SỐ 18 - THÁNG 4 NĂM 2003

 

Thư tòa soạn

Thơ

Thấy mơ hồ một chiến hạm ra khơi
Nguyên Nhi
Gió tháng ba
Vũ Hoàng Thư
Thử hỏi
Nguyễn Toàn Vẹn
Tơ hoàng hôn
Sông Kiên
Đêm địa đàng
Huỳnh Kim Khanh
Những đóa hoa cờ
Tóc Tím
Những mẩu rời
Trần Quang Phước
Đã tàn rồi dấu binh lửa
Ngọc Trân
Tình đầu
Mắc Cạn
Thơ gởi Tuyết
Ngô Minh Hằng
Bốn mùa
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
Thế hệ 75
Hoàng Mai Phi
Giấc mơ hoa
Tân Văn

Truyện ngắn, tùy bút

Người tù chăn bò ở Gia Trung
Phan Thái Yên
Xuân đã gần hay ở xa
Vũ Hoàng Thư
Người lính
Phạm Hồng Ân
Hai hòn
Nguyên Nhi
Đi trong mây
T.H.
Tân Tây du ký
Phong Nhĩ Dị Nhân
Những người còn ở lại
Cỏ Biển
Cô đơn
Hoàng Quốc Việt
Chùm hoa dại
Hoàng Mai Phi
Lá thư không gởi - Kỳ 5
Trương Thanh Diễm Thùy - Bảo Lộc
Cửa sổ tâm hồn
Trần Phương
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư
Mắm suốt Hà Liên
Trương Thanh Diễm Thùy - Bảo Lộc
My childhood moment
Long Nguyen

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 5
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 12
Huỳnh Kim Khanh


 

Hai hòn

 

MỘT

Thực ra thì thằng chả cũng có một cái tên tươm tất như ai. Rất đẹp nữa là khác! Đẹp và oai không kém những cái tên rất oai và rất đẹp như Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh hay Lê Duẩn..Có điều ít ai gọi chả bằng cái tên nặng mùi kiếm hiệp ba xu đó. Mấy tay vệ binh gọi thằng cha là Hai Viên. Anh Hai Viên. Cũng dễ hiểu thôi: thằng cha ấy là con trưởng trong một gia đình Nam Kỳ ba đời gốc nông dân và là Chánh Trị Viên đội tôi. Hai Viên là anh Hai Chính Trị Viên. Giống như người ta gọi tắt lao động cải tạo là ..."lao cải". Và nếu lúc "lao cải" mà đói quá, bạn có kiếm thêm chút cóc nhái ễnh ương, rau dại để "cải thiện sinh hoạt thì đó là bạn đang ..."cải hoạt". Vậy thì Viên không phải là tên. Đó là nghề của chàng.
Cần phải đánh một dấu ngoặc thật to, thật sớm tại đây, không thôi lại có người nhột nhạt về hai chữ "đội tôi".

Tháng năm năm bảy lăm ở huyện tôi có hơn trăm sĩ quan rã ngũ "tự giác" ra "trình diện chính quyền cách mạng" để được đi "lao cải". Sau khi cách mạng cách ... hơn chục mạng thuộc "thành phần không thể giáo dục được", tụi tôi được "tái nghiên cứu, tái thanh lọc" nghĩa là được cân đo đong đếm "mức độ tội ác đối với nhân dân" để "nhân dân có mức độ xử lý thích đáng". Nghĩa là phải "lao cải" bao niên. Tội ác ngập đầu là mấy ông sĩ quan biệt phái giáo dục, là lính thày giáo, vì đã "đầu độc cả một thế hệ, nhồi nhét cho tuổi trẻ những tư tưởng chống phá cách mạng": Bắc tiến mút mùa cho ta! Nhẹ nhàng hơn hết là hai mươi tên lính tác chiến hẳn hoi, trong có kẻ hèn này, vì chỉ là "những con chốt thí, bị chủ nghĩa tư bản giãy chết đẩy ra chiến trường để làm bia đỡ đạn". Tôi khoái cái cách "tùy theo mức độ nặng nhẹ mà xử lý" này. Tôi nghĩ cứ kiểu ấy thì ngài Tổng Thống - Đại Tướng khả kính của tôi phải vô tội. Tôi lầm! Ngài phải lao cải vất vả trăm bề ở dinh Hoa Lan của ngài! Chỉ mới nghĩ đến chuyện phong lan có hàng mấy trăm loại mà tôi phát đau. Không hiểu tại sao tuổi già sức yếu mà ngài có thể kham nổi kiểu lao cải khổ sai này. Vậy đã thôi đâu! Mấy tháng sau ngày bị cu cộng đày đến một nơi chốn rừng thiêng nước độc. Cu Cộng đẩy ngài đến tận cùng cái tử cung của chủ nghĩa thực dân cũ: Ba Lê.

Vậy là xóm nhà lá hai mươi mạng tụi tôi được giao cho một trung đoàn Vẹm "quản lý". Trên "đả thông" rằng chúng tôi sẽ làm cái công việc "lao dịch" (có phải là lao động...ôn dịch không hở trời?) mà "quân đội nhân dân anh dũng ta" không huỡn mó tới. Rằng "dù đất nước hay đã hoàn toàn được giải phóng, bộ đội ta trung với Đảng, hiếu với dân vẫn còn phải ngày đêm miệt mài với sự nghiệp cách mạng thế giới, quyết cắm lá cờ bách thắng lên hang ổ cuối cùng của chủ nghĩa tư bản là dinh tổng thống Hoa Kỳ".

Sáng hôm ấy, "một buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh" của Thanh Tịnh, năm tay bộ đội mặt mũi non choẹt, âu yếm thúc AK vào hông chúng tôi, áp giải chúng tôi đi trên con đường quê nhỏ. Con đường hai cây số từ trụ sở Ủy Ban Quan Quản Huyện X đến hậu cứ Trung Đoàn Y này "tôi đã qua lại lắm lần, nhưng lần này tự dưng tôi thấy lạ": hôm nay tôi thực sự bị tó. Cái đội C kỳ cục ra đời. Mấy tay "vệ binh" đó sau này có nhiệm vụ cao quý là bảo vệ chúng tôi, đề phòng "nhân dân đòi nợ máu". Về mặt tư tưởng thì đã có một nhân vật kiệt xuất sắc khác, nhân vật chính của câu chuyện kỳ khôi này, chăm sóc.
Nhân vật ấy, Hai Viên, vâng, chính anh Hai Chính Trị Viên, đã gây cho tôi một ấn tượng ban đầu tốt đẹp. Bộ ka-ki Nam Định là sản phẩm độc đáo của giai cấp công nhân ta! Mũ lưỡi trai chí nguyện quân Trung Quốc! Giày bốt chiến lợi phẩm tịch thu của đế quốc Mỹ! Súng ngắn Tiệp Khắc xã hội chủ nghĩa anh em! Một sự phối hợp thần tình! Vậy, phải vậy chớ! Tôi không bao giờ chịu tin rằng kẻ thù của mình chỉ là một lũ nón cối, dép râu, răng hiên, mã tấu như mấy nét hí họa trên tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa. Người ta bảo: "hãy nói cho tôi biết về kẻ thù của anh, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người như thế nào", hay đại khái như thế, phải không? Lúc nào tôi cũng ước ao có một kẻ thù tương đối tươm tất, đẹp trai! Tuy nhiên, phải đợi đến mấy tháng sau nữa, tôi mới vừa ý thêm một chút. Khi thằng cha tìm được chiếc mũ khác vừa vặn hơn, có thể che trọn mái tóc chôm chôm và đôi giày bốt Mỹ số nhỏ hơn để bước đi bớt phần lóng cóng.
Về khoản đẹp trai thì Hai Viên làm tôi khá thất vọng. Mọi sự đang tốt lành, nghĩa là thân hình gày gò đang rất hợp với khuôn mặt loắt choắt, chiếc cằm nhọn đang rất cân đối với đôi môi mỏng dính, cặp mắt ti hí đang rất hài hòa với chiếc mũi đón mưa, thì bỗng dưng tạo hóa lại cắc cớ chơi khăm: giấu mất cặp lông mày! Như để phản đối sự nghịch ngợm của đấng sáng tạo, lúc nói chuyện thằng cha chỉ ngửa cổ nhìn trời, đôi mắt nhướng nhướng để họa chăng ngài ngưng ngay cho sự lí lắc của mình. "Chào các...đồng chí! Í quên, còn lâu mấy người mới là đồng chí của tụi này", thằng cha phạt một bàn tay trong không khí như đang chém cổ một kẻ thù vô hình. "Mấy người biết chế độ quân quản là...cái gì không? Đúng, mấy người đang do quân đội quản lý! Mà quân đội thì...mấy người biết ra sao rồi. Kỷ luật sắt! Kỷ luật thép! Chống đối hả? Phụp! Trốn trại hả? Đoàng! Không có tòa án nhân dân chi cả, lôi thôi lắm! Đấy, quân quản...đấy!"

