XUÂN KỶ SỬU SỐ 41 - THÁNG 1 NĂM 2009

 

Thơ

Mây
24Nguyên Anh
Quán không tên
24Vũ Hoàng Thư
Hạnh trắng
21Nguyễn Linh Khiếu
Đón xuân ở Chicago
18
Phạm Hồng Ân
Nhớ lại
18Trần Việt Bắc
Đóa hoa xưa
18Di Trương
Tình yêu đồng lõa
21
Huỳnh Kim Khanh
Về
21Ái Ưu Du
Nàng xuân trên đất Mỹ
21Hải Dương
Xuân trên đầu thác
24Đỗ Phong Châu
Cảm xuân xứ lạ
24Ngọc Trân
Rồi mùa xuân đến
21Tôn Thất Phú Sĩ
Trở trời
18
Kim Thành
Thương bác Trâu già
18Vinh Hồ
Mừng Sửu lên ngôi
21Tú Trinh


Truyện ngắn, Tâm bút, Tản mạn

Tản mạn Tết Kỷ Sửu
14
Trương Thanh Diễm Thùy
Cà kê dê ngỗng truyện con trâu
14Vinh Hồ
Trâu trắng trâu đen
14Nguyên Bông
Sớ Táo Quân
14Hải Dương
Mùa xuân và cỏ
13
Xuân Phương
Căn nhà sau cửa biển (2)
14
Phan Thái Yên
Ngựa biển
8Nguyễn Linh Khiếu
Chiếc lá trạng nguyên
8Cỏ Biển
Thoáng xuân
8Đỗ Trường
Tình nhẹ như mây
8Ái Ưu Du
Từ BĐII tới NAVOCS
8Nguyễn Chu Trương Dực
Truyện trong tiệm giặt
8Tầm Xuân
Đêm mơ
8Trần Hoài Thư
Eva
8Song Thao
Bóng nắng xuân
8Nguyên Bông
Con trâu cộ của cha tôi
8Vinh Hồ
Thang thuốc nam
8Trương Thanh Diễm Thùy
Về truyện ký của Phạm Tín An Ninh
8Đỗ Trường
CD Song Anh
8Vinh Hồ

Văn học, Biên khảo, Dịch thuật

Những biến cố liên quan đến sử Việt
1Trần Việt Bắc
Thể thơ Đường luật bát cú
4Vinh Hồ

Sống thiện chết lành - Kết
4Ngô Văn Xuân
Tình yêu trong ca dao về Trâu
4Vinh Hồ

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 28
3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Giữa hai lằn đạn (22, 23, 24)
1Ái Ưu Du
Tân liêu trai - Người đàn bà Dốc Tuyết (3)
1
Hải Yên
Thằng Nèm
1Trần Phú Mỹ
Đàn kiếm giang hồ (1)

1Huỳnh Kim Khanh


 

Từ Bạch Đằng II tới NAVOCS

 

Thật ra tôi không có duyên với đời quân ngũ, vì bản thân tôi không thích một cuộc sống gò bó, thiếu tự do, cho nên chẳng bao giờ tôi nghĩ đến chuyện đi lính, vả lại cứ theo số tử vi, thì mạng tôi thuộc cung văn chứ không phải cung võ, vì thế mà sau khi xong bậc trung học, có những thằng bạn thân rủ tôi vào quân đội, nhưng tôi nhất định không và vẫn tiếp tục con đường học vấn, nhưng số mạng là cả một đời người, còn thời cuộc và pháp lệnh lại là những giai đoạn nhất thời, nên cuối cùng tôi cũng phải đi lính, lỡ cỡ, trẻ không ra trẻ, già chẳng ra già, khá trễ so với số tuổi, của phần đông các bạn nhập ngũ cùng khóa, và cuộc đời binh nghiệp thì thấp, so với bạn bè cùng trang lứa. Tính tôi cũng ham vui, thích bè bạn, nhưng lại có tật “thích đàn bà”, mà hễ đã thích rồi, thì yêu say đắm, yêu đam mê, yêu chung thủy, như loài cây tầm gửi suốt đời bám chặt thân chính, không phải chỉ là cái thú đam mê “Thể chất”, nhưng yêu thật lòng, yêu từ khi mới là cậu Tú một, và suốt cả thời gian khoác áo chinh y, từ người thứ nhất sang tới người thứ hai, nên chẳng thể đàn đúm cùng bạn bè, ăn nhậu hay gái gẫm, đành bỏ cuộc vui chung của người thanh niên, để tìm cuộc chơi cho riêng mình, bởi thế tôi không có nhiều kỷ niệm riêng rẽ với các bạn đồng đội, ngoại trừ những kỷ niệm tập thể, dù đã trải qua hai quân trường và bốn đơn vị, trong suốt thời gian quân ngũ kéo dài khoảng 5 năm rưỡi.

TRƯỚC KHI VÀO LÍNH

Tôi nhớ hồi học trung học đệ nhị cấp, trong con hẻm 'Ngã bẩy chuồng bò' ở Sàigòn, nơi gia đình tôi an cư lập nghiệp từ ngày di cư vào Nam, ban đầu thì rất thưa thớt, và có lẽ bò nhiều hơn người, nhưng đến khoảng cuối năm 1962, dân cư đã khá đông đúc, lúc này thì con hẻm mang tên chuồng bò đã không còn bò, vì bò đã bị dồn ra khỏi thành phố, mà chỉ có người, bao gồm đủ mọi thành phần trong xã hội, buôn bán, lao động, công, tư chức và quân nhân thuộc mọi binh chủng. Căn lầu cạnh nhà tôi có một cặp vợ chồng trẻ dọn đến ở vỏn vẹn khoảng non một năm, nhưng lại được chòm xóm, nhất là những đứa học sinh như chúng tôi chú ý nhiều nhất, anh chị: Nàng, cô gái Bắc Kỳ xinh đẹp, trẻ, duyên dáng, còn chàng, anh Thiếu Úy Hải Quân người miền Nam trẻ hiền lành, cũng đẹp trai không kém, hai vợ chồng mới có một bé đầu lòng được chừng vài tháng, nghe chị nói anh là cháu của đương kim Tư lệnh Hải Quân ngày đó. Điểm đặc biệt là thường thường buổi sáng, có một xe díp mui trần, nệm ghế bao bọc trắng tinh đến đón đi làm, tôi để ý rất nhiều ngày trong tháng anh mặc tiểu lễ, đôi khi đại lễ trắng toát, với thanh kiếm vàng bóng loáng lủng lẳng bên cạnh hông, coi đẹp và oai phong lắm, khiến nhiều chàng thanh niên trong xóm nhìn mà mơ ước. Tôi cũng thích, nhưng thích hơn là cuộc đời hải hồ mà mấy chàng thủy thủ, cũng ở cùng xóm kể, các anh khoe là tàu được đi thăm viếng nhiều nước, Tân Gia Ba, Bangok, Manila, và rất nhiều nơi, sông này bến nọ, cả các hải đảo xa xôi làm cho tôi cũng cảm thấy bồi hồi, thích thú, tôi cũng ao ước được đi đây đi đó cho thỏa chí tang bồng, nhất là các hoang đảo, nhưng làm quân nhân thì không phải là ý nguyện của tôi.

Tưởng cũng nên ghi lại vào thời kỳ này chính quyền do Tổng Thống Ngô đình Diệm lãnh đạo, ngoại trừ quân đội, phần lớn mọi chức vụ hành chánh trong chính phủ, từ trung ương xuống địa phương, đều do dân sự cầm đầu, chứ không phải như thời các chinh phủ quân nhân sau này, và thời ấy chiến tranh còn ở trong giai đoạn ‘du kích chiến’, chưa quy mô đến mức ‘trận địa chiến’, cho nên chẳng mấy ai nghĩ sau này lại có tình trạng động viên, vì vậy mà cha mẹ tôi luôn khuyên anh em tôi ráng lo học hành.

Thời gian trôi qua, những biến chuyển chính trị, xã hội dồn dập xảy ra hàng ngày, hết âm mưu đảo chánh đến biểu tình liên tục, nay sư sãi, mai sinh viên học sinh, từ Huế đến Sàigòn, ngoài đường phố, tại những nơi trọng yếu như chùa chiền, các cơ quan công quyền và khu quân sự, cảnh sát dã chiến và quân đội nhiều hơn thường dân, tệ hại hơn nữa học sinh, sinh viên bị lôi cuốn theo làn sóng chính trị, kéo đi biểu tình chống chính quyền cũng có, mà ẩu đả lẫn nhau cũng có, trường này với trường nọ, làm việc học hành của chúng tôi trong những năm này khá xáo trộn. Rồi cái gì phải đến đã đến, ngày 1 tháng 11 năm 1963, một cuộc đảo chánh do quân đội cầm đầu lật đổ chính phủ dân cử của ông Diệm, và thay thế bằng chính quyền quân nhân, từ đó trở đi tình hình thay đổi hẳn, và càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Do sự bất an, hỗn loạn ở hậu phương, ngoài tiền tuyến cuộc chiến mỗi ngày một leo thang, cường độ chiến tranh ngày càng thêm khốc liệt, theo với đà gia tăng số lượng binh sĩ Hoa Kỳ, tham chiến tại chiến trường Việt Nam, bạn bè tôi nhiều thằng lần lượt ra đi theo tiếng gọi non sông, thằng bị động viên, thằng vì gia đình không đủ sức tiếp tục Đại học nên nhập ngũ, đứa Võ Bị quốc gia Đà Lạt, thằng đi Thủ Đức, Hải, Lục, Không quân, từ quan chí binh đều có. Giai đoạn này có thể nói là thời kỳ buồn nhất trong cuộc đời thư sinh của tôi, nó đánh dấu một khúc quanh to lớn, chấm dứt cuộc đời học sinh đầy mơ mộng của thời niên thiếu, những thằng bạn thân thiết, đã cùng nhau mài đũng quần dưới mái nhà trường, qua bao nhiêu năm học, giờ chỉ còn loe ngoe có vài thằng. Những người trai trẻ thế hệ tôi hôm nay, bước chân vào đời, với cuộc chiến tương tàn đầy khốc liệt, và kinh hoàng, bày ra trước mặt họ, một bên miền Nam Việt nam, với sự viện trợ của Mỹ, cố thủ, chỉ cố gắng giữ miền Nam, tiền đồn Tự Do của vùng Đông Nam Á, một bên miền Bắc, đảng cộng sản Việt Nam, do Hồ chí Minh lãnh đạo, được sự đỡ đầu và viện trợ của khối cộng sản quốc tế, muốn bành trướng chủ nghĩa cộng sản, trên toàn bán đảo Đông Dương, nhất quyết thống nhất Việt Nam bằng vũ lực.

Trước tình hình kinh tế khó khăn, xã hội bất ổn, cộng thêm cuộc tình lãng mạng từ trong tâm hồn tôi “trai tân gái góa”, không được “thuận buồm xuôi gió” như bình thường, tôi muốn thoát ly khỏi Sàigòn hỗn tạp một thời gian, đi làm kiếm chút tiền tiêu, và để dành cho những năm học sau này, nên tạm thời tôi hoãn việc học hành vào mùa hè năm 1964, nhân cơ hội có một cơ quan do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, cần tuyển dụng một số thanh niên có văn bằng Tú Tài trở lên, để thụ huấn khóa đào tạo 'Huấn Luyện Viên Quân Sự' 6 tháng, tại trại Seminary và Ridge camp, thuộc khu Rạch Dừa, thị xã Vũng Tàu, để cung ứng Huấn luyện viên, cho nhu cầu gia tăng, những đơn vị Biệt Kích thám báo, không quân số; Đây là những đơn vị biệt lập người Việt do Mỹ tài trợ, trung tâm cũng huấn luyện quân sự cho cả cán bộ Biệt Chính VNCH. Hai trại này về sau được chuyển giao cho bộ Xây Dựng Nông Thôn, và được đổi tên thành trại Hoa Lư và Phù Đổng, cùng với trung tâm Chí Linh ở Cát Lở. Cũng trong thời gian làm việc ở đây, vào năm 1965 có trận chiến lớn xẩy ra ở vùng núi Thị Vải, (hình như là trận Bình Giả?) cộng quân âm mưu cắt đứt quốc lộ nối liền Sàigòn - Bà Rịa, Vũng tầu, tại khúc rừng tràm gần khúc chùa Đại Tòng Lâm, nằm chỉ cách vài cây số phía Tây Bắc tỉnh Bà Rịa, trung tâm huấn luyện Biệt Kích được lệnh điều động Tiểu Đoàn khóa sinh Biệt kích án ngữ tại con kinh đầu tỉnh Vũng Tầu, để phòng địch có thể di chuyển xuống tấn công phi trường Vũng Tầu, và tôi đã chứng kiến, lần đầu tiên những chiến đấu cơ phản lực Phantom, cất cánh từ Đệ Thất Hạm Đội ngoài Thái Bình Dương, vào tham dự chiến trận Việt Nam, tiếng động cơ phản lực gầm thét xé rách không gian, bổ xuống rồi vút lên như những chú chim cắt bắt mồi, và khi nhìn thấy những cụm khói bốc lên cao, thì những chiếc phản lực đã mất dạng ở đằng xa, và phải mất ít giây sau, mới nghe được những tiếng nổ long trời lở đất, của những trái hỏa tiễn, những quả bom Napal, dù chúng tôi ở cách xa đó đến cả chục cây số, mà còn nghe rõ mồn một khi những chiếc phản lực lao vút tới, lúc đó tôi đã nghĩ với những vũ khí tối tân này, thì cuộc chiến sẽ không thể nào kéo dài lâu được, chứ đừng nói là leo thang cường độ, trong trận này có các đơn vị Biệt Động quân tinh nhuệ VNCH tham dự.

hinh-02

Mùa Thu năm 1966, nhận thấy tuổi động viên đã gần kề, và tương lai kéo dài ở đây lâu không sáng sủa, tôi trở về tiếp tục đeo đuổi con đường học vấn, thời gian này lực lượng quân nhân Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam, đang trên đà gia tăng với mức độ nhanh kỷ lục, khối cộng sản quốc tế cũng tăng cường viện trợ nhiều hơn cho cộng sản, giúp cho Việt cộng đủ sức mạnh mở rộng chiến trường. Trong dịp tết Mậu Thân 1968, lợi dụng lệnh ngưng bắn, Việt cộng tổng tấn công trên toàn lãnh thổ miền Nam, tôi đang theo học tại Khoa Học Đại Học đường Sàigòn, sinh viên chúng tôi buộc phải ngưng học, và tham gia chiến dịch “Quân sự học đường”, vác súng ách ê và ứng chiến trong Chợ Lớn, chiến dịch này kéo dài khoảng non một mùa học thì ngưng, và thay vào đó là lệnh động viên được ban hành, theo đó tất cả sinh viên hoãn dịch vì lý do học vấn, mà thi rớt sẽ phải động viên đi sĩ quan. Cũng trong thời gian tại Đại Học Khoa Học, tôi và anh bạn Nguyễn Xuân Hùng (về sau đi Sĩ quan Quân Nhu) mở mấy lớp luyện thi Toán Lý Hóa, tại ngôi trường nhỏ của thân phụ anh, ở khu nhà thờ An Lạc, Ngã Ba ông Tạ. Lớp luyện thi của chúng tôi kéo dài được gần hai năm thì chấm dứt, khi tôi phải tòng quân. Tôi nhớ mãi những kỷ niệm khó quên với các em học sinh trong thời gian này, và cũng luôn ghi ơn sự chân tình giúp đỡ của thầy Nguyễn xuân Sinh và gia đình anh, cho tôi có dịp thử khả năng làm thầy giáo của mình, tôi thật sự yêu thích nghề này, xuyên qua những ánh mắt chăm chú, theo dõi một cách thích thú của học sinh, tôi biết mình có dư khả năng, nhưng rất tiếc trời không chiều lòng người, âu cũng là “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên!” vậy.

Cuối năm 1969 con đường hoãn dịch vì lý do học vấn của tôi bị chận đứng, dễ hiểu vì tôi thi 'rớt', hay bình dân hơn gọi là 'đạp vỏ chuối', thế là cũng như nhiều bạn học khác, bây giờ là lúc tôi phải chọn lựa cuộc đời binh nghiệp cho mình, để làm nghĩa vụ của người trai thời loạn. Tuy mọi con đường đều dẫn ra bãi chiến trường, nhưng mỗi người tùy theo sở trường, sở thích và hoàn cảnh riêng, chọn lựa cho mình một binh chủng thích hợp, Hải, Lục, Không quân cứ việc chọn. Cá nhân tôi đã từng bao nhiêu năm chạy lên Đại lộ Thống Nhất theo dõi duyệt binh nhân ngày Quốc Khánh hàng năm, những đoàn quân mà tôi thích nhất, vẫn là những đoàn Sinh Viên Sĩ quan của bốn quân trường, nhìn những bộ quân phục và nét mặt đầy cương nghị, pha với chút kiêu hãnh của các chàng sinh viên, trông thật hiên ngang và đẹp vô cùng, nhưng nếu được chọn thì tôi thích lái tàu bay hơn, để một mình:

“Ngả nghiêng cánh chim,
“Con tầu xé trời rời xa thành phố rồi”

Và rồi mơ ước

“Anh ước sao tình mình như tuyết trinh
“Cho dù chúng mình không gian cách ngăn
“Cho dù tuyết trắng đã chìm trong màn đêm”
[Tuyết Trắng / Anh Chương]

Nhưng với vóc dáng ngoài tiêu chuẩn của tôi, thì làm anh chàng phi công chỉ là một giấc mơ huyền ảo, vì cả thế giới ai cũng biết, Hoa Kỳ cũng chỉ có loại phi cơ thám thính không người lái U2, chứ làm gì có chiến đấu cơ không người lái, nói chi là Không lực VN, Không quân chê tôi là cái chắc; Còn binh chủng bộ binh, tôi thật sự cũng hám cái danh Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, vì đây là quân trường đào tạo những sĩ quan ưu tú “chì, gan lì” của những đơn vị lừng danh, dữ dằn Dù, Biệt động, hay Thủy quân lục chiến, mà tôi thì nhẹ tưng, trong máu không có chất “chì”, thật vậy gia phả dòng họ tôi năm đời qua, chẳng có cụ nào làm quan võ cả. Mấy năm trong đời học sinh trung học, vào đầu thập niên 1960, gặp thời của “Cao bồi du đãng” lộng hành, chúng thường vào tận trường chận đánh học sinh, thường là trường tư thục, bọn chúng toàn dùng xích sắt, dao hoặc khóa xe đạp, thấy chúng nó từ đằng xa là tôi đã tránh chỗ khác, thực hành đúng quy luật “tránh voi chẳng xấu mặt nào” cho yên chuyện, chúng bạn bảo tôi là thằng chết nhát. Có lần bọn du đãng biệt danh “xóm chùa Tam Tông Miếu”, nổi tiếng khu “Cư xá đô thành”, (góc Phan Than Giản và Cao Thắng), bọn này rất dữ dằn, vì cậy thế, nhiều đứa có cha là cảnh sát viên trong khu đó, chận đánh chúng tôi ngay cửa trường trung học Hàn Thuyên ở đường Cao Thắng, vì trong bọn tôi có anh em thằng Chỉnh, dân Bắc kỳ thuộc loại có tiếng khu trường đua Phú Thọ, hôm đó may bọn tôi đông hơn, nên dành được thế thượng phong, nhưng từ hôm đó trở đi, bọn chúng rình đánh trả thù, nên giờ tan học lợi dụng đám đông, tôi chuồn nhanh ra cổng sau phóng xe thẳng về nhà, cho nên tôi cũng không thể đi Đà Lạt, chỉ còn đơn vị cuối cùng duy nhất, có nhiều hy vọng lọt qua cửa ải đó là Hải quân.

