Phải đạp vòng vèo qua thêm mấy gian hẻm gần nửa giờ tôi mới đến
nơi mình muốn tìm. Lục trong cái xách tay tôi đọc kỹ tấm giấy giới
thiệu và tờ quyết định một lần nữa để tin chắc mình không lầm lẫn
khi nhìn tấm bảng đồng ố màu gắn trên vách trước gian nhà ghi mấy
chữ "Mythuatco Export", dựa chiếc xe đạp
vào sát vách tường sau khi khóa lại cẩn thận tôi hăm hở bước tới hỏi thăm một
người đang ngồi trước cửa với giọng hết sức lễ phép :" Thưa bác, làm ơn
chỉ cho cháu phòng tổ chức ở chỗ nào". Ông này gương mục kỉnh ngước mắt
nhìn tôi trân trối, bây giờ tôi mới kịp nhìn kỹ người đối điện, vóc dáng gầy
gò, mớ tóc quá vai cộng với chòm râu rậm rạp dài lê thê gần tới ngực giống hệt
như một người tiền sử, nếu không có cặp kính cận dầy cộp giống như hai cái đít
chai chắc chắn mọi người sẽ nghĩ thế. Thấy ông già vẫn trợn mắt nhìn, tôi bèn
lập lại câu hỏi lần nữa, vẫn không thèm lên tiếng ông già giơ ngón tay trỏ với
móng nhọn quặp xuống như mỏ két chỉ về phía sau lưng tôi, ngơ ngác quay đầu lại
và nhìn kỹ tôi mới trông thấy cái bàn gỗ đặt khuất góc một bên vách tường sát
cửa ra vào, trên bàn có tấm bảng nhỏ kẻ hai chữ " Bảo vệ ", ngồi phía
sau bàn là một bà già trên năm mươi với nét mặt khô khan.Sau khi trình giấy tờ
liên quan tôi chỉ nghe vẻn vẹn hai chữ cộc lốc "lầu 2 "!. Bước lên
từng bậc thang tôi thấy bước chân như khựng lại, cái lạnh nhạt ở nơi hai người
vừa qua là cảm giác đầu tiên ghi nhận về nơi chốn sắp về làm việc khiến lòng
tôi hoang mang thầm nghĩ, "chẳng biết rồi mình còn sẽ diện kiến ai và tương
lai sẽ ra sao đây ? "
oOo
Đời có những chuyện bất ngờ mà người ta trước đó không hề nghĩ
ra. Thật tình chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình sẽ có ngày được làm
những công việc đúng với trình độ và khả năng của mình, nhưng những
sự việc lại tuần tự xảy ra một cách ăn khớp như có một bàn tay
vô hình sắp đặt. Sau cái ngày "trời sập", là chữ mấy
chị em trong tổ hợp vẫn thường hay nói thế để nói về tháng tư bảy
lăm, tôi phải cố gắng xin một công việc chứng tỏ mình là một người
biết rõ "lao động sản xuất là vinh quang, lang thang là chết
đói "và cho dù tôi đã làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm nhưng
vẫn chưa "tiếp thu "được hai chữ vinh quang khi tiêu
chuẩn lương thực nhà nước bán cung cấp hàng tháng chỉ đủ để ăn
không quá một tuần, nếu không nhờ những món đồ cũ còn tồn đọng
từ thời "đế quốc Mỹ "đem bán ra ăn dần chắc là gia đình
tôi chết đói thật rồi. Thời gian đầu mới chuyển về nhiều người
ở công ty hỏi tôi mấy năm trước làm nghề gì tôi đều trả lời mình
làm nghề "xỏ lá "và phớt tỉnh trước những đôi mắt nhướng
to vì tưởng tôi đang đùa dai với họ.
Một bữa Duy Thủy, nhân viên thuộc phòng kỹ thuật xuống nộp bảng
chấm công nhìn thấy tôi Thủy nói nhỏ với tên trưởng phòng điều
gì đó và cả hai cùng bật cười. Mấy hôm sau khi tôi đem bảng thanh
toán qua cho Tiến ký thì hắn hỏi tôi :
- Bộ chị gọi thằng Thủy bằng
bác hả chị Kim Quy ?
Tôi trợn mắt nạt :
- É, đừng có nói giỡn, Thủy nhỏ hơn tôi cả chục
tuổi, gần bằng em út của tôi nha
- Thiệt mà, Thủy nó nói với tôi đó.
- Cậu ấy có nghe lầm hông ?,
- Không đâu, nó nói là hồi chị mới về trình diện chị gặp nó ngoài
cửa chị kêu nó
bằng Bác xưng cháu rõ ràng mà.
Cố lục lại trí nhớ tôi cãi :
- Tôi chỉ gặp một ông già râu tóc
bờm xờm, đeo kính với bà Năm Cơ bảo vệ thôi
ngoài ra đâu có gặp ai !
