Dựa theo Aux Champs
Của Guy de Maupassant
Dưới chân ngọn đồi gần khu du lịch có hai căn nhà nhỏ rất gần nhau,
chỉ cách một cái sân hẹp. Nhà Ba Neo hướng về đỉnh đồi còn nhà Sáu
Đất thì quay ra biển. Bảo họ là nông dân thì cũng không hẳn vì họ
chỉ có vài luống đất cằn cỗi, nếu cứ dựa vào mảnh đất nghèo nàn
mà cầy cấy thì cả hai gia đình có hà tằn hà tiện, đầu tắt mặt tối
đến đâu cũng chẳng nuôi nổi mấy miệng ăn trong nhà. May là lại ở
ngay cạnh bờ biển, trông vào sự bao dung của đại dương hai ông chồng
làm thêm nghề đánh cá thêm thắt tí tiền mua gạo củi cho gia đình.
Chật vật, cực khổ kiếm ăn cũng phải, mỗi bên bốn đứa con, tổng
cộng là tám, hai đứa lớn nhất sáu tuổi, hai đứa nhỏ nhất mười lăm
tháng. Một điều lạ là đám con cái hai gia đình không những sàn sàn
tuổi lại còn giống nhau như anh em một nhà. Đến nỗi hai bà mẹ nhiều
khi cũng lầm lẫn không biết đứa nào là con mình. Còn mấy ông bố
thì khỏi nói. Đi biển cả tuần rồi có khi về đến nhà không nhận ra
đứa nào ra đứa nào, tên đứa này thì lộn qua đứa kia, nhiều khi phải
gọi vài lần mới trúng con mình.
Nhà Ba Neo có ba gái, một trai, còn nhà Sáu Đất thì lại ba trai,
một gái. Ngày nào cũng vậy, bữa trưa cũng như bữa chiều, như hai
con ngỗng cái chăn đàn con, hai mụ vợ gom lũ nhỏ lại ngồi quanh
cái bàn cũ kỹ đặt giữa sân cho chúng ăn uống. Đứa nhỏ nhất thì mắt
chỉ vừa tầm mặt bàn, chẳng bao giờ biết có món gì trong tô, trong
đĩa. Mà quanh đi quẩn lại thì cũng chỉ là nồi cơm gạo xấu, vài con
khô, một đĩa rau xào, lâu lâu nếu đánh được nhiều cá thì có thêm
nồi canh cá cà chua. Lúc nào có tí thịt thì đúng là đại tiệc.
Vào một buổi chiều ấm áp của tháng Tám, lũ nhỏ đang nô đùa vui
chơi trước sân thì có một người đàn bà dáng dấp thật quí phái đi
xe hơi ngang qua. Thấy đám con nít tíu tít trước sân bà bảo ông
chồng ngừng lại. Vừa nhìn mấy trẻ con một cách say mê bà vừa nói.
- Ông ơi, coi mấy đứa bé kìa, chơi đùa dễ thương không kia chứ.
Ông chồng hình như quen tính bà vợ ngồi im chẳng nói một câu nào.
- Ông này, tôi muống xuống ôn hôn cái đứa tí teo kia quá. Phải
chi mình có một đứa như vậy nhỉ.
Không để chồng kịp phản ứng, bà ta mở cửa bước ra khỏi xe, đi nhanh
lại đám trẻ. Ôm lấy thằng cu Chít, con trai nhà Sáu Đất hôn lấy
hôn để. Hết hai bên má lem luốc đến mái tóc rối bù rồi đến hai bàn
tay đầy đất cát của nó. Thằng Chít không biết ất giáp ra sao vùng
vẫy chỉ muốn tụt xuống đất.
Nựng nịu, hôn hít một lúc cho thỏa rồi người đàn bà mới lên xe đi.
Tưởng chỉ là chuyện một người qua đường, thích trẻ con nhưng một
tuần sau bà ta và ông chồng trở lại. Lần này thì họ mang đủ thứ
kẹo bánh. Ngồi xổm trên sân nhà, bà ta bế đứa nhỏ nhất trên tay,
đùa chơi với nó cả tiếng mà không biết chán trong khi ông chồng
kiên nhẫn ngồi đợi trong xe.
