SỐ 19 - THÁNG 7 NĂM 2003

 

Thư tòa soạn

Thơ

Mưa tháng 5 nhớ quê cũ
Vũ Hoàng Thư
Hôn mê
Nguyễn Vĩnh Châu
Đêm huyền sử
Huỳnh Kim Khanh
Bút gươm
Phạm Văn Thanh
Chơi vơi
Hoàng Mai Phi
Chiều qua đèo
Tóc Tím
Nhớ mẹ
Ngọc Trân
Tâm sự mùa hè
Nguyễn Toàn Vẹn
Cõi hoang vu
Song Châu Diễm Ngọc Nhân
All that you have given me Vietnam
Ngô Mạc Duy

Truyện ngắn, tùy bút

Khúc hát chìm sâu
Phan Thái Yên
Có mây trắng và nắng vàng
Vũ Hoàng Thư
Cu tí
Phong Nhĩ Dị Nhân
Ai cũng cần những chuyện cổ tích
Nguyên Nhi
Hè về cùng giấc mơ tuổi trẻ
Phạm Văn Thanh
Hãy nói
Phạm Hồng Ân
Đi biển có đôi
Cỏ biển
Cô đơn
Hoàng Quốc Việt
Lá thư không gởi (kỳ 6)
Trương Thanh Diễm Thùy-Bảo Lộc
Những cái bằng

Trần Phương
Một thoáng ngoài kia
Ảnh: Ngô Văn Sơn
Thơ: Vũ Hoàng Thư

Biên Khảo

Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 6
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài

Vô tình cốc - Kỳ 13
Huỳnh Kim Khanh


 

Hè về cùng giấc mơ tuổi trẻ


Mến tặng các bạn trẻ trong và ngoài nước
Mến tặng Đại Hội Giới Trẻ Việt Nam

Tuổi học trò là chặng đời có lẽ rất thơ mộng, nhiều vui buồn và đáng nhớ nhất trong cuộc đời chúng ta. Thơ mộng vì thời gian này chứa đựng tuổi dậy thì lúc con người biến đổi rất nhanh từ tâm hồn đến thể xác mà những phát triển đồng thời cả tâm hồn và thể chất đã cho phép chúng ta suy nghĩ, tưởng tượng, sáng tạo nhiều hơn để rồi hình thành căn bản nhân-sinh-quan một đời người. Thơ mộng do những mộng mơ hoa gấm, toàn hảo, đẹp tuyệt vời phát sinh từ những khám phá mới mẻ về tư duy, bản thể con người, cấu tạo thể chất gái, trai cùng những phần vụ thiêng liêng truyền giống, khám phá thú vị về cuộc sống chung quanh, ngoài xã hội và rồi trí tưởng tượng vô cùng phong phú vô tận về liên hệ giữa con người trong vũ trụ mịt mù. Có lẽ điều thú vị của các bạn trẻ tuổi mới lớn là nhìn đời qua lăng kính màu hồng, thường sống lạc quan, yêu đời với bầu nhiệt huyết đang sôi sục và óc phiêu lưu luôn hoạch định một chuyến thám hiểm kỳ thú, đầy mới lạ, bất ngờ.

Khi mới lớn tuổi mười lăm mười bảy
Làm học trò mắt sáng với môi tươi
Ta bước lên chân vẫn dạo bên người
Ngoài cắp sách trần ai xem cũng nhẹ

(Đinh Hùng, Khi Mới Lớn)

Tuổi trẻ cao ngạo, tự phụ vì tự tin vào sức khỏe cùng vạn điều mới mẻ vừa khám phá, tiếp nhận đến độ có lúc "coi trời bằng vung" vì nghĩ rằng ta là "rốn vũ trụ." Tâm hồn chưa nhàu nát vì những dằn vặt của cuộc đời nên đa số bạn trẻ rất lương thiện, nhiều lý tưởng. Bởi đó, tuổi trẻ luôn nung nấu một hoài bão trong lòng, sống tự nhiên, vui thì cười, buồn thì khóc, có lúc nỗi buồn "chợt đến chợt đi" tự dưng "chẳng hiểu vì sao tôi buồn."

Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón những chuyến tàu đi những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa

(Tế Hanh, Vu Vơ)

Các bạn trẻ thanh thiếu niên thời còn là học sinh, sinh viên thường ôm ấp nhiều kỷ niệm, nhưng tâm tự buồn hay vui, lắm khi, không ai hiểu nổi mà cũng chẳng thể chia sẻ cùng ai nên giấu kín tận đáy lòng rồi một cách lãng mạn thì thầm thổ lộ với thiên nhiên.

Hỡi thành đô với linh hồn Bách Thảo
Còn nhớ ta chăng tuổi trẻ tóc bay
Làm học trò nhưng không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ.

(Đinh Hùng, Khi Mới Lớn)

Buồn vui tạo thành kỷ niệm. Tuổi ngây thơ vô tư, thánh thiện như thiên thần, nhưng cũng nghịch ngợm, phá phách, bất cần hậu quả "nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò" muôn đời truyền tụng:

Ta ném bút giẫm lên sầu một buổi
Xa vở bài mở rộng sách ham mê
Đã từng phen trèo cổng bỏ trường về
Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn.

(Đinh Hùng, Khi Mới Lớn)

Một khi tâm hồn học trò "nổi loạn" thì thầy cô, bè bạn và trường lớp không còn duy nhất là niềm vui của tuổi trẻ mà tuổi trẻ muốn tìm kiếm nhiều điều mới lạ, quyến rũ, hấp dẫn hơn là sách vở nhàm chán, hàng ngày chịu đựng cảnh "phấn trắng, bảng đen."

Đời thấp thoáng qua học đường nhỏ bé
Phố phường vui cuộc sống mới lên hoa
Ta ngồi nghe những tiếng thị thành xa
Hồn lơ đãng mộng ra ngoài cửa lớp
Nắng thuở đó khiến lòng ta hồi hộp
Ta nhìn cao mới rõ bị giam cầm
Ôi! Tiếng nào vang bốn bức tường câm
Không khí nặng mơ hồ thầy với bạn.

(Đinh Hùng, Khi Mới Lớn)

Tuổi trẻ muốn thoát cảnh tù tùng của khuôn phép, nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm nên dễ bị đời bầm giập, chưa nói đến nhiều khi bị xã hội hất hủi, khai trừ. Khi trưởng thành, tâm hồn sâu sắc, thâm trầm, khôn ngoan hơn, tuổi trẻ nhận thức được chính xác những chặng đời với nhiều đổi thay về tình cảm, tâm tư:

Lòng chàng trai ba mươi
Vui như trẻ lên mười
Yêu như tuổi mười bảy
Buồn như sắc năm mươi

(Quang Dũng, Cảm Đề)

Thế nhưng, sinh vào thời chiến, những chàng thư sinh mơ mộng cũng chẳng kém hào hùng nối gót lớp đàn anh, từ giã bút nghiên, khoác chinh y, lên đường ra chiến trận. Tuổi trẻ kiêu hùng, yêu quê hương không thể thờ ơ trước vận nước ngửa nghiêng, nên rũ áo ra đi cầm súng chiến đấu bảo vệ tự do cho đất mẹ, băng mình vào nơi "gió cát" áo chinh nhân "đỏ tựa ráng pha" bạc màu sương gió. Đang độ yêu đương, mơ mộng mà chàng tuổi trẻ cũng đành đoạn bỏ mọi thứ thân yêu sau lưng, bỏ người yêu học trò lại phố phường nhộn nhịp.

Như một nàng tiên nhỏ
Mang tâm hồn trắng trong
Một mái trường nắng đổ
Đôi mắt buồn mênh mông

(Phương Duyên, Mùa Hè)

Để rồi người chiến sĩ trở về từ chiến trường khói lửa, lòng buồn vu vơ khi nhìn những cánh hoa phượng đỏ gieo rắc trên đường phố, nhớ thuở học trò, có thầy, có bạn cùng bao nhiêu kỷ niệm buồn vui dưới mái trường rêu phong cổ kính:

