Lẽ ra mùa hè 2002 vừa qua phải là một mùa hè đẹp của tôi.Tôi self
employed, làm chủ lấy mình, trên trời dưới vợ, không sợ supervisor
dòm ngó, chỉ ngại bà xã kế bên, năm hai kẹt một, nên thỉnh thoảng
cũng phải "overtime" ngày làm không đủ tranh thủ làm đêm
cho bà xã hài lòng! . Tháng sáu "stock take", rảnh rang
mà gặp world cup như nắng hạn gặp mưa rào, buồn ngủ gặp chiếu manh.
Tôi say mê theo dõi không bỏ sót trận nào, ngày bốn trận, xem hết
mình, xem mệt nghỉ, dẹp hết chuyện đấu tranh thành bại trên trướng
đời sang một bên, để hết hồn mình vào chuyện tranh đua thua thắng
trên sân cỏ, quên hết ngày tháng, tận hưởng cái holiday from home
bốn năm mới có một lần như enjoy working from home trong xó bếp
với vợ hiền vậy! Qua tháng bẩy tưởng trầm lặng thì nhận được email
lạ của "Quest" từ biển khơi gởi vào :
Việt thân.
Tao rời Campbeltown Scotland pm Sunday, ra vùng hoạt động Herbrides
Terrace North of Ireland & West of Scotland cho tới midnight
22 July, dự định cập Glasgow sớm nhất là 4 pm 23 July. Khi ở Campbeltown
tao có lịch trình những chuyến bay từ Glasgow tới London nhưng
phải book qua website, mày có thể book cho tao qua Ryanair.com
Flight 426 Depart Glasgow 21:05 Arrive London 22:15.
Return Flight 89 Depart London Luton at 22:20 Arrive Glasgow 23:30,
hy vọng tao đủ thì giờ cho thằng em chở tao ra phi trường. Mày
và gia đình vẫn khỏe chứ, 30 năm rồi không gặp lại nhau chả biết
mình còn nhận ra nhau không nữa?!. Có gì email cho tao biết, hẹn
gặp lại.
Thân, Cảnh
Đang "đói bạn" mà được bạn "mày tao" ghé thăm
thì sướng cỡ nào! Thế là "cái đài kiểm báo" xa xôi hẻo
lánh, lạnh lùng phớt tỉnh Ăng Lê của tôi lại sống động lại, bạn
bè OC ghé qua đếm được trên đầu ngón tay, cả chục năm nay đếm chưa
hết nổi một bàn tay năm ngón. Tôi có biết bao chuyện để làm để lo
để đón tiếp người bạn ba mươi năm không gặp dù chỉ một ngày mà thôi,
người bạn có một đời binh nghiệp lận đận lao đao... không bằng ai!,
nhưng lại có một đời hải nghiệp bềnh bồng lướt sóng đại dương tuyệt
vời... không ai bằng! không biết "kiếp sau" tôi có thể
thực hiện được như thế không? . Tôi chưa bao giờ book vé máy bay
trên internet, chuyện "nhẹ và mỏng" thế đó nhưng xem ra
lại là chuyện "nhà binh" chớ không phải chuyện "nhà
bếp". Sợ làm hỏng kế hoạch "chiều nay ra khơi" của
Captain nên tôi email "chạy đạn" nhắn bạn nhờ mấy thằng
Tây trên bờ làm giùm cho chắc ăn nhưng không được vì " address
not recognised" nên đành "ôm lo" thấp thỏm chờ phone
bạn!. Mấy ngày sau từ biển khơi gọi vào Cảnh hỏi tôi đã làm những
điều đó chưa mà sao không thấy email trả lời. Tôi đành thú nhận
không dám làm vì sợ trách nhiệm, viện cớ làm xong rồi không biết
làm cách nào để gởi vé đi, với lại địa chỉ di dộng ngoài khơi email
còn không được thì làm sao thơ tới được?!. Trên đài chỉ huy, Captain
nhà mình giải quyết vấn đề thật nhanh chóng trong tinh thần bình
đẳng "mày tao", nói năng ngắn gọn với thằng bạn quá ư
"chậm tiêu" như ra lệnh:
Tao đang bận hành quân với mấy thằng Tây, không có thì giờ nhiều
nói chuyện riêng tư với mày trên hệ thống này. Mày mà không book
được thì kể như tao không đi được. Ráng thử đi, làm không được thì
nói con mày làm. Làm xong chỉ cần cho tao biết số điện tử trong
đó, ra phi trường tao chỉ cần nói số đó ra là được rồi khỏi cần
vé gì cả. Còn email thì mày coi lại đi, VN gởi qua tao còn nhận
được, chắc mày cho địa chỉ sai nó mới không tới đó thôi, tao sẻ
gọi mày lại, bây giờ phải ngưng để làm việc với tụi nó. Tôi chỉ
biết "Aye Aye Sir" tuân lệnh!
Được sự "chỉ đạo" của Commandant, con vừa đi học về là
tôi "ra lệnh" cho nó mở computer vào website làm giấy
"đi bờ" cho hạm trưởng.
Thế mà xong, có lính trong tay mà không biết dùng, nhưng e-mail
đi thì cũng không được, không chịu để mất thời gian tính, tôi chay
lại nhà người quen nhờ thằng cháu gởi đi thì lại được. Thì ra đường
dây internet UK online tôi đang sài đúng là loại "lô can "
thứ thiệt không chịu lội ra khơi làm tôi thấp thỏm lo âu mấy ngày,
tôi về đổi qua hãng khác ngay cho bõ ghét. Xong chuyện "nhà
binh" mới yên tâm tính chuyện "nhà bếp". Hôm ấy chủ
nhật đẹp trời, nắng vàng đẹp đẽ, thảnh thơi khuây khỏa, phơi phới
yêu đời. Vợ tôi hăm hở sốt sắng đón xe buýt ra phố Tàu mua sắm thêm
những thứ cần thiết để làm "mồi nhậu" mặc dầu tính không
ra nổi giờ nào đãi khách. Khách từ xa xôi chỉ có 24 giờ phép mà
còn bỏ ra "bốn giờ đi lại thêm bốn giờ về"...thời gian
còn lại còn phải lê bước giang hồ trên thủ đô thủy tổ hàng hải để
đạp lên đường kinh tuyến gốc Greenwich thì lấy thì giờ đâu mà nhậu.