Từ nhà tôi ra bến Bạch Đằng cũng không xa, lại sống ở Sàigòn đã hơn 15 năm, nên phải nói là những con đường ở bến Bạch Đằng và sở thú, và những con đường dẫn tới hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chi Lăng đã nhẵn bóng dưới gót “săng-đan” của tôi và bạn bè. Chúng tôi thường thả xe ra bến lang thang hóng mát, nhất là về đêm nhìn sông nước lững lờ trôi, nhìn những con thuyền chở từng khúc đời người sang sông, và xem cả những con “Nai vàng” nhởn nhơ đón khách, nên cũng đã được thấy các quan tầu thủy, Hải quân nhà ta, so ra tôi thấy mình cũng có cùng chung mẫu số, cho dù là hàng áp chót, có nghĩa là tôi cũng chưa đến nỗi quá 'lùn'. Nói theo luận điệu của những tay binh 'Sập xám' thì kể như tôi cũng có được “Dắt-Dắt-Thú”, lại hên được đôi dắt đầm và xì, dương tối đa, nhiều hy vọng dớt vài con nhạn là đà, nên tôi nộp đơn tình nguyện gia nhập binh chủng Hải quân. Nghĩ cho cùng làm quan tầu thủy vẫn đỡ hơn, khỏi phải lội sình mà chữ ‘THỌ’ cũng to, ai tin con người ta có số mệnh thì tin, nhưng né được thì tôi cứ né, được lúc nào hay lúc ấy. Hay chắc có lẽ tại hồi nhỏ tôi ăn “thỏ đồng” hơi nhiều, nên đôi chân hơi lạnh, nôm na gọi là “nhát như thỏ đế”, theo giới bình dân là 'lạnh cẳng', thỏ đế chắc chẳng ai biết, nhưng thỏ đồng thì ta thường nghe; Cũng giống như người ta thay vì gọi thịt chó, thì lại gọi “Nai đồng quê” hay “Cầy tơ” cho nó bóng bẩy, văn hoa một chút, đồng bằng miền Bắc tìm đâu ra thỏ đồng mà ăn, thật ra là thịt chuột đồng, chuột đồng sinh sôi nẩy nở nhanh vào những mùa lúa chin, nên dân quê hay bắt chuột đồng ăn, thay vì thịt lợn, thịt bò quá đắt đỏ tiền đâu mà mua, thịt chuột lại trắng phau phau, ngon, thơm và mềm hơn thịt gà nữa. Tuy nộp đơn nhưng cũng chỉ nộp cầu may thôi, chứ tôi cũng không chắc lắm, vì tôi quá nhẹ cân, sợ lên tầu mấy ông Hạm trưởng, lại bắt cột dây vào người, cho khỏi bị gió bay xuống biển, mỗi khi di chuyển trên boong tầu thì kỳ lắm.

TỪ BẠCH ĐẰNG II ĐẾN QUANG TRUNG

Vào khoảng tháng 10 năm 1969, tôi được gọi đi khám sức khỏe tại bệnh viện hải quân ở bến Bạch Đằng, Sàigòn; nếu như đối với các bạn khác chuyện khám sức khỏe là đồ nhỏ, thì đối với tôi nó cũng gay go không kém gì vào thi vấn đáp với các thầy nổi tiếng hắc búa, nên tôi cũng phải chuẩn bị, chứ không dám coi thường. Sáng hôm đi khám tôi thận trọng, để phen này không đạp nhầm vỏ chuối nữa, tôi bèn ngốn cho nửa ổ bánh mì thịt to tổ bố, nửa tiếng sau thêm một tô cơm nguội thịt kho trứng, trên đường đi nốc thêm hai chai coca-cola, tôi đã tính kỹ phải thêm ít nhất 3 kg, thì mới hy vọng “Qua cơn bỉ cực tới hồi thái lai”, vì vốn dĩ, không những với vóc dáng rất khiêm nhường của người Việt Nam bình thường, tôi còn ốm yếu gầy còm sau nhiều năm dồi mài kinh sử, rút cuộc sôi hỏng bỏng không. Suốt buổi sáng trong khi chờ đợi, vì số thanh niên đi khám rất đông, tôi phải cố ôm bụng ngồi yên một góc, hà tiện mọi cử động chờ cho đến khi khám xong, nhờ thế mà tôi hội đủ điều kiện sức khỏe và tiêu chuẩn cân đo để đầu quân vào sĩ quan Hải hồ. Trong lúc chờ đợi, tôi để ý thấy mấy anh chàng y tá cứ nhìn nhau tủm tỉm cười, mỗi khi cân đo mấy anh nhỏ con, ốm tong như tôi, mà sao cái bụng thì cứ phình ra, giống y như bị sán lãi ấy, nhưng mấy anh rành cái mánh này hơn rành sáu câu vọng cổ rồi, thức ăn nuôi thân còn chưa đủ, thì có đâu dư mà nuôi sán lãi!; Ngay sau khi khám xong tôi thở phào nhẹ nhõm, ù té chạy đi tìm chỗ để tháo van không thì bể bong bóng mất. Sau này khi xuống đơn vị đầu tiên, chiếc Y tế hạm Hàn Giang, HQ401, tôi lại được nghe mấy chàng y tá kể những câu chuyện vui cười này, có anh còn thêm mắm thêm muối kể rằng có lần anh ta lấy cái ống đựng mẫu thử lên sao thầy nó mầu nâu đậm quá, và nồng độ đường thì rất cao, không biết có ai đổ lộn nước coca cola vào không? tôi chỉ còn biết cười trừ nói cho qua “Vừa phải thôi mấy cậu”.

Ngày 1 tháng 12 năm 1969 tôi đi trình diện nhập trại, hành trang là cái túi xách với một bộ đồ và vài cái quần lót, đứng bên kia đường trước cổng trại nhìn qua, cái cổng sắt lòng khòng mong manh bên trên có hàng chữ trại Bạch Đằng II cong cong, trong sân lố nhố đầy người toàn thanh niên trai tráng, ồn ào hỗn độn, tiếng hò la của mấy anh chàng vào trước om sòm, inh ỏi kêu gọi đám lính mới vào hàng yên lặng. Mặc dù đây không phải là trung tâm huấn luyện quân sự, nhưng cái mùi lính, cái khung cảnh hỗn độn, hòa lẫn sự ngột ngạt vô hình của chiến tranh phủ kín không gian, y hệt như cảnh trong những phim thời Đệ Nhị thế chiến mà tôi đã từng xem qua, làm tinh thần tôi trùng xuống, lòng tôi tràn ngập những cảm xúc bồi hồi, không ngờ hôm nay tôi phải nhập cuộc, “chạy trời không khỏi nắng”. Chỉ cần hai mươi bước băng ngang con đường, vào bên trong cánh cổng kia tôi sẽ thành một người mới, một tân sinh viên sĩ quan hải quân, một thứ người máy chỉ biết tuân hành, mà không có ý kiến. Cho dù sau này có được tung hoành ngang dọc, vẫy vùng biển cả, như những cánh chim hải âu ngoài hoang đảo Hoàng-Trường Sa, mà anh bạn thủy thủ trong xóm kể, khi đặt chân lên đảo chỉ thấy toàn một mầu trắng xóa, phân chim hải âu, và trứng rùa bao phủ, ngoài ra không có gì khác, đó là hình ảnh của vài năm trước. Nhưng hiện tại tôi thấy chắc chắn một điều, nếu bước vào sau cánh cổng kia, tôi sẽ không còn đời sống dân sự, tự do bay nhẩy, muốn đi đâu thì đi, muốn hú bạn bè ra cà phê Pắc Tu-ri mỗi sáng cuối tuần là hú được; muốn ăn, muốn ngủ lúc nào tùy ý, trong lòng tôi hồi hộp và do dự. Mặc dù tôi đã gần gũi súng đạn cách đây chỉ mới vài năm, nhưng những năm đó tôi làm việc không có gì ràng buộc, tôi không phải là một quân nhân, không có quân số, tuy tôi có ngửi mùi súng đạn hàng ngày, nhưng nó hoàn toàn khác với đời sống, của một quân nhân thực thụ. Tôi đứng tần ngần mất vài phút, sau thấy có dăm ba thanh niên khác cũng vừa tới, dù gì thì tôi cũng phải vào trình diện, nên hăng hái băng qua đường nhập đoàn với họ đi vào cổng trại, dăm chàng sinh viên sĩ quan quân phục tím đã ngả mầu, chiếc alpha trên vai áo cũng ướp gió sông hồ, chuyển qua mầu vàng đục, không còn óng ánh hào quang, đi lòng vòng chung quanh đám người mới trong sân, thấy chúng tôi vào có hai chàng tiến ra, chận trước mặt chúng tôi, một anh hai tay chống nạnh hất hàm hỏi: “Các anh đi trình diện sinh viên Sĩ quan (SVSQ) phải không?” chúng tôi trả lời “phải”, anh ta nói “Các anh đi theo tôi”, chúng tôi vội vàng theo sau anh ta, vào gần tới thềm căn nhà, anh ta quay lại bảo chúng tôi “Các anh đứng sắp thành hàng một tại đây”, chúng tôi đứng thành hàng, anh khác bảo “Đưa tôi xem giấy tờ trình diện nhập ngũ!” tôi móc túi lấy giấy tờ đưa cho anh ta, anh ta cầm coi từng cái một, rồi hạ lệnh “Các anh hãy đứng đây chờ, để tôi vào trình Ban nội vụ làm thủ tục nhập trại”, chừng nửa tiếng sau, thủ tục nhập trại của chúng tôi vào tài khóa SVSQ/Hải quân khóa 21 hoàn tất. Nhìn xung quanh tôi thấy có một số các bạn sinh viên trường Khoa Học như NV Bút (Bút mập), PV Tú, PV Khiết (Khiết trâu nước), HV Hải, Bùi Thọ Xung mà chúng tôi thường gọi đùa là Lệnh Hồ Xung, NT Hùng (Hùng tây lai), cũng gia nhập khóa này, nên tôi cũng thấy vui và đỡ cô đơn.

Ngày tôi vào trình diện, có cả thẩy 21 người, cộng chung với các bạn cùng vào trong tháng để lập thành đại đội mới, trên bực thềm khá cao của khu nhà tạm trú, ngang gần đến vai tôi, mấy anh chàng vào trước như Minh Tề, Lý Tỷ, Đấu, Đ.Quy đứng ra kêu gào bầu bán các chức vụ sinh viên khóa sinh tạm thời cho Đại đội, tôi leo lên ứng cử, cùng với NTHùng, P Ban, TM Dũng và NV Điềm, NV Báu (cao). Kết qủa là Minh tề khóa sinh Đại Đội Trưởng (ks/ĐĐT), Báu ks/kỷ luật; tôi và ba bạn nữa không nhớ rõ ai làm ks/Trung đội trưởng (TrĐT), những tuần lễ kế tiếp là những ngày sáng vào trình diện, tập cơ bản thao diễn, nhặt rác chung quanh trại, chiều được cho về nhà, vì ngôi nhà tạm trú trống trơn, loe ngoe vài cái giường sắt, chẳng có bàn ghế, tủ giả gì cả, cũng không có đủ chỗ chứa tất cả sinh viên, dù là trải chiếu nằm trên sàn nhà, và cũng theo tin đồn đãi, thì trại đỡ phải tốn nuôi thêm bữa cơm chiều, cho những sinh viên cư ngụ quanh vùng Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định. Ngày ngày tôi có nhiệm vụ dẫn trung đội đi ách-ê từ trại Bạch Đằng II vào trong Hải quân công xưởng (HQCX), vừa đi vừa nghêu ngao tập hát Hải quân hành khúc. Chúng tôi tập đi đều bước, vừa đi vừa đếm nhịp, '1, 2, 3, 4', cứ thế điệp khúc được lập đi lập lại cho tới khi dừng chân, tôi tuy nhỏ con, nhưng giọng la thì không nhỏ, lại đã có chút ít kinh nghiệm quân sự, mỗi lần đếm vè tôi cố lấy giọng khàn khàn gằn lên nhịp “hai-ba” sau mỗi câu, khiến cả đám cười rộ. Con đường từ bến Bạch Đằng vòng qua Cường Để, là con đường các quan lớn bé ra vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ) và HQCX tấp nập, nên cứ phải chào lia chia, và canh chừng ra dấu cho toán đi đứng ngay ngắn, tránh ồn ào, mỗi khi thấy các quan lái xe ngang qua.

Tôi không rõ các khóa khác có bao nhiêu sinh viên, nhưng khóa này thấy khá đông, mỗi sáng trình diện đứng đầy nghẹt cả sân, có cả vài trăm người, nên không thể nào biết hết được, may lắm biết bạn bè trong cùng đại đội mà thôi. Cũng nhờ thời gian tạm trú ở đây, tôi biết và nhớ khá nhiều bạn mới, mà đến bây giờ sau hơn 38 năm vẫn còn hình dung được vóc dáng và khuôn mặt của ngày xa xưa, tuy có thể không còn nhớ đúng Họ của vài người, trong đó có Phan Ban, NVKế Ba, TV Cao, ĐV Châu, Chín, NX Chiến, NK Chinh, NT Chương, NHưng Đạo, NV Đài, NV Đấu, NV Điềm, NG Huấn, LM Huệ, NT Lịch, TV Minh, NK Hoàn Mỹ, G. Nam, G. Ngưu, NV Nghiêm, PV Ngâu, HD Ngân, ĐV Nhu, TH Phương, NV Phước, TT Phước, Kha Tư Quốc, HV Rẫm, NH Sơn, NV Tâm, PG Thắng, TĐ Thịnh, DS Thu, ĐV Toản, NQ Tụng, GH Tuyên, NV Vạng và anh chàng cùng xóm tên NV Ba (Ba gà), Ba ở xóm trong, tôi xóm giữa, tuy chung xóm nhưng tôi và Ba không quen nhau cho đến khi nhập ngũ. Thời gian tạm bợ ở đây kéo dài được chừng một tháng, thì chúng tôi được lệnh lên đường, đi thụ huấn quân sự ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung (TTHL/QT), chấm dứt những ngày nhàm chán vô vị, ăn chực nằm chờ ở Bạch Đằng II.

Theo như một số bạn bè và nhiều nguồn tin thì chúng tôi, tổng số khoảng độ từ 530 đến 560 tân khóa sinh thuộc tài khóa 21 SVSQ/HQ, được đưa xuống TTHL/QT, vào ngày cuối cùng của năm 1969, để theo học khóa 1-70 căn bản quân sự bộ binh. TTHL/QT nằm cạnh tỉnh lộ, chung quanh bao bọc bởi những dãy hàng rào kẽm gai, cùng giao thông hào, với những chòi canh cao chia đều bốn mặt, mặt trước có tường xây, trước cổng chính một lô cốt đắp kiên cồ bằng mấy hàng bao cát cao tới đầu người, trong có họng súng đại liên 50 đen ngòm chĩa ra ngoài chực trờ nhả đạn, cổng xây bằng gạch sơn vàng, trên có tấm bảng sơn lớn vắt ngang với hàng chữ nổi “Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung”, xe chạy vào con đường chính, che phủ bởi những tàng cây Điệp, cây Bã Đậu to lớn, cành lá xum xuê, tôi để ý thấy tất cả những con đường ngang dẫn vào các khu đại đội khóa sinh, mọi gốc cây trong trại, và cả những hòn đá to xếp đều đặn dọc hai bên đường, đều được quét vôi trắng, hai bên bờ hào nhẵn bóng, đó là công trình lao động của bao nhiêu lớp trai thế hệ “chà láng” mỗi buổi sáng, từng ngày, qua bao nhiêu năm tháng dài, suốt từ ngày thành lập cho tới nay.

