Sau hơn ba mươi năm gặp lại Quê tại Mỹ, Đện thao thao bất tuyệt:
- Quả thật mình có phước lắm đó Quê ạ !
Quê ngạc nhiên: - Phước gì dị ?
- Mà anh còn hưởng lây phước của em nữa đó !
- Quạ ! Sao dị anh ?
- Quê à, em có rất nhiều phước, em biết không ? Quê ấp úng nhìn mắt anh tìm câu trả lời nhưng rồi Quê lắc đầu chịu thua:
- Hổng biết….
- Đơn giản lắm em ạ, chỉ vì tên làng của em là Phước Đa nghĩa nôm na là “nhiều phước”, tức là ai mà đến với em là có phước, hoặc chỉ gặp em thôi thì cũng có phước,….và ngay cả nói chuyện với em qua điện thoại cũng đã là nhiều phước. Phước Đa mà, phải thế không em !
- Cái anh…này! Cố tật của anh y chang như xưa ở quê mình.
Nghe Quê nhắc đến những ngày xa xưa, anh Đện nói liên tù tì:
- Này nhé, em có một khuôn mặt đẹp từ hồi còn hái củi ở hòn Hèo, cô thôn nữ gánh củi đường xa hì hục mà má hồng vương trong gió chiều, mồ hôi chảy xuyên lớp áo bà ba của cái tuổi 16 thoang thoảng hương thơm tựa mùi lúa chín mới gặt. Mỗi bước em đi trên đồng quê nội cỏ, trên con mương, quanh cái bầu, cái ao, băng qua con rạch nhỏ của sông Dinh, …là mỗi dấu chân em làm mòn con đường dẫn đến đầu ngõ; hình ảnh ấy của một thiếu nữ thôn quê tuyệt mỹ mà không một thi sĩ nào có thể dùng hết ý nghĩa văn chương tả xiết. Vẻ đẹp của em chính là nét duyên dáng của một nữ sinh Trần Bình Trọng với áo dài nổi bật vờn trong gió thoảng ban mai của những ngày cận hè có nắng vàng rực rỡ.
- Chứ bộ giờ này em không còn cái vẻ đẹp ấy sao ?
- Có chứ, hiện tại em còn đẹp hơn hồi xưa đó. Mái tóc của em bung ra xếp hình Kim Tự Tháp, mũi thẳng như cô đào Pháp Brigitte Bardot, quý phái như cô đào Ý Sophia Lorentz, dáng người cao sang nổi bật dưới chiếc nón rộng vành của nữ hoàng Anh Elizabeth; anh có thể nói em đẹp nhất Ninh Hòa là cái chắc. Đã vậy mà em còn thông minh nữa !
- Anh học cách nịnh ở đâu hay thế, hở anh ?
- Xí…thông minh dị mà em không đoán ra được câu trả lời, dở ẹt !
- Anh chỉ tài lấn hiếp em thôi, nhưng anh à, bàn tay có lẽ ảnh hưởng nhiều đến vận mệnh và hoàn cảnh của con người, đúng không anh? Bàn tay em xấu nên đời em buồn như mùa Thu anh ạ ! Em bảo em thích mùa Thu, mùa của lá vàng có con nai vàng ngơ ngác của Lưu Trọng Lư đạp trên lá vàng khô. Màu vàng của chiếc lá mùa Thu là màu của ký ức, là màu của nỗi nhớ và cũng là màu của thất vọng…..
Khi nghe Quê thốt như vậy, anh chạnh lòng nghĩ đến hạnh phúc của Quê. Anh Đện luôn luôn cầu mong em Quê có một cuộc sống an lành, một mái gia đình và con cái đầm ấm cho cái tuổi gần sáu bó.
Cảm ơn thời đại điện tử Internet đã đưa anh gặp lại Quê, như một phép mầu nhiệm của đức Phật Bà Quan Thế Âm. Đã gần ba mươi năm rồi sống trên đất khách, anh đã tưởng rằng nàng Quê sau buổi tiễn đưa anh tại ga Ninh Hòa, anh sẽ mất em vĩnh viễn.
Những đêm cô đơn giá buốt, anh thấy lòng trống vắng lạ kỳ. Những lần nhớ đến kỷ niệm với Quê là nhớ cả một quãng đời nghèo khổ của cả hai, em đông, cha mẹ lam lũ tất bật với đời sống. Quê mồ côi cha từ thuở nhỏ, mẹ ở vậy chắt chiu nuôi đàn con bốn đứa trong đó Quê là chị cả của ba đứa em trai. Quê phải vất vả vừa đi học vừa phụ mẹ hái củi lo em. Những con đường hàng ngày em đi qua ở Ninh Hòa yêu dấu đã hơn ba chục năm rồi, chừ có còn dấu chân em ? Những cánh đồng mênh mông bát ngát và xanh mướt làm anh lâng lâng nhìn em mỗi lần em gánh những bó củi nặng trĩu trên vai. Những thửa ruộng thẳng cánh cò bay, xa xa xanh nhạt núi hòn Hèo và mùi mạ non thơm phức. Em trên những bờ đê đó, thửa ruộng đó…của quê hương mình và đó là những hình ảnh không bao giờ phai nhạt trong trí anh.
