Khi những cơn gió lạnh thổi đều vào tháng chạp, lòng tôi rộn rã
khác thường. Một niềm vui sướng nở rộ trong lòng, vì biết rằng những
ngày sắp tới đây, tôi sẽ được nghỉ học và được vui đùa cùng bạn
bè trong xóm. Tôi sẽ được đánh bài cào, chạy nhảy cùng anh chị em
họ , và còn nhiều thú vui khác nữa. Nhưng thú vui hàng đầu vẫn là
được đốt pháo. Đó là ngày đầu năm âm lịch hay ngày Tết. Thông thường,
ba tôi nghiêm cấm không cho con cái chơi pháo bừa bãi nếu không
có ông canh chừng. Dù có nghiêm cấm hay không thì bọn tôi cũng tìm
đủ mọi phương tiện để thỏa mãn tính ham vui của trẻ con. Có lẽ biết
tánh tình nghịch ngợm của đứa con trai nên ông đã nghiêm trị anh
em chúng tôi không khác kỷ luật của quân trường. Tuy vậy, vào năm
đó, trước tết vài ngày ba tôi đã bỏ chút đỉnh tiền mua về vài phong
pháo cùng hai quả pháo đại to bằng nắm tay.Ba tôi đã gọi hai em
chúng tôi đến bàn để quan sát, đồng thời giải thích tầm nguy hiểm
của quả pháo đại. Sau lời giải thích và dưới sự cho phép, tôi đã
cầm thử trong tay. Một cảm giác rờn rợn chạy trong người, ngơ ngác
nhìn ba tôi.
- Sợ rồi hả ?
- Dạ !
Tôi đáp nhẹ sau khi ba tôi nheo mắt và xoa đầu tôi.
Năm đó tôi được cái hân hạnh châm ngòi pháo sau khi mẹ tôi bài
hương án cúng giao thừa. Như thường năm, tôi không chịu đi ngủ sớm,
mặc áo mới theo mẹ sắp xếp hương án cúng giao thừa. Mẹ tôi thường
nghiêm cấm không được nếm thử bánh mức khi chưa có lệnh và nhất
là chưa cúng kiếng ông bà. Đối với trẻ con vị ngọt bao giờ cũng
là món hợp khẩu nhất nên mặc dù mệt mỏi, tôi vẫn ngủ gà ngủ gật
chờ tàn ba nén hương, để được mẹ thưởng cho một mẩu bánh hay vài
mẩu hạt sen vì đây là loại mứt mà ba tôi rất thích. Nhưng cái tết
năm đó, pháo nổ liên tục từ đầu hẻm đến cuối hẻm, xác pháo đỏ thắm
bay trong gió. Tiếng nổ đì đùng nối tiếp nhau nên tôi không còn
ngủ gà gật như mọi năm. Ngoài ra ba tôi giao cho tôi nhiệm vụ châm
ngòi pháo sau khi tàn hương, làm tôi thêm nôn nóng. Việc này khiến
mẹ tôi không bằng lòng nhưng ba tôi nghiêm mặt
- Xắp vào trung học rồi, phải mạnh dạn lên.
Đúng như ba tôi dự đoán, loay hoay với cây nhang mà không tài nào
tôi châm được ngòi pháo. Anh tôi đứng nhìn và cười chế nhạo. Mặc
dầu đã thu hết can đảm nhưng hình ảnh của quả pháo đại làm tôi chùn
bước. Cuối cùng ba tôi phải cầm lấy tay tôi để châm ngòi pháo. Tiếng
pháo nổ giòn, hòa cùng âm điệu với làng trên xóm dưới. Hai tràng
pháo được chấm dứt bằng hai quả pháo đại đinh ai tức ngực.Sức ép
của quả pháo đại đã thổi tắt hai ngọn nến trên bàn hương khiến mẹ
tôi lo âu.
- Năm nay nhà mình phải cẩn thận
Đêm giao thừa qua mau, trong giấc ngủ chập chờn, nôn nóng ngày
Tết trong lòng. Tôi thức dậy khi nghe tiếng động của chén dĩa. Mẹ
tôi đang sửa soạn mâm cỗ cúng ông bà. Vội vã rửa mặt và thay quần
áo mới, ngày mồng một Tết đến với gia đình tôi trong ấm cúng đầy
hạnh phúc. Sau bữa ăn sáng, cả nhà tôi đã về chúc thọ ông bà nội.