Sau đó chúng tôi được đưa vào Liên đoàn B, Tiểu Đoàn Trương Tấn Bửu, và chia thành 3 đại đội, 18C, 19D và 20E, vì các đại đội đã có sẵn từ Bạch Đằng II nên việc xếp lại rất nhanh chóng, tôi thuộc Đại đội 19D cùng với hầu hết các bạn nhập ngũ cùng đợt, Minh Tề làm ks/ ĐĐT được chừng 1 tháng, sau đó bị đưa xuống vì lý do gì đó không biết, NT Hùng lên thay; PV Tú ks/ĐĐP; NV Báu và Lý Tỷ ks/Kỷ luật, ĐT Nam và tôi ks/Trung Đội Trưởng (TrĐT), còn hai bạn nữa thời gian qua không nhớ rõ là ai. Mỗi đại đội chiếm hai dãy nhà lợp tôn, chung quanh có giao thông hào, giường ngủ là những cái giường 2 từng, đứa nằm trên, thằng nằm dưới, tại đây chúng tôi được học sử dụng vũ khí cá nhân, bò hỏa lực, vượt chướng ngại vật và chiến thuật tác chiến cá nhân, tiểu đội, trung đội. Những sinh hoạt hàng ngày rất bận rộn, kẻng báo thức từ 5 giờ sáng, dậy làm vệ sinh cá nhân, phòng ngủ, giường, chiếu ngăn nắp sạch sẽ, vệ sinh doanh trại, bao gồm nhặt rác, “chà láng” giao thông hào, vòng bao chung quanh những gốc cây Bã Đậu, tất cả đều đắp bằng đất, chà láng là công việc bẩn thỉu và cực nhất, vì nếu chà không láng thì cả đại đội sẽ bị phạt, chúng tôi phải dùng “cà-mên” ăn cơm để chà thay vào cái 'bay' của mấy anh thợ nề, thì mới nhanh và nhẵn được, vì vậy những cà-men của chúng tôi trông bóng sáng như gương. Sau khi làm vệ sinh xong Đại đội mới xếp hàng đi ăn sáng, và đúng 7 giờ chúng tôi di hành ra bãi học tập, với ba-lô quân trang, súng ống và dụng cụ xẻng cuốc cá nhân đầy đủ. Từ mọi ngả đường trong quân trường dẫn tới các cổng, từng đại đội với cờ xí phất phới bay nối đuôi nhau, hàng hàng lớp lớp, những người con cưng của Tổ quốc, vừa đi vừa hát những bài quân ca như “Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn...” hay “Ngày bao hùng binh tiến lên à”, những đại đội khóa sinh hải quân thì thêm bài “Bao người con trai kiêu hùng cùng nhau tách bến,à”, hoặc “Đây Vân Đồn ngày xưa với tiếng ca oai hùng,à”, vân vân à Có những bãi xa cách nhau vài cây số, với trang bị xấp xỉ gần khoảng từ 15 tới 20 kg trên lưng, di chuyển giữa buổi trưa trời nắng chang chang, từ đằng xa đã nhìn thấy những đám bụi đỏ tung bay mịt mù, hệt như cảnh vó ngựa, phi trên sa mạc của những chàng kỵ binh Hoa kỳ ngày trước trong những phim cao bồi miền Tây hoang dã (The Wild Wild West), mới thấm thía cái mệt và sức nặng của nó, đứa nào cũng mồ hôi nhễ nhại. Nhưng nhờ vậy mà mau đói, ăn nhiều, mới có sức chịu đựng, cho dù những bữa cơm chẳng ngon lành gì cả, vào giờ cơm trưa thì có xe GMC của quân trường chở cơm ra tận bãi học, tụm năm túm ba từng nhóm ngồi dưới gốc cây thấp lè tè ngoài bãi, hay chia xẻ nhau một khoang nhỏ trên nền đất trơ trụi, dưới bóng mát của những lớp học lợp tôn không vách, ăn uống ngon lành, những khóa sinh nhà gần thì được gia đình tiếp tế thêm phần đồ ăn mặn, nhờ vậy các khóa sinh nhà ở xa có thêm phần ăn, tôi thì lúc mang lọ muối vừng, lúc lon thịt chà bông, hay thịt rang mắm ruốc, mới mong nuốt được nửa cà-men cơm. Ngoại trừ khóa sinh chức sắc như ĐĐTrưởng, ĐĐPhó, Trung Đội Trưởng được mang súng cạc-bin, các khóa sinh còn lại phải mang trung liên, tiểu liên, súng trường garant tùy theo vóc dáng to nhỏ. Tết năm đó có lệnh cắm trại, chúng tôi phải ăn cái tết quân ngũ đầu tiên ở Quang Trung, trừ vài khóa sinh có gốc “gộc”, con ông cháu cha được cho đi lén đặc biệt, còn tất cả phải ở lại ứng chiến, cũng may có khu vườn Tao ngộ, để khóa sinh tiếp đón thân nhân những ngày cuối tuần, vơi bớt những nhớ nhung, thèm thuồng, vui và nhộn nhịp không thể tả nổi, còn hơn cả hội chợ tết, bởi thế mới có bài hát:

“Hôm nay ngày chủ nhật, vườn tao ngộ em đến thăm anh,
“Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi
“Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên dần,
...
“Tiếng nói cùng tiếng cười, giờ tao ngộ lưu luyến bên nhau”
(Vườn Tao Ngộ - Nhật hà)

Tuy vậy nhưng không đến nỗi ồn ào như chợ cá, vì hình như đã có những sự thỏa thuận ngấm ngầm bất thành văn, bởi tất cả mọi thân nhân tới thăm, coi như sự gặp gỡ là chuyện hoàn toàn riêng tư, tuy là ở giữa nơi công cộng, mọi người đều thông cảm, không ai phàn nàn hay khiếu nại. Hình như khu vườn Tao Ngộ mới được nới rộng thêm sau này, vì chỉ có nửa sân, có bóng mát của những tàng cây to lớn, nửa còn lại những cây còn nhỏ, không đủ che hết trọn sân, nên rất nắng, nhưng những cặp vợ chồng trẻ ở xa xôi, những cặp tình nhân lâu ngày không gặp, thì họ cũng chẳng cần bóng mát, gặp mặt nhau là đã mát từ trong lòng mát ra rồi, nên họ thản nhiên dắt nhau ra riêng góc xa ngoài nắng, lao tâm mới sợ, chứ còn nắng một chút không sao, rồi những cái poncho được mở rộng ra, không phải để trải ngồi, mà để phủ lên người, rất tự nhiên, họ quyện vào nhau thầm lặng, giữa buổi trưa trời nắng chang chang. Trừ những người ngồi ngay cạnh thì may mới nghe những cử động êm ái, những tiếng nói thì thào, nhẹ nhàng, nhưng những người ngồi cạnh, thì họ cũng không dư thì giờ để ý tới người khác, thời buổi loạn ly mà, liệu biết có ngày mai!. Trong ba ngày tết không phải đi học tập, nhà bàn cho ăn cũng khá hơn, có bánh chưng, thịt mỡ kho, su-su xào chứ không phải, cơm canh rau muống nấu sâu thêm ruồi, và cá mòi làm chuẩn như hàng ngày, cũng đỡ. Mỗi cuối tuần nửa đại đội phải ứng trực tại trại, một nửa được “đi bờ”, tiếng lóng của hải quân, là được xuất trại về thăm gia đình, tôi thì chuồn nhanh về với người tình. Tội nghiệp những bạn ở tỉnh lẻ xa xôi nếu có bạn ở Sàigòn thì kiếm về tá túc, bằng không có thì đành phải ở lại, buồn thối ruột, bù lại nghe nhiều anh em kể, có nhiều anh chờ đêm rủ nhau đi rình xem, mấy cô làm nhà bàn tắm cũng thú và đỡ thèm! Đã con mắt thì có nhưng coi bộ căng mạch máu não, và tối ngủ không chừng lại nhớ lộn những bài học phòng không, xách súng bắn máy bay, sáng sau phải dậy sớm xếp hàng dài chờ tắm, cũng kẹt, thanh niên mà!!! Thời gian ở đây tôi khá thân với Vạng và Chín, Chín-tôi không còn nhớ họ, không biết là Lê hay Phan, người xứ Quảng, gầy, hai quai hàm bạnh ra, trông cứ như người ‘anh em bên kia”, hì, hì!, tính tình thì rất vui, chưa nói đã cười hề hề; bây giờ hỏi chẳng ai biết tông tích ra sao; Còn Vạng, con trai độc nhất, người Nam khoái chơi với tôi, nhà ở khu Nguyễn Thiện Thuật, Bàn cờ, về sau đi Thủ Đức, ra trường nghe nói về làm Quân cảnh HQ. Cũng trong đợt huấn luyện này, còn có nguyên một Đại đội Giáo chức, trong đó gồm các Giáo sư Đại học, Trung học ở Sàigòn, họ ở bên liên đoàn A. Tội nghiệp cho mấy ổng, nhiều ông trông thật thiểu não, từ trước tới nay chỉ biết cầm cục phấn vẽ trên bảng đen, và đi đâu thì cũng một bước lên xe, hai bước xuống ngựa, vào đây di hành trên đôi ống quyển khẳng khiu cả chục cây số, lại được mấy ông Thượng sĩ già, một chữ i-tờ-rít cắn cũng không gẫy làm hai dạy bắn, tháo ráp vũ khí, hay mấy anh sĩ quan học trò mình ngày trước, dạy mấy bài chiến thuật, chiến lược, nghĩ cũng buồn cười. Nhưng sau năm 1975 nhiều vị kẹt lại, bị đưa đi học tập cải tạo, mới thấy thấm thía chắc cũng than thầm, coi vậy mà tập quân sự giáo chức ngày đó lại còn đỡ hơn, có ai ngờ cuộc đời lắm cái trớ trêu!

Có vào đây chứng kiến, người ta mới thấy được cái ảnh hưởng của chiến tranh, và sự tai hại vô cùng lớn lao của nó, không phải chỉ là sự tàn phá về tài nguyên vật chất mà thôi, nhưng là sự hủy hoại tài nguyên nhân lực và năng lực của Quốc gia, tôi thầm nghĩ cho dù sau này nếu chiến tranh có kết thúc, cũng phải mất cả hai, ba thế hệ, và nhiều thập niên mới gây dựng nổi, vì tất cả những năng lực để kiến thiết và xây dựng đất nước, tương lai của Tổ quốc đều đã trở thành công cụ, trong guồng máy sát sinh khổng lồ, của các thế lực ngoại nhân trên thế giới, buồn thay cho thân phận nhược tiểu, sự thiếu khôn ngoan của những người lãnh đạo, lèo lái con thuyền quốc gia, và cái chủ thuyết vô thần dị hình Mác-Lê.

Điều đáng nói là từ đầu năm 1969, BTL/HQ đã cho thành lập Tiểu Đoàn SVSQ/HQ Trần Hưng Đạo (THĐ) để gởi đi thụ huấn hải nghiệp tại Hoa Kỳ, cho kịp cung ứng nhu cầu sĩ quan Hải quân cần thiết, nhận lãnh những chiền đĩnh, chiến thuyền do quân đội Hoa Kỳ sử dụng trao lại, trong kế hoạch “Việt Nam hóa” chiến tranh, vì quân trường Nha Trang không đủ chỗ, và phải mất thời gian đào tạo lâu dài, nên khi chúng tôi đang thụ huấn căn bản quân sự ba tháng tại TTHL/QT, thì được lệnh gọi về thi sát hạch khả năng Anh văn, hầu hết sinh viên về thi, nhưng số trúng tuyển thì giới hạn. Mặc dầu thời gian ở trung học, bắt đầu từ lớp đệ Ngũ, Anh văn là sinh ngữ chính của tôi, nhưng sau khi hết bậc trung học, tiếng Anh tiếng u cũng chẳng ra thể thống gì, đọc thì chữ hiểu chữ không, còn nghe thì ù ù cạc cạc, như “vịt nghe sấm” chữ thầy lại trả cho thầy, thôi thì cứ đổ lỗi cho thầy là xong vì “con hư tại cha mẹ, học trò dốt tại thầy”. Cũng may trong thời gian tôi làm Huấn luyện viên ở Vũng Tầu, thường được nghe các sĩ quan cố vấn hướng dẫn và huấn luyện, cho dù qua thông dịch viên, nhưng cũng quen quen giọng phát âm, nên cũng nghe lõm bõm, chữ được chữ không, A-B-C thấy câu trả lời nào, có chữ na ná giống như trong câu hỏi là khoanh đại; chó ngáp phải ruồi, tôi cũng lọt vào danh sách được tuyển chọn, nên rất vui mừng khi biết mình sẽ được về học Anh văn để đi Mỹ thụ huấn, khỏi phải ra TTHL/HQ/NT, ngẫm nghĩ lại cuộc đời ấy thế mà hay, ngày tôi nộp đơn tình nguyện vào Hải quân, chẳng hề biết gì là có chương trình này. Đêm hôm đó chẳng hiểu vì vui, hay buồn vì nghe tiếng đại bác ì ùng từ xa vọng về, làm tôi không ngủ nổi, bất chợt nhớ một buổi sáng năm nao, trong bộ quân phục rằn ri đứng trên đồi cát bãi sau Vũng Tầu, đón những ngọn gió muối từ biển thổi vào, nhìn bình minh ló dạng dưới chân trời, xa tít mù khơi, nơi mặt trời chạm mặt đại dương, tôi đã tự nhủ không biết có bao giờ mình vượt được khỏi lằn ranh kia chăng! Sau 3 tháng học ở QT, chúng tôi được chia làm ba nhóm, một số về học Anh ngữ, một số lớn được đi thụ huấn hải nghiệp tại TTHL/HQ/NT, số còn lại kém may mắn hơn, trong đó có hầu hết những người bạn giai đoạn đầu quân ngũ thân nhất của tôi, được gởi đi trường Bộ Binh Thủ Đức, để tiếp tục học quân sự cho cấp sĩ quan Bộ Binh, trái với ý nguyện hải hồ lúc ban đầu của các bạn. May mắn thay! sau này các bạn cũng được gởi đi học bổ túc Hải nghiệp đặc biệt, tại TTHL/HQ/NT và tại OCS các khóa 10, 11 & 12 để trở thành các sĩ quan Hải quân thực thụ.

APL - BOAT SCHOOL

Sau vài ngày nghỉ phép, chúng tôi, những sinh viên về học Anh ngữ phải trình diện Tiểu Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan Hải quân Trần Hưng Đạo (TĐ/SVSQ/HQ/THĐ), tại tạm trú hạm nổi APL9050, cặp ngay cuối đường Cường Để và bến Bạch Đằng, bên cạnh Câu lạc bộ nổi Hải quân. Tôi và Ba gà rủ nhau đi cùng, chúng tôi đi chung xe taxi, xe vừa qua cửa Bộ Tư Lệnh HQ nhìn về phía trước, trong cái công viên nhỏ cạnh bờ sông sàigòn, ngay dưới chân cầu tạm trú hạm, tôi đã thấy có khá đông người, khi chiếc xe ngừng lại bên công viên, nhìn kỹ hơn trong sân có đến vài chục bạn bè đã vào trình diện, và đang bị các chàng khóa sinh sinh viên liên đội A (ks/SV l/đ), thặng dư của tài khóa SVSQ/HQ/ 20/Nha Trang, hăng say quần thảo bằng đủ mọi thứ hình phạt, tiếng la của các SV ra hình phạt, trộn lẫn với tiếng gào của các SV bị phạt, hòa thành một thứ âm điệu om sòm, kỳ quái, không giống bất cứ một thứ sinh hoạt nào ngoài xã hội, tôi mường tượng đến những đêm trời mưa ở miền quê, tiếng côn trùng rả rich ca, đủ mọi loại, đủ mọi giống thi nhau rỉ rả, hay những buổi trưa mùa hè, đi ngang vườn Tao Đàn, nghe tiếng ve kêu than ầm ĩ trên từng mỗi tàng cây, lúc trầm lúc bổng, như một dàn nhạc đại hòa tấu đang chơi khúc nhạc thúc quân, có âm có điệu, có vè hẳn hòi, thì đằng này một thứ âm thanh trái ngược, chói tai, không nhịp điệu, thi nhau diễn võ dương oai phát ra từ mọi nơi, mọi góc của cái công viên nhỏ này. Tôi và Ba gà vừa bước xuống xe đã được tiếp đón ngay bên lề đường, bằng ba chục cái thăng-thiên độn-thổ (ttđt) với ba-lô trên đầu, tiếp theo là ba mươi cái hít-đất, nhưng chỉ được chừng hai mươi cái là tôi xụi lơ hết gượng nổi, liền có tiếng quát “Anh tiếp tục không được nghỉ, và đếm to lên”, tôi cố gắng hết sức mình nhổm lên, vừa hít ì ạch, vừa đếm một cách chậm chạp, hai mươi mốt, hai mươi hai, à, hai mươi chín, ba mươi, sau khi hít xong, đứng lên trình diện, chàng ta thấy tôi nhỏ con, hiền lành, da sạm đen vì nắng cháy quân trường chưa có thời gian phai mầu, và lại trông lớn tuổi hơn nên có lẽ tội nghiệp không phạt tiếp, bắt tôi vào xếp hàng chung với đại đội, Ba gà thì vẫn bị phạt tiếp tục. Đứng trong hàng, lén nhìn về phía gốc cây dừa trước mặt bên bờ sông, năm sáu sinh viên đang bu quay hai sinh viên, hò hét inh ỏi, một người cao bạn MVL, hai tay để trên đầu đang ttđt, còn người vừa vừa, bạn TMD, mà anh em tặng cho hắn biệt danh D mát, bị trồng cây chuối ngược (tccn) bên gốc dừa, có hai đàn anh nắm hai chân kéo thẳng lên tựa vào thân cây dừa, mặt hắn đỏ bừng bừng, tôi đoán chắc nó đã bị hình phạt này lâu rồi, tay nó vừa chùng xuống, đã có tiếng quát tháo “Anh thẳng tay lên, không được để trùng như vậy”, nó cố gượng tay lên thì thân hình nó ngã khuỵu về phía trước, nó lồm cồm bò dậy cãi “Tôi chịu hết nổi rồi”, có tiếng đàn anh quát:

- “Anh dám cãi lời niên trưởng hả”
- “Tôi không cãi nhưng trồng hết nổi”, nó nhỏ nhẹ trả lời,
- “Trồng không được thì ttđt”, lại có tiếng quát tiếp
- “Anh làm năm mươi cái ttđt cho tôi coi”, tiếng chàng khác xen vào
- “Tuân lệnh”, hắn lờ đờ nói
- “Nhỏ quá không nghe, nói to lên”, có tiếng quát
- “Tuân lệnh”, nó bực tức hét lớn

Một chàng cao rong rỏng, da ngăm ngăm, bộ quần áo tím bạc thếch, và cái mũ đen cũng đã ngả mầu tro, lụp xụp che ngang tầm mắt bước tới trước mặt nó, vẻ mặt lầm lì, hai tay chống nạnh quát tháo “Anh tuân lệnh ai”

