SỐ 32 - THÁNG 11 NĂM 2006

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Chiều Hàng Châu
24 Vũ Hoàng Thư
Nửa
24
Trần Việt Bắc
Em là bóng đêm

23
Huỳnh Kim Khanh
Tôi biết anh mất Mẹ
21
Hoàng Du Thụy
Cao Tiệm Ly khóc Kinh Kha
21Trần Hoan Trinh
Chuyện tình mưa ngâu

18
Tôn Thất Phú Sĩ
Nghe đời buồn hiu
18
Kim Thành
Về thăm chốn cũ
17Ngọc Trân
Gió thu lạc đường
17Maihoado
Vườn xưa
17Phan Thế Phiệt

Truyện ngắn, Tâm bút

Mưa trên phố suối Snoqualmie
14
Phan Thái Yên

Đoạn đường tù binh
14
Phạm Hồng Ân
Quan tòa
13
Nguyên Nhi

Màu hoa biển
14
Cỏ Biển

Thân phận người đàn bà
15
Võ Thị Đồng Minh

Vương tơ
8Song Thao

Trung Quốc mùa thu, Mây nước tiêu tương
8Vũ Hoàng Thư

Văn học, biên khảo

Nhà Trần khởi nghiệp (6)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (6)
4Ngô Văn Xuân
Hoa tàn
4Xuân Phương
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 19

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 26
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Màu Hoa Biển

 

Tôi không phải là cô gái đẹp nghiêng nước nghiêng thành, nhưng cũng không phải là "cô gái trời bắt xấu", chỉ có thể nói rằng tôi thuộc loại "xấu đẹp tùy người đối diện"giống như nhiều người diễn tả về nhan sắc của mình trong mục tìm bạn tâm tình trên mấy tờ tạp chí. Mỗi đầu tháng cuối tuần sau khi lãnh lương, tôi thường dẫn bầy em ra xe mì đầu ngã ba đường đãi cho mỗi đứa một tô, không ngờ sau khi ăn xong, ông Tàu già quen mặt lại không lấy tiền. Còn đang ngạc nhiên thì ông ta cười cười lơ lớ nói :

- "Hầy, có người trả tiền cho nị dồi"

Từ chối mãi không được tôi đành dẫn mấy đứa em đi về mà đầu óc cứ thắc mắc không biết là ai. Bọn con nít thì cười tí toét bàn tán, nếu biết trước sau khi ăn tôi khỏi phải trả tiền thì mỗi đứa sẽ ăn hai tô kèm theo mấy cái dầu cháo quẫy, bánh tiêu mà chủ tiệm đã đặt trên bàn mời khách. Cho đến khi quẹo vào ngả rẽ đầu ngõ chị em chúng tôi mới khám phá ra anh chàng hàng xóm ở tầng lầu trên phía chung cư đối diện đang cười “mím chi cọp “ lẽo đẽo đi theo sau, chắc hẳn trong lòng đang thích thú bởi vừa có dịp tiến thêm một bước làm quen thay vì chỉ biết“đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư “ mỗi lần tôi đi qua. Anh chàng đang áp dụng bài học căn bản vỡ lòng của khoa tán gái là "thương em con chó nhà nàng anh cũng phải thương". Nhà tôi không có nuôi chó, chỉ có bầy em tám đứa mà tôi là chị phải chăm sóc sau giờ đi học và đi bán hàng về. Hàng xóm rất dễ nhận biết đám con nít em tôi bởi vì tôi vừa là thợ may kiêm thợ cắt tóc. Mấy đứa con gái đều có một kiểu tóc“à la gạc xông”, tiền lương phụ việc cho cửa tiệm của bà Dì, tôi đều dành phần lớn mua vải may cho chúng một loạt quần áo giống nhau. Mấy nhỏ bạn học ghé nhà chơi nói giỡn với tôi : "ta nhìn mấy đứa em mi mặc đồ, ta tưởng ta đi lạc vào viện dục anh. Ai muốn làm quen với bà chị của chúng chắc phải hao tốn nhiều quà cáp hơn người thường ". Thật vậy, lần trước có một anh chàng cũng ở tầng dưới lầu dãy nhà trước mặt mon men qua tìm gặp tôi làm quen bị mấy đứa em làm kỳ đà cản mũi từ ngoài sân. Đứa giả bộ tìm chìa khóa mở cánh cửa sắt lâu lắc để mấy đứa khác rần rần chạy vô báo tin cho tôi ngồi yên trong buồng. Ngồi cà kê mãi với bà chị tôi, khoe hết chuyện này đến chuyện khác về mình, kể cả việc làm ở cơ quan Usaid lãnh lương tháng bao nhiêu cũng khai tuốt luốt vậy mà vẫn không được tôi ra tiếp hắn đành lủi thủi đi về, lúc ấy tôi bỗng nhớ ra hắn chính là tên có lần đứng đón xe lam với tôi ở ngã ba và leo lên ngồi bên cạnh, lợi dụng lúc bác tài thắng gấp đã ngã chúi vào tôi rồi nham nhở cười, có những buổi chiều đứng bán hàng trong cửa tiệm Dì tôi ở Nguyễn Huệ hắn cứ lượn vào giả vờ đứng ngắm hàng. Thế là từ ngày ấy về sau mỗi lần đi ngang trông thấy hắn đón đường tôi vội vàng quay mặt phía khác kèm theo cái nguýt dài kín đáo hoặc nguây nguẩy ngước mắt lên trời giả vờ nhìn mây trắng bay. Tình cảnh của tôi quả thật đúng với câu " Vô duyên đối diện bất tương phùng " với cả hai người.

