SỐ 31 - THÁNG 7 NĂM 2006

 

Thư Tòa Soạn

Thơ

Bước chân
24 Vũ Hoàng Thư
Tự thuật
24
Trần Việt Bắc
Thương nhớ một đời

23
Huỳnh Kim Khanh
Quỳnh nương
21
Phan Thái Yên
Gốc phượng già
18
Tôn Thất Phú Sĩ
In dấu một đời
18
Kim Thành
Hè ơi! Nhớ lắm
17Ngọc Trân

Truyện ngắn, Tâm bút

Lửa trời
13
Nguyên Nhi

Kình ngư
13
Hoàng Du Thụy
Quản chế
14
Phạm Hồng Ân

Nắng dã quỳ và con sóng xa
14Phan Thái Yên
Bức Phù Điêu
14
Cỏ Biển
Tôi mê đá banh
7Nguyễn Hồng Quang

Ba ơi

15
Võ Thị Đồng Minh
Những năm tháng về sau
15Tôn Thất Phú Sĩ
Trên đường thiên lý
8Song Thao
Hoa nắng, bướm và hè
8Vũ Hoàng Thư

Văn học, biên khảo

Nhà Trần khởi nghiệp (5)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành (5)
4Ngô Văn Xuân
Chè
4Xuân Phương
Nhạc sến - giai điệu quê hương
4Hoàng Mai Phi
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 18

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 25
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Tôi mê đá banh

 

Cứ bốn năm, các đội bóng hội tuyển quốc gia được chọn tranh giải bóng cầu Thế giới. Vào mùa hè năm nay, 2006 FiFA World Cup tổ chức tại nước Đức chọn 32 đội tuyển quốc gia xuất sắc nhất tham dự. Rất tiếc hai đội tôi thích nhất, Brazil và Đức, không được vào trận chung kết kỳ nầy. Cả gần tháng nay coi đá banh đã quá. Coi TV ngày lẫn đêm nhờ Comcast cable mới gắn mấy ngày trước khi World Cup bắt đầu. Có ngày “cúp cua” ở nhà để xem các trận gây cấn chơi giữa Brazil, Đức, Argentina, Ăng lê. Chúa nhật nầy là trận chung kết hấp dẫn giữa Pháp và Ý. Cả thế giới trong đó có tôi ngừng hẳn để xem trận cầu ngoạn mục bốn năm xẩy ra một lần.

Từ lúc còn bé tôi rất mê đá bánh. Một trong những ước mơ của tôi là lớn lên trở thành một cầu thủ nổi tiếng như Pelé của Brazil, Franz Beckenbauer của Tây Đức và Hendrik Cruijff của Hòa Lan vào thập niên 60 và 70. Giống như các giới trẻ mê đá banh bây giờ mơ trở thành Ronaldo, Ronaldinho của Brazil, Zidane ông sư đầu đà của Pháp hoặc David Beckham của Ăng lê. Nếu thích chơi bóng rổ mơ trở thành Michael Jordan, Larry Bird.

Vào năm học tiểu học tôi dọn về cư xá Dân Sinh ở đường Cách Mạng. Cư xá có con đường độc đạo hình móng ngựa nối liền 34 căn nhà. Tôi ở số 34, căn cuối đường. Đường rộng cho xe hơi chạy được tráng đá xanh mới cắt chỉ. Mới dọn về đây không có quen ai và rảnh rỗi, tôi thường ngồi hàng giờ  trước nhà xem các người phu làm đường bận rộn tráng con đường mới nầy. Thời ấy họ dùng những dụng cụ rất thô sơ để làm đường nhựa đá xanh. Đa số họ dùng sức lao động từ khiêng đá sỏi đến tưới dầu hắc từ trong thùng chứa dầu nóng lỏng mới nấu như tôi đang tưới phân vào rau trong thời cải tạo sau nầy. Chỉ có chiếc loco cán đường cổ lổ sỉ từ thời Pháp thuộc chạy bằng máy hơi nước tạm gọi là tối tân thôi.

