Hễ nhắc đến chè là người ta nghĩ ngay dến cái hương vị ngọt ngào
của nó- Cũng phải thôi- Chè thì ngọt hay " ngọt như chè " mà.
Món chè tự bản thân nó đã ngọt ngào, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Từ " ngọt như đường cát, mát như đường phèn " đến ngọt
đậm đà của đường mía, qua cái ngọt lạ của đường thốt nốt. Từ cái
ngọt ngào của con người Việt Nam nói chung đến cái ngọt ngào của
người phụ nữ Việt Nam nói riêng. Hương vị ngọt ngào gởi gấm ý tình
qua từng hột đậu, từng củ khoai, từng thẻ đường tán đơn sơ là vậy.
Ra đi nhớ cháo làng Ghề
Nhớ chim phố Mía, nhớ chè Đông Viên
Để dễ dàng lan man về chè, người viết tạm cho có hai cách nói
cho vui cửa, vui nhà: hàng ngang và hàng dọc. Theo hệ thống hàng
ngang thì chẳng loại chè nào hơn hẳn loại chè nào, chẳng chè miền
nào kém hơn chè miền nào, kể cả chè miền Bắc, chè miền Trung, chè
miền Nam, chè du nhập từ Tàu, chè xuất xứ bên Thái.. Theo hệ thống
hàng dọc thì tùy theo loại đậu nào, khoai nào, bột nào được sử
dụng nhiều hơn. Thôi thì ngang dọc gì cũng chấp nhận đặng hết,
miễn sao đừng "Dọc ngang nào biết trên đời có ai " là
được rồi.
Theo hệ thống hàng ngang - Chè miền Bắc có: chè đường, chè hoa
cau, chè cốm, chè đỗ đãi, chè đỗ đen, chè kho, chè lam, chè bà
cốt, chè ngô, chè mã thầy (củ năn), chè hạt sen v.v...Chè miền
Trung thì phải kể nổi bật là "chè Huế" với" hằng
hà sa số " loại: chè đậu ván, chè đậu ngự, chè đậu quyên
(đậu trắng), chè đậu xanh đánh nước hay lềnh, chè kê, chè bắp cồn,
chè hột sen long nhãn, chè ỷ, chè bột lọc thịt phay(quay), chè
khoai tía, chè khoai mài, chè môn sáp v.v... Chè miền Nam đặc
biệt nấu với nếp có chè bắp, chè đậu trắng, chè khoai môn; Nấu
với nước dừa có chè chuối, chè tào thưng, chè bà ba, chè đậu xanh
bột báng; Bên cạnh đó là chè trôi nước, chè táo xọn, chè bánh lọt,
chè bánh canh, chè bưởi v.v... Chè của Tàu thì có sâm bổ lường,
lục tàu xá (chè đậu xanh vỏ quít phơi khô), chí mà phủ (chè mè
đen), chè hột gà nước trà, chè bo bo trứng cút, chè khoai môn bạch
quả v.v...Chưa kể bây giờ chè Việt Nam còn được tăng cường cho
thêm phần phong phú bằng vô số kiểu chè mới xuất xứ từ Thái Lan
như: chè thập cẩm trái cây, chè lạnh đủ loại bỏ thêm" trân
châu đen" (boba); Song song với những loại chè mà người viết
đã " tỏ tường "từ " hồi nảo, hồi nao" ( hồi
cắp sách đến trường) như chè bông cỏ hột lựu, chè đậu đỏ bánh lọt,
chè mủ trôm hột é, thạch chè v.v... Ôi! Cơ man chè là chè, kể
làm sao cho xiết, cho ngạ tên những món chè của người mình đây
?
Bây giờ, đi theo hệ thống hàng dọc- Nghĩa là theo cách thức chè
được nấu bằng đậu nào hay bằng khoai củ nào. Đậu thì có đậu xanh,
đậu trắng, đậu đỏ, đậu đen, đậu phọng . Những khoai củ được dùng
để nấu chè có thể kể là: khoai lang, khoai mì, khoai môn, khoai
tím, củ chuối, bí đỏ v.v...Bột thường dùng để nấu chè là bột năng,
bột đao, bột sắn dây (mì tinh), bột nếp. Xưa nay, người mình chỉ
xài đường mía để nấu chè. Đường mía qua cách pha chế, gạn lọc thủ
công, có thể thành đường cát trắng( đường kính), đường mỡ gà, đường
thẻ, đường mật, đường phèn. Sau này, qua kỹ nghệ sản xuất công
nghiệp với máy móc hiện đại, chúng ta dùng thêm đường làm từ củ
cải đường như người Tây phương hay một số vùng đất phương Nam xài
đường thốt nốt giống như người Miên.
