Vũ Hoàng Thư
Khi những đám mây trắng cuộn tròn bay theo từng cơn gió tháng
ba như mời mọc, người thấy lòng mở ra những mốc điểm chon von ủ
giấu đã lâu mà nay có thể đã khô héo hoặc cũng có thể mọng chín
chờ một nhịp điệu rung. Xuân ngoài kia như khởi điểm cho những âm
ba chờ đợi để tiếp lời. Có nhiều điều thật sự muốn nói như nụ xanh
chờ bung cánh. Có cánh chim đang vươn chờ một làn khí nóng để nương
theo mà vỗ mãi đến tận trời xanh. Biển trong xanh và nắng ấm, không
còn những sương mù che chân hải đảo ở ngoài xa. Santa Barbara hình
như bừng sống với những nụ mới trong tôi. Tôi nghe lời thầm thì
từ những con sóng bạc kéo chậm vào bờ, chân rêu đang bám vào đá
tìm ánh dương mà trồi lên. Biển ở đây không cay nồng như những mùi
hương quá khứ còn đọng lại ở thính giác của những vùng biển thân
quen phía bên kia bờ đại dương. Luôn luôn thấy thiếu, kẻ lưu đày
không khi nào hài lòng, hầu như cái gì cũng không thể so sánh được
với cái quê hương đã mất của hắn. Nhớ chồng chất nhớ, từ đó nuôi
dưỡng sự sống mới sinh sôi, vũ trụ bắt nguồn ở những mạch ngầm quyện
đan trong quá khứ để tái tạo nên cái xung động của hiện tại ngất
ngây. Nếu con người hay vạn vật phải theo một chu kỳ nào đó, mùa
xuân sửa soạn đất trời nhưng lòng người không chỉ đổi thay dễ dàng
theo một dấu hiệu của tiết thời. Cái ấm không làm tan những mảnh
băng nếu mùa đông vẫn còn vương vấn tâm tư. Rất đơn sơ và dễ hiểu.
Mùa hoa dạ lý vùng Montecito của những tháng tết đã qua, đây là
một khu giàu có nằm kề Santa Barbara, dành cho những thị dân mà
cuộc sống bon chen hàng ngày không còn là mối bận tâm của họ. Monticeto
trong những tháng đầu năm thơm ngát dạ lý hương khi đêm về. Mùi
gọi thính giác cho hương tìm trí nhớ. Rất xa xưa, đêm mờ ảo, trăng
chếch chơi vơi, len lỏi mùi hoa bưởi của vườn khuya chờ dáng bước
ai về. Hoa thoảng đưa và đêm rất sâu huyền hoặc. Từ đó người muốn
hát những lời ru. Đêm mời trăng đuổi xua bóng tối, em thành trăng
diệu vợi cõi người. Dưới chân Montecito dọc theo xa lộ, lòng vịnh
mở ra ôm chầm lấy hết cả khung trời. Ph. và tôi vẫn thường dừng
lại bên lề đường, tản bộ theo bờ đá rồi chúng tôi ngồi ngắm biển.
Lòng mặt vịnh một màu trắng xóa, trăng và sóng gắn bó bọt bèo theo
từng cơn nước dợn. Con sóng dâng, cuộn đứng kiêu kỳ, vỗ vào bờ thành
hoa trắng quay cuồng trong ánh trăng rồi tan biến thật bình thường
trên bãi cát. Cõi người ta hóa ra cũng là những thành trụ dã tràng
xe cát với đầy đủ hỉ nộ cho đến một ngày kia nào ai tránh được sự
trở về thế giới hoại không ? Tôi nghe rần trong mọi sớ thịt một
điệu múa thần kỳ của một loài hoa sóng nhấp nháy hàng vạn tỉ dưới
ánh trăng rồi cũng trong nháy mắt vạn tỉ hoa tan hòa vào biền cả
nhường lại cho một lớp mới tượng hình... Có chăng một kiếp luân
hồi? Có chăng những thần tinh của nghìn nghìn vạn đại vẫn soi dõi
suốt cõi mênh mông ngoài đại thiên thế giới? Con trâu trắng Thái
Thượng Lão Quân cởi đi về nơi huyền chi hựu huyền đã tới chốn, hay
vẫn còn nhởn nhơ gặm cỏ bên lề ngây ánh trăng thơ ? A ha! Đạo khả
đạo phi thường đạo, trăng là trăng thôi còn là trăng ! Hãy quên
những điều khả và bất khả, có phải từ khi em là nguyệt, đèn
thắp sáng trong tôi ? (*) Chúng tôi ôm chầm lấy nhau mà cười
vỡ giòn trong đêm trăng...
