XUÂN KỶ SỬU SỐ 41 - THÁNG 1 NĂM 2009

 

Thơ

Mây
24Nguyên Anh
Quán không tên
24Vũ Hoàng Thư
Hạnh trắng
21Nguyễn Linh Khiếu
Đón xuân ở Chicago
18
Phạm Hồng Ân
Nhớ lại
18Trần Việt Bắc
Đóa hoa xưa
18Di Trương
Tình yêu đồng lõa
21
Huỳnh Kim Khanh
Về
21Ái Ưu Du
Nàng xuân trên đất Mỹ
21Hải Dương
Xuân trên đầu thác
24Đỗ Phong Châu
Cảm xuân xứ lạ
24Ngọc Trân
Rồi mùa xuân đến
21Tôn Thất Phú Sĩ
Trở trời
18
Kim Thành
Thương bác Trâu già
18Vinh Hồ
Mừng Sửu lên ngôi
21Tú Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Tản mạn Tết Kỷ Sửu
14
Trương Thanh Diễm Thùy
Cà kê dê ngỗng truyện con trâu
14Vinh Hồ
Trâu trắng trâu đen
14Nguyên Bông
Sớ Táo Quân
14Hải Dương
Mùa xuân và cỏ
13
Xuân Phương
Căn nhà sau cửa biển (2)
14
Phan Thái Yên
Ngựa biển
8Nguyễn Linh Khiếu
Chiếc lá trạng nguyên
8Cỏ Biển
Thoáng xuân
8Đỗ Trường
Tình nhẹ như mây
8Ái Ưu Du
Từ BĐII tới NAVOCS
8Nguyễn Chu Trương Dực
Truyện trong tiệm giặt
8Tầm Xuân
Đêm mơ
8Trần Hoài Thư
Eva
8Song Thao
Bóng nắng xuân
8Nguyên Bông
Con trâu cộ của cha tôi
8Vinh Hồ
Thang thuốc nam
8Trương Thanh Diễm Thùy
Về truyện ký của Phạm Tín An Ninh
8Đỗ Trường
CD Song Anh
8Vinh Hồ

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
1Trần Việt Bắc
Thể thơ Đường luật bát cú
4Vinh Hồ

Sống thiện chết lành - Kết
4Ngô Văn Xuân
Tình yêu trong ca dao về Trâu
4Vinh Hồ

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 28
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (22, 23, 24)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết (3)
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Đàn kiếm giang hồ (1)

1Huỳnh Kim Khanh


 

Căn nhà sau cửa biển


(tiếp theo)

5.

Mẹ qua đời vào một ngày cuối mùa hè trước giỗ đầu của cha. Căn bệnh tim ngày càng nguy kịch và nỗi thương nhớ con xa đã không giúp được mẹ nấn ná sống mà làm tròn bổn phận trước khi thanh thản theo chồng.  Những ngày cuối đời, lúc tỉnh táo mẹ cầm tay Nữ kể chuyện con, chuyện rể, và tháng ngày gia đình đầm ấm trong ngôi nhà ở phố những năm về trước. Câu chuyện Nữ nghe nhiều lần đã thuộc nằm lòng, qua hơi sức tàn của mẹ nghe thất lạc mong manh như giữa một giấc chiêm bao khiến nàng ôm chầm lấy mẹ khóc ròng. Một lần mẹ đòi Nữ phải đỡ bà ra trước sân nhà.  Đồi cát vọng chắn triều âm đã mấy mùa nắng cháy hạ vàng, âu sầu đông xám. Cát trải lòng im lìm qua cuộc biển dâu như hình ảnh câm nín mù lòa của thượng đế.  Những đứa con của mẹ giờ này đang lưu lạc, sống chết phương nào? Từng dấu chân trên cát, khuya sớm đi về hằn sâu lối mòn định mệnh.  Dấu chân nào của cha hụt hẫng thấp cao theo tiếng ho khan sau đêm biển sóng rạc rài. Dấu chân nào của đứa con lêu lổng, xác cha trên vai từng bước đoạn trường. Rồi đây sẽ chỉ còn dấu chân nhỏ nhoi đơn độc của Nữ trên cõi đời này. Mẹ nở nụ cười héo hắt khen con tốt nghiệp rồi thi đậu vào trường đào tạo giáo viên ở Hội An. Bà chép miệng thở dài.

- Anh Niên con vẫn chưa có tin tức từ nơi đày ải rừng thiêng nước độc. Ở đây một mình, đi học xa xôi quá. Con nên về nhà mình trong phố, đòi lại một phòng, ở đó đi học cho tiện. Chờ tới khi mô anh Niên con về hẵng hay.

