SỐ 22 - THÁNG 4 NĂM 2004

 

Thư tòa soạn

Thơ
Thuở nào
Trần Việt Bắc
Ra đi
Hà Phú Đức
Tháng 3 Paris
Tôn Thất Phú Sĩ
Thơ chữ Hán
Huỳnh Kim Khanh
Muộn màng
Hoàng Mai Phi
Những lá thư ngày cũ
Tóc Tím
Nhớ đêm 29
Đường Sơn
30-4
Ngọc Trân
Xin khất
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
Freeway 101
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Người lính thủy năm nao
Trần Việt Bắc
Hồi ký 30-4
Nguyễn Hồng Quang
Nhiều khi muốn quay về
Phan Thái Yên
Bữa ăn tối
Nguyên Nhi
Nàng Xuân trên đảo Phú Quốc
Phạm Hồng Ân
Chân mang giầy số 6
Song Thao
Đứa con nuôi
Phong Nhĩ Dị Nhân
Ngoại ô đỏ lửa
Cỏ Biển
Hồi ký bạn tù
Hoàng Quốc Việt
Lá thư không gửi - kỳ 8
Trương Thanh Diễm Thùy-Bảo Lộc
Hoa mai
Xuân Phương & HMP
Tháng 4 dục lòng quật khởi
Phạm Văn Thanh
Giang Nam du ký
Trần Ngọc Giang
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Tiểu luận, Biên khảo
Lời với gió chiều
Vũ Hoàng Thư
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - kỳ 9
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - kỳ 16
Huỳnh Kim Khanh


 

Ngoại ô đỏ lửa

 

Với năm tháng trôi qua, cho dẫu trí nhớ có bị mài mòn, bởi giấc mơ của đời mình bỗng nhiên rách nát, giống như cánh bèo mỏng manh giữa cơn mưa bão, mỗi lần khi đọc quyển lịch trên tường ghi rõ năm Âm Lịch là năm Thân là lòng tôi lại thấy buồn. Nỗi buồn rơi sâu vào trái tim cơn mưa ký ức khiến đau thắt ngực. Những kỷ niệm trong vắt của tuổi thơ ở vùng ngoại ô, những suy tư về chiến tranh của thời mới lớn vẫn tồn đọng giờ như nước lũ tràn về, dâng lên chan chứa trong lòng, tất cả tưởng chừng như chỉ mới hôm qua.!

oOo

Gần cuối niên học lớp Nhì thì gia đình tôi phải dọn nhà. Không cần phải mất nhiều thời gian tìm hiểu, tôi cũng khám phá ra khu vực gia đình mình mới chuyển về có tên gọi là vùng ngoại ô hoặc khu ven đô. Nơi mà thỉnh thoảng trên đài phát thanh và vô tuyến truyền hình có vài ca si+? nỉ non cất tiếng với câu hát mở đầu : “ Tôi ở ngoại ô một căn nhà xinh với hoa thơm trái hiền...”

Hai vùng đất cách ngăn với nhau bằng một con sông rộng thế mà khung cảnh lại tương phản nhau rõ rệt. Một bên là thành thị và bên kia là hình ảnh của một vùng quê. Bà mẹ Mạnh Tử ba lần dọn nhà mong cho đứa con hiếu học, thành nhân ; còn ba tôi chọn lựa mãi, cuối cùng lại đem gia đình về cư ngụ trên khu đất của nhà chùa, âu cũng là một cơ duyên. Có lẽ trong thâm tâm Ba tôi mong mỏi đám con của ông được ở gần môi trường thanh tịnh, thuần khiết, mai sau khi lớn lên sẽ có một tâm hồn trong sạch và nhân đức để đối nhân xử thế.

Đang sống ở trung tâm thành phố đầy đủ tiện nghi, nay dọn về nơi đây thiếu hai thứ căn bản nhất là điện và nước khiến chị em chúng tôi bỗng thấy hụt hẫng. Mặc dù ba tôi đã cố gắng xây một căn nhà ngói khang trang rộng rãi hơn căn nhà cũ trong cư xá. Buổi tối đầu tiên trong căn nhà mới, tôi nói với Ba tôi :

- Ở đây làm con nhớ hồi xưa mình còn ở dưới quê !

