XUÂN KỶ SỬU SỐ 41 - THÁNG 1 NĂM 2009

 

Thơ

Mây
24Nguyên Anh
Quán không tên
24Vũ Hoàng Thư
Hạnh trắng
21Nguyễn Linh Khiếu
Đón xuân ở Chicago
18
Phạm Hồng Ân
Nhớ lại
18Trần Việt Bắc
Đóa hoa xưa
18Di Trương
Tình yêu đồng lõa
21
Huỳnh Kim Khanh
Về
21Ái Ưu Du
Nàng xuân trên đất Mỹ
21Hải Dương
Xuân trên đầu thác
24Đỗ Phong Châu
Cảm xuân xứ lạ
24Ngọc Trân
Rồi mùa xuân đến
21Tôn Thất Phú Sĩ
Trở trời
18
Kim Thành
Thương bác Trâu già
18Vinh Hồ
Mừng Sửu lên ngôi
21Tú Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Tản mạn Tết Kỷ Sửu
14
Trương Thanh Diễm Thùy
Cà kê dê ngỗng truyện con trâu
14Vinh Hồ
Trâu trắng trâu đen
14Nguyên Bông
Sớ Táo Quân
14Hải Dương
Mùa xuân và cỏ
13
Xuân Phương
Căn nhà sau cửa biển (2)
14
Phan Thái Yên
Ngựa biển
8Nguyễn Linh Khiếu
Chiếc lá trạng nguyên
8Cỏ Biển
Thoáng xuân
8Đỗ Trường
Tình nhẹ như mây
8Ái Ưu Du
Từ BĐII tới NAVOCS
8Nguyễn Chu Trương Dực
Truyện trong tiệm giặt
8Tầm Xuân
Đêm mơ
8Trần Hoài Thư
Eva
8Song Thao
Bóng nắng xuân
8Nguyên Bông
Con trâu cộ của cha tôi
8Vinh Hồ
Thang thuốc nam
8Trương Thanh Diễm Thùy
Về truyện ký của Phạm Tín An Ninh
8Đỗ Trường
CD Song Anh
8Vinh Hồ

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
1Trần Việt Bắc
Thể thơ Đường luật bát cú
4Vinh Hồ

Sống thiện chết lành - Kết
4Ngô Văn Xuân
Tình yêu trong ca dao về Trâu
4Vinh Hồ

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 28
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (22, 23, 24)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết (3)
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Đàn kiếm giang hồ (1)

1Huỳnh Kim Khanh


 

Chuyện trong tiệm giặt

 

Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Nhớ Nguyễn Du... Cỏ góc phố chưa kịp lên non nhưng cành lê trước sân đã trắng rộ. Màu trắng thanh khiết lẻ loi và kiêu hãnh giữa chốn bụi và người.

Thanh Minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh... Ở một nơi nào đó đất trời đã vào tiết Thanh Minh. Nơi ngổn ngang gò đống. Nơi danh tướng, giai nhân từng đêm nghe gió hú. Nơi thi nhân, ca kỹ nằm lạnh ngắm sao trời. Nhớ Đạm Tiên... Nhớ cành thiên hương nửa chừng xuân thoắt gãy...

“Có gì lạ không Jerry?”
“Không! Vẫn lai rai chuyện ả Anna Nicole Smith!”
“Tôi không hiểu tại sao người ta lại quan tâm quá lố đến những tin tức thuộc loại này. Nhiều hôm chuyện về cô ả lấn át cả những cuộc tranh luận bầu cử năm 08, vấn đề chiến tranh...“
“Thật sự anh không hiểu à? Bầy cá mập ngửi ra mùi máu trong nước biển! Hãy nhìn đám đông ngày bu càng đông chung quanh cái xác của cô ta! Họ hít được mùi tiền!”
“Nhưng những thứ ấy lại được lập đi lập lại, bị khai thác đủ mọi góc cạnh, xuất hiện từ những tờ báo nghiêm túc đến những tờ lá cải, từ kênh truyền hình địa phương đến các hãng tin lớn, từ tin buổi sớm đến show nửa khuya!”
“Điều này nói lên sự phong phú và sự nghèo nàn của tin tức Mỹ! Scandal làm nhiều người thoát ra được sự nhàm chán của đời sống. Nhưng coi chừng những chuyện này làm một ngày của anh mất vui đấy!”

