XUÂN GIÁP THÂN SỐ 21 - THÁNG 1 NĂM 2004

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Biển và Ta
Tôn Thất Phú Sĩ
Hình như đã yêu em
Huỳnh Kim Khanh
Mai Hương
Hoàng Mai Phi
Đầu xuân khai bút
Nguyễn Vĩnh Châu
Chút mặt trời
Đường Du Hào
Tiết xuân
Đường Sơn
Biển đêm
Phạm Tương Như
Lại một năm trôi qua
Hà Phú Đức
Xuân này nữa mấy xuân rồi

Ngọc Trân
Bài hoa đào cuối cùng
Dã Thảo
Lưu vong
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn - Tùy bút

Ngõ sau phố cũ đường xưa
Phan Thái Yên

Dấu vết
Nguyên Nhi
Âm vang ngàn sóng
Song Thao
Mùa xuân khó quên
Hoàng Mai Phi
Tết Nguyên Đán Made in USA
Đường Du Hào
Tàn đông
Cỏ Biển
Hồi ký bạn tù

Hoàng Quốc Việt
Mùa hái tình sầu
Phan Thái Yên
Xuân nguyên thể

Vũ Hoàng Thư
Một thoáng ngoài kia

Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam-Kỳ 8
Hoàng Thiếu Khanh
Apricot
Viên Đinh Trần Ken

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 15
Huỳnh Kim Khanh


 

 

Thức ăn bổ dưỡng và nhuận trường
Quả Mơ (Apricot)

Viên Đinh Trần Ken
email: trankenau@yahoo.com.au

Đặc tính của quả mơ

Quả Mơ còn gọi là apricot trong tiếngAnh, là abricot theo tiếng Pháp, là xìng zi trong tiếng Bắc Kinh (tiếng PhổThông Trung Quốc), là anzu trong tiếng Nhật. Cả người Nhật lẫn người Hoa đều viết tên gọi này cùng một dạng Hán tự, phát âm theo lối Hán Việt là hạnh tử.Quả Mơ có tên khoa học là Prunus armenicaca, thuộc họ Rosaceae.

Quả mơ là một thứ trái cây dồi dào chất dinh dưỡng, chất chống ốc-xit-hoá, Vitamin A, B và C, cùng các chất khoáng gồm có can-xi, ma-nhê, pô-tat và chất sắt. Quả mơ khô chứa rất nhiều chất sắt hơn quả tươi; vitamin C có trong quả mơ có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ chất sắt nhiều hơn.Vì loại trái cây này dễ tiêu, nên nuớc cốt trái cây này tốt cho những người suy nhược về thể chất hay tinh thần, kém sức khoẻ hoặc có tâm trạng căng thẳng. Chất can-xi, ma-nhê và pô-tat đều rất cần thiết cho hệ thần kinh và cơ bắp, giúp chúng hoạt động bình thường; những chất khoáng này giúp cơ thể khắc phục tâm trạng căng thẳng.

Quả mơ có nhiều chất xơ nhưng lại tương đối có ít nhiệt lượng (calories). Vì thế tôi nghĩ quả mơ có thể coi như là thức ăn tốt cho quý bà quý cô muốn giữ cho thân hình thon gọn hay bất cứ ai muốn sụt cân. Lượng ca-rô-tê-nô-id (crotenoids) có trong quả mơ rất lớn, cho nên quả mơ là thức ăn tốt cho da và mắt. Đó là thức ăn rất tốt cho cơ thể trong việc chống chỏi bệnh tật. Quả mơ cũng là một thức ăn thiên nhiên chống ung thư tuyệt vời.

Quả mơ có chứa chất sa-li-xi-lat (salicylates) cho nên có thể gây dị ứng cho một số người. Chất phụ-gia lưu-huỳnh dùng để giữ quả mơ khô trông tươi tốt lâu cũng có thể gây dị ứng.Tốt nhất nên mua loai mơ khô không có chứa chất lưu huỳnh.