"Bây giờ là mùa Hè. Hoa phượng đang nở chói chan trên cành. Hoa phượng không nở lác đác mà hẹn nhau nở rộ một lúc trên cây. Màu phượng nhuộm đỏ cả một vùng, thắp hồng cả một đường và dệt thắm khắp khuôn viên trông thật nên thơ nhưng sao khiến lòng người chợt bâng khuâng. Nhưng phải chăng màu phượng chỉ rực rỡ hơn hoặc mênh mang buồn hơn trong sân trường vì dường như chúng có hồn và chất chứa hình ảnh cùng tâm tình của trai gái lứa tuổi học trò? Phượng về nhắc nhở mùa Hè đã đến. Buổi biệt ly, chia tay giữa thầy cô, bạn bè về nghỉ ba tháng hè đã điểm. Ba tháng dằng dặc, đầy ắp nhớ thương, được khởi đầu bằng những cánh hoa phượng đỏ như máu rơi tơi tả trên đường, hòa với giọng ve râm ran trên cây, đã gieo nỗi buồn man mác cho tuổi học trò nhiều mơ mộng. Đó là lúc những quyển lưu bút được chuyền tay nhau ghi lại nỗi nhớ thương cùng tâm sự của bạn bè tuổi nhỏ. Đó là lúc những cánh hoa phượng hồng được nhặt ép vào thư, vào lưu bút để sau này khi lật lại từng trang lưu bút, tuổi thơ lại hiện lên rõ ràng trong sáng như in trong lòng người."
(Phạm Văn Thanh, Ân Tình Thoáng Mất)

Hè về, bãi trường, học trò một số được nghỉ ba tháng trời oi ả, quên sách đèn, thi cử còn một số rời trường xưa bạn cũ. Nhưng dù đang ở nơi chiến trường khói lửa hay đâu đó trên khắp nẻo đường đất nước, mỗi khi nhìn hoa phượng đỏ rực trên cây, người lính trẻ chạnh nhớ về tuổi thơ với bao kỷ niệm thân yêu:

Bây giờ là mùa Hạ
Hoa phượng đỏ một trời
Gợi cho anh kỷ niệm
Của những ngày xa xôi

(Nhất Tuấn, Những Mùa Hè Hà Nội)

Trong đoạn văn trên đây, Tuấn, tiêu biểu cho bất cứ học sinh nào, viết về thuở học trò, gắn bó tuổi hoa niên với hoa phượng hồng. Chàng cảm thấy nuối tiếc quãng đời hồn nhiên dưới mái trường hay thơ thẩn nơi đầu đường góc phố khi Tuấn mới rời trường, bỏ thầy cô, bằng hữu để tình nguyện nhập ngũ sống đời lính chiến, vui cùng:

Nắng sớm với sương chiều
Gió rừng rồi mưa núi

(Nhất Tuấn, Niềm Tin)

Xin hãy nghe chính tâm sự của Tuấn:

"Nhìn xác phượng hồng tan tác, Tuấn thấy lòng nôn nao, không những mùa Hè gợi cho chàng bao nhiêu kỷ niệm ấu thời mà ngày lên đường du học cũng gần kề. Sống ở thành phố Đà Lạt từ bé, Tuấn biết Đà Lạt không có hoa phượng. Tuy không có phượng, Đà Lạt có hoa mimosa cũng thường bắt đầu nở vào dịp Hè về. Ngày xưa, mỗi lần nhìn những chùm hoa mimosa nở rộ như kết bằng những cục bông gòn màu vàng nho nhỏ, mùi thơm thơm là Tuấn biết mùa Hè sắp đến. Mãi tới khi Tuấn có dịp về Sài Gòn nghỉ Hè sau kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, chàng mới thấy cây hoa phượng tại một trường học. Nhìn cổng trường đóng im ỉm, từng dãy hành lang nằm im lìm dưới ánh nắng trưa đổ lửa, trong sân trường ngập xác phượng màu máu, Tuấn cũng buồn man mác khi nghĩ tới bạn bè đã rời trường, xa bạn, xa thầy cô về nghỉ "chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê" ấy. Hoa phượng nở báo trước cuộc chia biệt suốt ba tháng Hè; bóng mát phượng lợp nhà những ngày nắng lửa cho học trò bên dưới quây quần tâm sự và cành lá phượng là chỗ tạm dung cho những chú ve kéo về ra rả khóc than thân phận. Tuấn thấy khó có gì thay thế được ngôi vị "hoa học trò" của phượng hồng trong tâm hồn ngây thơ đã in hằn bao kỷ niệm vui buồn của trai gái học trò."
(Phạm Văn Thanh, Ân Tình Thoáng Mất)