Nó bất đắc dĩ lại phải dơ tay chào, ngửng đầu cao, mặt xáp mặt và hét lớn “Tuân lệnh niên trưởng”

Trong khi đó MVL vẫn bị hành hạ tiếp tục, cũng không kém phần khổ ải, theo lời vài bạn kể lại, có lúc hắn tức quá sừng sộ lại “hãy trả tôi về lại đơn vị cũ”; còn HVH và một vài bạn khác, cũng không thoát, khắp chung quanh một khoảng đất nhỏ bé chưa bằng một góc của sân đá banh, chỗ nào cũng có cá nhân bị phạt, những sinh viên này dưới mắt của người ra hình phạt là những người tỏ vẻ ương ngạnh, ngang bướng mà họ gọi là chống đối, còn đa số chúng tôi bị phạt tập thể từng nhóm nhỏ, như một hình thức huấn luyện thể dục, tương đối câu giờ được, tuy cũng mệt bở hơi tai. Trong tuần lễ đầu chúng tôi bị SV l/đ A, mà tôi tạm dùng danh xưng “đàn anh” trong tuần huấn nhục, quay suốt ngày từ sáng sớm cho đến 12 giờ đêm mới được đi ngủ, và chỉ được tha vào giờ ăn uống, (Sở dĩ tôi dùng chữ “tạm” ở đây vì sau tuần lễ huấn nhục, thì bất cứ SV thuộc liên đội nào giỏi Anh ngữ, vẫn được đi Mỹ trước, các SV có trình độ Anh ngữ thấp hơn sẽ ở lại tiếp tục học, và sẽ đi các khóa sau, khi đủ khả năng). Các trò huấn nhục tập thể ở đây gồm, thăng thiên độn thổ, hít đất, bò hỏa lực, đi chân vịt [ngồi xổm hai tay chống nạnh mà đi], đứng lên ngồi xuống, những trò chơi vui khác như, mèo kêu, chó kêu, vịt kêu, đánh trống, thổi kèn, đánh đờn bằng mồm, ca hát, hoặc gọi tên cha, tên mẹ, tên người yêu, là chuyện bình thường, vô phúc anh nào có đào trùng tên với đào của đàn anh “niên trưởng”, thì kể như được lôi ra “thăng thiên độn thổ” là cái chắc; nhưng nhiều khi chẳng cần trùng hay không, khi muốn thì mấy ảnh cứ phịa ra để mà phạt cho vui. Những hình phạt nặng như, trồng cây chuối ngược [vắt hai chân lên hàng rào, chổng đầu xuống đất, tay chống thẳng lên], “kéo xe La-Mã [nắm hai chân kéo ngửa trên mặt đất], thường chỉ được dùng đối với những sinh viên bị quay riêng rẽ, bởi những đàn anh hung thần mà thôi. Sinh viên liên đội B bị quay nhiều nhất là Dũng, Liễu, Hải và một vài người nữa; Ngay chiều đầu tiên có một sinh viên bị quay tới xỉu hay giả vờ xỉu ở gốc dừa, mà tôi không nhớ tên, bị ks/đàn anh múc xô nước sông dội vào mặt cho tỉnh lại, rồi phạt tiếp. Liễu, cũng nghe kể ngay đêm đầu tiên đã bị đàn anh gọi lên sân thượng của APL quay xỉu tại chỗ, Liễu chỉ có mỗi cái tội là cao lớn, nước da ngăm đen, còn thật ra thì trông cũng không có vẻ lì hay dữ dằn gì cho cam; còn Dũng, với bạn bè tôi thấy hắn cũng tốt, vóc dáng bình thường, duy có điều làm người ta chú ý và ghét vì cái vẻ mặt kên kên của hắn, và tướng đi khuỳnh khuỳnh, vai trái nghiêng hẳn sang một bên, nghe bạn học của hắn kể lại với ít nhiều thán phục, hắn cũng có “nghề” và thuộc loại 'chì' từ trước khi vào lính, vì thế mà hắn được chiếu cố tận tình. Tôi không biết vì sao những chàng này lại bị quay dữ dội vậy, hay đã bị nằm trong sổ đen từ khi mới bước chân vào trại Bạch Đằng II, có oán thù từ ngoài dân sự cũng không chừng, hoặc có vào sở thú chọc ghẹo, phỗng tay trên, đào của niên trưởng hay không! Vấn đề “quay” hay “huấn nhục”, phần vì đã được các sĩ quan cán bộ Tiểu đoàn cho phép, phần khác bắt chước truyền thống của các quân trường sĩ quan, nhưng cũng có thể dù rất ít nghĩ ,vì các chàng đều đã phải đi thực tập, dòng dã nhiều tháng trên các chiến hạm, rất cực khổ, đã bị các sĩ quan quay phờ người, nên bây giờ thấy SV các liên đội sau, chỉ phải học có ba tháng quân sự ở Quang Trung, đã được về đây học sinh ngữ, sướng quá, nên được dịp quay lại cho hả cơn ghanh tị chăng, hì, hì! Khi l/đ C & D nhập tạm trú hạm, họ cũng chịu những hình phạt tương tự, trong số những người bị chú ý có Liêm, Lễ, Hùng, LsThắng, LĐ Phồn, Phồn rất hiền, tính tình thẳng thắn, tướng tá phốp pháp to lớn cũng bị quay dữ, tôi cứ phải kiếm nước uống dúi cho Phồn, sau Phồn đi Nha Trang khóa 23, ra trường về làm đài kiểm báo Vũng Tầu cho đến khi mất nước, đi tù cải tạo và mất trong tù, buồn thay cho những người trai dũng, bị chết tức tưởi; Thường thì những chàng khi còn là đàn em mà bị quay nhiều, thì lại dễ trở thành “hung thần” của khóa sau. Nghe Hùng (gà tồ) kể rằng được đàn anh để ý, vì đã trót cùng học chung với hắn ở Chu văn An trước khi vào lính, có lần Hùng bị quay giữa buổi trưa trên boong tầu dưới trời nắng chang chang, ai cũng biết boong tầu bằng sắt thì nó nóng cỡ nào rồi, lại có đêm Hùng được kéo lên sân thượng nhẩy Tango, đến quá nửa đêm mới thôi, chỉ vì tội ai bảo hồi xưa anh ham mê văn nghệ. Trong khi đó một niên trưởng liên đội A khá lùn, thì lại chuyên lùng những tên đàn em cao ráo ra quay “Tại sao anh dám cao hơn niên trưởng?”, có đứa đùa chọc lại “Thưa không phải là tôi cao, nhưng tại vì niên trưởng không được cao đấy thôi”, thế là anh ta chống nạnh hét ầm lên “Anh dám chọc quê niên trưởng hả”, và 30 cái hít đất tặng cho đàn em làm quà. Vì đây không phải là một trung tâm huấn luyện riêng biệt, nên vấn đề huấn nhục được thực hiện ngay bên lề đường của khu bến tầu, cạnh bờ sông, mặc cho thiên hạ bàng quang qua lại ngó nhìn với vẻ bực bội lắm, trong lòng họ chắc đang rủa thầm, “Cái lũ ngợm ranh con này sao nó hành hạ người ta dữ thế”, nhưng thực ra họ không biết, so với Nha Trang hay Đà Lạt, thì nó chẳng thấm thía vào đâu hết, tuy nhiên vấn đề cho phép huấn nhục ngay bến Bạch Đằng, nơi công cộng dưới mắt công chúng, theo tôi là một hành động không nên. Trong khi có những sinh viên hắc ám, thì cũng có những chàng rất dễ thương, theo lời kể thì hai trong số này là Nhơn và Ánh chẳng hạn, bản tính hai chàng này văn nghệ, nên khi thấy sinh viên nào bị quay nhiều quá, các chàng móc anh ta ra chỗ khác tập hát, để câu giờ cho đỡ bị hành hạ, ngày nay thỉnh thoảng anh em nhắc lại thời gian này và tên những hung thần kể cho vui. Tôi thì chả bao giờ có tên trong bảng phong thần, cũng như hung thần, và phải đợi mãi đến đợt OCS 6, mới lọt tên vào danh sách “già dịch” vì không có cùng tần số.

Hết tuần huấn nhục, chúng tôi được mang Alpha trên vai áo và bắt đầu đi học Anh văn, ở dãy nhà bẩy, tám tầng lầu nằm ngay góc đường Duy Tân và Hiền Vương, khu Tân Định, có tên gọi “ESL Boat School” có tường che và rào kẽm gai chung quanh, có lưới chắn trên các hành lang, vì sợ đặc công VC ném lựu đạn khủng bố, mỗi buổi sáng sau khi ăn điểm tâm, chúng tôi được chở đi học bằng những chiếc xe GMC, không mui hay có mui tùy theo ông trời vui hay buồn, dọc theo đường Cường Để, rẽ ra Đại lộ Thống Nhất rồi quẹo trái sang Hai Bà Trưng hướng về Tân Định, trưa lại được chở về, ngồi trên xe khi di chuyển, các chàng SVSQ/HQ trong bộ đồng phục xanh biển, đôi cá vàng lấp lánh trên vai, chiếc mũ cát-kết đen mới toanh, và giải dây kim tuyến vàng óng viền trước, hát những khúc nhạc quân hành vang vang trong sương ban mai, trên đường gặp các cô nữ sinh đi học, các chàng không bao giờ bỏ lỡ cơ hội mà chọc ghẹo, đôi khi gặp cô nào ôm mộng có người yêu thủy thủ, muốn được nghe các chàng thủ thỉ:

“Cho anh thì thầm
“Em ơi tình mình trắng như hoa đại dương” [Hoa Biển / Anh Thy]

thì nhận được sự đáp lại bằng những nụ cười tươi mát, hay những cái nguýt dài đáng yêu, bằng không, gặp những cô đài các, chua ngoa, thì là những câu rủa thầm “Đừng có mơ, em à”. Cuối tuần Đại đội nào trực thì ở lại, còn không thì được đi bờ, trong đời sống quân ngũ, phải nói đây là thời gian rất sung sướng, chỉ thua ở OCS mà thôi, vì nhàn hạ, chẳng phải làm gì ngoài việc học, và trực gác, gác ở trường Boat School, nghe nói có sinh viên bị ma quấy, nhưng ít người trực tiếp. Nghe kể có nhiều chàng chốn học, khai bệnh ở nhà rồi lẻn ra sở thú tán gái, nhất là lại có các em Trưng Vương ngay kế bên, còn gì thơ mộng bằng, tuy nhiên nghe mấy bạn cũng là vua vào sở thú kể rằng, hễ mấy cô mà gặp mấy anh chàng mặc quân phục đã bạc mầu, là mấy cô chạy mất, vì nhẵn mặt quá rồi, chả biết có đúng không! Phần nhiều bạn cùng liên đội với tôi, đã lần lượt đi sang Mỹ học bắt đầu từ khóa 3, tôi cũng hồi hộp mong đi sớm, nhưng vì vốn liếng Anh ngữ quá giỏi nên phải kéo dài thời gian học tới 5 tháng trời, lẹt đẹt lọt lại mãi đợt 6 mới được đi.

hinh-04

Nói về Tiểu Đoàn SVSQ Trần Hưng Đạo, khóa OCS có tổng cộng 12 đợt, xấp xỉ 750 sinh viên, mỗi đợt khoảng trên dưới sáu mươi người tạo thành một khóa cỏn con, cách nhau khoảng chừng 5, 6 tuần, như vậy toàn khóa OCS từ 1 cho đến 12 chỉ kéo dài chừng hơn 1 năm rưỡi. Vì các SVSQ thuộc tất cả mọi liên đội, tùy theo khả năng sinh ngữ, đi trước hay sau lẫn lộn, 3 đợt sau cùng có cả các bạn cũ khóa 1-70 Quang Trung trước đây từng được gởi đi thụ huấn ở trường bộ binh Thủ Đức. Vì thế sau khi ra trường tất cả chúng tôi đều được gọi chung là khóa OCS, không có “đàn anh” hay “đàn em” như ở các quân trường khác, và cho đến bây giờ chúng tôi đều là những người bạn “mày tao” rất thân thiết với nhau, duy có tôi, nghe bạn bè mày tao thấy mà thèm, mà sao tôi vẫn không thể dùng được, ngoại trừ vài bạn học cũ từ thời còn là sinh viên dân sự. Thời gian tạm trú tại APL để học Anh Ngữ, tôi không có kỷ niệm với bạn bè, vì chưa từng bao giờ đi chơi hay dạo phố chung với anh em, ngoài việc học, thời gian và đầu óc còn dành cho người tình, ngay kể cả những người huấn luyện viên dạy Anh ngữ tôi cũng không nhớ, chỉ còn nhớ mỗi anh chàng Trung sĩ  đen đen dạy tiếng Anh, vì sau mỗi giờ học anh chàng bắt cả lớp lập đi lập lại câu “I am all tired out, let hit the rack” (tạm dịch là “tôi mệt phờ rồi, hãy đi nghỉ thôi”) , chúng tôi cũng được chứng kiến, nhiều đêm các sĩ quan cán bộ của Tiểu đoàn, trong đó có bạn vừa mới ra trường từ OCS, chồng chất nhau trên chiếc xe jeep cũ kỹ, mò mẫm trở về giữa đêm khuya, ông nào cũng “say mềm” người, cười cợt, ăn nói huyên thuyên, có ông vừa xuống xe đã ngã đổng kềnh xuống đất ói mửa tùm lum, sinh viên chúng tôi trực gác cầu tầu nhìn thấy đời sĩ quan sao vui quá là vui! Thời gian ở Giang Đoàn sau này tôi lại càng thấy cuộc đời binh ngũ, nếu không có đủ những thứ sau thì quả là thiếu sót. Nếu như ở ngoài đời, xã giao thường phải có “Điếu thuốc miếng trầu, làm đầu câu chuyện” thì trong nhà binh nó cũng không có ngoại lệ:

  “Không đĩ, không binh, anh không là lính
“Không biết uống rượu, anh chưa thật tình’
“Không hút thuốc lá, không biết nhẩy rào
“Không ngày trọng cấm, không phải nhà binh”

Mà tôi thì từ thuở đời nào tới giờ vẫn chỉ

  “Thuốc nửa điếu, rượu một ly
“Đĩ thời xa lánh, binh thì tí ti”

 

SVSQ/HQ/TĐ TRẦN HƯNG ĐẠO - KHÓA 6 / OCS
Naval Officer Candidate School, (NAVOCS)

Hai tuần trước khi lên đường, chúng tôi được gởi đi may hai bộ quân phục tại một nhà thầu trên Phú Nhuận, cho các ngày lễ lớn và mặc đi bờ khi sang tới trường OCS, một bộ mầu cà phê sữa, và một mầu đen, vừa lấy đồ xong thì ngày lên đường cũng đã tới, lại tốn ít tiền mua thêm một cặp Alpha, dây biểu chương, mũ nón, và huy hiệu hải quân để lên đường cho phù hợp với quần áo mới. Trong lòng tôi ngập tràn nỗi háo hức bồn chồn, xen lẫn cả niềm hãnh diện của người sinh viên được đi thụ huấn ở ngoại quốc, không ngờ trong cuộc đời, mình lại có ngày được xuất ngoại, học hải nghiệp tại một trường đào tạo Sĩ Quan Hải quân Hoa Kỳ, có người thanh niên nào mà chẳng mơ ước, cho dù là du học dân sự, hay đi thụ huấn quân sự thì cũng thế thôi, cũng là dịp mở rộng tầm mắt, sang nước người học hỏi những cái hay điều lạ. Hai năm trước khi còn đời dân sự, tôi tiễn thằng bạn Không quân lên đường sang Hoa Kỳ học bay, tôi bảo nó “mày thật diễm phúc, tao cũng ước ao được như mày”, nhưng vẫn nghĩ chẳng bao giờ có, vì nhà nghèo làm sao mà lo nổi sở hụi, bây giờ tôi chẳng phải mất xu nào cũng được đi, nên rất mừng, hôm tôi sắp đi, mấy thằng bạn tụ tập tiễn chân, thằng bạn Không quân nhắc lại “Bây giờ thì mày có còn mơ ước được như tao không, hay là lại chê chả thèm làm lính không quần hả?”.