Lai lịch, vùng trồng mơ và mùa mơ

Cây mơ thích hợp với vùng có khí hậu khô ráo và ôn hoà.Cây mơ có gốc gác ở miền Trung Á. hay Đông Á (Miền Hoa Bắc, Mông Cổ). Nay ở Trung Đông, vùng Địa Trung Hải có trồng rất nhiều cây mơ. Tôi nghĩ có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ là nước trồng rất nhiều mơ, vì tôi thấy các siêu thị ở Úc thường bán quả mơ khô nhập cảng từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Úc và ở Hoa Kỳ, nhất là ở tiểu bang California có trồng mơ.

Người Trung Quốc biết đến quả mơ hơn hai ngàn năm qua rồi. Tướng quân Lucullus thời Đế Quốc La Mã mang cây mơ từ miền Trung Á về Châu Âu và trồng trong vườn đầy cây cối của ông sau cuộc Đông Chinh Châu Á.

Từ thuở xa xưa người ta đã biết tới loại trái cây này. Lúc bấy giờ, loại trái cây này được trân quý như môt món ăn thanh tao và được dùng như môt loại dược liệu trị bịnh đau tai, bịnh mũi do nhiễm trùng và bịnh trĩ. Loại trái cây này phổ biến ở nước Anh vào thế kỷ 16. Người Anh dùng quả mơ như một thứ thức ăn nhuận trường.

Mùa có nhiều quả mơ là mùa hè; mơ chín rộ vào giữa mùa hè, khoảng sau lễ Giáng Sinh đến Tết ta ở Úc. Theo sự suy luận của tôi thì mùa mơ chín rộ vào khoảng cuối tháng Sáu đến tháng Bảy ở Hoa Kỳ và các nước khác ở Bắc Bán Cầu.

Cách chọn quả mơ ngon

Khi mua quả mơ nên chọn loại quả tròn trịa trông mượt mà (plump, juicy-looking) lại có màu đỏ ửng hay vàng rộm đều khắp (having a uniform golden orange color). Những quả mơ như vậy là những quả chín cây hay hái đứng lúc, vừa chín tới, ăn rất ngon.Tránh mua những trái mềm nhũn (soft & mushy), vì những trái như vậy thường là những trái không được tươi, sắp hư thối. Cũng không nên mua những trái còn cứng có màu tái xanh (greenish), vì đó là những trái hãy còn non. Những trái có vỏ vàng ệch (pale yellow) không đáng mua ăn vì đó là những trái chín héo, khi hái chưa chín tới. Loại chín héo ăn không ngon, dễ ngán.

Công dụng

Ăn quả mơ ngừa và trị được chứng táo bón, do đó ngừa được các thứ bịnh về đường ruột kể cả viêm khệ thất (viêm túi thừa, divericulitis).

Vitamin A và C có trong quả mơ có công dụng chống ốc-xít-hoá (antioxidant) ngừa thương tổn do gốc tự do (free radical) gây ra, đồng thời chống lại bịnh tim mạch. Hai thứ vitamin này cũng có tác dụng làm chậm tiến trình lão hoá. Vì vậy, theo thiển nghĩ, quả mơ tốt cho quý bà quý cô muốn giữ nét trẻ trung. Quả mơ tốt cho những bịnh báo hiệu cơ thể trên đà suy yếu như bịnh viêm khớp (arthritis) chẳng hạn.

Người ta nghiệm thấy chất bê-ta ca-rô-ten (beta carotene) chứa trong quả mơ có thể giúp cơ thể chống ung thư phổi và có lẽ cũng chống được cả ung thư tuyến tuỵ (tuỵ tạng, pancreas), da, thanh quản (larynx) hay bất cứ ung thư nào do hút thuốc lá gây ra. Vì vậy, theo thiển nghĩ, những ai không chừa dược thuốc lá hay coi hút thuốc lá là một thú vui của cuộc đời thì nên ăn quả mơ.

