Đã từ lâu hoa mai đã được mọi người chiêm ngưỡng, tượng trưng cho
những gì đẹp đẽ thanh tao. Mỗi khi hoa mai nở rộ là mỗi lúc lòng
người hớn hở nao nao, là dấu hiệu mùa xuân đang về. Hoa mai và ngày
xuân là một biểu tượng không thể thiếu cho phần lớn các sắc dân
cư ngụ trong vùng Á Châu. Khi nói đến ngày xuân, người ta liên tưởng
đến ngày đầu năm, thật vậy, ngày Tết Nguyên Đán mà thiếu vắng bóng
dáng hoa mai là một điều thiếu sót lớn mà mọi người trong chúng
ta đều mặc nhiên công nhận. Đã từ lâu hoa mai đã đóng một vai trò
quan trọng trong văn học Á Đông, đó là nguồn cảm hứng của biết bao
danh nhân.
Vị tình lai ký nhất chi mai
Ký nhất chi mai hữu biệt hoài
Hữu biệt hoài chi mai nhất ký
Chi mai nhất ký vị tình lai
( diễn nghĩa )
Vì tình ai gởi lại một cành mai
Gởi lại cành mai xa nhớ hoài
Xa nhớ hoài cành mai gởi lại
Cành mai gởi lại vì tình ai
"Nhất chi mai" và cũng chỉ "nhất chi khai"
nói lên cái đẹp của một cành mai và chỉ một cành mai nở hoa đẹp
tuyệt vời trong khung cảnh tuyết phủ lạnh lẽo. Nhất chi mai trong
bài "Cáo tật thị chúng" của thiền sư Mãn Giác:
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Đêm qua sân trước một cành mai)
Nhất chi khai, chỉ duy nhất một cành mai nở sớm trong bài "Tảo
mai" của Tề Kỷ: Tạc dạ nhất chi khai
Người Trung hoa lấy hoa mai tượng trưng cho tinh thần và khí tiết
của dân tộc, họ coi hoa mai là quốc hoa. Nghệ thuật thưởng thức
hoa mai phát xuất từ Trung Hoa, sau đó lan rộng sang những nước
chịu ảnh hưởng của nền văn hóa này. Mượn hoa, mượn cảnh để gởi gấm
tâm tình của các thi nhân hay chuyển ý, tải đạo của các vị thiền
sư đã trở nên vô cùng quen thuộc. Xuất phát từ Thiên Quý Thi trong
sách Luận ngữ "Ích giã tam hữu" là hữu trực, hữu lượng
và hữu đa văn (Bạn hữu có ích gồm 3 hạng; ngay thẳng, rộng lượng
và hiểu biết nhiều) mà người xưa đã xếp Mai, Tùng, Trúc thành "Tam
Ích Hữu" (3 người bạn có ích, gọi là Ngự Sử Mai, Trượng Phu
Tùng và Quân Tử Trúc). Sách Nguyệt Lệnh Quảng Nghĩa lại gọi hình
tượng ước lệ mai, tùng, trúc là "Đông Thiên Tam Hữu",
Đông Xuân Tam Hữu" hay " Tuế Hàn Tam hữu". Tuế hàn
tam hữu là đề tài chiếm một vị trí quan trọng trong thi ca cổ điển
Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Mai, tùng, trúc là 3 loại
cây có đặc tính biểu hiện cho cái đẹp chân, thiện, mỹ, chịu đựng
được sự khắc nghiệt của phong ba, bão tuyết nên được xưng tụng là
Tuế Hàn Tam Hữu. Thiển nghĩ, những người tiên phong trong việc thành
lập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chắc hẳn đã dựa trên nguyên lý ấy.
Trong quân hàm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, các sĩ quan bộ binh
cấp Thiếu Úy trở lên được đánh dấu bằng hoa mai vàng, sĩ quan cấp
Thiếu Tá trở lên được đánh dấu bằng hoa mai trắng, có phải chăng
người sáng lập đã ít nhiều mượn hình thái và bản chất của hoa mai
để nói lên cái tính hào hiệp của người lính trận, tính tháo vát
vẹn toàn của cấp chỉ huy giữa trận mạc. Trong cuộc chinh chiến nam
bắc vừa qua, hình ảnh các thiếu nữ miền nam tha thướt trong tà áo
dài trắng, dường như đã gắn liền với bông mai vàng của các sĩ quan
tốt nghiệp trường võ bị. Hình ảnh các sĩ quan trẻ trong bộ quân
phục lấp lánh trên ve áo bông mai vàng là tượng trưng cho những
gì oai phong hào hiệp mà thi ca vào thời điểm đó đã không ngớt ca
tụng và lưu lại trong kho tàng văn học nhũng tình khúc thời chinh
chiến bất hủ .