Chúng tôi cũng gọi thằng cha là anh Hai Viên cẩn thận. Lúc vắng mặt thì gọi trống là Hai Viên. Cho đến hôm tụi tôi đi phá trái mìn còn sót lại dưới dạ cầu bắt ngang chợ huyện. Trái mìn bộ đội đặc công chôn đãy từ hồi mồ ma nào không biết, suốt cả thời gian chiến tranh không chịu lên tiếng cho, đến khi hòa bình rồi vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Một anh bạn tù, Cà Khều, bỗng nảy ra một ý kiến "đột xuất thiên tài": Viên hay hòn gì cũng vậy, cũng dẹp dẹp, tròn tròn, sao không gọi Hai Hòn cho tiện?" Từ đây, thằng cha Hai Viên nói chuyện không hở hàm răng ấy mang một cái tên mới. Cái tên định mệnh: Hai Hòn.


HAI

Công bằng mà nói, trong số các "cán bộ khùng", thì Hai Hòn, theo tôi, là tay dễ chơi hơn cả. Ít ra thằng cha cũng cống hiến được cho chúng tôi những trận cười lộn gan lộn ruột. Dĩ nhiên là cười thầm. Cười ra nước mắt. Cười trong nước mắt!
Hôm nọ trời mưa lâm thâm, một anh bạn tù của chúng tôi bị ngất xỉu vì "lao cải" quá "khẩn trương", mấy tay vệ binh điệu anh ta về lán để tạm "an dưỡng". Ở đấy, anh ta gặp Hai Hòn. Hai Hòn đang "kiểm tra an ninh", nghĩa là lục tung đồ đạc tù binh để xem có dấu "khí tài" chi không, quắc mắt: "Ê, anh kia! Anh tưởng đây là ổ đĩ hay sao mà mặc áo đi mưa ... vào đây?" Anh bạn tù tội nghiệp của tôi hết hồn, cởi áo mà không hiểu tại sao Hai Hòn bỗng dưng trở ngón khó chơi như vậy. Cho đến buổi tối, lúc họp tổ rút kinh nghiệm, chúng tôi được một bạn tù khác cho biết thêm một nghĩa dị hợm của chùm từ "mặc áo đi mưa". Cả bọn cười quên ngủ!

Nhưng bọn tôi không cười Hai Hòn được lâu. Thằng cha thông minh hơn chúng tôi tưởng nhiều! Bằng chứng là mấy hôm sau, tôi vẫn gặp Hai Hòn mặc áo đi mưa mỗi khi vào trạm xá có cô "chiến sĩ gái" làm y tá. Cô y tá có thân hình phì nhiêu, màu mỡ mỗi tháng một lần vẫn xuống lán chúng tôi để làm cái nhiệm vụ "lương y như từ mẫu" ấy mà! Trong đời hiếm khi tôi gặp một phụ nữ phúc hậu như vậy. Đến bây giờ, tôi, một kẻ đau ốm kinh niên, vẫn còn mang ơn cô ta! Đối với người phụ nữ đức hạnh này thì có lẽ Hai Hòn không cần mặc áo đi mưa theo cái nghĩa kỳ quái kia. Cứ mỗi khi tôi khai sổ mũi nhức đầu thì y thị rất ân cần nhờ một vệ binh cất công hộ tống tôi đi nhổ một mớ cỏ cú. "Về mà nấu xông, hiệu nghiệm lắm", đôi mắt y thị lại lờ đờ như thể đang ngồi trong phòng tắm hơi, "bộ đội ta nhờ nó cả đấy!" Đau bụng hay thổ tả thì cũng nên dùng linh dược này. Nhưng cách dùng khác hẳn: nhai.

Còn chuyện này cũng thuộc loại khôi hài đỏ. Có một anh bạn tù nhí nổi hứng sao đó làm một bài thơ tình tứ gởi về cho vị hôn thê đang mòn mỏi chờ ngày về của một công dân tốt tương lai. Tên cô này là Thủy thì anh ta lại không gọi là Thủy cho tiện việc kiểm duyệt của Hai Hòn, mà anh ta lại cắc cớ viết là H2O. "H2O yêu dấu", trời ạ! Thế là hôm sau đội tôi có một buổi "lên lớp khẩn trương" trước giờ lao động khổ sai.
"Bây giờ mà... hôm nay mấy người vẫn còn liên lạc với đồng bọn bên ngoài bằng... mã tự!" Hai Hòn ngưng một chút như đợi thần kinh chúng tôi căng đến cực độ. Bỗng thằng cha chém một phát vào không khí. Cái đòn karate đáng bất ngờ bằng cạnh bàn tay phải này tưởng có thể làm gãy cổ tức khắc một con trâu. Cho dù là con trâu đực chín trăm ký đang hùng hổ đẩy đít con trâu cái trước sân kia. "Hát Hai Mươi là ai? Tôi hỏi mấy người chớ Hát Hai Mươi là ai?" Hai Hòn lại ngưng một chút, nuốt ực nước miếng như cố kìm hãm sự phẫn nộ sắp bùng. "Ta cho mấy người biết, trong chiến tranh, hơn hai triệu quân Mỹ và chư hầu với đủ loại khí tài tối tân diệt chủng, diệt sinh, diệt môi trường sống mà còn không làm gì được nhân dân ta thì bây giờ và... hôm nay đừng nói chi... Hát Hai Mươi! Cho dù Zét Hăm Tám hay Ô-ét ét Trăm Mười Bảy... gì gì đi nữa thì cũng phải đền tội với nhân dân mà thôi". Theo sau mỗi tiếng gằn giọng là một cú Karaté bất hủ.

Sau mấy ngày "làm việc" với bộ Chỉ Huy Trung đoàn Vẹm và sau khi "trên" đã bỏ bao công sức, xác minh được rằng "Hát Hai Mươi" chỉ là cô Thủy ốm yếu hiền lành tội nghiệp, anh bạn tù thi sỡi nghiệp dư của tôi được tạm yên. Hai Hòn "chủ trì" buổi họp thứ hai "gút gọn" vấn đề.
"Các anh xa nhà mới mấy tháng đã nảy sinh ... tư tưởng yếu hèn. Còn tụi này, trường ky kháng chiến chống Mỹ cứu nước mấy chục năm mới gặp lại người thân thì... đã sao nào? Thơ với thẩn... ủy ma ủy mị...!" Hôm nay Hai Hòn đã bớt sắc lạnh chút ít. "Bác Hồ dặn... "trong thơ phải có thép", là "nhà thơ phải có thép", là "nhà thơ phải biết xung phong". Tình yêu của mấy người chỉ gói trọn trong tình yêu trai gái! Có đọc Ba Mươi Năm Đời Ta Có Đảng của thi hào Tố Hữu chưa? Có nghe Bác mình ca ngợi Đảng trong bài Đảng Ta không? Này:

Đảng ta vĩ đại như biển rộng như núi cao
Ba mươi năm chiến đấu và thắng lợi biết bao nhiêu... tình
Đảng là đạo đức, là ... văn minh
Là thống nhất, độc lập...hòa bình ấm no
Công ơn Đảng thật là ... to
Bao nhiêu năm chiến đấu Đảng là cả một pho lịch sử... bằng vàng..."

Hai Hòn ngưng rên ư ử, rồi đưa tay vỗ trước. Cái bàn tay từng ra những đòn Karaté chết người ấy bây giờ mới dịu dàng làm sao! Chúng tôi vỗ tay theo, lại nghe có tiếng chắc lưỡi hít hà. "Nhất trí cao độ!"

Buổi tối, Cà Khều, lại Cà Khều đưa chiếc mồm cả năm không có kem đánh răng mà nhai vào tai tôi: "Mẹ, thơ tình mà có thép thì chuyện tình ắt phải có... lựu đạn dao găm! Bác đã dạy thế nên đếch có anh văn nô cu Cộng nào dám mó tới thơ tình. Thơ hỡi là... thơ!" Rồi nó cười nắc nẻ. Một tay vệ binh đang ắc ê tuần rảo trước sân, quát: "Ê, khuya rồi! Cha nào còn tuyên truyền ồn ào chi đó? Mai tự giác làm tờ kiểm điểm!"
Cũng chẳng phải người ta khó khăn chi đâu. Ngay cả nếu nửa đêm có rọi đèn vào mặt làm chói mắt bọn tù binh: mới mấy hôm trước có một tay chơi bạo, nửa đêm lấy mảnh chai cứa bứt gân cổ tay rồi ngâm cả cánh tay trong chậu nước. Vậy mà cả lán không ai hay! Sáng hôm sau, trên gương mặt xanh lè của cái xác ngồi ấy, chúng tôi còn thấy loang lổ những vệt nước mắt mới vừa khô. Khổ nỗi, lúc sống không dám cười thành tiếng mà lúc chết cũng chỉ biết khóc âm thầm!