Bà chị tôi nói "Em ơi ! đừng có làm kiêu quá coi chừng bị ế thì khổ” không nghe người ta nói "Già kén thì kẹn hom" hay sao ? Nhà mình em út đông quá nên ít có anh chàng nào can đảm nhào vô. Tôi biết con gái chỉ có một thời, nhưng chẳng lẽ vì sợ vậy lại dối lòng để quen người mà mình chưa thấy thích dù người đó đã bày tỏ cảm tình đối với mình, vả lại tôi còn đang đi học nên chưa vội vàng bước vào đường tình với “trăm lần vui vạn lần buồn“như mấy đứa bạn. Bọn chúng đứa nào cũng có ít nhất một mối tình thời áo trắng, mỗi trưa cuối tuần tan trường nhìn chúng có mấy anh “tiền tuyến “đủ sắc áo đứng chờ bên chùa Xá Lợi đã đủ làm tôi vui lây theo, cũng có thể bởi vì tôi chưa gặp được người làm cho con tim tôi rung động chăng ? Chắc là như vậy rồi, nên tôi chẳng cần phải nghĩ ngợi xa xôi chỉ muốn sống thật vô tư với tháng năm của tuổi trẻ.

oOo

Ngày xưa khi tôi còn bé tí teo có lần ghé nhà thăm ngoại, tôi gặp một người theo vai vế phải gọi là ông cậu vì là người em trai út của bà ngọai ghẻ, mẹ kế của má tôi. Ông cậu mặc bộ quần áo trắng hết sức ngộ nghĩnh, cái quần rộng ống phía dưới chân loe ra như chân voi. Cái áo thì lạ lùng hơn vì cổ áo là một miếng vải thật lớn trên có may những đường viền sọc màu xanh chung quanh và cái áo thì ngắn ngủn rộng ngang thắt lưng, thêm cái cà vạt màu đen đeo toòng teng trước ngực, trên đầu lại đội cái nón có hình mỏ neo, vành nón tròn quay giống cái rế của ông Tàu bán kẹo đục hay đội trên đầu, chỉ khác là cái nón có màu trắng tinh thay cho màu cháo lòng dơ hầy của ông ta. Lúc đó nghe người trong nhà nói ông cậu đang là lính thủy. Lớn lên một chút mỗi lần ba má dẫn ra chơi bến tàu Saigon thay vì leo trèo chạy nhảy trên mấy cái cầu tuột hay xích đu, tôi hay mon men theo nhìn mấy con tàu đậu dọc theo cầu tàu, nếu may mắn có một chiến hạm chạy trên sông là tôi lại được dịp nhìn một hàng người đứng dàn chào ngay ngắn dọc theo hông tàu với bộ quần áo trắng tinh. Những hình ảnh đẹp đẽ oai hùng ấy đã lưu giữ mãi trong tâm trí tôi không hề phai nhạt cho đến khi trưởng thành.