Quả mơ cung ứng chất dinh dưỡng cho hệ thần kinh, do đó loại trái cây này có thể giúp tăng cường khả năng làm dịu tâm trạng căng thẳng. Vì vậy quả mơ có thể coi như là liều thuốc dùng để điều trị bệnh hay lo (bồn chồn, anxiety), tinh thần căng thẳng (tension), bệnh buồn chán, tinh thần sa sút hay còn gọi là tâm trạng u uất hay bệnh trầm cảm (depression) và bệnh mất ngủ.

Quả mơ là thức ăn có giá trị bổ dưỡng, giúp tăng cường sức khoẻ, cho nên loại trái cây này là thức ăn tuyệt vời cho bất cứ ai cảm thấy mệt mỏi và suy nhược, và cho cả những người cần ăn bồi loại thức ăn bổ dưỡng có tính dễ hấp thu, như phụ nữ mang thai, con nít, và người già cả. Theo thiển nghĩ, nước sinh tố quả mơ xây hoặc nuớc cốt quả mơ (apricot nectar, có bán trong siêu thị) cũng tốt cho cả người bịnh nặng trong thời gian dưỡng bệnh.

Thức uống giúp giữ eo (apple and apricot slimmer)
Thành phần gồm có:
6 quả mơ khô
125ml (4fl oz) nước cốt trái táo (apple juice)
100g (4 oz) sữa chua (natural live yogurt) loại ít chất béo (low fat)
một tí nhục đậu khấu xây nhuyễn (a little freshly ground nutmeg)

Hấp hay chưng quả mơ với một chút nước cho mềm rồi thải bỏ chất nước. Bỏ quả mơ chung với nước cốt trái táo và sữa chua trong máy xây sinh tố để xây thành chất lỏng. Sau đó rắc chút nhục đậu khấu nghiền nhiễn vào nuớc cốt này. Lương dùng trên đây dành cho một lần. (Cook the apricots in a little water until soft then drain. Blend with the apple juice and yogurt and top with a sprinkling of ground nutmeg. 1 serving)

Thức uống trái cây bổ dưỡng Trung Quốc (Chinese apricot and grapefruit tonic)
Thành phần gồm có:
4 đến 6 quả mơ khô
2 muổng cà phê mật ong
300ml (1/2 pint) nước cốt trái bưởi
một ít nhục đậu khấu nghiền nhiễn (a sprinkling of ground nutmeg)

Hấp hay chưng quả mơ khô với chút nước vừa đủ ngập quả đến khi mềm hẳn. rồ thải bỏ nước. Quậy đều trong mật ong khi quả mơ còn nóng. Cho nước cốt trái bưởi vào làm thành chất lỏng trong máy xây sinh tố. Rắc chút ít nhục đậu khấu nghiền vào nước cốt này trước khi uống. Lượng vừa đủ cho một phần. (Cook the apricots in enough water to cover, until soft. Drain. Stir in the honey while the apricots are hot.Add the grapefruit juice and liquidize. Sprinkle with nutmeg before drink. 1 serving)

Thức uống nhuận trường (American papaya and almond dream)
Thành phần gồm có:
6 quả mơ khô hoặc tươi
50g (2 oz) đu đủ tươi hoặc khô (ngâm nước rồi)
300ml (1/2 pint nuớc cơm sữa (gạo nấu với sữa, rice milk có bán trong siêu thị Safeway)
1 muổng cà phê hạnh nhân xây nhiễn (ground almonds)
một nhúm bột củ gừng hoặc củ gừng tươi mài nhiễn (a pinch of ground or freshly grated root ginger)

Nếu dùng quả mơ khô thì nấu với chút nước cho mềm rồi thảy bỏ nước. Bỏ ba thứ trên vào máy xây sinh tố, xây cho nhuyễn. Rắc chút gừng khi uống. Lượng này cho một phần. (If using dried apricots, cook them in a litle water until soft and drain. Place the ingredients together in a blender and blend until smooth. Serve sprinkled with a little ginger. 1 serving)

Loại nước cốt này có tính nhuận trường, uống thường xuyên giúp ta đi cầu trơn tru. Đó là liều thuốc tốt cho những ai bi bịnh viêm khệ thất (diverticulitis). Theo tôi nghĩ loại nước uống này cũng tốt cho những ai bi bịnh trĩ nữa, vì bệnh trĩ là do tao bón lâu ngày mà ra; dứt táo bón thì bệnh trĩ cũng sẽ lành hẳn.