Ngoài bộ Tam Hữu, mai còn kết hợp với lan, cúc, trúc tạo nên bộ
tranh " Tứ Quý " lưu truyền trong dân gian. Chính danh
4 loại cây"Mai, Lan, Cúc, Trúc " được các vị theo Nho
học gọi phóng là " Tứ quân Tử ", nói lên sự yêu quý của
họ đối với tứ quý này. Người Trung Hoa xếp hạng " Quân tử"
cao hơn " Anh hùng, Hào kiệt" rất nhiều. Như ta biết trong
Tứ Quân Tử thì trúc đứng hàng đầu.
MAI: là loài hoa nở đầu tiên trong năm, ngay từ tiết Lập xuân giá
lạnh, trong khi những loài hoa khác lại bị héo úa, nên được xưng
tụng là " Bách Hoa Khôi ", tượng trưng cho cốt cách thanh
nhã của người quân tử.
LAN : còn gọi là " Vương giả chi hoa ", riêng Khổng Tử
gọi là " Vương giả chi hương " qua bài "Ỷ Lan Tháo",
khi nhìn hoa lan nở giữa đám cỏ dại. Bởi thế Lan tượng trưng cho
người quân tử bất đắc chí.
CÚC còn có tên là " Tiết Hoa ", không chịu nở cùng lúc
với các loài hoa khác, chỉ nở vào tiết lạnh của mùa thụ Do sự biệt
lập đó mà Cúc tượng trưng cho tiết tháo của kẻ sỹ: không a dua,
không siểm nịnh.
TRÚC: " Tiết trực tâm hư " là một loài phi thảo, phi
mộc; bất cương, bất nhu; tiểu dị không thực, đại đồng tiết mục...Trúc
tượng trưng nơi ăn, chốn ở của bậc chính nhân.
Sách vở Trung Hoa đã phân chia thứ bậc cho các giống mai. Quý nhất
là Khánh Khẩu mai, kế đến Hà Hoa mai, Đàn Hương mai, Ban Khấu mai,
sau cùng la Cẩu Đăng mai.
- Khánh Khẩu mai : hoa mai mọc ở vùng núi cao Khánh Khẩu.
- Hà Hoa mai : cánh mai giống như cánh hoa sen ôm tròn vào nhụy.
- Đàn Hương mai : hoa mai màu vàng sậm như màu gỗ Tử Đàn.Hoa mai
Đàn Hương rất nhiều hoa, hương thơm nồng, nở trước các loại mai
khác.
-Ban Khấu mai : cánh hoa cong cong, khi nở không xòe và hoa hơi
cúi đầu.
-Cẩu Đăng mai : hoa nhỏ, không có hương thơm.
Tên khoa học của hoa mai là Ochna Harmandits. Trên thế giới có
hơn 20 loại hoa mai khác nhạu Riêng tại Việt Nam, có khoảng tám
(8) loại mai gồm Bạch mai, Hồng mai, Hoàng mai, Nhất chi mai, mai
tứ Quý, mai Chiếu Thủy, Song mai và hai (2) loại đã có tên riêng
theo trái của nó đó là mơ và mận. Nhưng khi phân loại theo tính
chất của một loài hoa, mơ và mận vẫn được ghép vào loại hoa mai.
Theo phong thủy từng vùng, những cơn mưa phùn trên đất Bắc và xứ
Huế, luôn kèm theo những cơn gió bấc, nên "Đàng Ngoài"
có các loại mai như :
-SONG MAI: Một giống mai đặc biệt, có nhiều ở huyện Thanh Trì,
miền Bắc.Hoa màu trắng muốt, ra hoa và kết trái từng đôi nên được
gọi là song mai.
