Nghĩ đến ngày mai ra đi tòng quân lòng tôi chùng lại ...Tôi sẽ
phải xa Đà Nẳng, thành phố thân yêu ,nơi tôi được sinh ra và lớn
lên trong tình yêu của mẹ cha, bạn bè, thầy cô, trường lớp, với
những mối tình vu vơ , những ngày đầu biết yêu , một thuở vấn vương
theo các tà áo trắng bay bay để lại cho tôi bao ngẩn ngơ . Tôi
xé tờ giấy học trò từ quyển vở Toán, viết bài thơ tình diệu vợi
để gởi theo gió theo mây :
Áo trắng , ngày xưa ! tôi ngẩn ngơ
Bên hiên trường vắng bóng học trò
Tan trường em vẫn còn lưu luyến
Em đợi chờ ai hay đợi tôi
Tên em tôi khẽ gọi cùng gió
Đưa lá vàng bay đến nẻo xa
Tóc mềm là những dây hoa dại
Quấn lấy hồn tôi rất thật thà
Áo trắng thướt tha trong nắng mới
Nắng buổi bình minh nắng ban đầu
Thơ tình em viết sao mỏng quá
Thả vèo trong gió biết về đâu
Thời con gái em thèm chua ngọt
Trái me xanh rớt trên môi mềm
Tình em cho tôi là thế đó
Tình ơ hờ vì tình chỉ là thơ
Thôi giã từ bãi biển Mỹ Khê, Non Nước,
Sơn Trà, Thanh Bình, Cầu Vồng, sân vận động Chi Lăng ... giã từ
phượng vỹ, ve sầu, me chua, khế ngọt .Tôi sẽ đi , xin trả lại cho
ai một thời hoa mộng của tuổi dại khờ , MỘT THỜI PHAN CHÂU TRINH
ĐÀ NẲNG. Tôi đi vào giấc mộng hải hồ và từ đó cuộc đời trôi theo
sóng nước cho đến một ngày tai họa giáng xuống đất nước thân yêu...
Ngày
29 tháng 04 -1975, tôi công tác trên chiến hạm LSM, loại tàu chuyên
chở , đổ bộ , từ GUAM trở về Việt Nam Tàu chúng tôi được lệnh
ủi bãi để đón người di tản . Sau khi đưa đoàn người di tản đến
cửa Vũng Tàu, tôi phân vân không biết nên đi hay ở lại vì vợ con
tôi còn kẹt ở Sài Gòn. Giữa cái đi và cái ở , tình cảm gia đình
đã chiến thắng trong tôi . Thế là tôi xuống một chiếc tàu nhỏ của
Mỹ và yêu cầu cho tôi vào bờ, giã từ vĩnh viễn cuộc đời hải nghiệp
mà tôi trân quý, để rồi mang bao đắng cay vào tận nhà tù Cộng sản.
Nhớ
ơi nhớ ! tuổi học trò Đà Nẳng
Thương những giờ trốn học đi lang thang
Chè ngã năm , năm đồng một ly cối
Đậu đỏ nước dừa ngọt lịm quê hương
Nhịn quà sáng chễm chệ vào kéo ghế
Diệp Hải Dung kem hai màu xanh đỏ
Gió hạ về rung rinh chùm hoa gạo
Ngẩn ngơ nhìn vạt áo trắng bay qua
Rạp LIDO chiếu Film Bonjour tristesse
Francoise Sagan thần tượng tuổi đương thì
Ta yêu em tình yêu vừa mới chớm
Đã vội ngậm ngùi Buồn ơi ! chào mi
Đường Bạch Đằng bờ sông Hàn tuyệt diệu
Quả me chua quyến rũ đôi má đào
Ghế đá công viên học trò con gái
Mái tóc bồng bềnh sóng nước lao xao
Đường Độc lập trang nghiêm nhà thờ lớn
Tượng Chúa buồn mưa nắng đến thăm luôn
Nhớ em anh ngước nhìn cây Thánh Giá
Sách vở nhạt nhòa gió lạnh từng cơn
Mỹ Thị những ngày cuối tuần cắm trại
Cùng nhau dựng lều che nắng ban mai
Gió đồi thông vi vu cánh diều giấy
Con gái đùa hơn cả lũ con trai
Rong chơi hết chỗ này đến chỗ nọ
Lên yên xe Đà Nẳng mình mộng mơ
Tôi chở tuổi học trò sau xe đạp
Hai bên xe phượng vĩ với ve sầu
Ừ phải đấy ngày xưa mình lẩn thẩn
Thầm yêu một lần ba bốn mỹ nhân
Từ Phan châu Trinh qua Phan thanh Giản
Về Sao Mai hò hẹn Cổ viện Chàm
Nhớ ơi nhớ ! tuổi học trò Đà Nẳng
Kỷ niệm này là kỷ niệm trăm năm
Nếu có kiếp sau thì ta vẫn
Làm cậu học trò Đà Nẳng xưa
ttps
Nhớ buổi sáng của ngày cuối tháng 05-75, tôi đi lang thang đầu
đường Lê Văn Duyệt giữa Sài Gòn đổi chủ Thành phố biến dạng thật
nhanh , người dân đem các vật dụng trong nhà ra bày bán đầy dẫy
hai bên lề đường. Người ta gọi Saigon bây giờ là thành phố của
nhân dân, của cách mạng và giai cấp công nhân , nông dân đứng lên
làm chủ đất nước. Những anh đạp xích lô, những chị buôn thúng bán
bưng, thừa cơ hội tự nhận mình là cách mạng nằm vùng , lên mặt,
hù dọa mọi người. Tôi lầm lũi đi, xác thì còn đây nhưng hồn bay
bổng nơi nào. Chợt một người từ căn nhà đi ra gọi :
- Sĩ. Anh Sĩ.
Đi đâu đó?
Tôi quay lại, trong ngỡ ngàng tôi nhận ra thầy Nguyễn
Đăng Ngọc, thầy Hiệu Trưởng cũ thời tôi còn học trường Phan châu
Trinh. Hai thầy trò nắm chặt tay nhau vừa mừng vừa tủi! Thầy gọi
tôi vào nhà. Ngồi nơi cái phòng khách đơn sơ, quyển từ điển Phÿp
-Viết để trên bàn, hai thầy trò tâm sự, kể cho nhau nghe những
mảnh đời đi qua và hiện tại. Xa Thầy mười lăm năm , bây giờ gặp
thầy trong một hoàn cảnh bi đát của đất nước , tang thương của
dân tộc , thầy bóp nhẹ vai tôi hỏi:
- Sao em không đi ?
Tôi buột miệng hỏi :
- Thưa thầy, sao thầy còn ở lại đây ?
