộc (West York), Loại Tá (Loaita) và Thị Tứ (Thitu). Đài Loan chiếm Đảo Thái Bình (Itu Aba).
Đảo Trường Sa diện tích 0,13km2.
Ngoài 3 đảo, Việt Nam còn chiếm 3 cồn (cay) là An Bang (Amboyna), Song Tử Tây (SouthWest) và Sơn Ca (Sand), cùng 7 đá nổi, 9 đá chìm và bãi ngầm, tổng cộng 22 đơn vị.
Ngoài 5 đảo, Phi Luật Tân còn chiếm 3 cồn, 2 đá nổi và 8 đá chìm, tổng cộng 18 đơn vị.
Trung Quốc chiếm 2 đá nổi (reef) là Đá Chữ Thập (Fiery Cross) và Đá Ga Ven (Gaven), cùng 6 đá chìm, tổng cộng 8 đơn vị. ).

Hoàng Sa, cách Hoa Lục tới khoảng 270 hải lý, trong khi cách Việt Nam chỉ có khoảng 135 hải lý.

Trường Sa cách Hoa Lục tới khoảng 750 hải lý, trong khi cách Việt Nam chỉ có khoảng 220 hải lý.

Cũng theo Ls Nguyễn Hữu Thống “Tại bờ biển Việt Nam, thềm lục địa chạy thoai thoải từ dãy Trường Sơn ra Hoàng Sa. Về địa hình, Hoàng Sa là một hành lang của Trường Sơn từ Cù Lao Ré ra khơi. Đây là những bình nguyên của thềm lục địa Việt Nam trên mặt biển. Công Ước Quốc tế về Luật Biển, các quốc gia duyên hải chỉ có 200 hải lý, vừa là vùng đặc quyền kinh tế để đánh cá, vừa là thềm lục địa để khai thác dầu khí.” 

“Năm 1925,  nhà địa chất học quốc tế Tiến Sĩ Khoa Học A. Krempf, Giám Đốc Viện Hải Học Đông Dương, sau 2 năm nghiên cứu và đo đạc đã lập phúc trình và kết luận: “VỀ MẶT ĐIA CHẤT, NHỮNG ĐẢO HOÀNG SA LÀ THÀNH PHẦN CỦA VIỆT NAM” (Géologiquement les Paracels font partie du Vietnam).”

Biển VN có một thềm lục địa rộng trên 2 triệu km2 và có khoảng 4.000 hòn đảo, nơi nào cũng có triển vọng về khả năng khai thác dầu khí, khí đốt. Nước ta, người đông, đất ít, nên biển càng vô cùng quý giá. Từ năm 1995, bắt đầu khai thác dầu khí  trên thềm lục địa quanh Trường Sa, các công ty dầu ngoại quốc đã ký khế ước dò tìm như: BP của Anh… Riêng Crestone đã ký vào tháng 5/1992 dò tìm dầu khí trong một khu vực 25,000km2 ngoài khơi Trung Việt.

Tóm lại, về địa lý, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

IV. KẾT LUẬN:

Qua lịch sử nhiều thế kỷ với những bằng chứng rành rành và qua địa lý với những con số biết nói, đã hùng hồn khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Nay Trung Quốc ngang ngược chối bỏ lịch sử, địa lý, chính thức tuyên bố sáp nhập 2 quần đảo của Việt Nam vào lãnh thổ của chúng, là con Lạc cháu Hồng, chúng ta phải làm gì?

Để trả lời câu hỏi, xin trích lời kêu gọi của sinh viên trong cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 tại Việt Nam như sau:
“Phải làm gì hỡi những thế hệ trẻ yêu nước, cha ông chúng ta đã phải hy sinh bao nhiêu xương máu để bảo vệ từng tấc đất Việt Nam yêu dấu. Nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo vệ nó”.

VINH HỒ


Tài liệu tham khảo:

  • www.Nguoivietweb.com   
  • www.vietbao.com
  • DANTOCVIET@yahoogroups.com
  • “Trận Hải Chiến tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19/1/1974” của Nhà văn Trần Đỗ Cẩm đăng trên http://mauthan68.blogspot.com/search/label/
  • “Nói với bạn trẻ trong và ngoài nước về biển Đông dậy sóng” của Luật sư Nguyễn Hữu Thống, đăng trên www.calitoday.com  Dec 13, 2007
  • “Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam” của Nhà báo Ngô Nhân Dụng, đăng trên www.nguoivietweb.com Dec 11/2007 
  • “Đại Nam Nhất Thống Chí”, Tập 2, Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, 2006
  • “Khánh Hòa Nha Trang một tiềm năng một hiện thực” của Tác giả Vũ Ngọc Phương, 2004