Kinh nghiệm bản thân

Tôi là loại người hay bị nóng trong mình, tạng người hay bị táo nhiệt. Từ lúc tuổi thanh niên tôi đã bắt đầu hay bị táo bón. Tôi tìm mọi cách ăn uống sao cho nhuận trường trong thời kỳ trọ học ở Sài Gòn. Nào cải xà lách, cà chua, rau muống, nào cam ăn cả xác, nước cam vắt (có cả xác) uống với mật ong, đu đủ, chuối, v.v.., nhưng không thấy kết quả mấy. Tôi chỉ thấy cam vắt (có cả xác) trộn với mật ong là thứ nuớc uống tương đối có hiệu nghiệm hơn về phương diện nhuận trường trong thời gian đó mà thôi. Có lẽ đời sống học sinh ở trọ ăn uống kham khổ, không đủ liều lượng chất xơ đúng mức, lại ngồi nhiều. Sau đó vì táo bón lâu ngày tôi mang bệnh trĩ. Tôi đến trị bịnh trĩ tại phòng mach bác sĩ trị bịnh trĩ có tiếng ở Sài Gòn là Bác sĩ Dương Dậu. Lúc đó tôi không gặp được ông; con trai ông, nối giõi nghề của ông, thực hiện tiểu giải phẩu cho tôi, vào năm 1965 thì phải. Nhưng sau đó bịnh vẫn thường hay tái phát, vì bón vẫn hoàn bón.
Tám năm đầu khi sống ở Úc, bịnh trĩ thỉnh thoảng vẫn tái phát, nếu táo bón kéo dài lâu ngày. Tình cờ tôi đọc được một bài báo viết về bịnh trĩ do một bác sĩ Việt Nam hành nghề bác sĩ ở Úc, dường như là bác sĩ Trần Thanh Nhơn thì phải. Ông ta viết đại ý như thế này: Muốn cho dứt bịnh trĩ thì cố gắng đừng để bị táo bón; muốn hết táo bón thì nên ăn hay uống loại có chất xơ. Bột chất xơ có bán ở các nhà thuốc Tây. Tôi dùng bột chất xơ đó hết hai hủ lớn. Tình trạng đi cầu khả quan. Sau đó tôi xoay qua ăn nhiều cải luộc có nhiều chất xơ như cải bẹ trắng, cải silver beet, cại bắp, cải rổ người Bắc gọi là cải làn. Mấy năm gần đây, ở Úc có bán cải bẹ trắng Thượng Hải; loại cải nầy luộc hay nấu canh vừa đủ mềm ăn rất ngon. Theo thiển nghĩ, những ai hay bị táo bón, ít chịu ăn cải, nên ăn loại cải này thường xuyên. Nhớ nấu luôn cả cùi gần rễ, vì đó là phần có nhiều chất xơ. Quý vị cao niện nếu không còn đủ răng tốt để nhai nên nấu nhừ phần bẹ và cùi riêng vì phần lá không cần nấu nhừ; phần lá nấu nhừ ăn mất ngon. Hơn nữa, nấu nhừ phần lá sẽ mất đi nhiều chất dinh dưỡng quý báu như diệp lục tố chẳng hạn.