Ven biển dẫn đến Santa Barbara dọc theo triền núi rực vàng bông
dại. Những đồi vàng làm tôi đến nhớ mùa xuân năm ngoái ở Limeil,
vùng ngoại ô Paris, ngát vàng hoa đông lài (winter jasmine) và hoa
mận trắng. Limeil dựa bên đồi, đôi lúc ủ sương mù và mưa bụi làm
ngày trắng lên của một Đà Lạt mộng mị. Ly mây, vẫy tay chào sương
khói mây xanh để cất cánh bay lên khung trời thẳm, nơi anh T.V.
và cô Y.L. đã cho tôi những ngày thanh thản lang thang suốt dọc
Paris.
Đầu xuân, bước xuống Paris là kéo theo một mảng không màu khói.
Paris tháng ba trời chì như không gian chùa những mùa lễ. Đường
hẹp và phố cao, dưới đôi mắt ngước, trời quện mây thành chân dài
đến cuối đường như khói nhang bay. Hoa vàng nở rộ từng mọi góc đường,
không gì khác hơn ngoài một màu vàng của đông lài. Cây cối vẫn còn
trơ trọi cành không, dán lên bầu trời mây xám những ngón tay phù
thủy xương khô bấu víu trước khi nụ xanh của xuân trở về. Đàn bồ
câu sà xuống từ mái thiếc xanh rêu giành giựt thức ăn từ du khách.
Chim thành thị không còn phải bận tâm kiếm mồi, thức ăn đã được
làm sẵn, đêm ngủ mái nhà, cùng với loài người lười biếng trong nền
văn minh tiêu thụ. Tôi lội bộ dọc theo bờ sông, ghé vào tiệm Shakespeare
nhìn những kệ sách cũ, nghe câu thơ của Thi Vũ chạy về từ những
mùa xuân khi tôi còn là một đứa bé ở quê nhà, chưa biết thế nào
là mùa xuân xa,
nắng hanh lên đuổi lạnh
một chút xanh loang trời
mùa xuân nơi đất khách
ấm mấy cũng nao người
(Mùa xuân xa)
Mùa xuân xa, mùa xuân khi ta ở xa nước, mà cũng có thể mùa xuân
chưa bao giờ thật sự về khi xuân và quê hương vẫn còn là hai điểm
trên những tuyến song song, cho nên xuân chỉ thấp thoáng và xuân
ở mãi xa. Xuân nhớ nhà, xuân thèm mái ấm, úm khói của bếp lửa quay
quần. Đất dựa, sống nhờ mấy chục năm vẫn là đất khách, nên xuân
mãi nao nao. Nao nao là cảm giác khó diễn tả bằng lời. Tôi nao lên
vì tôi thấy thiếu nhưng hỏi thiếu cái gì thì tôi không có lời giải
đáp, chỉ thấy nghèn nghẹn ở cuống họng. Nao nao làm bụng dạ dâng
lên, màng cách mô ép vào tim và buồng phổi thành ra khó thở và bần
thần. Từ đó nhớ hiện lên, nhớ tìm đường trở về. Từ đó nhớ một khoảng
xanh loang trời đầu xuân quê cũ, nhớ nắng hanh đầu ngỏ đợi mẹ chợ
về.