Những chiều tan học bụi mưa lất phất bay quyện vào mái tóc đen nhánh, mưa dai rỉ rả làm ướt áo dài của nàng nữ sinh tên Quê để lộ hai vai nõn nà da thịt, đụt mưa dưới hàng keo ở hai bên đường lên sân ga, em bảo anh em ghét mưa quá. Rồi đột nhiên em im lặng, anh cũng im lặng. Chẳng biết em theo đuổi những suy nghĩ gì nhưng anh đang ngập tràn hạnh phúc, im lặng trong giây phút ấy để hưởng trọn niềm vui cho riêng mình.
Em bảo anh nóng nảy như con kiến lửa. Những lần như thế em muốn làm con cút xoáy tròn một lỗ sâu đắp đất cát thành lũy để chờ anh sụp hầm là em thụt lùi kéo chân con kiến đó. Nghe em nói anh không sao nhịn cười và giải thích:
- Em biết không đời con cút buồn và cô đơn lắm Quê ạ, chỉ vì một mình nằm dưới cái hang đầy bủn ngập đầu mòn mỏi chờ con mồi mà quên đi bạn tình. Mùa mưa biến mất, mùa hè lại xuất hiện trong những cái bẫy hình phễu rải rác ven vỉa hè nhà anh, em muốn như thế sao em ?
Em vẫn bướng bỉnh:
- Ừ em muốn như thế để em kéo chân anh, để em có anh mãi mãi.
Anh định đưa tay bịt môi em nhưng rụt tay lại trách:
- Em khôn và ác lắm đấy nhé !
Những đêm dưới trăng vàng mình chơi u Mọi, lúc ấy anh nghĩ rằng anh già đầu mà còn chơi trò chơi này. Anh bắt được em và ôm em vào chặt vòng tay của anh để em khỏi vuột, em bẽn lẽn nhìn anh với cặp mắt lạ thường. Bất giác một cái gì…đó khó nói khó tỏ đến với anh, anh ao ước mình chơi u Mọi suốt những đêm như thế…
Rồi một thời gian sau đó, có lần anh bị bệnh. Em đi làng trên xóm dưới kiếm đủ trong tay vài nhánh và lá cây ổi, bưởi, chanh, mãng cầu, sả, ngũ trẩu, em chạy u xuống gần hòn Hèo tìm vài nhành khuynh diệp, lên chợ Dinh để mua củ gừng. Em lén mẹ nấu cho anh một nồi xông bắt anh trùm mền đưa mặt vào nồi xông có hơi nóng tua tủa bốc khói. Vì là con trai nên anh chẳng ngại cởi áo thun để phòng mồ hôi dễ ra ướt đẫm. Em từ bên ngoài giở góc mền cảnh cáo anh coi chừng nóng, em đưa vào trong một cục gạch nóng đỏ rực, anh quay tròn vì sợ cục gạch ịn vào da. Bỗng xèo một tiếng làm hơi nước mịt mù khói lửa, anh ngộp thở tung mền chạy ra ngoài té lăn cù hết bệnh. Em cười như chưa bao giờ em được cười như thế và đó cũng là lần đầu tiên anh thấy nụ cười tươi trên khuôn mặt đẹp ấy….
Rồi một sáng mùa Thu, mưa vẫn không sững vẫn còn lất phất bụi mưa bay. Em buồn lặng lẽ đi bên cạnh anh không nói trên con đường quen thuộc ấy em tiễn anh đi Sài Gòn. Ra khỏi cửa nhà ga Ninh Hòa, em chen vào dòng người đông đúc đang lấn nhau lên tàu. Tàu hú còi rời sân ga, để lại em đằng xa dõi nhìn theo anh hun hút mờ dần trước chân núi. Bỗng dưng lòng anh mưa Thu thấm đẫm, cảm ơn em đã cho anh nhiều kỷ niệm, nhất là những đêm u Mọi và sắm thang thuốc Nam trị bệnh cho anh, anh không phải bệnh cảm mà là bệnh khó…tỏ… Quê ạ. Quê đã trị bệnh cho anh Đện rồi đó, sao anh quên được…Đằng sau xe lửa chỉ còn lại là hai đường rầy song song tựa hồ như anh và em, mà hồi đệ lục Trần Bình Trọng cô Lê Thị Phương Lan đã phác họa cho anh một định đề, ấy là hai đường không bao giờ gặp nhau…
Trương Thanh Diễm Thùy
Xuân Kỷ Sửu - 2009
|