Thật vậy, khung cảnh giống như những lần chúng tôi về thăm Bà Nội, từng bầy muỗi đói vo ve bên tai cạnh ngọn đèn dầu, muốn dùng nước thì phải cong lưng múc từng lon, từng gáo từ những chiếc lu đặt dài bên hông nhà mà ba tôi đã cẩn thận thuê người gánh nước đổ đầy vào đó hàng ngày.

Từ thành phố muốn sang vùng ngoại ô tôi ở phải vượt một đoạn dốc thật dài mới lên đến đỉnh chiếc cầu. Vì con sông bên dưới chảy đến đây lại chia làm hai nhánh, thế nên tại đỉnh cầu có hai ngả rẽ. Xuống dốc phía bên phải đi về khu vực Lò heo. Phía bên trái là đi về hướng nhà tôi. Đứng ở đây nhìn về phía bên kia sông có thể thấy được nóc chùa nhô cao với mái ngói rêu phong, cạnh đó là màu ngói đỏ tươi của nhà tôi nổi bật trên những nóc nhà lá nâu sẫm và nhà tôn trắng xám.

Ngày đầu tiên dọn nhà, ngồi vắt vẻo sau lưng ba tôi trên chiếc vespa chạy ào ào lên dốc cầu. Chị em tôi thích thú nhìn quang cảnh chung quanh. Nhiều người đi xe đạp leo dốc không nổi đành phải dắt bộ những chiếc xe ba bánh chở đầy hàng hóa phải nhờ người đẩy phụ mới vượt lên đến đỉnh dốc. Vừa rẽ trái, chiếc xe của chúng tôi đã phải ngừng lại trước một chiếc cầu sắt lót ván nhỏ xíu chỉ vừa đủ cho một chiếc xe hơi đi qua. Chiếc cầu sắt nối liền hai nhịp cầu bằng xi măng bị gãy gục một đoạn giữa từ lâu. Nằm chênh vênh trên cao vậy mà thành cầu chỉ là những đoạn sắt ráp nối thành hình chữ V thưa thớt, trống trải hai bên. Muốn qua cầu mọi người phải chờ nhìn theo tấm bảng xoay ra hiệu nhô cao trên một cái chòi có người canh gác.

Khi qua cầu, tôi nhắm mắt ôm cứng lưng ba tôi, không dám nhìn dòng nước sâu thăm thẳm bên dưới đang chảy xiết.
Nỗi hãi hùng lại càng tăng thêm khi một hôm tôi nghe con nhỏ hàng xóm le lưỡi kể lại :

- Mày biết không, sáng hôm qua con gái của ông thợ hớt tóc đầu ngõ đi chợ về qua cầu bị xe hàng ép té xuống sông chết đuối rồi.!

Đứng trên đỉnh cầu phóng tầm mắt nhìn xa xa sâu vào phía trong, tất cả đều là một vùng xanh rì, hoang vu. Sau lưng nhà tôi có một cái ao nước trong xanh, rộng mênh mông, được người chủ xây kè xi măng, rào lưới chung quanh, khoét lỗ làm hang trên bậc thềm để nuôi ếch. Xóm nhà nằm bao quanh cái ao được bọn trẻ gọi là xóm Hồ Ếch. Dân ngụ cư nơi này đa số là người Bắc di cư năm 54. Họ đắp đất khoanh vùng sau nhà làm thành những cái ao nho nhỏ và làm cầu tiêu nuôi cá tra. Lần đầu tiên chị em tôi biết rằng có một loại cá được nuôi bằng phân người.

Qua một tuần lễ nghỉ hè đầu tiên chúng tôi đã rành rẽ thích nghi với sinh hoạt ở vùng ngoại ô. Vốn không phải là những đứa trẻ nhút nhát nên chúng tôi nhanh chóng hội nhập vào thế giới của bầy con nít trong xóm. Bắt đầu là việc cố nén sợ hãi để sử dụng nhà cầu trên ao cá tra và không còn ngây ngô khi nhìn thấy những viên phân dê tròn trĩnh nằm trên đường nhựa lúc bầy dê được thằng nhỏ chăn dê người Chà và xua đi qua. Có lần tôi thấy bọn thằng Cưng vừa vỗ tay, vừa la hét chế nhạo ai đó :

- A! Ha ha. Đồ nhà quê, thấy cứt dê ngỡ hườn thuốc tễ.