Quắt quay với giây khắc ngắn ngủi còn sót lại, Nữ trân quí ôm mẹ muốn giữ chặt nhịp sống tàn hơi trong lồng ngực mẹ héo hon. Mẹ nhìn căn nhà mang đầy dấu vết của chồng con sau màn nước mắt, tay gầy vuốt tóc con xanh.

- Mẹ biết sức mình. Mẹ tin con có đủ nghị lực phấn đấu với đời. Thế nào cũng có ngày anh chị em lại sum họp dưới một mái nhà.

Đám tang mẹ lúc ngày vừa chớm. Bạn chài của cha vừa từ đêm khơi trở về, tóc áo còn lộng tanh mùi cá, họ lặng lẽ gánh áo quan giữa hai hàng xương rồng lối ra nghĩa trang nơi mẹ sẽ nằm cạnh cha suốt cả thiên thu. Nữ và gia đình cậu dì từ Quế Sơn bước sau quan tài khóc sụt sùi trong áo khăn sô. Đứa con gái mồ côi cha mẹ đứng bất động giữa hai hàng người thân. Mẹ nằm đó trong áo quan đóng chặt, chỉ tấc gang mà đã nghìn trùng. Chị Nhi, anh Dõng, anh Niên, các anh chị đang ở đâu ? Sao lại nở bỏ em một mình ở lại. Mắt Nữ lệ mờ đăm nhìn về phía đầm sông đợi chờ một điều không thể. Nữ cảm thấy trời thật cao và mọi vật dường như bất động. Thời gian. Hơi thở. Mặt nước lặng lờ.  Dì Chanh đến bên Nữ víu nhẹ vai cháu, trao cho nàng nhành bạch trang còn tươi lá. Nữ khóc òa lên lúc nhìn thấy cành hoa trắng trên nắp quan tài chìm dần dưới những nắm đất chôn kín đời người.

Buổi sáng sau ngày mở cửa mả, gia đình các cậu dì về lại Quế Sơn. Ngồi một mình trên bến đò thẫn thờ nhìn theo ghe người thân khuất dạng sau cù lao Thuận Tình, Nữ sợ đến điếng người khi cảm nhận ra mọi người đã bỏ đi và anh Niên đã thực sự không về.
Dáng anh Niên ngồi buồn dưới hiên nhà, bóng anh đơn độc chèo đò qua sông buổi sớm bỏ nhà ra đi, và hình ảnh xác xơ của anh trong trại tạm giam ở Chân Mây vì tội vượt biên mãi rõ nét trong trí nhớ Nữ.

Chẳng bao lâu sau cái Tết đầu tiên xa nhà, anh Niên phải sống lang thang ở  Đà Nẵng, thì mẹ và Nữ hay tin anh vượt biên thất bại. Nữ theo mẹ lặn lội đi xe đò qua đèo Hải Vân ra tận Lăng Cô rồi Chân Mây tìm thăm con trai. Trong cảnh hỗn loạn, nạt nộ, khóc than, chờ chực, mẹ bật khóc khi thấy công an dẫn anh Niên ra phòng thăm nuôi. Khuôn mặt anh bơ phờ, vài vết bầm tím trên gò má trông anh càng tội nghiệp. Suốt nửa giờ thăm viếng, anh Niên luôn vỗ về an ủi mẹ.  Nữ trao giỏ thức ăn, áo quần, thuốc men cho người công an khám xét trong lúc mẹ thăn thỉ thăm hỏi con trai. Nhà nước đã “khoan hồng” để  anh Niên thay vì bị tù tội đã được “tình nguyện” theo đoàn lao động đi thâu hoạch quế trầm cho nhà nước. Đoàn sẽ khởi hành trong vài ngày tới. Người công an hất hàm ra dấu cho anh Niên nhận giỏ quà đã khám xong, rồi chỉ tay ra cửa nói với mẹ bằng thứ âm giọng miền ngoài khó nghe.

- Bác cứ yên tâm trở về địa phương sinh hoạt cho tốt.  Con trai bác nếu lao động tốt, bỏ ý định trốn theo Mỹ Ngụy thì thế nào cũng đoàn tụ với gia đình sớm thôi.

Mẹ già nước mắt lưng tròng bịn rịn từ giã con trai mắt cũng đỏ hoe. Niên thương mến nhìn em gái, cầm tay kín đáo trao cho Nữ mảnh giấy xếp nhỏ.  Đó là lần cuối cùng Nữ còn nhìn thấy nét tinh anh trong mắt Niên, buổi chiều cuối cùng không lâu trước khi anh Niên của Nữ bị quăng ngược vào u mê của rừng rú. 