Như đã dự trù, tôi cùng anh chị em họ bày đủ trò chơi nghịch ngợm.
Nhưng những trò chơi nào trong ngày đầu năm cũng không bằng đốt
pháo. Mỗi đứa trong chúng tôi đều thủ sẵn vài quả pháo trong túi.
Hiếu kỳ, tôi đề nghị chôn thân quả pháo trong lòng đất. Khi pháo
nổ , cát bụi bay lên và cả bọn reo hò. Ngày vui qua mau, chiều mồng
một Tết qua đi trong bận rộn, thời gian trôi quá nhanh so với cuộc
vui của đám trẻ con.
- Ngày mai mình về nhà ngoại hả mẹ ?
Đêm ấy tôi trằn trọc đến khuya vì mải mê tính toán những trò chơi
nghịch ngợm với anh em họ bên nhà ngoại. Tôi đã dự tính dùng dây
thun buộc vài viên pháo chung vào nhau để tăng sức ép khi pháo nổ
. Dùng lon sữa bò đậy lên, với hy vong khi pháo nổ lon kim khí sẽ
bay lên cao. Nhưng đó chỉ là đơn thuần một ước của mơ trẻ con, vì
dòng đời cuốn trôi không cho phép giấc mơ thành sự thật. Trò chơi
này không bao giờ đến hay đúng ra tôi không còn dịp và nhất là không
còn thích thú để thực hiện vì những diễn biến trong năm đó.
Sáng ngày mồng hai Tết, mẹ tôi đánh thức anh em tôi sớm hơn thường
lệ và hối thúc anh em tôi rửa mặt.
- Cơm sẵn trên bàn, các con rửa mặt rồi ăn cho no bụng nghen.
!
Tay dụi mắt tiến về nhà tắm, tôi nhận thấy hương vị ngày tết hay
cái không khí ngày tết đã biến mất. Một thoáng ngơ ngác. Mẹ tôi
không trang điểm và mặc quần áo mới như mọi khi, mẹ tôi đang bận
rộn sắp xếp quần áo và vài vật dụng cần thiết vào trong cái túi
vải. Nét lo âu hiện rỏ trên mặt.
- Lẹ lên đi con, trễ rồi.
Mẹ tôi thúc giục nhưng không nhìn mặt tôi
- Mẹ ơi, mình về ngoại ở chơi luôn hả mẹ ?
Mẹ tôi dừng tay nhìn hai anh em tôi, một tay vén tóc xõa trên mặt,
một tay đẩy anh em tôi vào nhà tắm
- Giặc đánh tới rồi, rửa mặt ăn cơm. Lẹ lên rồi lên đây mẹ dặn.
Đến lúc này tôi mới hoàn toàn tỉnh ngủ và nhận ra những tiếng nổ
giòn nối tiếp nhau văng vẳng từ xa. Theo lời mẹ tôi thì đó là tiếng
súng giao tranh. Anh em chúng tôi ăn uống vội vã theo sự hối thúc
của mẹ Một tâm trạng sợ hãi nổi lên trong lòng, nhưng tôi vẫn không
biết mình sợ những gì. Tiếng súng trường đủ loại tiếp tục nối tiếp
nhau xen lẫn những tiếng nổ lớn, có khi rung chuyển cả mặt đất.Tôi
chợt nhận ra sự vắng bóng của ba tôi. Bộ quân phục đã biến mất,
tôi mới hiểu rằng ba tôi đã trở lại đơn vị . Bên ngoài ngõ tiếng
người nói lao xao, bác thầy giáo nhà kế bên cùng vài người lớn tuổi
bàn bạc hối hả . Lúc bấy giờ tôi mới nhận ra trên máy thu thanh,
những bản nhạc hùng tráng tiếp nối nhau thay thế những mẩu chuyện
hay dòng nhạc chào xuân như mọi năm.
Có tiếng xe ngừng trước cửa nhà, bóng ba tôi hối hả vào nhà và
nói nhỏ cùng mẹ tôi.
- Đường lên phi trường bị chận rồi! Tụi nó về đóng chốt ở ngã
tư Bảy Hiền
- Làm sao bây giờ?
Mẹ tôi đáp trong âu lo.
Ba tôi nghe ngóng tiếng súng cùng nhìn những cột khói đen và đáp..
- Chắc trại Cảnh Sát Dã Chiến Nguyễn Kim đang bị tấn công.