-MAI MƠ: Còn gọi là Hạnh mai, thông tục gọi là cây mơ. Tên khoa
học là Prunes Mume(Armeniaca Mume), xếp vào họ Rosaceae, có khoảng
300 loại. Cây mơ cao từ 6 đến 9 mét, lá rộng tròn và dài, đầu nhọn,
có răng cưa.Hoa nở vào đầu xuân, sau đó mới nảy lá, đài hoa đỏ tía
hoặc xanh thẫm, hoa thường có 5 cánh với hai sắc: trắng và hồng.
Hoa mai mơ sắc trắng còn được gọi là Lục Ngạc Mai. Hoa kết thành
quả, quả khi chưa chín có màu xanh, khi quả chín có màu vàng. Trái
có vị chua ngọt, mùi thơm phảng phất rất lâu. Trái mơ được rim với
đường làm thành ô mai xí muội mà trẻ con và thanh thiến niên không
thể không biết đến. Trong thi ca, ô mai đã đi chung với tuổi vị
thành niên như bài " Tuổi O mai " (.. ten nhạc sĩ ), chữ
xí muội gọi theo âm Quảng Đông của chữ Hán Tiểu Mai. Nơi núi rừng
quanh chùa Hương, thuộc vùng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, Bắc Việt có những
rừng mơ trắng xóa, phong cảnh này được nhắc đến rất nhiều trong
thi ca Việt Nam như
" Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi " - Nguyễn Bính
hay
" Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái " - Chu Mạnh Trinh.
Tại miền nam Việt Nam ngày Tết luôn rơi vào thời tiết nóng, vì
thuộc khí hậu nhiệt đới và gần đường xích đạo, khác với khí hậu
có phần nào lạnh lẽo như tại miền Bắc, do đó tại " Đàng Trong
" ta tìm thấy các loại mai như mai Chiếu Thủy, Nhất chi mai,
mai Tứ Quý, Bạch mai, Hoàng mai, Nam mai và một loại mới, đó là
mai trắng Miến Điện.
- MAI CHIẾU THỦY : là cây đa niên,gốc to, cành nhánh nhiều. Cao
khoảng 1m50. Lá dài, nhỏ, mọc thành đôi. Hoa nhỏ 5 cánh, mọc thành
chùm nhỏ li ti, màu trắng tuyền, có mùi thơm dịu dàng, dễ chịu.
Cuống hoa dưới luôn luôn hướng xuống đất nên được gọi là mai Chiếu
Thủy.
- NHẤT CHI MAI : hoa màu trắng pha hồng, gặp ở miền Nam.
- MAI TỨ QUÝ : Loại mai có 5 cánh màu vàng tươi, tên khoa học là
Ochna Astropurpur. Hoa không nhiều, nhưng tự trổ, không cần trảy
lá trước. Loài hoa này được coi là một loại mai kiểng. Vì loài hoa
này nở quanh năm, mùa nào cùng có thể trổ hoa nên còn được gọi là
mai Tứ Quý. Ngoài ra còn có tên gọi khác là "Mai đỏ" ,
nguyên do chính là khi hoa tàn 5 cánh hoa vàng rụng hết và 5 đài
hoa bên dưới liền biến thành đỏ sẫm. Các đài hoa thay vì xòe ra
như trước khi tàn, lại úp vào ôm lấy nhụy, trông như đóa hoa búp
vậy. Nhụy hoa bên trong kết hạt, từ màu xanh khi còn non đổi sang
màu đen lúc già,to dần, đẩy 5 đài hoa lại nở bung ra lần thứ hai
như một đóa hoa mai màu đỏ, chính vì lẽ đó mà mai Tứ Quý còn được
gọi là Nhị Độ mai ( hoa nở 2 lần, trước vàng, sau đỏ).
- BẠCH MAI : Cây cao 15m, hoa có mùi thơm dễ chiu như mai Chiếu
Thủy. Hoa bạch mai có dáng như hoa sứ, màu trắng, 4 cánh dày, nhụy
vàng, thuộc loại hoa hiếm. Có ở vùng núi Bà Đen ( thuộc tỉnh Tây
Ninh), đền Cây Mai (Cholon), chùa Giác Duyên ( Cholon ), đình Phú
Hưng( Bến Tre), lăng Mạc Cửu ( Hà Tiên ).