Còn tôi thì đưa đứa con gái út đi dự sinh nhật bạn cùng lớp gần
nhà, đi bộ khoảng mười lăm phút. Trên đường về một mình, thong dong
thong thả "thả hồn" đi hoang theo nắng gió... hoa lá có
cây như rực rỡ xanh tươi hơn bao giờ hết trong mắt tôi hôm ấy. Làn
gió thoảng nhanh trên mặt cỏ non mượt mà mơn mởn để lại những gợn
sóng lăn tăn bồng bềnh xanh biếc trong vườn nhà người cũng vỗ về
vuốt ve mơn trớn được hồn tôi, lòng ngập tràn niềm vui...hội ngộ.
Mở cửa vào nhà thì đùa con gái lớn của tôi vừa bỏ điện thoại xuống.
Ba à!
Gì vậy con?
Ông nội chết rồi!
Hả!
Ông nội chết rồi!
Ông nôi chết rồi à!
Trời, trời ơi, Sao lại có chuyện này, Sao bày chi chuyện tử biệt
sinh ly vào đúng lúc này nè trời!
Ba, ba ơi, con đã xếp đặt đâu vào đó rồi, con đã nói tháng chín
này con sẽ về thăm ba rồi mà, cha con mình xắp lại được gặp nhau
nữa rồi, sao ba lại bỏ đi, ba ơi!
Sóng gió đến bất ngờ đánh gục tôi tại chỗ, tôi chỉ biết kêu trời
kêu cha khóc than thảm thiết trước mặt con tôi.
Đúng là trái đất... méo! Ba mươi năm không gặp cũng chưa gặp, ba
mươi ngày sắp gặp cũng mãi mãi không thấy nhau, niềm vui hôi ngô
một ngày nữa gặp bạn, một tháng nữa gặp cha trong thoáng chốc đã
tan theo mây khói! Ngọn gió vô thường đến với tôi một cách quá "bất
thường" làm tôi lỡ đi chuyến đò "hạnh ngộ" cuối đời
với ba tôi, ân hận nuối tiếc đã không làm tròn ước nguyện của cha
mình trước khi nhắm mắt! Ba tôi mong đợi tôi về đã lâu, từ lúc mẹ
tôi đột ngột lìa đời cách đây chưa đầy hai năm đến giờ. Thiếu vắng
"cây gậy đời" ba tôi không muốn chống "gậy gỗ"
để đi nốt cuộc đời còn lại. Mỗi lần nói chuyện với tôi qua điện
thoại ông thường òa lên khóc. Tưởng ba mình sợ chết tôi an ủi:
" Tổng thống Thiệu cũng vừa mới chết đó ba, bên này đày đủ
vậy đó cũng đâu tránh được chuyện đó, ba như vậy là thọ hơn ông
Thiệu rồi". Nghe lại chuyện xưa ba tôi nhanh nhẩu nói:
Vậy hả con, ông Thiệu đi lính cùng thời với ba, lúc ba Trung sĩ,
ổng Thiếu Úy, không thấy cách biệt gì nhiều, lúc đó một tiểu đoàn
chỉ có bốn Trung sĩ mà thôi. Rồi ba tôi cười nói :
Nhưng đão chánh ông Diệm xong ổng lên tướng rồi làm Tổng Thống còn
ba mới lên Trung sĩ nhất rồi giải ngũ, cách nhau một trời một vực.
Xong chuyện xưa cũng trở về chuyện củ.
Ba đâu có sợ chết, ba chỉ sợ cô đơn mà thôi, buồn khổ lắm con à.
Tôi vội cướp lời rồi đem chuyện cô đơn của mình để "lên lớp"
cho ông cụ:
Để con kể chuyện cô đơn của con nửa năm trời nằm gai nếm mật ở Phan
Rang tìm đường vượt biên nhưng không thành cho ba nghe. Lúc đó còn
khổ hơn trong cải tạo nữa, vì trong cải tạo còn có bạn bè hợp tình
hợp ý để tâm sự giải sầu, đằng này xa lạ hoàn toàn, lạ người lạ
đất. Con ở trong cái rẩy hẻo lánh với cặp vợ chồng trạc tuổi con
nghèo rớt mùng tơi con thơ nhỏ dại, gạo chạy từng ngày trong một
túp lều nhỏ bé tồi tàn. Tối tối con ngủ trên một miếng váng nhỏ
bề ngang vừa bằng cái lưng của con ngoài trời giữa những liếp thuốc
lá. Lâu lắm có miếng thịt bò bằng nửa bàn tay do người gởi con ở
đó từ phố chợ đem vào. Đến bữa ăn tưởng được nếm của lạ nhưng vừa
cầm đũa lên thì chủ nhà hỏi khéo :
Anh ăn thịt bò không được phải không? tôi nghe nói anh theo đạo
cấm ăn thịt bò mà! rồi tự động đẩy dĩa thịt bò qua một bên để con
gắp không tới. Nhân tình thế thái thế đó nhưng nghỉ chuyện lớn với
lại không tiền về xe, giấy tờ hợp lệ nên đành cắn răng chịu trận,
không dám bỏ về.