Chỉ một mình đậu xanh thôi cũng đã được tận dụng tối đa để tạo
ra " tràng giang đại hải " những kiểu chè khác nhau:
Ba đồng một quả đậu xanh
Một cân đường cát đưa anh ra về
Đậu xanh nguyên hột để vỏ nấu
với phổ tai (có khi thêm bột khoai, bột báng ) có thể ăn nóng hay
ăn lạnh với nước đá. Đậu xanh cà nửa hột, còn nửa vỏ thì nấu với
bí đỏ ăn cho mát tỳ, mát vị, mát ruột, mát gan. Đậu xanh không
còn vỏ là được" xài" nhiều
nhất . Từ hấp chín mềm, còn nguyên hột để nấu chè táo xọn, chè
hoa cau đến giã nhuyễn ra làm chè đậu xanh đánh lềnh, chè đậu xanh
bột báng nước, chè kho v.v... hay được xào sơ với dầu và hành lá,
trộn chút muối cho hơi mẳn để làm nhân chè trôi nước. Đậu đen thì
không hiểu vì sao mà miền nào cũng dùng để nấu với đường thẻ, bỏ
vào miếng gừng đập giập, ăn để giải nhiệt. Hồi chưa có nước đá,
người ta đem phơi sương để ăn cho mát miệng .
Khoai lang, khoai mì thường đuợc xắt hình con cờ, bỏ vào để tăng
thêm phần "rôm rả" cho những nồi chè bà ba, chè tào
thưng. Có nơi cầu kỳ, còn mài khoai mì, đợi cho lắng xuống (chùng
bột), dùng tinh bột này để vo tròn thành những viên nhỏ như hột
bi nấu với đường trắng, chan nước cốt dừa.. Khoai môn được " ưa
chuộng " là môn sáp, được dùng nhiều cách. Dùng để nấu với
nếp như chè khoai môn nếp; Luộc mềm để nấu nát như chè khoai tím;
Vò thành những viên to như hột gà, bọc bột báng bên ngoài; Trộn
dầu quậy cho đặc thành chè khoai môn đánh và bỏ lên trên mặt bạch
quả, tuyết nhĩ (nấm trắng), táo tàu đỏ phơi khô là một món tráng
miệng "hẩu xực" của người Tàu trong thực đơn tiệc đám
cuới..
Nói về phương thức, kiểu cách nấu chè thì không có sự đồng nhất.
Tùy theo khẩu vị, thổ ngơi mà mỗi miền, mỗi vùng, mỗi nhà có cách
thêm bớt, gia giảm nguyên liệu khác biệt nhạu. Thí dụ chỉ món chè
bắp- Tên gọi thì đơn giản mà người viết thấy đã có ít nhất là ba
kiểu khác nhau rồi :
- Bắp non còn ngậm sữa ,hột được tách ra, xay nát, lấy chất sữa
bắp màu trắng đục, nấu cho sánh lại với bột năng, đường cát trắng
.
-Cũng là bắp non, được bào mỏng theo chiều dọc trái bắp. Cùi cho
vào nồi luộc lấy nước, lọc lại cho trong nấu với đường cát trắng
cho bắp vào sau, thêm một ít bột năng, khuấy đều cho chè sánh lại
là được.
-Chọn loại bắp dẻo, không già, không non, cũng bào mỏng hột bắp,
nấu với nếp, để khi ăn chan nuớc cốt dừa .
Như trong miền Nam, chỉ nội với một loại chuối sứ( ngon nhất là
giống chuối sứ Mỹ Tho ruột vàng, ngọt dịu ) dùng để nấu chè chuối
nước dừa, mà đã tạo thành hai loại chè chuối khác nhau: chè chuối
chưng và chè chuối xào dừa. Đó là chưa kể chuối nướng, chuối bọc
nếp). Cả hai loại chè chuối này đều rất phổ biến. Chuối chưng thì
dùng nguyên trái chuối chín muồi nấu với nước giảo dừa bỏ thêm
khoai mì, bột khoai, bột báng. Trong khi chuối xào dừa thì dùng
loại chuối chín hườm, để khi xắt lát chuối vẫn còn dẻo, không bị
nát. Ở California, trước lúc chuối sứ đông lạnh được phép nhập
cảng vào, người ta dùng một loại chuối Mễ rim đường cho thấm ngọt
trước, rồi mới dùng để nấu chè. Trong khi những người " dễ
chịu " hơn thì dùng chuối lon, chuối hộp. Nước cốt dừa cũng
được thích nghi với hoàn cảnh ở xứ người, được chế biến từ dừa
hộp, dừa bột, chứ không phải chỉ từ dừa nạo như ở quê nhà.