Tiến bật cười ha hả :
- Nó đó,
Tôi chưng hửng, chợt nhớ Thủy cũng có đeo cặp kính cận
dầy cộp giống ông già đó !
- Hả, ông già là Duy Thủy, trời đất...quỷ
thần ơi...!!
Buổi chiều xuống xưởng lấy bảng thống kê gặp "oan gia",
chỉ tay vô mặt tôi hỏi :
- Sao hôm đó nghe chị gọi bằng Bác em không
đính chính, bộ muốn tổn thọ hả ??
- Nghe chị hỏi là em ú ớ rồi... nghẹn họng luôn trả lời gì nữa,
với lại được lên
chức Bác nên cũng thấy thích thích.
Tôi đập tay lên vai hắn mắng
một câu :
- Đồ quỷ, tại em để râu tóc xồm xoàm như một ông già ai
mà biết. Mà sao bây giờ lại cạo râu, cắt tóc hết vậy ??
Giơ tay
gãi đầu Thủy chỉ cười cười thay cho câu trả lời, tôi thừa biết
lý do nhưng vẫn cứ hỏi chơi thế thôi, phòng tôi có một nhân viên
vẫn thường cay cú và tránh gặp tay cán bộ trưởng phòng cung tiêu
vì ông ta luôn luôn chỉ trích đầu tóc của hắn với câu "đàn
ông gì có đầu tóc như con gái "mặc dù tóc anh này chỉ hơi
dài phủ ót theo kiểu bọn trẻ trước bảy lăm ở Saigon một chút thôi,
huống hồ bây giờ với bộ râu tóc dị hợm của Thủy làm sao tồn tại
được ở chốn này.
Sau nhiều năm thất bại, nhà nước thay đổi chính sách cho thành
lập một số công ty từ các tổ hợp, hợp tác xã thủ công làm các mặt
hàng xuất khẩu được tập trung lại. Những công ty này hầu như đều
có điểm giống y nhau không thể thiếu hai chữ "co và ex "trên
bảng tên. Nếu trước đó là thời dùng từ ngữ trần trụi hoặc trắng
nghĩa như : Bộ điện than thay vì điện lực thì bây giờ việc bảng
hiệu đổi thành tiếng nước ngoài mới đúng là cung cách làm việc
trong thời đổi mới.Tổ hợp khắc gỗ của Thủy và "xỏ lá "của
tôi là hai trong số, lúc bị bắt buộc kê khai lý lịch để đăng ký
với Hội trí thức yêu nước có lẽ thấy trình độ học vấn và nghề nghiệp
đúng với nhu cầu nên sắp xếp chúng tôi về công ty nhận việc. Bây
giờ không còn trực tiếp đan lát trong tổ lá buông nhưng tôi cũng
hay ghé xuống xưởng thăm lại các chị em trong tổ. Tuy họ đã được
vào biên chế chính thức là công nhân viên nhưng đời sống vẫn hết
sức nghèo túng khó khăn giống như là tổ viên của những tổ hợp trước
kia, mặc dù hết sức rêu rao về thành công của việc khoán sản phẩm
đã đẩy mạnh sản xuất, mặt hàng làm ra có nhiều hơn trước, nhưng
đợt nộp hàng nào người công nhân cũng nghẹn ngào trào nước mắt,
sản phẩm họ làm ra bằng công sức chắt chiu đêm ngày qua bàn tay
của KCS ( kiểm tra chất lượng sản phẩm ), phải làm lại toàn bộ
dù chỉ phạm một lỗi nhỏ nhoi, nhiều chị em than thở : "ai
nộp hàng cho con Huệ dao lam là kể như ngày đó làm không công",
họ hồi hộp chờ lưỡi dao bén ngót của Huệ hạ xuống cắt bỏ sản phẩm
của mình nếu lỡ có chút sai sót nào đó. Cung cách làm việc cửa
quyền và tùy tiện theo cảm tính vui buồn của một người có chút
quyền lực là chuyện bình thường không ai mấy ngạc nhiên khi sống
trong chế độ cung cấp của XHCN.