Con đường mới làm xong ai cũng nôn náo bước ra đi thử. Mới bước vài bước, bàn chân không thụt vội lại như con rùa thụt đầu vào khi gặp nguy hiểm. Đá xanh vụn bén cạnh đâm vào bàn chân da non đau thấu trời không khác gì đi trên đám miếng chai mới đập vỡ. Làm gan đi thêm vài thước bằng cánh nhón nhén tìm chỗ nào có vẽ mềm đặt chân lên cẩn thận như đang nhảy ballet hay bị kẹt giữa bãi mìn.

Đi một lúc lâu trên mặt đường mới tráng bị dầu hắc dính tùm lum. Đi giày dính theo giày. Đi dép thì dính theo dép. Có khi dép dính chặt quá đành bỏ dép đi chân không dễ hơn. Đi chân da dính da chân như một lớp đế giày dày như chiếc dép Bịnh Trị Thiên thời tù cải tạo mang đi không bao giờ mòn. Tối về nhà, trước khi đi ngủ, phải dùng mảnh vải thắm dầu hôi để lau dầu dính chân, nếu không sáng mai chăn mùng và dầu dính cuốn chặt vào người như xác ướp Ai Cập chôn trong Kim Tự Tháp.

Vài tháng sau, ánh nắng mặt trời cháy da của mùa hè làm chảy mềm dầu hắc. Thêm xe cộ chạy thường xuyên làm một số đá xanh bén vụn chìm trong nhựa đen nên con đường hơi láng và mòn bớt. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nơi có ngọn đá lồi lên bén như lưỡi dao cạo.

Không có sân cỏ trong cư xá, tôi và nhóm bạn trong xóm kéo nhau chơi đá bánh trên con đường độc địa nầy. Chỉ cần đặt những chiếc dép hai đầu đường là có hai chiếc gôn. Thường chia làm hai đội khoảng sáu, bảy đứa một bên. Hai đứa làm thủ quân đánh tù tì nhau. Mỗi lần đứa nào thắng tù tì được chọn cầu thủ số một cho đội mình. Cứ thế cho đến lúc chọn đứa cầu thủ cuối cùng. Thằng nào cũng thích giành lấy tên cầu thủ nổi tiếng thời ấy như là Đực hai, Rạng, Đổ Thới Vinh, Tam Lang, Thanh thủ quân, Pelé, Beckenbauer... để họp vai trò của mình.

Tuy đá chơi thôi, đợt nào cũng thắng. Càng đá càng hăng hái. Lúc đang mê đá banh không để ý, mãi đến khi về đến nhà mới thấy máu từ đầu gối, bàn chân đến cùi chỏ bị những ngọn đá xanh bén ác nghiệt đục thủng. Cả hai đầu gối của tôi vẫn còn mang đầy những vét thẹo để đời nầy. Đá đến nỗi quả bóng bằng da cũng không chịu nổi với những mảnh đá xanh vô tình nầy. Da banh đứt chỉ, lũng ruột banh là chuyện thường. Nếu không có quả banh da thì quấn giấy, vải vào bao nylon làm banh tạm đá đỡ ghiền. Bây giờ mới nghĩ lại chắc nhờ những da thịt bàn chân nhỏ bé của nhóm đá banh đã cày nghiền đá con đường mới trong cư xá mòn nhẵng mau dần. Bàn chân đá mãi đá sỏi cũng mòn như nước chảy đá mòn.

Ngày nào vừa đi học về vội vất tập sách một bên, kéo nhau ra đá banh ngay. Đá ngày lẫn đá đêm dưới  ánh sáng đèn đường. Đá đèn thật chớ không phải đá đèn theo nghĩa đen bây giờ đâu nghe. Đá mưa đá nắng. Mồ hôi chảy đầy cả người như tắm mưa. Khoái nhất là đá trong mưa vì nước mưa làm mát người đá không thấy mệt. Thỉnh thoảng mưa to làm ngập đường, banh nổi vừa đá vừa lội trong vũng nước. Cho đến bây giờ nghĩ đến thật là vui.

Có khi đá banh mạnh quá lạc đạn rớt vào nhà hàng xóm làm bể đồ đạc. Chủ nhà chửi tơi bời. Có lúc phải leo qua hàng rào kẽm gai cao lượm banh vì chủ nhà không có nhà. Sẵn tiện hái vài trái cây ổi xoài, mận nếu quả banh vô tình vào nhà nào có trồng cây ăn trái.