-MAI TRẮNG MIẾN ĐIỆN : Đây là một loài hoa mai lạ, chỉ có ở một
số tỉnh miền Tây. Thân cành như cây mai vàng, lá hơi to, màu sắc
nửa trắng, nửa xanh như lá cây mai trắng Miến Điên. Đài hoa có 5
cánh thuôn dài, bên ngoài màu xanh nhạt, bên trong màu xam xám.
Hoa rất đẹp,10 cánh màu trắng, nở xòe rộng, to và tròn. Dọc theo
cánh hoa có từ 2 đến 3 đường gân nhuyễn nổi lên, trông rất la.Ngay
giữa hoa có chùm nhụy màu vàng nghê, có khi từ 10 cánh, hoa nở thành
12 hoặc 13 cánh.
-NAM MAI : là một loại mai trắng có rất nhiều ở vùng" Nam
kỳ lục tỉnh", cũng có thể kiếm thấy ở Thừa Thiên, miền Trung.
Đó chính là cây "Mù U". Cây mù u có tên là Nam Mai do
sự tích Nguyễn Ánh (vua Gia Long) tẩu quốc. Cây mù u có tên khoa
học là Ochrocarpus samensis,thuộc họ Guttiferae(măng cụt). Cây mù
u thân mộc, dùng làm cột nhà, cầu khỉ, cối xay v.v...Lá mù u to
bản, dày, kích thước bằng bàn tay người lớn. Trái mù u tròn, to
cỡ ngón chân cái, không ăn được. Hột mù u ép làm dầu thắp đèn(nhiều
khói, ít sáng). Vỏ trái mù u dùng làm gáo múc nước mắm, nước cốt
dừa v.v...Gáo mù u càng dùng lâu càng đổi màu nâu sẫm. Hoa mù u
5 cánh trắng và to như hoa Bạch mai, cây Nam mai này đã khơi nguồn
cảm hứng cho nhà thơ "Minh Hương" Trịnh Hoài Đức và các
cây bút cùng thời viết nên thi tập "Mộng Mai Đình". Cây
Nam mai này cũng là biểu tượng của "Thi xã Bạch Mai" quy
tụ nhiều tên tuổi ở Nam Kỳ vào thế kỷ trước như Phan Văn Trị, Tôn
Thọ Tuờng, Trần Thiện Chánh, Hồ Huấn Nghiệp, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn
Thông v.v...
Thi hào Cao Bá Quát trong bài "Tài Mai" có câu
"Thí tương mai trữ tịch quan sơn"
(Muốn đem hạt mai gieo trồng khắp núi đồi).
Vì hoa mai đã được nhân tài thất thời của thế kỷ 19 nghiêng mình
"Nhất sinh đê thủ bái mai hoa"
(Một đời chỉ cúi đầu bái phục hoa mai).
Cây Nam mai cũng được vào thi ca của Cao Chu Thần như sau:
"Phiêu phiêu thùy lệ hướng Nam Mai"
(Rưng rưng dòng lệ nhìn hàng Nam Mai)
Thi sĩ Kiên Giang đã viết "Nện vào lòng tiếng vọng rưng rưng"
qua bài " Theo chân ngoại lượm trái mù u "
...Lượm tiếp ngoại mù u mới rụng
Xe đèn thắp đỡ tối ba mươi
Ở nhà quê nhớ thời đồ khổ
Đèn đuốc mù u vẫn sáng trời
...Móc ruột mù u, chừa vỏ mỏng
Anh làm gáo nhỏ, chơi nhà chòi
Nước mưa, em uống năm, mười gáo
Uống nước nhà quê nhớ suốt đời
...Cây mù u cỗi, người ta đốn
Làm cối, làm chày, giã gạo thuê
Mất ngoại, xa em, buồn héo ruột
Mình anh thờ thẫn dạo đường quê
Đèn mù u, chiếc gáo mù u
Đã lắng chìm trong bụi mịt mù...
-HOÀNG MAI : Mai vàng, còn được gọi là Lạp mai. Lạp là sáp ong,
được ví với màu vàng tươi nhuận của hoa mai. Còn hiểu cách khác
thì Lạp nguyệt là tháng chạp, vậy Lạp mai là loài hoa mai chỉ nở
một lần trong năm vào cuối tháng chạp (tháng 12 âm lịch). Tại Việt
Nam, nơi có nhiều mai vàng nhất là trong những khu rừng thuộc dãy
Trường sơn, thuộc các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Khánh Hòa.