Mỗi lần nghe chuyện chỉ biết chép
miệng thở dài chẳng biết làm gì hơn, tôi hỏi : "ủa sao gọi
là Huệ dao lam, cô ta là KCS mà ""thì trên tay lúc nào
cũng lăm lăm con dao lam khi kiểm hàng đó. " Có người rủa " con
đó nó ác vậy coi chừng đẻ con không có lỗ đít "
oOo
Thời gian giúp tôi quen dần mọi người và mọi việc trong công
ty, giờ rỗi rảnh càng ngày càng nhiều, sáng sáng tôi chỉ cần bỏ
ra hai, ba tiếng ngoáy bút là xong việc. Mỗi cuối tháng chỉ bận
rộn vài ngày cho các biểu mẫu báo cáo phải nộp, chẳng phải riêng
một mình tôi rỗi rảnh, hầu như tất cả nhân viên trong văn phòng
đều giống thế. Bộ máy gián tiếp cồng kềnh lãng phí nhân sự bởi
người nhiều việc ít là cung cách chung của các công ty, xí nghiệp
lớn nhỏ. Giá thành sản phẩm sau khi hạch toán bao giờ cũng thấy
chi phí phân bổ cho lương công nhân sản xuất rất thấp bởi phải
trừ cho các chi phí khác trong đó có chi phí trả cho hệ thống gián
tiếp rất nặng nề. Báo cáo hoàn thành kế hoạch mỗi cuối năm đều
được "phù phép "bởi lời giả lỗ thật trong thâm tâm không
ai là không hiểu. Người ta diễn đạt người công nhân sản xuất giống
như con rùa phải mang mễn bộ phận gián tiếp trên cái mai một cách
nặng nhọc, lặc lè bò lên dốc với thành tích phải vượt chỉ tiêu
năm sau cao hơn năm trước, kết quả cuối cùng vì kiệt sức trở thành
con rùa bò lật ngửa.
Trong dòng chảy của việc ở công ty, tôi không
muốn mình làm hòn đá tảng đứng chặn để thành kẻ lội ngược dòng "bị
bánh xe lịch sử của chế độ nghiền nát và đào thải (*)", cũng
giống như mọi người nếu không chạy chợ hoặc làm việc riêng thì
chụm nhau tán gẫu cho hết giờ, tôi hay đi lang thang ta bà xuống
các phân xưởng xem công nhân sản xuất, ở đó mọi người bận rộn lo
làm ra thật nhiều sản phẩm vì đồng lương được lãnh tùy thuộc vào
nó, mỗi lần như vậy tôi đều cụt hứng vì ai cũng cắm đầu lo làm
còn mình thì quá rảnh rang tôi đâm ra hổ thẹn với chính mình giống
như đang ăn cắp bị bắt quả tang, cuối cùng chỗ tôi hay ghé qua
lâu nhất là phân xưởng điêu khắc bởi ở đây không có cái tất bật
ồn ào thường có của các khu vực sản xuất thông thường, không khí
vắng lặng dù vẫn có ba bốn người hiện diện, ai cũng ngồi riêng
một góc làm công việc tỉ mẩn của mình.Đang đứng nhìn Chính, một
người công nhân đang cầm con dao nhỏ, mũi nhọn cạo gọt khối đất
trắng đang hình thành một tác phẩm chưa ra dáng vẻ bên cạnh các
đồ nghề lỉnh kỉnh thì trông thấy Thủy ngồi góc phía trước, bước
đến sau lưng hắn tôi pha trò :
- Chào Bác, cho tôi hỏi chút chuyện.
Hai lỗ tai đỏ lựng, Thủy quay
lại khi nghe tiếng tôi, tay đẫy cặp mắt kính dầy cộp lúng túng
cười cười.
Ngày tôi nộp quyết định cũng là ngày Thủy đến nhận việc, nhưng
khác với tôi Thủy tốt nghiệp ngành mỹ thuật, do thời gian chờ đợi
phân công kéo dài nên phải vào làm đỡ trong tổ hợp khắc gỗ xuất
khẩu cho đến khi có lệnh bàn giao người và cơ sở gom về công ty
giống như tôi, vì vậy bây giờ có tiếng là làm việc trong ngành
mỹ thuật nhưng thật ra tôi mù tịt những gì có dính dáng đến hai
chữ nghệ thuật và giới văn nghệ sĩ nói chung. Thuở tôi còn là con
bé mới học lớp Nhì, cạnh nhà có một anh chàng hàng xóm lớn hơn
tôi cả chục tuổi, nghe nói anh ta là họa sĩ chuyên vẽ hình ảnh
quảng cáo dựng trước các rạp chiếu phim, nhưng mỗi lần gặp tôi
là anh ta lại khoe mình đang viết bài gởi đăng báo và giở xấp bản
thảo chi chít chữ nhiều chỗ gạch gạch, xóa xóa đọc lên cho tôi
nghe một cách hào hứng, lúc ấy tôi còn nhớ nhật báo Tiếng Chuông
có mục mỗi ngày một truyện ngắn, nếu tác giả nào được chọn đăng
sẽ nhận được một ngàn đồng nhuận bút mỗi bài, so với thời giá lúc
đó thì số tiền này không phải nhỏ. Ba tôi đặt mua báo tháng nên
ngày nào tôi cũng lật tìm xem có bài dự thi tên Trần Vũ là bút
hiệu của anh ta được chọn đăng hay không nhưng chẳng bao giờ được
thấy. Hồi đó có lẽ vì tôi còn quá ngây thơ nên là người duy nhất
chịu khó ngồi hơi lâu và không tỏ ý chế nhạo sự khoác lác của anh
ta giống như những người hàng xóm khác. Nếu không vì đến tuổi đi
quân dịch chắc tôi còn phải nghe anh ta khoe văn tài dài dài. Về
sau vào những năm đầu trung học, cái xóm tôi ở có vài gia đình
ký giả, chủ báo và văn sĩ thứ thiệt về cư ngụ, kéo thêm mấy người
làm trong nhà in nữa, lúc đó báo biếu, sách mới xuất bản có rất
nhiều nên tôi mượn của họ về đọc khỏi cần phải mua, những câu chuyện
phiếm rôm rả họ nói với nhau lúc tụ hội hóng gió trước hiên tối
tối mà tôi nghe được khiến tôi biết thêm vài khía cạnh sinh hoạt
trong giới văn học nghệ thuật bấy giờ.