BA

Một năm sau, khi vợ tôi lên thăm nuôi lần đầu thì tôi được biết thêm chút xíu về gia thế Hai Hòn, "Anh Hai người quê mình. Hồi đó ông nội ảnh với ông ngoại em là... bạn chăn trâu với nhau đó!" Lúc bấm bụng quay lưng về trại với mớ thức ăn lỉnh kỉnh do "người" tiếp tê, tôi còn thoáng thấy người lăng xăng bi bô bi ba với Hai Hòn. Tối ấy, trong ánh sáng nhá nhem của ngọn đèn dầu Hoa Kỳ trên bàn viết của Hai Hòn, tôi có buổi "làm việc" riêng tư đầu tiên với con người cách mạng ba đời ấy.
"Vậy là cha ở... cùng quê với mình đấy!" Đôi mắt ti hí của Hai Hòn vẫn bận rộn theo dõi đàn muỗi đói đang vo ve vây bủa tứ bề. Lâu lâu thằng cha chụm bàn tay khô đét đánh bộp một tiếng trên gương mặt đen choắt, rồi lại lật lật mấy tờ giấy học trò. Mấy tờ này thì tôi đã quen quá: đó là tờ lý lịch cá nhân mà tôi đã tự khai đến lần thứ chín, thứ mười chi đó. Theo "yêu cầu của trên"!
"Tui nghiên cứu hồ sơ thấy cha ghi còn sơ sài quá! Chỗ liên hệ với cách mạng sao cha không khai đầy đủ vào? Gia đình cha cũng là gia đình... cách mạng đấy!" Tự nhiên Hai Hòn phán một câu như đinh đóng cột! Tôi thót bụng lại. Phản ứng giống như một võ sĩ quyền Anh bất ngờ bị một đòn ngang thắt lưng. "Hồi đó lúc ông nội thằng này đã được cơ cấu vào cấp ủy Miền, vẫn nhờ ông ngoại vợ của cha đưa tin cho bà nội của thằng này hoài. Vậy thì bên vợ cha là... gia đình cách mạng chớ sao! Bản thân cha vẫn quan hệ tốt với cách mạng đấy! Cha về làm lại tờ lý lịch cho đúng yêu cầu. Có thể được xét tha sớm đấy!"

Rồi bỗng Hai Hòn trở nên thân thiết hơn với tôi. Thằng cha tỉ tê nhắc lại cái vùng quê "cật ruột" chỉ cách đây hơn chục cây số đường chim bay, quê vợ tôi. Cái vùng quê mà, theo lời thằng cha, thằng cha đã trải qua cái "tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán, cái "nắng bỏng lưng trâu" của Tố Hữu. "...Nhưng nói thiệt mà nghe, hồi đó mình có được giác ngộ con mẹ gì đâu!" "Anh Hai nói giỡn!" Tôi lại thót bụng lại. "Không, thiệt đó! Cũng tại... mê súng ngựa trời, theo mấy thằng du kích xã! Theo chơi vài lần rồi hết dám về, sợ đám dân vệ đó. Sau này tất cả cũng nhờ Đảng giáo dục thôi!" Tôi hoàn toàn ở trong thế thủ. Tôi biết thằng cha này sắp tung ra một chiêu thức lạ lùng độc địa chi đây. Thôi, ậm ừ là tốt nhất! Cái ngón "vô chiêu thắng hữu chiêu" này tôi đã có dịp sử dụng nhiều lần. Kết quả xem ra rất đáng khích lệ.
"Bây giờ cách mạng đã thành công, đất nước đã nối liền một giải..." Thằng cha hơi ngần ngừ, tay vẫn vân vê tờ khai lý lịch của tôi. "Mình sắp được trên phân công... về phục viên, lo việc sản xuất ở địa phương ta." Đến đây giọng thằng cha trở nên bùi ngùi chi lạ! "Mình sẽ về... quê mình. Quê vợ cha đấy! Ráng mà lo học tập cho tốt, sớm về cùng nhau xây dựng đất nước. A, hèm... trước mắt cha có thể làm điều này... à, cha theo dõi mấy tay kia, có thấy tư tưởng gì dao động... à, hay là những biểu hiện già mà... à, có thể gọi là không tiến bộ thì... là... cha có thể báo cho mình biết. Nếu cha có một vài thành tích như vậy mình có thể xin cho cha về sớm đấy!"
À, ra vậy! Trong đời, tôi chưa bao giờ là một người hùng. Tôi chưa thử làm một anh hùng. Tôi biết tôi khá yếu đuối. Đôi khi tôi nghi là mình hèn. Nhưng chắc chắn tôi chưa làm điều ác. Tôi cố giữ mình tránh xa điều ác, cho nên cái mục... "làm ăn-ten" này thì... tôi im lặng.
"Khuya rồi, thôi cha về. Suy nghĩ kỹ nghe! Tùy cha cả đấy! Mình chỉ muốn giúp cha thôi. Đó cũng là cách giúp mấy anh em kia cải tạo tốt hơn. Để trên có biện pháp giúp họ sớm tiến bộ ấy mà!"

Tôi có "suy nghĩ kỹ" và nhớ lại những ngày đâu tiên "tự giác ra trình diện với nhân dân". Tôi biết rõ "cái biện pháp giúp đỡ" của cách mạng! Tôi biết cái "sớm tiến bộ" kiểu ấy là sớm đi tới đâu! Cách mạng muốn... cách thêm vài cái mạng nữa! Chỉ cần tôi cho mấy chả một lý do.
Có điều khá phiền là sau cái đêm hôm ấy, đối với tôi, bạn bè tù có phần kiêng dè. Cái cung cách của họ, lời ăn tiếng nói của họ, cho tôi biết điều đó. Đến đợt thăm nuôi thứ hai tôi uất ức thố lộ điều này với vợ tôi. Người nhẹ nhàng: "Em cũng muốn anh về sớm... phụ với em một tay. Bây giờ quê mình cái gạo cũng bữa có bữa không. Phải độn khoai đó! Cái ăn em đem cho anh là do em dắt con nhỏ đi... buôn lậu đấy! Nhưng làm ác thi đừng nghe anh!" Rồi người khóc rấm rức. Tôi sợ hết hồn khi nghe đến màn "buôn lậu". Tôi nhớ những pha vượt suối băng rừng, thanh toán đẫm máu trên màn ảnh xi nê... "Không, chỉ là bó vào người dăm ký thịt heo mang đi SàiGòn lấy lời thôi", người giải thích. Tôi đã hoàn hồn nhưng một nỗi xốn xang mới lại chợt đến: có thêm mười ký thịt heo ở mông, ở đùi, thân hình còm nhom của người trông sẽ cân đối đẹp đẽ ra, biết đâu lại có thằng cán bộ còm nào đó nổi máu dê xồm? Tôi cũng lộn gan lộn ruột với ý nghĩ sẽ có thằng cán bộ nào đó nhờ tham ô mà đớp nổi mấy miếng thịt heo tẩm mồ hôi thơm tho của người...

...Nhưng rồi, với thời gian, các bạn tù cùng hiểu ra, và tôi lại là người mà mọi người có thể tỉ tê tâm sự. Cà Khều đêm đêm lại có dịp đưa hàm răng lác đác cái mất cái còn vào tai tôi: "Ê, Hai Hòn nó bị cho về vườn đấy! Trên của nó bảo là nó thiếu... văn hóa! Thì phe phái cả thôi, vấn đề Bắc Kỳ, Nam Kỳ cả thôi chớ lũ nó thì đứa nào có văn hóa đâu! Tin mật đấy! Tao nghe từ mấy thằng vệ binh!"
Kể ra thì Hai Hòn cũng trọn vẹn với tôi. Ngày về quê thằng cha từ giã tôi cẩn thận. Dù gì thì tôi cũng sẽ về (nếu có "về" được) một quê với thằng cha mà! "Tôi đã đề nghị giảm án lao cải cho ông", thằng cha vớt cú chót. "Thôi ráng nghe! Hẹn gặp lại nghe!" Rồi cái thằng người dép đứt râu, quần bạc màu cứt ngựa, áo sơ mi bết mủ chuối, nón cối bung vành ấy vội vội vàng vàng leo lên chiếc xe đạp cà tàng Trung quốc. Hình ảnh Hai Hòn uốn éo, loi choi trên chiếc xe đòn dông cao ngòng ấy là hình ảnh cuối cùng tôi ghi nhận được trong sự nghiệp lừng lẫy chống Mỹ cứu nước của Hai Hòn.
Còn cái thời gian "lao cải" của tôi thì tàng tàng cũng không dưới ba năm. Cái khoảng thời gian lê thê ấy lúc chấm dứt làm tôi nhẹ nhõm bao nhiêu thì về sau này lại làm tôi tiếc rẻ: tôi trở nên nhỏ bé trước những nhân vật nặng ký chơi một lúc chín, mười cuốn lịch. Tôi thán phục sự chịu đựng về thể xác và tinh thần của họ. Bên cạnh sự kính trọng họ có điều gì đó giống giống như sự tự trách mình. Nhưng không sao, nếu cha Maxime Gorki mà lũ văn nô Cộng Sản thờ phượng như ông cố tổ ấy có thể gom nhặt những mẩu chuyện vớ vẩn để viết cái "Những Trường Đại Học của Tôi" thì tại sao thời gian ba năm ôn dịch kia lại không thể là một thứ "Siêu Đại Học" của tôi chứ? Nhưng thư thả đã, ở đây tôi chỉ lược lại những tình tiết có ăn có chịu với nhân vật kiệt xuất Hai Hòn.


BỐN

Tôi về nhằm hôm xã làm "lễ xuống đồng". Bước xuống xe lam, qua khỏi cụm tre đầu ngõ, tôi đã thấy lố nhố người là người. Hình như người quê vợ tôi tụ tập ở đây cả. Cờ xí biểu ngữ đỏ rợp mấy bờ trâm bầu. Bầy con nít lóc chóc hát nhại theo chiếc loa phóng thanh đang léo nhéo mấy bản nhạc huê tình, "Anh ở đầu kinh em cuối kinh. Uống chung dòng nước mất vệ sinh. Xa nhau đã chín ba mùa lúa..."