Một hôm hai vợ chồng đi vắng mấy ngày liền để con ở lại một mình
coi rẩy nói là ăn đám gì đó. Mới xa những gương mặt thấy ghét đó
nửa buổi là con đã lẩm bẩm ước ao: "phải chi có tụi nó ở đây
gây lộn cũng đỡ buồn". Gạo trong lu không còn một hột, đói
bụng chỉ trông nhờ mấy bụi mì. Mì ở đây củ nhỏ lại mọc thẳng sâu
xuống đất như rễ cây, muốn ăn phải cuốc đào rất vất vả không bỏ
công, không như mì trên rừng trong cải tạo, đất xốp, chỉ cần ôm
gốc bứng lên là có ăn liền. Nắng đổ lửa, đất cứng khô, lòng dạ nát
tan, chẳng còn tinh thân đâu mà cuốc với đào, suốt buổi chỉ ngồi
bất đông dưới gốc ổi buồn rầu sầu khổ! Đói bụng lượm xoài xanh,
hái ổi sống nhai nuốt nước nhả bã cho qua bữa. Con chó thấy vậy
tưởng bở trong lều quẫy đuôi mừng rỡ chạy ra... ngửi... rồi thất
vọng sủa gâu gâu bỏ đi. Suốt ngày nay nó không có... cái mà miệng
đời thường nói "chó mà chê cái đó thì người chê của"...
để ăn!... Chó XHCN mà! Bình thường mỗi ngày có tới ba mạng lớn một
mạng nhỏ cung cấp thứ đó cho nó, mỗi lần vác cuốc vô bụi đào lỗ
"bức cỏ" là nó theo sau, "đi xong " chưa kịp
cuốc đất dấu chôn là nó dọn sạch liền, hôm nay"chế độ"
của nó bị cắt giảm, với lại sáng giờ không có gì trong bụng nên
con chưa vác cuốc ra đồng. Đói quá cạp đất ăn không được con chó
cũng biết khôn đến cái cuốc sủa gâu gâu. Thấy cũng tôi nghiệp, con
đứng lên cuốc đào, hùng hục cả buổi mới đủ cho hai miệng ăn, đến
chiều người và vật mới ngồi lại bên nhau chia xẻ ngọt bùi bên nồi
khoai mới luộc. Nhờ vậy mà no và thoát được mấy ngày than mây khóc
gió một mình. Một lần khác hai vợ chồng lại tính chuyện ăn giỗ đường
xa, chúng xoay xở tiền bạc bằng cách dở mái tôn thay mái lá để bán,
không đủ bán thêm cánh cửa, thiếu nữa bán luôn con chó. Chiều đến,
nhìn nó cục cựa gầm gừ trong bao cột kín trên vai người lạ trên
con đường đê ngoằn ngoèo buồn tể rời cái lều... sống nghèo khó đến
cái quán... "sống trên đời" mà ngậm ngùi xót xa cho thân
phận "đen như mõm chó" của nó và của chính con, ước ao
có tiền để chuộc lại mạng sống cho người bạn bốn chân của mình.
Qua hôm sau một mình trong rẩy vắng, thiếu con chó, cô đơn tận cùng,
nghe những tào dừa theo gió lốc xào xạc trên cao mà tưởng như ngàn
lát dao chém nát hồn mình, ôm ngực đớn đau. Khát nước đến cái lu
uống thì thấy mặt con trong đó. Chưa vội múc uống ngay vì sợ làm
tan biến đi "người mình có thể nói chuyện được"! Thấy
gương mặt "người trong lu" nhăn nhó héo sầu con hằn học
nói với nó:
Việt! sao mày yếu đuối quá vậy, can đãm lên đi, cái khổ của mày
hiện tại có đáng gì với cái khổ của Papillon đâu! Làm Papillon là
phải vậy, là chấp nhận thương đau, là chấp nhận xa nhau, là gan
lỳ chịu đựng, chông gai còn nhiều, thử thách còn lắm, không phải
chỉ bấy nhiêu thôi, đã từng tôi luyện trong đại học khổ đau cải
tạo thì phải sống thích nghi với mọi hoàn cảnh chớ!. Chưa hết, con
còn ngon lành nhìn trời... trong cái lu ngạo mạn thách thức:
Trên đời này còn khổ đau thử thách nào khác cứ đến nữa đi, thằng
Việt này không ngán đâu, không van cầu xin xỏ, không ngả chí sờn
lòng, không thành công cũng thành nhân, có gì đâu mà buồn khổ! Nói
đã đời cho vơi sầu khổ mới chịu uống nước giã từ "người trong
lu" rồi lại lượm mảnh kiếng vở dưới mương lên để "nói
chuyện tiêu sầu"tiếp với người..."õ trong gương".
Đã thông được tư tưởng con lại đến gốc ổi "tọa thiền"
dưới bóng mát tàng cây như thường ngày. Lim dim đôi mắt mơ màng
buồn thiu một lát là con thấy một sự sống èo uột, một màu xanh nhợt
nhạt lấp lánh trong nắng chói từ những kẽ nứt trên luống đất khô
cằn bỏ quên do chính con gieo trồng tuần trước cho qua ngày đoạn
tháng. Những hạt đậu vừa mới bén rễ nẩy mầm ấy không tài nào ngoi
lên khỏi mặt đất để thấy ánh sáng mặt trời vì bị những mảng đất
dầy che phủ. Thế là con ngộ được chân lý sống...một mình!... phá
vỡ lớp đất cho những mầm non vươn lên chính là phá vỡ niềm cô đơn
của con hiện tại!. Cỏ cây đang cần mình, không thể đành lòng nhẫn
tâm nhìn những mầm non xanh xao vàng vọt chết yểu dưới lớp đất khô
cứng, con mạnh dạng đứng lên đến bên luống đất ra tay gở lớp "xi
măng đất" đang tráng lên đầu chúng nó, bóp nát cho tơi ra,
vun xới chăm sóc cho từng gốc rễ, lom khom suốt buổi mới xong, rồi
sách nước dưới mương lên tưới. Nhọc nhằn, gian lao nhưng nhìn lại
luống đâu xanh tươi mát mắt con lấy lại sức sống. trở lại bình thường.