Lúc hai mẹ con ra khỏi trại giam thì trời đã cuối chiều, chuyến xe đò sau cùng về Đà Nẵng – Ngã Ba Đi Huế đã chạy khỏi từ lâu. Đang lo lắng tìm nơi tá túc qua đêm thì một người đàn bà trẻ hấp tấp dựng xe đạp vồn vã chào hỏi. Nữ mừng rỡ gặp được người quen ở nơi xa lạ, reo vui.

- Chị Vê ở bệnh viện Hội An, vẫn thường đến nhà mình với anh Đức ở cùng giang đoàn với anh Dõng, mẹ nhớ không?
- Mẹ nhớ chớ! Cậu Đức, cậu Toản, cậu Hoát, cậu Lương sáng nào mà không sắp hàng ở bệnh viện chờ cô Vê, cô Mai y tá thử máu cho.
- Bác nhớ đúng nhưng nhìn không ra cháu vì mới có mấy năm mà cháu đã già đi quá nhiều phải không bác ? Chị Vê nhìn mẹ nói đùa rồi tỏ vẻ quan tâm. Bác có thường không, nhìn bác xanh và ốm lắm.
- Ôi thôi, già rồi ai mà không ốm. 

Chị Vê ân cần mời mẹ và Nữ về nhà, vừa đi vừa thăm hỏi chuyện nhà. Sau việc hôn nhân không thành, anh Đức buồn xin thuyên chuyển đi tàu biển. Vì tự ái, chị Vê cũng xin đổi bệnh viện ra Đà Nẵng mà không cho anh hay chị đã có thai. Sau bảy lăm, chị Vê đưa con trai về sống ở vùng đất nhỏ này cho tới bây giờ. Cháu Thiếu-Anh đã hơn bốn tuổi rồi, giống anh Đức như khuôn. Nữ nhìn ánh mắt chị Vê, thương cảm bồi hồi nhớ lại những lần thấy đôi tình nhân đến nhà thăm anh chị mình.

- Giống anh Đức như vậy chắc Thiếu-Anh “beau” lắm hả chị?
- Đẹp trai cho lắm chỉ thêm khổ con gái người ta thôi em ơi. Rồi chị đùa. Em được khổ chưa!?

Ngôi nhà nhỏ của mẹ con chị Vê ở cuối xóm, nghe được tiếng sóng biển. Trên tường tấm hình nhỏ đôi tình nhân chụp ngày còn ở Hội An quây quần với nhiều hình của cháu bé từ lúc nằm nôi. Cơm nước xong, bé Thiếu-Anh liến thoắng dẫn đường cả nhà ra bãi biển. Nhìn chị Vê cùng con nô đùa với sóng, tiếng cười trẻ thơ rộn trong tiếng rạt rào của biển, Nữ biết chị đang sống hạnh phúc và cảm thấy vui lây. Nàng ôm tay mẹ, nhìn những ánh đèn chài chụm đầu vào nhau trên mặt biển.
Đêm biển mùa xuân gió thổi mát lạnh. Chị Vê dẫn con ngồi xuống bên mẹ. Bà  ngồi im lặng, thỉnh thoảng lại buông tiếng thở dài.

- Bác yên tâm. Ngày mai cháu vào trại giam khám bệnh sẽ mang thêm vào cho Niên thuốc sốt rét và một ít thuốc kháng sinh. Ở đây cháu được tiếng là “bác sĩ” kiêm bà mụ, cấp cứu, đủ thứ... Chị Vê cười. Chẳng còn ai ngoài O y tá “chột” ni.

Chị Vê chỉ tay về phía núi thoáng mờ trong bóng đêm.

- Túy Vân phía đó. Đi ngược lên xa nữa là Nam Đông, A Sau, A Lưới... Họ làm ăn dữ lắm.  Tù vượt biên, tù tệ nạn xã hội, thay vì giam tốn cơm họ bắt “tình nguyện” đi tuốt vô trong núi xa, có khi qua tận Lào, tìm trầm đốn quế về cho mấy hợp tác xã, công ty quốc doanh. Tới khi nào đạt chỉ tiêu qui hoạch thì cho về.

Đêm hôm đó, trong căn nhà nhỏ bên bờ nước Chân Mây có thêm người mất ngủ, lăn trở thở dài. Lạ nhà không ngủ được, nửa đêm Nữ thức dậy rót nước cho mẹ thì thấy chị Vê đang đứng dưới hiên nhà nhìn trời khuya.

- Ở nhà em có nhận được tin tức chi của vợ chồng chị Nhi em chưa? Không biết họ bây giờ lưu lạc xứ nào?