Đoàn trâu và người bắt đầu xuống ruộng. Theo sau con trâu tiên phuông làm một dáng người loắt choắt quen quen. Trông anh ta hùng hổ tay cày tay roi tôi liên tưởng ngay đến những chiến sĩ La Mã sau cỗ xe đua trong phim Ben-Hur tôi xem hồi nhỏ. Sát khí đằng đằng! Oai phong lẫm lẫm! Trót! Trót! Hê, hê... Ví... thá! "Cái ngữ này thì được mấy nả! Năm phút là thở hộc máu ra cho mà coi!" Một cụ già lầu bầu. Đúng phóc! Anh ta vừa giở chiếc nón lá ra, tay quệt mồ hôi trán.
"Í, Hai..." tôi giật mình.
"Ừ, anh Hai chính trị viên hồi đó đó anh", vợ tôi tiếp lời. "Bây giờ ổng là chủ tịch hợp tác xã nông nghiệp ở đây."
"Nhưng sao mấy tháng này mà cày vỡ?" Tôi chưa hết ngạc nhiên.
"Đổi mới rồi, làm ba vụ mà anh! Thôi, từ từ sẽ hiểu... Bây giờ chưa phải chuyện đó." Vợ tôi đỏ mặt, háy mắt, kéo tôi về hướng nhà. Ừ há, dù sao thì chúng tôi cũng đã... xa nhau không biết bao mùa lúa.

Buổi tối Hai Hòn cặp nách chai rượu đế ghé nhà tôi. "Mừng ông mới về", thằng cha xởi lởi. "A, anh Hai... giỏi quá", tôi ngượng nghịu, "hồi sáng thấy anh Hai... cày."
"Đù mẹ, mệt chết mẹ!" Hai Hòn thở ra. "Phải ráng cho tụi thông tin xã lấy mấy bô hình. Mình thì lúc nào cũng phải dẫn đầu, phải là nông dân tiên tiến, là... chiến sĩ thi đua. Xã mình lại là thí điểm của huyện. À... về cái chuyện ba vụ một năm đó mà! Nhờ vậy mà từ tập đoàn trưởng mình mới lên chức vụ này đấy! Cả... một vấn đề!" Thằng cha rượu vào lời ra, bất kể hơn ba năm xa cách mới gần nhau, tôi và vợ tôi cũng có... cả một vấn đề.
"Bắt đầu... cuộc chiến đấu mới rồi đó ông!" Hai Hòn bắt đầu lè nhè. "Đù mẹ, chỉ có mấy thằng già là nhiều chuyện, cứ bàn trớt quớt. Nào là phải cho đất nghỉ, thiếu phân, thiếu nước... Trung Ương đã quyết thì là phải... đúng thôi." Tôi đã nóng ruột. Vậy mà có lần tôi nghĩ rằng, thôi, hỡi Hai Hòn, chỉ ở trại cải tạo này thôi, tam sinh hữu hạnh ta mới có dịp gần ngươi.
"Tụi nó xầm xì là nhờ móc ngoặc mà mình leo lên được chức Chủ tịch Hợp tác xã này. Đù mẹ, đời chó đẻ... vậy! Thấy mình tài trí hớn là họ không chịu. Ông còn nhớ hồi ta... ở Trung đoàn Y không? Bọn nó ghen ghét mình nên đẩy mình về quê đấy! Ông... đấm cần! Đường ông... ông cứ đi. Ông sẽ ngoi lên cho mà coi. Làm chính trị quân sự thì ông còn lép chớ cái khoản làm kinh tế thì... chờ đấy!"

Tôi lại được chiêm ngưỡng cú Karaté trứ danh. Nhưng lần này Hai Hòn không chém vào không khí. Chiếc bàn vốn long long sẵn bỗng nhảy cẫng lên làm mấy con ốc luộc với lá sản rớt xuống sàn, lăn lông lốc.
Nhà tôi cách nhà Hai Hòn hai vuông đất. "Tội nghiệp ổng", vợ tôi phán, "ngày tối cu ky một mình với con chó mực ốm tong như chủ. Cũng buồn!" Nên tối tối Hai Hòn hay ghé qua tôi. Dù sao tôi cũng là người có "trình độ", lời Hai Hòn. Tôi lại khó chịu nghe thằng cha nói và nhất là có vẻ thông hiểu được "những tư tưởng lớn" của thằng cha. Hơn nữa, cha vẫn nhờ tôi chỉ giúp mấy bài toán mà chả mang về từ lớp bồi dưỡng cán bộ buổi tối ngoài huyện.
"Đù mẹ đánh lộn với cái x cái y còn... phiêu hơn đánh Mỹ cứu nước. Hồi tui ở bộ đội, mấy cái công thức tam khoan, tứ khoái nhất mãn... dễ nhớ hơn nhiều." Đến đây Hai Hòn bỗng hạ thấp giọng. "Vậy mà đồng chí Bí thư Tỉnh Ủy nói đánh Mỹ mà ta còn thắng thì cái khoa học kỹ thuật gì gì đó... nhằm nhò gì! Ngặt cái đồng chí Lê-nin còn chơi ác, chế ra cái công thức ngu - dốt - cộng - nhiệt tình - bằng - phá hoại nên ta... phải đi học thôi. Bác cũng nói: học, học nữa, học mãi..."

Thêm một lý do nữa để Hai Hòn năng lui tới nhà tôi: từ bộ vạc ọp ẹp ngoài hàng ba, Hai Hòn có thể ngóng sang căn chòi cô Út Năm ngủ mỗi đêm để chăn bầy vịt đẻ. Người phụ nữ điếc lác bẩm sinh này quả là một kỳ quan của xã tôi.
Ông bà già cô Út Năm sau khi khá mệt mỏi với năm đứa con sanh năm một, đặt tên đứa thứ sáu là Út với hy vọng sẽ chấm dứt chuyện nửa đêm chèo xuồng tìm bà mụ xã. Nhưng thiên đâu có dung... gian. Út...rồi Út nữa. Rồi Út ba, Út tư. Đến Út Năm thì bản tình ca của ông già ó đâm mới thực sự chấm dứt.
"Cái gì? Ra đồng hả? Tối rồi ra đồng làm gì? Hả, nói lớn lên! À, sao chưa có chồng hả? Còn lâu, xã này chưa có thằng nào đáng mặt. Có chồng cho đáng tấm chồng. Chồng tui phải là người... có chữ nghĩa, biết... mần việc nhà nước. Đừng tưởng dễ leo lên bụng con này." Ông bà già Út Năm thì lại phân bua theo điệu khác. "Chẳng là Út Năm lấy chồng trước sẽ làm mất duyên mấy chị nó." Cứ vậy mà cô Út Năm, gần bốn mươi tuổi đầu, vẫn còn... chòi không chiếc bóng.

Vợ tôi kể là Hai Hòn cáp được với Út Năm nhơ cho phép bầy vịt tự do ăn trên ruộng hợp tác xã mùa gặt. Xã viên khiếu nại lên mấy cấp mà chuyện chẳng đâu tới đâu. "Lộn xộn hoài, lúa vào bụng vịt rồi thì thịt vịt cũng thành thịt, thành trứng, thành... của cải vật chất xã hội chớ... có đi đâu đâu mà thưa với gởi." Chú Sáu Bí Thư Xã đã "xác định" vậy! Hơn nữa Út Năm có hẹp hòi gì với ai cho cam. "Cái chòi của Út Năm coi vậy chớ là một... chiêu anh quán..." dượng Tám trưởng Công An xã đã "minh định" vậy! "Về cái món vô địch xã mình." Bác Bảy chủ tịch xã cũng đã "khẳng định" vậy.

Cả cấp ủy ở xã này đã ưu ái ra sức thuyết phục để ông bà già Út Năm thôi ngăn cản Út Năm có chồng sớm hơn các chị nó. "Đồng chí Hai đừng lo, Đảng mà ra tay là... ăn chắc," bác Bảy chủ tịch xã trấn an Hai Hòn. Còn chú Sáu bí thư thì biết là "ăn chắc" từ khuya, đã định ngày tuyên hôn cho đôi trai tài gái sắc. Hôm mấy tay nhậu ở chòi Út Năm về ngang bờ đất nhà tôi, vợ tôi nghe cha Bí thư lè nhè với tay chủ tịch xã: "Nè anh Bảy, tui tính kéo cái thời gian... từ đây tới đó... cho lâu lâu một chút. Mẹ, thằng Hai coi vậy chớ... đoản hậu à nghen. Nó có... biểu hiện... được xôi rồi việc. Vụ Út Năm mình lo xong hết rồi là nó dám đá đít, cho mấy thằng già này ra rìa hết lắm á!" Hai Hòn không được nghe chuyện này, lúc nào thằng cha cũng về sau. Còn phải phụ với Út Năm dọn rửa chén bát chớ!