Cải silver beet luộc trong nước gà luộc đúng cách cũng khá ngon. Đợi nước sôi rồi mới để cải vào luộc. Khi để cải vào nồi nên dùng đũa gìm cải xuống dưới mặt nước ngay; tránh để cải lú khỏi mặt nước. Nếu để cải lú khỏi mặt nước, thì phần cải đó sẽ đen vì chất sắt có nhiều trong loại cải này bị ốc-xít hoá. Khi cải vừa chín mềm vớt ra ăn liền; nếu để ngoài không khí lâu cũng bị đen, ăn có mùi không ngon. Nên luộc phần lá và phần bẹ riêng. Quý vị nào không còn răng tốt để nhai hay không ăn được cải silverbeet có thể ăn rau bina (spinach) thay thế silver beet. Cải silverbeet là thứ cải rất dễ trồng, không cần chăm sóc. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu số lưọng cải mua hơi nhiều; ăn không hết một lần số cải đang có nên luộc phần lá ăn trước; phần cọng nên dành lại bữa ăn khác, vì lá để lâu sẽ bị vàng úa, ăn có hại.Tôi nghiệm thấy nhờ ăn cải luộc nhiều (ăn một tô lớn), tôi đi cầu rất trơn tru, khỏi phải rặn. Từ lúc đó tôi thường xuyên ăn nhiều cải và trái cây, nhất là quả mơ. Nhờ vậy không còn bị táo bón nữa và bịnh trĩ của tôi không tái phát. Ngày nào thiếu cải và thiếu trái cây tôi có tâm trạng như thiếu vắng một cái gì ấy, tựa như tâm trạng của một kẻ đang yêu khi vắng bóng người mình yêu thương!

Mấy năm gần đây, ở Úc có bán bông cải xanh (broccoli), tôi thường hay mua luộc ăn. Tôi cũng thấy khá tốt về phương diện nhuận trường. Theo một bài viết trong sách hay trong tạp chí nào đó tôi đã đọc qua thì ăn loại cải này có thể ngừa đựợc bịnh ung thư. Theo kinh nghiệm của tôi thì nên luộc nhanh; không nên luộc lâu, vì luôc lâu cải sẽ bị vàng úa; luộc quá mềm ăn không ngon. Theo một quyển sách nào đó tôi đã dọc qua thì ăn sống loại cải này càng tốt. Nên nấu phần bông ăn ngay khi mua về, vì để lâu bông dễ bị vàng úa; phần cọng thì dành cho bữa khác vì để lâu không biến chất. Xin đừng bỏ phần cọng quá cứng, chỉ cần lột bỏ phần ngoài, vì đó là phần có nhiều chất xơ nhất Nên mua loại có bông xanh đậm hãy còn tươi. Tránh mua loại bán hạ giá vì quá cũ, bông sắp trở màu vàng úa.

Tôi phát giác quả mơ là thức ăn nhuận trường tuyệt diệu vào cuối năm 1987. Lý do là sân sau nhà tôi có một cây mơ khá sai trái. Khi hái, tôi thường thấy nhiều trái chín cây hay bị chim mổ lại ăn khá ngon. Tôi là con nhà nghèo từ nhỏ lại từng bị đi tù cải tạo gần 3 năm sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, nên tôi không muốn “phí của trời”. Tôi bèn “ních” khá nhiều quả mơ đó vào mùa chín rộ năm đó. Sau ngày ăn nhiều quả mơ như vậy tôi phải chạy vào nhà cầu quýnh quáng. Nếu không thì đũng quần ắt bị dơ, ngoài ý muốn. Vào mùa mơ chín rộ, tôi thường chiếu cố nhà cầu hơn thường lệ, và đi cầu rất trơn tru. Vào mùa mơ, tôi thường hái phân phát cho gia đình các em tôi và bạn bè quen biết mà vẫn còn dư. Tôi thường hái nhiều đợt, lựa trái vừa chín tới hái trước. Vài năm gần đây tôi nảy cách trữ trong tủ ngăn đá để ăn dần, vì trái bị chim ăn, trái quá nhỏ và trái có vỏ hơi xấu tôi đâu dám cho ai, giữ lại thì ăn không hết. Ăn hết quả tươi tôi xoay qua ăn loại đông đá. Mỗi lần muốn ăn tôi lấy một ít quả mơ trữ trong ngăn đá vừa đủ ăn trong ngày đế sẵn trong ngăn tủ lạnh thường; khoảng một buổi thì trái mơ mềm nhũn, có nước rỉ ra. Tôi nghĩ loại quả mơ đông đá để mềm nhũn như vậy hợp với những ai không còn đủ răng để nhai mơ tươi hay mơ khô.