Những năm đầu trung học, giờ chơi tôi hay vào thư viện ngồi đọc sách, tình cờ đọc được một quyển truyện viết về một anh chàng trẻ tuổi bị hấp lực của biển cả lôi cuốn anh ta sống đời thủy thủ. Chuyện xảy ra ở tận bến tàu Marseille xa xôi của nước Pháp. Anh ta phải chọn lựa giữa tình yêu gia đình và đời sống lênh đênh trên đại dương, đi qua những bến cảng xa lạ hàng mấy tháng trời hoặc cả năm không về nhà. Tuy do dự vì tiếng gọi của biển khiến anh khó cưỡng lại được, anh cũng hứa với người yêu đây là chuyến đi cuối cùng của anh. Nhưng oái oăm thay khi tàu vừa rời bến cô người yêu mới biết mình đã mang thai, sống trong đợi chờ với bào thai lớn dần cuối cùng cô phải đành chấp nhận lấy người khác để cứu vãn danh dự gia đình. Khi chàng thủy thủ trở về anh ta mới hay người yêu của mình giờ đã là vợ người ta, con của mình mang họ người khác trên khai sinh. Ông chồng già là một người quen biết đã thầm yêu cô gái từ lâu, chứng kiến mối tình của hai người từ lúc mới yêu nhau nên dành cho người vợ quyền quyết định chung sống với ai và chấp nhận mọi kết quả, nhưng cô gái biết mình không thể trói buộc anh sống hết đời với gia đình một cách bình thường, khiến anh từ bỏ mộng tưởng, bắt anh xa rời con tàu và quên đời thủy thủ vì vậy cô đành phải chia tay với mối tình cũ trả anh về hội ngộ với trùng dương. Đoạn cuối câu chuyện làm tôi ngậm ngùi thấy rất tội nghiệp cho anh chàng thủy thủ.

Cũng năm học đó tôi có đứa bạn ngồi cạnh tên Thu Hà, lớn hơn tôi hai tuổi thuộc loại con gái trổ mã sớm nên có nét xinh đẹp khác hẳn mấy đứa trong lớp. Tan trường, thỉnh thoảng tôi thấy một anh lính Hải Quân với quần jean xanh nón trắng cùng Thu Hà song song thả bộ chầm chậm về dọc theo con đường Bà Huyện, xuyên qua vườn Tao Đàn đầy cây cao bóng mát. Anh chàng là hàng xóm nhà Hà ở cạnh nhà anh, trong bốn năm học Hà chơi thân với tôi nhất nên hay thủ thỉ kể cho tôi nghe về cảm tình êm đềm trong sáng như anh em của hai người, những buổi tối về phép anh chàng bắt ghế ngồi ngoài cái ban công trên gác chờ nó học xong bài mang cho nó gói bánh bò rễ tre, cái bánh tiu nóng hổi mua đầu hẻm vì sợ nó học bài ban đêm dễ đói bụng. Cũng có khi món quà là sợi dây chuyền làm bằng những con ốc biển mà anh ta tự làm trong những ngày rỗi rảnh lênh đênh hải hành hay kể Hà nghe về đời sống người thủy thủ trên con tàu có khi cả tháng chưa đặt chân trên đất, cảm giác lúc nào cũng bồng bềnh chao đảo khi tàu cập bến lúc mới bước lên bờ. Tôi nói :

- Sao ta thấy hoàn cảnh mi giống bài thơ của Nguyễn Bính quá mi ạ."Nhà chàng ở cạnh nhà tôi. Cách nhau một cái hàng rào sơn vôi. Nếu không có cái rào vôi. Thì chàng chắc đã leo rào thăm tôi"

Hà nghe xong cười ngặt nghẽo. Một hôm tôi xúi nó :

- Ê nhỏ, hôm nào anh Hiền nhà ngươi về phép hỏi giùm ta cảm giác sống trên tàu có giống như mấy ông nhạc sĩ đã diễn tả trong bài hát không ? Ví dụ như "Đài cao anh gác đom đóm bay nửa đêm ….” ; hay là"Trùng khơi nỗi sóng, lênh đênh triền sóng thấy lung linh rừng hoa, màu hoa thật trắng ôi hoa biển trắng ngất ngây lòng anh …. “

Anh chàng của nó trả lời với giọng thảm não :

- Ôi các cô ơi !! Đó chỉ là tưởng tượng thôi, khi trùng khơi nỗi sóng thì tụi tui ói thấu mật xanh, gan ruột ngất ngây vì lộn tùng phèo trong đó.

Tôi nói nhỏ vào tai của Hà :

- Anh chàng hay than với ngươi cả tháng trên tàu chỉ tắm bằng nước biển không có nước ngọt vậy khi đi bên cạnh nhà ngươi có nghe mùi gì không ???