NĂM

Rồi Hai Hòn cũng tốt nghiệp cấp hai bổ túc văn hóa. Công lao này do tôi thì ít mà nhờ vào thằng cháu vợ tôi thì nhiều. Nó làm giáo viên huyện, phụ trách chấm thi. "Làm sao cho rớt được, dượng! Toàn là các đồng chí có công lớn với cách mạng cả. Phải bảo đảm dạy tốt học tốt chứ. Mà nếu có thằng nào xã này bị cháu cho trợt vỏ chuối thì có lẽ dì dượng phải dọn tiệm đi nơi khác mất thôi."
Rồi Hai Hòn cũng làm tiệc khao. "Đơn giản" thôi: cắt cổ con mực. "Êm đềm hơn đập đầu", Hai Hòn nói vậy. Thằng cha cẩn thận mời cả tôi để "tỏ lòng kính trọng ông thầy." "Ông thầy" hiểu rõ cái lối gọi ba que xỏ lá của thời đại. Nhất là khi được gọi qua cặp môi mỏng dính của Hai Hòn. "Bà thầy" làm phụ bếp cho Út Năm. Út Năm chơi đúng bảy món.
"Tiết canh Út Năm hết sảy!" Dượng Tám Công An Xã hít hà.
"Ê, dượng Tám già đầu rồi, nói năng nghiêm túc một chút", Hai Hòn nóng mặt. "Tiết canh Út Năm là tiết canh... làm sao?"
"Tao chữ nghĩa ít, nói vậy đứa nào hiểu sao thì hiểu", dượng Tám đổ quạu. "Đâu phải như ai... cũng tốt nghiệp cấp hai."
"Thôi đi mấy đồng chí!" bác Bảy chủ tịch xã nhỏ nhẹ khuyên giải. "Rượu vào càng nhiều càng phải cẩn... cái ngôn kẻo em cháu nó cười"...

Nhưng đó là chuyện khi đã lèng nhèng, còn trước lúc chơi ly khai mạc chú Sáu bí thư đã trịnh trọng tuyên bố: "Không khó đâu các đồng chí ạ! Thằng Mỹ mà ta còn đánh té nhào thì thằng văn hóa khoa học kỹ thuật gì gì đó... nhằm mẹ gì!"
Đường công danh của Hai Hòn xem ra trơn tru không kém đường học vấn. Là chủ tịch hợp tác xã, Hai Hòn có trong tay hai tập đoàn gồm hơn hai trăm xã viên và ba chục trâu bò. Lúa mùa xã tôi phải bỏ, thay vào đó là giống lúa "ưu việt" do Viện Khoa Học Nông Nghiệp Trung Ương cung cấp sau một thời gian dài được thử nghiệm và nhân giống trong... lon sữa bò. Phải làm ba vụ thôi! Cả nước! Nhắc lại, đó là quyết định từ Trung Ương.
Vụ đầu tiên... không mấy phấn khởi. Vụ thứ hai... chưa khả quan. Đến vụ thứ ba thì con nước lũ thường niên xóa trắng. Cả trăm con người, mưa dội trên đầu, nước xoáy thắt lưng, bì bõm vớt được một đống lúa lép nhẹp. Hai Hòn lập tức triệu tập phiên họp chỉnh đốn tư tưởng xã viên. "Phải làm, phải làm thôi, các đồng chí", một cú Karaté. "Các đồng chí không được giao động"... hai cú! "Các đồng chí phải an tâm tin tưởng vào lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng! Được một hai đấu lúa, thất thu bao nhiêu cũng phải làm! Để nhà nước có thể... in tiền! Nếu không đồng tiền mình sẽ bị... mất giá." Lúc Hai Hòn phang đến cái "kinh tế vi mô" và "kinh tế vĩ mô" thì tôi bỗng chột bụng dữ dội. Cái bụng vẫn sôi âm ỉ từ lúc Hai Hòn ngứa ngáy mó tới... vấn đề tiền tệ. Tôi chạy như điên ra khỏi cái nhà Kho Hợp Tác Xã trống lúa và đầy người. Tôi chạy ra đồng.

Gió mát! Nhẹ... lòng! Trong trí tôi lúc ấy, Hai Hòn bỗng thoắt trở thành người kế nghiệp vĩ đại của Mác và Ăng-ghen vĩ đại! Kinh tế gia Hai Hòn! Bác Hồ cũng đã có truyền nhân! Từ đây Bác có thể an lòng "nhẹ bước tiên". Tôi chắc vậy! Mác, Lê-nin và Bác phải ở cõi tiên thôi! Tôi tin vậy! Như Tố Hữu. Chỉ ở đó, thiên đàng, chỉ thượng đế, và các thiên thần, mới có thể cải tạo nổi mấy cha ấy. Quỷ sứ đã đầu hàng mấy chả từ khuya.

Sau cơn lũ, miệt quê tôi bị một cơn hạn khác thường. Mặt ruộng nứt nẻ như mặt ông già chín mươi. Gáo nước vừa hất lên đồng đã bốc hơi cạn sạch.
Cả trăm con người ngày đêm ra công đào kinh tưới, "thay trời làm mưa". Kết quả là, hai tháng sau, bao nhiêu... nước mặn vùng trên được dẫn về tiếp hơi cho đám ruộng cằn.
Một cuộc họp khẩn được cấp Ủy Tỉnh "đề xuất" để cứu nguy. Phải điều chỉnh phương án sản xuất thôi! Có dự cuộc họp này ta mới thấy sự ứng biến linh hoạt của Hai Hòn. Chàng đã "biến hận thù thành hành động, biến đau thương thành sức mạnh!" "Ta phải vươn lên... từ đống tro tàn! Phải lợi dụng thất bại vừa qua như một... sức bật! Xã ta phải... cất cánh! Đây là dịp để ta chuyển hướng sang... thị trường ngoại quốc! Ta sẽ xuất khẩu, thu về nhiều ngoại tệ. Hiện con tôm đang có giá. Khắp thế giới đang cần... tôm! Nuôi tôm là hợp với... xu thế thời đại! Tôi đề nghị... nuôi tôm nước lợ!" Cả hội trường như bùng vỡ. À há, khi những đỉnh cao trí tuệ ngồi ở bàn chủ tọa, những nhân vật vừa lãnh đạo vừa quản lý, đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô thì làm sao trăm xã viên chúng tôi dưới này, những ông chủ... trên răng dưới dế, lại không nhất tề hưởng ứng? Tại sao không? Bác đã dặn "vừa học vừa làm". Vậy thì chưa học cũng phải làm. Vì vừa làm... vừa học... thôi! Nếu đồng chí bác sĩ Ché có thể lãnh trọng trách bộ trưởng kinh tế (không phải y tế) trong chính phủ của đồng chí Phiđen vĩ đại, nếu đồng chí thi hào Tố Hữu có thể ngưng làm thơ bốc thơm Đảng để nhận nhiệm vụ Phó Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng đặc trách kinh tế tài chánh, rặn ra được cái chính sách giá lương tiền trứ danh kia thì tại sao Hai Hòn lại không thể đẻ ra cái kế hoạch nuôi tôm xuất khẩu rất hợp với... xu thế thời đại... kia chứ? "Đấy... tư tưởng cách mạng đấy! Con người thế mới là... con người cách mạng đấy! Dám nghĩ, dám làm! Biết, phải làm! Không biết, cũng làm! Làm rồi... sẽ biết!" Đồng chí Bí thư Tỉnh Ủy trong phần tuyên dương Hai Hòn đã nói vậy.

Khi ruộng đã biến thành hồ ao, Hai Hòn của tôi leo lên một chức vụ mới: Chủ tịch hợp tác xã Nông Ngư Nghiệp xã. Phiền một nỗi là vụ đầu... chưa khả quan. Xã tôi thu hoạch được một lô... tép! "Đù mẹ, thằng... khoa học tỉnh! Sao nó cung cấp... giống chó gì kỳ vậy?" Hai Hòn la làng. Rồi cũng xong! Khi ta biết "biến đau thương thành sức mạnh" thì gì gì rồi... cũng xong. Các phó tiến sĩ ở Ủy Ban Khoa Học Tỉnh rồi cũng nghiên cứu được một giống tôm chiến đấu cho Hai Hòn.