Hai thầy trò nhìn nhau cùng
một ý nghĩ, cùng một chua xót buồn đau .
Hôm ấy , 01-06-1975 ,tôi
trình diện đi học tập cải tạo...
Sau khi chiếm miền Nam (30-04-1975 ), Cộng sản lừa gạt Quân, Cán,
Chính của chế độ cũ còn kẹt lại , kêu gọi khăn gói đi học tập cải
tạo theo diện 10 ngày hay một tháng rồi về . Cả miền Nam mắc bẫy
của chúng. Cùng với bao nhiêu người đồng cảnh ngộ ,tôi đi trình
diện học tập trong diện 1 tháng và được đưa về Suối Máu Biên Hòa
. Thế rồi một tháng qua , một năm qua ...trong lao động nhọc nhằn,
trong những đêm ngày khai báo liên miên, ngày về không phải là
một tháng mà là vô định...
Mùa Thu năm 76, tôi bị đưa ra Bắc Lần
nầy tôi được trở về với biển, với người tình muôn thuở của tôi.
Chúng tôi được trói tay từng hai người một và nhốt trong một hầm
tàu. Tàu ra khơi ... Bắc tiến .. .Tôi. bị đày ải từ Hà Nam Ninh
đến Cao Bằng, Lạng Sơn, trong rừng thiên nước độc với những ngày
cháy nắng , những đêm lạnh xé da trong manh áo tù không đủ ấm.
Và thời gian trong tù cứ vậy mà trôi qua... Ai cũng nôn nóng lo
âu chờ mong ngày được thả, qua bao đau khổ vì đói vì lạnh, vì phải
lao động trong các hầm mỏ than dọc biên giới Việt Trung . Sợ nhất
là mỗi đêm khuya phải thức dậy làm tờ tự khai, tự thú điên cả cái
đầu. Đời sống vỡ mộng, người tù mỏi mòn lo âu cho thân phận mình,
cho gia đình, cho cha mẹ, anh chị em, vợ con và những người thân.
Càng về sau người tù càng hiểu ra đừng có mong ngày về. Bọn nó
nói “phải luôn luôn yên tâm cải tạo, học tập chính trị tốt, lao
động chân tay giỏi, bao giờ nhân dân thấy các anh đã trở thành
con người mới của chế độ Xã hội Chủ nghĩa thì các anh được nhân
dân khoan hồng cho về " .
Ngày về không biết được, nghĩa là ở tù không có án tù. Phần tôi,
sau 6 năm di chuyển từ trại nầy qua trại khác, ngày về mịt mờ xa
thẳm, mỗi ngày phải đốn tre, chặt gỗ xây thêm nhà ở, làm chuồng
nuôi vài ba con heo nhỏ xíu, gieo hột rau muống , phá rừng làm
rẫy để trồng khoai mì, cải thiện đời sống cho có một chút ít dinh
dưỡng trong những tấm thân gầy còm. Các hầm cầu được giữ phân lại
để làm phân xanh tưới rau . Tù không có kêu án, tôi cảm thấy có
cái gì khác lạ, tôi hoàn toàn không suy đoán được tương lai. Một
lần trong khi đào giếng để lấy nước, tôi chỉ bên kia hàng rào kẽm
gai đầy mìn và nói với người bạn tù: “Cứ xem ngọn đồi kia là nơi
chôn chúng ta khi kiệt sức lìa đời, bây giờ phải lê lết cho qua
ngày tháng, phải tìm những niềm vui nho nhỏ mà ta có thể có được
để vui sống, dù sống không niềm tin, không hy vọng , tội gì mà
buồn vì buồn cũng vô ích, không giải quyết được gì !” Nghe tôi
nói thế, người bạn tù bật khóc, tôi an ủi và trấn an tinh thần
người bạn tù của tôi và từ đó hai đứa trở thành bạn thân . Về sau
nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi vẫn tỉnh bơ, vui
vẻ cười đùa như không phải ở tù , xem đây như nơi tạm trú, nơi
dừng bước giang hồ, nơi tạm nghỉ sau một khoảng đời .Mặc cho ngày
tháng đi qua, chúng tôi gầy gò vì thiếu ăn, vì lao động cực khổ,
sức khỏe càng ngày càng vơi , chúng tôi vẫn xem những bữa ăn kham
khổ là những bữa yến tiệc cao lương mỹ vị, những ngày làm việc
nhọc nhằn là những buổi tập thể dục cho thân hình được khỏe mạnh.
Trong lúc lao động trong rừng sâu, bắt được con nhái bé nhỏ, dấu
đem về trại, tối đến nướng lên thơm ngậy, xé làm hai, tổ chức một
bữa tiệc thưởng trăng . Hai đứa bí mật dự dạ hội trong đêm bên
một gốc cây già . Gió mát dịu, ánh trăng huyền ảo mông lung len
lỏi qua hàng thông rừng như an ủi vỗ về . Nghe thoang thoảng đâu
đây tiếng cười của con thơ, ánh mắt của vợ nhà... Sau đó tôi có
thêm vài bạn khác xin gia nhập hội bạn tù . Chúng tôi tổ chức được
những buổi văn nghệ bỏ túi cấp tốc. Bốn năm tù nhân hẹn nhau tại
đám cỏ, sau toilettes... mở đại nhạc hội, hát nhạc vàng cho nhau
nghe. Tôi nhớ đến bài hát mà thầy Hoàng bích Sơn đã dạy cho chúng
tôi trong những giờ học nhạc dưới mái trường Phan châu Trinh: “Đường
về quê tôi, con đường xa xôi, qua mấy con đò, quanh mấy ngọn đồi
cao”.. , tôi hát cho các đệ tử của tôi nghe, lòng dạt dào mơ về
quê xưa, nơi có con đò, có hàng dừa xanh, có tình tôi vừa mới lớn
. Rồi cùng kể chuyện tiếu lâm về " bác Hồ " , hát
nho nhỏ : ? Hôm qua em mơ gặp bác Hồ, râu bác dài, bác đạp xích
lô “, kể chuyện Quỳnh Giao, chuyện Thần Điêu Dại Hiệp .Nhiều lúc
cao hứng ngâm thơ và ca vọng cổ . Cứ như thế mọi nhọc nhằn lo âu
biến mất, dù thời gian văn nghệ mỗi đêm chỉ được khoảng 25 phút,
thời gian ấn định để được phép đi tiêu. Chúng tôi đã cố tìm được
HẠNH PHÚC ở trong tù - Hạnh phúc đó thật đơn giản, thật dễ thương
- để quên đi cái đau khổ luôn luôn chực chờ . Có những khi đi khiêng
đất, hai đứa hai đầu, gánh nặng quầng cả hai vai nhưng vẫn đánh
cờ tướng không bàn : pháo 2 bình 5, mã 7 tấn 6, xa 1 tấn 1 v .
v.... Chơi mãi thành quen, tất cả đều trở thành cao thủ . Vào một
đêm đang bị nhồi sọ trong những bài học chính trị “ lao động là
vinh quang, đế quốc Mỹ là kẻ thù số một, đảng Cộng sản là cái nôi
của nhân loại, là đỉnh cao trí tuệ của loài người “, chúng tôi
ngồi giả bộ chăm chú nghe nhưng thật ra chúng tôi đang đánh cờ.