Mấy tuần sau này bà ta trở lại thường hơn, và lần nào cũng vậy,
không bao giờ quên mang theo bánh kẹo, quà cáp. Dần dần bà làm quen
cả bố mẹ mấy đứa bé và chỉ một thời gian ngắn hai gia đình nông
dân biết ra người khách kia không ai xa lạ, ông bà Kiều, một thương
gia khá giả có tiếng trên phố.
oOo
Cũng như mấy tuần trước, ông bà Kiều trở lại thăm hai gia đình
nông dân nhưng lần này không ngừng lại hỏi chuyện mấy đứa nhỏ, họ
đi vào thẳng căn nhà quay ra biển.
Hai vợ chồng Sáu Đất đang lom khom chẻ củi sửa soạn nấu nướng,
thấy có bóng người vội vàng ngước lên thì thấy bà Kiều.
Cố làm vẻ mặt bình tĩnh, bà Kiều vẫn lúng túng.
- Thưa hai anh chị, hôm nay đến gặp anh chị là tôi muốn ngỏ ý
xin thằng Chít làm con nuôi.
Hai vợ chồng Sáu Đất ngỡ ngàng chưa kịp trả lời thì ba Kiều tiếp.
- Anh chị hiểu cho là chúng tôi rất thương trẻ em mà lại không
con.
Như qua cơn mê sảng, vợ Sáu Đất lên tiếng :
- A, thì ra bà muốn thằng Chít ?... Là bố mẹ, làm sao chúng tôi
có thể bỏ con mình cho người khác nuôi ?
Ông chồng bà Kiều im lặng mãi, bây giờ mới chen vào.
- Bà nhà tôi chưa nói hết, tôi xin thêm là thế này. Thằng Chít
ở với chúng tôi, không có nghĩa là nó bị cắt đứt dây liên lạc
với cha mẹ đẻ. Nếu muốn thì nó về thăm anh chị lúc nào mà chả
được. Rồi nếu sau này trời thương mà chúng tôi có con thì bảo
đảm là cu Chít sẽ được thừa hưởng tài sản của chúng tôi như con
ruột. Đặt trường hợp cu Chít không nên người, phụ công kẻ dinh
dưỡng thì chúng tôi cũng cho nó một số tài sản riêng để sinh sống.
Ngừng một lát người đàn ông tiếp.
- Còn phần anh chị, chúng tôi không quên đâu. Lập tức chúng tôi
sẽ mở một trương mục để anh chị có tí tiền hưu trí hàng tháng.
Vợ Sáu Đất đứng dậy trợn mắt.
- Như vậy là ông bà muốn tôi bán thằng Chít ? Người có lương
tâm chẳng bao giờ lại mở miệng nói như vậy. Thật là quái gở.
Sáu Đất không nói một lời nhưng gật gù hoàn toàn đồng ý với vợ
Bà Kiều chết lặng một giây rồi bật khóc, quay lại phía chồng, giọng
tuyệt vọng.
- Ông ạ như vậy tức là họ không thuận rồi.
Ông chồng cố thuyết phục.
- Tôi xin anh chị nên nghĩ đến hạnh phúc, tương lai của cháu...
Vợ Sáu Đất cắt ngang.
- Xin mời ông bà bước ra khỏi nhà này và chúng tôi không muốn
nhìn thấy mặt các người nữa. Đời thủa nhà ai mà đi dụ người ta
đem con đi bán như vậy.
Trong cơn vô vọng, bà Kiều chợt nhớ trong đám trẻ ngoài sân còn
một đứa bé trai cũng kháu khỉnh lắm. Chỉ vào nó bà ta hỏi
- Thế đứa bé kia cũng là con bà ?
Sáu Đất sững giọng.
- Nó là con nhà Ba Neo bên cạnh, nếu muốn thì cứ qua đó mà hỏi.
Nói xong Sáu Đất bỏ vào nhà trong.
oOo
Gia đình Ba Neo đang ngồi quay quần bên bàn ăn, hai vợ chồng nhìn
mấy đứa nhỏ giành nhau tí nước cá kho còn lại trên đĩa. Bữa cơm
thật đạm bạc; vỏn vẹn chỉ một đĩa cá, vài cọng rau luộc.