Ban đầu tôi ăn quả mơ nhiều cũng thấy ngán, vì không ngon bằng quả đào. Tôi tự nhủ, thay vì uống thuốc, ăn quả mơ vừa bổ dưỡng lại nhuận trường. Đây là của trời cho mình, tại sao mình không ăn? Hơn nữa, đó là thứ trái cây có nhiều chất xơ nhất trong các lại trái cây. Ăn nhiều không bị nóng như xoài chẳng hạn. Từ đó trở đi tôi cố gắng ăn liên tục rồi quen dần. Ăn lâu ngày, tôi cũng thấy không đến nỗi tệ. Nếu ăn hết cây nhà lá vườn trữ trong ngăn đá, tôi mua mơ khô trữ sẵn để ăn tiếp cho đến mùa mơ sau, khi cảm thấy thức ăn trong ngày thiếu chất xơ.

Nếu quý vị thích ăn cứng và ăn lạnh được thì khi lấy ra từ ngăn đông đá ăn ngay cũng được. Bằng không thì lấy ra để trong ngăn tủ lạnh một buổi thì mềm nhũn giống như nấu chín rục vậy. Lúc đầu ăn loại mơ để mềm tôi thấy hơi ngán; lâu dần tôi lại thấy ngon nhờ chất nước rỉ ra chua chua ngọt ngọt.

Nếu quý vị không thích ăn chua thì hái hay mua loại trái chín cây, hay vừa chín tới đế đôi ba ngày cho chín hẳn rồi mời xẻ ra làm đôi hay làm tư, bỏ hột rồi để trữ trong ngăn đá ăn dần. Nên nhớ là để đông đá ăn thấy chua hơn ăn tươi. Theo kinh nghiệm của tôi, trái mơ càng chín, càng có công dụng nhuận trường. Loại chín héo ăn dễ ngán hơn. Ăn trái vừa chín tới trên cây khá ngon miệng.

Nếu trong nhà quý vị chỉ có một người ăn thôi thì xẻ ra để trong hợp mủ (plastic) nhỏ mà thiên hạ thường dùng để đựng nước mắm hay nước tương khi ta mua thúc ăn tại các quán ăn, nếu không muốn bỏ công phơi khô. Loại mơ đông đá không có phơi khô cho ráo nước thì khó tách ra. Vì vậy, tôi thường xẻ đôi hay xẻ làm tư quả mơ rồi mang phơi ngoài nắng suốt một ngày từ sáng sớm tới chiều tối cho ráo nước. Nhờ vậy khi đông đá các miếng mơ không dính nhau khi đông cứng, dễ gở ra. Tôi phơi khô bằng cách để quả mơ xẻ ra trong đĩa lớn, và đậy bằng cái rổ dùng để rứa rau cải, tránh dược ruồi bu khi phơi nắng.

