Biên khảo văn học
Tác giả: Hoàng Thiếu Khanh
Chẳng những đẹp, Kiều còn đa sầu đa cảm, tự tay nàng soạn bài ca
"Bạc mệnh". Phải chăng đây là dấu hiệu báo trước số phận
hẳm hiu của nàng về sau? Nhân đi lễ Thanh Minh, tình cờ thấy một
nấm mồ vô chủ bên đường, Kiều đã động lòng trắc ẩn:
Rằng sao trong tiết Thanh Minh
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?
Qua lời kể của Vương Quan, Kiều biết được tên nàng này là Đạm
Tiên, một kỹ nữ tài sắc một thời nhưng không may mất sớm khi còn
tuổi thanh xuân. Có người khách phương xa nghe tiếng tăm Đạm Tiên
định tìm đến để ngưỡng mộ thì hỡi ôi:
Thuyền tình vừa ghé đến nơi
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ
Buồng không lặng ngắt như tờ
Dấu xe ngựa đã lờ mờ rêu xanh
Hai câu đầu rất hợp ý hai câu thơ Đường:
Nhất phiến tình chu dĩ đáo ngạn
Bình trầm hoa chiết dĩ đa thời
( Một mảnh thuyền tình vừa ghé bến
Bình chìm hoa gãy đã lâu rồi! )
Khi còn sống thì xôn xao yến anh ngoài cửa, khách khứa tấp nập
đầy nhà; khi chết đi rồi chỉ còn là một nấm mồ hoang vô chủ bên
đường, lạnh lung hương khói. Nghe xong câu chuyện đời Đạm Tiên,
Kiều đầm đìa giọt lệ khóc thương cho thân phận đàn bà:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Phũ phàng chi bấy hóa công
Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha
Rồi nàng đốt nén hương khan nguyện người quá cô. Niềm thương cảm
dâng lên dào dạt, Kiều rút trâm cài đầu đề thơ trên một thân cây
gần đó:
Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
Lại càng ủ dột nét hoa
Sầu thương đút nối châu sa vắn dài
Một người vô tư như Thúy Vấn không thể nào hiểu nổi tâm trạng
Kiều lúc đó, trách chị "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa".
Kiều khư khư tin rằng hồn Đạm Tiên còn lẩn khuất đâu đó và hiểu
cho lòng mình:
Kiều rằng những đấng tài hoa
Thác là thể phách, còn là tinh anh
Như đề khẳng định điều ấy, hồn ma Đạm Tiên hiển hiện về liền sau
đó:
Ào ào đổ lộc rung cây
Ở trong dường có hương bay ít nhiều
Dè chừng ngọn cỏ lần theo
Dấu giày từng bước in rêu rành rành
Kiều càng lai láng lòng thơ, bèn sang tác thêm một bài cổ thi.
Nhịp cầu tri âm vừa mới thiệt lập giữa kẻ dương gian và người chín
suối. Kể từ giây phút đó, hồn ma Đạm Tiên đóng một vai trò quan
trọng trong suốt quãng đời mưa gió của Thúy Kiều.
Giữa lúc chị em Kiều còn tần ngần sắp ra về thì một văn nhân chợt
xuất hiện, cưỡi ngựa câu ( ngựa con) màu trắng:
Đề huề lưng túi gió trăng
Theo chân có một vài thằng con con
Chàng này không ai khác hơn là Kim Trọng, một con nhà thế phiệt
trâm anh, và cũng là bạn đồng môn của Vương Quan.
Phong tư tài mạo tuyệt vời
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa
Kim Trọng đã từng nghe tiếng đồn đại rằng gia đình họ Vương là:
Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều...
và đã hằng nhớ trộm yêu thầm bóng hồng từ lâu, chỉ mong được gặp
tận mặt người đẹp. Chữ "hai Kiều" đây ám chỉ hai người
đẹp thời Tam Quốc là Đại Kiều và Tiểu Kiều, một người là vợ của
Tôn Sách, một người là vợ Chu Du. Trong thơ Đỗ Mục đời Đường có
hai câu:
Đông phong bất dữ Chu lang tiện
Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều
(Nếu gió đông không thuận như chàng Chu Du dự tính
Thì có lẽ hai người đẹp đã bị nhốt muôn đới trong đến Đồng Tước!)
...để nhắc lại trận Xích Bích nơi Chu Du đánh Tào Tháo.
