Tháng bảy vỡ nắng. Người nung nóng rỉ rịn cơn hầm. Mây ở tầng
cao đen xám tích lũy điện áp cao thế đợi chờ một tia lóe để trở
về lòng đất như cơn giông của ngày tháng cũ đang tìm lối băng về
trong trí nhớ. Tất cả chỉ cần một cơn sấm. Một cơn sấm động vỡ
tung những chờ đợi tràn đầy và thôi thúc cháy bỏng của hạ. Nhưng
cơn giông chết vội khi chưa kịp thành hình. Đám mây đen bay đi
mất, chỉ còn hè chói chan trên từng mảng lá.
Và như thế cơn giông không bao giờ đến, người ngồi ngóng trong
sự không đợi chờ. Nhưng thế nào là đợi chờ trong sự không đợi chờ
? Vào giữa thế kỷ trước khi Hiện Sinh là lý thuyết đầu môi, là
thời thượng trong văn học và lối sống, Thi Vũ, một thi sĩ Việt
tại Paris lên đường, không phải đi về hố thẳm tàn phá của hư vô
chủ nghĩa, đứa con út của triết lý Tây Phương, mà bằng những bước
như nhiên trong hoa nắng,
"Gió mai này trĩu nặng những chùm hoa.
Mấy lẵng hương lưng trời đưa vất vưởng."
(Hoa nắng – Hoa Nắng)
Hoa Nắng là Gitanjali của ngôn ngữ Việt, là Lời Dâng giữa những "tiếng
kêu trầm thống" [1] của chiến tranh điêu tàn trên đất
nước ở thế kỷ trước.
Lối đi không là ngõ cụt khi người bước với tâm bình. Ông nhìn về
biển, nghe hát lời triều. Hải triều âm. Lời diệu âm, vượt lên trên
mọi âm thanh của thế gian, từ đó biết lắng nghe tiếng đau thương
của cuộc đời, quán thế âm. Thi sĩ viết như thế này giữa lòng Paris
dưới mansarde thiêu đốt của hè và cóng rét của đông
"Biển
xanh xa vời vợi, mênh mông buồm gọi nhớ nhung về.
Nắng đẹp chảy đầy đôi mắt biếc.
Tiếc người xa không gần để nói chút niềm trời rộng rãi."
(Luyến tiếc – Hoa Nắng)
Biển xanh xa vời vợi một màu từ khi Nagārjuna đi vào lòng Nam
Hải thọ kinh và mang về lưỡi gươm vàng trí tuệ chém nát lối tư
duy biện chứng và hư vô của loài người. Thi sĩ tiếp nối sứ mệnh
đi vào lòng vực, chỉ ở nơi thâm u cùng cực, đường kiếm chém lóe
vào bóng đêm cho lời đứng dậy thành thi ca.
Tiếc người xa không gần để nói chút niềm trời rộng rãi.
Tiếc chỉ là một lối nói. Có hề chi, gặp hay không, niềm trời vẫn
rộng rãi thế kia. Thi sĩ là niềm trời, sống trong không gian vô
biên ở từng mọi mọi sát na.
Gió mai này khẽ nói lọt tai người :
Hoa nhiều sao không hái ? người cười thưa với gió : Lòng là vườn
hoa, hái rồi biết cất đâu ?
(Hoa Nắng – Hoa Nắng)
Thi sĩ tiếc mà thật không phải tiếc cho mình.
Tiếc cho người chưa thấy được sự bao la chân thật đấy thôi. Đợi
mà không đợi. Đợi chỉ là cái nháy mắt không thời giữa hai sát na
hành động. Vì đợi và tiếc là ngõ tắt của loài người chia phân,
hai động từ không hề có trong ngữ vựng của thi sĩ. Thi sĩ vỗ đôi
cánh lớn, không phải bằng đôi cánh vụng về L'albatros của Baudelaire
mà bằng cánh đại bàng cao vút thái hư.
oOo
Cơn giông đi vắng, buổi trưa còn lại niềm im lặng của thinh không.
Hiên nhà ngoài hanh nồng, khu vườn thành tụ điểm của bướm hè bay
về đậu. Những cánh bướm lững lờ vô định trang điểm màu nắng lung
linh. Người ngầy ngật chập chờn mộng mị, mơ hồ Trang Chu dập dìu
mang cánh hồ điệp. Tự du thích chí dư ! [2]. Biên giới
giữa thực và hư mờ nhòe. Bàn tay muốn ôm chầm lấy mộng, người vươn
tay bắt bướm. Bụi phấn của sắc màu là mộng, thân bướm là mị hay
chính bàn tay tự thể đã là cơn mơ ? Huyễn hoặc theo cánh bướm về
đậu trên câu haiku của Buson,
Chẳng còn chi thực tại
giữa hai lóng tay
nhẹ cầm
một cánh bướm
(Thi Vũ dịch)
(Nothing actual, in the feeling of pinching softly - a butterfly.
Utsutsu naki tsumami gokoro no kocho kana)
Bắt bướm là bắt lấy mộng, trong một ước mơ tự bắt lấy mình, cái "mình" cứ
trôi mãi trong mộng, giữa cơn mơ sinh nảy những cơn mơ, sống thực
trong mộng và mộng trong đời sống thực.
đã nghe chừng mộng chưa
tàn
giữa trong cơn mộng, mộng tràn bay lên
vàng phai dâu biển chia miền
chào nhau còn lại mộng triền miên dâng
Nhắc đến bướm và mộng là
để đập vỡ cơn mộng cho những cánh bướm sống lại. Trả bướm về với
hoa và hè. Con bướm sẽ "dâng
mình cho hoàng lạp" và "trở về với ánh sáng" của
Bướm Sáng – Hoa Nắng.
"Ôi cánh bướm non.
Hoa không còn là hoa xưa nữa. Hoa đã dâng hương và hương
về trời trong sáng.
Hoa không còn là hoa nữa hay vẫn còn hoa trong bướm hoa."
(Hoa Xưa – Hoa Nắng)
Và con người trở về với đời sống thật. Thật là không đánh mất
chính mình giữa những thế lực trầm phù, không lưu vong ngay trong
đời sống lưu vong. Thật trong ý nghĩa uyên nguyên. Thật như Người-đến-và-đi-như-thế,
Tathàgata.
Khi cơn giông đã thật sự không còn, khu vườn nắng rộn rã lời và
hoa, một con bướm chao cánh về đậu giữa mùa.
Vũ Hoàng Thư
Tháng 7, 2006
vuhoangthu@yahoo.com
[1] Võ Văn Ái, Tiếng kêu trầm thống trước sự tàn phá con người,
Lá Bối, Saigon, 1968
[2] Trang Tử, Nam Hoa Kinh
|