Ba thấy không, lần này nhờ tiếp xúc được với cỏ cây mà con thoát
được cô đơn! Cô đơn của con là thế đó, là không có ai để nói, là
suốt ngày thui thủi một mình như một người câm. Còn ba, ba đâu thật
sự cô đơn, thiếu má con ba chỉ cần lần ra nhà trước là có con, có
cháu để nói chuyện đỡ buồn rồi, sao lại nói cô đơn được? . Thật
sự tôi không hiểu chút nào về nổi cô đơn của người già yếu cả, tôi
chỉ biết được cái cô đơn ở lứa tuổi ba mươi chớ làm sao thấu nổi
cái cô đơn ở lứa tuổi bẩy mươi được! vì sau đó, đâu cũng vào đãy,
ba tôi vẫn là người già cô đơn, nghẹn ngào hỏi chừng nào tôi về.
Tội nghiệp ông cụ, Mẹ tôi trong cơn bạo bịnh mong gặp lại chị tôi
lần cuối trước khi nhắm mắt lìa đời. Lúc đó lại nhằm vào dịp Tết,
book vé rất khó, hai mẹ con phải chạy đua với thời gian. Chị tôi
chỉ có vài ngày phải thu xếp về cho bằng được và mẹ tôi có vài ngày
phải ráng sống trong "tĩnh thức" chớ không được hôn mê
thì ước nguyện mới thành, Thế mà "the wish come true",
ước mơ toại nguyện, chiến thắng được cuộc đua với tử thần chừng
vài phút. Vừa ra khỏi phi trường người nhà chở ngay vào bình viện,
hai mẹ con tiếp xúc nhau vài phút, trăng trối trao đổi nhau vài
lời là mẹ tôi mãn nguyện chắp tay lên ngực rồi kiệt lực buông xuôi
không còn sức đâu lội bơi trong bể khổ cuộc đời này thêm phút giây
nào nữa, tính lại không đày năm phút. Ba tôi mơ ước đã lâu, có ngày
rộng tháng dài chờ đợi mà cũng không có được vài phút giây đó! Mỗi
lần điện thoại người nói như van như xin với tôi cho người gặp lại
"đùa con thương yêu nhất của người" một lần nữa cho thỏa
tình mong nhớ : "con ráng về cho ba gặp con một lần nữa nha
con, chỉ một lần này thôi con ạ, ba mong lắm". Nhưng tôi không
chịu về liền, vì sợ... về rồi là biết hết ngày gặp ba! Tôi ráng
"ngâm" mười lăm ngày phép "thập niên"thăm ba
hay đúng hơn là phép "đới mình" càng lâu càng tốt, không
dám sài tới như tâm trạng xưa kia trong lính ráng để dành mười lăm
ngày phép thường niên cho đến cuối năm để về ăn Tết vậy. Tôi dại
dột nghỉ rằng làm thế là "bơm" thêm sức sống cho cha mình,
ước nguyện còn đó sẻ giúp cho ba tôi ráng sống lâu để chờ tôi về
như chuyện thương tâm của mẹ tôi hay chuyện "đăng báo"tôi
đọc được bên này: có người ráng sống trăm năm chỉ để được nhận thiệp
chúc mừng sống lâu trăm tuổi của Nữ hoàng Anh gởi tới đúng vào ngày
ấy, đọc xong mãn nguyện là nhắm mắt từ giã cõi đời luôn trong ngày.
Bởi vậy tôi mới yên trí tà tà "câu giờ", có thể về được
tháng sáu thì để đến tháng chín, không vội gì mà sài đến, quên đi
chuyện thời gian không chờ đợi riêng ai để giờ này ân hận nuối tiếc
đã biến mười lăm ngày thiên đàng sum vầy hội ngộ thành mười lăm
ngày địa ngục tang tóc chia lìa, cha con tôi vẩn... suốt đời nhớ
nhau! Hoàn hồn lại gọi về Việt Nam thì được biết ba tôi vừa ra đi
cách đây một giờ và thứ năm này hỏa thiêu. Nghiệm tính nhẩm hôm
nay chủ nhật, ngày mai lo giấy tờ, ngày mốt đi về ngày kia đến nơi,
ngày kìa là thứ năm hỏa táng, châm một ngày là kể như hết dịp mặc
tang lễ chống gậy tre tiễn ba về trời. Đã thua thời gian về hội
ngộ cùng cha giờ phải đua thời gian về tiễn biệt với bố, bỏ tật
lè phè!
Thằng cháu đến đưa email của Cảnh thắc mắc về vé khứ hồi đưa tôi
thoát cảnh than mây khóc gió hiện tại. Tôi mở computer email cho
Cảnh:
Cảnh thân, tao book vé return cho mày đàng hoàng đừng lo.
Nhưng Cảnh ơi, ba tao vừa mới mất cách đây vài giờ ở Việt Nam
chắc không thể nào ra phi trường rước mày được vì phải về dự đám
tang của ba tao. Tao dự định về thăm ông vào tháng chín này nhưng
không còn kịp nữa, rất tiếc không thể gặp lại mày, thông cảm cho
tao. Thân, Việt.
Cỏ cây hoa lá, nắng gió đất trời đều mờ nhạt trước cơn bão tố
của lòng tôi, mái nhà ấm cúng lúc nào cũng có tiếng nói tiếng đàn
piano của mấy con tôi bổng trở nên im vắng đến nghẹt thở, không
biết chừng nào mới trở lại bình thường. Tói hôm đó nằm bất động
trên giường nhưng con tim cứ thổn thức bên trong. Sợ nó đập mạnh
làm"rung rinh"giường nệm phá giấc ngủ vợ hiền tôi bèn
ra phòng khách nằm. ..
Khóc ba!
Nhớ ba không dám về liền
Về rồi con sợ hết ngày gặp ba
Tháng ngày mòn mỏi trôi qua
Chắc chiu dành dụm... "thăm ba ngày về"
Ba ơi sao nở lìa đời
Con chưa sài hết... "ngày về thăm ba"!
Thế là... "khóc ba"..." chào đời", tôi vội ngồi
dậy bật đền lấy giấy viết ghi lại những lời vừa than khóc kẻo quên,
nước mắt ngưng tuông, tâm hồn lắng dịu lại!