Mang danh Xóm Chùa thật ra chỉ là một mảnh đất mà ngôi chùa nằm chính giữa và có thêm khoảng chục căn nhà cất quay mặt vào hai bên hông chùa. Từ ngoài đường lộ Chính nằm ngang chân cầu, đi vào con đường đất bên phải có ba căn nhà, đầu tiên là nhà chú Hai lái taxi kế cận nhà ông Năm làm ở trung tâm cải huấn, tiếp theo là nhà tôi. Ngoại trừ nhà của gia đình tôi lợp ngói, hai căn kia có vách tường và nền tráng xi măng nhưng đều lợp bằng tôle. Cách xa, sâu hơn nữa gần cuối vạt đất chùa là một dãy nhà lá liền nhau ba gian có vách phên tre cũ xì dán bằng giấy báo, mái lợp lá dừa chầm, vào mùa mưa thì dột nát, mùa nắng thì nhìn thấu trời xanh. Đối diện bên kia hông chùa cũng chỉ lèo tèo thêm bốn năm căn nhà nằm chen nhau trên khu vườn còn sót lại vài cây ổi cằn cỗi.

Cũng giống như hầu hết các chùa ở thôn quê đều có vườn tược bao bọc chung quanh. Trước mặt chùa là mảnh đất trồng đủ loại hoa bình dị Nhờ đám con ông Năm mà tôi biết được tên của các loại hoa trong vườn chùa. Quen thuộc như bông huệ, bông trang, mồng gà, vạn thọ, móng tay, huệ Chuối. Leo vòng trên hàng rào là tóc tiên, đậu rồng trổ hoa tím ngát, bên cạnh dàn mồng tơi mọc từng chùm trái nhỏ li ti còn xanh chen cùng trái chín đen bóng. Chỉ tay vào đám hoa mười giờ màu hồng tươi bò khắp nơi dưới đất, bên cạnh những dây mắc cỡ khẽ đụng vào là khép lá. Con Còn nói với tôi :

- Bông này khi bị chảy máu mình hái nhánh lá giã nhỏ đắp vô thì cầm máu liền.

Thấy tôi có vẽ không tin nó nói tiếp :

- Thiệt mà, Sư ông nói với ba tao vậy đó. Ba tao có làm thử rồi.

Nói xong nó dẫn tôi đi đến một cây kiểng uốn hình rồng :

- Nè, cây này là cây bùm sụm. Mày hái trái chín đỏ của nó ăn coi, ngọt lắm.
- Ăn vô có bị câm không ? Ba tao nói đừng có hái trái trái tầm bậy ngoài đường để ăn, coi chừng bị câm.
- Mày không tin thì ăn thử đi, tao ăn hoài.

Nói xong nó nhanh nhẹn ngắt một trái chín đo đỏ, nhỏ như hột tiêu bỏ vào miệng. Thấy nó ăn xong, không có gì xảy ra, tôi cũng bắt chước hái một trái bỏ vào miệng rồi gật gù :

- Ừa hén, mày nói đúng, ngọt thiệt.

Bên cạnh đó chùa cũng trồng đủ các loại cây kiểng thông thường như mai tứ quí, thiên tuế, đinh lăng. Cho đến cao sang như những chậu mai trắng gốc xù xì to hơn nắm tay, những bông hoa luôn chúc đầu nhìn xuống đất tỏa mùi hương sực nức, và còn nhiều cây cỏ lạ mắt mà chúng tôi không biết hết tên.

Đi vòng ra phía sau vườn chùa là những cái ao, mương nở đầy hoa súng. Dọc theo bờ ao những thân dừa nằm nghiêng bóng xuống mặt ao, chen lẫn với các cây điều lộn hột.Gần sát cửa sau nhà trù, nằm giữa hai cái ao là mảnh vườn trồng rau đủ loại ; từ bụi sả với lá mỏng mép sắc như dao, cho đến cây ngũ trảo ở góc vườn với chùm lá có năm cạnh dài như móng tay dùng nấu nồi xông trị cảm mạo, bên cạnh đó là các loại cây ăn trái ; nào Chùm ruột, Ổi, mãng cầu và đu đủ. Cây lựu trồng cạnh đường đi trong vườn chùa gợi cho tôi nỗi nhớ về căn nhà của Bà Nội mỗi lần về thăm quê khi bà còn sống. Mùa hè, nhánh cây mảnh mai thưa lá nổi bật bông hoa lựu đỏ chói, trông xa như ngọn lửa vươn trên nền xanh của cây cỏ chung quanh. Khi hoa kết trái bà tôi chăm chút, trông chừng để dành làm quà cho chị em tôi.Có khi trái lớn bà nội chưa kịp hái thì bọn trẻ chăn trâu giả vờ vào xin nước uống lén bẻ mất làm chúng tôi tiếc hùi hụi khi nghe Nội kể lại.