Nhỏ đỏ mặt đấm vào vai tôi không trả lời, tôi tỉnh bơ nói tiếp :

- Đừng méo mó trí tưởng tượng chứ bạn, ta chỉ hỏi là khi tắm nhiều nước có muối như vậy nhà ngươi có nghe được mùi biển mặn hay không chứ bộ. Mi có nghe ông nhạc sĩ họ Trần viết bài Biển mặn chưa..” tôi nghe mùi biển mặn trên môi à”

Mối tình đẹp của Thu Hà với anh chàng thủy thủ kết thúc vào những ngày tháng cuối cùng của năm Đệ Tứ. Thu Hà đứng với tôi dưới gốc cây phượng già nở hoa đỏ ối ở góc sân thể thao, nắm tay tôi rưng rưng nước mắt cho hay ba má Hà tình cờ đọc xấp thư Anh Hiền viết gởi và khám phá ra mối tình hai người nên quyết định bắt Hà về ở luôn nhà ông bà nội ở tận Chợ lớn, cấm Hà liên lạc với anh. Nhỏ nghẹn ngào nói với tôi :

- Ba mình đọc từng bức thư và kết luận lời hứa hẹn chờ đợi mình lớn lên là chỉ để gạt mình. Ba nói ba là đàn ông nên biết hết mánh khóe của đàn ông.

Là con gái và còn chưa đủ lớn để thoát ra câu “tại gia tùng phụ “ nên phải nghe lời cha mẹ, tôi chỉ biết an ủi nó một câu :

- Bây giờ chỉ còn cách ráng quên buồn để cố gắng học hành, nếu anh ấy thương mi thì sau này lớn lên gặp lại, chắc ba má mi sẽ thay đổi thành kiến thôi. Đừng để cái tên buồn bã“dòng sông mùa thu” ảnh hưởng đến tâm trạng của mi.

Muốn an ủi tôi ngâm nga câu vọng cổ quen thuộc nhiều lần chọc cười Hà :

- Trời ơi, giữa chiến trường thọ tiễn nên Võ đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch thu ….. ơ.... ơ.... Hà …..

Hát xong nhìn thấy vẽ mặt ỉu xìu của Hà tôi mới chợt thấy mình thật đúng là vô duyên hết chỗ nói. Tôi bỗng nhớ đến mấy câu hình như trong tập thơ "Truyện chúng mình" của nhà thơ Nhất Tuấn :

"... Và kể từ đó chàng thủy thủ si tình
cúi đầu đi trên đường phố cũ một mình
đường vào Chợ lớn
đường đến trường Gia Long
Vẫn hai hàng cây cao bóng mát
vẫn tiếng chim trời ca hát
Tình yêu ! Ôi tình yêu
Còn một trái tim, trọn đời anh mang theo,
trọn đời anh giữ lại, cho trọn tình thơ dại ….

Tôi tự hỏi :

- Không biết ông nhà thơ Hải Quân này có phải là bạn của hai người hay không, mà sao làm mấy câu thơ trúng phóc tâm trạng họ vậy kìa ??? Công nhận mấy ông lính này giàu trí tưởng tượng cứ như đi giày saut trong bụng người ta, hay thật !!

oOo

Tích xưa có nói “Duyên nợ là sợi dây xích thằng, buộc vào gở mãi không ra “Khi lão ông Vi Cố đã xe duyên thì có chạy đàng trời cũng không thoát. Duyên nợ của tôi với anh không phải do sợi chỉ hồng cột lại như những cuộc tình bình thường mà lại do cái hàng rào kẽm gai gần bộ tư lệnh Hải Quân níu kéo. Bữa đó, ông thầy dạy Anh văn bận chuẩn bị hồ sơ đi tu nghiệp bên Úc nên lớp tôi được nghỉ hai giờ cuối, nhỏ bạn thân ngồi cạnh tên Ngọc Hiếu nhờ tôi lấy chiếc Honda của bà chị chở nó xuống bến Bạch Đằng giùm, tôi nhăn nhó :

- Rủi không kịp giờ trở lại trường đón bà chị mình, về trễ bị ở nhà la đó.

Ngọc Hiếu năn nỉ :

- Bảo đảm bạn sẽ về trước giờ tan trường mà, làm ơn giùm đi, tại nhà mình có việc, má mình muốn nhắn ông chú ghé nhà chiều nay.

Con đường Cường Để thật rộng với hai hàng cây sao dầu cổ thụ cao vút, tán lá tròn tuy thưa nhưng vẫn rợp bóng mát, dài theo hai bên là nhà xứ của các dòng nữ tu, chủng viện của các tu sĩ, tiếp theo là khu vực quân sự của Hải Quân công xưởng nằm dọc theo bờ sông, đối diện gần sát bộ tư lệnh là bệnh viện hải quân. Giống như tất cả căn cứ quân sự ở khắp nơi, ở đâu cũng được canh gác cẩn thận. Để cho một mình Ngọc Hiền ngồi chờ ông chú, tôi lang thang ra phía ngoài tò mò nhìn quang cảnh chung quanh. Hàng rào kẽm gai phía bộ tư lệnh ngăn con đường thành hai khu vực, dân sự bên ngoài và quân sự bên trong. Phía bờ sông các con tàu to nhỏ sơn màu xám được đánh số khác nhau đang neo đậu theo hàng dọc nằm cong cong theo mép nước có những chiếc cầu tàu nho nhỏ thả dài từ trên chiến hạm đến bờ.