Không chờ đợi lâu, với giọng nói khẩn khoản, chiêu dụ ông chồng
bà Kiều đi ngay vào đề, họ bày tỏ ý định của mình và không quên
nhấn mạnh phần "bồi hoàn" cho gia đình Ba Neo.
Mới đầu thì cả hai vợ chồng Ba Neo muốn từ chối nhưng sau khi nghe
đến cái khoản tiền hưu trí hàng tháng hậu hĩ họ có vẻ ngần ngừ.
Cả hai nhìn nhau phân vân không biết quyết định ra sao.Cuối cùng
vợ Ba Neo quay lại hỏi chồng.
- Ông nghĩ thế nào ?
Qua giọng nói nặng nề, Ba Neo do dự
- Phải nghĩ lại, biết đâu đây là cơ hội tốt.
Như đoán được tâm lý vợ chồng Ba Neo, bà Kiều thiết tha
- Anh chị nên nghĩ đến tương lai của cháu. Mà nếu sau này khá
giả chắc chắn chẳng bao giờ nó quên anh chị.
Như cho chắc ăn, Ba Neo lên tiếng hỏi
- Số tiền hưu một ngàn một tháng có luật sư làm chứng đàng hoàng
chứ ?
- Dĩ nhiên, nếu muốn thì anh chị có thể bắt đầu lãnh tiền ngay
ngày mai.
Như chưa hài lòng, vợ Ba Neo kèo nèo trả giá.
- Một ngàn một tháng không bõ để chúng tôi phải mất đi đứa con.
Xin ông bà nhớ cho là chỉ vài năm nữa là thằng Vèn có thể đi làm
kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Ít nhất thì nó cũng kiếm ngàn hai một
tháng.
Nhịp chân một cách bồn chồn, nóng nẩy, bà Kiều vơ lấy cơ hội
- Được rồi, ngàn hai một tháng, và đây chúng tôi xin tặng thêm
anh chị tí tiền gọi là làm quà.
Vừa nói bà kiều vừa lấy ra trong ví một xấp tiền dầy cộp.
Sau khi hai bên thỏa thuận, bà Kiều ôm thằng Vèn leo nhanh lên
xe, vội vã, hớn hở như vừa mua được món hàng hời. Phía sân bên kia,
qua cánh cửa sổ, gia đình Sáu Đất theo dõi từ đầu tới cuối. Có tiếng
cười nắc nẻ của cu Chít và hình như có một thoáng tiếc rẻ trên mặt
hai vợ chồng. Sáu Đất.
oOo
Rồi chẳng ai nghe tin thằng Vèn, còn gia đình Ba Neo nhờ vào số
tiền hưu hàng tháng mà đời sống họ có vẻ dễ chịu hơn. Nhưng việc
giao thiệp với bên Sáu Đất thì không còn cơm lành, canh ngọt nữa.
Một phần thì vợ Sáu Đất cũng quá đáng, đi hết làng trên xóm dưới
bêu xấu, gọi vợ chồng Ba Neo là "dân ham tiền đi bán con".
Có lúc vợ Sáu Đất còn bế thằng Chít ra sân, nói chuyện với nó nhưng
cố tình cho bên kia nghe, "Mẹ đâu có bán con phải không cưng
? Nhà mình nghèo thật đấy nhưng có cho vàng mẹ cũng không bán con
đi như những đứa khác..."
Bên ngoài nhìn vào thì ai cũng hiểu, bản tính ghen tị của con người
là nguyên do chính làm hai gia đình trở thành bất hòa. Một bên thì
tháng tháng có tiền hưu, bớt lam lũ ruộng đồng, một bên thì vẫn
vật lộn với mảnh đất cằn cỗi, không thêm việc chài lưới thì không
nuôi nổi cả nhà. Đứa con lớn nhà Sáu Đất đã đến tuổi động viên nên
vào lính và ở xa nhà, còn lại thằng Chít quần quật phụ giúp bố trông
nom đất đai, chăm sóc em nhỏ.