Một hôm dẻo chân đi la cà qua các phân xưởng sơn mài và mành
trúc tôi ghé về tổ điêu khắc, nhìn Thủy đang cạo gọt mẫu đất định
hình khuôn mặt Hồ Chí Minh để sửa soạn ngày mai cho đổ khuôn đúc
hàng loạt theo hợp đồng cung cấp cho các cơ quan, tôi nói với Thủy
:
- Ban nãy tôi ghé qua phân xưởng mành trúc, thấy tác phẩm nụ cười
nàng Mona Lisa vẽ trên bức mành trúc treo đầy xưởng, có người cắc
cớ vẹt phân nửa tấm màn làm khuôn mặt nàng Mona Lisa méo xẹo. Nhà
danh họa Leonard de Vinci mà còn sống thấy tác phẩm mình được sản
xuất hàng loạt như vậy chắc ổng sẽ khóc bằng tiếng Ấn độ quá.
Thủy
buông dao quay ra nói giọng buồn buồn như tâm sự :
- Từ lúc em ra
trường làm trong tổ hợp cho đến bây giờ cũng giống như vậy, cái
khốn khổ nhất của người họa sĩ là muốn vẽ mà không được vẽ, nói
trắng ra là không có điều kiện để sáng tác. Điều thê thảm nhất
là phải vẽ những gì mình không muốn và vì kiếm sống mà phải sao
chép tranh hoặc khắc tượng làm hàng chợ để bán.
- Tôi có nghe nói một họa sĩ hay điêu khắc gia mà cứ toàn sao chép
lại thì sẽ bị hư tay hay cứng tay không sáng tác được nữa phải
không ?
- Vẽ giống thì dễ dàng lắm, nhưng những tác phẩm sao chép không
bao giờ thể hiện được tình cảm, cảm xúc cần thiết phải có của tác
giả để hình thành cái hồn của nó, đó mới là điều quan trọng khiến
tác phẩm không trở thành phi nghệ thuật.
Nghe Thủy nói tôi ngẫm
nghĩ trong đầu, à thì ra người ta xác định giá trị của những tác
phẩm khác nhau ở chỗ đó. Hình như cái số của tôi bắt buộc phải
dính dáng đến những việc có liên quan tới nghệ thuật mặc dù tự
hiểu mình không hề có khả năng thiên phú nào hết và rất dốt về
lãnh vực này. Vừa rời ngưỡng cửa học đường bước vào đời không biết
là may mắn hay xui xẻo lại gặp ngay một anh đồng nghiệp ngoài giờ
làm việc ngày nghỉ chỉ mê chụp ảnh nghệ thuật, thế là tôi ngẫu
nhiên thành người mẫu và cộng tác viên bất đắc dĩ hôm nào anh ta
kẹt đề tài, dĩ nhiên tôi được chụp nhiều ảnh miễn phí lia lịa,
trong ngăn kéo bàn làm việc lúc nào cũng có những hình ảnh, tác
phẩm, sách báo viết về các nhiếp ảnh gia gạo cội nổi danh như Cao
Đàm, Cao Lĩnh, Lê văn Khoa. Còn bây giờ từ khi về làm việc cho
công ty thỉnh thoảng gặp các nghệ nhân và điêu khắc gia nên tôi
lại có cơ hội tiếp xúc, biết thêm hai bộ môn sơn mài và điêu khắc
một cách tình cờ.
oOo
Buổi tối cuối tuần, không khí đường phố trở nên mát mẻ nhờ trận
mưa ban chiều, hôm nào đi trực đêm tôi hay đạp xe chầm chậm trên
những con đường hai bên có những biệt thự kín cổng cao tường, lắng
nghe một chút hoài niệm về thời tưởng chừng như xa lắm qua hương
ngọc lan tỏa ra từ một khu vườn của nhà nào đó phảng phất trong
không gian, sau cơn mưa không khí đầy bụi bậm hình như lắng xuống,
trong môi trường trong sạch hương thơm mới có thể tỏa ra nhẹ nhàng,
thanh khiết hơn bao giờ hết. Những lúc ấy tôi căng ngực hít lấy
hít để như từ lâu là người mất thở, gấp gáp vội vàng như sợ hương
thơm sẽ vĩnh viễn mất đi, giống như những tháng ngày hạnh phúc
của bao người ở miền Nam thuở trước.