Buổi trưa ở đây thật mát mẻ và yên tĩnh, gió từ mặt sông làm hai tà áo dài trắng của tôi bay phần phật, bên kia bờ Thủ thiêm vài chiếc đò nhỏ lắc lư trên sóng nước, bập bềnh trôi về hướng Khánh hội.

Khi quay người trở lại cổng bệnh viện tôi mới hay vạt phía sau tà áo dài của mình đã mắc vào cái hàng rào kẽm gai chắn ngang con đường từ lúc nào chẳng biết. Đang loay hoay nghiêng người cẩn thận gỡ từng chút thì bỗng đâu cơn gió khác thổi tới mạnh hơn cuốn luôn vạt trước vào vòng kẽm gai bên kia thành mớ bùng nhùng, chiếc áo tôi đang mặc may bằng tơ sống, một loại hàng mềm nhẹ mà đám nữ sinh thời thượng bọn tôi rất ưa chuộng có lẽ bởi cảm bài thơ của ông Nguyên Sa nên bọn tôi gọi là áo lụa, để mỗi trưa tan trường dưới” nắng Saigon anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà đông, anh bỗng yêu màu áo ấy vô cùng “ Bây giờ tôi đau khổ không biết nên cười hay nên khóc không dám nhúc nhích, cũng không dám mạnh tay sợ rách chiếc áo. Tôi giống như một con mồi đang vướng trong lưới nhện vừa gỡ từng mắc dây gai vừa lầm thầm rủa :

- Thuở trời đất nổi cơn gió bụi, má hồng ta nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên, vì mi gây dựng nên ta nỗi này Ngọc Hiếu ơi!!!

Còn đang tả oán trong miệng tôi bỗng giật bắn người khi nghe một giọng đàn ông thình lình phát ra bên cạnh :

-  Tôi có thể giúp gì cho cô không ?

Quay đầu lại phía sau tôi ngượng ngùng nhận ra một anh chàng trai trẻ vận toàn trắng, bộ quần áo thẳng nếp trên đầu đội chiếc mũ trắng với sợi dây vàng viền trên vành nón và cả đôi giày cũng trắng nốt. Nếu không có hai cái quai chảo màu vàng và sợi dây màu biểu chương đeo tòn ten trên vai thì tôi sẽ cho rằng anh chàng là một pho tượng thạch cao biết đi. Người ngoài cuộc chắc chắn sáng hơn người bên trong, chỉ một loáng anh chàng đã nhanh chóng gỡ hết hai tà áo đang vướng mắc trên hàng rào kẽm gai trong khi tôi chỉ biết thẹn thùa lí nhí lời cảm ơn.

Nắng xuyên qua kẽ lá lung linh, màu nắng làm tà áo dài trắng mỏng manh của tôi trở nên nhẹ nhàng như hai cánh bướm khi tôi ngượng nghịu chậm bước, lúc ấy trông thấy anh trong bộ tiểu lễ trắng tinh thật dễ mến và oai hùng.Qua câu chuyện làm quen tôi được biết đơn vị anh đóng ở ven biển miền trung và nhìn tôi không cần nói ra anh cũng biết tôi đang học trường nào bởi cái phù hiệu trường với hình hoa mai đang gắn trên ve áo. Ông nhà thơ lại thêm một lần nữa diễn tả trúng phong phóc chuyện của tôi và anh :

... Rất tình cờ anh có quen cô gái,
Học Đệ Nhất trường trung học nọ...