Rồi con tôm của xã tôi đủng đa đủng đỉnh... lớn khôn. Đầu tôm lư luyến nơi cắt rốn chôn nhau, ở lại quê nhà còn thân tôm thì mê thú biển rộng trời cao phiêu du đâu đó tận miền giá băng Liên Xô, Đông Đức... "Để nhà nước có cái bảo đảm mà... in tiền", Kinh tế gia Hai Hòn bảo thế! Nhưng... "Đù mẹ thằng Thương Nghiệp tính sao xuống nhận tôm hoài mà tiền đâu không thấy... ta?" Hai Hòn bứt rứt. Kẹt cái Trưởng Phòng Thương Nghiệp tỉnh lại là cháu vợ đồng chí Bí Thư Tỉnh nên nợ nần cứ cù cưa. Không sao, tỉnh nợ xã càng nhiều thì ghế của Hai Hòn càng vững.
Ngoài con tôm, xã tôi còn nổi danh về hai món khác: cá trê phi và cây bo bo. Hai Hòn ném cho tôi một chồng báo "Kiến Thức Khoa Học Phổ Thông" rồi đon đả: "Ê, ông thầy... Ông nghiên cứu giùm tôi giống bo bo nào chắc ăn nhất! Đây này, có mấy ông phó tiến sĩ gọi cây bo bo là cây cao lương. Chắc là cây lương thực... cao cấp chớ mẹ gì! Năng suất cao! Thích hợp cho mọi loại đất! Số một! Đù mẹ... lý tưởng! Còn đây nè, con cá trê phi... phương sách ưu việt để giải quyết nạn.... ô nhiễm môi trường." Từ đó, xã tôi, người người.... bo bo, nhà nhà... cá trê phi. Mọi kế sách của Hai Hòn đều được đồng chí bí thư tỉnh hậu thuẫn nên huyện xã đều nhất trí tán thành.
Có điều, không biết người khách thì sao chứ vợ con tôi không hợp với cá trê phi. Nhất là bo bo. Cũng may, chưa đến đỗi cùng đường! Dạo này trâu bò đã được trả về cho xã viên. Ruộng đâu nữa mà cày? Lệnh cấm giết trâu bò vẫn còn đó. Sức kéo "chủ yếu" mà! Nhưng trâu bò què chân gãy cẳng thì để làm gì? Khéo nói với dượng Tám Công An một tiếng là được! Lạ lùng là từ đó xã tôi cứ nay con bò anh Tư té mương, thì mai con trâu chú Ba lại sụp ổ gà. Khuya khuya tôi thức dậy sớm, bó vào mông vào đùi vợ tôi dăm ký thịt rồi đạp xe đưa người ra bến xe huyện. "Tui biết bà thày đi buôn Sàigòn chớ đâu! Thôi cũng được, ông nói bà thày cẩn thận với mấy thằng quản lý thị trường. Ông thày mà... cải hoạt được thì tôi cũng vui lây!" Hai Hòn cũng biết điều... đấy chứ!


SÁU

Thưa bạn, tôi không muốn làm bạn cụt hứng. Lại không muốn làm bạn buồn lòng. Cũng không muốn làm bạn bực mình nổi nóng. Rất tiếc tôi chỉ là một người kể chuyện tầm thường. Chuyện có sao tôi kể vậy. Rất tiếc, rất tiếc...kẻ bất tài này không biết thế nào là hư cấu. Nhưng tôi biết kể cho người khác một câu chuyện thì cũng thể như dọn cho người ta một món ăn. Câu chuyện đoản hậu cũng giống như một bữa ăn nửa chừng. Hãy tưởng tượng nếu người hầu bàn cho bạn nếm vài đũa, rồi bỗng dưng bưng đĩa quay lưng? Chưa bợp tai đá đít là may, còn nói gì đến tiền boa, tiền típ! Vậy mà... Hỡi ơi... Sụ thể... Số trời..
Sở dĩ tôi phải dông dài rào trước đón sau bởi vì câu chuyện của tôi đến đây phải bước sang một "bước ngoặt"... lãng nhách! Một "bước ngoặt" vô duyên! Hai Hòn... chết! Vâng, đang lúc hoạn lộ thênh thang, hoa tình duyên đang nở rực như vậy thì Hai Hòn bỗng lăn đùng ra... chết! Chết... thiệt tình! Chết bất đắc kỳ tử! Chết bi tráng, hào hùng! Bỏ chức Trưởng phòng Nông Ngư Nghiệp huyện ngon cớm đang được tiến cử. Bỏ cả Út Năm bổ béo thơm tho.

Xin thêm: tôi không phải là một nhà văn. Lại càng không phải là người viết phơ-ơ-tông. Hồi ở lính tôi có một ông bạn vong niên là người viết trứ danh theo kiểu này. Mỗi ngày tôi vẫn say mê theo dõi những tình tiết ly kỳ trong các truyện dài của ông. Một hôm ông rầu rầu bảo tôi: "Ngày mai tao sẽ cho nhân vật này... chết! Câu chuyện bế tắc rồi. Mấy bữa nay tao nghĩ nát óc mà không tìm ra lối thoát. Câu chuyện diễn tiến hoàn toàn không giống cái cốt truyện mà tao phác thảo. Đấy, cái tai hại của ngẫu hứng đấy! Làm cái truyện khác thôi. Vậy, ngày mai, nó, cái nhân vật chính ấy phải chết! Không lẽ cứ cáo lỗi, vì lý do đặc biệt, truyện X của ngài Y đến đây xin tạm ngưng, mời bạn đọc theo dõi từ số báo ngày mai truyện Z cũng của ngài... Y? Làm vụ đó mấy lần rồi, ê mặt lắm!" Lúc ấy tôi chưng hửng. Hôm nay tôi chợt nhớ đến ông bạn đại văn sĩ của tôi. Nhưng... Hai Hòn là nhân vật có thực mà! Hai Hòn chết là vì thằng cha... chết thật!

Nếu bây giờ tôi cứ thêu dệt cho Hai Hòn khỏe mạnh dài dài, thăng quan tiến chức vù vù, leo lên ngôi Bí Thư Tỉnh Ủy, đỗ đạt học tại chức, đi nước ngoài tu nghiệp liên miên... thì bậy quá. Nếu bây giờ tôi cứ vẽ vời cho Út Năm đẻ hai con thì... kế hoạch gia đình theo đúng chính sách của Đảng, được bầu làm chủ tịch Hội Phụ Nữ tỉnh, đi đâu cũng mang theo một lô dầu bạc hà để xức rốn con em gia đình liệt sĩ... thì nhảm quá! Bởi vì Hai Hòn là nhân vật có thật mà! Thằng cha chết... thật tình. Chết thẳng cẳng! Có điều, như tôi đã nói, cái chết bi hùng của thằng cha làm cho câu chuyện của tôi trở thành lãng nhách!

Số là đôi ba đem Hai Hòn lại mon men đến chòi canh vịt của Út Năm. Tôi biết vì mỗi bận cần tỉ tê với Út Năm, Hai Hòn đều phải đi qua bờ đất nhà tôi. Không biết thằng cha gấp gáp nóng nảy làm gì, vì dù sao chỉ còn hơn tháng nữa là đến lễ tuyên hôn. Cũng không biết sáng sớm hôm đó ai là người đầu tiên phát hiện ra cái xác Hai Hòn. Hai Hòn nằm tênh hênh trước căn chòi Út Năm! Trần truồng như nhộng! Pháp y huyện sau khi giảo nghiệm tại hiện trường một cách rất... "khoa học hình sự tiên tiến", căn cứ vào vết bầm vì cảm mạo cạo gió giữa trán Hai Hòn, tuyên bố thằng cha chết vì cảm mạo sau chầu nhậu "tuyên hứa lập công chào mừng đại hội Đảng" tổ chức ở nhà kho hợp tác xã. Vậy mà vẫn có kẻ to mồm rộng mép nói Hai Hòn chết làm tại... Út Năm! Hai Hòn chết quy cu lơ ngay trên mình Út Năm! Rồi Út Năm hoảng quá kéo xác Hai Hòn bỏ thí trước chòi!

Riêng chúng ta, hãy bình tĩnh và khách quan nhận xét. Hãy vừa tựa lưng vào miệng thị phi (không có lửa sao có khói?) hãy vừa gác chân lên kết luận của pháp y nhà nước (tất cả văn bản của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa ta đều rất có giá trị... tham khảo!) Hãy chấp nhận cả hai lý do. Được vậy, về cuộc đời Hai Hòn, bất cứ tay nhạc sĩ nào, dù tồi thế mấy, cũng có thể viết nên một bản đại hợp tấu cho giàn giao hưởng. Thiên Anh Hùng Ca Hai Hòn! Này nhé, một dũng sĩ trên khắp các mặt trận văn hóa, chính trị, khoa học, kinh tế... trước khi về chầu cố tổ đang được ướp khô ở Quảng Trường Đỏ Mốt Cu, lăng Ba Đình Hà Nội, đã oai hùng nâng ly thề độc sẽ lập công dâng Đảng. Rồi sau đó chàng đã hiên ngang ngã xuống cho tình yêu bất diệt. Hào hùng và lãng mạn làm sao!
Tôi chẳng biết đêm đó Hai Hòn dâng cho Đảng của chả được cái gì, nhưng tôi biết cái chết của chả làm câu chuyện của tôi đứt mạch. Để chuộc lại phần nào lỗi này tôi xin thóc mách một chút về đời tư của "người vợ không bao giờ cưới" ấy! Cái "cành thiên hương nửa chừng xuân" tơi tả ấy!

Út Năm âm thầm để tang cho Hai Hòn suốt bốn mùa... trứng rụng! Bạn sẽ không cười như vậy đâu, nếu bạn biết rằng con mẹ Hội Trưởng Hội Phụ Nữ xã này một năm gần chồng suốt mười hai mùa rụng trứng mà hễ mỗi khi ra đường là đều "có việc" với thằng Ủy Viên thơ ký xã... thì bốn tháng cư tang ấy đã đủ để Út Năm được tiết hạnh khả phong chưa? Có đáng được đưa vào "sách đỏ" treo gương người tốt việc tốt chưa? Hay bạn muốn người ta tự hành hạ mình đến chừng nào nữa? À, lại thắc mắc về người hùng mới hả? Còn nhớ Út Năm nói: "Đừng tưởng dễ leo lên bụng con này" không? Bậy cha! Cỡ tôi mà... nhằm nhò gì! Phải là một tay hảo hớn bản lãnh lệch đất nghiêng trời kìa! Này, còn nhớ cái tay khen "tiết canh Út Năm hết sẩy" không? Ha, trí nhớ ông thuộc hàng siêu đẳng đấy! Đúng, đúng là... dượng Tám trưởng ban Công An xã!