Chị Vê hỏi Nữ rồi thở dài tâm sự. Gặp bác và em chiều nay lay dậy trong lòng chị cảm giác từ lâu lắm chị tưởng đã an bài. Không biết anh Đức bây giờ đang ở đâu? Định mệnh. Hạnh phúc. Khổ đau. Phải chi mà mình sống yên được với nó, cho dù vui hay buồn. Có một thời, lâu lắm rồi, chị tưởng chẳng thể nào tìm được hạnh phúc giữa nhớ thương, oan ức, khóc ròng... rứa mà thiệt lạ... trong cõi sâu thẳm nhất của khổ đau chỉ một thai động, một mấp máy môi cười đã giúp chị vượt qua tất cả, “chấp hết” và sống thương đời. Có lần trong một giấc chiêm bao chị đứng nhìn anh Đức và gia đình đang nô đùa hạnh phúc trên ngọn đồi hoa vàng rực rỡ. Tỉnh ra chị ẵm con nhìn tấm hình cũ của hai đứa mà lòng thật bình an. Tình yêu của chị về anh vẫn đằm thắm như thuở nào.  Em biết không? Chỉ là định mệnh mà thôi...

Khuya lắng sâu theo tiếng sóng rạt rào. Hai chi em đứng yên lặng hồi lâu. Hình như có tiếng Thiếu-Anh cười trong giấc ngủ trẻ thơ.  Chị Vê quay nhìn hỏi Nữ rồi tự trả lời.

- Có chi khác nhau giữa sống thương đời và nghị lực, em biết không?  Đó là khi Thiếu-Anh khóc hay cười, mà cu cậu thì khóc cười tùy “tình hình” nên mình luôn phải có sẵn cả hai để đối phó.

Nữ chợt nhớ ra tiếng cười “pha lê vỡ” của chị Vê vẫn như ngày xưa.

Chiếc xe đò chạy than cuối cùng rồi cũng uể oải lăn bánh về phía đèo Hải Vân. Mẹ và Nữ cùng nhoài người ra cửa xe vẫy chào. Cháu Thiếu-Anh ngồi sau lưng mẹ trên xe đạp, miệng cười tay vẫy thật dễ thương.

Xe vất vả trèo lên đèo dốc ngoằn ngoèo. Nữ mải mê nhìn mây núi quên cả thời gian, xe lên đến đỉnh đèo lúc nào không hay. Nữ nhớ lại lần đầu tiên theo chị Nhi ra Huế, lòng say sưa cảm giác lâng lâng lúc nhìn mây nước quyện nhau từ chốn lưng trời. Nàng thích thú lạ kỳ tưởng mình đang đứng trên mây nhìn xuống vịnh biển mờ sương khói. Giữa tiếng gió trời nồng nàn kỷ niệm, lòng chợt tạm quên đi tiếc nhớ sầu đau để chỉ còn nghe nhịp đập của tim và tiếng lòng anh chị Dõng Nhi trao nhau qua những dòng thơ Nữ đã thuộc nằm lòng.

Tôi về ngậm ngải tìm mơ
Trầm em hương vọng cuối bờ thơ ngây
Bóng tà huy đọng mây ngàn
Đèo xa quán lú sương bàng hoàng rơi
Này em nhấc chén sầu khơi
Tóc phai màu trách chi lời phân vân
Mắt như lá mộng mây gần
Chiều heo hút núi chập chờn thanh xuân.

 6.   

Sau ngày mẹ mất, Nữ đan lưới ở hợp tác xã thay tay mẹ trong khi chờ trường sư phạm ở Hội An khai giảng. Những người bạn buổi đổi đời của mẹ, họ vui tính và rộng lòng, giúp Nữ nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ mẹ cha đã qua đời và anh chị vắng xa. 