 Lẽ ra tôi sẽ mãi trong tình trạng thờ ơ, lãnh đạm với tình yêu nếu như không gặp Anh. Đến nửa năm học thì tôi của ngày hôm qua giờ đã đổi khác, người xưa nói quả không sai " Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” Cho dù tôi với Anh phải cách xa hàng trăm cây số nhưng tình yêu đã thu ngắn lại bởi những lá thư hàng tuần gởi cho nhau, càng ngày lời lẽ trong thư càng nồng nàn tha thiết, cho đến một hôm tôi bỗng nhận ra hình như mình vừa bước khẽ vào ranh giới "con đường tình ta đi", lúc đó mới khám phá ra trái tim đã thuộc về anh mất rồi ! Nó xao xuyến đợi chờ anh hẹn ngày về phép và đập nhịp nhớ nhung mỗi lần anh trở về đơn vị. Tôi yêu anh và yêu cả màu áo lính anh mặc, chủ nhật nằm dài trên sa lon nghe bản nhạc “tủ “ hát về lính biển tôi cũng bỗng thấy lung linh màu hoa biển trắng xóa trên trùng khơi trước mắt giống như mấy ông nhạc sĩ Hải quân tưởng tượng và viết thành lời trong bài nhạc.

oOo

Chuyện tôi quen anh chàng Hải quân tôi giấu biệt mấy đứa bạn, trong khi bọn chúng nhí nhố khoe khoang mấy chàng người yêu với nhau và nhìn tôi bằng đôi mắt ái ngại tội nghiệp, có đứa tốt bụng nhờ người yêu rủ anh bạn cùng tới trường đón nó để giới thiệu cho tôi, thậm chí rủ tôi cúp cua giờ học thêm nhờ tôi lái Honda chở nó lên thăm người yêu tận hậu cứ đơn vị ở Thủ đức mục đích mai mối cho tôi một anh chàng nhưng tôi lắc đầu quầy quậy với lý do nếu ba má tôi hay được sẽ cạo đầu tôi bằng búa, làm anh chàng được giới thiệu buồn thiu trông thật tội.

Niên học cuối cùng của thời trung học sắp qua mau, đám học trò muốn níu kéo ngày tháng mong manh để chúng trôi chậm lại. Giờ ra chơi chúng tôi từng nhóm nắm tay nhau đi vòng quanh sân trường, ghi nhớ từng kỷ niệm xưa cũ, cố thu hết gấp gáp những hình ảnh thân thương thời áo trắng vào tim óc, chuẩn bị cho ngày tháng chia xa.

Ước vọng từ khi còn bé mới vào học lớp Năm là mai sau này lớn lên sẽ làm cô giáo nên tôi hay rủ mấy đứa bạn thân cùng tôi thi vào sư phạm. Nhưng mong muốn này bị ba tôi ngăn cản với lời đe dọa :

- Nếu con học ngành này sau khi ra trường sẽ bị đổi đi tận Côn đảo hay Bà rá nơi "chó ăn đá gà ăn muối “

Học sử địa tôi biết Côn đảo là một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi cách xa đất liền và dùng để nhốt tù nhân từ thời Pháp thuộc, còn Bà rá là một địa danh lạ tai chắc kham khổ, thiếu thốn nên ba tôi mới ví von như thế chăng ? Với tôi chuyện xa nhà có khi làm tôi thích thú hơn vì mỗi cuối tuần có dịp đi xe đò về Saigon, tay xách, nách mang những món quà địa phương về thăm gia đình, được thấy các em tôi chạy ra reo mừng chị về. Suy nghĩ của tôi thật trẻ con và đơn giản quá. Về sau khi mấy đứa bạn đi dạy kể lại cho tôi nghe những khó khăn khi phải sống xa nhà với đồng lương ít ỏi so với gia tăng của vật giá, nhất là nỗi bơ vơ, cô đơn của một người con gái khiến tôi thầm cảm ơn ba tôi đã sáng suốt ngăn cản tôi.

Hôm tôi thi xong vừa đúng vào dịp xả trại anh lại được về phép một tuần. Công nhận mấy ông lính áo trắng có tiếng hào hoa lả lướt nhưng bao giờ cũng cẩn thận buông neo thật chặt mỗi khi cặp bờ. Vừa về phép là anh đã ghé nhà thăm tôi.Bà chị tôi công nhận anh thật can đảm mới dám quen tôi, có lẽ vì anh là sĩ quan đã quen với việc chỉ huy nên gặp bầy em nghịch ngợm của tôi anh thu phục cảm tình của chúng rất dễ dàng, không hiểu anh có phù phép gì mà đám em tôi hết sức mến anh, nghe tin tôi chờ thi vào trường Cán sự ngành gây mê học thêm hai năm nữa, anh lắc đầu xua tay :

- Đừng, em gây mê một mình anh đủ rồi.