Thấy tôi đứng tần ngần trước cây lựu, Con Còn kéo tay tôi :

- Đi về tụi mình chơi trò làm ca sĩ đi.

Vì tôi thuộc làu nhiều bản nhạc tân thời giống ca sĩ hát trên radio nên bọn trẻ trong xóm rất thích xem chị em tôi giăng màn giả làm sân khấu để ca hát.
Cũng là bọn trẻ dạy tôi bóp nát cánh hoa mười giờ chà lên môi, lên má làm son phấn. Hái trái kim quýt năn nước nhờn tô lên đầu ngón tay bóng láng. Cột hai cái khăn lông làm hai vạt áo dài. Lấy viên gạch ống dựng lên cây tre, đầu có cắm cái lon sữa bò đục lỗ làm cái loa. Bọn con nít thì ngồi dưới bậc thềm nhà tôi làm khán giả nghe chị em tôi rống lên

- “ Một chiều nào trên bến cô liêu, xóm bên sông tiêu điều buồn hắt hiu mây chiều...”

Sau vài trận mưa to của mùa hè, những bãi cỏ cạnh ao hồ ngập lấp xấp nước, chị em tôi tụ tập cùng bọn trẻ mò mẫm vớt những con nòng nọc bụng ỏng, đuôi dài đem về nuôi trong hũ chao không.

Những buổi trưa trốn ngũ, một bầy con nít rủ nhau đi lòng vòng hái trứng cá ở các nhà ven đường. Chặt cây trúc làm cần câu ra bờ ao sau chùa câu cá bã trầu. Loại cá này mình bằng ngón tay cái có vảy xanh óng ánh giống cá lia thia. Cả đám ngồi giật lia liạ cần câu, trong khi chị em tôi ngồi mãi chẳng được con nào. Tôi nói với chị tôi :

- Chắc mấy con cá chê mồi cơm nguội của mình.

Chị tôi lắc đầu :

- Nhưng mà chị chịu thôi ! Sợ lắm không dám bắt trùn đâu
- Em cũng vậy. Nó mềm èo, lạnh ngắt. Ngo ngoe thấy mà ghê.

Nói xong tôi còn rùng mình thêm mấy cái.

Ngày hè thật tuyệt vời, ánh nắng chiếu qua kẽ lá lung linh trên mặt ao gợn sóng. Câu cá chán bọn trẻ rủ nhau chui vào vườn rau nhà chùa hái trộm mấy trái ổi non chát ngầm, ngắt sạch những trái chùm ruột trong tầm tay. Có đứa bạo gan bò vào lấy hết sức rung cây chùm ruột khiến trái rụng rào rào như mưa rồi bỏ chạy. Nghe tiếng động, bà Sư già đang ngồi vá áo sau nhà trù thò đầu ra quát tháo :

- Bọn quỷ tụi bay muốn phá chùa hả ??

Chờ cho yên ắng, đám trẻ len lén chui trở lại, lượm những trái chùm ruột đang rơi đầy mặt đất mang ra ngồi túm tụm với nhau, vừa chấm muối, vừa nhăn mặt nhấm nháp vị chua chát rồi khúc khích cười với nhau.

Ban đêm khu ngoại ô thường đi ngũ sớm bởi màn đêm buông xuống rất nhanh. Cây cối cũng cụp lá nhắm mắt chìm vào khoảng không gian đen đặc. Ếch, nhái bắt đầu bản hòa ca cùng bầy đom đóm lập lòe. Tiếng chuông chùa vang lên ngân dài chen lẫn tiếng gõ mõ tụng kinh công phu tạo thành âm thanh trầm lắng, buồn buồn. Thỉnh thoảng chị em tôi cũng theo thằng Tiền vào chánh điện nghe tụng kinh vào ngày mồng một hay rằm. Những ngày này quang cảnh nhà chùa trở nên vui vẻ vì có đông người đến cúng chùa. Trong đám con nít có thằng Tiền là cháu ngoại của Sư Ông trụ trì. Đầu hớt trọc chừa hai cái vá với bộ quần áo nâu cũng không làm nó trở nên thầy tu, ngoại trừ việc nó thuộc lòng kinh kệ làu làu. Thằng Tiền hay dẫn chị em tôi vào hậu liêu để xem hình vẽ Thập Điện Diêm Vương dưới âm phủ trừng phạt những kẻ nói láo bằng cách cắt lưỡi. Đôi khi nó còn cho chúng tôi cầm cái dùi gỗ thỉnh chuông giùm khi nó bận cùng Sư Ông tụng kinh.