Thì quả thật là nhiều khi một ngày trở nên u ám chỉ bởi một chuyện chẳng ra gì! Nhất là chuyện ấy lại xảy ra buổi sớm. Không, thưa bà, bà có thể dùng điện thoại công cộng ngoài sân kia... Không, điện thoại chúng tôi dùng cho việc làm ăn... Ừ thì cũng có đấy, nhưng chúng tôi chỉ cho khách hàng quen mượn chứ không thể cung cấp dịch vụ điện thoại miễn phí cho khách qua đường...

“Jerry này, chuyện cô ả Anna làm tôi nhớ đến nàng ca nhi Đạm Tiên... Ồ, tôi đang nói gì thế nhỉ... Nhưng anh có đọc La Dame Aux Camélias của Alexandre Dumas con chứ? Marguerite Gautierà Người kỹ nữ luôn luôn đeo một chùm sơn trà trước ngực áo nên được đặt tên là Trà Hoa Nữ... Không à? Đó là những nhân vật trong truyện nhưng không xa đời thực đâu! Thôi, chỉ biết hai cô gái phóng đãng ấy đã làm nhiều người nhỏ lệ tiếc thương. Còn, hãy nhìn Anna: quanh cái xác cô ấy là những gương mặt háo hức.”
“Này tôi đã chẳng vừa bảo anh là bầy cá mập đã ngửi ra mùi máu?” 

oOo

Giấc mơ buồn là giấc mơ thấy quê nhà. Giấc mơ buồn nhất là giấc mơ thấy lại tuổi nhỏ. Trong giấc mơ ấy thường có chú bé ngắm con chuồn chuồn đậu xuống tai bèo và thỉnh thoảng giàn mướp hương thả một cánh hoa vàng xuống mặt nước. Chú bé xếp một con thuyền giấy rồi thả cánh buồm trắng phau xuống mặt nước tròng trành.

Những giấc mơ chợt tái hiện một cách bất chợt giữa dòng ngày. Lạc lõng giữa chốn lao nhao tiếng người và tiếng máy. Xóa trắng khoảng cách thời gian và sự hỗn độn của những sự việc xảy ra.

Một câu chuyện buồn là câu chuyện về quê nhà. Câu chuyện buồn nhất là câu chuyện nói về thời thơ ấu...

oOo

Thật ra thì hồi ở Khu Trục Hạm tao không thân với nó. Tính nó hơi kỳ kỳ. Nhắc đến nó, mọi người gọi là D. “mát”. Thực ra thì những năm hai mươi tuổi, đứa nào mà chẳng kỳ kỳ? Nhiếu khi người ta cũng bảo là tao tửng tửng! Không thân bởi không hợp. Khó thân, vậy thôi! Dù nghe nói nó cũng là người Mỹ Tho với tao!

Nhưng hôm gặp nó trong Nhà thờ Thánh Phê Rô ở Phố Ga này thì tao mừng như bắt được vàng. Nó ngồi trên tao hai dãy ghế. Bất chợt tao nhận ra một cái gì đó quen quen. Cụ Phan Khôi tài tình thật! Nếu chẳng quen lưng/ Đố nhìn được mặt... Tao mượn tạm hai câu thơ của cụ. Đến khi nó xoay lưng lại chúc bình an, thấy hai gò má xương xẩu của nó, và nhất là cặp mắt, tao biết mình không lầm. Lạ thật là đôi mắt con người! Thời gian có thể làm đôi mắt không còn tinh nhanh, nhưng những gì đôi mắt nói lên thì không hề thay đổi.