Chợt một anh bạn tù buột miệng la :” Chiếu “, anh Quản Giáo đang
hùng hồn giảng bài súng AK bắn nhào B52 của đế quốc Mỹ, khựng lại
hỏi “Cái gì thế ? " Chúng tôi đáp: “Quản Giáo giảng bài hay
quá! “ -Tại sao gọi là CHIẾU ? Chúng tôi giải thích:”' Chiếu là
tiếng khen tặng của người miền Nam , cũng như các từ hồ hởi, phấn
khởi của người miền Bắc . Anh Quản Giáo hồ hởi, phấn khởi cười
xòa trong cái hãnh diện là mình giảng hay !!! Chúng tôi còn tổ
chức những cuộc đấu kiến, đấu dế, bắt những con đấu thua bỏ vào
hộp diêm cho chúng cải tạo .Chúng tôi tìm đủ mọi cách ,cố tạo ra
những trò giải trí nho nhỏ để quên ngày tháng tù đày ..Thỉnh thoảng
một vài người trốn tù trong đêm, gặp phải mìn nổ tan xác hay bị
bắt lại để được nhốt riêng nơi hầm tối hoặc bị xử bắn về tội phản
cách mạng. Và dĩ nhiên không thiếu những người tù chết vì bệnh
không có thuốc chữa, xác được bó tròn trong chiếc chiếu khiêng
ra chôn tận bìa rừng. Những thảm cảnh ghê rợn đó không làm cho
chúng tôi sờn lòng . Đời người ai cũng một lần chết, cái chết đến
với chúng tôi một cách dửng dưng. Chúng tôi cố gắng sống trong
cái hạnh phúc nhỏ nhoi đã tìm được. Và chúng tôi cám ơn ơn trên
đã cho chúng tôi nhiều nghị lực sống qua những năm tháng tù đày...
Ra khỏi tù giữa năm 81, tôi sống trong một nhà tù rộng rãi hơn
.Tôi có cùng chung số phận cơ cực, bị đàn áp của mọi người vây
quanh trong cái xã hội đổi mới quái đản Nhưng cay nghiệt hơn ,
dưới mắt bọn Cộng sản, tôi là thành phần thấp kém , chưa có quyền
công dân, cuộc sống vẫn bị quản chế, mỗi tuần phải trình diện công
an phường một lần để khai báo hoạt động trong tuần. Tôi đã sống
những ngày đi công tác thủy lợi, lao động ngoài công trường, làm
việc như trâu bò để mỗi ngày khi chiều xuống được lãnh hai kg BO
BO đem về nhờ ơn Xã Hội Chủ Nghĩa ưu việt .Một lần , trong lúc
được nghỉ ngơi, cởi trần mặc quần xà lỏn nằm phơi nắng, phơi gió
hây hây, trăm sự gác qua một bên, chỉ một mình ta với đất trời
bao la , tôi chuyện trò với một anh bộ đội giải ngũ về làm dân
với bao năm gian khổ hy sinh diệt Mỹ Ngụy cứu nước ,có huy chương
Dũng sĩ diệt Mỹ của bác Hồ. Anh bộ đội được đưa về làm cán bộ trong
công trường thủy lợi nầy với ba tháng lương chưa mua nỗi chiếc
xe đạp cho con, trong lúc các đồng chí của anh tiếp thu các dinh
thự của Mỹ Ngụy , sống một đời sống xa hoa phè phỡn. Tôi hỏi anh
lý do tại sao anh ở đây ? Anh trả loi:”+` Tớ vì lý do cha mẹ là
điền chủ, tuy bị đấu tố tịch thu tất cả tài sản nhưng vẫn còn cái
gốc là điền chủ , tuy tớ được vào Đảng nhưng còn phải phấn đấu
nhiều hon” . Từ đó anh hay theo tôi để hỏi về cuộc sống của dân
Miền Nam . Tôi hân hoan lên lớp với người bộ đội bị nhồi sọ này
, và cảm thấy như mình đã làm được một việc thiện .
Một buổi chiều,
tôi đạp xe đạp đi dạo trên đường Hồng thập Tự, bất ngờ tôi gặp
thầy Tòng. Còn nỗi vui mừng, niềm hạnh phúc nào hơn khi gặp lại
thầy cũ . Thầy vẫn nụ cười muôn thuở, nước da ngâm đen như thuở
nào, mái tóc bồng bềnh, lãng tử. Hai thầy trò đạp xe đạp song song,
chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay, chuyện ngày mai ,tâm sự suốt
một đoạn đường dài . Tội mời thầy vào một tiệm ăn nhỏ, hai tô phở
nóng như tình thầy trò bỗng dưng gặp lại, hai ly cà phê sửa đá
mát rượi như mái trường Phan châu Trinh thân yêu ngày xưa. Tôi
hình dung lại những ngày tháng trước, xa quá rồi... Kỷ niệm lại
về quanh tôi, quanh thầy, hình ảnh người thầy tươi vui sống động,
người thầy mặc quần tây dài ống loa đầu tiên trong cái mode tân
thời của Đà Nẳng, người thầy ham mê đá bóng mà một thời Đực 1,
, Đực 2, Tam Lang, Rạng là thần tượng sân cỏ của thầy . Tôi nhớ
có một lần tôi và bạn bè vui chơi ở Thanh Bồ, không có tiền ăn
cà rem, chợt gặp thầy đi ngang qua, tôi lập mưu xì lốp xe đạp,
rồi chạy lại thầy xin tiền vá xe. thầy vui vẻ móc bóp cho mấy đồng.