... Rồi người xã tôi cũng chóng quên Hai Hòn trừ vài tay nhậu nhắc nhau "rút kinh nghiệm": lúc say xỉn, ngúc ngắc đừng dại dột khiêu chiến với bà xã. Còn các bà thì rỉ tai nhau một phương kế cổ truyền "ưu việt": gài cây móc tai đầu giường, phòng hờ lúc ông xã hắt hơi trên ngựa!
Tôi lại càng chóng quên Hai Hòn. Cái thành tích ba năm "lao cải" vừa đủ để tôi xin tị nạn ở Mỹ vì lý do chính trị. Có cả một đống giấy má để xác minh, thị thực. Có cả trăm bận lui tới xã, huyện, tỉnh, thành. Phải khám phổi khám phèo. Phải thử sida, thử lậu. Phải ngừa dịch tả ngừa lao... Tới xứ người rồi thì "gióp", thì "biêu". Biêu mẹ, biêu con, trăm biêu tới tấp. Con cái thì cũng đã nhổ giò dài tóc, bung xoe vòi vĩnh đủ điều. Đến thế này thì danh tướng giai nhân cũng phải mốc meo trong sách vở, ai huỡn đâu mà nhớ tới Hai Hòn.

BẢY

Cái thành phố ở miền Trung nước Mỹ mà tôi định cư thuộc loại hẻo khuất làng nhàng. "Buồn Muôn Thuở" người tị nạn đồng hương tôi vẫn gọi thế! Đi quanh quất năm bảy phút là đã hết chỗ chơi. Thời tiết lại đỏng đảnh như bà già sáu mươi còn sót lại chút nhan sắc thời thiếu nữ. Cứ nghe kể về Hiu Tân, Lốt mà bắt ham. Ngặt nỗi mắt mũi kèm nhèm, chỉ nghe hai tiếng "hai quây" là đủ nhức đầu chóng mặt. Còn máy bay thì trong đời chỉ dám sử dụng đôi lần (không lẽ lội biển... mà sang đây?) chứ cứ thấp tha thấp thỏm mỗi lần giao mạng hèn cho bù lon, con tán. Thành thử cứ ngồi đáy giếng hoài! Lâu lâu biết có ông khách nào đó mang chút hương xa ghé tạt qua đây, lòng cứ khấp khởi mong sao gặp mặt. Biết đâu, nói như những nhân vật của Kim Dung, một buổi hàn huyên với người trí già sẽ bổ ích hơn ba năm nằm đọc sách? Có ông bàn chuyện chính trị. Có ông thuyết về văn hóa văn nghệ. Thôi thì gì cũng được. Nói là gieo, nghe là gặt, người xưa dạy thế, phải không? Họa may mình có nhạt được chút lớp quê mùa này chăng?

Lần này thì ngài được giới thiệu là từ Thủ Đô Văn Hóa Việt Nam ở hải ngoại đến. Tôi không hiểu rõ lắm về tên gọi "thủ đô tị nạn" hay "thủ đô văn hóa" gì gì đó. Chữ nghĩa xài như vậy là quá sang và quá siêu, ngoài tầm kiến thức bình dân học vụ của tôi. Tôi chỉ biết ông từ Cali đến. Theo ngài nói thì ngài chán cảnh xô bồ xô bộn chốn văn vật đó, ngao du sơn thủy tìm chút an nhiên thanh tịnh, nhân tạt ngang tỉnh lẻ này để thăm gặp bạn bè.
Bữa cơm ngài tổ chức thật đúng là có văn hóa. Thông thường thực khách trước khi được phép cầm đũa phải trải qua một màn nghiêm nghị, đứng lên ngồi xuống, xơi một vài bài diễn văn. Còn với ông thì không. Chơi kiểu Tây! Đã gọi là mời cơm mà! Cần nói gì ông sẽ nói sau. Có thực mới vực được đạo! Con đường ngắn nhất để đến trái tim phải đi qua bao tử, người ta nói vậy, đúng không? Vậy thì... bao tử cái đã. Ăn cái đã! Một thức khách, sau này tôi mới biết là bạn thiết của ông Cali (vậy, cứ gọi nhân vật đến từ "thủ đô" của tôi thế cho tiện nhé!) lên đài, "góp vui văn nghệ", theo lời kêu gọi của người bảo trợ bữa cơm. Ông ta trình bày bản nhạc mà ông bảo là "cải biên" của nhạc sĩ Ba Tê. "Anh hẹn em cuối tuần. Chờ anh đưa cái... chéc. Biết anh thích tặng quạ Em đã bồi hồi chờ giờ... sốp pinh..."
Đợi cho cơm, rượu, lời ca thấm đẫm hồn người, ngài Cali mới trịnh trọng lên đài với đề tài văn hóa văn nghệ của ngài.
Trước hết ngài cảm tạ quý khách và từ tốn giới thiệu về mình. Rằng hồi nhỏ, lúc còn đi học, ngài vẫn thường hay bị thày cô mắng "ngu như bò". Đoạn này nghe được! Vỗ tay! Các bậc vĩ nhân vốn giữ đức khiêm cung như thế cả, đúng không? Muốn nhảy cao, anh phải rùn mình xuống, đúng chưa? Kế đó ngài đi một đường thời sự quốc tế về... bệnh bò điên ở nước Anh. Ngài lả lướt qua ảnh hưởng của thứ bệnh này đối với nền Kinh Tế Thị Trường Chung Châu Âu, tai hại của nó đối với nền nông nghiệp thế giới, những biện pháp của chính phủ Hoa Kỳ... Tóm tắt, đoạn tổng hợp báo chí này rất súc tích. Nó hàm chứa những tư tưởng rất... bác vật. Ít ra nó cũng tiết kiệm được cho tôi ba ngày đọc báo biếu. Nhưng còn cái mớ mà ngài Cali đang nhai lại của mấy tay bác vật trứ danh kia thì... sao hở? Khó hiểu quá! Tôi nói về cái kết luận của mấy chả rằng bò lây điên cho người ấy mà! Được... bạn chịu khó với tôi một chút. Con người là một sinh vật siêu đẳng, ô kê? "Những cây sậy biết tư duy", ôkê? Nhưng đồng thời cũng là những cây sậy... nghiêng ngả, những sinh vật... kỳ cục! Không ôkê? Được... thế tại sao con người cứ hay tìm cách đổ lỗi cho những sinh vật khác về nguồn gốc tật bệnh của mình? Dịch hạch đến từ chuột bọ. Dịch tả đến từ ruồi nhặng. AIDS đến từ khỉ Phi Châu... Bây giờ lại có một loại điên đến từ... bò. Vậy chứ bò, ruồi, chuột, khỉ... đào đâu ra cái thứ vi khuẩn ác ôn đó chứ? Làm như chúng không đi đời về mấy cái món kia! Làm như mình, con người, là sinh vật vô địch về sự sạch sẽ vệ sinh. Lúc nào không tìm được chứng cớ trực tiếp thì quý ngài chơi cái... bản thống kê. Thôi cứ giết hết triệu triệu con bò ấy đi! Thà giết lầm hơn bỏ sót chứ gì! Rồi ngày nào đó quý ngài mang các bản xét nghiệm, các bản thống kê của quý ngài mà tự biện hộ trước đấng Thượng Đế toàn năng!

Còn bây giờ, cái mớ tàu hũ trong đầu cây sậy đang ồn ào trước mi-crô đó đang... tư duy điều gì nhỉ? Con bò thì dính dấp gì đến chuyện văn nghệ... ta? Ngài Cali dấu cái tô-pic kỹ quá. Khá đấy! Những nhà hùng biện đều thế cả. Nghệ thuật dẫn dụ công chúng ấy mà! Thư thả, thư thả đã... từng bước, từng bước thầm. Nhưng cái lối nói ấm a âm ớ, chân nọ xọ chân kia như người mọc nhọt giữa háng ấy tôi đã nghe... đâu đó một lần rồi mà! Có thể nhiều lần là khác. Quen lắm! Tôi cố chong mắt theo dõi ông Cali... Như để làm tôi thêm bối rối, ông chậm rãi tợp một ngụm cô ca.