“Chắc ông không còn nhớ tôi đâu! Hồi đó tôi ở bên ban Hải Pháo. Hơn ba mươi năm rồi còn gì! Ông qua đây năm nào? Gia đình ổn cả chứ?’
“Năm bảy lăm. Cũng tàm tạm.” Nó có vẽ lơ đễnh và sự thờ ơ của nó làm tao khá phật lòng.
“Tôi nhớ lại vụ Hoàng Sa... Ông bị bắt sang Quảng Châu cả tháng... Về sau tụi này nhắc hoài vụ thằng Tàu Cộng lục soát ông, chôm cây viết BIC. Ông cứ đòi miết xếp nó mới chịu trả...“
“Hừ... Lâu rồi tôi không có dịp nhớ lại những chuyện đó!Ô” Đến đây thì thái độ hờ hững của nó làm tao thật sự muốn nổi giận.
“Rồi trong khi các sếp lớn lo sốt vó vì có thể ra tòa án binh, tôi với ông Hạm phó phải trình diện Quân cảnh Tư pháp vụ đụng tàu trên đường về Sài Gòn thì ông lại được lên lon rồi thuyên chuyển...” Một người đàn bà đến dục nó đi. Tao không được giới thiệu nên chỉ đoán là vợ nó. Có lẽ bà vừa từ giã xong những người quen. “Ừ thôi, ông cho tôi cái số điện thoại... Hôm nào tôi nói chuyện tiếp.”
Tao có đủ can đảm để gọi lại nó đấy! Để vực dậy những cảm xúc trong tao hơn là để khơi giùm nó những kỷ niệm. Có lẽ trong chúng ta đều có nhu cầu nhìn lại chính mình. Qua những con người thuở nào, qua những ràng buộc cũ, chúng ta tái hiện, nối kết những hình ảnh rời rạc chỉ chực tan loãng của chính cuộc đời mình. Nên những người quen cũ bỗng trở nên thân. Những chuyện tầm phào hồi nào bỗng trở nên ngời sáng. Tao không có gì phải ngượng ngùng khi gọi cho nó.
“Ông còn nhớ ông V, hạm trưởng mình hồi ấy cứ than vãn mãi về đám sĩ quan trẻ dưới quyền ông ấy chứ?  ‘Học, học, học nữa đi! Các cậu còn phải học hỏi nhiều lắm!' À, bây giờ ông ấy mở một trang Web chuyên về Hoàng Sa. Tôi nói chuyện với ông ấy vài lần. Ông ấy có bảo tôi viết về vụ ấy. Tôi có đọc và thấy những gì tôi muốn viết mọi người đã viết cả rồi! Hay là... ông đi! Ông có nhiều chuyện để nhắc hơn mọi người đấy!”
“Này ông, tôi mệt mỏi với những chuyện ấy lắm rồi!”
“Những chuyện gì?”
“Tất cả những chuyện ông vừa nói! Tôi đề nghị ông...“
“Gì nào?”
“Đừng... gọi tôi nữa! Được không?”
Thật ra đến bây giờ tao vẫn nghĩ nó mệt mỏi với đời sống hiện tại chứ không phải với những gì trong quá khứ. Nó không hiểu hoặc hiểu nhầm đấy thôi. Tuy nhiên, tao có đủ tự trọng để không gọi lại nó. Tự trọng, may mà, vừa đủ! Cho bỏ tật vồn vã sớn sác! Cái số điện thoại nó tao ném cha sọt rác mất rồi, mày hỏi đành chịu. Thỉnh thoảng tao vẫn gặp nó ở nhà thờ. Nó hay nhìn lảng khi thấy tao. Nó giống như một xác khô biết lên rước lễ. Tội, nó không thể biết được mùi vị của bánh thánh!
Chắc mày cũng hiểu trong toàn thể câu chuyện này có một cái gì đó khá điên khùng, phải không?

oOo

“Hê, xong rồi! Không có gì quan trọng bằng buổi nướng BBQ chiều nay sân sau nhà tôi đâu! Chúc một ngày tốt lành!”
“Một ngày tốt lành, Jerry!”
“Happy trails!”
“Hả?”
“Happy trails!”
“Đùa gì thế cha nội?”
“Không đùa đâu! Đã bảo anh là tôi lớn lên trên những cánh đồng cỏ Texas mà! Ông bà tổ tiên tôi là những tay chăn bò nổi tiếng trong vùng. Tôi yêu ngựa và mê cưỡi ngựa. Đó là tất cả những gì tôi thừa hưởng từ huyết thống gia tộc. Tâm hồn tôi là tâm hồn của một gã chăn bò. Những người chăn bò từ giã nhau bằng câu Happy trails!'
“Thật thế ư? Thế mà tôi không biết đấy!”
“Happy trails to you, until we meet again... Happy trails to you, keep smilin' until then... Happy trails to you, until we meet again...”