Rừng ở các tỉnh cao nguyên cũng có, nhưng ít hơn. Mai vàng mọc trên
rừng còn gọi là "Mai Núi". Mai núi do phải chen tìm đất
sống với những cây khác ở địa thế khắc nghiệt trong cuộc sinh tồn
nên dáng cây có vẻ đẹp đặc biệt. hoa lại có nhiều cánh. Có hoa có
từ 12 đến 18 cánh. Một loại mai vàng khác mọc ở triền cát, rừng
ven biển được gọi là "Mai Động". Dáng cây mai động suông,
tròn, hoa ra chi chít, cánh nhỏ. Các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình,
Quảng Trị đổ vào, kéo dài đến tận đồng Nai, Tây Ninh, nơi nào cũng
có mai vàng. Hoa mai vàng mọc thành chùm, có cuống dài treo lơ lửng
bên cành, ở nách vệt cuống lá và hơi thưa. Hoàng mai mãn khai sau
khoảng 2 ngày thì rụng cánh. Hoàng mai có nhiều loại khác nhau.
Có loại cánh lớn, mọc dày, ngược lại, có loại thật mỏng manh với
những cánh nhẹ tênh. Có loại màu vàng đậm như Huỳnh Tỷ mai, có loại
phơn phớt vàng như mai Tai Giảo v.v...Cây mai vàng trong rừng rụng
lá mùa đông. Cành mai vàng mềm mại hơn cành đào. Hoàng mai chuộng
ánh sáng cùng đất thịt và ẩm; ngược lại hoa không chịu được khí
lạnh. Người trồng Hoàng mai thường canh ngắt lá đúng ngày để dồn
nhựa cho các nhánh ra hoa vào đúng dịp Tết Nguyên Đán. Ngắt lá là
một nghệ thuật vì nếu lá ngắt đi không đúng lúc sẽ ảnh hưởng đến
ngày hoa nở. Theo kinh nghiệm thì cây mai vàng càng già, hoa lại
càng đẹp. Do đó, người ta rất ưa chuộng lão mai.
Như đã trình bày, hoa mai dường như đã đi sâu vào đời sống, ta
tìm thấy chữ Mai hiện hữu khắp nơi. Các bậc sinh thành thường dùng
chữ "mai" đặt tên cho con cái. Đa số dùng chữ Mai để đặt
tên cho con gái, lẽ đương nhiên có vài trường hợp ngoại lệ dùng
làm tên gọi cho con trai. Ta thường tìm thấy chữ Mai dùng để đặt
tên cho phụ nữ như Xuân Mai, Kim Mai, Thanh Mai, Ngọc Mai, Mai Hương,
v.v... Ngoài ra ta cũng tìm thấy chữ Mai dùng để đặt tên cho một
số cơ quan từ thiện như bệnh viện Bạch Mai chẳng hạn.
Trong văn học Á Đông hoa mai đã hiện hữu từ lâu, các danh nhân
ngày xưa đã dùng hoa mai để làm đề tài, như
Tiền thôn thâm tuyết lý
Tạc dạ nhất chi khai
Hai câu thơ của Tề Kỹ đã vẽ cho ta một thôn xóm với tuyết phủ trắng
xóa, dày đặc, một cây mai ngạo nghễ vươn lên với một cành điểm hoa
nở đêm qua, hôm trước chưa hề có. Nhà thơ với ba chữ "nhất
chi khai" đã dồn hết tâm ý khi chiêm ngưỡng hoa nở sớm, thưởng
thức hương sắc tuyệt vời của trời đất trên cánh hoa mai trắng nõn
nà. Khí phách xung hàn của hoa mai gây nhiều cảm khái là vậy! Hoa
mai được nhắc nhở trong thi ca của người xưa, dù ở Trung Hoa hay
tại Việt Nam,thường là mai trắng. Hoa mai nở vào mùa xuân là một
hình ảnh rất phổ biến. Đây là một nét độc đáo trong thi ca, vì bản
thân mùa xuân đã là nguồn cảm hứng vô tận cho các thi sỹ, nhạc sỹ,
họa sỹ v.v...Trước khung cảnh mùa xuân với muôn hoa, muôn sắc gọi
mời, ai có thể dửng dưng được? . Điển n hình là Thi sỹ Kim Tuấn
đã bạo dạn tặng người yêu cả mùa xuân, lời thơ đã lẳng lơ gợi cảm,
đồng gợi hình với những nét độc đáo như : "đường lao xao lá
đầy", "lộc non vừa trảy lá ", "lời thơ thương
cõi đời ", " bầy chim lùa vạt nắng"... qua bài "Anh
cho em mùa xuân" :
Anh cho em mùa xuân
Nụ mai vàng mới nở
Chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn hè phố
Mắt buồn vin ngọn cây
Anh cho em mùa xuân
Mùa xuân này tất cả
Lộc non vừa trảy lá
Lời thơ thương cõi đời
Bầy chim lùa vạt nắng
Trong khói chiều chơi vơi......