Sáng sớm hôm sau, Cảnh gọi điện thoại chia buồn và khuyên tôi yên
tâm về lo đám tang ông cụ, Tôi nhắn Cảnh trước khi đi thử gọi điện
thoại xem thế nào, may mắn lắm mới book được vé, nếu không book
được vé tôi sẻ ra phi trướng đón Cảnh như dự định vì tôi cũng cần
một người bạn để an ủi lúc này. Sau đó có biết bao công việc phải
làm, phải lo để về gấp thăm ba!
Ngồi trên phi cơ sát cửa sổ, mắt nhạt nhòa trong nắng chói chang,
vừa quay đầu vào trong là người kế bên, một phụ nữ Á Đông quay qua
gợi chuyện:
You... Thai Lan?
No, I'm Vietnamese
Anh Việt Nam hả, tôi cũng vậy, hên quá!
Tôi trầm ngâm không nói gì thêm.
Anh về chơi một mình?
Dạ!
Nghe chữ "về chơi" hơi chướng tai nên tôi đính chính.
Đâu phải về chơi, về lo công chuyện, mà chuyện này buồn lắm chị
ơi!
Về chuyện gì mà buồn vậy?
Về lo đám ma!
Vậy hả! Tôi cũng vậy! cũng về lo đám ma luôn! Rồi hỏi tiếp ngay:
Anh về lo đám ma của ai?
Của ba tôi
Còn tôi thì của má tôi. Gặp người cùng tâm sự nên tôi xổ tiếp:
Mà gấp quá chị à, chủ nhật biết tin chết thì thứ năm này hỏa táng,
mua vé không kịp lấy, sáng nay ra phi trường lấy vé rồi lên máy
bay luôn.
Tôi cũng vậy, má tôi cũng mất hôm chủ nhật, thứ năm này chôn, mua
được vé xong bốn giờ sau là phải ra phi trường liền.
Ba anh chết vì bịnh gì?
Tai biến mạch máu não.
Má tôi cũng vậy, sao có chuyện trùng hợp thế này, ngộ quá ha, rồi
lại tiếp
Tôi ở quận mười.
Tôi cũng vậy, cũng ở quận mười, người kế bên lại trầm trồ :
Ủa sao cũng giống nhau nữa. Lần này tôi chủ động đưa lời trước xem
người kế bên có " tôi cũng vậy" không:
Tôi ở đường Ngô quyền chợ Nguyễn tri Phương. Người kế bên lại nhanh
miệng tiếp lời:
Ủa sao lại kỳ ngộ vậy, tôi cũng vậy, nhà tôi xưa kia cũng ở Ngô
quyền ngay chợ Nguyễn trì Phương sao tôi không biết anh. Rồi mở
lời đưa đường dẫn lối đến tận nhà mình :
Ở Ngô Quyền anh còn nhớ tiệm cầm đồ bình dân Ngọc Tiểng không, đối
diện tiệm Ngọc Tiểng là nhà tôi. Tôi tiến tới luôn:
Vậy hả, cách tiệm Cầm Đồ Ngọc Tiểng một căn là nhà của tôi, ồ tôi
nhớ rồi, chị là Bạch Mai con cô ba tám hai phải không.
Người lạ tròn xoe đôi mắt: Đúng rồi, má tôi thứ ba, nhà số 82 nên
lối xóm gọi cô ba tám hai cho tiện nhưng làm sao anh biết được tên
tôi.
Thì tôi với chị học cùng trường tiểu học Nguyễn tri Phương, cùng
lớp luyện thi đệ thất ở Khai Trí chớ gì.
Mừng rỡ "cô bạn cùng lớp", cùng nỗi buồn gióng nhau, cùng
đủ thứ trên đời, chưa bao giờ nói chuyện với nhau, chỉ biết giành
nhau mua cà rem cây, nước đá nhận lúc ra chơi năm mươi năm về trước
chưa chịu ngưng mà còn hỏi tiếp cho tới nơi tới chốn:
Anh ở đâu?
Thì ở đây chớ ở đâu nữa, Việt Nam thì chị biết rồi.
Ở đây là ở đâu, nói rỏ cho tôi biết coi có trùng nữa không?
Ở Camden town London.
Anh ở London hả, ở nước Anh này à?
Chớ chị ở đâu mà hỏi vậy.
Tôi ở Canada, chuyến bay này từ Canada ghé đây mấy tiếng để rước
thêm khách rồi bay nữa.
Ồ, thì ra vậy, tôi cứ tưởng chị cũng ở Ăng Lê này.
Thế là trước lạ sau quen, người xa lạ kế bên gợi chuyện làm quen
bằng tiếng "mẹ ghẻ" broken English mà chưa đầy mười phút
sau đã trở thành người bạn phân nửa "trăm năm" của tôi
rồi, hai mái đầu "tang" chụm vào nhau rù rì trao đổi đủ
thứ chuyện trên đời, những chuyện xưa thật xưa mà ngay chính bạn
"mày tao" cũng không thể nào xưa hơn được. Cô bạn "mới
làm quen"chân tình cởi mở:
Tôi với anh ở cùng đường, cùng chợ, học cùng trường, cùng lớp, biết
nhau cả nửa thế kỷ mà đây là lần đầu tiên mới nói chuyện với nhau
phải không, nghỉ cũng ngộ quá ha. Rồi triết lý:
"Ở gần nhau thấy nhau hoài thấy xa lạ, ở xa nhau thấy nhau
lại thấy gần nhau" là vậy.Tôi dám chắc nếu tụi mình vẫn còn
ở Việt Nam cũng sẽ "gặp nhau làm ngơ" như hồi nhỏ vậy,
chắc cũng chưa nói chuyện với nhau lần nào. Anh còn nhớ nhỏ Hội
ở Ngọc Tiểng không, lúc ở VN hai đứa chỉ cách nhau một con đường
mà không bao giờ băng qua nói chuyện với nhau, qua bên này cách
nhau ngàn dặm, tôi bên Canada còn nó bên Mỹ, mà cứ vượt biên giới
thăm nhau hoài, chạy cả chục giờ xe mới tới. Chưa chiu dứt chuyện
"kỳ ngộ" cô bạn tôi tiếp:
Còn chuyện này nữa cũng ngộ luôn: tôi với anh mỗi người mỗi nước,
mua vé đâu chọn chỗ ngồi mà vẩn được sắp xếp ngồi kề bên nhau, đúng
là "trái đất tròn" phải không anh?.Tôi không ừ tán đồng
mà còn "kê"ngược lại:
Nếu quà thật "trái đất tròn"như người đời thường nói thì
giờ này tôi với chị không gặp lại nhau mới phải. Tại"trái đất
méo " nên xui khiến tôi với chị mới tình cờ gặp nhau trên chuyến
bay này.