Vừa đẩy xe qua khỏi cửa, bà Năm bảo vệ đã ngoắc tay kêu tôi tới,
hình như đã chực chờ từ lâu rồi :
- Cô Quy vô mà coi, thằng Thủy
lại dẫn gái về nhà tập thể nữa kìa,
Tôi thoáng ngạc nhiên :
- Bà có nhìn lầm không đó, coi chừng đó
là bạn bè của người ta, đừng có đồn đoán với tôi về chuyện riêng
tư của người khác ?
Tôi vốn không ưa bà này từ lúc mới về vì người
bà điển hình cho cá tính "thượng đội hạ đạp "trong công
việc, nịnh nọt cấp trên, sách nhiễu người dưới. Cũng may, cái chức
bảo vệ của bà này không có cấp nào thấp hơn để bà ta ra oai nên
chỉ biết độc chiêu bợ đỡ Giám đốc, trình báo danh sách những ai
không đến trực để trừ điểm thi đua, bình bầu tiên tiến và trừ tiền
phạt qua lương. Tôi vốn không hiểu nỗi công ty đặt bà vào công
việc bảo vệ cơ quan ở lý lẽ nào ? Bà vốn là người thấp bé, còm
nhom gần năm mươi tuổi, chỉ cần một cái xô đẩy là té chúi nhủi,
có lẽ công việc bảo vệ của bà thật ra chỉ là tai mắt báo cáo cho
Giám đốc những chuyện ngồi lê xảy ra trong công ty có nguy cơ cho
chuyện tằng tịu của ông ta và con nhỏ y tá bị đồn thổi đến tai
bà vợ. Bắt các nữ nhân viên thay phiên nhau khăn gói mùng chiếu
đi trực đêm cuối tuần chỉ là cái cớ để họ có thể che mắt bà vợ
lẫn đức ông chồng chuyện họ gặp nhau một cách danh chánh ngôn thuận.
Chừng như thấy tôi không tin bà hạ giọng nói nhỏ :
- Cô tin tôi
đi, tôi rành con nhỏ này lắm mà, nhà nó ở cái hẻm cụt cuối chợ
Ma chứ đâu, hồi trước nó làm cho bên Mây tre lá xuất khẩu, về sau
nghe nói thành chị em ta đứng ở trước Nhà văn hóa Lao Động.
Qua
câu nói của bà Năm tôi bỗng có liên tưởng hơi mỉa mai cho cái tên
nhà nước đặt thay vào nơi nhà "xẹc "của Tây trước
kia, té ra nhà văn hóa của chế độ lại là chỗ chị em ta đứng dập
dìu đón khách vì với đồng lương chết đói việc nữ công nhân lao
động đi làm gái để kiếm sống không phải chuyện hiếm hoi, lạ lùng.
Vừa giăng xong cái mùng trên bàn chuẩn bị cho lát nữa đi ngũ tôi
chợt nghe tiếng của Thủy nói lao xao phía dưới lầu.
Công Ty Mỹ thuật Xuất khẩu này chiếm dụng cả gian nhà hai tầng
lầu và khu xưởng bên cạnh của một nhà tư sản. Phía sau có dãy nhà
nhiều phòng trước kia chắc dành cho người giúp việc, bây giờ một
gian dành cho gia đình bà con người chủ cũ cư ngụ, số còn lại làm
nhà ở tập thể của cơ quan. Nam công nhân viên độc thân, có gia
đình ở xa thường hay xin tạm ngụ một thời gian ở đây.
Trở về tay
cầm mấy bịch chè và gói thuốc mua ngoài đầu ngõ sau khi trám miệng
cho bà Năm bảo vệ một bịch, Thủy rủ tôi về phòng thanh toán số
còn lại. Tôi nhướng mắt như ngầm nói với bà bảo vệ : - Bà thấy
chưa ! Nó dắt gái về sao còn dám mời tôi vô chỗ mình ở để ăn chè
?
Lần đầu tiên tôi được nhìn một nghệ sĩ thực thụ làm việc, bức
phác thảo còn bỏ dở dang, có lẽ là lúc Thủy bỏ đi mua thuốc lá.