Trời hay mưa vào những buổi chiều hè sót muộn này. Mưa từ biển về. Nhóm đàn bà ngồi đan lưới dưới bóng dừa xóm Thuận Tình nhốn nháo dọn dẹp lưới thúng vào dưới hàng hiên nhà hợp tác rồi ngồi ngóng mưa qua. Màn nước trắng lịm cửa biển, phủ mờ xóm chài trên đồi cát  rồi lan dần lên mặt sông. Lúc mưa rớt giọt rào rào trên mái tranh thì đầm sông ngoài kia đã mênh mông một màu trắng xóa. Có lần mưa chợt tới giữa lúc Nữ chèo ghe về nhà sau buổi làm. Một mình trong bao la mưa, chỉ còn lại con đò dập dềnh theo nước quyện vây quanh. Nàng vô cùng sợ hãi và cảm thấy đơn độc đến tuyệt lòng. Nhưng rồi bỗng dưng trong một chợt thoắt sát na, Nữ bình tĩnh lạ lùng buông xuôi tay chèo nằm nhắm mắt bất động trong lòng con đò nhỏ.  Nàng hồ như nhẹ nhàng theo dòng nước, mơ màng theo mưa bay qua năm tháng, tình thâm, buồn phiền hệ lụy. Muôn vàn mưa rơi xuống châu thân nàng gõ nhịp bồi hồi, phải chăng cho lần chung cuộc trở về hay đẩy đưa Nữ thơ dại trôi xuôi vào vùng thinh sắc ảnh hình êm đềm kỉ niệm. Tiếng cười hiền của mẹ, tiếng nô đùa của anh chị trong rộn rã vườn trăng, và bóng dáng cha đứng dưới buồm căng  buổi sớm thuyền về nặng lòng cá quẩy, cuối cùng đã kéo Nữ ra khỏi giấc mê. Mưa đã tạnh tự lúc nào. Nữ vuốt mặt, trấn tĩnh, chèo đò vào bến. Triền cát ngấm mưa xa lắc ngã về nhà. Người khô rốc trong mệt lả nghi nan, nàng bấu từng bước chân mình lên cát ướt, vừa bước đi vừa khóc một mình.

Hoa sim quanh mộ phần cha mẹ dại tím buổi chiều sau cơn mưa. Khói hương bay lãng đãng trong ngày tàn. Vạt nắng xế nghiêng qua hiên nhà quạnh quẽ, mái lá im lìm. Đầm sông lặng lờ, phân vân níu lại dòng nước đang trôi xuôi ra biển. Nữ nhìn quanh cảnh sắc quen thuộc buồn thiu rồi dõi mắt ngược sông Thu về phố, lòng phân vân tháng ngày sắp tới. 

Nữ về lại nhà ở Hội An nhưng mãi sau gần hai tuần mới dọn vào phòng cũ của mình được. Buổi chiều trước ngày khai giảng, nàng theo ghe chài quen về bến chợ. Nữ hàm ơn quay chào người hàng xóm tốt bụng đã bỏ ghe xách giúp túi gạo bobo tiêu chuẩn nàng lãnh từ hợp tác xã đến nhà. Nàng tần ngần đứng lại trước cổng nhà thân yêu, cánh cửa khép hờ cũ kỹ màu sơn dưới giàn bông giấy lơ thơ hoa đỏ cuối mùa. Nữ tay xách vai mang, chân bước qua ánh mắt nhìn chẳng mấy thiện cảm của vợ chồng người bác họ. Chưa kịp trấn tĩnh cơn xúc động trở về, Nữ đã hốt hoảng hét lên khi nhìn vào căn phòng cũ của mình qua cửa sổ mở toang. Cửa ra vào bị khóa chặt, mấy tấm gỗ đóng nghiêng xéo làm đà chắn bên ngoài trông càng cáu bẩn. Gian phòng đã trở thành chuồng nuôi heo.

Nữ ngồi phệt xuống hiên nhà giữa đống áo quấn, sách vở, gạo mắm. Nước mắt ràn rụa, nàng nhìn về phía người đàn ông, căm hận đến không thể nói lên lời. Ông ngồi chò hõ kiểu nước lụt trên sân gạch.  Khói thuốc mờ mịt trào ra từ cặp môi xám xịt, mấy ngón tay xương xẩu đen đúa của người cán bộ huyện đội di di mẫu thuốc tàn dưới chiếc dép lốp.

- Cô này lạc hậu quá. Tăng gia sản xuất để cải thiện mà cô không nhất trí thì là thế nào? Bảo cho mà biết nhé.  Đợt thứ ba này lớn lên, bán xong là có tiền mua xe động cơ rồi đấy.

Giọng Quảng Nam pha lợ miền ngoài của người bà con tập kết càng làm Nữ chói tai, cáu giận thêm. Chẳng nói chẳng rằng, Nữ bặm môi xắn áo dùng khúc củi lớn phá sập tấm vách chắn, mở cửa lôi xềnh xệch hai chú heo con ra cột ở góc vườn. Người vợ lồng lên xỉa xói.

- Con Ngụy non chết tiệt kia. Mày khôn hồn thì xéo ra khỏi nhà bà.