Đúng ngày mà thằng Chít hai mươi tuổi thì có một chiếc xe hơi lộng
lẫy đậu xịch gần cổng nhà. Bước xuống là một thanh niên trẻ tuổi,
ăn mặc bảnh bao, tay đeo đồng hồ mạ vàng. Cậu đưa tay đỡ một người
đàn ba đứng tuổi, tóc bạc, thật là đẹp lão. Chỉ tay về phía trước
người đàn bà nói với chàng thanh niên : "Căn nhà phía trong
đó con". Nói rồi hai người cùng bước vào nhà Ba Neo, bộ điệu
tự nhiên như đã từng lui tới căn nhà đó từ hồi nào.
Vợ Ba Neo đang lụm khụm giặt mấy bộ đồ, ông chồng thì nằm đong đưa
trên võng cuối phòng khách. Cả hai nghe tiếng chân người lạ bèn
ngẩng lên nhìn.
- Chào ba má.
Nghe tiếng người thanh niên cả hai há hốc miệng. Mụ vợ trố mắt,
lặng đi, rớt cả cục xà bông vào trong chậu giặt mà không hay.
- Có phải thằng Vèn, con của ba má không ?
Ôm chầm lấy mẹ mình người thanh niên nghẹn ngào : "Vâng con
đây". Ba Neo bình tĩnh hơn, đợi một phút mới lên tiếng : "Thằng
Vèn hả ? đến bây giờ mày mới bò về phải không ?" Giọng trầm
ấm thân thuộc như người bố chào đón đứa con vừa ở xa về.
Sau khi kể lể hết những chuyện buồn vui vợ Ba Neo ngỏ ý định muốn
đưa đứa con trai mình đi thăm và giới thiệu xóm làng. Họ đắt người
thanh niên đi đến ông quận, ông quan tòa rồi lại còn nghé qua thăm
ông hiệu trưởng trường làng nữa.
Thằng Chít đứng trong nhà nhìn gia đình Ba Neo đi ngang qua lòng
tức tưởi. Không dằn được, bữa cơm chiều hôm đó nó nói với bố mẹ.
- Thật điên khùng, đáng lẽ tôi mới là người ở vị thế đó.
Vợ Sáu Đất nhìn con ngỡ ngàng.
- Nhưng không bao giờ mẹ bán con như vậy.
Ông bố, chua xót chưa biết nói gì thì đứa con trai nghiệt ngã thêm.
- Đúng là một sự hy sinh phi lý.
Không kềm được, Sáu Đất lớn tiếng.
- Mày không biết ơn sinh thành dưỡng dục mà bây giờ mày còn trở
mặt oán hận bố mẹ phải không ?
- Đúng, đánh mất cơ hội ngàn vàng để con cái phải sống nghèo đói
như vậy là một lỗi lầm lớn không chấp nhận được. Có lẽ tôi phải
rời khỏi căn nhà này.
Vợ Sáu Đất không còn cầm lòng được nữa, bật òa lên khóc, trào đổ
muỗng canh vừa đưa lên miệng. :"Trời ơi cả đời hy sinh, cật
lực nuôi con đấy"
Thằng Chít giở giọng tàn bạo hơn "Thà tôi không ra đời. Nhìn
thấy cái may mắn của kẻ khác mà phải tự nhủ : Đáng lẽ cái sung sướng
hạnh phúc kia là của mình"
Nói đến đây thằng Chít vùng đứng lên : "Không, tôi phải đi,
ở đây thì cũng chết dần chết mòn và ông bà cũng chẳng vui gì."
Hai vợ chồng lòng đau xót, nước mắt chẩy dài.
Thằng Chít tiếp tục đay nghiến : "Phải đi sinh sống nơi khác
chứ đã đến lúc không còn có thể tiếp tục cái đời sống bần hàn, lam
lũ này nữa."
Nói xong nói đứng bật dậy, mở cánh cửa chính rồi bỏ ra đi.
Có tiếng vui đùa từ bên nhà Ba-Neo vọng qua, họ đang làm tiệc ăn
mừng buổi trùng phùng với đứa con trai qua bao nhiêu năm xa cách.
Phong Nhĩ Dị Nhân
Đầu Xuân 2004
|