Ngồi bó gối dựa một góc giường là cô gái tuổi mới ngoài đôi mươi,
có vẽ dạn dĩ hình như rất quen thuộc nơi đây. Thủy thường nói với
tôi, hội họa và nghệ thuật tạo hình phải có cảm xúc mới có thể
làm việc được, lúc đó nguồn cảm hứng tuôn ra, giống như con ngựa
bị nhốt trong chuồng bất ngờ được phóng thích nên phải chụp bắt
tức thì bằng đường nét, trong đầu phác họa ngay hình ảnh phải vẽ
theo ý tưởng thật nhanh sau đó mới xóa đi những nét không hài lòng
và sửa lại. Hồi xưa vì chưa lập gia đình nên khi anh bạn chụp ảnh
khoe với tôi bức ảnh chụp những cô gái khỏa thân, lúc đó tôi chỉ
dám liếc qua đỏ mặt bởi quá thẹn thùa. Tuy tác giả đã khéo léo
sắp xếp che dấu những góc cạnh cần thiết vào lúc họ sáng tác, nhằm
mục đích thể hiện tất cả nét đẹp của một bức hình nghệ thuật, nhưng
vì tôi không đủ trình độ thưởng ngoạn và không có cặp mắt nhìn
của một nghệ sĩ để nhận thấy được cái đẹp thực sự của những đường
cong qua lăng kính nghệ thuật.
Thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn sáng đang
ngoài đường bỗng bắt gặp một mảng lưng, cái gáy tuyệt vời cho đường
nét là Thủy hít hà chỉ cho tôi xem, thú thật lúc ấy tôi chỉ thấy
một hình hài lỏng khỏng theo kiểu dài lưng tốn vải và cái gáy ốm
nhom như cô? Cò mà chẳng hiểu nó đẹp chỗ nào ? Người ta hay nói
những người có nghệ sĩ tính thường lập dị, phớt đời, cung cách
họ khác với logic bình thường. Bộ râu tóc tôi nhìn thấy trong lần
đầu mới gặp Thủy chắc không ngoài cá tính này.
Bức vẽ trên giá được
Thủy nguệch ngoạc thêm vài nét nữa đủ khiến tôi nhìn thấy khuôn
mặt cô gái bên ngoài và trong tranh có những nét hao hao, giống
nhau ở đôi mắt mơ màng buồn bã, sống mũi thon thả, làn môi cong
như môi nữ thánh đang cầu khẩn điều gì. Thủy tạo lại dáng ngồi
cho cô gái theo ý muốn, nhờ tôi đốt cây đèn dầu tắt đi ngọn đèn
điện, sau khi thử mở tắt mấy lần mới vừa ý, lúc cô gái cởi nốt
cái áo lót cuối cùng thì bức tranh người thiếu nữ khỏa thân xuất
hiện trên vách tường. Tôi nhớ hồi nhỏ mỗi khi cúp điện hay chơi
trò lấy mấy cọng chân nhang kẹp giữa lòng bàn tay, giơ hai ngón
trỏ và ngón út trước cây đèn dầu lập tức tạo hình một cái đầu con
mèo ngay trên vách.
Nhìn Thủy cắm cúi miên man vẽ quên hết mọi chuyện, quên cả tôi
chỉ có điều duy nhất hiện diện mà hắn chú tâm là bóng cô gái ngồi
duỗi người, bầu ngực in hình một chỏm nhọn nhô lên như quả đồi
nhỏ đang phập phồng, tư thế xoay người khéo léo khiến người ta
vẫn thấy được đường cong của bờ mông tròn trĩnh của ngọn núi lớn
đỗ xuôi thoai thoải xuống đùi, bây giờ tôi mới đồng cảm và hiểu
đôi chút về hai chữ nghệ thuật trên bức vẽ khỏa thân, tất cả hoàn
toàn tinh khiết, trong trắng không có chút bợn nhơ của dục vọng.
Cũng vì hai chữ này mà một danh họa nhiều thế kỷ trước dám mang
tính mạng thách đố với quyền lực cương quyết thực hiện bức vẽ bà
hoàng hậu Maja khỏa thân một cách say mê.
Mấy hôm sau tình cờ gặp
cô gái ở chợ Ma trong gian bún bò Huế tôi rủ Hạnh ( tên cô gái
) đi ăn chè thạch. Hạnh cười kể tôi nghe lần gặp đầu tiên khi Thủy
rủ cô về nhà ngồi mẫu, cô cứ tưởng anh chàng ghê gớm lắm đặt chuyện
xạo xự ai dè lại hiền khô và là một người vì nghệ thuật thực sự,
cô chỉ việc ngồi dán mắt vào cái Ti vi theo dõi vở kịch "Trong
nhà ngoài phố "còn anh chàng thì cắm
cúi vẽ, đôi lần buông bút sửa dáng cho cô, thoạt đầu thì vuốt tóc,
lúc lại ưỡn ngực, có khi lại khom lưng gục đầu vào gối theo yêu
cầu, mọi động tác chỉ làm cô tức cười không hiểu nỗi. Mãi đến hôm
anh chàng tặng cô hai pho tượng nhỏ tạc hình cô ngồi vuốt tóc và
khom lưng cô mới biết ý nghĩa của công việc làm người mẫu, lòng
phân vân không lẽ hình dáng gầy gò vì thiếu ăn của mình lại đẹp
đến thế sao ? Không phải đẹp vì bộ ngực vươn cao khi cô duỗi hai
tay vuốt tóc hoặc cô gục đầu che mặt vào hai cặp đùi dài ra dáng
xấu hổ, mà qua hình ảnh đó cô bỗng nhìn thấy lại nét trong trắng
tự nhiên của thân thể mình hồi chưa sa vào cái nghề trong thời
gian cùng quẫn. Qua lời kể tôi chợt hiểu té ra mấy bức tượng nhỏ
khỏa thân làm mẫu tôi thấy trong gian buồng là tác phẩm của Thủy.