Lần sau thằng bạn cùng lớp dùng mưu kế đó để kiếm tiền ăn quà,
thầy biết được la rầy cho một trận. Thằng bạn mặt đỏ như say rượu,
bẽn lẽn cúi đầu. Tuy vậy, thầy cũng thương tình cho mấy đồng với
lời rầy la” lần sau không được lập mưu như vậy nữa, xấu lắm, em
biết không? “ Tình thầy trò lấy gì đong cho hết, biết lấy gì gỡ
cho ra. Thầy Tòng! Em ngồi đây viết về thầy thấy lòng vui theo
ánh nắng chan hòa, vài nụ hoa vừa chớm nở, tiếng chim ríu rít trong
mảnh vườn nhà em, hạnh phúc lan tràn trong ánh mắt, trên môi miệng,
trong trái tim không chịu già theo với tuổi đời phôi pha những
ngày cuối đông lạnh lẽo tiếp nối những ngày đầu xuân ấm áp của
đất trời Phÿp . Em nhớ về thấy với hạnh phúc đó.
Ngày mai lại đi,
tôi đã nhận lời lái một chiếc ghe chở người vượt biên . Buổi chiều
đi trên con đường Trương minh Giảng để nhìn lần cuối khu phố đã
một thời thân quen với tôi, ngang qua khu Đại Học VẠN HẠNH, tôi
chợt nhìn một dáng ai quen quen trong hành lang Đại Học . Hình
như người đó cũng nhìn ra tôi, kẻ chạy vào, người chạy ra, tay
bắt mặt mừng sau một phút ngập ngừng, bỡ ngỡ... Sĩ ,Thầy Phạm văn
Ấm. Hai tiếng gọi, hai nỗi lòng như nhập một. Thầy bảo: “Chúng
mình vào quán cà phê bên cạnh nói chuyện. Tôi bao, tôi bao anh
“.
- Anh uống gì nào?
Uống gì, tôi thầm nghĩ. Thưa thầy, em đã uống
ánh mắt trìu mến của thầy, tấm lòng hiền hậu của thầy.
Tôi nghẹn ngào chẳng biết nói gì hơn!
-Cà phê, nghe Sĩ
Thầy vẫn như từ thuở nào, dáng người nho nhỏ,
nghiêm nghị. Cái nghiêm nghị giống như thầy Ngọc, nghiêm nghị của
một nhà mô phạm . Tiếng thầy vẫn sang sảng, rõ ràng như những lúc
thầy dạy Anh Văn. Chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay, chuyện hiện
tại, chuyện tương lai, hai thầy trò, hai mái đầu chụm lại, nói
gì đây, bao nhiêu lời để hỏi, bao nhiêu câu để trả lời, hai thầy
trò tưởng mình đang sống trong mơ.
“ Từ ngày gặp anh nơi Viện Đại Học Huế rồi anh đi đâu mất, sao
vậy anh? Anh đang học được mà! Tôi đã hỏi Bác Sĩ Quyến, anh Quyến
nói anh đã bỏ học để vào Hải Quân, anh không muốn làm Bác sĩ à
!” Tôi bật cười, thấy thầy đang vui, tôi tếu:
Em đã là Bác sĩ rồi, học làm gì!
Thầy ngạc nhiên, tôi giải thích:
Em có thằng em trai, nó lấy vợ, đẻ con, con nó phải gọi em bằng
bác, em tên Sĩ, vậy không phải là Bác Sĩ sao?
Thầy cười xòa: “Anh lúc nào cũng vậy, chỉ biết chọc người khác
cười “Thầy kể tôi nghe: “Thầy vẫn dạy Anh Văn Đại học Sư phạm Huế,
sau nầy tôi vào Sài Gòn dạy Anh Văn tại Đại học Vạn Hạnh đến bây
giờ “.Thầy nhắc lại: “Ngày xưa anh nghịch nhất trường, anh biết
không? Anh đả phá tôi thế nào “.Ngày xưa, cái ngày xa lắc đó, lớp
tôi có chị Thúy Oanh đẹp, giỏi Anh văn, được thầy Ấm cưng. Anh
văn tôi chẳng thua gì chị Thúy Oanh, thế mà mỗi lần làm bài tập
hay vấn đáp, lúc nào tôi cũng thua chị Thúy Oanh nữa điểm, nhất
là những bài thi lục cá nguyệt tôi không thể nào vượt qua được
chị Thúy Oanh . Lúc nào tôi cũng bị thua trong gang tấc. Tôi giận
quá, một hôm trong buổi tan trường về, tôi khóa hai xe đạp của
thầy Ấm và chị Thúy Oanh lại với nhau.. Lúc ra về, một nam một
nữ, hai xe dính chặt, không cách nào mở ra được. Thầy nhăn mặt,
chị Thúy Oanh khóc, cuối cùng phải nhờ bác Cai trường cưa cái khóa.
Không biết thằng bạn nào thày lay mét với thầy thủ phạm là tôi
.Thầy Ngọc gọi tôi lên văn phòng ngày hôm sau, thế rồi là phải
kỷ luật ...Thầy ơi, sau này em đã hối hận chuyện này , lòng thầy
rất bao dung , thầy vẫn thương em cho đến ngày hôm nay gặp lai,
thầy trò thân ái kể cho nghe lại chuyện ngày xưa thương mến đó.
Thầy vẫn ở nội trú trong Viện Đại Học Vạn Hạnh, thầy không nói
chuyện gia đình của thầy và tôi cũng e ngại không dám hỏi, thầy
hỏi địa chỉ nhà tôi để đến thăm, tôi nói nhỏ:
“Em ở gần đây nhưng
ngày mai em vượt biên " . Thầy cầm chặt
tay tôi chúc thượng lộ bình an . Thầy nói vài ngày nữa, thầy sẽ
đi ngang nhà tôi để dò la tin tức. Xin từ giã người thầy kính yêu,
biết đâu đây là gần gặp gỡ cuối cùng. Tôi thấy mắt mình như có
hạt bụi bám vào và 2 mắt thầy buồn buồn nhìn vào cõi xa xăm. Hạnh
Phúc đâu đây như ôm chặt lấy tình Thầy trò .#
Tôi ra đi mùa Thu
năm 81, bỏ lại đàng sau Sài Gòn ấp ủ hình ảnh của Việt Nam nước
tôi Đến điểm hẹn tại Bà Rịa, tôi và gia đình được Công an chở bằng
chiếc xe Honda dame đến bãi , để từ ghe nhỏ ra ghe lớn hơn. Chủ
ghe nói với tôi, ghe dài 12 mét chở tối đa 65 người . Khi lên ghe
lớn, đúng ghe dài 12 mét , ngang 4 mét, nhưng số người tôi thầm
đếm hơn 100 . Đứng trên phòng lái nhìn xuống thấy toàn là đầu người
với chiếc ghe mong manh trong đêm tối . Người Công an lái chiếc
ghe đi, hai bên có hai ghe nhỏ hộ tống. Ra đến cửa Vũng Tàu, trời
vẫn còn tối, anh ta giao tay lái cho tôi và một gói nhỏ đựng dụng
cụ hải hành.