Chè "nghèo" nhất có thể kể là chè bà cốt- Gạo nếp nấu
nát với đuờng đen, đập vào chút gừng.
Ăn chè bà cốt Đống Cầu
Nôn nao trong dạ, xa đâu cũng về
Một loại chè khác nghèo không
kém là chè khoai lang cắt hột lựu, cũng nấu trong nước đường đen,
đập gừng cho thơm. Chè có "vẻ" sang
trọng hơn là chè hột sen, chè ỷ. Món chè ỷ này có "gốc gác" từ
chè sơn qui của Gò Công, theo bà Từ Dũ từ miền Nam đi ra vùng " đất
thần kinh ", cũng như món mắm tôm chua vậy. Chè ỷ là chè nấu
bằng bột năng, vo tròn thành những viên nhỏ như viên bi, trong
để nhân khi là hột đậu phọng rang, khi là chút cơm dừa cạy cắt
hột lựu, chìm nổi trong chén nước đường lúc trong suốt, lúc màu
cánh gián, rắc nhẹ tay một chút mè trắng rang vàng. Chè "quý
tộc" là chè hột sen long nhãn- Hột sen tươi lột vỏ, soi lấy
tim xanh, hấp chín rồi bỏ vào trái nhãn tươi đã khéo lấy hột ra,
dọn với nước đường trắng trong, thơm ngan ngát. Nấu chè này công
phu cầm canh, nội lấy hột ra khỏi từng trái nhãn làm sao đừng bể
đà đòi hỏi rất nhiều "tài khéo" rồi. Còn một thứ chè "cầu
kỳ " không kém phần, nhưng không được liệt vào hàng " văn
bản " như chè hột sen long nhãn là chè bưởi, xuất xứ từ Cần
Thợ. Phần vỏ trắng dai ở giữa được ngâm, nhồi kỹ nhiều lần với
nước muối, nước vôi trong, rồi xả lại nhiều lần với nước lạnh cho
hết mùi vị đắng và the của vỏ bưởi; Đến khi đổi qua màu trắng trong,
được xắt thành hình sợi như sợi bột khoai khô. Khó ai có thể ngờ
rằng những sợi trắng trong, dai dai đó được chế biến từ vỏ bưởi
chứ không phải từ bột năng. Khi ăn, người ta nấu đường cát trắng,
bỏ sợi bưởi vào, bỏ đậu xanh cà nguyên hột hấp chín, thả trên mặt
chè vài cọng vỏ bưởi xanh bào mỏng hay vài giọt tinh dầu hoa bưởi
cho thuần chất bưởi. Chè bưởi có thể ăn nóng: bỏ thêm bột năng
vào khuấy với nước đường cho hơi sệt, chan nước cốt dừa hay có
thể ăn lạnh với nước đá bào .
"Chè độc" là những chè đặc biệt, vị ngọt có lẫn vị mặn như: chè hột
gà nước trà, chè bột lọc thịt quay. Chè hột gà nước trà là hột gà luộc rồi,
lột vỏ, bỏ vào nấu chung với nước trà từ 4, 5 tiếng trên lửa nhỏ cho đến khi
hột gà đổi qua màu đậm. Nước trà này gồm có trà xanh và trà Ô Long đã lượt
sạch xác, bỏ vài lát sâm, nấu với đường phèn. Chè bột lọc thịt quay đúng như
tên gọi: thịt heo quay xắt con cờ, còn đủ da, mỡ và thịt, được bọc lại bằng
bột năng nhồi nước ấm thành hình bánh xếp, dọn ăn chung với nước đường trắng
nấu tan .
Còn có những loại chè" điạ phương ", ít được phổ biến
ở Saigon như: chè kho, chè kê. Chè kho của miền Bắc nấu bằng đậu
xanh hạt nhỏ lòng vàng( đậu xanh hạt tiêu) hấp chín, giã nhuyễn,
vò thành từng nắm, dùng dao thái lát mỏng cho đậu tơi và mịn, trộn
đều với nước đường trắng nấu sôi, để nguội; Phải quậy luôn tay
và canh chừng lửa cho đến khi chè đặc lại, đổ vào chén trẹt để
nguội(có nhà bỏ thêm mứt bí khẩu xắt hột lựu ), phủ một lớp mỏng
mè trắng rang vàng; Xắt ra từng miếng để có thể cầm tay ăn cũng
được. Chè kê miền Trung hơi giống như chè kho miền Bắc. Hạt kê
ngon được ngâm với nước vôi loãng, rửa sạch, nấu dến khi đặc lại,
bỏ thêm đậu xanh hấp chín, đánh nhuyễn Múc ra từng chén, rắc chút
mè trắng rang vàng lên mặt.