Còn hiểu chút thiệt hơn khi nhìn vào ánh mắt uất hờn như tóe lửa của đứa cháu họ, người đàn ông chột dạ kéo vợ ra phía nhà trước. Suốt chiều hôm đó cho đến khi tối mịt, Nữ luôn tay xách nước giội rửa từ vách tới sàn mới chỉ bớt đi một phần sự dơ bẩn tích lũy từ mấy năm qua.  Đứng bên thành giếng trong vườn đêm chớm thu rười rượi, nhìn ánh đèn dầu le lói trên bệ cửa sổ thấp thoáng sau nhành vú sữa la đà, lòng Nữ nguôi ngoai. Nàng nhắm mắt lắng nghe mình trở về với những ngày ấu thơ yên ả.

Cả tuần lễ, sau buổi học Nữ vội về nhà bỏ thì giờ tâm sức cạo chùi từng phân vuông căn phòng. Sau đó nàng đến chào thăm gia đình người bạn của cha mẹ và hỏi nhờ tìm cách mua vôi màu để quét lại căn phòng đã dọn sạch sẽ. Bà mẹ ôm Nữ vào lòng, thương cảm đứa con người bạn  vắn số của mình, chỉ mới vài tuần sau ngày mẹ mất mà đã hao gầy thấy rõ. Hai người, một già một trẻ, ngồi hàn huyên chuyện nhà quên cả thời gian. Người con lớn của bà cũng là sĩ quan hải quân. Những ngày tháng Tư năm bảy lăm, anh Mẫn đang phục vụ trên tàu biển đã theo chiến hạm đi nước ngoài từ Sài Gòn, đến nay vẫn chưa có thơ tin như anh chị Dõng Nhi của Nữ. Người con kế là sĩ quan bộ binh, hiện đang ở tù cải tạo trên vùng núi Tiên Lãnh. Cũng như mẹ của Nữ lúc sinh thời và hàng trăm ngàn bà mẹ khác trên toàn Miền Nam, từ mấy năm nay bà vẫn ngày đêm mỏi mòn trông nhớ con xa và cặm cụi bới xách cho con gần trong vòng tù tội. 

Nữ khệ nệ ôm thùng sơn lớn trên tay, háo hức rảo bước về nhà. Bà mẹ đã sốt sắng lục tìm cho nàng thùng sơn gia đình cất giữ từ lâu nhưng vẫn còn dùng được. Bà còn hứa sẽ xin cho Nữ một chân trong hợp tác xã làm đèn lồng nơi bà là xã viên.

Một buổi chiều ở trường về, Nữ thấy những mảnh rời của chiếc giường cũ được ai đó dựng ngay ngắn phía ngoài vách cửa. Nữ đã lục tìm mấy hôm nay hầu như khắp nơi trong nhà mà chẳng thấy đâu.  Nàng nhìn về phía gian phòng lớn luôn đóng kín của vợ chồng người bác họ rồi tặc lưỡi lắc đầu. Họ trả lại cho mình là được rồi, hơi sức đâu mà nghĩ cho mệt. Người đàn bà trao cho Nữ một bóng điện tròn cũ sau khi nàng bằng lòng trả tiền điện mỗi tháng. Loay hoay suốt buổi chiều cho đến sập tối rồi Nữ cũng mang được giường vào phòng và ráp lại theo đúng khuôn chiều. Nàng trải chiếc chiếu mang theo từ nhà ở Xuyên Thọ lên  giường đặt ngay ngắn ở góc phòng.  Nữ nằm yên thật lâu trong mùi chiếu gối thân quen, lún sâu vào cảm giác ấm cúng trở về căn phòng tràn đầy kỷ niệm. Tiếng chuông xe đạp leng keng vào cuối giấc mơ kéo Nữ ra khỏi cơn mộng mị đầu đêm. Nàng biếng lười với tay kéo sợi dây công-tắc. Ánh đèn bật lên vàng tươi căn phòng còn thơm mới mùi sơn làm Nữ bật rộ tiếng reo vui. Sợi dây gai từ bóng điện trần nhà treo dài đong đưa khiến nàng nhớ tới bầy khỉ nhỏ bằng nhựa mềm anh Dõng cho đu tòng ten trên sợi dây dù màu ô-liu. Màu lân tinh ngũ sắc rạng lên mỗi lần Nữ tắt đèn phòng. Sợi dây quá khứ vui vầy hóm hỉnh đã thất lạc vắng xa. Nữ vùng dậy xếp dọn, tới lui tắm gội trong ánh sáng như nắng vàng đã thiếu vắng từ lâu.