“Bắt đầu từ bây giờ anh lái, chúng tôi hết nhiệm vu”.
Anh ta nói xong nhảy xuống ghe nhỏ và quay trở về.
Tài công phụ đâu? Tôi lên tiếng hỏi:
Chủ ghe trả lời:
“Vào phút chót nó không đi”. Thế là mình tôi
trách nhiệm suốt hải trình, chủ ghe lo phần máy. Tôi mở gói đựng
dụng cụ hải hành ra: một đèn pin, một ống dòm, một la bàn và một
hải đồ. Tôi yên chí nhưng nhìn kỹ lại không phải là hải đồ mà là
một bản đồ Sài Gòn Chợ Lớn. Tôi hỏi chủ ghe và được trả lời: “
Bọn nó đưa nhầm bản đồ rồi " .-Không sao!
Không khí trong
lành của biển, ngọn gió ban mai thổi mát lòng, tôi cảm thấy vui
. Trong đêm tối , theo chòm sao Bắc Đẩu lung linh, tiếng sóng rào
rạt rủ tôi về với trời đất bao la, với bờ bến mộng ngày xưa. Tôi
đưa chiếc ghe đi xuôi theo dòng nước, thủy triều bắt đầu rút xuống,
hạnh phúc trong tôi dâng lên. Rạng đông, mặt trời to tròn bắt đầu
mỉm cười với người thủy thủ trở về với biển khơi , tôi qua được
mạng lưới tuần duyên của Công an biên phòng. Ghe vào hải phận quốc
tế, thản nhiên trên đường đào thoát, không lo âu, để trí óc mình
sáng suốt đi đúng lộ trình . Tôi tự nhủ, mình có cái gì phải lo,
bị bắt thì tù lại, ở tù cũng có ngày ra tù, ra tù lại vượt biên,
chỉ vậy thôi. Như kẻ ham chơi, thuyền vượt sóng ra khơi như đi
du lịch, Tự do ơi! Tự do!
Tôi thầm hát khẽ : Ra Khơi biết mặt trùng
Dương , biết trời mênh mông , biết ta hải hồ ...
Trước mặt tôi chân trời rộng, tôi ra đi tìm đất sống, dù chết cũng
vui, còn hơn những người tù chết trong tay Cộng sản. Tôi không
biết cảm ơn ai, cho tôi cảm ơn tất cả, kể cả những người Cộng sản
đã đày đọa tôi suốt gần 7 năm dài, tôi đã thật sự đi tìm TỰ DO,
điều mà tôi quyết tâm từ ngày vừa mới ra tù.
Sau bốn ngày lênh
đênh, trời yên biển lặng, hải trình tôi đi không lệch một độ. Cái
la bàn không xài được, lúc nầy còn cái vốn liếng hàng hải thiên
văn đem ra dùng. Tôi đưa ghe vào giữa hải trình của các thương
thuyền xuôi ngược, mong là không gặp tàu Liên Sô hay Trung Cong
.Sau bốn ngày cầm tay lái , tôi bắt đầu thấm mệt . Chiều nay gió
đổi hướng từ Tây Nam sang Đông Bắc, những đám mây bạc cuối chân
trời đã bắt đầu đổi màu xám, mọi người đã nằm im không còn nghe
tiếng đọc kinh cầu nguyện. Con tàu lặng thinh , chỉ còn gió và
sóng biển lao xao. Tôi thầm nghĩ, đêm nay có bảo và con thuyền
sẽ đi về đâu? Trời đã bắt đầu tối, một chút ánh trăng còn sót lại
của những ngày gần cuối tháng đủ soi đường cho con tàu tôi đi .
Ghe cứ lầm lũi theo chiều gió, gió càng lúc càng mạnh, sóng đã
phủ mũi ghe . Tôi ghì tay lái và bắt đầu cảm thấy chơi vơi . Sức
người, sức ghe như thế nầy làm sao chống chỏi với trời biển....
Chợt từ xa, xa tít trong bóng đêm có chút ánh sáng, niềm hy vọng
len lỏi trong tôi, ánh đèn đài chỉ huy đã hiện rõ. Tôi chạy hết
tốc lực về phía con tàu, dùng đèn pin để xin cấp cứu . Ánh đèn
yếu quá nên không nhận được. Một khoảng thời gian trôi qua, tôi
nhận được tín hiệu con tàu . Một chiếc tàu buôn của Pháp sử dụng
truyền tin bằng ánh đèn, cho tôi biết đã nhìn thấy rõ chúng tôi
hỏi cần gì, có hiểu được tín hiệu qua ánh đèn hay không . Còn nỗi
mừng nào hơn. Tôi trả lời bằng ánh đèn pin yếu ớt ” Tôi hiểu, tôi
hiểu, tôi xin cấp cứu vì ghe nước vào nhiều đang lâm nguy, chúng
tôi là những người tị nạn khởi hành từ Việt Nam” . Chiếc thương
thuyền Cargo của Pháp đã từ từ hiện rõ trước tôi, bảo chúng tôi
đợi để xin lệnh trên. Cuối cùng tôi được phép cặp vào hông tàu
. Những ánh đèn pha sáng rực chỗ ghe tôi và nhiệm sở cấp cứu được
thực hiện . Mọi người lên tàu được bình yên . Chiếc ghe vượt biên
bị đánh chìm . Tôi là người lên tàu lớn cuối cùng với cái la bàn
kỷ niệm. Những tiếng hoan hô vang dậy, mọi người ôm lay tôi, công
kênh tôi lên , tôi sung sướng vô cùng, niềm hạnh phúc vô biên .
Tôi đã đưa 108 thuyền nhân đến bến bờ tự do. Đêm hôm đó, bảo cấp
5, qua cánh cửa kính của căn phòng ấm cúng bỗng tôi rùng mình,
hơn 10 năm Hải Quân , lang thang khắp biển Đông nầy, lần đầu tiên
tôi biết sợ người tình Biển yêu dấu của tôi nổi giận. Niềm tin
và hy vọng đã cho tôi một ý chí tranh đấu không mỏi mệt cho một
tương lai .
Đến trại tỵ nạn Hồng Kông, tàu Pháp vớt nên không vào
trại Cấm, chúng tôi được cư ngụ tại một khách sạn ở Kao Luong .