Có lần quả banh văng vào nhà bà cụ số nhà 12. Như trúng số độc đắc, banh bay ngay nồi cá kho đang nấu trên lò. Nồi cá kho thơm nóng cho buổi ăn cơm chiều đổ văng xuống đất. Bà cụ không những tịch thu quả banh luôn mà còn mét gia đình mấy cầu thủ tương lai. Về nhà thằng nào cũng bị ăn đòn một mẻ và bị cấm chơi đá banh khoảng một tuần.  Nhưng rồi vì ghiền đá banh quá, nhóm đá banh lại bắt đầu đá tiếp. Đâu cũng vào đấy. Bị rầy một lẽ đá banh là chuyện khác. Chỉ có đá banh là vui nhất làm chúng tôi thân gần gũi nhiều hơn.

Sau các trận đá banh đêm, tụi tôi thường leo lên tháp nước cao hơn hai tầng lầu nghỉ mệt. Nhìn xa về hướng sân bay Tân Sơn Nhất thấy những đèn xanh đỏ của máy bay đang bay lên bay xuống. Trên cao gió mát hiu hiu mấy lần ngủ quên. Giờ nghĩ lại sao mình liều quá ngủ quên như vậy có ngày lăn rớt xuống đất từ trên cao như vậy thì chỉ nát người như bún thiu.

Thời đó không có TV, không phim ảnh nhiều như sau nầy, thường chỉ đọc báo, nghe radio về các trân đá banh quốc tế. Hên lắm mới radio nghe cuộc tường thuật trực tiếp về các trận banh. Với óc giàu tưởng tượng của tuổi trẻ, dù chỉ nghe tường thuật các cầu thủ dẫn đem banh tấn công và đá vào gôn địch mà thấy hình ảnh linh động hấp dẫn hiện trên trong trí óc không khác gì xẩy ra trước mắt.

Đá được vài mùa, với lòng tự tin tụi tôi bắt đầu tổ chức thành đội cầu cư xá Dân Sinh gồm có thằng Ái, Viêm, Phát, Phúc, Bảo, Cao, Duy, , Long 1, Long 2, Hải, Thanh chân vịt, Dũng khỉ, Thắng răng nhô, Hữu, Quý...và Tùng vừa làm thủ môn vừa làm huấn luyện viên. Để trông có vẽ  giống nhà nghề một chút, tụi tôi cần bộ quần áo đá banh đồng phục. Không có đủ tiền mua quần áo thì phải làm sao đây? Anh em quyết định dành dụm tiền ăn hàng mỗi ngày một ít để đủ tiền mua bộ áo quần đá banh. Đủ tiền tôi đi xe đạp cùng mấy thằng bạn xuống đường Lê Thánh Tôn, Saigon  nơi có nhiều tiệm bán quần áo đặc biệt cho thể thao đặt áo thun màu trắng có cổ trái tim, số mang ở sau lưng. Cổ áo, tay có viền xanh nước biển. Quần rộng vải xa tanh láng bóng màu xanh nước biển. Về nhà ngủ không yên chờ mãi cho đến khi nhận được bộ quần áo tôi vội mặc vào ngay dù không có trận đá banh nào. Mặc ngày lẫn đêm ngủ.

Chờ cuối tuần chúng tôi hẹn nhau ở các bãi sân cỏ xanh mượt trong vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất đá với các đội banh thuộc xóm khác. Có khi đá với các đội xa từ Chợ lớn đi bằng xe buýt đến. Tưởng như mình đang đá trận cầu quốc tế giữa hội tuyển Việt Nam Cộng Hòa và Hồng Kông. Vài phút daydream cho đỡ ghiền.

Hàng ngày đá banh chân không trên đường nhựa đá xanh, bàn chân trở nên chai như đá. Hôm nay được đá trên cỏ xanh êm thật sung sướng quá như lúc trong tù cải tạo được cho ăn vài tép mỡ. Đội banh cư xa Dân Sinh tụi nầy chơi hết trận nầy đến trận khác mà không biết mệt và không sút chân gẫy cẳng gì cả. Có lẽ nhờ những ngày tập dợt trên sân đá xanh.