Ủa, anh nói gì mà kỳ cục vậy, tôi không hiểu chút nào?
Thế là tôi cà kê dê ngông kể lại câu chuyện ba mươi năm không gặp
cũng chưa gặp, ba mươi ngày sắp gặp cũng mãi mãi không thấy nhau
để dẫn chứng chuyện"trái đất méo" của mình! Rồi kết luận:
Chị thấy không nếu thật sự "trái đất tròn" thì giờ này
tôi đang lái xe ra phi trường để gặp lại thằng bạn ba mươi năm không
gặp của tôi rồi chớ đâu có ngồi đây nói chuyện với chị được!
Cô bạn yếu lý đành im lặng chấp nhận lý sự gàn của tôi. Tôi lại
lý sự tiếp:
Ngồi gần chị tôi còn thấy một chuyện hay này nữa: hồi đó tới giờ
tôi thấy luật cộng trừ trong toán học như "trừ" gặp "trừ
" thành "cộng"đem ra ứng dụng ngoài đời không đúng
chút nào. Thí dụ như tôi đói, chị đói, hai người ngồi gần nhau đâu
có hết đói được, nhưng lần này tôi thấy nó lại đúng cho tôi với
chị: tôi buồn, chị buồn, hai người có cùng có nỗi buồn như nhau
ngồi gần nhau mà lại...đỡ buồn có đúng không?!... một nụ cười méo
thoáng hiện trên đôi môi héo!
Hết chuyện này là bắt qua chuyện khác ngay:
Hồi xưa anh làm gì?
Đi lính,
Lính gì?
Hải quân
Còn chị?
Tôi dạy học.
Đi Hải Quân, chắc theo tàu đi năm 75?
Đâu có, tôi ở lại mới dại chớ
Ở lại có bị cải tạo không?
Có chớ, làm gì tránh nổi
Mấy năm?
Ba năm. Chỉ nghe thế thôi là cô bạn bật miệng nói một hơi thật tự
nhiên, không cần suy tư làm tôi chưng hửng, chới với:
Vậy là rớt rồi, ba năm còn thiếu phải hai năm nữa mới đủ.
Tôi trố mắt kinh ngạc gân cổ cải:
Chị nói gì kỳ vậy, tôi không hiểu nổi, chắc tại chị chưa ở tù ngày
nào nên mới nói như vậy. Ở qua rồi sợ lắm chị ơi, nhất nhật tại
tù thiên thu tại ngoại mà, tù ba năm là dư quá chừng rồi mà chị
nói gì phải hai năm nữa mới đủ, Chưa chịu ngưng tôi còn bồi thêm:
Lẽ ra chỉ có mười ngày mà phải ở tới trên một ngàn ngày lận, "hoắc"
cả trăm lần rồi, thiếu ở chỗ nào?
Cô bạn vẫn giữ vững lập trường tiếp :
Tôi nói thiệt đó, phải đủ năm năm... H O mới nhận, thiếu mấy tháng
cũng không được, rồi cười chế riễu tôi:
Anh ba năm kể như rớt rồi, hồ sơ bỏ vô sọt rác. Tôi có con bạn chồng
cải tạo bốn năm mà còn bị chê chưa đủ chỉ, ở lại buồn thúi ruột,
tiếc hùi hụi, ước ao phải chi chồng nó ở thêm một năm nữa thì sướng
biết mấy, đổi đời lên hương rồi. Bởi vậy tôi nói phải năm năm mới
đủ là vậy anh thấy có đúng không? Đến phiên tôi đuối lý, chịu chấp
nhận chuyện nghịch lý từ cổ chí kim chưa bao giờ nghe: ở tù đừng
mong về sớm, càng lâu càng tốt, phải đủ năm năm mới thành chánh
quả, cuộc đời mới lên hương, bà xã mới hài lòng. còn độc đáo hơn
chuyện"trái đất méo"của tôi nữa. Tôi im lặng chào thua
cái nhìn xác thực...tế của bạn mình!