Mỗi ngày được đi dạo phố vài giờ, chờ phỏng vấn để định cư một
nước thứ ba. Tôi tiếp tục sống với Hạnh Phúc của tôi, mỗi chiều
tôi lên đồi nằm ngủ, mơ màng theo tiếng gió vi vu .Trời nóng thì
xuống biển tắm, bắt những con dã tràng xe cát mà nhớ biển Đông,
nhớ Huế, nhớ Đà Nẳng, nhớ Nha Trang cùng các bạn bè thân yêu từ
thuở nào. Chiều về ăn cơn thật no, đầy đủ chất bổ dưỡng , đêm đêm
đốt lửa nhắc chuyện Sài- Gòn, tâm hồn vô cùng thảnh thơi, . Thời
gian ở đây như ngưng lại trong cái huyền ảo của cuộc đời, cuộc
sống trở về với thiên nhiên vô tư như trẻ thơ. Tôi cảm thấy tôi
là người sung sướng nhất trên cõi đời nầy, tôi nâng niu hạnh phúc
trong vòng tay, Hạnh phúc … Hạnh phúc.
Đến Pháp giữa thủ đô Paris
đồ sộ, tôi đi lang thang tìm việcQua đây vào mùa Đông giá lạnh,
tuyết giăng đầy, tuyết rơi trên tóc, rơi trên vai. Đi hoài đi hủy
tìm chưa được việc, tôi vẫn thấy mình là kẻ may mắn, sung sướng
vì đang sống trong thế giới TỰ DO mà nhiều người thèm muốn . Tôi
nghĩ dến bạn bè bà con đang khắc khoải trong gông cùm Cộng Sản,
nghĩ đến nhiều người đã chết, đã bị cướp bóc hãm hiếp giữa biển
Đông. Tôi tự trấn an từ từ rồi sẽ có việc, mình cứ tà tà hưởng
tiền trợ cấp. Các con đã được vào trường nhập học với bạn bè là
tốt rồi. Cho đến một hôm tôi tình cờ đi ngang qua một Võ đường
Thái Cực Đạo. Đứng nhìn các em trong bộ võ phục cổ truyền đang
luyện tập, tôi chợt nghĩ tại sao mình không thử thời vận . Tội
tìm đến vị Giám Đốc xin làm Huấn luyện Viên võ thuật. sau khi nộp
hồ sơ, bằng cấp và trắc nghiệm, tôi được thu nhận. Vậy là tôi đã
có việc làm. Tuy là nghề tay trái nhưng tôi thấy bằng lòng và vui
vẻ, hàng ngày chơi đùa và luyện tập với các môn sinh,đủ màu da:
đen, trắng, vàng... Thế là lòng tràn niềm vui phơi phới, cuộc sống
nơi xứ lạ quê người bắt đầu thích hợp với chúng tôi. Các con tôi
đã vững vàng theo kịp được chương trình học ở một xứ sở văn minh.
Tôi nhìn các con, lòng vui mừng đã đạt được niềm mơ ước từ lâu.
Như thế đó, đời tôi hơn 10 năm với biển thuở ban đầu, trong chiến
tranh đau khổ , tuy phải chịu một vài thiệt thòi nào đó trong đời
sống gia đình nhưng tôi cảm thấy mình tràn đầy hạnh phúc, được
du lịch khắp đó đây, thả hồn theo sóng nước... Những đêm trăng
sáng đầy trời , tôi hay ngước nhìn tìm một vì sao , vì sao BALANCE
hộ mạng của tôi trong giải Thiên Hà và chợt nhớ về người Mẹ thương
yêu đã một đời lam lũ chắt chiu nuôi con cho đến ngày khôn lớn
:
MẸ ƠI BIỂN GỌI
Con ốc nhỏ thu mình chôn dưới cát
Mà trong lòng chứa cả một đại dương
Nghe vi vu từ ngàn xưa vất vưởng
Rồi thì thầm từ hồn ốc mênh mông
Mẹ sinh con bên bờ cong chữ S
Bài hát ru theo chiếc võng à ơi !
Lời mẹ êm thiết tha tình biển gọi
Võng tròng trành theo nhịp tàu đong đưa
Buổi chia tay tuổi học trò ra biển
Ngày xuống tàu hồn bỗng thấy lao xao
Ôm mẹ yêu, vòng tay đầy mộng ảo
Tiễn con đi quanh mẹ gió rì rào
Con dã tràng xe từng viên cát nhỏ
Giương cái càng che khuất nữa vầng trăng
Ánh trăng vàng rơi tràn trên biển vắng
Ngọt như dòng sữa mẹ đã nuôi con
Chiều xuống thấp mây rơi trên đỉnh núi
Cánh chim bay lãng đãng bóng hoàng hôn
Mẹ ơi mẹ giữa trùng khơi dậy sóng
Lòng mẹ bao la hơn biển Thái Bình dạt dào (*)
ttps
(*) Lòng Mẹ - Y Vân
Tôi không ngờ, cuộc đời có những cái bất ngờ
mà mình không thể ngờ được, tôi đã gặp lại Cô LIỂNG dạy Pháp
Văn ngày xưa. Các bạn ơi , ai đã học với Cô LIỂNG ắt vẫn còn
nhớ Cô không những là một cô giáo hiền, linh hoạt vui tính mà
còn là một người mẹ của chúng mình. Cô không bao giờ la rầy học
trò, chỉ nhỏ nhẹ khuyên răn khi tụi mình phạm lỗi hay lười biếng
học hành . Với Cô tụi mình không phải chỉ là học trò của cô,
mà còn như những đứa con trong lòng cô. Ngày tôi gặp lại Cô,
Cô đã già lắm rồi, hai mẹ con nhận ra nhau trong mùi hương thơm
dịu dưới chân tượng Phật. Cô lấy tay xoa đầu tôi, xoa đầu đứa
học trò ngỗ nghịch ngày xưa. Cô chỉ nói được:” Cô không ngờ !
“ Rồi Cô khóc. Có lẽ qua hình ảnh của tôi, Cô đã sống lại thời
làm cô giáo ngày xưa , cũng giống như tôi bây giờ, đang ngồi
viết những dòng chữ nầy gởi đến Thầy Cô và các Bạn, tôi đang
sống lại một thuở vàng son lưu luyến đẹp nhất trong đời: Tuổi
Học Trò, Thời Dạy Học. Tôi Chia tay Cô Liểng trong lời hẹn gặp
lại . Tôi cho Cô biết ngày mai tôi phải đi xa .
Ngày tôi đi, mưa bay bay như bụi, vương mái tóc tôi, mái
tóc ngày hôm qua Cô Liểng, bàn tay mẹ dịu dàng xoa trên đầu con,
lòng tôi man mát buồn và mong cho mau kết thúc chuyến di xa để
về tâm sự cùng Cô. Nhưng hai tháng sau tôi về, Cô đã bỏ tôi ra
đi vĩnh viễn. Còn nỗi buồn nào hơn ! Tôi gặp lại cô có một lần
là lần cuối rồi xa ngàn đời. Cô ơi! Người Thầy dạy Pháp Văn đầu
đời của con, mỗi mùa Phật Đản đến, con sẽ về chùa Khánh Anh Pháp
để thắp hương tưởng niệm Cô. Di ảnh và tro cốt của Cô Liểng được
thờ tại đây. Các bạn thân mến, ai có dịp ghé qua Paris ,xin tìm
về thăm Cô, thắp nén hương lòng để dâng lên Người Thầy thương mến.