Có lúc nửa đêm thức giấc, trong cái yên lặng tĩnh mịch tôi nghe rất rõ tiếng gió reo xào xạc trên cây dương mọc bên hông chùa gần phía sau nhà tôi. Tiếng kêu u u quyện vào trong gió của ống khói nhà đèn Chợ Quán từ bên kia sông vang dội không ngớt, bao trùm cả khoảng không.

oOo

Nếp sống trầm lặng của khu ngoại ô tưởng chừng như bất biến. Những cư dân ở đây không ngờ rằng, đoạn gãy của chiếc cầu được một hãng thầu ngoại quốc xây lại bằng xi măng lành lặn như cũ trong khoảng thời gian rất ngắn. Kể từ lúc đó tất cả tiện nghi theo về nên vùng đất từng ngày thay đổi rất nhanh. Chiến tranh bắt đầu lan rộng ở miền quê. Dân cư khắp nơi chạy nạn đổ về các khu đất gần thành phố mong tìm sự Bình yên trong đời sống. Nhà cửa vì thế mọc lên san sát như nấm sau mưa trên những vùng đất trống, ao, hồ còn lại. Đứng trên đỉnh cầu nhìn xuống chỉ thấy những mái nhà dầy đặc lô nhô như bát úp. Khu ngoại ô giờ trở nên ồn ào và đầy bụi bậm.

Xóm Chùa của chúng tôi cũng vậy. Cây dương to tướng đêm đêm vi vu trong gió cũng bị hạ xuống. Những bụi trúc mọc dài đến cuối vuông đất cũng bị đốn trụi giành chỗ cho những căn nhà mới mọc lên. Con nít trong xóm trở nên đông đảo và giang sơn của bọn trẻ con ngày trước giờ thu hẹp lại..

Thời gian qua đi đã làm những đứa trẻ lớn dần, chị em tôi cũng vậy, tuổi thơ mong manh gấp gáp bỏ đi không từ giã. Khi bắt đầu vào trung học thì chúng tôi không còn tụ tập cùng với lũ trẻ trong xóm như trước kia nữa. Thay vào là những buổi trưa hè nằm mắc võng trên ban công dưới mái hiên sau nhà nhìn xuống mặt hồ ếch nước trong xanh, thả hồn mơ màng chìm đắm theo nhân vật trong quyển truyện cầm tay, hòa mình vào những giấc mơ thần thoại của các thiếu nữ thời mới lớn, trong đó nhân vật chính là một chàng Hoàng tử đẹp trai hoặc một hiệp sĩ anh hùng cứu khổn phò nguy. Có những đêm ngồi bên bàn học, nhìn ra khung cửa sổ, phía dưới lô nhô những mái nhà bên cạnh, lòng tôi xao xuyến khi nhớ lại những ngày vui thời thơ dại thật ngắn ngủi. Chúng như như có cánh lãng đãng bay theo ánh hỏa châu sáng rực trên bầu trời quanh vành đai thành phố ngoài kia, nơi đó có tiếng đại bác thỉnh thoảng dội về khiến tôi sực tỉnh giấc mơ nhận ra chiến tranh rất gần. Tôi cảm thấy lòng mình có một nỗi buồn ngơ ngẩn không tên.

oOo

Tết Mậu Thân, một cái Tết nhuộm màu thê lương, mồng một Tết, từng đoàn người dân chiến nạn từ ngoài vòng đai thành phố chạy dạt vào bên trong khu ngoại ô nhà tôi. Người nào cũng tay xách, nách mang. Nét mặt còn in đậm dấu hoảng hốt, ưu tư. Sau đợt tổng công kích vào dịp Tết của Việt Cộng đã làm cho nhiều nơi cư ngụ của dân lao động bị cháy tan hoang, hàng trăm ngàn gia đình lâm vào cảnh không nhà cửa. Hàng vạn người dân vô tội bị chết oan và biết bao nhiêu trẻ thơ phải sớm chịu mồ côi.