Mùa XUÂN và MAI là cái duyên keo sơn đã được tạo hóa an bài từ
thuở xa xăm, từ muôn kiếp trước. Trong khi mai trắng được ca tụng
trong thi ca cổ nhân, thì mai vàng xuất hiện khắp nơi trong dòng
nhạc thời nay. Tiêu biểu nhất là bài "Mùa xuân trên cao"
của nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng:
Trời bây giờ trời đã xang xuân
Anh và mai ngủ bên bìa rừng
Chờ giấc ba mươi mộng ảo
Mùa xuân vẫn đẹp vô cùng...
hay diễn tả tâm tư người lính trận gác giặc nơi địa đầu giới tuyến,
nhìn rừng mai vàng trong bài "Đồn vắng chiều xuân" của
nhạc sỹ Trần Thiện Thanh:
...Ven rừng kín hoa mai vàng
Chợt nhớ tới sắc áo năm nào, em đến thăm gác nhỏ
...Đồn anh đóng bên rừng mai
Nếu mai không nở
Anh đâu biết xuân về hay chưa?
hay như trong bài "Anh và Mai" của NNguong :
..Như núi rừng trong mùa mai nở
Cùng trần gian thưởng ngoạn mùa xuân
Anh đã mở lòng mình khốn khó
Trải tình yêu ra thưởng ngoạn em
Lòng vẫn biết, mình thân rừng núi
Chỉ quẩn quanh bên cội mai vàng
Mở trái tim mình đem đánh đổi
Một mùa xuân cho kiếp lang thang
Trời bây giờ trời đã sang xuân+
Anh nhìn em, tình yêu thật gần
Mỗi lần xuân đến nhìn hoa :nhớ
Nở trong anh, MAI, đóa phù vân.
"Trải tình yêu ra thưởng ngoạn em"-! Tác giả đã thi vị
hóa người đẹp với hoa mai, hay hoa mai chính là người đẹp? "
Chinh là em"! "Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi"
(cách hàng ngàn năm, gặp gỡ, tâm sự vẫn giống nhau) NNguong cùng
một ý tưởng như nhà thơ Lô Đồng, đời Đường bên Tàu với bài "Hữu
Sở Tư":
Mỹ nhân hề! Mỹ nhân
Bất tri mộ vũ hề! Vi triêu vân
Tương tư nhất dạ mai hoa phát
Hốt đáo dong tiền nghi thị quân
( diễn nghĩa )
Người đẹp này! Người đẹp
Bây giờ là mưa chiều hay mây sớm
Một đêm nhớ nhau, mai nở hoa
Trông thấy hoa trước cửa sổ, ngỡ là bóng nàng
Với ba chữ "Mai cốt cách", thi hào Nguyễn Du đã nói lên
cái cốt cách, cái nét duyên dáng, đoan trang của người phụ nữ. Tao
nhân, mặc khách ngắm hoa mai, không đơn giản nhìn cái màu sắc vàng
rực rỡ của hoa, mà là cái tha thiết, bâng khuâng nơi cái duyên ngầm
của hoa, hương hoa Mai. Khi bàn đến hoa mà không luận đến mùi hương
quả là điều thiếu sót. Đã nói đến hoa, thì hương hoa không thể thiếu.Hương
thơm của hoa mai không nồng ngát như Dạ lan, không âm thầm như hoa
Ngâu, không thắm đượm như hoa Hồng mà rất nhẹ nhàng, thanh cao.