Xông pha trong lửa đạn, đời chiến sĩ bị ràng buộc với kỷ luật, với "ngày hành quân, đêm gác giặc" thì thời gian về phép ít khi toại nguyện. Cầm tờ giấy phép quý giá hiếm hoi trên tay, người lính trẻ phân vân, thăm gia đình, mẹ già em dại rồi tìm về ngôi trường nữ áo trắng, những mong gặp lại nàng Tôn Nữ mà chàng thầm yêu năm xưa, nhưng chàng chỉ ngậm ngùi, nhìn lại "cảnh cũ" nhớ người:

Phượng hồng
Rơi tả tơi
Từng cánh bên song
Mối tình câm tan nát trong lòng.

Xác phượng đầy sân
Úa tàn theo nắng lửa
Quắt queo tâm sự
Cổng trường lẳng lặng nhớ mênh mông.

Người nơi mô?
Tà áo lụa trắng trong
Tung bay chiều nắng đổ
Bâng khuâng nhớ thuở má môi hồng

Ta về đây
Nhìn qua khung cửa
Thẩn thơ tìm
Dáng o bỡ ngỡ
Mái trường rêu phủ
Dấu chân mòn lối cũ
Chợt hồn thổn thức
Vàng sông nắng Hạ miệt mài trôi

(Phạm Văn Thanh, Phượng Hồng)

Rồi chàng lính trẻ lại ba-lô, súng đạn về đơn vị, ngủ bờ ngủ bụi, rày đây mai đó biền biệt. Tuổi trẻ trong thời chiến, dạn dày gió sương, chấp nhận hoàn cảnh tang thương của đất nước:

Quê Mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm
Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
Đi qua dần khi nước mắt buông theo

(Nguyễn Đình Toàn, Khi Em Về)

Bao người lính trẻ hai miền đất nước đã ra đi, nhiều người chẳng bao giờ trở về, "vị quốc vong thân" bỏ xác nơi "ven rừng, góc núi" kẻ "sinh Bắc tử Nam" xác thân vùi dập trong "núi thẳm rừng sâu" dọc Trường Sơn hay "bờ suối gốc tre" nào. Cuối tháng 4 năm 1975, giấc mơ trở về giải phóng đất Bắc không thành, những người lính trẻ miền Nam trở nên kẻ chiến bại, bị tù đầy tủi nhục, nhưng giấc mơ thuở nhỏ vẫn còn đó y nguyên. Giấc mơ ngày xưa nung nấu, giờ đây được tiếp nối với hoài bão một ngày trở lại quê hương thanh bình, sống đời tự do, dân chủ và đầy đủ nhân quyền. Ước mơ hiền hòa, chợt xa chợt gần, nhiều khi tưởng chừng chỉ với tay là tới, lúc lại mịt mù mất hút tầm nhìn! Lớp trẻ ngày xưa bây giờ, qua bao dâu bể, tóc đã pha sương, nhưng dù sức có tàn lực có kiệt, giấc mơ tìm tự do, dân chủ cho quê hương phải cùng toàn dân đồng lòng biến thành hiện thực.