Hết Tết trở lại trường, nhiều bạn học trong lớp tôi đã trở thành những nạn nhân chiến cuộc.Bên cạnh những bài báo, nhiều thiên phóng sự ghi lại hình ảnh của cư dân Huế bị thảm sát càng tô đậm thêm trong lòng tôi những ngậm ngùi buồn bã khôn cùng.

Tôi những tưởng khi đem chiến tranh vào thành phố vào dịp Tết đã bị thất bại thì cuồng vọng của người Cộng Sản sẽ không còn. Nào ngờ, vào một đêm đầu tháng năm, lúc nửa đêm cả vùng ngoại ô của chúng tôi đang say giấc bỗng nghe tiếng súng nổ liên hồi. Từng loạt đạn nổ vang, bay ngang dọc làm bể nát những viên ngói trên mái nhà, hai chị em tôi chỉ kịp chạy đến cầu thang nhào lăn xuống dưới nhà tránh đạn. Từ nhiều tuần lễ trước, ba tôi chỉ ghé qua nhà qua loa ăn vội chén cơm vì phải trực luôn tại sở làm. Ở nhà chỉ có Má tôi là đàn bà và đám con nít chị em chúng tôi. Tiếng súng vẫn nổ dồn dập từng hồi trong đêm. Má tôi lôi hết bầy con bắt chui dưới gầm bộ ván gõ dầy, nằm mẹp dưới đó chờ đợi. Trời mờ mờ sáng, khi tiếng súng chỉ còn vang dội xa xa, tôi rủ bà chị chui ra bò lại lôi hai bao gạo mà má tôi đã mua tích trữ từ trước, đem đặt nằm chung quanh bộ ván cùng với tất cả những thứ gì xem ra có thể làm được một cái hầm trú ẩn cho gia đình, xong hai chị em tôi bò ra cửa xem xét tình hình.

Ngoài đường trời đã sáng rõ mặt người, những nhà hàng xóm cũng đang hé cửa thăm dò. Phía trên cầu, con đường độc đạo thông qua thành phố vẫn vắng ngắt không bóng người. Một nhóm đàn ông, thanh niên trai tráng ở phía xóm trong thập thò sốt ruột, nhao nhao bàn bạc :

- Phải tìm cách vượt thoát qua bên kia cầu.

Người khác bi quan :

- Tình hình này là có đánh nhau khu mình rồi. Họ mà giựt sập cầu là mình sẽ kẹt lại và chết hết vì không lối thoát !

Cách nhà tôi vài căn nhà, chú Tư đang hành nghề ký giả ở một nhật báo đang đề nghị với mấy người cùng xóm cũng là dân nhà báo :

- Hay là mình lấy miếng vải trắng vẽ dấu hồng thập tự lên đó rồi giơ cao, đi lần ra ngoài đường cái, trình thẻ báo chí để xin được qua cầu.
- Lỡ không gặp lính Cộng hòa mình thì sao ?? Thấy ở ngoài Huế hồi Tết không ? Mười cái thẻ nhà báo cũng bị Việt Cộng chôn sống như thường !

Bà vợ chú Tư ký giả xanh mặt, nắm tay chồng mếu máo nói. Tiếng súng vẫn còn nghe lai rai nổ xa xa. Mọi người hết lăng xăng chạy vào, xong lại chạy ra đứng ngóng trước nhà như kiến bò miệng chảo, họ sợ một hình ảnh thảm khốc giống như đã xảy ra hồi đầu năm ở huế dành cho những người là đàn ông và thanh niên.. Những đôi mắt thất thần nhìn nhau im lặng.

Tất cả đều không biết tình trạng chờ đợi sẽ kéo dài bao lâu, không ai biết được những gì đang xảy ra bên ngoài khu xóm và ai đang làm chủ tình hình ngoài kia. Trời bắt đầu đứng bóng. Bỗng có tiếng reo :

- Cho qua cầu rồi, người ta chạy qua cầu được rồi kìa.