Thường thì người ta ăn chè bằng chén nhiều hơn ăn chè bằng ly,
có lẽ vì chữ chè hay đi với chữ chén chăng? Nói giỡn cho vui, chứ
thường chè "ưng" đi chung với xôi- Nên chi chè là " đồng
hành " của xôi, hay " cà rà " một cặp với nhau
cho có đôi, có bạn vậy mà. Như cái món xôi vò- chè đường chẳng
hạn. Người ta có câu:" Vụng xôi xéo, khéo xôi vò ".Xôi
vò đúng kiểu phải rời từng hột xôi, mà từng hột xôi đó phải được
bao đều bằng một lớp mỏng đậu xanh hấp chín, đánh cho nhuyễn, tơi
mịn ra. Chè đường chỉ là bột sắn dây khuấy cho chín với đường cát
trắng, bỏ vào chút nước hoa bưởi cho thơm nhè nhẹ. Rắc lên mặt
chè ít hột cốm giẹp xanh biếc thì gọi là chè cốm. Bỏ vào vài hột
đậu xanh nguyên hấp chín mềm thì trở nên " văn vẻ " hơn:
chè hoa cau. Ông bà mình ngày trước ngẫm ra cũng " kiểu cách" gớm
:" Xôi vò thì phải nấu cho rời, để rồi dùng chè đường quyện
lấy nhẹ nhàng chung quanh" Ý tình cũng thâm sâu quá, như hai
cá thể khác biệt kết hợp với nhạu.
Nước hoa bưởi để nấu chè( hoặc dùng từ những chai tinh chất bán
sẵn hoặc cầu kỳ ướp bằng hoa bưởi tươi như ở nhà làm lấy) là một
trong những hương liệu được lựa chọn để dùng làm tăng hương vị
cho từng loại chè khác nhau, bên cạnh lá dứa, gừng tươi, dầu chuối,
vanille v.v...
Thứ chè nào sẽ có hương vị riêng của nó, một phần do khí hậu, điều
kiện sống của từng địa phương, phần khác do kinh nghiệm của từng
nhà, từng người .
Một chén chè ngon có thể được thưởng thức từ các gánh chè rong
cuảa các bà, các cô bán chè với tiếng rao lảnh lót trong các khu
xóm, các hẻm nhỏ; Qua các quán chè, hàng chè mà " nam thanh,
nữ tú" dập dìu; Đến những chén chè đuợc trình bày đẹp đẽ,
phô trương sự khéo léo trong những đồ sứ cổ ngoạn dùng đãi đằng
khách khứa của những gia đình.
Xét về tiêu chuẩn để một món ăn được gọi là ngon, thì theo thi
sĩ Tản Đà còn tùy thuộc vào những yếu tố " khách thể "(
yếu tố bên ngoài món ăn tác dụng thêm vào) như: giờ ăn, chỗ ăn
và người cùng ăn với ta. Bởi vậy, theo " Hán Văn Tứ Tự Thành
Ngữ " thì người viết xin giương bảng " nhị bất" là: " bất
khả thăng ngôn" và " bất khả tư nghì ".Người viết
dù không dám đi sâu về quan niệm " chủ tâm " của một
món ăn ngon nói khái quát, hay một loại chè ngon nói theo chủ đề;
Nhưng cũng phải công nhận là một chén chè ngon còn được dựa trên
phần nào những yếu tố tâm tư, tình cảm của người ăn chè. Những
kỷ niệm của một thời đã qua làm ngọt ngào thêm cho những ly, những
chén chè thuở trước. Cái ngọt ngào của người Việt Nam mình còn
tồn tại mãi trong từng muỗng chè. Những hương vị chè ngày xưa vẫn
còn đó, như những chứng tích về sự tồn tại, sự chịu đựng, sự thủy
chung của người đàn bà Việt Nam dù đã qua nhiều biến đổi trong
hoàn cảnh, trong đời sống. Chè trong lòng người viết vẫn còn rất
Việt Nam, vẫn còn lắng đọng hồn của Saigon những ngày cùng bè bạn
ngồi ăn chè, đếm chén tính tiền xa xưa. Giờ thật đã xa khỏi tầm
tay với rồi. " Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ
?"
Xuân Phương
|