- Trời ơi! Ngày Tết mà cũng không yên!
Mẹ tôi chán nản.
Tiếng súng mỗi lúc càng thêm dồn dập, những tiếng nổ lớn dây chuyền
nối tiếp nhau. Thình lình một tràng tiếng "lốp đốp" trên
mái tôn, tựa chừng đá rơi trên nóc nhà.
- Đạn lạc.. Vào hết trong nhà..
Ba tôi hối hả đưa cả gia đình vào nhà, mọi người trong xóm không
ai bảo ai, nhanh chân về nhà khóa cửa cẩn thận. Theo bản năng của
một người lính ba tôi đã tìm cho gia đình một vị trí tạm an toàn
trong nhà. Tiếng súng mỗi lúc một gần hơn, chúng tôi nằm sát dưới
sàn nhà. Ba tôi sửa thế nằm của anh em tôi. Dùng hai bàn tay che
mặt đồng thời dùng khuỷu tay đệm dưới ngực để tránh chấn động do
những tiếng nổ lớn. Tiếng súng vẫn không dứt và kéo dài hằng giờ,
giữa những tiếng đì đùng là những tràng liên thanh chát chúa. Khu
nhà tôi đã bị lọt vào vòng lửa đạn của đôi bên. Không khí thơm ngát
ngày xuân của hoa cỏ , của hương án trên bàn thờ đã tan biến, tất
cả đã bị thay thế bằng mùi thuốc súng cùng khói lửa khét lẹt của
điêu linh của sợ hãi.
Thình lình có tiếng xe vespa ngừng gấp trước cửa và có tiếng gõ
cửa dồn dập
- Anh chị có nhà không? Em đây!
Tiếng người dì tôi hối hả ..
Ba mẹ tôi nhìn nhau ngơ ngác rồi hối hả ra mở cửa đón vợ chồng người
dì họ vào nhà.
Dượng tôi dựng xe xong vội vã thay bộ quân phục và phàn nàn.
- Tụi nó vây khu nhà mình rồi, em tìm cách trở lại giang đoàn
mà không lọt.
Đến xế chiều thì tiếng súng thưa dần, lác đác vẫn còn những tiếng
súng lẻ tẻ của đôi bên. Mẹ và dì tôi xuống bếp nấu nhanh một nồi
cơm nóng, vì từ sáng sớm cái sợ đã lấn át cái đói. Nhưng thật sự
, không ai còn tha thiết đến ăn uống ngay cả chính tôi dù chỉ là
cậu bé mười tuổi.
Buổi chiều qua nhanh, cũng là lúc mọi người nhận ra rằng nhà đã
bị mất điện từ lâu. Ba tôi thấp vội ngọn nến dưới sàn nhà và cả
nhà ăn vội bữa cơm chiều. Nồi cơm gần như còn nguyên vì không ai
còn đủ tâm trí nghỉ đến ăn uống. Ba tôi mở máy thu thanh nghe ngóng,
nhưng không có tin tức gì mới mẻ ngoại trừ những bài nhạc hùng tráng
cùng lời kêu gọi binh sĩ các cấp mau trở lại trình diện đơn vị .
Khi màn đêm hoàn toàn buông xuống thì có tiếng chân người chạy
huỳnh huỵch quanh nhà. Dượng tôi thổi vội ngọn nến và bảo mọi người
im lặng. Xen lẫn trong tiếng chân người là tiếng kim khí va chạm
vào nhau. Trời tối đen như mực vì đèn đường đã bị thiêu hủy hoặc
trạm biến điện gần trại cảnh sát đã bị phá hủy. Có tiếng người nói,
khe khẽ gọi nhau. Vẫn là tiếng Việt nhưng những điều họ nói hoàn
toàn xa lạ đối với tôi, những ngôn từ mà tôi chưa hề được nghe qua.
Lẽ đương nhiên, tôi hoàn toàn không hiểu.
- Tụi nó!
Tiếng dượng tôi nói nhỏ vừa đủ để mọi người nghe.
Cả đêm không ai chợp mắt được nhưng cũng không dám gây tiếng động
lớn, ngay cả khi đi làm vệ sinh.Tiếng người lạ quanh nhà cùng tiếng
súng lẻ tẻ vẫn nổ đì đùng suốt đêm không dứt. Có thức đêm mới biết
đêm dài. Đêm ấy quá dài cho tôi, gia đình tôi và có lẽ cùng hàng
ngàn người dân trong vùng lửa đạn. Tôi thiếp đi lúc nào không rỏ
, bỗng giật mình tỉnh giấc khi có tiếng trực thăng vần vũ trên đầu.