Không ai bảo ai, những đám người trong các ngõ hẻm, từ khắp nơi chạy túa ra đường, người nào cũng khăn gói trên tay, chen nhau vượt qua cầu như dòng thác chảy. Má tôi bồng hai đứa em nhỏ, chị em tôi mỗi đứa mang một bọc quần áo chạy theo đoàn người, mọi thứ đồ đạc đều bỏ lại. Thâm tâm chúng tôi nghĩ rằng chạy lánh nạn vài hôm, chờ im tiếng súng sẽ trở về nhà. Vừa chạy vừa nhìn quang cảnh chung quanh, tôi thấy ở đầu cầu những người lính chiến đang dàn trận tiến lên. Xa thật xa ở cuối khúc quanh con đường, một đám cháy đang bùng lên, trong đám khói cuộn đen kịt có bóng những người lính đang khom lưng bồng những đứa trẻ, dìu những người già không đủ sức chạy, giúp họ vượt thoát ra khỏi ngọn lửa trong khi tiếng súng vẫn tiếp tục nổ vang rền sau lưng.

Qua đến bên này sông, chúng tôi gặp được Ba tôi đang đứng đón, gom về từng người trong gia đình, trong lúc hốt hoảng mỗi người lạc một nơi. Những người chạy nạn mặt mày tái mét, chưa kịp hoàn hồn. Đứng trên đỉnh cầu nhìn sang khu ngoại ô đang chìm trong biển lửa.

Ngày hôm sau, để lại các em ở tạm nhà một người bà con cho bà chị tôi trông nom, tôi đi theo Ba má về thăm dò tình hình. Ranh giới cuối cùng phải dừng lại vẫn ở đỉnh cầu. Khu ngoại ô bên kia vẫn còn giao tranh dữ dội. Đám lửa bùng lên hôm qua đã nhanh chóng thiêu hủy phần lớn nhà cửa ở các xóm trong. Ngay cả những căn nhà gần ven đường cũng không còn nguyên vẹn. Đám đông chạy nạn đứng dày đặc trên đỉnh cầu bó tay nhìn đám lửa hoành hành bên kia. Tôi vụt la to khi thấy ngọn lửa nhanh chóng lan rộng từ khu vực Hồ ếch chuyển sang các nhà lân cận xóm tôi :

- Ba ơi !! Nó cháy gần đến khu nhà mình rồi !!

Ngọn lửa tựa như chiếc lưỡi đỏ rực của con quái vật, nghiến ngấu liếm dần từng căn nhà, từ dãy nhà bên trong ra đến những căn phía ngoài. Chúng tôi đứng trân trân nhìn ngọn lửa. Đám lửa vẫn bốc lên rần rật cuối cùng ngọn lửa tiến lần đến nhà tôi, trùm một màu đỏ tươi, phủ chụp lên toàn bộ mái ngói. Qua màn nước mắt tôi thấy ngọn lửa giống như bông hoa lựu đỏ vào mùa hạ, nó nở tung phun ra những tàn lửa bay tung tóe, vút lên cao !! Cả gia đình tôi ôm nhau khóc mùi mẫn khi thấy căn nhà đổ sụp xuống, giống như một con vật già yếu lúc tàn hơi ngã quỵ không sao gượng nổi !

oOo

Khi tổng tiến công đợt hai của Việt cộng vào tháng Năm, Mậu Thân 68 vào khu ngoại ô bị đẩy lui, mọi người lục tục kéo về. Cảnh vật đổi thay giống trò dâu bể. Khắp nơi đều trở thành bình địa. Căn nhà thân thương biến mất, chỉ còn lại đống gạch ngói hoang tàn. Tất cả mồ hôi nước mắt hơn nửa đời người của Ba Má tôi đã biến thành tro bụi. Đây gió là những mảng thủy tinh nóng chảy biến dạng, những khung sườn xe, vỉ thiếc nám đen, méo mó. Đứng trước hình ảnh tang thương hiện hữu, đầu óc tôi nhớ rất rõ từng vị trí dù chỉ còn lại khoảng không ; nơi này đặt bộ ván gõ, bên kia là bộ xa lông. Cạnh đó là chiếc tủ thờ, giờ còn lại bộ lư hương cháy nám đen nằm chỏng trơ trên đống tro tàn. Cuối nền nhà bên góc bếp, lu nước vỡ làm đôi.

Chiều buông xuống, những cụm mây tím sẫm xếp lớp cố che khuất ánh tà dương đỏ chói phía chân trời. Tôi ngồi bó gối gục đầu vào vòng tay khi nhìn chung quanh không còn chút gì liên hệ với hình ảnh của quá khứ. Những chuỗi ngày vô tư đầy hạnh phúc đã lùi xa, trở thành kỷ niệm chìm sâu vào ký ức xa xăm, đọng lại ở đó và chỉ có thể hiện ra trong giấc mơ hồi tưởng mà thôi.

Cỏ Biển