Tôi gặp Dodge trước một shop đồ cũ trong khu Chula Vista. Lúc
đó, anh ngồi dềnh dàng trên chiếc motor cycle, mặc bộ đồ rằn ri
thủy quân lục chiến, trên nắp túi áo còn viền thêm lá cờ vàng ba
sọc đỏ Việt Nam.
- Hi, my friend! Are you Vietnamese?
Bằng nụ cười thật rạng rỡ, bằng cái bắt tay thật chặt, anh thân
ái choàng vai tôi, khi nhận ra nhau là chiến hữu - từng tham chiến
trên chiến trường Việt Nam ngày trước.
Dodge nói tiếng Việt rất sõi. Anh "xổ" cả tiếng Đan Mạch
rất lính, nghe "đã" lỗ tai. Nhờ thế, tôi hiểu được anh,
đo lường được tấm lòng chân thật của anh đối với người lính Việt
Nam Cộng Hòa.
Anh huyên thiên về quá khứ, về mối tình Việt Nam, về các căn cứ
nổi ở vùng U Minh đầy hãi hùng. Qua anh, tôi chợt sống lại thời
trai tráng của mình, những lần nhậu rượu đế trên sông, những lúc
dương đông kích tây, dọc ngang khắp chân trời góc bể...
Nói chuyện với nhau một chập, chúng tôi từ giã ra về. Trước khi
chia tay, anh chìa cho tôi tấm phone card có dòng chữ : Paralyzed
Veterans of America, và bảo rằng, anh đang phục vụ thiện nguyện
ở đó. Cơ quan này, tôi chẳng lạ chi, bởi mỗi năm tôi đều ký check
biếu tặng, coi như một cách thế để tạ ơn nước Mỹ, tạ ơn các Cựu
Chiến Binh - những người đã vì chính nghĩa tự do, hy sinh đi phần
thân thể của họ.
Bẵng đi thời gian khá lâu, một hôm, tôi được cú điện thoại của
Dodge. Anh hẹn tôi tới một tiệm phở Việt Nam để điểm tâm. Khi đến
nơi, tôi đã thấy Dodge ngồi chờ sẵn bên cái bàn kê sát khung kính,
có thể ngó ra đại lộ Elcajon, dễ nhìn thiên hạ qua lại trong ánh
nắng chói chang.
Nhìn cách thế Dodge cầm đũa gọn gàng, xì xụp ăn ngon lành các gia
vị Việt Nam, người ta cứ ngỡ anh là người Việt chính tông, sành
điệu với món phở độc đáo này. Tiệm phở dẫy đầy ở San Diego. Từ ngày
đến đây, tôi chưa thể xác đoán được nơi nào nấu ngon? Vậy mà Dodge
biết. Anh phân tích cả chất liệu nước lèo; mùi thơm đặc biệt của
ngò, quế - góp phần làm đậm đà hương vị tô phở.
Ăn xong, anh lặng lẽ rút ra tờ báo. Những hàng chữ đậm nét lăn
lộn trước mắt tôi : bà GINETTA SAGAN, người tranh đấu cho tù nhân
cải tạo Việt Nam vừa mệnh phần. Vậy là, lại thêm một người có tấm
lòng với chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa ra đi...
Bà Ginetta Sagan là người Ý, sinh tại Milan. Trong thế chiến thứ
II, bà đã gia nhập lực lượng kháng chiến chống phát xít ở miền bắc
nước Ý. Năm 1945, bà bị bắt, rồi bị địch tra tấn và cưỡng hiếp tàn
bạo. Cuối cùng, chúng đưa bà đi hành quyết, nhưng kháng chiến quân
đã kịp thời giải thoát ngay lúc bà vừa lên pháp trường.
Vào cuối thập niên 1960 tại Washington D.C, bà Sagan bắt đầu làm
việc thiện nguyện cho tổ chức ÂN XÁ QUỐC TẾ. Sau đó, bà sáng lập
thêm tổ chức AURORA FOUNDATION, một tổ chức chuyên chú tâm đến những
trại cải tạo tại Việt Nam sau chiến tranh. Bà cũng từng được tưởng
thưởng huy chương cao quí nhất của Mỹ : huy chương tự do của Tổng
Thống. Bà vừa qua đời ngày 25 tháng 8 năm 2000, thọ 75 tuổi.
Bà Sagan đã làm một bản phúc trình dài năm 1983, tố cáo trước quốc
tế về chế độ lao tù dã man của VC, về những vụ vi phạm nhân quyền,
nhất là đối với tù binh - lúc trước, họ từng là chiến sĩ Việt Nam
Cộng Hòa.