Mùa
Xuân 2003 tôi được về hưu - 60 tuổi - 60 năm cuộc đời . Chợt nhớ
bài hát 60 năm cuộc đời của nhạc sĩ Y Vân :
Em ơi có bao nhiêu
60 năm cuộc đời
20 năm đầu - Sung sướng không bao lâu
20 năm sau , tình yêu cao vòi vợi
20 năm nữa có là bao ...
Người nhạc sĩ đã mất vừa đúng 60 tuổi Bài hát đã an bài một định
mênh . Riêng tôi , 60 năm đã qua , cuộc đời lên xuống sướng khổ
đã qua , giờ đây còn lại là những tháng ngày thong dong , không
bận tâm suy nghĩ nhiều . Tôi sống trong hạnh phúc cuối đời . Buổi
sáng tôi thức dậy sớm đến hồ tắm bơi lội vui đùa trong dòng nước
nóng . Mỗi ngày tôi dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ để vui lòng bà
xã . Rồi tôi lang thang tìm vần thơ để viết thơ tình hồi tưởng
lại những tháng ngày hoa mộng tuổi 20 :
Cuối đời giấc ngủ không
còn mộng
Trời vẫn xanh xanh mãi trong hồn
Bỏ lại đằng sau tình diệu vợi
Hạt bụi mờ trong cõi hư không
ttps
Tháng 8-2004
Một buổi sáng bầu trời trong xanh như mắt mèo , đang cắt cỏ ngoài
vườn , tôi nghe chuông điện thoại reo ,rồi một giọng nói nhẹ
nhàng bên kia dầu dây:
-Phú Sĩ có biết ai đây không ?
-Thưa không biết , dạ xin cho biết quý danh .
-Cô Liệu đây , Cô Bên Mỹ vừa mới qua thăm Paris .
Tôi mừng quá ,
xin địa chỉ , thay áo quần , dọt như tên bắn đến thăm Cô .
Cô Đặng thị Liệu , người Thầy dạy Anh Văn của tôi thuở là học trò
đệ lục , đệ ngũ Phan Châu Trinh .
Cô vẫn như ngày nào . Gần nữa thê kỹ mới gặp lại Cô , vui buồn
lẫn lộn . Thầy trò cùng nhau kể chuyện xa xưa . Được biết Cô lưu
lại Paris một tuần , tôi đến thăm Cô mỗi ngày . Thầy trò lang thang
thăm viếng các thắng cảnh Paris . Gia đình Tôi có mời Cô Liệu đến
nhà chơi một hôm , và theo lời yêu cầu của cô tôi có mời người
bạn dồng môn Nguyễn hữu Viện cùng dến . Nhờ có Cô Liệu tôi mới
biết được Nguyễn hữu Viện cũng cư ngụ gần Phÿp mấy chục năm qua
. Viện đến chơi đem theo em bé trai con của Viện . Viện dáng người
ốm và cao , tươi cười hoạt bác . Thầy trò vui ơi là vui trong một
ngày hè đầy nắng , gió mát và mây xanh . Cuộc vui rồi cũng tàn
và từ dấy dến nay tôi không hề gặp lại Viện .Tôi vẫn mong một ngày
đẹp trời nào đó gặp lại người bạn dồng môn mà tôi chỉ được diện
kiến dung nhan một lần trong đời .Một tuần lễ rồi cũng qua nhanh,
Cô Liệu giã từ Paris , để lại cho tôi một nỗi buồn mang mác . Tôi
nhớ Thầy, nhớ tuổi học trò dẹp trân quý .
Những ngày hè Paris yêu dấu
Nắng ươm màu lụa dòng sông Seine
Thầy trò ngồi ôn bao kỷ niệm
Cùng kể nhau nghe chuyện buổi đầu
Thuở hai mươi Cô con chim nhỏ
Giữa đám học trò tuổi măng non
Phan châu Trinh mái trường xưa ấy
Giờ chỉ còn da diết trong hồn
Hồi đó các em thật dễ thương
Cô vui trong nắng đẹp sân trường
Nhìn mắt Cô khung trời hoa mộng
Cánh phượng hồng rơi trong mắt ai
Tôi dìu Cô đi giữa phố phường
Buồn vui tôi gởi đến muôn phương
Cô ơi ! Paris sao đẹp lạ
Phan châu Trinh , trường tôi vấn vương
ttps
Cuối năm 2004 : Chị Tôi
Tôi chưa một lần thấy mặt chị tôi. Chị vẫn ở xa tôi vạn dặm . Chị...
như một chiếc bóng .Nhờ cái duyên lạ lẫm cuộc đời ban tặng cho
tôi , chị Kim Thành đã từ ngôi vị một cô giáo của Đại Gia đình
Trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẳng , trở thành người chị
vô vàn thương mến trong lòng tôi sau khi tôi khám phá ra chị
chính là vợ của anh Trần Phước Hải, người Anh kết nghĩa của tôi
ngày xưa , thuở còn bé tí , mà hoàn cảnh sống đã đưa đẩy mấy
mươi năm lạc mất nhau.Nhớ cái Tết Ất Dậu 2005 , vào ngày Mồng
Một Paris tức đêm Giao Thừa Cali , tôi nhận được email của chị
với bài thơ khai bút đầu năm HONG TÌNH vỏn vẹn 4 câu :
Đêm Ba
Mươi ngồi ôm bóng tối
Đốt hương trầm mở lối Sông Tương
Anh ơi xin hãy mau về
Cùng em thắp nến ta hong cuộc tình
Giữa ngày Xuân, đất trời rạng
rỡ, mắt tôi bỗng dưng cay. Tôi nghĩ đến chị đang cô đơn giữa đêm
Trừ tịch, ngồi đốt trầm hương chờ bóng Anh về. Tôi nhớ Anh... tôi
thương chị , viết vội cái email “Chị ơi, em thương chị quá ! Chị
đừng làm em khóc ".