Hạnh thắc mắc hỏi tôi :
- Anh Thủy nói đang tìm đường nét để sáng
tác một bức phù điêu, mà phù điêu là cái gì vậy chị ?
Tôi lúng túng
ậm ừ :
- Phù điêu hả ! theo chị đó là một bức vẽ không phải trên
giấy và bằng sơn màu. Nó được điêu khắc gia đắp nỗi những nét vẽ
bằng xi măng lên thẳng trên bức tường.
Nửa tháng sau Thủy cho tôi
xem bản phác thảo của mình, góp nhặt các đường nét để tạo nên một
bức phù điêu cận đại theo trí tưởng. Thủy nói sở dĩ muốn sáng tác
nó vì nhìn thấy qua các di tích còn lưu lại nhiều nơi, đập vào
mắt du khách trước tiên là những phù điêu tạc hình khuôn mặt, điệu
múa của các nàng vũ nữ. Đã bao nhiêu thế kỷ dãi dầu bởi mưa nắng,
đường nét tinh tế vẫn hiện rõ, điển hình sự sống của nhiều triều
đại qua các bức phù điêu khắc trên đá. Thủy cũng muốn làm một bức
phù điêu ghi lại nét khắc khoải mong chờ của một người phụ nữ chung
tình.
Thủy nói tin tôi từ cái hôm tôi vô tình buột miệng nhắc lại
thời kỳ "đau khổ "chờ chồng trong trại cải tạo, điều
đó như khơi dậy nỗi buồn đã thấm sâu trong từng mạch máu của đứa
trẻ vô tình bị chiến tranh cướp mất người cha vào năm mười tuổi.
Nỗi đau vừa lắng niềm nhớ lại cuồn cuộn dâng lên, những buổi sáng
hồng ánh mặt trời trên bãi biển hai cha con dắt tay nhau đi tắm,
niềm say mê biển lạ kỳ nên người cha đặt tên con là Duy Thủy, ngoại
trừ thời gian về phép, tất cả còn lại người cha luôn túc trực trên
chiếc chiến hạm giữa bầu trời mênh mông duy chỉ có biển xanh với
từng ngọn sóng ào ạt vỗ vào mạn tàu. Gian nhà nhỏ nằm ngoài rìa
dưới chân ngọn núi nhỏ, nhìn xuống cái làng đánh cá dầy đặc ghe
thuyền đủ loại có người vợ chạy chợ nuôi con đợi chồng. Đứa con
trong người có dòng máu giống cha với niềm đam mê sóng nước mỗi
chiều chiều đứng trên mỏm đá nhìn hút theo đoàn tàu đánh cá xếp
hàng một ra khơi hay những chiếc thuyền thúng dập dềnh trên ngọn
sóng. Từng quãng thời gian trong ngày biển có những màu sắc rực
rỡ khác nhau đã cuốn hút trí tưởng tượng của thằng bé một cách
lạ kỳ, những mẩu chuyện cổ tích cha kể cho nghe trong những lần
về phép khiến thằng bé tin rằng dưới đáy biển sâu kia có tòa cung
điện nguy nga của loài thủy tộc, hình ảnh nàng công chúa cá một
lúc nào đó sẽ trồi lên để đêm đêm nhất là những đêm trăng nàng
ngồi tựa mình vào tảng đá thì thầm lời hát ru bằng những giai điệu
buồn quyến rũ những chàng thủy thủ xa nhà. Nhưng niềm vui thơ dại
kia kéo dài chẳng được bao lâu nó vụt tắt từ cái ngày gia đình
nhận được tin báo người cha mất tích trong một trận hải chiến.
Người mẹ hình như bị cú sốc làm cho tâm trí mất thăng bằng nên
vẫn không tin vào sự thật, ngày ngày sau khi chạy chợ, chiều chiều
vẫn ra biển ngóng chồng, nghĩ rằng sẽ có phép mầu đưa người chồng
đang lạc loài ngoài biển cả trở về bình an. Nhìn dáng mẹ ngồi trên
mỏm đá mỗi chiều cho tới khi hoàng hôn buông xuống thằng bé lại
liên tưởng đến nàng công chúa cá trong câu chuyện, giữa giông tố
bão bùng đã cố lặn lội khắp đại dương để tìm cứu cho bằng được
chàng hoàng tử mà nàng thầm đợi chờ và thương nhớ.