Tôi phì cười cúi mặt trốn đôi mắt của anh bởi cảm thấy trong đó có tia lửa xuyên suốt tâm hồn tôi. Lần nào gặp nhau anh cũng kể cho tôi nghe những câu chuyện thú vị, về căn cứ anh đóng quân, về bạn bè, về những chuyến chở lính bộ binh ủi bãi, đổ bộ. Tôi ngây thơ hỏi :

- Em nghe nhiều bài hát diễn tả, "mắt em màu trùng dương ….” nhưng em đâu có thấy cô gái Việt nam nào có mắt xanh nước biển đâu ? Mà sao người ta cũng hay nói câu “mắt xanh con gái “ trong khi đó em chỉ thấy toàn là màu đen. Chỉ có con gái ngoại quốc mới có mắt xanh thôi.

Anh vuốt nhẹ má tôi cười :

- Em học văn mà không nhớ mấy ông nhà thơ là vua tưởng tượng sao ?

Yêu nhau nhiều khi tôi hay băn khoăn ! bởi tôi và anh là hai thái cực. Anh học ban Khoa học, tôi học văn chương. Anh say mê những con số, những định đề toán học, còn tôi đầu óc chỉ lan man những câu “Xin vì chàng xếp bào cởi giáp, xin vì chàng rượu thẫm từng câu. Vì chàng tay chuốc chén vàng, vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng. “Mỗi lần tôi bàn về văn thơ của mấy tác giả thời thượng của Saigon anh hay xua tay nói tôi lãng mạn làm tôi cụt hứng. Tôi phụng phịu hờn dỗi nói với anh :

- Anh với em không hợp nhau chút nào, anh chê em lãng mạn còn anh thì khô khan như ngói. Anh không nghe câu này sao : "… Yêu nhau là phải nhìn chung một hướng.” mới gọi là yêu.

Anh ôm tôi thủ thỉ :

- Em không nhớ nam châm có hai cực khác nhau mới hút nhau sao ? Yêu nhau anh chỉ cần nhìn nhau thôi, nhìn em là đủ, không cần nhìn ai khác.

Nghe câu nói tôi cười thầm thỏa mãn. Tuy miệng chê tôi lãng mạn chỉ thơ thẩn với mây gió vậy mà sau một tháng về lại đơn vị tôi bỗng nhận được gói bưu kiện anh gửi về trong đó là một tập thơ của nhà thơ địa phương lạ hoắc. Trong thư gửi kèm anh nói tặng tôi ngày sinh nhật vì biết tôi thích văn thơ và vì tập thơ này có mấy câu mở đầu anh thấy hay hay :

Xuân hồng cho ai, ai hỡi em ?
Cho đôi môi nhé mãi tươi mềm
Cho ngày thơ ấy vuông tròn mộng
Cho mắt thôi sầu qua những đêm …

Tôi ôm tập thơ ngâm nga và cảm động với lời lẽ anh ngầm trao gửi bởi tôi biết anh vốn xuất thân ban toán nên vụng về ngôn ngữ.

Văn chương anh không rành rẽ nhưng phải công nhận anh có tài kể chuyện, pha trò. Không biết khi anh học ở trường hải quân “Ô xi ết “bên Mỹ có được tiêm thuốc chứa chất tiếu lâm hay không, câu chuyện nào anh kể cho tôi nghe cũng đều làm tôi ôm bụng cười lăn. Bởi anh có biệt tài như vậy khiến thỉnh thoảng tôi ngầm ghen tương mỗi khi nghĩ đến ; với đầu óc nhanh nhạy hay pha trò tiếu lâm sẽ làm cho khối cô gái dễ có cảm tình yêu thích anh khi họ có dịp tiếp xúc, điển hình là tôi.

Cũng như bao cô gái có người yêu là lính, tôi hay vòi vĩnh đòi anh kể chuyện chiến trường, vì anh là lính duyên phòng nên chỉ có những câu chuyện kể về những chuyến tuần tra bờ biển, yểm trợ các đơn vị gần bờ.

Anh kể lại : - Có lần chở một toán nữ sinh trường Sư phạm kết nghĩa với đơn vị ở địa phương đi tắm biển, cắm trại bằng chiếc “ PCF” mà anh là thuyền trưởng. Để trổ tài trước mắt của các người đẹp, thay vì chạy thẳng đến đảo, anh lái chiếc tàu lượn nhiều vòng và tiến về phía cụm tàu đang neo trong vịnh đang có nhiệm vụ canh giữ cửa biển, mục đích để giựt le với mấy tên thuyền trưởng tàu bạn. Đang xả hết tốc lực gần đến bỗng nhiên anh nhìn thấy trong tầm mắt của mình, bên hông tàu bạn có một anh đoàn viên đang ung dung, thoải mái ngồi trồng khoai lang biển. Hốt hoảng anh đảo nhanh cần lái cho tàu lượn vòng ra xa một cách đột ngột làm các nàng đang đứng trước mũi tàu chỉ trỏ bị dồn té về một phía la oai oái, tôi ngạc nhiên ngắt ngang hỏi :

- Ủa, ở biển cũng trồng được khoai lang nữa hả, em chưa nghe bao giờ, chỉ có nghe người ta nhắc tới rau muống biển thôi.