Đấy, tình cảm của tôi và chị Kim Thành
của tôi là thế đấy. Dù ở trong tình cảnh nào , cái tình cảm dễ
thương đó chỉ có tăng chứ không hề giảm. Có lần tôi đã viết thư
cho người em đồng môn tâm giao Lê Mạnh Trùy “ Trùy ơi, ngày xưa
Trùy học với cô Kim Thành , Trùy có sợ cô Kim Thành không? Mình
thì sợ chị Kim Thành lắm ! “ “Thật đó chị ơi, em sợ em không đền
đáp đủ tấm lòng thương mến chị đã dành cho em mặc dầu với em bây
giờ chị đã là tất cả, không gì có thể so sánh được . Tôi tiếc thầm
sao ngày xưa tôi không có cái may mắn được làm học trò của cô Kim
Thành. Năm chị về dạy Phan Châu Trinh cũng chính là năm tôi phải
rời trường cũ ra Huế học sau khi đậu Tú tài 1 . Tôi nghĩ biết đâu
được làm học trò chị Kim Thành, được chị dạy dỗ thương yêu , tôi
sẽ không hoang nghịch làm phiền lòng Thầy Cô như tôi đã từng làm
trong những năm tháng sống dưới mái trương Phan Châu Trinh đầy
ắp kỷ niệm .Giờ đây đã 62 tuổi , đã là Ông Nội Ông Ngoại , nhưng
sao đối với chị Kim Thành tôi vẫn thấy mình là đứa trẻ thơ hay
vòi vĩnh . Chị tôi rất nuông chiều tôi nhưng đôi khi cũng răn đe
khiếp lắm. Tôi thường gọi CHỊ ƠI để cầu cứu những khi gặp chuyện
buồn phiền không may , giống như ngày xưa tôi hay gọi MẸ ƠI để
cầu cứu Mẹ . Trong tôi , chị Kim Thành là tổng hợp hình ảnh của
người Thương cô đơn, người Thầy cao quí trong Đại Gia Đình Phan
Châu Trinh thân ái , người Chị vô cùng trìu mến và người Mẹ nuông
chiều tha thứ bao dung”.. Chị ơi chị ! em muôn vàn cám ơn trái
tim bao dung tha thứ... của chị , em muôn vàn cám ơn chị đã cho
em Hạnh phúc lớn cuối đời “.
Tháng 09-2005 vừa qua, kỷ niệm ngày
giỗ Anh năm thứ hai, tôi biết chị buồn lắm, tôi đã viết gửi chị
bài thơ MÙA THU CỦA CHỊ :
Chị ơi chị !
Mùa thu đang vội đến
Tháng chín về trời trở gió se da
Hàng cây dại ven con đường dốc đứng
Cũng trở mình theo nắng hạ ra đi
Nhìn lá thu rơi lìa cành tức tưởi
Chắc chị nhiều tâm sự gửi về anh
Có phải chị đang thấy
Mây trời vương mái tóc
Mây bồng bềnh theo bước chị lang thang
Có phải chị đang mơ
Đôi mắt anh thật hiền
Ngồi kể chuyện trăm năm
Như trong chuyện thần tiên cổ tích
Anh về đây
Giữa thu vàng ngây ngất
Vòng tay ấm đưa nỗi buồn bay mất
Chị không còn ngồi khóc
Bởi bầu trời có muôn vạn ánh sao
Chị đã đọc được
Trên vầng trán anh
Vầng trán thông minh mà độ lượng
Chuyện tình xưa
Một sáng mùa xuân rực rỡ
Có mắt cười thay những nụ hôn
Anh ơi anh !
Xin anh hãy dìu em
Đến chân trời dịu mát
Nơi anh và em
Đã một lần ngồi hát
Bài hát ngày nào hai đứa yêu nhau
Hãy dìu em đi
Trên những con đường xưa hoa mộng cũ
Những con đường thuở đó lá me bay
Con đường đến giảng đường đại học
Quấn quít chân mềm áo lụa Thần Kinh
Con đường dẫn mình
Đến cầu Trường Tiền mười hai nhịp
Mà nhịp nào cũng một cõi riêng ta
Xin anh hãy kể em nghe
Kỷ niệm năm nào
Rộn ràng sân khấu sinh viên
Dưới ánh đèn lung linh mờ ảo
Em đóng vai nữ hoàng sầu não
Bên tình yêu điên đảo Ngô Phù Sai
Sông Hồ Phạm Lãi
Hay Bến Nước Ngũ Bồ áo chéo chân quê
Hôm nay
Mùa thu lại đến
Chị một mình bên mộ vắng đìu hiu
Ôn ngày tháng cũ
Thương mối tình thơ
Lòng nhớ khôn nguôi anh đi biền biệt
Hồn chị trôi dài theo sóng nước mông mênh
Tình thu sầu !
Tình thu sầu thấm vào lòng đất lạnh
Qua âm vang từ tiếc thương vọng lại
Anh nhận ra
Tiếng chị thì thầm
Chẳng bao giờ chị hết yêu anh
ttps
Niềm mơ ước của tôi giờ đây là mong có một lần được gặp mặt
chị tôi . Tôi biết chắc chắn chị sẽ khóc và tôi cũng sẽ khóc ...
Tôi nghĩ là NHỮNG NĂM THÁNG VỀ SAU của một cuộc đời thăng trầm
sẽ ngưng lại từ đây trong kỷ niệm êm đềm thương nhớ ...mơ hồ một
chiếc bóng xa xôi.
Trên tàng cây đàn chim đua nhau hót
Bài ca dao ai hát giữa ban trưa
Em ngang qua che nụ cười khó hiểu
Anh nghĩ thầm gởi một chút riêng tư
Tuổi 18 tâm hồn nhiều bí ẩn
Ngỡ rằng em thầm kín lén trao lòng
Em hiện hữu nhưng chập chờn chiếc bóng
Ta lung tung dạo bước khắp thiên đường
Đứng ở đó mà ngu ngơ xao xuyến
Nhìn trời trong và mây trắng lang thang
Ta thấy được tình yêu vừa chạm nắng
Đã vỡ òa theo tiếng suối reo vui
Thôi biết rồi , em đừng tinh nghịch nữa
Thoáng bâng quơ một ảo ảnh lung linh
Trong mắt nhìn chứa lắm điều ngộ nghĩnh
Nụ cười tươi nhưng đầy ắp hững hờ
Nhiều tưởng tượng nên thấy đời tươi trẻ
Đầy chông gai , tình cảm vẫn còn nguyên
Đi lang thang thăm viếng khắp mọi miền
Tìm hình bóng ngày xưa dù mộng mị
Chiếc bóng đó là trăng hay là gió
Là muôn sao lộng lẫy giữa trời cao
Là tình yêu ôm ấp tự thuở nào
Đến bây giờ vẫn vấn vương trong nắng
Và hôm nay bỗng dưng ta gặp lại
........
Tôn Thất Phú Sĩ
Paris 10 Janvier 2006
|