Tôi hỏi Thủy
đã đặt tên cho sáng tác của mình chưa ? Theo tôi thì ngay cái tên "Ngư
nữ "là ổn nhất. Nhưng Thủy mơ màng
nói không vì đã khai sinh cho nó một tên khác đó là " Con
gái thủy thần "
Bức phù điêu Thủy muốn sáng tác mãi vẫn nằm im trên phác thảo
theo thời gian bởi đề tài không thực tế và vì thị trường không
có đầu ra theo lời của Giám đốc công ty. Những tranh tượng hàng
chợ sản xuất hàng loạt theo hợp đồng trao đổi với các nước Đông
Âu và Liên xô để nhận về các mặt hàng đối lưu bán cho thương nghiệp
mang lợi nhuận hơn nhiều, dĩ nhiên trong đó có số phần trăm phết
phẩy mỗi lần ký duyệt chi cho hợp đồng sản xuất lọt vô túi giám
đốc được tăng theo lũy tiến cũng vì lý do đó các tác phẩm mang
tính chất nghệ thuật giống như của Thủy trình lên đều bị triệt
tiêu.
oOo
Đại hội họp mặt những người bạn cũ cùng trường được tổ chức trong
ba ngày cuối tháng tám ở một thành phố ven bờ Bắc Mỹ. Sang bên
này đã mười mấy năm vậy mà đây là lần đầu tiên tôi về tham dự.
Trời Tây Bắc tháng này vẫn còn ấm, rừng phong vẫn chưa đỏ lá để
nhuộm màu quan san, biển xanh còn lô nhô đoàn người mang ống thở,
mặc bộ đồ lặn sát da dìu nhau lên bờ sau nhiều giờ ngâm mình đáy
nước. Bờ vịnh cong cong hình móng ngựa nên biển chỗ này rất êm
không có sóng, vụng nước trong vắt xanh thẫm phản chiếu bóng núi
đỗ xuống hai bên. Ở đầu vịnh nơi doi đất nhoai ra biển có nhiều
tảng đá lô nhô mọc lên từ đáy nước, trên một tảng đá xăm xắp nước
bao quanh tôi thấy hình như có bóng dáng một người đang ngồi. Tò
mò tôi rời đám bạn một mình men theo sát bờ đá đưa mắt tìm kiếm,
kia rồi giữa trời và nước trên mỏm đá một bức tượng đồng đen tạc
hình cô gái ngồi duỗi chân hướng mắt nhìn ra khơi, tiến đến gần
tầm mắt thêm chút nữa tôi mới thấy rõ đôi chân cô gái là cái đuôi
cá trên chạm nhiều hàng vảy. Đích thị đây là một mỹ nhân ngư, sáng
tác của điêu khắc gia nào đó chắc hẳn rất yêu biển cả.
Khách sạn
Ngư Nhân ba bề lộng gió nằm phía cuối chân ngọn Rocky Mountain
được xây bằng đá núi. Phía tiền sảnh nằm đối mặt con đường nhìn
thẳng ra bờ cong của vịnh móng ngựa, đứng ở đây người ta thấy Thái
bình Dương thấp thóang phía xa khơi. Bức tường chính trong phòng
khách của khách sạn là bức phù điêu tạc hình những lượn sóng bạc
đầu hàng hàng lớp lớp như dát bạc, nằm trên ngọn sóng là hình tượng
một nàng tiên cá đang uốn lượn tấm thân thon thả mềm mại, vùng
ngực đầy gợi cảm vói hai tay vươn cao như muốn bay lên níu lấy,
giữ chặt khoảng không hạnh phúc. Bức phù điêu gợi lại trong tiềm
thức của tôi chút gì đó rất thân quen, ngay lúc đó tôi nhìn thấy
ở góc bên phải bức tường tên của bức phù điêu được khắc sâu bằng
những nét sắc và mạnh mẽ bằng tiếng Việt : "Con gái thủy
thần "Hàng chữ khiến tôi có cảm giác mình đang ngược dòng
thời gian và mọi thứ giống như mới hôm qua, những gì còn giữ lại
trong ký ức có nghĩa là mãi mãi tồn tại không bao giờ mất. Vậy
là Duy Thủy đã sang đến nơi này, bức phác thảo ngày nào tôi nhìn
thấy đã được thực hiện. Vẫn còn có người biết trân trọng nghệ thuật
và đặt nó vào vị trí tương xứng. Tôi thầm nghĩ chỉ có nơi đây người
ta mới có cơ hội phát triển khả năng, dễ dàng đạt được giấc mơ
của thời tuổi trẻ. Ơ? nơi này mới biết được một cách chắc chắn
là những ngày khổ ải, tăm tối của mình giờ đã lụi tàn.
Cỏ Biển
(*) câu nói nằm lòng của các cán bộ cộng sản khi lên diễn đàn
|