Trừ mai vàng phô hương hơi lộ liễu, các loại mai khác có hương rất
nhẹ, khó thưởng thức, phải người tinh nhạy lắm mới cảm thấy vì hương
mai là một thứ "Ám hương". Tiết trời càng lạnh, mai càng
tỏa hương thơm ngan ngát. Nếu tâm tình con người vọng động thì khó
mà cảm được hương mai. Như Tề Kỹ trong bài "Tảo Mai":
Phong đệ u hương xuất
Cầm khuy tố diễm lai
(diễn nghĩa)
Gió lay nhẹ hương thoát ra
Chim nhìn vẻ đẹp trắng ngà mê say
Làn gió nhè nhẹ đưa tới một mùi hương sâu kín thoang thoảng tỏa
ra, khiến cho chim chóc dòm ngó một vẻ đẹp nguyên vẹn hiện lên.
Tư sắc và phong vận của hoa mai sẵn có, làm bạn với gió và chim
muông. Nên Trần Huyền Trân đã thốt lời tự hỏi
"Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ
Có giống như mình lưu luyến chăng?"
Người xưa và người nay đều đồng cảm với hương mai, dù cách nhau
bao thế kỷ người có tâm hồn thường gửi gấm tâm tình của mình theo
làn hương thoảng của hoa, gói trọn niềm nhung nhớ thương yêu trên
cánh hoa nho nhỏ . Thử đọc bài "Mai Hương " của Hoàng
Mai Phi:
Mai cành búp nở chào xuân
Hương vàng nắng tỏa từng cân trên ngàn
Mai em có nhớ tiếng đàn
Hương thơm đừng chất phũ phàng theo mưa
Mai về anh nhớ năm xưa
Hương thầm quyện lối so vừa bước chân
Mai còn lắng đọng ngoài sân
Hương thơm lơ lửng chào xuân hoa vàng
Mai đây em có ngỡ ngàng
Hương thơm đọng lại bóng chàng yêu thơ
Mai em còn nhớ hay mơ
Hương ơi! Hãy nhớ vần thơ anh làm
Mai kia vẫn nở rộn ràng
Hương êm vẫn khép nép vàng dễ thương
Mai hoa còn khép mùi hương
Hương thơm đọng lại liễu nhường hoa mai
Hoa mai không những đã gây rung cảm cho các tao nhân trong dân
gian mà còn tạo được niềm cảm xúc nơi người đã xuất gia. Một bài
kệ của thiền sư Hoàng Bá Hy Vân ( người Phước Kiến-Trung Hoa -850
) có hai câu:
Bất thị nhất phiêu hàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương
(diễn nghĩa)
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương
Chiêm ngưỡng để rồi sau đó có ý tình với hoa mai mới thưởng ngoạn
hết mùi hương thanh khiết của hoa mai. Chẳng biết người yêu hoa
mai có cùng tâm trạng với thi nhân Lê Cảnh Tuân trong bài "Nguyên
Nhựt" hay không:
Lữ quán khách ngưng tại
Khứ niên xuân phục lai
Quy kỳ hà nhật thị?
Lão tận cố hương mai
(diễn nghĩa)
Thân mình phiêu lãng nơi đất khách, quê người không đáng lo,
Chỉ sợ "Cây mai cũ ở quê nhà ngày càng mòn mỏi".
Cảm khái, bâng khuâng nhớ người tha thiết, ai hoài, tâm trạng của
Hoàng Mai Phi ai người có hiểu! Cái tên Hoàng Mai Phi đã gợi cho
người viết cảm giác đi lạc vào một khu rừng mai, ngập tràn những
cánh mai vàng mãn khai. Trong khoảnh khắc một làn gió nhẹ đi qua,
cành mai chuyển mình đưa muôn vàn cánh hoa mai bay lã chã. Nhờ thân
nhẹ nhàng, hoa đã nương theo gió lượn lờ tựa muôn ngàn cánh bướm,
trước khi đáp xuống mặt đất lạnh.Cái gắn bó duyên nợ của bướm và
hoa làm sao có thể kể xiết trong đời. Thi sỹ Nguyễn Bính đà dùng
rất nhiều "hình tượng bướm" trong những bài thơ của ông
như:
Hỡi ơi! Bướm trắng, tơ vàng
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi-
( Cô hàng xóm )
hay:
Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá
Không biết là mưa hay nắng đây-
( Vẩn vơ )
hoặc là:
Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng-
( Xuân về )
Đầy nước mắt như trong bài Dòng dư lệ viết cho TTKH:
Dừng chân trước cửa nhà nàng
Thấy hoa vàng với bướm vàng hôn nhau
Tìm nàng chẳng thấy nàng đâu
Lá rơi lả tả bên lầu như mưa.