Đúng là duyên "kỳ ngộ" phân nửa "trăm năm" nên
mới được ngồi gần nhau ăn ngủ tại chỗ cơm nước tận nơi nói chuyện
"trên trời". Nói liên hồi, nói mệt "ngủ", nói
như "trả bữa" chuyện năm mươi năm biết nhau mà mới nói
chuyện nhau lần này... lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng. Xong
chuyện xứ mình xứ người mà máy bay vẫn còn bay thì bắt qua chuyện
dài vượt biên để giết tiếp thời giờ. Hai người kể nhau nghe cuộc
hành trình gian lao nguy hiểm dài mấy ngày mấy đêm trên biển để
quên đi cuộc hành trình chỉ độ nửa ngày trên trời mà cho là dài
thăm thẳm chiều trôi!. Tôi nghe được câu chuyện thương tâm của bạn
mình phải thủy táng đùa con trai đầu lòng ở cuối cuộc hành trình
và chuyện "vui" gặp hải tặc Thái Lan:
Tụi tui bị cướp bao nhiêu lần nhớ không nổi, hết chiếc này tới chiếc
khác, cướp tới độ tụi nó không cần qua ghe mình, đến gần là tụi
tui thẩy đồ qua, chưa đủ thì thẩy tiếp, nó chỉ thứ nào mình thẩy
thứ đó, sau cùng nó chỉ bịch đồ tui đang ôm, tui thẩy qua, chúng
mở ra coi rồi... thẩy lại, nhờ vậy mà lên đão có đồ thay. Cô bạn
"tả chân" thật hay, thật hấp dẫn, thật sống động, ngồi
trên máy bay gập ghềnh trên không mà cứ tưởng như đang ngồi trên
ghe lắc lư trên biển đêm vậy. Còn tôi kể lại chuyến đi hãi hùng
dài lê thê lết thết cả tháng trời trên biển chớ không phải mấy ngày
mấy đêm. Cuộc hành trình với đày đủ hỉ nộ ái ố trên đời, từ chuyện
sợ chết quá không muốn vào bụng cá phải tử chiến với hải tặc Thái
Lan đến chuyện chét máy lênh đênh trôi dạt mấy chục ngày không có
hột cơm trong bụng từ Bắc bán càu vượt xích đạo qua Nam bán cầu
mà cũng cứ trôi hoài trôi mãi ngoài khơi chớ không không chịu dạt
vào bờ, đến lúc tuyệt vọng xắp chìm thì được vớt lên. Ra đi ghe
bầu mà được vớt lên từ ghe Thái là vậy! Chuyện "vui" đêm
cuối trên chiếc ghe nghiêng gần "sờ "được biển nghe những
người nằm la liệt kế bên trao đổi nhau niềm lo chết đói mà quên
đi nỗi sợ... chết chìm:
Chắc điệu này tụi mình chết cũng thành ma đói luôn quá, không ai
báo tin thì nhà biết chết ngày giờ nào mà làm đám ma đám giỗ?
Tao không lo chuyện đó, tao sẻ hiện hồn về báo mộng ngày giờ chết
để nhà làm thất cúng cơm đàng hoàng, tao còn dặn cúng thêm cho tao
chè sôi nước mà mà phải đựng bằng tô canh và viên nào viên nấy phải
to bằng nắm tay mới được, thèm ngọt quá mày à! Chuyện "hi hữu"
muốn chết mà cũng không được của người cha trẻ tuyệt vọng ôm đùa
con nhỏ đòi ăn khóc hoài không nín nhảy xuống biển tự tử để lại
người vợ trẻ cũng đang ôm đùa con thơ khóc sửa nhưng không chìm
mà cứ lờ đờ lơ lửng trôi làm những người khác "ngứa mắt"
phải nhảy xuống vớt lên. Cứ thế câu chuyến kéo dài đến khi xuống
đất mới thôi. Đến Thái Lan tuy hai người cùng chuyến bay về VN nhưng
khác chỗ ngồi nhưng chúng tôi vẩn phải chia tay vì cô bạn phải theo
người hướng dẫn ở phi trường do chồng gởi gắm lúc mua vé. Gặp nhau
lại ở duty shop là bắt chuyện liền:
Nó để tui ngồi một mình dặn đừng đi đâu nhưng chán quá nên tui chạy
đại ra đây.
Còn lâu mới tới giờ, hơn ba tiếng nữa, chị đừng sợ, có gì theo tôi
cũng về đến nơi.
Anh mua gì chưa?
Bình thường thì tui mua rượu thuốc nhưng chuyến này tôi chỉ mua
một chai aux de perfume mà thôi
Bao nhiêu?
35 pound
Là bao nhiêu dolla Canada?
Khoảng 50 dolla Mỹ
Chai nhỏ mà giá đó chắc cũng tốt, nhưng anh có nhiều em gái lắm
mà, ai cho,ai bỏ, mích lòng, khó lắm, phải mỗi đúa mỗi chai mới
được. Tôi tỉnh bơ trả lời:
Tôi mua cho má tôi.
Ủa anh nói má anh mất rồi mà, bộ tính nói chuyện kỳ cục gì nữa đây?
Thiệt mà, tôi mua chai này để trên bàn thờ má tôi nhưng dặn các
em tôi đùa nào có tiệc tùng gì muốn thơm tho thì lạy má trước rồi
mới xịt sau, làm kiểu này để dụ tụi nó về nhà thường xuyên.
Anh nói vậy nghe cũng được, chắc tui cũng mua một chai về cho ba
tui.
Mua sắm xong cô bạn tôi lại vội vã chia tay chay về chỗ củ sợ người
hướng dẫn đi tìm, chắc từ đây mãi mãi không thấy nhau vì sẽ không
có chuyện trái đất tròn hay trái đất méo lần thứ hai nữa đâu. Tuy
còn quá sớm nhưng biết được "gate" để lên chuyến bay của
mình là tôi đi liền. Nơi chờ đợi lèo tèo chỉ có vài người, chung
quanh dẫy đầy những hàng ghế trống. Sợ trống vắng nhập tâm, tôi
lấy cuốn kinh hơi thở ý thức của thầy Nhất Hạnh ra đọc để hướng
dẫn tư tưởng. Một phụ nữ đứng tuổi đến ngồi đối diện. Vừa ngưng
đọc gấp sách lại để "tiêu hóa" lời kinh: "thở vào
tâm tỉnh lặng, thở ra miệng mỉm cười, an trú trong hiện tại, đời
sống đẹp tuyệt vời" xem có nổi không thì người đói diện gợi
chuyện bằng tiếng mẹ đẻ liền:
Tôi rất thích làm phước, ở VN thấy ai nghèo khổ khó khăn là tôi
giúp đỡ liền, đi đường thấy miểng chai bể là tâm tôi cũng không
yên, sợ người ta đi qua đạp lên tôi nghiệp, tôi vô mấy nhà kế bên
hỏi mượn cái chổi quét gom lại một chỗ an toàn mới yên tâm đi. Tôi
im lặng không biết nói gì thêm chỉ lầm thầm trong bụng: giúp đỡ
người nghèo khó mình làm được, chớ mượn cái chổi quét miểng chai
chắc làm không nổi. Việt kiều ai làm chuyện đó
Anh từ đâu về?
Từ Ăng Lê, còn chị?