Đợt 6 OCS rời Việt Nam đi Mỹ vào khoảng cuối tháng 8 năm 1970 [hình như ngày 25], cất cánh từ phi trường quân sư Biên Hòa, trên một chiếc phi cơ dân sự, vì trong chuyến bay này ngoài chúng tôi, 67, 68 sinh viên VN, số còn lại toàn là quân nhân Hoa Kỳ trở về nước, phi cơ dừng cánh ở Tokyo và Alaska, trước khi bay về miền đông Hoa Kỳ. Tại phi trường ở Alaska, lần đầu tiên trong đời tôi đã chứng kiến những hình ảnh, mà ngày trước tôi chỉ thấy trên sách báo và phim ảnh, tuy chỉ là một góc cạnh nhỏ nhoi trong đời sống của xã hội Mỹ. Những người phụ nữ đang ở ngay trước mắt tôi, bên ngoài làn kính của khu nhà chờ đợi, với những bộ đồ lạnh và găng tay dầy cộm, đầu đội mũ lông trừu trùm xuống tận mang tai, họ đang lái những chiếc xe vận tải tiếp tế nhiên liệu cho phi cơ, công việc mà ở nước tôi là của đàn ông, không mấy khi đàn bà phải làm công việc nặng nhọc tay chân, khiến cho tôi có một cảm giác là lạ, cảm phục sinh hoạt bình đẳng, trong đời sống xã hội tây phương. Phi trường trống trải, yên tịnh, rộng bát ngát trải dài trước mắt tôi, tất cả mọi thứ, từ những dụng cụ nặng, đến nhẹ, xe cộ và cả người làm việc chung quanh bến đậu của phi cơ, nổi bật trên mặt đất phủ toàn một mầu trắng xóa. Sau gần một ngày bay, phi cơ hạ cánh ở phi trường quân sự McGuire, tiểu bang New Jersey, xuống sân bay, những người lính Mỹ quỳ xuống hôn mặt đất, một cữ chỉ bầy tỏ sự biết ơn Tổ quốc và Thượng Đế, đã cho họ được an toàn trở về quê hương. Từ đây chúng tôi được đưa về trường bằng xe buýt, trên đường đi chúng tôi được phát mỗi người một hộp giấy cho khẩu phần trưa, gồm Hamburger, khoai tây chiên giòn (potato chip) và một lon Coke, đồ ăn lạ miệng nên ai cũng ăn ngon lành, và hầu như mọi người quên cả mệt nhọc, háo hức ngó trước nhìn sau, bao con mắt đổ dồn ra ngoài cửa sổ để nhìn cảnh vật bên đường, trong lòng ngập nỗi vui mừng. Phần đông các bạn cùng chung liên đội C, D biết và thân với nhau hơn, nên mọi người nhao nhao bàn tán đủ thứ, tôi tự nhủ thầm “Không ngờ bây giờ tôi đã đặt chân tới quốc gia hùng mạnh, và văn minh nhất thế giới này”. Xe chạy xuyên qua những cánh rừng thông xanh ngát, xa lộ sạch sẽ rộng thênh thang phẳng lì, lúc thẳng tắp, lúc uốn khúc quanh co theo đồi núi chập chùng, chạy không ngừng nghỉ, chẳng có đường cắt ngang, đôi lúc qua những thành phố lớn, có những tòa nhà cao ngất ở đằng xa, các khu thương mại, xe cộ đủ mầu sắc đậu đầy ngay hàng thẳng lối, rất trật tự trong những bãi đậu mênh mông, trong lòng tôi tràn đầy một cảm xúc lâng lâng là lạ, thật khó mà tả nổi bằng ngôn từ, chỉ có thể dùng hai chữ tuyệt vời, đây quả là thiên đường hạ giới, cái cảm nhận sơ khởi khi đặt chân tới vùng đất hứa lần đầu, không gian thật mênh mông, cỏ cây xanh tươi, sạch sẽ quá, khác xa với những cảnh vật trên quê hương tôi, tôi chạnh lòng xót thương bùi ngùi, cho thân phận nhược tiểu quá khổ đau và nghèo nàn, nếu không bị đô hộ, bị lệ thuộc bởi ngoại bang, thì cũng rơi vào cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn chỉ vì nặng đầu óc bè phái, kỳ thị và chia rẽ trải qua bao thế kỷ.

Càng đi sâu về miền Đông Bắc, nhà cửa càng có vẻ cổ kính, và những thành phố càng yên tịnh hơn, khi xe di chuyển trên chiếc cầu New Port cao, bắc ngang eo biển Rhode Island, nối liền bán đảo Conanicut với New Port, tôi thấy chiếc cầu xây đẹp quá, vĩ đại quá, ông Trung Úy Mỹ, sĩ quan hướng dẫn chỉ cho chúng tôi biết ngôi trường chúng tôi sẽ đến, nằm về hướng trái phía trước bên bờ vịnh, chúng tôi nháo nhác nghển cổ ra nhìn, chỉ thấy những tòa nhà gạch đỏ nhiều tầng nằm trên một bán đảo nhỏ, xa xa một chút, có nhiều chiến hạm đậu bên những cầu tầu. Khi gần tới cuối cầu, xe dừng lại tại một cái trạm nhỏ xây ngay trên cầu, tôi quan sát thấy mỗi chiều lưu thông có hai trạm, mọi người tò mò nhốn nháo hỏi nhau, ai cũng muốn biết xem xe đậu làm gì, mấy anh chàng ngồi trước, khi thấy người tài xế trả tiền, tranh nhau nói vọng lại, người nói “xe trả tiền cước phí qua cầu”, kẻ ra điều hiểu biết hơn “xe trả tiền  tollway”, hiện tượng này trên xứ tôi làm gì có, cho dù đi từ Bến Hải xuống tận mũi Cà Mâu, cũng đâu có mất đồng xu nào, chỉ có điều bò chậm chạp, ngày này qua ngày khác, ba bốn ngày mới tới nơi. Trên con đường vào trường, quanh co lên xuống những triền đồi nhỏ thoai thoải, hai bên có những hàng cây xanh, và những căn nhà kiểu cổ sơn phết sạch sẽ, nằm lưa thưa bao bọc chung quanh bằng những sân cỏ bằng phẳng tươm tất, khung cảnh đẹp và thanh bình quá. Xe chạy ngang một khúc kề ven biển, tôi nhìn đằng xa dưới bến tầu khoảng chục chiếc đủ loại, nào là Khu Trục Hạm với những cột radar mầu đen ngạo nghễ, Tuần Dương Hạm mầu sương xám, hai ba chiếc tầu ngầm đen thâm thẩm, và có hàng không mẫu hạm nữa, tất cả nằm in lìm bất động trong bến tầu, xe cộ đậu rải rác trên bãi, và cũng không thấy lính tráng nhiều. Gần vào cổng trường, tôi nhìn đồng hồ, thấy xe đã chạy mất khoảng trên 4 tiếng đồng hồ, xe ngừng trước một cái trạm nhỏ chỉ có hai quân nhân gác, quần tím, áo kaki mầu cà phê sữa, đầu đội mũ cát-kết trắng, giầy đen bóng loáng, chẳng có anh nào mang súng, bên phải là căn nhà thiếc mái vòm, bên trái là bãi đậu xe, xa phía trước một tòa nhà đúc đồ sộ, bốn tầng đó là King Hall về sau tôi mới biết đó là nơi trú ngụ của liên đoàn khóa sinh Hoa Kỳ, nằm cuối cái sân rộng thênh thang, có những con chim hải âu đang lởn vởn trên sân, bên trái sân là ba dãy nhà ba tầng gạch đỏ, chạy song song với nhau. Người lính gác nhìn lên xe thấy vị sĩ quan nhà trường, anh ta ngoắc tay cho xe chạy vào, hai chiếc xe nối đuôi nhau chạy thẳng về trước, rồi rẽ vào tòa nhà 3 dẫy bên trái và ngừng lại trước sân dẫy lầu giữa. Bây giờ là cuối tháng tám, trời có lẽ đã vào thu, thời tiết rất mát, ánh nắng vàng nhẹ nhàng bao trùm cảnh vật, trải trên thảm cỏ xanh tươi, hai bên sân, mỗi bên ba bốn cây không cao lắm, trông tựa như cây Điệp quê nhà, tàng cây thưa thớt lá, không đủ che nắng, tôi tự nhủ đây là trường đào tạo Sĩ quan trừ bị Hải quân Hoa Kỳ, hay gọi tắt là NAVOCS, một trung tâm quân sự không có lấy một hàng rào kẽm gai, cũng chẳng có tường xây bao bọc, không một tiếng động, yên tịnh quá, tôi đoán, chắc có lẽ các khóa sinh còn đang đi học, khung cảnh thật êm đềm và thanh bình, chẳng bù với quê tôi đêm ngày nghe tiếng đạn bom, bất cứ căn cứ quân sự nào cũng có hàng hàng lớp lớp dây kẽm gai bao quanh, dân chúng không ai được bén mảng lại gần. Chúng tôi được gọi xuống xe xếp thành hàng ba ở giữa sân, có hai ba sinh viên VN ra đón, tôi nhận ra một người, Uông Tô thuộc liên đội B trước đây, các chàng cho biết đây là Nimitz Hall nơi tiểu đoàn khóa sinh VN trú ngụ. Đứng dưới bóng râm của tòa nhà, hưởng những ngọn gió Đại Tây Dương đầu tiên từ ngoài vịnh thổi vào, khiến cho ai nấy đều cảm thấy khoan khoái, tuy hơi lành lạnh. Mặt trời đã ngả phía sau tòa nhà, tôi nhìn lên hai dẫy lầu ba tầng, chi chít những khung cửa sổ nhỏ cách nhau đều đặn, đó là những phòng ngủ của sinh viên, phía trước mặt một dẫy nhà ngang nối liền ba dẫy nhà. Trung Úy Awe và mấy khóa sinh VN chỉ cho chúng tôi, khu trú ngụ nằm ở tầng trệt của ba dẫy nhà, sau đó chúng tôi được phân thành ba Đại đội: Tango, Uniform và Victor, Đại đội Tango ở dãy ngoài cùng cạnh với sân trường, Uniform ở giữa, còn Victor nằm phía ngoài trông ra vịnh. Sau đó chúng tôi được hướng dẫn vào phòng, cất hành lý và chuẩn bị đi lãnh đồ mặc ấm cho mùa Thu và Đông, phòng chúng tôi ở đối diện nhau qua một hành lang nhỏ và dài, mỗi phòng có hai cái giường sắt, hai tủ sắt đứng, và hai bàn học nhỏ cho hai khóa sinh. Tôi chung phòng với Trần Ngọc Diệp, phía cuối dẫy; đối diện phòng tôi là phòng Đỗ Khang An và Danh Âu, cặp này chỉ được một đêm là tan rã, hôm sau An xin qua ở phòng với LĐ Quang, N Cần chung với NH Phú, PN Kính với LĐ Thuận, LM Sang với NV Tường, NC Liêm với ĐK Nam, TM Hiệp với HV Hùng. Tôi không nhớ sự sắp xếp này là do tự lựa chọn hay là sắp đặt bởi các khóa sinh chức sắc, nhưng càng về sau thì càng thấy, đó là một sự sắp xếp rất khéo léo vả hòa hợp, giả sử như Diệp chung với Kính hay Tường, thì chắc nó điên mất, hay Hiệp mà chung với Thuận, thì nó cũng phát khùng thôi. Sau khi xếp hành trang gọn vào trong tủ, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, ngoài sân, vài Đại Đội sinh viên các khóa 3, 4 hay 5 trong quân phục kaki vàng đang đi đều bước trên đường về, chàng nào trông cũng trắng trẻo mập mạp, đẹp trai ra, khác hẳn những khuôn mặt ở bến Bạch Đằng mới hôm nào, cách nay chưa tròn vài tháng. Cái khung cảnh cũng như sinh hoạt ở đây khiến tôi cảm thấy thoải mái nhẹ nhàng, tạm thời quên đi những đoạn đường chiến binh gian khổ “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” ở quân trường Quang Trung, quên đi những đêm oi bức nóng nực, thiếu ăn, thiếu uống ở APL, nhìn về tương lai những ngày tháng tới, ít ra cũng là những ngày huy hoàng trong đời quân ngũ, tôi thấy mình đã quá may mắn, so với những người bạn khác giờ này đang ở Thủ Đức hay Nha Trang.

Trong tổng số 67, 68 sinh viên của đợt này, chỉ có 9 sinh viên liên đội A, 15 sinh viên l/đ B, số còn lại toàn là các bạn l/đ C và D. Phải nói nhiều sinh viên l/đ C, D còn rất trẻ, có bạn mặt mày non choẹt, búng ra sữa, trông như những chú trừu non, ắt hẳn vừa mới xong Tú Tài, chưa nếm tí ti phong trần của cuộc đời, đã tình nguyện vào lính để thỏa chí tang bồng hồ thỉ; thụ huấn tại quân trường ở Hoa Kỳ, còn gì sung sướng hơn, các chàng này lúc nào cũng hồn nhiên đùa nghịch như vẫn còn ngoài đời sống dân sự, vẫn còn là “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, có nhiều chàng trẻ đến độ mà trong tuần huấn nhục thường hay bị mấy niên trưởng mang ra chế diễu như “Anh chốn cha chốn mẹ đi lính phải không” hay là “Anh khai gian tuổi để đi lính hả”, hoặc “Anh đã thôi sữa chưa mà đi lính”, nói vậy để thấy họ trẻ đến cỡ nào. Tôi thì ngược lại, 5-7 tuổi lớn hơn, còn nặng đầu óc dân sự, và tính tôi hình như lại có vẻ già trước tuổi, hay tại mắc bệnh có “đào già”, nên coi mấy người bạn trẻ này là “bé con”, đôi khi tôi nghĩ nếu biết trước có ngày hôm nay, thì chắc tôi đã đầu quân từ lâu, giờ này nếu không xanh cỏ thì cũng là Đại Úy rồi, làm gì có được diễm phúc đi chung với các cậu “Tú có hình” hôm nay nhỉ, vì thế mà tôi không thân với ai dù là cùng Đại đội; ngoài giờ học tôi ngồi trong phòng nếu không ôn bài vở thì viết thơ cho người yêu, trong khi đó các bạn trẻ đùa rần rần bên ngoài hành lang, may mắn thay, người bạn chung phòng của tôi cũng rất điềm đạm và yên lặng. Có lần trong Đại đội, một bạn dùng danh xưng “mày” với tôi, tiếng thông thường các bạn gọi nhau, nhưng đã bị tôi “chỉnh”, cũng may không có ai khác nghe, điều này làm tôi nhớ mãi, và cho đến bây giờ sau hơn ba mươi tám năm, tôi vẫn thấy mình hơi quá đáng, nhất là khi đã thấm được tình đồng đội “huynh đệ chi binh”, và khi tuổi đời chồng chất, học thêm được cái tình “bạn vong niên”. Đó cũng chính là niềm cô đơn và thiệt thòi, sau này tôi phải mang theo trong đời quân ngũ, vì không có một người bạn thân thích khi ra đơn vị, chỉ có vài người bạn tương đối thân cùng khóa 1/70 Quang Trung, thì đã bị phân tán mỏng trong đại gia đình Hải quân.

Khi khóa 5 chuẩn bị mãn khóa, khóa 6 lên đảm nhận chức vụ sinh viên điều khiển (barmen) Tiểu đoàn, thường khi chọn khóa sinh vào các chức vụ này, các sĩ quan cán bộ Mỹ của từng đại đội phỏng vấn sinh viên trong đại đội mình, rồi đề cử những sinh viên ưng ý lên cấp Tiểu đoàn, để Thiếu Tá Mc. Collough phỏng vấn, cùng với sự hiện diện của các sĩ quan liên lạc Việt nam là Th/Tá Hải hay Đ/U Thiệu. Vì mỗi sáng sinh viên khóa sinh Tiểu Đoàn Trưởng (ks/TĐT) phải xếp hàng tất cả các đại đội sinh viên VN trước cửa Nimitz Hall, sau đó hướng về phía đài kỳ của quân trường nằm bên kia sân, trước cửa King Hall, và hô lớn khẩu hiệu “Tiểu đoàn 5 xin trình diện / Fifth battalion Pass in review, Sir!” cho ks/Liên đoàn trưởng sinh viên Mỹ, cho nên khi vào phỏng vấn trong phòng Th/Tá Mc Cullogh, người trông coi Tiểu đoàn Sinh Viên Sĩ Quan VN, để được chọn lựa, chàng nào cũng phải hô lớn những câu hiệu lệnh xem có to, rõ ràng và oai nghiêm không. Nghe kể ngoại trừ Ng Thận, tướng người cao lớn, Anh ngữ rất lưu loát, nhưng chỉ tội cái giọng dịu dàng, không hùng, còn phần đông tiếng Anh cũng rất thường, cộng thêm âm điệu nặng nhẹ khác nhau, nghe rất tức cười, riêng sáu Ngọ khi được gọi vào, hắn muốn làm khác người, vì không muốn lập lại những gì các bạn khác đã hô, mà chẳng biết hô gì, sực nhớ lúc Đại đội trưởng hô khi đi diễn hành “Tango company, right shoulder, Arm” bèn buột miệng hô lớn câu trên, nhưng vì hắn người Huế,  nhỏ con, giọng nhỏ lại thanh thanh, không có uy, nên người ở bên ngoài chỉ nghe hắn hô na ná như “Tango, cơm bò nì? nai-xào-bơ, ăn!”, thế mà nó cũng được làm ks/Đại Đội Phó/Tango, chuyện về sáu Ngọ thì còn nhiều cái vui. Nói về cấp Tiểu đoàn, có một trưởng và ba phó: Văn hóa, quân sự và tiếp liệu, còn về Đại đội có một trưởng và hai phó: Quân sự và tiếp liệu. Kết qủa việc tuyển chọn của khóa 6 là: NK Trung khóa sinh Tiểu Đoàn Trưởng (ks/TĐT); TV Hường ks/TĐP/QS (quân sự); N Thận ks/TĐP/VH (văn hóa), và LB Dũng ks/TĐP/TL (tiếp liệu). Còn các Đại đội thì có, Tango: NM Ánh ks/ĐĐT; N Ngọ ks/ĐĐP; Uniform: NV Cương ks/ĐĐT; VĐ Tài ks/ĐĐP/QS và ĐK An, ks/ĐĐP/TL; còn Victor có: NT Đàm ks/ĐĐT; NN Bạch ks/ĐĐP/QS; NV Sửu ks/ĐĐP/TL. Các Trung đội trưởng gồm Tango: TT Phú, VĐ Thọ và DV Đức; Uniform là NCT Dực, D. Âu và NH Phú; và Victor có NM Hùng (gà tồ), những người khác nay không ai còn nhớ nổi tên. Hình như số tôi có lẽ chỉ đến đó là đụng trần nhà rồi, vì suốt từ ngày đầu tiên bước chân vào lính, ở bạch Đằng II, xuống Quang Trung, về APL, rồi qua tới đây, nơi nào cũng chỉ được làm trưởng “Trung đội người nhái” không hơn, loại nhái bén, chứ không phải người nhái Hải quân Navy Seal thứ thiệt.

Như đã nói khóa 6 hơn phân nửa là các sinh viên liên đội C & D, nên khi khóa 6 lên nhận quyền điều khiển Tiểu Đoàn sinh viên, thật tội cho vài bạn tôi khóa trước, mang danh là hung thần, sát thủ trong thời gian huấn nhục ở Bạch Đằng, mà chẳng may lọt vào những khóa sau, thì thế nào trong bụng cũng lo ay áy, không tránh khỏi đánh lô-tô, sợ mấy thằng đàn em vài tháng trước “chơi ngược” thì bẽ mặt; Nhưng rất may là tinh thần kỷ luật và học tập ở OCS không giống như ở các quân trường bên nhà, không đặt nặng vấn đề đàn anh, đàn em, không quay hành xác, nên không có hận thù hay hành hạ sinh viên đợt sau, ngược lại ai cũng lo chăm chú vào việc học tập, tranh đua giữa các đại đội với nhau, vả lại những sinh hoạt hàng ngày rất ư bận rộn, chẳng ai để tâm đến chuyện quay SV khóa sau trong tuần lễ đầu làm quen đời sống quân trường hay được gọi là “In processing”.