Cuộc sống của Nữ dần ổn định theo với bận rộn ở trường và công việc ở hợp tác xã sau giờ học. Một tháng vài lần khi có giờ rảnh Nữ thường theo ghe cá về nhà, ở lại qua đêm, quét dọn thăm nom bàn thờ phần mộ mẹ cha. Nữ là đứa con chung của xóm chài sau cửa biển. Vừa thấy bóng chị Nữ trên ghe từ phố về là bầy trẻ đã líu lo chạy bừa theo dốc cát xuống bến đón nàng. Các bà mẹ xóm chài thương cô gái côi cút mà nghị lực trùm bồ cho từng con khô, con mực mỗi khi Nữ về lại phố. Đứng với họ trên dốc cát chờ ghe về vào những buổi sớm sương còn vương trên lau lách, nhìn vào từng ánh mắt vọng phu đẫm đọng đợi chờ, lòng Nữ lại rưng rưng nỗi nhớ mẹ cha anh chị. 

Tết năm đó, lần đầu tiên Nữ được về quê ngoại Quế Sơn. Nàng say sưa nhìn cảnh vật ven sông trong suốt chuyến đò ngược dòng Thu Bồn rồi hiểu ra vì sao anh Niên luôn nhắc tới cảnh  quê. Những ngày đầu năm đoàn tụ với gia đình cậu dì trong lòng quê ngoại hiền hòa thân thuộc giúp Nữ quên đi phần nào cuộc sống cô quạnh của mình. Cậu Chấn hỏi chuyện học hành rồi nhìn đứa cháu mồ côi pha trò.

- Người ta học Nga văn, Hoa văn. Còn mi lại học tiếng Mỹ, đúng là còn muốn ôm chân đế quốc mà. 

Ông cười ha hả sau câu nói bông đùa. Cậu Chấn là giáo sư Pháp văn, bị “mất dạy” từ mấy năm nay, về lại quê làm ruộng, may mà không bị bắt đi cải tạo.

- Tại họ chê không ai xin thi tuyển vào lớp này, nếu không thì làm gì tới phiên con, lí lịch trích dọc trích ngang lem nhem từ trên xuống dưới từ trái qua phải... Cũng nhờ sách vở Anh văn của chị Nhi con còn cất giữ, học theo mấy năm nay nên vào lớp cũng dễ dàng. Giáo viên phó tiến sĩ dạy Anh văn của cháu tốt nghiệp tận Hà Nội nên dạy dỗ trật trúng tùy đối tượng.

Cậu Chấn vuốt tóc cháu.

- Thôi ráng đi con. Ráng mà học cho đỡ cái thân.

Chuyến đò xuôi Thu Bồn về Hội An, Nữ gói ghém theo tình thương quê ngoại cậu dì chòm xóm qua vị ngọt của mít, của bòn bon mãi còn đậm đà trong trí nhớ và một xách đầy dưa mắm sắn khoai. Nữ nghĩ tới tiếng cười của dì Chanh, cậu Chấn trên cầu Chợ Đụn, của mẹ con chị Vê trên bãi sóng Chân Mây. Tiếng cười của người sống thương đời với nghị lực sẵn lòng.

Cô gái miền Nam ở trọ trong chính ngôi nhà của mình. Nàng sống bình thản trong một thế giới riêng ngập tràn kỉ niệm, chẳng màn chi tới sự xoi bói của vợ chồng người bác họ. Từ khung cửa sổ rộng mở đến khoanh giếng khơi cuối vườn là khoảng cách an nhiên nàng tự tại bước chân, một thứ đường ranh cấm kị cho dù ganh tức vợ chồng gã chủ nhà biển lận cũng đành phải chấp nhận. Bếp lửa nhỏ cuối ngày bập bùng dưới hiên nhà thơm lừng mùi tôm cá ngoài tiêu chuẩn. Tiếng gàu nước lanh canh thành giếng tròn căng ánh mắt rình rập thèm muốn ghen tương. Áo mỏng mường tượng dáng xuân sung mãn bước qua vườn đêm còn đọng giọt giếng khơi làm lay động ánh trăng xuyên qua tàng cây vú sữa.

- Tướng này mắn con tợn đấy. Lấy que thọc vào cũng đẻ thôi.

Tiếng thuốc lào rít lên lúc giọng mụ đàn bà cũng rít qua kẽ răng.

- Ối giời! Cái ngữ đàn bà con gái tiểu tư sản, tắm táp mà cũng mân mê cả giờ.

Rồi như chạm phải nọc, người đàn bà the thé lên.

- Giá mà của ông cán bộ cũng được như cái que đó thì bây giờ gái già này cũng được vài mụn con với người ta...Thế mà cứ tưởng mình là “đỉnh cao”, cứ thấy nồn là mắt sáng tít lên.  Rõ tội, chẳng bao giờ vào được tới thủ đô. Để cho gà đéo còn sướng hơn.