Các bạn trẻ thân mến:
Giá trị cùng ý nghĩa một đời người không thể chỉ gồm chuỗi tháng năm nhục nhằn khốn khổ bị tù tội, đàn áp, giết chóc, hận thù cũng không chỉ có bổn phận gia đình, nợ áo cơm hay tranh danh đoạt lợi ngoài xã hội mà phải tạo hi vọng vào viễn ảnh một tương lai xán lạn của dân tộc được vun quén, tô bồi bởi những mầm non tinh khiết tuổi thơ, bằng nhiệt huyết trào tràn tuổi trẻ, từ trí khôn kinh nghiệm người già. Do đó, trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam từ quốc nội ra đến hải ngoại, theo lời cụ Phan Bội Châu viết trong "Lưu Cầu Huyết Lệ Thư" là "khai dân trí, chấn dân khí và thực nhân tài." Tuổi trẻ Việt Nam phải dấn thân, tự túc tự cường, trông cậy vào chính khả năng sức lực của mình, không ù lì ỷ lại, không bạc nhược yếu hèn, để giúp dân giúp nước làm nên lịch sử. Tuổi trẻ Việt Nam không đòi hỏi quá đáng mà rất thực tế, không chấp nhận cuộc sống thiếu những quyền tự do căn bản của con người. Tuổi trẻ Việt Nam không mang lý tưởng mơ hồ mà thiết thực chấp nhận đổ mồ hôi, xương máu vun quén cho một cuộc đời thanh bạch, hiền hòa không còn thường trực bị đe dọa, áp bức. Bởi thế, tuổi trẻ Việt Nam muôn đời đứng thẳng, ngẩng mặt cao ngạo, hiên ngang đối diện sự thật, dùng khả năng, khối óc, tấm lòng yêu quê hương chân chính phấn đấu để thắng vượt tất cả mọi trở ngại chắn lối hay những nguy hiểm rập rình. Bầu máu nóng đỏ tươi tinh tuyền, tinh thần cao thượng của tuổi trẻ chúng ta phải được dâng hiến cho quê hương gấm vóc, cho tổ quốc thiêng liêng vô-điều-kiện chứ không phục vụ cho quyền lợi riêng tư của bất cứ một cá nhân, đảng phái hay tập thể nào.

Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn đã tâm sự trong Lời Tựa cuốn "1945, Lạc Đường Vào Lịch Sử":
"Tuổi trẻ nào cũng có nhiều phen sai lầm, tội lỗi và hoài nghi, hối hận. Từ năm 1958 bắt đầu viết truyện này cho đến năm nay, tôi vẫn theo đuổi một ước vọng, là làm thế nào cho các bạn thanh niên hiện đại tin chắc rằng tuổi trẻ của chúng tôi chẳng có gì hơn tuổi trẻ của các bạn. Chúng tôi có thể đã làm những anh hùng: anh hùng lạc đường, một cách bất đắc dĩ.
Chúng tôi chỉ có nhiều đau khổ. Những đau khổ sẽ đến như đã đến, với tất cả. Cuốn truyện này là bằng chứng sự chịu đựng của chúng tôi. Bây giờ đến lượt các bạn."

Đây là một lời tạ tội vừa là một thách thức và tuổi trẻ chúng ta đủ can đảm nhận lời thách thức đó với lòng tự tin sẽ tích cực góp tất cả tâm huyết cho tổ quốc như tin tưởng vào tinh thần Tự Do chiếu tỏa từ ánh đuốc trên tay Nữ Thần không bao giờ tắt. Tuổi trẻ chúng ta nguyện xứng đáng không làm hổ thẹn lòng Trần Quốc Toản, Nguyễn Trãi, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học. Tuổi trẻ chúng ta có thể mắc nhiều lỗi lầm do thiếu kinh nghiệm, kém bản lĩnh nhưng tuổi trẻ Việt Nam ngạo nghễ, kiên cường, thách đố trước bạo lực, độc tài, cùm kẹp. Lý Tống, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn cùng nhiều nữa, không chùn bước khi phục vụ tổ quốc. Tuổi trẻ chúng ta nguyện sát vai cùng các bậc huynh trưởng, nối gót tiền nhân, nhận lãnh trách nhiệm, xắn tay áo làm việc và dân tộc sẽ hưởng những thành quả đạt được do khả năng tự tạo và bàn tay xây dựng của chính chúng ta. Benjamin Disraeli khẳng định: "Almost everything that is great has been done by youth." Tuổi trẻ Việt Nam, từ trong đến ngoài nước cùng nhau tiếp nhận bó đuốc trách nhiệm trao tay từ các bậc đàn anh và cương quyết hoàn thành trách nhiệm được giao phó: đạp đổ chế độ độc tài Cộng Sản, xây dựng tương lai đất nước để toàn dân được sống một cuộc đời no ấm tự do.

Phạm Văn Thanh
July 4, 2003
VnhfThanhPham@aol.com