Cái điểm nổi bật của khóa 6 là ks/TĐT đã không được cao, mà hai ks/TĐP, thì lại quá chênh lệch, một chàng thì thật cao, còn một chàng thì lại thấp, đứng xếp hàng trông cứ như đôi đũa lệch ấy. Ngoài ra còn có nhiều hỗn danh nghe rất tiếu như: Kính ghẻ bên ĐĐ Tango và Kính ở Đại đội Uniform, rất vui tính, văn nghệ nhưng là chúa lười nên được gọi là Kính dơ; Tường, cũng không siêng, chưa thấy mặt, đã nghe tiếng cười, lại hay nói chuyện, nên bạn bè kêu là Tường lu bu; Sang nhí, kể ra tuổi còn lớn hơn Cần sún, nhưng vì hơi à nhỏ, nên nhí là quá đúng; Thuận NeyHall, bạn bè cho hắn tên này vì hễ cứ tới giờ xếp hàng đi ăn, là thấy có hắn ở hàng đầu, lẹ thiệt, còn những công việc khác thì hắn luôn là người cuối cùng; Liêm mù, tướng tá cao lênh khênh, trẻ tuổi lại đeo cặp kính dầy cộm trông cứ như nhà Bác học thông thái, nhưng không học lên cao mà lại chui đầu vào lính; Quang mèo con, nhỏ nhắn, con nhạn lạc bầy, từ liên đội A nhẩy tút xuống đi chung với liên đội C & D, nên lúc nào cũng yên lặng một chỗ ca bài “Những bước chân âm thầm” không chuyện trò với ai cả; cu Cần, vui tính nhỏ tuổi nhất trong Đại đội, cao lêu khêu, lại có cái răng mẻ, không biết có phải là răng sữa còn sót lại không, nên được đặt cho cái tên Cần sún, sau này trong giờ học hải hành của chief John, học về những cái phao thắp sáng (can buoy) trên thủy lộ để tàu bè dễ thấy vùng nguy hiểm, thì cái tên đó cu An kèn đã đổi thành Cần buôi; Phú thẹo, tướng tá cũng cao ráo, chỉ tiếc cái, thời bấy giờ giải phẫu thẩm mỹ chưa phổ thông, nên bị chết với biệt hiệu này; Hiệp móm, rất hiền, dễ tính, cũng đẹp giai, lúc mới sinh ra đã móm rồi, tương tự như Phú, vì kỹ thuật chỉnh hình về răng và hàm chưa có, nên đành chịu không thay đổi được hình dáng cũng như tên; Hùng khờ, không trẻ, không già, rất hiền, hiền đến độ nhìn mặt đã thấy khờ, mặc dù cũng rất thông minh; Cương già, mang quân số liên đội A, đây cũng là một con nhạn lạc tới hai bầy, trông hắn già nhất trong đám, nhưng kỳ thực theo số quân, hắn còn nhỏ hơn tôi; Âu, anh chàng này đã không trắng, lại còn dữ, nên được tặng cho danh hiệu Âu cáp duồn, chàng Âu thì còn điểm đặc biệt hơn người, là có lẽ trước ngày đi Mỹ, sợ lâu quá quên chăng, nên luyến tiếc ráng hốt thêm cái hụi chót, mang theo sang Mỹ để sài thêm vài tuần nữa; Còn về thằng bạn room mate (bạn cùng phòng) của tôi, thì chết với biệt danh “Diệp homo” nó tướng tá phốp pháp, cao lớn, điềm đạm, hiền lành, và rất ghét mấy anh chàng phá phách trong đại đội, tục danh này có thể vì hắn hay giỡn cợt “Ông hiếp cho mày chết nhăn răng ra bây giờ” hay tại vì hắn mua trong PX một con búp bê cao gần bằng em bé 6, 7 tuổi dấu trong tủ! Danh dự mà nói, tôi cùng phòng với hắn, chưa bao giờ thấy hắn lôi ra khỏi tủ, hì hì!. Một con người như vậy mà không ngờ về sau đi tù cải tạo, nghe kể đã có sáng kiến, nuôi gà trống cho đạp mái đổi lấy trứng ăn và bán, nhờ vậy mà gia đình khỏi nặng gánh nuôi dưỡng, lại còn giúp được vài thằng bạn thân trong tù thêm dinh dưỡng, sống qua ngày trong chốn lao tù. Còn về sáu Ngọ, theo đương sự kể lại khi còn là học sinh, nhà ở ngoài Huế hắn thuộc loại “chân chỉ hạt bột”, ngoài việc học, không hề biết tí ti mùi đời, đến khi vào lính, trong thời gian học Anh ngữ ở Sàigòn, những ngày cuối tuần đành làm con bà phước, vì nhà ở tút tận miền thùy dương, bóng dừa xa xôi, không về được, nên đành nằm lại APL, vào một cuối tuần buồn, dại dột nghe theo lời rủ rê bát phố của thằng bạn, ngồi lên xe Honda đi với nó, mà bị mất cuộc đời ở lầu xanh, hắn vừa tức vừa tiếc hùi hụi, hắn tức thằng bạn hay tức ai, tiếc vì chỉ một phút lỡ lầm, mà mất của để dành vào tay một người xa lạ, hay tiếc vì biết quá chậm thì chỉ có trời biết! thì ra cái gì cũng có cái giá của nó. Còn được về học anh văn cũng lại là chuyện không ngờ cho nó, vì không đủ điểm nên không được về chung danh sách chính thức với anh em, buồn thúi ruột thì ngày hôm sau lai được gọi về dự khuyết, thế mà chỉ sáu tháng sau, ra trường đứng hạng nhì trong tổng số 64 sinh viên kể cũng có trí và thông minh thiệt.  Riêng cá nhân tôi, tụi nó tặng cho tôi danh hiệu “già dịch”, tuy tôi tính tình hiền lành, nhưng lại có tội hơi “rếch-lô”, mặc dầu khó tính, tôi chưa bao giờ cho điểm xấu bạn nào cả khi được phép thanh tra, bây giờ thì tôi có biệt danh “già gân” rồi; Trung, không cao, nhưng lại to ngang, và nước da ngăm đen, nên anh em gọi là “trâu nước”; Hường không cao nên bạn bè gọi là Hường lùn, vì là ks/TĐP nên được đeo kiếm khi diễn hành, thanh kiếm thì lại quá dài, thỉnh thoảng nó cứ phải lấy tay đỡ thanh kiếm, cho khỏi lê trên mặt đất, và mỗi sáng khi các khóa sinh chức sắc trình diện đơn vị, thì phải hô lớn câu “All men present and ACCOUNTED for you, Sir !!!” (tạm dịch “Tất cả mọi người hiện diện đầy đủ, xin trình diện thượng cấp”) đến lượt TV Hường mọi người chỉ nghe loáng thoáng chữ cao-cao trong sương ban mai, thế là Cần buôi lại thì thào trong hàng chọc hắn “làm sao cho tôi cao, sir!”.

Một kỷ niệm khác, mà hầu như tất cả khóa sinh VN khó mà quên, là ngày đầu tuyết rơi, đó là lần đầu tiên trong cuộc đời được thấy, được sờ, nghịch, nếm và chơi à với tuyết, vào một buổi trưa, sau giờ ăn cơm, chúng tôi phần lớn đã về phòng chuẩn bị cho những sinh hoạt buổi chiều, chợt nghe ngoài sân có nhiều tiếng ồn ào, Snow! Snow!, chúng tôi chạy ào ra ngoài coi, cả bầu trời ngả mầu xám đục, để lộ ra những cánh tuyết trắng bay nhẹ nhàng, lất phất trong không, đủ để bám vào những cọng tóc, bờ vai, rồi lại vội vàng tan nhanh, nhưng cũng vừa đủ làm cho hình dáng, những cô nữ sinh viên Mỹ, mà chúng tôi gọi là “Oxi cái” trong bộ đồ dạ đen, sơ-mi trắng, đang nhẩy múa, hò reo, phía đằng xa, bên kia sân thêm mờ ảo, như những nàng tiên kiều diễm hiện ra trong giấc mơ. Tôi ngửa mặt lên trời há miệng để đón những cánh tuyết đầu tiên, phủ lên mặt, hôn trên môi, những cánh tuyết vừa chạm đến đầu lưỡi đã vội tan ngay, tuyết đã rơi, dù chỉ kéo dài dăm ba phút rồi ngưng, cũng đủ để báo hiệu cho chúng tôi biết là mùa tuyết đã bắt đầu. Chiều hôm đó tuyết đổ xuống khá nhiều, và suốt qua đêm, sau bữa cơm chiều và cả buổi sáng hôm sau, may mắn thay lại nhằm ngày thứ bẩy, chúng tôi gọi nhau ra ngoài sân đùa nghịch, các bạn trẻ bốc tuyết ném nhau, nhiều bạn xúm lại cùng nhau đắp Snowman, vì không có carrot, có bạn nhặt lấy cành qua khô bẻ ngắn nhét vào làm cái lỗ mũi. Tôi vốc một nắm tuyết lên ăn thử, lại chợt nhớ những buổi trưa hè ngày còn đi học ở Sàigòn, trên đường về ghé ngang tiệm chú ba đậu đỏ” trong con hẻm phía sau đường Phan Thanh Giản và đường Bàn cờ, mua một ly đá nhận rưới mội ít sirô màu lên, ăn vừa ngọt vừa mát rượi cần cổ, giờ chỉ thiếu có tí sirô là tuyệt vời, hẳn là ngon, bởi cánh tuyết mịn và mỏng, nó sẽ làm khẩu vị tăng thêm rất nhiều.

Một lần vào dịp Giáng Sinh, một số sinh viên Đại đội Uniform tụ nhau nhậu nhẹt trong phòng TT Hoài, khóa 7, gây ồn ào náo nhiệt, khiến cho một sĩ quan Việt Nam tên là Thiếu Úy Đ. bắt nguyên cả đại đội Uniform, những ai còn ở lại ký túc xá, bất kể tham dự hay không nửa đêm ra ngoài sân đứng phơi tuyết, mà chỉ có mỗi bộ đồ ngủ trên mình, làm cho cả lũ đứa nào cũng run lên cằm cặp, anh em lầm bầm trong miệng chửi thề um sùm, rất may không có sinh viên nào bị bịnh. Rồi đến tết ta, nhà trường ưu đãi cho SVVN nghỉ học 3 ngày, các cậu cũng tụ tập nhau ăn nhậu ở lầu hai, làm mùi hôi lan tỏa cả khu nhà cư xá, sinh viên Mỹ trực văn phòng Tiểu đoàn, báo cáo lá có chuột chết, đến khi hỏi thì mới biết là TTP nướng mực khô nhậu. Trái ngược hẳn với các bạn hay quậy, thì lại có những ông bụt thật hiền lành như Quang mèo con, Hiệp móm và Hùng khờ, ba bạn này không bao giờ ồn ào, và cũng chẳng làm ai phải phiền lòng, ai thì những bạn này cũng đều vui vẻ, chứ không khó chịu như tôi, (Nghe kể Hùng đã tử trận vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, quả là điều oan nghiệt! Cùng trên chiếc giang đĩnh này, LS Thắng đã bị gẫy chân; Hiệp, bạn cùng phòng của Hùng cũng đã từ giã bạn bè cỡi hạc về trời vào tháng 3, 2008 tại Đức; còn VĐ Hồng tử nạn năm 1973 tại Chóp Chài, đài kiểm báo 202) đó là 3 bạn được biết chính thức của khóa 6 đã bỏ cuộc chơi trần thế. Cầu xin trời Phật ban ân phước cho linh hồn các bạn phiêu du miền cực lạc.

Vấn đề học hành, chúng tôi được huấn luyện đầy đủ từ lý thuyết đến thực hành, cách vận chuyển tầu bè, đi đội hình, học tín hiệu dùng cờ quạt và đèn, hàng hải cận duyên, định vị trí của con tầu bằng cách đo các điểm cố định trên bờ, hàng hải viễn duyên dùng sextant (kính tọa độ thiên văn) đo góc độ các vì sao với đường chân trời để định vị trí, chúng tôi còn được dạy và thực tập phòng hỏa, cứu hỏa, thực tập phòng tai, vân vân,  được thực tập bằng những dụng cụ tối tân hiện đại nhất, mà các sinh viên sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ sử dụng. Thường trong lớp học tôi hay ngồi cuối lớp, tránh xa các bạn trẻ ồn ào, đùa giỡn, tôi lại thích hé tí cửa sổ cho mát, dù lúc mùa Đông, Huấn luyện viên gọi tôi là “Iceman”. Để chúng tôi hiểu thấu về cách tìm sao trên bầu trời, nhà trường cho chúng tôi đi thăm một phòng thiên văn, khi vào bên trong căn phòng tối thui, chúng tôi nhìn thấy cả một bầu trời đầy sao hiện ra trên đầu, được xem từng vì sao đã học. Lần đầu tiên trong đời nhìn nguyên vẹn cả vũ trụ 360 độ, bao la ngay trong một căn phòng nhỏ, cái ấn tượng của tôi là nước Mỹ văn minh quá, tôi thắc mắc không biết làm sao mà họ có thể thực hiện được như vậy, đến khi chấm dứt, đèn bật sáng thì tôi nhìn thấy ở giữa phòng một cái máy chiếu lớn, mầu trắng trông giống như một người máy, ngoài chúng tôi có cả những người dân thường vào xem. Tôi cũng không biết các bạn bè nhặt được tin tức ở đâu mà nói đó là một ngôi trường tiểu học, khiến cho tôi mang cái ấn tượng này về VN cho đến nhiều năm sau, rằng ở Mỹ học sinh tiểu học đã được dạy với các dụng cụ tối tân như vậy, trong khi ở VN, kể cả trường Đại Học cũng không có. Các huấn luyện viên dạy chúng tôi học và thực tập, trong thời gian thụ huấn tại trường, được biết đến nhiều là Chief (Thượng sĩ ) John, Yasuka, Burkey, Tr.Úy Walter, Đ/Úy Black dạy về hàng hải, Đ/Úy Noble dạy chiến thuật hải quân.

Ngoài vấn đề học về kiến thức hàng hải, sinh viên chúng tôi còn được luyện tập và tranh đua các bộ môn thể thao như, bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền, kéo dây, chạy đường trường hàng tuần, nói về chạy đường trường trong đại đội Uniform có VĐ Tài là số một, Tài nhỏ con như tôi, nhưng sức dẻo dai thì vô địch, và lúc nào cũng đem giải nhất về cho Đại đội trong bộ môn này, cho dù hai đại đội kia có những sinh viên to, cao lớn hơn nhiều. Riêng về môn bơi lội, nếu có ai, nhất là những cô em gái đã trót “Với lòng nàng anh là thủy thủ” nghĩ thủy thủ, nhất là Sĩ quan hải quân chắc là phải bơi chì lắm, xin hãy đọc vài câu chuyện khá vui dưới đây, trước khi giả vờ trượt chân té xuống hồ, để chàng nhẩy xuống tình tự bế mình lên, không chừng lại nằm trong bàn tay Diêm Vương, trước khi mộng đẹp vỡ tan như bọt sóng đại dương, mà chẳng thấy chàng đâu. Chẳng hạn như TV Hường, nghe nói hồi đi học từng là tay bơi nổi tiếng ở hồ tắm Chi Lăng, Gia Định, nên được xếp vào toán bơi tiếp sức, mỗi toán viên bơi một vòng vừa đi vừa về. Vì chưa có thì giờ tập dượt, chàng lại cố sức, lượt đi coi cũng được, nhưng lượt về ai ngờ, tới giữa hồ thì chìm lỉm, như theo lời chính đương sự thì “đang ngon trớn bỗng dưng trời đất tối sầm lại như đêm ba mươi, rồi thì lực bất tòng tâm, tay chân bải hoải, thần trí mơ hồ, chỉ còn thấy lờ mờ một cây sào dài đưa ra, vội vàng nắm lấy...”. Còn một bạn khác, An kèn trong buổi tập nhẩy từ trên cầu cao (khoảng chừng 10 mét), sợ quá ngồi ôm cứng ngắc chân huấn luyện viên, tội nghiệp ông ta gỡ mãi mà không được, trong khi phía dưới anh em hò la kêu nhẩy, nhưng chàng nhất định không buông, cuối cùng thì phải có thêm một sinh viên lên phụ gỡ ra, rồi xô chàng xuống nước, lúc trồi lên chàng bơi vào bờ tự nhiên, có sao đâu, nhưng vì có lẽ chưa bao giờ nhẩy cầu cao, nên chàng quá khớp, và Quang mèo con, bạn cùng phòng của An, trong khi chờ đợi tới phiên, giả vờ giả vịt lại chuyện trò với các bạn đã làm xong bổn phận ở đầu hồ đằng kia, rồi thừa lúc sĩ quan quay đi, lội xuống ngâm cho ướt mình, rồi len lén chuồn vào phòng tắm mất dạng, đúng là một cặp bài trùng có khác. Riêng Thành, ĐĐ Victor ngon lành hơn, cũng leo lên nhắm mắt, bịt mũi nhẩy đàng hoàng như một tay nhẩy từng chải, nhưng chờ mãi không thấy nó chồi lên, đến khi bọt nước tan đi và mặt hồ yên lặng thì thấy nó còn đang ngồi thiền dưới đáy hồ, anh em hoảng quá vội nhẩy xuống xách nách đưa lên và làm hô hấp cho tỉnh lại. Còn anh chàng Ngọ đang ngồi lê lết bên thành cầu, thấy cao quá sợ không dám đứng lên, bị thằng nào đứng sau thình lình xô đánh tõm xuống nước, uống một bụng, nhưng cố lóp ngóp bơi bám được thành hồ, bạn bè kéo lên, than phiền “nước hồ có nhiều Ja-ven quá”. Nói về thể thao, đại đội Uniform từ khóa 5 cho đến khóa 8 vẫn luôn giành cờ chiến thắng, Tango thì về học vấn, còn Victor thì quân sự, cộng thêm đứng đầu về vệ sinh. Khu trú ngụ của Đại đội Uniform bị thiệt thòi nhiều nhất, vì nằm ở giữa và có đường dẫn thẳng tới nhà ăn Ney Hall, nên hành lang của Uniform thường hay bị đại đội Victor dùng chùa nhiều nhất, vì các chàng sợ dơ hành lang của mình, ngược lại thì chúng tôi phải làm vệ sinh nhiều hơn, vì nhiều khi vừa lau xong, mấy bố lại tha tuyết bước vào. Từ đó về sau mỗi khi đi ăn sáng về, là các anh em Uniform chạy ra canh hành lang, không cho mấy khứa Victor dùng chùa hành lang, tên nào lén lọt được qua, thế nào cũng bị vài bạn chạy ra la mắng om sòm.