May mắn nhà gần sân vận động Quân đội cạnh Bộ Tư lệnh Tổng Tham Mưu. Đi học buổi sáng, chiều rảnh tôi vào sân vận động coi đội bóng quốc gia tập dợt. Thích quá vì gặp tận mặt những cầu thủ thần tượng của tôi nào trung phong Đổ Thới Vinh, Ngầu, Thanh, thủ môn đực hai đến đực một đá cho đội Tổng Tham Mưu.

Không có tiền xem trận chánh thức, đành xem trận đá dợt đỡ ghiền vậy. Xem không sót gì cả từ cách luyện tập, chạy nhảy, dẫn banh đưa banh chạy vòng sân cỏ.  Nhìn trái banh thứ thiệt mà thèm chảy nước dãi. Banh da đánh bóng láng như chiếc ga men chà láng thời ở trung tâm huấn luyện Quang Trung. Ước gì trở thành những cầu thủ nổi tiếng như họ sau nầy. Gió mát hiu hiu đầu hè, nằm ngủ trên khán đài lúc nào không biết. Giựt mình dậy nhìn xung quanh không thấy ai vì họ về từ lâu rồi. Lủi thủi đi về nhà rũ mấy thằng bạn ra chơi đa bánh.

Ở gần sân đá banh tôi thường có dịp “đi xem” các trận đá banh quốc tế của các quốc gia như Thái lan, Mã lai, Nam dương, Úc, Hongkong đến Saigon tranh giải. Nói “đi xem” cho sang vậy thôi. Thực ra là chun lỗ chó vào xem chứ làm gì có tiền mua vé vào cửa chánh. Cho các bạn đã biết tôi là thổ địa của sân Quân đội. Lỗ lớn lỗ nhỏ nào tôi cũng biết. Nếu lỗ nhỏ chun không lọt thì moi lớn đủ chun vào. Có lẽ cùng nhờ sự tập dợt như vậy, sau nầy tôi mới co gan chui rào trốn tù cải tạo thành công như vậy.

Có lần, mấy lỗ  chó bị bịt chặt quá không chui được. Chỉ có cách là chen lậu vào cửa chánh. Theo đám đông, gần lọt vào trong, bị một tên gác cửa la:

-Lại thằng bé nầy nữa. Coi chừng nó chạy vào. Giữ nó lại.

Thôi đành phải đi ngược dòng “người” trở ra vậy khó như lội ngược thác nước Niagara Falls. Trong lòng nôn nóng lắm vì trận cầu sắp bắt đầu mà tôi vẫn ngoài vòng đai và chưa nghĩ cách vào trong được. Đi tìm cây cao định leo lên. Nhìn lên hỡi ơi trên cây ốm như cây tre đã có hai thằng em đeo chặt như hai con khỉ. Cây cong xuống đất như cây cần câu vậy.

Hết đường binh, đành đi tìm mấy thằng cùng hoàn cảnh như mình, chia nhau đồng đồng đứng trên vai đứa kia cao ngang hàng với rào xi-măng. Bị che nên chỉ xem nửa được nửa không. Có khi cần ba đứa đồng đồng cao mới xem được. Đứa đứng trên cao vừa  thưởng thức coi vừa kể cho đứa đứng dưới về cú đá độc cú mèo của các cầu thủ nghe hấp dẫn như nghe radio vậy. À không biết thằng em nầy có xem được gì không hay chắc kể dóc cho thằng bạn đau khổ đứng dưới nghe đỡ ghiền. Đứng dưới khổ nhất. Đau lưng đau vai mà chẳng thấy gì cả khổ thật. Thằng em đứng trên có khi ăn gian quá không chịu đổi gì cả. Trò chơi cũng lắm công phu.

Tiệc vui nào cũng tàn. Vào những năm cuối trung học, đội banh Dân Sinh cũng bắt đầu tan rã như ngày 30 tháng tư. Hai anh em thằng Ái, Viêm đi du học Thụy Sĩ, Tùng, Bảo, Duy, Long, Hải đi Pháp. Còn mấy đứa khác vào đại học hay đổi sở thích. Tôi lạc lõng và buồn lắm.  Tôi đi bơi thường xuyên hơn và thỉnh thoảng đá ké cho các đội xóm khác và các bạn chung trường. Tôi và OC Phước (Khóa 7) học cùng trường là cập bài trùng đi đá chung. Tụi tôi thường đóng đô ở sân vận động Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thời gian làm vạn vật thay đổi kể cả sở thích cá nhân, dù có muốn hay không.