Từ xa chàng Kim đã nhác thấy bóng hồng:
Xuân lan Thu cúc mặn mà cả hai
Đúng là tài tử giai nhân hội ngộ, mới gặp mà đã vương vấn, đam
mê:
Người quốc sắc kẻ thiên tài
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Rốn ngồi không tiện, dứt về chỉn khôn
Tuy nhiên, giây phút gặp gỡ đầu tiên thật là ngắn ngủi:
Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo
Dưới dòng nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Chỉ có với bốn câu mà Tố Như đã diễn tả được nét tình tứ nên thơ
và niềm lưu luyến, nuối tiếc của buổi chia tay đột ngột. Hai câu
chót có lẽ đã mượn ý từ hai câu thơ Đường:
Nhất cừ Xuân bích lộng sàn sàn
Lục liễu kiều biên yểm ánh gian
(Một dòng nước biếc gờn gợn chảy
Liễu biếc bên cầu phơ phất bay )
Đêm đó Kiều trằn trọc không ngủ được, cứ nhĩ ngợi bang khuân về
lần gặp gỡ ban chiều. Nàng tự hỏi không biết đời mình có hoa trôi
bèo dạt như đời Đạm Tiên không. Rồi lại nghĩ đến chàng Kim mà thắc
mắc rồi đây có duyên nợ gì không:
Người đâu gặp gỡ mà chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Thúy Kiều mệt mỏi ngủ thiếp đi và mơ thấy Đạm Tiên về báo mộng
rằng Kiều có tên trong Sổ Đoạn Trường ( danh sách những người bạc
mệnh )
Phần Kim Trọng, đêm về cũng tương tư, nhung nhớ:
Tuần trăng khuyết, dĩa dầu hao
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng
Buồng văn hơi lạnh hơi đồng
Trúc se sợi nhỏ, tơ chùng phím loan
Mành tương phơn phớt gió đàn
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình
Chiều ngày hôm sau đó, quá thương nhớ người yêu, Kim Trọng tìm
ta chỗ cũ nơi gặp gỡ đầu tiên.
Nhưng cảnh thì còn đó, nhưng người thì chẳng thấy đâu. Có chăng,
chì có ngọn gió chiều hiu hắt trong bờ lau san sát. Rồi chàng lang
thang đi về xóm nhà Kiều. Chàng thẫn thờ đứng trước cổng nhà họ
Vương:
Thâm nghiêm kín cống cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh
Lơ thơ tơ liễu buông màng
Con oanh học nói trên cành mỉa mai
Mấy lần cửa đóng then cài
Đầy thềm hoa rụng biết người ở đâu
Bốn chữ "cạn dòng lá thắm" do tích xưa Vu Hựu đời Đường
đi dạo chơi có bặt được một chiếc lá đỏ từ cung vua trôi ra theo
chiếc cống dọc thành nội. Trên lá có đề thơ. Vu Hựu đề thơ đáp lại
rồi thả chiếc lá xuống dòng nước chảy. Chiếc lá lại trôi vào cung
vua và cung nữ Hàn Thị bắt được. Sau vua phóng thích 300 cung nữ
ra. Vu Hựu lấy được Hàn Thị và khám phá ra rằng ngày xưa bài thơ
trên lá đỏ là do nàng đề ra. Còn chữ "dứt đường chim xanh"
là do điển tích Hán Vũ Đế một hôm thưởng hoa trong vườn ngự uyển
thì có hai con chim xanh bay đến. Cận thần Đông Phương Sóc tâu rằng:
Đây là sứ giả của Tây Vương Mẫu. Quả nhiên trong chốc lát, Tây Vương
Mẫu hiện đến.
Chàng Kim của chúng ta cứ đứng tần ngần trong thế hầu như tuyệt
vọng. May sao ngay phía sau nhà Kiều có một thương gia tên là Ngô
Việt bán buôn phương xa nên vắng nhà luôn. Chàng bèn viện cớ du
học để thuê căn phòng trong nhà ấy rồi đề huề đàn sách dọn sang
ở cạnh nhà Kiều. Rồi từ đó ngày ngày chàng trông ngóng có dịp gặp
gỡ người đẹp:
Song Hồ cửa khép cánh mây
Tường đông ghé mắt, ngày ngày hằng trông
Đợi chờ mòn mỏi gần hai tháng trời thì một buổi đẹp trời, Kim
Trọng thấy thấp thoáng bóng hồng...
Chàng bèn...
Buông cầm, xốc áo vội ra
Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh
Lần theo tường gấm dạo quanh
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa
Thì ra trong lúc đi đâu vội vã, Kiều làm vướng chiếc thoa cài
đầu trên một cành đào. Đúng là duyên may nghìn năm một thuở. Chàng
Kim liền với lấy chiếc thoa đem về mân mê, ngắm nghía. Tờ mờ sang
hôm sau, Kim Trọng đã chờ sẵn vì biết thế nào Kiều cũng ra tìm chiếc
thoa đánh mất ngày hôm trước. Quả nhiên
Tan sương đã thấy bóng người
Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ
Chàng bèn lên tiếng ướm lòng từ bên kia tường:
Thoa này bắt được hư không
Biết đâu hợp phố mà mong châu về
Rồi hai bên bắt chuyện làm quen và trao đổi vật kỷ niệm:
Sẵn tay khăn gấm quạt quì
Với cành thoa ấy tức thì đổi trao
Phút tao ngộ bao giờ cũng ngắn ngủi, vội vàng:
Một lời gắn bó tất giao
Mái sau dường có xôn xao tiếng người
Vội vàng lá rụng hoa rơi
Chàng về viện sách, nàng dời lầu trang
Kể từ giây phút ban đầu lưu luyến ấy..
Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ
Sông Tương một giãi nông sờ
Bên trông đầu nọ, bên chờ mối kia
Mối tình của Kim Trọng và Thúy Kiều lúc bấy giờ chẳng khác cảnh
huống trong Tình Sử:
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy
(Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau nhưng chẳng thấy
Cùng uống nước sông Tương )
( Còn tiếp)
|