Anh nhìn tôi cười to không trả lời, tôi giục anh kể tiếp ; Sau vụ đó làm anh quá country một cục.
Tôi ngăn lại hỏi anh :

- “Country một cục “ là gì ??
- Là quê một cục đó,

Tôi gật gù :

-  Ừ hén, bên hải quân anh nói chữ nghe vui ghê, sau đó nữa thì sao ???

Anh đi lòng vòng trên bãi biển, tình cờ gặp một cô nữ sinh mặt mũi trông rất xinh xắn dễ thương nên tán tỉnh làm quen bằng câu hỏi :

-  Sao em không xuống tắm biển mà ngồi một mình vậy ? Bộ em không thích hả ?

Cô gái e ấp một nụ cười nói :

- Tém biển vui lém en sợ nén en đen thui thui, ở đay im như boàn thạch lẹn như tờ hè hơi buoồn.

Anh nghe xong lùng bùng hai lỗ tai vì nghĩ mãi mới hiểu lời cô gái nói nên giả vờ trở về tàu nghe máy để rút lui có trật tự.

Nghe xong chuyện tôi cảm thấy hơi ghen ghen, xỉa tay vào trán anh và nhiếc :

- Quen với lính biển em không dám tin, mỗi bờ bến có để lại vài mối tình hay không ai mà biết ??

Đánh trống lảng anh quay ra nhắc sắp tới có chuẩn bị quà sinh nhật cho tôi. Tôi níu tay anh líu ríu dặn dò :

- Anh nhớ đừng bao giờ tặng em hai thứ quà này nhé. Một là khăn tay, hai là nước hoa. Người ta nói, yêu nhau tặng khăn tay hậu vận là sẽ lau nước mắt, còn nước hoa thì tình sẽ bay mất theo mùi hương. Cả hai đều có kết cuộc không tốt lành cho tình yêu.

Anh lại cười, tôi biết đàn ông vốn ngang tàng chẳng bao giờ tin những chuyện cỏn con có vẻ mê tín nên cứ van nài :

- Tin lời em đi anh, có kiêng mới có lành.

Trong thâm tâm của những cô gái có người yêu là lính chiến như tôi đều bất ổn, nào đâu biết được ngày mai khi ngày ngày trên đài phát thanh, truyền hình cứ rên rỉ với …” nghìn trùng xa cách.. người đã đi rồi" hoặc là thê thiết, não nùng hơn "…. ngày mai đi nhận xác chồng, say đi để thấy mình không là mình !!…" Bên nhau tôi cố gạt hết những âu lo, ưu tư trong mắt của nhau, những giờ, những phút quý báu của mấy ngày phép quá ngắn ngủi cả hơn nửa năm mới gặp nhau không đủ cho chúng tôi dù chỉ để nhìn nhau.

oOo

Trước hôm anh về đơn vị tôi và anh thả bộ dọc bến Bạch đằng, chỉ tay về phía sông tôi reo lên :

- Anh xem kìa,

Trên sông một chiếc chiến hạm đang xuôi theo con nước để ra cửa biển, dọc theo hông tàu một hàng người với lớp lớp áo trắng đứng nghiêm chỉnh trước mắt tôi giống hệt như thuở tôi còn là con bé, bây giờ tôi đã trở thành một thiếu nữ, người tôi yêu là một chiến hữu với những người đang đứng trên kia.
Anh nói với tôi :

- Tất cả những con tàu của bọn anh khi đi ngang đây đều phải cử một đội thủy thủ đứng dàn chào kính như thế.

Ánh mắt tôi chấp chới với màu áo trắng tinh, tôi hỏi anh :

- Sao người ta lại tưởng tượng màu hoa biển một loại hoa không có thật là màu trắng thay vì một màu khác ? Có phải vì bọt sóng màu trắng xóa nên Hải quân trên thế giới đều chọn màu trắng làm biểu tượng cho bộ lễ phục.

Bờ sông có gió heo lạnh thổi những cọng tóc của tôi bay bay, nép vào người anh khi bàn tay anh quàng vai tôi, anh thì thầm :

- Em có nhớ ngày đầu mình gặp nhau ở đây không ? Màu áo dài của em và màu áo lính của anh đều có cùng màu hoa biển.

Cỏ Biển