Đạn lại nổ , súng lại tiếp tục thi nhau gào thét khi mặt trời bắt
đầu ló dạng. Nhìn qua khoảng trống giữa mái nhà bếp, ba tôi nhận
ra phi cơ thám thính và bảo mọi người chuẩn bị . Quả nhiên không
đầy mười phút sau, tiếng máy bay khu trục gầm thét xé trời lướt
qua nóc nhà tôi kéo theo vài tiếng nổ "bụp" "bụp".
Ba tôi ra dấu và mọi người bịt tai, theo bản năng tự nhiên tôi làm
theo mọi người. Chỉ sau vài giây là những tiếng nổ rung chuyển mặt
đất. Tuần tự các phi tuần nối tiếp nhau, tôi không nhớ rõ là bao
lần. Nhưng khi nghe tiếng động cơ rít nhanh là lúc tôi đưa tay bịt
hai tai và nhắm mắt chờ đợi.
Tiếng súng bắt đầu rời xa khu nhà tôi khi mặt trời đứng bóng. Dượng
tôi định ra xem tình hình nhưng ba tôi ngăn lại
- Không được. Rủi máy bay nhìn lằm thì nguy.
Đến chiều, có tiếng người chạy xen lẫn tiếng kim khí va chạm vào
nhau cùng tiếng gọi nhau. Nhưng khác với lần trước, họ nói với nhau
bằng tiếng miền nam, và bằng những ngôn từ mà tôi có thể hiểu được.Ngoài
ra, ngôn ngữ của họ được chấm câu hay bắt đầu bằng những tiếng chửi
thề thô tục. Mọi người trong nhà nhìn nhau. Không ai bảo ai nhưng
niềm vui dường như hiện hẳn trên gương mặt.
- Cẩn thận, khoan đã!
Ba tôi giữ dượng tôi lại.
Có tiếng người dừng lại trước cửa nhà và bàn tán to nhỏ . Ba tôi
và dượng tôi đưa mắt nhìn nhau. Bỗng có tiếng chân người chạy đến
và gọi
- Ông thầy! có thằng 3 gọi.
Tiếp theo là tiếng máy truyền tin xì xèo cùng tiếng đàm thoại
Dượng tôi cung tay mừng rỡ
- Lính mình tới rồi!
Khoảng mươi phút sau, ba tôi và dượng tôi ra mở cửa, tôi không
được phép ra nhưng văng vẳng có tiếng người hàng xóm mừng rỡ ""
Biệt Động Quân tới rồi!! "". Tôi lần mò ra cửa, dưới mắt
tôi, những người lính mặt mày đen đúa đang nằm ngồi trò chuyện nhau.
Họ nằm ngay trên mặt đất, dưới gốc cây. Có người đang lim dim tìm
giấc ngủ vội, có vài người đang quây quần ca vọng cổ ngân nga. Không
lẽ họ đang hân hoan vui ngày đầu năm? Chỉ cần nhìn sơ qua tôi cũng
đủ nhận ra rằng họ vừa trải qua một cuộc chạm súng, quần áo bê bết
bùn đất. Vài người đã bị thương, người lính quân y với dấu hiệu
hồng thập tự trên chiếc nón sắt rất bận rộn tới lui. Thế mà họ vẫn
vui cười, vẫn vô tư lự như một chuyện rất bình thường. Có lẽ súng
đạn đối với họ là một trò đùa nghịch ngợm không hơn không kém. Có
người trong xóm mang thức ăn ngày Tết trao cho họ . Những người
lính ấy thưởng thức một cách ngon lành, vừa ăn vừa cười đùa chọc
ghẹo. Dường như hai chữ hiểm nguy không chính thức hiện hữu trong
trí của họ . Vài người lính đầu trần tiến đến nhà tôi xin nước uống.