Tuy nhiên để có được sức khỏe thì vấn đề dinh dưỡng cũng không thể bỏ qua, mà dinh dưỡng ở quân trường Mỹ thì có lẽ trên thế giới không đâu sánh bằng, nhất là chúng tôi vừa từ ở một xứ nghèo nàn, chậm tiến, ăn cơm nhà bàn, canh nấu với sâu cộng ruồi, và cá mối làm chuẩn, bây giờ được vào Ney Hall ăn thì khỏi phải nói, quả là thiên đường hạ giới vậy, quân trường Mỹ cho ăn ngon hơn cả bên ngoài dân sự nữa, vì ở ngoài phải mua mất tiền, nhiều khi đắt quá người ta không dám ăn, trong này ăn khỏi tốn tiền, mà toàn những món ngon, vặt lạ, nào tôm hùm, bít-tếch, nào sườn nướng, gan hấp, vân vân, miếng nào miếng nấy to gần bằng cả cái đĩa lớn, mỗi ngày là một món ăn khác nhau, đồ ăn tráng miệng thì có nho, cam, táo, tha hồ mà ăn, khỏi cần phải nói nhiều cứ nhìn những sinh viên tu nghiệp từ Mỹ về thì cũng biết, mỗi người lên ít nhất từ 5 tới 10 kg trong vòng có hơn 6 tháng. Nhiều khi nói ra thì cũng thấy hơi kỳ, nhưng phải thú thật những người làm ở nhà ăn Ney Hall, chắc họ ngạc nhiên lắm, sao sinh viên Việt Nam trông thì nhỏ con, mà cái bụng to thế, to hơn cả bụng sinh viên Mỹ nữa, người Mỹ đôi khi họ còn kiêng cữ, chứ Việt Nam thì khỏi, nếu không nhiều gấp rưỡi, gấp hai, thì chắc chắn không thua, cứ nhìn cái khay đồ ăn là biết, mà tội gì phải kiêng cữ kia chứ, mai mốt về nước sẽ được ăn kham kinh niên lo gì, cả đời chắc gì đã có lần sau, nên cứ việc ăn thả giàn để trừ hao về sau. Giống như đi nhà hàng, từng Đại đội phải đứng xếp hàng chờ ở trước cửa, và đợi khi nào có bàn trống, sinh viên Mỹ trực nhà ăn, ra hiệu cho vào mới được vào. Trong những ngày đầu mới tới, có anh còn thò tay bứt cả chùm nho giả nữa, khiến người đứng quanh không thể nín cười được. Đối với người Mỹ ăn nhiều ăn ít không thành vấn đề, vì thức ăn xứ Mỹ ê hề quá mà, nhưng đừng lấy nhiều rồi mang đổ đi là được. Gần sáu tháng sống ở trường OCS, những ngày vui sướng nhất là ngày cuối tuần, sau khi thanh tra quân phục đi bờ xong là từng nhóm, tung cánh chim bay về muôn hướng, nhiều anh em đi tới tận Boston, New York, tôi và Diệp thường chỉ lẩn quẩn ở New Port hay Warwick, vòng vòng đi ăn cơm tầu, mà cũng chẳng biết gọi món gì hơn là cơm chiên, chỉ có một lần đi Providence và Boston, mỗi lần đi ra phố, thấy phố xá, công viên chỗ nào cũng sạch, cũng đẹp, hai bên lề đường không lát gạch thì cũng xi-măng, chứ không có chỗ nào là đất cả. Hầu như công viên nào cũng có tượng, tượng nghệ thuật, tượng lịch sử, đủ cả, tôi thì chỉ thích đứng cạnh tượng các thiếu nữ khỏa thân để chụp, còn cu Cần và An thì hay tìm mấy bảng chỉ dẫn đường mà chụp, đi chơi chán thì lại tìm đến K-mart mua xà bông, Camay, Dove, hay thuốc lá Salem, Pall Mall, Lucky, vì trong PX nhà trường không cung ứng đủ cho nhu cầu các sinh viên Việt Nam, sau này họ đã phải giới hạn không được mua quá số lượng ấn định mỗi lần. Một loại hàng nữa cũng rất được các sinh viên VN ưa chuộng đó là món hàng 7-mầu, trước đây PX chỉ bán được đồ này cho OC cái, không ngờ nam khóa sinh VN còn mua nhiều hơn! Nếu có nhân viên nào trong PX hay OC Mỹ cái đặt câu hỏi trong đầu “không lẽ SVVN lại-cái nhiều đến thế?” hay “Đàn ông VN là những người tình tuyệt vời! mua cả đồ lót tặng người yêu” thì cũng là lẽ thường, bởi đàn ông Mỹ dù rất ga-lăng, nhưng cũng ít ai mua đồ lót tặng người yêu cả. Hì! Hì!!

Kể từ sau biến cố tết Mậu Thân  năm 1968, trên toàn nước Mỹ khuynh hướng phản chiến được phản ảnh khắp mọi nơi và càng ngày càng được sự ủng hộ của quần chúng Mỹ. Những lần chúng tôi đi chơi ở Providence, Boston hay những thành phố lớn, bất cứ nơi công cộng nào cũng đều thấy có những người đứng ra hô hào phản chiến, họ tụ tập từng đám nhỏ tại các công viên để tuyên truyền chống chiến tranh, nhất là thành phần Hippy, vì thế mỗi lần đi phố gặp những đám người phản chiến, là chúng tôi phải lảng nhanh ra nơi khác ngay.

Mùa Christmast 1970, nhà trường đóng cửa hai tuần lễ, nên khóa học các đợt 6, 7, 8 & 9  cũng được kéo dài thêm, trong hai tuần lễ này nhiều sinh viên Việt Nam rủ nhau đi chơi xa như Providence, Boston, New York, Washington DC, và cả Canada nữa, hưởng những ngày lễ bên ngoài căn cứ, tôi cũng phục tài xông xáo và gan lì của các anh chàng trẻ tuổi này, thật ra thì tiếng Anh cũng chưa đến độ nhuyễn lắm, mặt đối mặt thì cũng tạm OK, chứ còn nghe điện thoại thì cứ What! What! Repeat please! lia lịa (Cái gì! Cái gì! xin vui lòng lập lại!), vậy mà có chàng cũng mò đến cả khu Harlem, vào ngủ ở phòng trọ YMCA cho đỡ tốn tiền. Trong số ở lại trường trong những ngày nghỉ dài có tôi, vì không quen biết ai ở bên ngoài, và cũng chẳng có bạn thân để đi cùng, những ngày nghỉ thỉnh thoảng leo xe buýt, cùng hai ba bạn đồng cảnh ra ngoài New Port ăn cơm tầu, hay lang thang dạo phố tối lại mò về, phần khác cũng không có dư tiền. Lương tháng lãnh 30 đô la đủ tiêu vặt, và dành dụm chút đỉnh mua quà cáp khi trở về, gọi là có tí quà xuất ngoại, chia xẻ cùng bạn bè hay bà con họ hàng. Trong những ngày Christmast, Ney Hall đóng cửa, chúng tôi phải lội bộ tới nhà ăn của một đơn vị khác trong căn cứ để ăn ké, cách nơi trú ngụ cũng đến gần nửa dặm. Mùa đông Newport, thời tiết lạnh vô cùng và tuyết rơi rất nhiều, có ngày tuyết rơi ngập cả thước, mặt trời lặn cũng rất sớm, mới khoảng 4 giờ đã tối mịt tối mò rồi, tối đen như mực, nên mỗi lần đi ăn chiều, tôi phải tìm hai ba người cùng đi cho đỡ buồn, vì ngoài đường không có lấy một bóng người, một mình mò mẫm trong đêm tăm tối trên vùng tuyết trắng mênh mông, vừa cảm thấy cô đơn, lại vừa sợ, vì hầu hết nhân viên trong căn cứ đều nghỉ cả, kể cả khóa sinh Mỹ cũng được cho về nhà, số nhân viên ở lại làm việc hay trực gác rất ít, và họ di chuyển bằng xe, chứ không có ai đi bộ.

 

hinh-06

   
Sau Giáng sinh lại đến tết ta, đây là cái tết thứ hai trong đời quân ngũ, nhưng lần này thì đón tết ở ngoại quốc, có phái đoàn của tướng Kỳ qua thăm viếng, nhưng chỉ nghe nói ông ta đến bộ chỉ huy nhà trường vào buổi trưa, rồi biến mất, chẳng hề gặp mặt hay thăm hỏi sinh viên Sĩ Quan Hải Quân VN đang học tập. Đêm văn nghệ tất niên 1970, khóa 6 thâm niên nhất đứng ra tổ chức, có sự hiện diện của ba ca sĩ Khánh Ly, Ngọc Minh và Ngọc Anh, đêm văn nghệ cây nhà lá vườn của các khóa sinh trình diễn tuy không phải là chuyên nghiệp, nhưng cũng vui. Có những màn đơn ca, hợp ca và kịch. Màn hợp ca do ks/NM Ánh tập dợt được các OC cái Mỹ tán thưởng. Màn kịch Trấn thủ lưu đồn, có ks/TT Hoài giả gái, khá giống, Lân mù, Cần sún và Nghĩa lùn trong vai lính thú đời xưa, và có thêm sự hiện diện của hai cô nữ sinh VN du học trong vai các cô gái Việt, không biết do anh chàng nào dụ vào, xướng ngôn là ks/Thọ. Trước đây khi khóa 3 mãn khóa, cũng có trình diễn võ thuật do ks của các khóa 3, 4, 5 và 6 gồm những màn trình diễn võ thuật Taekwondo do ks ĐV Ất dẫn dắt đã gây được ấn tượng trong giới sinh viên Mỹ, thay vì có thêm màn Vovinam do ks/TH Phương, Trào và Thanh (Dundee), nhưng vào giờ chót, do trục trặc kỹ thuật nghề nghiệp, Phương bị té trẹo tay, nên hủy bỏ. Từ sau hôm ấy, hễ gặp chúng tôi là sv Mỹ lại hỏi “Bộ mấy anh, ai cũng biết võ thuật hả?” thế là chúng tôi được dịp tán phét và thổi phồng “Ừ, ở nước tao học sinh trung học là bắt buộc phải tập võ thuật rồi, và ít nhất phải tập đến đai nâu trở lên!” xem chừng cũng có nhiều sinh viên Mỹ nhìn chúng tôi phục lăn long lóc.

Trong suốt thời gian học tập tại đây, một trong những công việc đầu tiên hàng ngày, mà chúng tôi phải làm là vấn đề vệ sinh phòng ốc và quân phục, công việc nghe thì đơn giản, nhưng lại rất dễ bị điểm xấu, quân trang, quân phục, phòng ốc phải thật sạch sẽ và chỉnh tề. Thanh tra quân phục được thực hiện mỗi buổi sáng trước khi đi học, còn thanh tra phòng ngủ thường sau khi chúng tôi không có nhà. Bởi thế buổi sáng chúng tôi phải ăn cho nhanh để còn về làm vệ sinh, hai người thay phiên nhau, mỗi người làm trưởng phòng một tuần. Việc làm vệ sinh cũng cần phải thực hành cho có thứ tự, thì mới tránh khỏi phải làm đi làm lại, đôi giầy được đánh bóng trước nhất, xong xuôi để ở một góc cửa, rồi tới quần áo, mũ, muốn làm sạch những sợi tơ trời bám vương vãi trên quần áo, nhất là đồ nỉ mùa đông, thì phải dùng băng keo để chấm mới sạch được, dĩ nhiên băng keo thì phải bỏ tiền túi ra mua, chứ không được cấp phát. Xong rồi thì quần áo treo vào tủ, và chỉ mặc sau khi mọi thứ đã làm xong, kế đến lau chùi bàn ghế, tường, giường ngủ, đèn, tủ, tất cả phải thật sạch, không có một vết bụi, cuối cùng lau đến sàn nhà. Để cho được hoàn toàn sạch, chúng tôi phải dùng khăn trắng tinh để lau, chừng nào không còn bụi bẩn dính vào khăn mới thôi, vì người đi thanh tra sẽ dùng tay không, hoặc cắc cớ hơn mang găng tay trắng để quệt bất cứ chỗ nào, mà họ nghi ngờ là không được lau chùi kỹ lưỡng, kể cả dưới gầm giường. Tấm khăn phủ giường và chăn phải gấp nếp phía trên đầu và kéo cho thật căng, làm sao khi thẩy đồng xu lên nó phải nhẩy tưng lên mới được, phần dư chung quanh phải nhét gọn gàng dưới nệm, gối cũng phải để cho ngay ngắn. Sau khi mọi thứ đã được lau chùi sạch sẽ, sách vở đi học để gọn gàng ngay đầu bàn để dễ với lấy, mới bắt đầu mặc quần áo, và sau khi xỏ đôi giầy rồi, chúng tôi tự cấm nhau không được ra vào cho đến khi thanh tra xong. Gần tới giờ chúng tôi xếp thành một hàng ngang trước cửa phòng, ở một bên của hành lang để chờ thanh tra quân phục, việc thanh tra thường do các sĩ quan Mỹ cán bộ đại đội, hay cũng có thể ủy thác cho các khóa sinh đại đội trưởng, trung đội trưởng thi hành, mỗi khi sĩ quan bận hay vắng mặt. Nói về hình phạt thì Kính U6 là người bị đầu tiên cho khóa 6, chỉ vì tội trong tuần lễ “làm quen”, (in processing) mà mặc đồ ngủ chạy ra ngoài bỏ thơ, bị Tr/Úy Mỹ ĐĐP Victor bắt gặp, thẩy ngay cho một cái 7-bravo (mẫu phạt), thế là cuối tuần chàng phải vác súng garant đi cơ bản thao diễn, còn bạn LS Thắng nhà ta, mà bạn bè gọi là Thắng đầu bò, vì không những đầu to lại to con, tốt tướng, không thằng nào có thể giả vờ lấy lộn mũ của nó được, dân Sàigòn nhưng trông không giống người Sàigòn, lại nóng tính, thấy chướng tai gai mắt là gân cổ lên cãi, một sáng đẹp trời làm vệ sinh gì đó, không may gặp ngay thần lửa NTH (khóa 5), còn to hơn, cũng là một thứ Trương Phi xửng cồ, chỉ khác ở nước da, hai anh tê giác đụng nhau, khỏi cần phải nói cũng đoán được, thằng em U6 bị thằng em U5 quăng ngay cho một cái phiếu ăn free “Bò bẩy món” (7-Bravo), đưa lên ông Ba Mươi, ông Cọp thấy bò tươi đâm mê quá! chơi luôn hai phiếu, cuối tuần thằng em tha hồ vác garant “Nai xào bơ” mệt nghỉ.

Một điều cũng vui vui là khi chúng tôi được nhà trường, đưa đi thăm Thiết Giáp Hạm, ở Boston, chiến thuyền buồm Constellation (Tall ship) ở Baltimore, vợ của các sĩ quan Mỹ được các SVVN trổ tài “ga-lăng”, chiếu cố hết mình thay phiên nhau mượn để chụp hình ké, mà chỉ chụp với các bà chứ không chụp với các ông, một bà trẻ đẹp, cao có đôi chân thon dài ở mãi tận đầu kia của con tầu, có khá nhiều sinh viên xúm lại mượn, gần chỗ tôi đứng có một bà, mà tôi không nhớ vợ của Sĩ quan nào, bà khá mập, nên rất ít chàng chụp hình với bà, chợt nghe văng vẳng bên tai tiếng hát Duy Quang “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá à có còn hơn không! có còn hơn không!” tôi bèn bước lại nhoẻn miệng cười cầu tài, xin chụp với ông bà một tấm, và với bà một tấm, kẻo mai này về nước nếu có ai hỏi, có chụp hình với gái Mỹ không, thì còn có mà đưa ra, chứ không thì quê chết. Lần khác chúng tôi được nhà trường đưa đi New York ba ngày, trú ngụ ở khách sạn Commodor, tôi ở tầng thứ mười chín, buổi sáng từ trong phòng nhìn ra ngoài, trời sương mù dầy đặc, bay là đà phía dưới, chọc ra khỏi tầng mây mù là những tòa nhà chọc trời vươn cao giữa làn sương mờ ảo, cảnh tượng thật là đẹp, tôi tưởng mình đã thành Tề Thiên Đại Thánh đang đi trên mây, chúng tôi cũng được hướng đi thăm tòa nhà Liên Hiệp Quốc, và vài công viên nổi tiếng, rất may mấy hôm đó trời không có tuyết, nên đường sá sạch sẽ, khô ráo. Tuy thời tiết khá lạnh, nhưng được cái có nắng nên cũng dễ chịu, Nữu Ước là thành phố du lịch quốc tế, lúc nào cũng tấp nập du khách trên đường phố, có nhiều người thấy chúng tôi ăn mặc đồng phục đen, nón trắng có mỏ neo, nên họ rất tò mò, nhìn chúng tôi lạ lùng lắm, nhờ thế mà việc mượn đào chùa để chụp hình cũng không mấy khó khăn, thôi thì các chàng tha hồ mà chụp, đầy nghẹt nguyên cả khúc đường trước tòa nhà Liên Hiệp Quốc, mọi góc, mọi nơi, mọi cảnh trí đều được thu vào ống kính lia lịa, có một bà sồn sồn rề lại hỏi tôi “Các anh là ai, và đồ các anh mặc là đồng phục gì vậy?” Tôi trả lời “Chúng tôi là sinh viên Sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, từ miền Nam Việt Nam sang đây du học”, trong bụng yên chí khi nhắc đến tên miền Nam VN, thì hầu như toàn thế giới đều nghe đến, tưởng thế là đã thỏa mãn được tính tò mò của bà ta, ai ngờ lại càng làm bà ta ngạc nhiên hơn, bà hỏi tiếp “Anh bao nhiêu tuổi?”, tôi thành thật trả lời “Tôi 26 tuổi”, bà ta dương tròn đôi mắt sửng sốt “Thật hả, tôi tưởng anh chừng 17”, nói rồi bà ta quay qua quan sát những sinh viên gần đấy, bà lắc đầu quầy quậy quay đi, tôi nghĩ chắc có lẽ trong bụng bà ta đang nghĩ “Không thể tin được, mấy đứa này chắc chỉ 14, 15 là cùng”!!