Yêu hương mai để nguyện làm một cánh mai vàng bay trong gió sao
hữu tình lắm vậy. Nhiều khi con người cũng cần có tâm tình đủ lớn
để cảm nhận được tình sâu của người khác. Hoa vàng với bướm vàng
hôn nhau để hòa làm một thể hay cánh mai vàng chập chờn rơi tựa
cánh bướm vàng thì cũng là một, thảo nào ngày xưa hồn Trang Chu
hóa bướm hay bướm là hóa thân của hồn Trang Chu "Cái con bướm
vàng vàng quá, bướm yêu yêu" trong bài "Hết bướm vàng"
của Nguyễn Bính có hai câu:
Hôm nay, vườn cải hoa tàn hết
Em hỡi từ nay hết bướm vàng!
Ôi! Từ con bướm vàng "khép cánh tình chung ở giữa đời"
đến con bướm vàng của Đình Nguyên:
Bướm vàng bay tận đâu dâu
Chẳng còn duyên cũ, thề xưa - chẳng còn
Đường về xa tít đầu non
Thương ai cứ mãi héo mòn- thương ai
Mù u của những ngày nào
Bây giờ bên ấy ra sao-bây giờ.
Để cho một người bạn thơ là Vân Hạc họa lại như sau:
Bướm vàng ngủ đậu vườn mê
Lỡ làng duyên nợ hẹn thề mai sau
Mù u chia nhánh tình đầu
Trầu cau giữ lại chờ nhau kiếp nào
Yêu người ngơ ngẩn ước ao
Mù u còn đó, bay vào bướm ơi!
Mù u hay Nam Mai và con bướm vàng cũng đã đi vào lòng người trong
dân gian."Mù u còn đó,bay vào bướm ơi"! Nếu không Trần
Tiến chẳng đã nhắc đến trong ca khúc " Lá Diêu Bông "
rất thành công qua giọng hát truyền cảm của đôi song ca Như Quỳnh
/ Mạnh Đình.
Có chú bướm vàng bay theo em
Bướm vàng đã đậu cây mù u rồi
Lấy chồng sớm làm gì-
Để lời ru thêm buồn.
Đã thế hoa mai đã được sử dụng như dấu mốc để đo lường thời gian.
Hoa mai đi đôi với mùa xuân, nên hoa đã đã gợi lại hình ảnh thời
xuân thì của người chinh phụ . Hoặc như cô đơn nơi khuê phòng người
thiếu phụ đã đánh dấu thời gian theo những độ hoa mai nở, trải nỗi
niềm trông ngóng chinh phu biền biệt nơi miền xa. Thi sĩ Kim Tuấn
chẳng viết :
Bông mai vàng thuở nàng còn trẻ
Trên lối đi về lắm kẻ đợi mong
Bây giờ tình đã sang sông
Anh trèo cây khế ngó trong đất trời
......
Bông mai vàng tiễn chàng xa xứ
Em ở quê nhà em cứ đợi trong
Mai vàng nở rộ mùa bông
Anh xa mà chẳng trông mong ngày về...
Bước sang thế kỷ mới với bao tiến bộ về khoa học, nhưng có lẽ tâm
tình con người không thể phôi pha. Ngày nào còn hoa còn bướm hiện
hữu, dù trong hoàn cảnh nào tâm tư còn người vẫn rung động như nhau.
Nhìn nét hoa vàng rung rinh trong gió, cánh hoa vàng nho nhỏ bay
bay trong gió với mùi hương nhẹ nhàng, không ai có thể dửng dưng.Dầu
không diễn tả độc đáo nhưng ít nhiều tâm tư cũng dao động nhắc cho
người nhớ đến ai đó, nhớ đến những gì thân thương nhất, gần gũi
nhất, nhớ đến một thuở vàng son đầy hạnh phúc. Tất cả gói ghém đơn
gian trong chữ " MAI".. Tạo hóa đã khéo an bài thay!
Xuân Phương & HMP sưu tầm
|