Me tôi rót đầy nước lọc vào hai bi đông cho hai người lính, qua
đến người lính thứ ba thì bình nước đã cạn, mẹ tôi hối tôi vào nhà
lấy thêm cho chú lính. Khi tôi trở ra, chưa kịp đong đầy bi đông
nước cho chú lính thì có dấu hiệu của người đơn vị trưởng, người
lính cám ơn và lẹ làng quay gót. Người đơn vị trưởng một tay cầm
ống liên hợp, một tay chỉ vào bản đồ trên mặt đất, vài người lính
quỳ gối chống súng chăm chú theo dõi. Trong phút chốc, mỗi người
bồng súng chạy về mỗi hướng khác nhau. Trong khi di chuyển họ đưa
tay làm hiệu. Cả đoàn quân như bị điện giật, mọi người lính từ mọi
tư thế khác nhau đều bật dậy. Nón sắt lên đầu, tất cả vào tư thế
chiến đấu. Người đơn vị trưởng trao ống liên hợp cho người lính
mang máy truyền tin, nhét vội tấm bản đồ vào ngực, xem xét lại đạn
được và quan sát đoàn quân. Tôi còn tần ngần trước cửa với bình
nước lọc trong tay, thì phía bên lề đối diện, người lính xin nước
khi nãy đã sẵn sàng trong tư thế chiến đấ. Súng lăm le trong tay,
chú lính đưa tay làm hiệu bảo tôi vào nhà. Khi bước vào nhà, tôi
còn nghe tiếng người đơn vị trưởng nói với ba tôi
- Tụi nó chạy về xóm Lê Đại Hành, tụi tui qua hốt tụi nó.
Ngồi trong nhà nghe ngóng, đoàn quân di chuyển trong vội vã hướng
về đường Lê Đại Hành. Khoảng mươi phút sau thì súng nổ từng chập.
Sau đó, đủ loại súng thi nhau nổ giòn như pháo đêm giao thừa. Mọi
người trong nhà đưa mắt nhìn nhau! " Họ đụng trận rồi! "
Mờ trong bóng chiều -
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng -
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng -
Lạnh lùng theo trống rồn
Trên khu đồi nương
Im trong chiều buông
Ra biên khu trong một chiều sương âm u
Âm thầm chen khói mù
Bao oan khiên đang về đây hú với gió
............
(Chiến sĩ vô danh)
Thời gian trôi đã gần bốn mươi năm, tóc xanh xưa giờ đã ngả màu.
Vận nước trôi nổi, bềnh bồng trong kiếp lưu vong. Binh chủng mũ
nâu không còn chính thức hiện hữu, nhưng hình ảnh những người lính
gian khổ ấy vẫn còn đậm nét. Ngày nay, rải rác trên báo chí ngoại
quốc hay trên các mạng lưới điên toán, hình ảnh những người lính
Cộng Hòa làm lòng tôi se thắt. Mấy mươi năm nhìn lại, gương mặt
của những người lính trong cuộc chiến bảo vệ quê hương tôi hãy còn
quá trẻ . Có lẽ người đơn vị trưởng mà tôi gặp vào năm Mậu Thân
còn trẻ hơn ngay cả chính bản thân tôi bây giờ. Những người lính
trẻ ấy nay về đâu? Họ có được một mái ấm gia đình như hằng mong
ước; một ước mơ bình dị như bao người, hay đã gục ngã ngay từ những
phút dầu sôi lửa bỏng của ngày Tết Mậu Thân năm đó, hoặc tật nguyền
lê thân tàn kiếm sống bằng lòng hảo tâm của thiên hạ . Chiến tranh
bao giờ cũng tàn bạo, những kẽ gây chiến tranh đã bất chấp mọi ràng
buộc phong tục thiêng liêng của dân tộc để đi đến thắng lợi cuối
cùng. Năm Thân một lần nữa lại đến trên quê hương, nhưng hai chữ
Mậu Thân có lẽ tồn tại rất lâu trong tâm trí những kẽ như tôi và
có lẽ cho hàng triệu người dân đã từng sinh sống phía dưới vĩ tuyến
thứ mười bảy của dãy đất hình chữ S. Giờ đây, tôi thấm hiểu vì đâu
mỗi lần bài hương cúng trời đất, ông bà tôi thường dành riêng một
bàn hương để tạ ơn các chiến sĩ vô danh.
Mùa xuân sắp đến trên quê hương, mong rằng mùa xuân của năm Mậu
Thân không còn ám ảnh dân tộc, nó chỉ xảy đến một lần và chỉ một
lần thôi, cho dù rằng là một mùa xuân khó quên.
Xuân Giáp Thân 2004
Hoang Mai Phi
|