Sau khi gia nhập Hải quân, vào mùa  hè 70, khóa 6 OSC tôi được đi học hải nghiệp trường OCS ở Newport. Mới tới nơi chân ướt chân ráo, sợ các niên trưởng bắt chạy cross country, tôi tình nguyện nhập đội đá banh của đại đội Victor. Giống như không bế em thì thổi cơm thôi. Sau mấy năm bị thất nghiệp về đá bánh, tôi vui mừng vì có dịp chơi đá banh lại mà mình mê từ bé. Có dịp đá chung với OC Nghĩa lùn (Khóa 6), OC Phước (Khóa 7) và một số OC khác. Mỗi chiều sau khi học tập, nhóm đá banh ra sân banh tập dượt. Sân cỏ xanh mượt ở phía sau building King Hall và gần chỗ chạy Obstacles hướng về phía bờ biển.

Mỗi cuối tuần vào mùa hè và mùa thu, 3 đội bóng của ba đại đội Tango, Uniform và Victor đá trận với nhau. Thỉnh thoảng cầu thủ xuất sắc của ba đội được tuyển đại diện cho OC VN đấu với hội tuyển của OC Mỹ. Hình như chỉ có đá banh và bóng chuyền là môn thể thao các OC VN có thể làm OC Mỹ lo ngại vì đá banh nhờ sự lanh lẹ, kinh nghiệm hơn là sự mạnh mẽ, cao lớn. Còn nhớ trận đá gay cấn giữa đội Victor và đội “Ông cọp” Uniform, sau khi OC Phước đưa banh vào giữa sân cho tôi đem banh xuống gần đến gôn của Uniform. Vừa mới định sút vào khi thấy OC giữ gôn ra chận banh. Thay vì chận banh, anh bạn OC goalie (không nhớ tên) dùng hai chân nhảy đá karate vào lồng ngực tôi. Như bị trời giáng, tôi ôm ngực nín thở một lúc lâu. Từ đó không thấy tôi chơi đá banh nữa. Thà chạy cross country an toàn hơn.

Năm 75 trời sập, tôi bị đi tù cải tạo. Việc đá banh hoàn toàn không còn trong trí thức của tôi nữa. Ở trại tù cải tạo Katum, sau một thời gian đi rừng đốn cây, tôi được cho vào toán thợ mộc của tiểu đoàn. Vào một buổi trưa nắng, tôi đang đổ mồ hôi kéo cưa đứng trên khúc cây cẩm lai đường kính khoảng gần một thước do anh em cải tạo mới đốn và tha về để xẻ làm ván làm bàn ghế, rương hòm cho cán bộ. Tên cải tạo khối trưởng Thượng bảo tôi nghỉ cưa chiều nay và đi tập đá banh với đội đá banh của tiểu đoàn. Không nấu cơm thì phải gánh nước.

Nghe gọi tên, tôi mừng trong bụng vì có dịp đá banh lại trong hoàn cảnh đặc biệt nầy. Một điều thích nhất là có dịp gặp mấy lại mấy anh em OC cải tạo ở các tiểu đoàn khác trong các trận banh hoặc lúc tập dượt. Thêm nữa được bổ dưỡng thêm một chén cháo sau buổi tập. Lúc đói một hạt cơm hạt cháo quí lắm.

Tập vài buổi chiều, tôi được đưa ra sân chơi như bị đưa ra khán đài tử hình. Không có chó bắt mèo ăn “phân”. Đá chân không trên sân đất khô cứng như sân xi-măng. Sân không cỏ không bóng cây. Trời hè vùng nhiệt đới làm sân nóng như chảo đồng trên ngọn lửa hồng. Sau mấy trận đầu đá hết mình, đêm về ngủ không lăn qua lại được vì cả cơ thể tay chân, lưng, cổ... đau nhức kinh khủng. Lúc đó tôi nhớ vào những ngày hồn nhiên của tuổi học trò khi tôi đá banh trên đường đá xanh trong cư xá. Đá banh trong hoàn cảnh nầy cũng giống nhau lúc trẻ như nhức mình đau chân, đá banh chân đất trên sân cứng, mồ hôi đổ ướt như tắm mưa, đá banh tung vào lưới nhưng tôi cảm thấy  mang máng buồn và không được mãn nguyện như ngày xưa. Có lẽ trong hoàn cảnh tù đày không có ngày mai làm tôi không hưởng trọn những gì đá banh vui mạnh đã đem đến tôi như những ngày xưa yên ấm.