Mặc cho mụ vợ xỉa xói, người đàn ông bỏ vào nhà trong. Gã ực một ly rượu thuốc cho dễ ngủ, nằm mơ màng. Mấy chục năm trước, thời chín năm, bước vào tuổi thanh niên gã sớm bỏ làng quê Đại Lộc theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Thời cuộc đẩy đưa, năm năm tư gã tập kết ra Bắc được Đảng chỉ định cho làm cán bộ một hợp tác xã nông nghiệp vùng Bùi Chu Phát Diệm nơi phần lớn giáo dân đã di cư vào Nam. Vài năm sau, Đảng bố trí cho đi B vào chiến trường miền Nam, vùng Tây Bắc Thừa Thiên.  Trung đoàn của gã gần như tan rã trong vụ tổng công kích tết Mậu Thân, lần về tạm chiếm cố đô Huế hai mươi mấy ngày. Gã may mắn chỉ bị thương nhẹ theo tàn quân trở ra Bắc đóng tại một vùng hẻo lánh thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Không lâu sau đó, Đảng lại bố trí cho gã lập gia đình, vợ gã bây giờ. Cô gái lở thì làm hậu cần hợp tác xã ngày đó hãnh diện lấy chồng là chiến sĩ đi B về, già hơn cả giáp. Sau tháng Ba bảy lăm, người đàn ông đem vợ hồi kết về quê cũ.  Toàn miến Nam là chiến lợi phẩm của người chiến thắng. Họ cũng được chia phần, ăn trên ngồi trốc. Người vợ trình độ lớp ba hiện làm trưởng một cửa hàng mậu dịch quốc doanh - tiệm tạp hóa của mẹ Nữ ngày trước.

Một đêm tối trời sắp cuối niên học đầu, sau buổi làm việc ở hợp tác xã về, Nữ mệt mỏi thiếp đi lúc nào không hay. Đang lúc ngủ say, Nữ chợt thức giấc vì sức nặng đè trĩu lên người.  Mùi hôi thối từ lỗ miệng của gã cán bộ khiến nàng muốn ngạt thở. Trong một hồi lâu Nữ dùng hết sức lực xô đạp, cố gắng ghì giữ áo quần đang bị bàn tay thô bạo của gã xé toạc. Trong kinh hoàng vô vọng, máu bật vành môi, Nữ khép chặt kín đôi chân, trì kéo đến trâng cứng tê dại từng sợi cơ đường máu thần kinh. Bóng tối rớt chụp xuống, phủ trùm cơn mộng buổi thanh tân sắp rã tan tành theo từng giọt nước mắt cuối chờ lăn... Bỗng dưng Nữ cảm thấy toàn thân mình nhẹ hẫng. Gã cán bộ bật rủ ra như xác vô tri nằm phủ phục dưới chân giường. Nữ hoàn hồn bật  khóc, vơ vội bộ áo quần xếp ở góc phòng chạy ào ra phía giếng khơi cuối vườn.  Từng gàu nước nối tiếp nhau dội tràn lên thân thể cô gái, gột rửa cho hết tanh hôi. Tiếng lanh canh của gàu va vào thành giếng giúp nàng dần dần lấy lại bình tĩnh. Trong bóng đêm Nữ vuốt ve thân thể mình trắng tinh. Nước đã rửa sạch hết vết dơ bất lực của gã đàn ông trên người.

Nàng lắc đầu khinh bỉ nhìn ánh đóm thuốc lào rực ngún lên phía hiên nhà nơi vợ chồng gã cán bộ đang ngồi chưởi bới nhau tục tằn. Tiếng gã phân bua sau cơn ho sặc sụa.

- Lũ Ngụy non này, chúng ăn gì mà mạnh thế. Chân thì cứ to cứng như cột đình.

Người đàn bà lên giọng chanh chua, nửa đồng lõa nửa hăm dọa ghen tương.

- Thằn lằn leo cột đình thì nó thế đấy. Hiếp dâm mà ông cán bộ cũng không đủ sức làm, còn leo lẻo thế này thế nọ, thật không biết thẹn. Làm thế chỉ tổ cho nó khinh thêm. Bà bảo cho một lần cuối nhé. Có nổi cơn thì bảo bà, bà chịu thế quen rồi. Đi linh tinh đã chẳng đến đâu lại có ngày mất cả cơ nghiệp đấy.

Nữ ngước mặt nhìn trời, hít sâu vào lồng ngực làn không khí mát lạnh của đêm. Chân bước chậm qua vườn khuya, lòng Nữ nghĩ về một cơn mơ rất cũ.

(còn tiếp)

Phan Thái Yên