Ngoài ra có ba biến cố đáng kể của khóa 6, một là vào dịp Giáng Sinh và tết tây, lợi dụng kỳ nghỉ dài, một sinh viên tên K đã bỏ trốn qua Canada, và sau đó nghe tin anh ta trốn qua Pháp, chẳng biết bây giờ anh bạn đó có nhớ lại kỷ niệm những ngày xưa ở OCS không! Hay có giây phút nào nghĩ về những người bạn trẻ một thời, cùng mang con cá vàng trên vai áo màu tím đại dương! Trong khi đó Quang baby, người trẻ tuổi nhất khóa, đầu quân vào lính khi vừa tròn 18 tuổi, có thân nhân đang ở tại Mỹ, bạn bè của hắn luôn nghĩ là hắn sẽ trốn ở lại, thì hắn lại không trốn, hết hai tuần Giáng sinh bạn bè lại thấy hắn lù lù trở về trường, không hiểu Quang vì tình yêu quê hương, hay yêu đào, thà trở về tác chiến, chứ không làm kẻ đào ngũ, nhưng tôi chắc hắn chưa biết cái lông hồng nó nhẹ bao nhiêu! Còn anh chàng nữa tên H cũng đã đi Canada, nhưng sau đó lại bò về, chắc nhớ bồ ở Sàigòn, sợ em ở nhà theo thằng khác chăng, hay tại hồi bé cũng ăn thịt thỏ đồng như tôi! Hai sự kiện khác là một sinh viên (ĐĐ Victor) đã được cho về sớm hơn hạn định vì lý do kỷ luật, chỉ vì đã có hành động lỡ lầm ở ngoài phố, không biết có phải vô tình quên và vì khả năng Anh ngữ không đủ để giải thích cho người ta hiểu sự nhầm lẫn của mình, nên lâm vào cảnh “tinh ngay lý gian” chăng? Bạn khác muốn ôn bài trong lúc nhàn rỗi, đã viết vào tay của mình những điều cần nhớ, nhưng lại quên không rửa tay, khiến cho Huấn luyện viên nhìn thấy, cả hai anh bạn đã bị đưa về sớm hơn dự liệu. Đời sống tập thể quả là phức tạp, người thế này, kẻ thế khác, cộng đồng nào thì cũng vậy, bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn kia mà.

Sáu tháng học tập rồi cũng qua thật nhanh, cuối cùng thì chúng tôi mãn khóa vào ngày 26-1-1971, thay vì theo chương trình còn một cuộc đi du lịch, hình như tới thủ đô Hoa Thịnh Đốn trước khi rời trường OCS, nhưng theo đồn đại của các sinh viên khóa tôi và các khóa sau, thì do một hai khóa sinh khóa 6, đã sử dụng điện thoại viễn liên quá mức tưởng tượng, làm ngân sách hao hụt, thế là chương trình du lịch cuối cùng của chúng tôi bị hủy bỏ, và nghe nói các khóa sau cũng bi ảnh hưởng lây. Sau ngày mãn khóa, chúng tôi rời OCS, lại hành trang lên xe buýt, nhưng khác với lần mới đặt chân tới, nhiều háo hức lẫn tò mò, lần này ra về với ít nhiều lưu luyến lẫn bâng khuâng, hành trang nặng nề hơn, một phần vì chúng tôi ai cũng lên cân, trông đẹp trai hẳn ra, đôi má phúng phính và hồng hào, chứ không hom hem, đen thui như ngày đầu, hành lý thì ngoài quần áo, còn thêm cả quà cáp, và hơn tất cả, ngồi trên xe nhìn tòa nhà ký túc xá Nimitz tôi không khỏi bùi ngùi, từ nay không còn phải làm phòng, không phải thanh tra quân phục mỗi buổi sáng, nghĩ lại chỉ thấy vui vui, chứ không thấy cực nhọc, nhớ nhà ăn Ney Hall, nhớ cái mùi béo ngậy và thơm phức vào mỗi bữa ăn, tôi thầm cám ơn những nhân viên nhà bàn, đã tận tình làm việc để cho chúng tôi những bữa ăn ngon miệng, sau đó dọn dẹp mà không có một đồng xu “Tip” để lại, ngược lại mỗi lần khi thấy chúng tôi bước vào, họ nở nụ cười vui vẻ. Nhớ King Hall, bên kia bờ sân cờ rộng mênh mông, có lá cờ Mỹ to tướng phất phới bay, quất phần phật trong gió dưới nắng ban mai, nhớ lớp học, nhớ mấy người huấn luyện viên, nhớ ông “Ba mươi” tốt bụng. Ngoài sân vẫn đầy tuyết phủ, nhưng sao nhớ quá những cánh tuyết rơi đầu mùa, nhớ những cánh rừng vàng đỏ mùa Thu bên kia bờ vịnh, bây giờ tôi thấy thèm một ngọn gió lồng lộng thổi từ vịnh vào. Đoàn xe từ từ chuyển bánh, chúng tôi dơ tay vẫy chào lần cuối “Tạm biệt OCS!”, “Giã từ OCS!” có tiếng nhôn nhao “vĩnh biệt” chứ sao lại “giã từ”, về nước làm gì còn có ngày trở lại, ừ thì “Vĩnh biệt OCS!”,“Vĩnh biệt các OC cái” đoàn xe tiến ra khỏi cổng, bên tai tôi còn nghe văng vẳng tiếng “May I request your permission to pass your party, Sir!” !” (tạm dịch “Tôi xin được phép đi ngang hàng quân của ông, Sir!) nhỏ dần, nhỏ dần, ngôi trường cũng khuất dần rồi mất hẳn sau những khúc quanh, giống như những khúc quanh trong đời.

Bay sang Mare Island, Vallejo vùng vịnh Cựu Kim Sơn, để được tiếp tục huấn luyện hai tuần lễ, về chiến tranh sông ngòi, và thực tập sử dụng các loại giang đĩnh, di hành trên sông rạch, phải nói vùng sông ngòi này giống y hệt như những sông rạch miền đồng bằng sông Cửu Long, cũng có những vùng sình lầy lau sậy cao ngập đầu, cũng những dòng sông uốn khúc quanh co, khiến cho tôi chạnh lòng nhớ quê hương, mà cũng không lâu, chỉ hai ba tuần nữa chúng tôi sẽ trở về. Điểm đặc biệt hơn hết là sương mù về đêm và sáng, trong chương trình chúng tôi sẽ có những cuộc thực tập hành quân và đột kích đêm, sau khi ăn bữa cơm chiều dã chiến, chúng tôi được chia nhiệm vụ từng toán xuống chiến đĩnh các loại, alpha, tango, monitor, PBR, tất cả tầu bè đã chuẩn bị sẵn sàng, máy tầu nổ giòn tan, và bắt đầu tách bến, thì sương mù đổ ập xuống, nhanh đến độ, tàu chưa ra được đến giữa dòng đã không còn nhìn thấy chiếc nào, mặc dầu vẫn nghe tiếng máy nổ chung quanh, nghe cả tiếng máy truyền tin gọi nhau ơi ới, ngay cả trên cùng một tầu mà đứng cách nhau vài mét là không thấy nhau rồi, đêm đó cuộc thực tập phải hủy bỏ, để chờ hôm sau. Cuối tuần chúng tôi rủ nhau ra thành phố Cựu Kim Sơn chơi, đến phố tầu ăn mì, thành phố tráng lệ, huy hoàng và to lớn quá, với nhiều nhà chọc trời, những con đường leo lên, đổ xuống cao vun vút, chúng tôi từng toán năm ba người, lục lạo khắp thành phố, khi thì đi xe buýt, lúc thì leo xe điện, China town, cầu Goldengate Bridge, sở thú, là những nơi được ưa thích nhất. Vào sở thú, lần đầu tiên nhìn thấy chú nhái lửa độc nhỏ xíu, mà hình như trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, Kim Dung đã cho Lệnh Hồ Xung ăn, và nhờ vậy mà LHX đã có một loại độc dược cực độc trong cơ thể, để chống lại những chất độc dược khác. Bắt chước những du khách, chúng tôi khắc tên mình trên những lá xương rồng to tướng và những gốc cây ở đây, để ghi dấu mình đã đặt chân tới đây, biết đâu sau này lại chả có một du khách VN đặt chân đến đây, đọc được những tên này, chắc họ sẽ cảm thấy ấm lòng và yên tâm hơn, buổi tối hôm đó chúng tôi cũng không quên ghé tới con đường Broadway, mò mẫm vào trong mấy hộp đêm khỏa thân để coi cho biết, kẻo sau này về nước sẽ hối tiếc, vì không được thưởng thức, những cái độc đáo của xứ cờ hoa, mà trước đây chỉ được nghe các chàng phi công đi Mỹ về kể chuyện, nghe mà thèm thuồng, còn đi xa hơn khỏa thân thì tôi thật tình không biết, lạng quạng gặp bọn lại-cái thì chết, ai cũng nhớ kỳ đi Nữu Ước năm ngoái, có một sinh viên khóa 5 bị thất lạc, ngày tụ tập trở về trường không thấy sinh viên đó trình diện. Hôm sau anh ta mới lò mò trở về trường, với thân hình tiều tụy, quần áo tả tơi, anh em đồn rằng nó bị bọn lại-cái bắt cóc, tội nghiệp sinh viên đó cũng bị đưa về nước trước hạn định, mà không ai biết nguyên do vì sao. Hôm khác tôi lang thang ra ngoài thành phố Vallejo chơi, thành phố nhỏ, có những con đường lên đồi, đổ dốc sâu thẳm như ở SF, cây cối xanh tươi, nhà cửa nhỏ và gần gũi nhau hơn vùng Đông Bắc, vẻ êm đềm và tĩnh mịch khiến cho tôi lại nhớ về Đà lạt, nó có một cái vẻ ấm cúng, và thân thiết, và không biết tại sao tôi lại yêu thích cái tên Vallejo vô cùng, hình như tôi đã để lại một phần con tim, cho một người con gái không tên nào đó, ngay cả đến bây giờ cũng vậy, mặc dầu tôi chẳng có một kỷ niệm gì với nó, tôi chỉ như một con thuyền dừng bến trên một dòng sông lạ một lần rồi đi.

Ngày 12/2/1971 chấm dứt khóa học hai tuần về chiến tranh sông ngòi, chúng tôi lên đường trở về Việt Nam, tưởng cũng cần nhắc là dịch chim cút ở Việt nam vẫn đang nóng bỏng, một người bạn thân gởi thơ qua nhờ tôi mua giùm một hai cặp, tôi phần vì sợ bị rắc rối, phần cũng chẳng biết ở đâu mà mò, vậy mà khóa tôi hai sinh viên NTĐ và NVC cũng mua được chim cút dấu mang về, phục thiệt, lúc ở trên phi cơ, chim kêu chíp chíp, cô nữ chiêu đãi viên đi tới nơi phát ra âm thanh, nhưng hai chàng SVSQ/HQ đã nhanh nhẹn và tài tình hơn, đá vào cái thùng cho nó im lặng, rồi giả vờ huýt gió tiếng chim kêu, vậy mà đã đánh lừa được cô chiêu đãi viên mới tài. Cần “buôi” thì dấu được một khẩu súng nhỏ .22 ly mang về. Khi về đến phi trường Tân Sơn Nhất, nhân viên quan thuế thấy nguyên băng toàn SVSQ chẳng bị hạch hỏi gì cả, chỉ khám xét qua loa rồi thôi, nên tất cả đều qua trót lọt, Sau khi ra khỏi cửa thì đã quá trưa, lại nhằm ngày thứ 6, anh em bàn cùng nhau hẹn sáng thứ hai hãy vào trình diện, thế là mạnh ai nấy tản hàng thật lẹ. Sáng thứ hai cu Thận vào BTL/HQ trước, bị cấp trên dũa cho một trận vì tội “ai bảo các anh tự ý tản hàng” về nhà, nó chỉ còn nước chối bai bải “thằng Trung nó là ks/TĐT chứ đâu phải em”.

Khoảng tuần sau chúng tôi được gắn lon với cấp bậc HQ Chuẩn Úy trong khuôn viên Hải Quân Công Xưởng, phía sau BTL/Hạm Đội, với sự chủ tọa của HQ/Đại Tá NN Quỳnh, người bưng khay cấp bực của chúng tôi là Nữ SVSQ Xã Hội duyên dáng, khả ái LQ Lệ-Lan, sau này nghe tin cô đã tử nạn trong một tai nạn trên chiếc HQ501 vào tháng cuối cùng của cuộc chiến, tuy đau thương nhưng ít nhất cô đã không phải chứng kiến cảnh đầu hàng, hay vứt bỏ bộ quân phục một cách tức tưởi mà cô đã tuyên thệ mặc vào, xin thắp một nén hương xót thương cho cô “Hồng nhan bạc mệnh”. Hôm sau chúng tôi tập họp tại câu lạc bộ nổi để lựa chọn đơn vị, theo thứ tự ưu tiên đậu cao thấp, tôi may mắn nhờ có dính một tý chức sắc (two-bar man) nên được xếp hạng 11 trong tổng số 64 người ra trường, đợt này may mắn danh sách đơn vị có đầy đủ cả, từ hạm đội, hải đội, đến duyên đoàn, giang đoàn và các căn cứ rất nhiều. Chúng tôi vừa mới ra trường đầu óc còn trong trắng, mộng hải hồ vẫy vùng ngang dọc, chí khí cao vời vợi, và lòng yêu tổ quốc ngùn ngụt cháy trong tim, ai cũng muốn đem tài trai ra bảo vệ và gìn giữ quê hương, noi theo gương những vị anh hùng xa xưa, nào Ngô Quyền, nào Trần Hưng Đạo, với chiến thắng sông Bạch Đằng lẫy lừng, có một không hai trên thế giới, còn vang dội mãi ngàn thu, chỉ nghĩ có một điều là sĩ quan hải quân thì phải đi tầu, chứ về đơn vị bờ thì chán lắm, nên cứ mỗi lần thấy các bạn bè lên chọn, là lại một lần hồi hộp, thầm mong nó chọn các đơn vị gần nhà, để còn tầu hạm đội chờ đến lượt mình. Trong 10 bạn đầu, có đến 7, 8 bạn chọn chiến hạm lớn, Khu Trục hạm, Tuần Dương hạm, Dương vận hạm đều đã hết, đến phiên tôi mừng thầm vì trong danh sách cũng còn ba con tầu, một Hộ tống hạm, một tầu dầu và một Y-tế-hạm, tuy không oai phong lẫm liệt như những chiếc kia, nhưng vẫn là tầu đi biển, các hải đội còn nguyên. Tôi chưa có kinh nghiệm gì về các đơn vị hải quân, cũng chẳng có liên lạc với bạn bè từ các khóa trước để thăm hỏi, nên không biết loại tầu  nào hơn loại nào, duy chắc có một điều là cả ba con tầu này đều là loại cổ điển thiếu tiện nghi, nên chỉ biết chọn tầu nào thường có những công tác ngắn hạn, một công hai chuyện, thứ nhất được lên bờ thường xuyên, thứ hai có cơ hội gặp người yêu một cách dễ dàng, tình yêu đầu mà, nên trong ba con tầu tôi đoán, Hộ tống hạm chắc là đi thường xuyên và dài hạn, tầu dầu nghe tên đã không thấy có gì vui rồi, vả lại là sĩ quan ngành chỉ huy, không lẽ tối ngày chỉ đi tiếp tế dầu, chỉ còn Y-tế-hạm Hàn Giang, HQ401, là loại tầu cũng tương đối lớn của hải quân mình, lại có hy vọng đi công tác dân sự vụ nhiều hơn, và tên nghe cũng vẫn còn chút hơi hám dân sự, nên tôi chọn chiếc này, nhường Hải đội, Giang đoàn cho các bạn sau. Sau khi tất cả chọn đơn vị xong xuôi, chúng tôi được lệnh hai ngày sau, vào phòng Tổng quản trị để nhận sự vụ lệnh trình diện đơn vị mới, mọi người nhốn nháo bàn tán, hỏi han nhau về tin tức các đơn vị, những bạn chọn được tầu hạm đội, hay được về đơn vị gần nhà thì vui vẻ, các bạn lỡ phải đi giang đoàn, hay đơn vị xa nhà thì cũng hơi buồn và ưu tư, vì kinh nghiệm tác chiến chưa có, mà sông rạch thì nhỏ, ngoằn ngoèo dễ bị phục kích. Tôi không có bạn bè thân thiết trong khóa nên cũng không có gì lưu luyến, chẳng trao đổi địa chỉ với một ai, cũng chẳng nuối tiếc chần chờ, vội vã chia tay vài bạn quen ra về, để còn kịp ghé thăm người yêu, trong lòng với ít nhiều thơ thới, vì tôi đã chọn được tầu, chứ không phải về các giang đoàn tác chiến hay hải đội xa xôi, sau này nếm mùi đời mới biết đúng là số trời, đi chiếc này ăn mì gói dài dài, và thiếu đủ mọi thứ tiện nghi.

Nctd
Nam Cali, Đầu Đông, 12/2008

Ghi chú: Chân thành cám ơn các bạn Oxi, đặc biệt các bạn OCS6, và các bạn OCS khóa “1-70 Quang Trung” đã chia xẻ những tin tức, kỷ niệm buồn vui thời ở quân trường Quang Trung & NAVOCS, vào những năm 1970-1971.