Sau trận vài trận đá trên sân đất nóng, dù mê đá banh bằng cách cố gắng chịu đấm ăn xôi, tôi đành bỏ cuộc chơi vì bàn chân vô tội bị bọng đầy nước.  Mỗi lần đứng xuống đất như dứng trên đôi giày có đế bằng nước. Đi được vài bước cảm thấy như đang đi đứng trên giường có nệm nước (water bed). Không đi đứng được, tên khối trưởng bắt ngồi trên ghế đẩu đan vỏ tre vậy. Có bệnh không được nằm nghỉ trừ khi chui xuống lỗ ba tấc thôi.

Càng ngày nước bọng dưới hai bàn chân càng căn cứng thật đau. Màu nước trong bọng bắt đầu đụt vàng vàng.  Khó chịu quá tôi dùng mũi kim đụt mất lỗ vào da bàn chân cho nước chảy ra cho đỡ căn thẳng. Không thuốc trụ sinh hoặc thuốc đỏ khử trùng, nên dùng muối vậy. Như các bạn đã biết, đối với người tù cải tạo, muối trị tất cả từ sưng phồng bắp thịt gân, đến đau răng, chảy máu, bịnh lở da ghẻ ngứa. Đặc biệt ăn muối trị bịnh đói thèm thức ăn thịt cá kho mặn. Trước khi đi ngủ, lấy muối (do gia đình mang cho hơn 5 Kilo muối hột lúc thăm nuôi) pha với nước ấm xong rồi ngâm hai bàn chân vào hai thùng đạn đại liên dùng để nấu nước sôi.

Khoảng vài tuần sau, mảnh da bỏng dưới bàn chân lột ra để lộ ra da non đỏ mỏng manh như da đứa bé baby. Tôi bắt đầu đi lại được. Khi đi miếng da khô lột hả ra như tàu LST 505 hả mồm lúc đổ bộ vào bãi. Mỗi bước đi phải dỡ chân lên cao bước từng bước một. Nhắc chân trái xong đến chân phải như các người nhái mang chân vịt. Cũng có khi cảm thấy như đang mang đôi dép Nhật bị đứt quai giữa phía trước mặc dù tôi đang đi chân đất. Từ đó bỏ nghề đá banh trở lại nghề thợ mộc “full-time” cho ăn chắc dù ăn cháo ít hơn.

Sau trại Katum, tôi bị đưa về trại tù Thành Ông Năm ở Hốc Môn. Không có dám đá banh nữa chỉ đợi chúa nhật có dịp đi coi cải tạo đá giữa các tiểu đoàn trên sân banh gần trại tôi ở. Anh em tù cải tạo ai cũng chờ dịp đánh banh nầy không phải xem đá banh mà để gặp bạn bè. May mắn tôi gặp được một nhóm bạn OC như OC Bạch, Trạng, Dụ, An...

Bốn năm đến lần nữa, trận cầu World cup 1978 diễn ra gây cân quên đi những anh em cải tạo trong tù đang mong ngày về có dịp xem các trận cầu quốc tế nầy. Mê đá banh quá, tôi liều trốn rào sang trại khác nơi có chiếc TV nhỏ trắng đen để xem. Tật quen từ nhỏ rồi. Tới đâu cũng được thì tới luôn bác tài. Coi nửa chừng chưa hết trận, bị quản giáo bắt và nhốt vào conex mấy ngày đau khổ. Có chơi có chịu.

Sau khi trốn tù cải tạo và may mắn vượt biên đến Mã lai an toàn. Trước khi đi định cư, tôi được chuyển về trại Convent Transit Camp ở Kula Lumpur cho những ai được nhận đi Canada. Ngoài việc chờ ngày đi định cư để lập cuộc đời mới, anh em tị nạn có BS NX Tùng hiện đang ở Winnipeg Canada thường rủ chơi đá banh trên con đường cát trong trại.