Tìm một quán bên góc đường, gọi ly cà phê, nghe ngày Paris dậy
lên những chân bước. Người là người, thiên hạ đổ xô ngoài đường
nhưng ta vẫn tìm thấy được một thế giới riêng của chính mình ở trong
quán, tìm thấy lại được cái nhàn tản của những ly cà phê ở Saigon
dạo nào. Có lẽ đây là một điểm kỳ lạ của quán cà phê Paris hay tại
tôi quá chủ quan chăng. Ngôi giáo đường cổ bên kia đường sừng sững
soi bóng trên mặt sông im lắng tạo nên một cảnh trí siêu thực. Có
hết đủ đền đài, cổ thành in bóng dáng, người đưa mắt đuổi theo những
ánh nước chạy đua với cánh chim xa dần theo dòng nước. Bờ đá lát,
những bước chân gõ nhịp khô và cũ, cũ như thành phố, cũ những bước
tình nhân dưới mạn cầu đâu đó đã mấy thế kỷ qua. Không thể không
nhớ đến Apollinaire, Sous le pont Mirabeau coule la Seine /
Et nos amours... (Dưới cầu Mirabeau sông Seine chảy / Và tình
ta cũng cuốn trôi theo). Câu thơ được nhắc đi nhắc lại thành sáo
mòn vẫn thấy mới mỗi lần ta đứng trên cầu sông Seine. Dọc bờ sông
nhà chi chít mái, những khung cửa sổ trổ mắt nhìn xuống dòng sông,
thường đóng im ỉm. Đời im ắng hay đời xoi mói nên ta chỉ mở mắt
nhìn vào những lúc thật riêng tư ? Những gác xép leo tận cùng sát
mái dành cho giới lao động, sinh viên nghèo và biết đâu những nghệ
sĩ đại tài nhưng vô danh vì đời cứ kềm chặt họ dưới mái thấp nóng
ran của hạ và cóng lạnh đông miên . Từ gác xép, vuông cửa hoen ố
thành một nơi đối chọi để nhìn thấy đời lận đận bon chen bên dưới
và một khoảnh trời không đang gọi mời ở bên trên. Ôi tự do và sáng
tạo, vùng đất hứa dành cho kiếp nghệ sĩ nòi tình là khoảng không
bao la để họ tha hồ dành quyền sở hữu mà không một ai thèm chen
chân. Moi qui criait famine... Et toi qui posait nue...
Tôi lạc giọng về nỗi đời cơ cực... Em phô thân vì cơm áo qua ngày...
Giọng Charles Aznavour "đặc biệt Tây" chan chứa chất nhựa
của những ly crème đầu ngày vang lên trong một chiều Montmartre
nghe buồn và cay đắng về một kiếp Bohème, nghệ sĩ nghèo đói lang
thang. Nắng vàng cuối ngày làm rực sáng thánh đường Sacré Coeur
một màu trắng thanh khiết trên đồi Montmartre và trải dài xuống
xóm bình khang Pigalle tấp nập phồn hoa đang bắt đầu bước vào thế
giới về đêm bên dưới.
oOo
Gió rộ bất thần đầu mùa xuân ở thành phố biển, hực một cách bất
thường. Đêm choàng tỉnh nửa chừng vì cái táp nóng da và những vi
vu nghe rất quen. Khung cửa sổ rung lên bần bật, tôi đếm bước căn
phòng nghe lòng khuya chầm chậm đi. Chuyến xe lửa chạy qua thành
phố giữa đêm rền rĩ tiếng còi não nuột. Mũi nồng lên vì không khí
ấm, tôi nghe chút hơi hám nhiệt đới mơn trớn làn da, tìm lại cảm
giác lạ kỳ của những mùa gió nóng xưa cũ tưởng chừng đã quên. Rất
lạ, tôi tự hỏi xuân đã gần hay vẫn ở xa...
Vũ Hoàng Thư
tháng tư, 2003
(*) Nguyệt ca, nhạc TCS
|