Quý vị nào có chứng hay táo bón như tôi thì nên mua quả mơ vào giữa mùa hè, đó là mùa mơ rộ chín, khá rẻ lại ngon. Mua trữ ăn dần như tôi đã và đang làm. Còn quý vị nào sau nhà có cây mơ ăn không hết thì hãy hái cho ngườ thân và bạn bè ăn hay rủ họ tới hái về ăn, nếu không có thì giờ hái cho họ. Chớ phí của trời cho quý báu này, quý vị nhé! Nếu ngại tốn thì giờ xẻ mơ tươi phơi ráo nước thì quý vị cứ việc tới siêu thị tìm mua mơ khô về ăn, nếu còn đủ răng để nhai. Mơ khô ở siêu thị ăn ngon ngọt hơn mơ tươi, lại có nhiều chất sắt hơn. Nếu quý vị nào hay bị táo bón mà không thích ăn cải có chất xơ và ăn cam hay nhả xác thì nên ăn mơ khô. Điều nên nhớ là xác cải và xác cam là chất xơ, nó là chất nhuận trường. Một ngày ăn khoảng ba bốn trái mơ thì sẽ giúp đi cầu trơn tru. Càng ăn nhiều càng dễ đi cầu. Nhớ ăn lúc bụng đói nhé! Quý vị nào vì công việc làm ăn thư8ờng xuyên hoạt động ngoài đường phố, không có thì giờ ăn trưa, hay trong chuyến đi du lịch ăn uống thất thường thì nên mua mơ khô và hột hạnh nhân trữ sẵn để ăn dọc đường khi buồn miệng hoặc đói bụng. Chớ có ăn quá nhiều hột hạnh nhân vì ăn nhiều không tốt. Nên ăn hạnh nhân rang chín. Gần đây tôi lại khám phá ở siêu thi có bán loại thức ăn có nhãn hiệu “Just BRAN”. Đó là thoại thức ăn làm bằng cám nén thành cọng nhỏ, Trộn món ăn này với sữa bò tươi hoặc sữa đậu nành ăn liền rất ngon miệng, vừa dòn vừa béo lại vừa ngọt. Nếu ăn khô cũng khá ngon, rất dòn. Đó là loại thức ăn tốt cho sức khoẻ.Tôi thường mang theo thức ăn này, sữa đậu nành và trái cây để ăn trưa trên đường đi làm Khi ăn nhiều tôi thấy đó cũng là thức ăn nhuận trường tốt. Tôi nghĩ thức ăn này rất thích hợp cho quý vị cao niên hay bị táo bón. Xin quý vị nhớ ăn liền khi trộn sữa vào thức ăn này nhé! Để lâu sẽ mềm nhũn, ăn không ngon, dễ ngán.

Ước mong

Tôi mong mỏi bài viết này sẽ giúp ích cho quý vị cao niên kém sức khoẻ lại hay bị táo bón. Chúc quý vị sẽ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống vì sức khoẻ khá hơn, đi cầu dễ dàng, thường xuyên hơn và nhất là khỏi phải uống thuốc xổ nữa. Tôi nghĩ thuốc xổ có hại cho đường ruột, bất đắc dĩ ta mới dùng nó.

Tôi cũng ước mong, “những ai đau khổ vì bịnh trĩ” sẽ thấy dễ chịu trong cuộc sống vì đã thoát nạn bịnh trĩ, nhờ đi cầu trơn tru hằng ngày. Chúc quý vị sẽ có làn da mặt hồng hào hơn, mượt mà, tươi tắn, và trông trẻ trung hơn xưa.
Nếu trong tương lai tôi nhận được nhiều tin vui của quý vị gởi tới thì tôio sẽ rất vui, vì đó là niềm hạnh phúc lớn lao đối với tôi, tôi đã đạt được mục đích khi tôi có ý định viết bài viết này.


Tài liệu tham khảo:

“Healing Drinks”, Anne McIntyre, Simon & Schuster, Australia P/l, ấn bản. năm 2000, trang.35, 51, 95 và 110
“World Book” (Encyclopedia) Vol.A 1, ấn bản năm 1992, trang.506
“Super foods for Children”, Michael Van Straten & Babara Griggs Dorling Kindrsley us. Pty Ltd, ấn bản năm 2001, trang 38
“The Ultimate Smoothie Book”, Cherie Calbom, A time Warmer Company, USA, ấn bản tháng Tám năm. 2001, trang 12 và 13

Ghi chú:
Khởi viết ngày 14 tháng 5 năm 2001. Hiệu đính xong ngày 5 tháng 12 năm 2003.
Mong nhận được ý kiến đóng góp của quý vị, nếu quý vì thấy có gì sai sót, để bản văn này được hoàn chỉnh khi có dịp hiệu đính sau này. Quý vị có thể liên lạc bằng email qua địa chỉ email ghi trên đầu bài