Tôi cúi đầu trước bàn ăn, thành kính, tưởng tiếc bà. Tôi nhớ lại
mùa nước lũ 1978 ở các trại cải tạo Đồng Tháp Mười. Lúc nước dâng
cao điểm, chúng tôi phải trèo lên nóc trại, bó gối nương thân với
: rắn, rít, chuột và các loại sâu bọ khác...VC nhất định không di
chuyển tù binh tới chỗ khác. Họ muốn chúng tôi chết dần mòn trong
đói khát và lạnh lẽo của mùa lũ kinh hoàng.
Tôi nhớ lại từng lát khoai mì mốc meo và bạc thếch nơi vùng núi
đồi Xuyên Mộc. Khoai mì thay cơm. Khoai mì nuôi tù nhân từ năm này
đến năm khác. Ăn khoai mì để đốn cây phá rừng, để đào mương xẻ rạch...cho
tới khi kiệt sức tàn hơi, thi thể được họ bố thí một manh chiếu
nát, đủ vùi nông dưới ba tấc đất.
Tôi nhớ lại hàng triệu người VN lũ lượt bỏ nước ra đi. Trên những
chiếc ghe mong manh giữa biển khơi mịt mùng, đối đầu với biết bao
nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng. Hàng triệu người VN thà sống
lầm than trong vòng rào cùng đinh của các trại tị nạn, còn hơn là
bị trả về quê hương đau khổ - nơi mà nhân phẩm con người bị chà
đạp một cách tận cùng.
Tôi nhớ lại Dodge, người cựu chiến binh Mỹ trong bộ đồ rằn ri Thủy
Quân Lục Chiến đã bạc màu. Trên nắp túi áo phong sương, anh vẫn
dành riêng một chỗ trang trọng cho lá cờ vàng ba sọc đỏ lẫm liệt.
Nhiều người thấy là lạ, hỏi Dodge, tại sao ông luôn mang lá cờ đó
trên người mãi như vậy? Anh lẳng lặng cởi toạc chiếc áo, bày ra
một khoảng da thịt xám xịt bị băm nát bởi những mảnh đạn B.40.
Tôi còn nhớ, thuở xưa, sách địa lý giáo khoa đã ghi rành rành :
VN là một tiền đồn ngăn chận làn sóng đỏ tràn lan Đông Nam Á. Dodge
và đồng đội đến VN cùng với chúng tôi bảo vệ tiền đồn, bảo vệ tự
do, bảo vệ chính nghĩa. Đồng đội Dodge cũng đã anh dũng phơi thây
khắp chiến trường VN, cũng đã nằm gai nếm mật trong các trại tù
Cộng Sản từ Nam ra Bắc. Và chúng tôi - khi tiền đồn chống cộng bị
vỡ toang từ năm 1975 - chúng tôi trôi giạt khắp nơi, trôi giạt qua
Mỹ, cũng chỉ vì muốn tìm kiếm tự do, muốn đi theo chính nghĩa.
Chiến tranh VN đã làm đậm nét những trang sử Mỹ. Người Mỹ không
thể không biết sự có mặt của chúng tôi trên đất nước này. Mới đây,
nhân Veterans day (11/11/2000), Cựu Chiến Binh Mỹ San Diego đã tổ
chức diễn hành với hội Cựu Quân Nhân VNCH (San Diego). Buổi diễn
hành rất trọng thể, rất ngoạn mục; dưới sự chứng kiến của đông đảo
người Mỹ, Việt và các sắc dân khác ở vùng downtown. Họ hân hoan
reo mừng giữa tiếng kèn trống oai hùng. Họ chạnh lòng nhớ lại thời
oanh liệt xa xưa, tình chiến hữu Mỹ-Việt bất diệt.
Chỉ lo thế hệ trẻ nước Mỹ, nếu không chịu khó đọc lịch sử, sẽ có
thái độ ngờ ngợ và thờ ơ trước sự có mặt của chúng tôi hôm nay.
Người Mỹ, thế hệ trước, phải có trách nhiệm nói cho thế hệ trẻ biết
về điều này. Nói cho thế hệ trẻ biết về tấm lòng cao đẹp của Dodge,
của bà Ginetta Sagan, của Cựu Chiến Binh Mỹ... trước hành động lưu
vong tìm kiếm tự do của người Việt, ở hoàn cảnh thảm thương nhất,
trong lịch sử loài người.
PHẠM HỒNG ÂN
|