Tôi từ Mỹ, ngưng một lát rồi tiếp:
Về chuyến này buồn chết đi được, không biết chừng nào mới lấy lại
tâm hồn. Tôi lại nhủ thầm trong bụng: "lại thêm một bầu tâm
sự gì nữa đây!". Không biết... ai buồn hơn ai nhưng tôi cũng
an ủi:
Về buồn thì đi vui, luật bù trừ là vậy, chớ về vui thì ra đi quyến
luyến buồn lắm chị ơi. Kinh nghiệm lần về trước của tôi là vậy!
Về mà có ngày đi như anh thì còn nói gì nữa! Tôi ngạc nhiên không
hiểu bà Việt kiều Mỹ này muốn nói gì nên hỏi lại ngay:
Về mà không có ngày đi thì chị về làm gì,?
Dạ, tại vì tôi qua Mỹ là đi du lịch, tôi mang hộ chiếu Việt Nam.
Chưa kịp nói gì thì người đói diện tiếp tục xổ bầu tâm sự:
Tức lắm anh ơi, lẽ ra gia đình tôi cũng ổn định cuộc đời ở Mỹ rồi,
tụi tui nằm năm năm ở trại Songkla mà phải trở về lại, tiêu tan
tài sản, tan nát cuộc đời. Đến khi về rồi thì những người ở lại
về sau lại được Mỹ nhận. Tôi đi du lịch qua Mỹ ăn đám cưới đùa cháu
con bà chị. Ở nhà bà chị hai tuần còn mấy tháng còn lại ở với bạn
bè cùng trại, biết tôi qua, họ tiếp đãi rất nhiệt tình, thương tình
họ hùn tiền đài thọ tất cả mọi chi phí, chở tôi đi thăm khắp nước
Mỹ, qua cả Mexico, người nào người nấy bây giờ đều khá giả cả, thấy
họ mà tủi cho mình. Nghe đến đây tôi biết ai buồn hơn ai rồi nên
tiếp tục an ủi:
Chị đi du lịch mà ôm một khối sầu như thế về thì khó sống lắm, phải
quẳng nó đi để vui sống chị ơi. Ở đâu cũng vậy, nhất là ở lứa tuổi
này, hơn nhau ở chỗ vui buồn trong tâm mà thôi, bởi vậy tôi mới
đọc thứ này, thấy bề ngoài của họ như vậy nhưng chưa hẳn họ sung
sướng hơn chị, làm túi bụi, lo ngập đầu, họ không rảnh rang đi chơi
mấy tháng trời như chị đâu. Tôi ở lâu nên rành chuyện này lắm rồi,
A nh đi năm nào?
Tôi đi năm 79.
Lúc đó phải trả mấy cây.
Tôi không trả gì hết, tôi là tài công.
Xưa kia anh làm gì mà biết lái tàu hay vậy.
Tôi trong Hải Quân.
Vậy hả, Hải Quân thì tôi quen biết nhiều, anh biết Trung Tá Sơn
ở Đồng Tâm không, ổng là bạn thân của tôi.
Dạ không biết, thời đó tôi mới Trung Úy, như vậy bạn chị thuộc hàng
chỉ huy trưởng của tôi rồi
Thiệt đó, hồi đó tôi có cái quán ở gần căn cứ Đồng Tâm, mấy ổng
ra quán tôi hoài, mỗi lần có party tổ chức trên câu lạc bộ nổi trên
sông là mấy ổng đều mời tôi tham dự, Party thật vui, tài tử giai
nhân, áo dài xanh bên áo trắng hoa biển thật là tình, Hải Quân mấy
anh đào hoa lả lướt lắm đến giờ tôi vẩn không quên. Nghe đến đây
tôi lén nhìn gương mặt người đói diện... lùi lại ba mươi mấy năm
về trước chắc cũng là một hoa khôi tỉnh lẻ chớ không phải thường.
Người nói với giọng trầm buồn chậm rãi, mắt nhìn xa vắng chắc chắn
không phải để nói những lời nói... "không mất tiền mua, lựa
lời mà nói cho vừa lòng tôi" nhưng là như gặp được một dịp
bằng vàng để nói lên tiếng lòng mình, nhắc lại kỷ niệm đẹp ấp ủ
trong lòng mấy chục năm nay mới tìm được... người nghe. Người nghe
như được rót mật vào lòng, không cần tập thở cũng thấy... tâm tĩnh
lặng, miệng mỉm cười! Đang mệt mỏi nghe được lời "nâng bi"
từ đôi môi khô héo của cô hàng nước mấy chục năm xưa mà cũng tỉnh
hẳn lại, bởi vậy mới ráng viết thêm đoạn này để bạn bè mình đọc...
"bồi dưỡng"!. Không chừng trong đám OC nhà mình xưa kia
đóng ở Đồng Tâm dám có người chiều chiều cũng mò ra quán trồng cây
si nhưng không dám "thả dê" vì thấy cái nón "rong
rêu" trên két thâu tiền cô chủ! Nhờ vậy mà nơi chờ đợi đầy
ấp người lúc nào không hay.
Trên một tiếng đồng hồ sau là trở về vùng trời kỷ niệm. Vùng trời
mà một thời mình phải xả thân giữ gìn và một thời mình phải liều
mạng... bỏ đi, một thời mà mình khổ đau tự hỏi làm sao sống xa được
nó và một thời mà sáng thức dậy mở mắt ra vẫn còn thấy nó là...tan
nát cõi lòng! Quê hương hay ngục tù cứ lẫn lộn mãi trong tôi từ
dạo đổi đời đó. Không biết đúng sai thế nào? ngục tù sao xa lại
nhớ?, quê hương sao gần lại sợ?, nhiều lúc muốn xóa bỏ hai chữ ngục
tù đi để lấy lại quê hương trong lòng như thuở lên năm cắp sách
đến trường chớ đừng bôi bác như thời năm mươi bôn ba hải ngoại như
thế này mãi thì tội nghiệp cho hai chữ Việt Nam lắm. Rời phi cơ
bước vào ngưỡng cửa đất nước là biết liền!
Hoàng Quốc Việt
|