oOo

“Anh có một khách hàng thật ngộ nghĩnh! Quen biết trước chắc?”
“Không, Carolyn! Khoan, hãy để tôi cân quần áo bà đã! Bao giờ thì bà lấy?”
“Năm giờ! Chiều nay tôi có lớp. Tôi sẽ ghé sau giờ dạy.”
“Ông Jerry chỉ tới giặt thường thôi. Là Cựu chiến binh Việt nam nên dễ thân mật.”
“Happy trails... Đó là một bài hát của Roy Rogers, King of The Cowboys. Nếu có thể nói lịch sử nước Mỹ là lịch sử của những cuộc chinh phục đất đai thì về mặt nào đó, phần lớn lịch sử ấy là... câu chuyện của những tay cao bồi!”
“Có phải vì vậy mà nhiều nước gọi chính sách hiện nay của Mỹ là... chính sách cao bồi?”
“Đó lại là chuyện khác. Nhưng khi văn hóa Mỹ bắt đầu đi chinh phục phần còn lại của thế giới thì hình ảnh đầu tiên của nó là hình ảnh những tay chăn bò!”
“Thế đấy! Hồi nhỏ tôi mê phim nhiều tập Wild Wild West, còn bây giờ đang xem lại Randolph Scott trong Rage At Dawn, The Fighting Westerner...“
“Tôi cũng thích phim Viễn Tây như ông vậy. Trong đó người ta thấy các quan niệm bình thường như chơi dao có ngày đứt tay, ác giả ác báo, quả báo nhãn tiền... Những điều ấy khá bất thường trong đời sống thực ngày nay... Nhưng thôi, tôi phải đi bây giờ đây... Happy trails!”
“Happy trails!”

oOo

“Anh có một công việc thật lý thú! Chúng tôi đang nghĩ đến một cửa tiệm tương tự.”
“Cám ơn!”
“Anh tiếp xúc với thật nhiều hạng người. Thú vị đấy chứ!”
“Đủ hạng người. Điều thật may và cũng thật không may, đó là những dạng thô ráp nhưng rất thật của đời sống! Anh thấy đấy, không ai làm điệu khi giặt giũ!”
“Đầu phố tôi cũng có một tiệm giặt. Vì là tiệm duy nhất trong phố nên hình như họ không cần khách hàng. Đôi lần họ nổi nóng với tôi chỉ vì... máy hư! Đành chạy từ nhà đến đây mất hơn 20 phút!”
“Thật tệ nếu họ đối xử với khách hàng như vậy. Cho dù máy móc đáng tin cậy hơn con người! Nhưng chắc không chỉ vì lý do đó mà anh định mở tiệm giặt chứ?”
“Thực ra thì chúng tôi đinh chọn một công việc an nhàn. Đây, vợ tôi, Erin Schenk, một người giữ trẻ. Và là một nhà thơ!”
“Rất hân hạnh! Trước khi làm nghề này, tôi cũng nghĩ đây là một công việc tự do và nhàn nhã! Ngày qua ngày tôi mới hiểu ra rằng không một việc làm lương thiện nào là dễ dàng cả. Bà Erin, bà có nhiều sách chứ?”
“Ồ, tôi chỉ vừa in xong tập thơ đầu tay. Nếu ông có thời giờ, tôi giới thiệu với ông... Sách đề giá 12 đô la 50 xu. Tựa sách là Inspirations of My Heart...“
Tiện đây, đã đến lúc chúng ta nên dẹp bớt đi lòng kiêu hãnh để sắp đặt lại vị trí những gì ta quen gọi là giá trị tinh thần? Và nên chấp nhận rằng bước đầu trong mối quan hệ là sự thỏa thuận về giá cả?
“… Trong phần mở đầu, tôi đã tự giới thiệu: Khi bắt đầu viết, tôi chỉ đọc những gì giữa những dòng chữ của mình. Rồi đến lúc tôi bắt đầu đọc chúng một cách kỹ lưỡng hơn. Đó là khi, qua những dòng chữ ấy, tôi tìm thấy con người thật của mình và nơi chốn mình đã thuộc về. Thượng Đế là nguồn nâng đỡ lớn lao. Trong sự cần mẫn mà Người biết tôi đã có được. Người đã giúp tôi khám phá ra chính mình...“
“Bà có ra mắt sách với... những tổ chức xã hội chứ?”
“Chúng tôi vừa giới thiệu cho Nhà thờ, nơi chúng tôi đi lễ hàng tuần. Không tệ! Ông hãy lật trang 118... No one could give the gifts you gave- You are the reason we exist and live... Ông lấy một quyển chứ?”
“Vâng. Tôi cũng phải tìm mua một quyển tự điển Anh- Việt nữa!”
“Chúng tôi sẽ còn trở lại tiệm ông...“
“Vâng, cám ơn! Happy trails!”
“Hả? Xin lỗi, tôi nghe không rõ!”
“Ô, không có gì! Chúc một ngày tốt lành!” 

Tầm Xuân