...Rồi ngài Cali bỗng nổi hứng chơi một tràng... tiếng Pháp! Dù đã có khá nhiều ác cảm với ngài tôi vẫn không sao che dấu được sự bái phục lối chơi chữ Tây văn vẻ mà trào phúng của ngài. Tôi nghe người ta nói những người có óc trào phúng là những người thông minh, tôi chắc vậy. "Thông minh, hiếm có!" Tôi bấm tay thằng bạn đi chung. Nhưng ngay lúc đó ngài Cali lại làm tôi hụt chân. Ngài "phún trào" thêm chi nữa để thằng bạn tôi "đù" một tiếng vào giữa mặt tôi? Nhưng tôi không giận ngài Cali. Tôi căm thằng bạn mất dạy! Tôi tiếc ngài Cali chỉ sử dụng chữ Tây những lúc ngài cảm thấy chúng tôi không hiểu nổi phần tiếng mẹ đẻ mà ngài thuyết pháp chứ thực ra, theo tôi nghĩ, trình độ Tây học của ngài không kém gì viên thượng sĩ già đáng kính ở đơn vị tôi ngày xưa. "Bố già" của tôi, theo lời tự thuật, đã tốt nghiệp bằng sơ học yếu lược thời thuộc địa chớ ít oi sao! Lúc sử dụng tiếng Pháp trông ngài Cali mới quý phái và sang trọng biết bao! Và kìa, tự hãnh diện và tự mãn nữa chớ! Tôi liên tưởng ngay đến hình ảnh một anh phú nông hãnh tiến, chơi vét tông - nón nỉ - giày da xuống bãi biển một trưa hè. Gã vênh vênh bản mặt khi thấy chung quanh mỗi người chỉ một hai mảnh vải nhỏ che thân. Nhưng, tức quá, cái bản mặt câng câng lúc thuyết pháp cứ ngửa cổ nhìn trời như chờ đợi trên ban phép lạ ấy tôi... đã gặp ở đâu rồi nhỉ? Rồi... tại sao ngài Cali cứ cù cưa chuyện mấy con bò tội nghiệp hoài làm tôi phát sốt chứ?

... Rồi chuyện con bò cũng hết. Ngài Cali bắt đầu nói về mảnh đất nơi ngài sinh ra, quê hương đã cưu mang nuôi nấng ngài. Ngài nhắc đến tiền nhân, nhắc đến những vị tiến sĩ tăm tiếng. Trời ơi, tôi cảm động biết bao! Thật sáng mắt sáng lòng! Còn gì chính đáng hơn niềm tự hào của đứa con tha hương về đất tổ quê cha, về tiền nhân tiên liệt? Ngài làm tôi nhớ đến một danh tướng Cộng Hòa, người cùng nơi chôn nhau cắt rốn với ngài. Ông tướng vù đi Hoa Kỳ năm bảy lăm thì mười mấy năm sau, tám bảy tám tám gì đó, tôi được đọc hồi ký "Việt Nam máu lửa quê hương tôi". Nhà xuất bản Công An Nhân Dân đàng hoàng! Không biết Công An Nhân Dân Việt Nam Cộng Sản lúc ấy có trả nhuận bút cho ông tướng, hay về sau ông có đòi tiền bản quyền, hoặc thưa kiện chính phủ Việt Cộng không, chứ hồi đó tôi mua hồi ký của ông gần mười lăm ngàn tiền già Hồ. Một ký rưỡi thịt mông của vợ tôi! Xin lỗi, tôi muốn nói mười lăm ngàn là giá một ký rưỡi thịt bò vợ tôi bó vào mông để mang đi Sàigòn. Chứ còn nguyên cái đầu của ông tướng làm sao bằng một góc mông của người? Tôi sẽ xin lỗi vợ tôi sau vì sự so sánh này mặc dầu đó là sự so sánh hơn kém. Vậy thì đừng nói chi chỉ một quyển hồi ký của ông tướng. Trong quyển hồi ký này, ông tướng cũng nhắc lại trong hàng chục trang chốn địa linh nhân kiệt đã nứt đất đẻ ra ông. À, ra hai cha cùng quê đấy! Thằng bạn tôi mượn xem xong, "đù". Không biết sao tôi lại có lắm bạn bè thô lỗ thế nhỉ? "Đù mẹ lúc làm tướng thì văn dốt võ nát, tối ngày lo bốc quẻ coi tay, khi thất trận chạy dài còn bày đặt hồi ký hồi kiếc, ra cái điều nhân bất thắng thiên, tài chẳng gặp thời. Đã vậy chưa biết thân, còn vạch... cái nơi sanh chốn đẻ mình ra. Cho chúng biết để chúng chửi ba đời tam đại nhà mình ấy à? Làm điếm nhục tổ tiên!" Bây giờ đến lượt ngài Cali.

Kính xin quý vị tiến sĩ tiền nhân hãy nghỉ yên dù thằng cha này có nhắc đến tên quý vị. Quý vị không có trách nhiệm gì về bài nói chuyện văn hóa văn nghệ của chả đâu! Dù cho tiến hóa đến mấy đi nữa, các khoa học gia của loài bò cũng không thể chứng minh rằng văn hóa có thể lan truyền từ loài người sang loài bò để trả đũa chuyện người ta đổ vấy rằng loài bò đã truyền cho họ một thứ bệnh điên. Nhưng cái lối nói đoản hậu này... tôi đã nghe ở đâu một lần rồi mà! Tôi vò đầu bứt tóc... Cái gã treo hình lõa thể trong nhà thờ từ đường này tôi đã gặp... ở đâu đó một lần rồi mà! Ít nhất cũng một lần!


TÁM

Tôi nhức đầu quá. Tôi muốn về ngay. Tôi đứng dậy, cố tìm cách lách qua dãy bàn ghế lổn nhổn che mất lối đi... Bỗng, hình như có sự lạ. Thực khách bỗng tự nhiên im phăng phắc. Tôi quay mặt lại phía bục thuyết trình... Ngài Cali đang... sửa tướng! Tôi há hốc mồm. Trời ơi, đó phải là vẻ oai phong lẫm liệt của một vị giáo chủ sắp tuyên bố thánh chiến! Đó phải là phong độ của một vị tướng cột trụ cột triều đình đang nhận lãnh ấn nguyên nhung xuất biên tiêu trừ giặc cỏ! Đó phải là vẻ ngang tàng của một tay đệ nhất cao thủ mang trong thân tuyệt học ngang trời, chủ trì công đạo võ lâm, đang thề ra tay tuyệt diệt đám giang hồ hắc phái. "Nay ta nghe nói ở thành phố khỉ ho cò gáy này có một cái gọi là... hội văn học nghệ thuật mới ra đời. Ta cho quý vị biết bọn chúng là một lũ... nổ cả. Nổ mà ra nhà văn nhà thơ đấy! Bọn nó... ngu như bò! Hôm nay ta đến đây để hẹn chúng... thi tài cóc nhái". Như để "hạ quyết tâm", ngài Cali đưa cánh tay phải lên cao và... karaté! karaté! Cú karaté bất hủ! Chân tôi muốn khuỵu xuống...

Trời ơi tôi nhớ ra rồi... Trời hỡi, cái thây ma tôi tưởng đã thối rữa từ muôn kiếp nào ấy! Cái tên người tôi tưởng đã quên từ muôn đời nào ấy! Tôi rên rỉ tuyệt vọng "Hai...Hai..." Anh bạn cùng đi với tôi luống cuống: "Hả, Hai... cái gì?" Tôi rùng mình. Tôi, xin lỗi, ọe mửa ra. Tôi không dằn được nữa. Cái quá khứ ba năm hơn buồn hiu, cái căn lán tối tăm với thằng người ruồi gieo máu lửa hiện ra... Cái quãng thời gian ngột ngạt ở quê với lũ côn đồ phỉ thần báng thánh chợt về... Tôi, xin lỗi, lại ọe mửa liên miên và thoắt, tôi... vọt.

Gió mát. Tôi đã đứng trước cửa nhà hàng. Đau ê ẩm cả người. Như bị... bò đá.


CHÍN

Tôi đó tôi lên cơn sốt dữ dội. Tôi thấy mình trôi nổi trên miệng một núi lửa. Từ trong khối dung nham đỏ rực bỗng một bóng người phọt lên không trung. Cái bóng to dần, to dần... Tôi không hiểu sao một sinh vật có thể tồn tại trong khối lửa hung hãn như vậy. Khối lưu huỳnh làm tôi ngạt thở. Tôi ho sặc sụa. Cái bóng đen thoắt nhỏ rồi thoắt to phủ chụp người tôi. Tôi hét to cầu cứu. Bóng đen đưa bàn tay, ô hay... sao lại là bàn tay tháp bút nhỉ, chém mạnh vào cổ tôi. Tôi ú ớ. Hình như tôi có nghe tiếng mình. Tôi cố vùng vẫy. Trong tiếng ầm ì của đất đá nóng chảy tôi nghe ồm ồm tiếng hắn. Tiếng Tây! Tôi ngạt thở quá! Tôi sắp chết đây...

Bỗng tôi giật mình tỉnh giấc. Một bàn tay quen trên trán tôi. Tôi hắt một hơi dài, thở nhẹ nhõm. Ồ, chỉ là một giấc mơ thôi. Có tiếng ầm ì của cơn bão sấm từ xa. Đấy, cái thời tiết đỏng đảnh của thành phố tôi đang sống đấy!
"Anh mơ gì mà dữ quá", giọng vợ tôi đầy lo âu. "Nói sảng luôn mồm".
Tôi ậm ừ.
"Lại... nói tục nữa..." Người bồi tiếp.
"Gì?" Tôi hốt hoảng.
"Anh nói tục... Không tốt!"
"Anh... nói gì?" Tôi càng hoảng.
"Anh nói hai..."
"Hai... gì?" Tôi cuống lên.
Vợ tôi bỗng cười rúc rích. Thay cho câu trả lời, người đặt bàn tay ấm áp vào... nơi cần đặt. Rồi cười rúc rích.

Nguyên Nhi