Chắc muốn trổ tài trước có các cô khán giả đẹp, tôi dẫn banh một mình xuống gần tới gôn. Anh thủ môn (có lẽ cũng mê cô khán giả nào đây) nhào ra đá vào đầu gối phải một cái bốp nghe như bánh xe đạp bị nổ. Tôi té quỵ xuống đất như trái mít chín rụng. Gân cốt chân phải rút lại như chuột rút. Đầu gối sút ra một bên  cứ chống đối nhưng không chịu trở vào chỗ cũ. Ngồi mấy phút như mấy thế kỷ người đau toát cả mồ hôi. Sau khi bình tĩnh nhờ BS Tùng kéo chân cho đầu gối nghe một bốp khi nó vào trở lại. Lúc đó mới bớt đau. Ngày hôm sau, đầu gối sưng to như chân voi. Đi cà lết. Không dám chơi đá banh nữa. Giấc mơ thành cầu thủ thực tan thành mây khói kể từ đây. 

Định cư Canada, đến Ottawa đi học lại. Đầu gối thường bị sút ra  xong rồi bóp vào trở lại như ăn cơm bữa. Đi đứng nghe tiếng kêu lụp cụp ở đầu gối như sau những đêm trụy lạc thời đi tàu biển. Vào buổi ăn picnic, đang chạy định chận trái bong bóng bay, bỗng nghe trong  đầu gối có một tiếng nổ nhỏ như pháo con dế nổ. Đầu gối cứng hẳn không cong vào không cong ra. Được đưa vào nhà thương Ottawa chụp X-ray. BS Johnson, một BS nổi tiếng về Sport Medicine ở Ottawa cho biết đầu gối bị đứt gân chánh (ACL) và bể sụn làm cho đầu gối kẹt lại. Mới xin đi học trở lại vì sợ mất học không dám mổ ACL nghe nói mất khoảng sáu tháng mới đi đứng bình thường được. Đành chỉ mổ lấy sụn bể thôi.

Một tuần sau khi mổ, tôi chống nạn đi học lại. Trải qua nhiều trận nguy hiểm từ khi đi lính đến tù cải tạo, vượt biên mà không bị gì. Giờ đây vì đá bánh người bị tật như vậy thì cũng hơi tiếc thật. Đành chịu thôi. Đầu gối bây giờ chỉ để dành đi học đi làm ăn, không dám đá banh nữa. Đá banh trên giường không đau đầu gối mừng lắm rồi.

Tôi lập gia đình ở vùng Washington có thằng con trai và cô con gái. Tôi cho đứa con trai tập đá banh rất sớm với hy vọng sau nầy sẽ đạt thành ước mơ không thành của tôi. Ở đây đá banh không phải như hồi còn ở VN. Nào lập hội, huấn luyện viên, sân cỏ, quần áo giày vớ “high tech” đầy đủ cả. Tập chỉ vài giờ trong tuần thế mà phải trả tiền tắt thở. Đội thằng con tôi đi đá bên England hai lần trả tiền cháy túi luôn. Sau khi đá cho đội năm senior của trường trung học, đứa trai tôi không muốn chơi đá banh nữa dù không bị lỏng đầu gối như tôi. Mình muốn một lẽ, con có theo không là một lẽ khác. Mộng của tôi chắc phải chờ các cháu nội ngoại sau nầy, nếu có.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không thành một cầu thủ như các bạn đã biết tại sao rồi. Không tài, không sức khỏe, không có dịp may thì đành chịu thôi. Nhờ trời nếu sức khỏe cho phép, bốn năm nữa tôi sẽ được coi 2010 World Cup thêm một lần nữa với những cầu thủ trẻ mới tài năng nổi lên thai thế những cầu thủ già như “tre già măng mọc” theo luật xoay vòng của tạo hóa.

Mùa hè World Cup 2006.
Vùng Washington DC.

Nguyễn Hồng Quang.

 


 

 

Đoàn hội tuyển đá banh của VNCH tham dự giải Á Châu lần thứ 4.   Hình nầy của gia đình lưu giữ với chữ ký của các cầu thủ. NHQ