SỐ 23 - THÁNG 7, NĂM 2004

 

Thư toà soạn

Thơ
Cựu phù du
Huỳnh Kim Khanh
Khi xa Thụy Tuyết
Phạm Hồng Ân
Hạt bụi tình yêu
Nnguon
Tháng 8
Trần Việt Bắc
Mẹ tôi
Hà Phú Đức
Biệt ly
Tôn Thất Phú Sĩ
Ta vẫn chờ em
Hoàng Mai Phi
Nhớ thời đi biển
Tóc Tím
Nắng dại khờ
Dã Thảo
Nhớ Đà Lạt
Ngọc Trân
Ngẫu nhiên
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Trăng nước Tầm Dương
Hạt Cát
Về với cơn mưa
Phan Thái Yên
Thiếu nữ cài bông hồng đỏ
Nguyên Nhi
Giọt trầm
Song Thao
Chén cơm và nước mắt
Nguyễn Hồng Quang
Tháng bảy và phượng tím
Vũ Hoàng Thư
Lưới trời
Cỏ Biển
Ngày đầu ra khơi
Tôn Thất Phú Sĩ
Một chốn trụ hình
Tầm Xuân
Quê nhà, Biển và Odyssey
Vũ Hoàng Thư

Biên khảo
Ai giết Lê Lai
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 10
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 17
Huỳnh Kim Khanh


 

Lại bàn về câu hỏi: "Ai giết LÊ LAI"

 

Nhân đọc các bài viết của BS Hồ Đắc Duy, cùng các quí ông Nguyễn Dư, Nguyên Thắng, Nguyên Đạo về nghi vấn “Ai giết Lê Lai” trong các trang “web” nêu bên dưới, người viết xin phép góp một vài thiển ý về vấn đề này.

http://chimviet.free.fr/2/hdds0050.htm
http://chimviet.free.fr/index2.htm
http://chimviet.free.fr/11/nds0052.htm

Theo BS Hồ Đắc Duy:

“….
Một câu hỏi cần thiết phải đặt ra: Có nên sửa lại bài học lịch sử này hay không ? và nếu không thì phải giải thích chuyện Lê Lợi ra lệnh giết Tư Mã Lê Lai vào ngày 13 tháng giêng năm Đinh Mùi (1427 ) như thế nào ? Rất mong được các bật cao minh đóng góp ý kiến ,nhất là các nhà sử học .
Hồ Đắc Duy”

Theo ông Nguyễn Dư :

“….
Ta có thể phỏng đoán rằng Lê Lai được giải cứu khỏi thành Tây Đô trong dịp này, tức là năm 1425. Trở về với nghĩa quân, Lê Lai được Lê Lợi phong chức tư mã vì ngày trước có công giúp Lê Lợi. Lê Lợi giữ đúng lời thề năm xưa.
…”

Rồi sau đó bị Lê Lợi giết

….
Vâng, trang sử còn đẹp hơn nữa nếu như Lê Lợi không giết Lê Lai.
Nguyễn Dư
(16.4.1998)”

Theo ông Nguyên Thắng thì có nhiều người tên là Lê Lai:

“…
Mới loanh quanh vùng Thanh Hóa mà đã gặp Lê Lai người Dựng Tú, Lê Lai - Nguyễn Thận người Mục Sơn và Lê Lai - Lê Văn An táng ở Mục Sơn. Thêm tài liệu ở Đăng Cao, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh cho biết Nguyễn Bá Lai tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, có công được ban quốc tính cũng gọi là Lê Lai.
Dường như thời đầu nhà Lê khi nói đến Lê Lai thì phải nói rõ là Lê Lai nào.
Nguyên Thắng
(23.4.98)”

Ông Nguyên Đạo có đưa ra những lời bình, tuy nhiên đã không đưa ra kết luận và chỉ nói:

“…
Còn nếu tin theo Nguyên Thắng: Lê Lai không hề được giải cứu, đã bị Minh giết, thì chỉ còn cách dựa vào sách vở, ngôn từ, phân tách ngữ nghĩa, trưng bằng cớ, chứng minh có nhiều Lê Lai được ban quốc tính, chung sống cạnh Lê Lợi trước năm 1427.
Như vậy cứ chứng minh là có nhiều Lê Lai vây quanh Lê Lợi, và tưởng tượng Lê Lợi ra lệnh: " Lê Lai 1 cưỡi voi ra thế mạng ta, Lê Lai 2 theo ta hộ giá, Lê Lai 3 đem quân ra đối đầu giặc...".
Nghe những người trong "nghề đọc sách" luận bàn không hẳn là dễ, cũng lắm công phu đấy chứ nhỉ !...
Nguyên Đạo “

Qua những trích dẫn điển hình trên, phần kết luận để giải thích nghi vấn này đã chưa có câu trả lời thoả đáng. Vậy người viết xin tìm hiểu về vấn đề này một lần nữa.

Nghi vấn này được đặt ra vì một câu trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) quyển 10 trang 27B :

“Giết Tư Mã [ 27b] Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có chiến công, nói năng khinh mạn”.

Vậy quân Minh hay Lê Lợi giết Lê Lai ?

Có điều gì khúc mắc để đưa đến sự không đồng nhất trong các sử liệu?

Người viết xin đặt những câu hỏi như sau để lần lượt nhận xét:

1-Lê Lai có bị bắt năm 1418 không ?
2-Lê Lai có bị giết năm 1418 không ?
3-Nếu Lê Lai bị giết thì tại sao trong ĐVSKTT ông Ngô Sĩ Liên lại viết như trên?
4-Có thể ông Lê Lai không bị quân Minh Giết năm 1418 và ông đã được nghĩa quân cứu thoát, sau đó năm 1427 mới bị Lê Lợi giết ?
5-Hoặc có hai hoặc ba ông Lê Lai, một ông bị quân Minh bắt và giết năm 1418 và một ông Tư Mã Lê Lai khác bị Lê Lợi giết năm 1427?
6-Hay còn một lý do nào khác? Người viết sẽ cố gắng để trình bày sau .

Bài viết xin được phép chia làm hai phần như sau (vì có lẽ hơi dài).
Phần 1: Trích dẫn sử liệu
Phần 2: Thiển ý của người viết về nghi vấn này.

Phần 1 - Trích dẫn sử liệu

Trước hết, xin trích dẫn những sử liệu nói về việc này (liệt kê theo niên đại), cùng những nhận xét cá nhân :

A- Lam Sơn Thực Lục (1431) Nguyễn Trãi biên soạn, Lê Thái Tổ (Lê Lợi ) đề tựa, cuốn thứ nhất, trang 9. Dịch giả: Bảo Thần -1944, nhà xuất bản Tân Việt -1956 . Chuyển sang ấn bản điện tử bởi : Công Đệ, Tuyết Mai, Doãn Vượng, Lê Bắc-2001:

"Khi ấy quân ta mới chỉ được nhỏ, mà thế giặc đương mạnh. Nhà vua liền vời các tướng mà bảo rằng :
- Ai có thể thay mặc áo vàng của Trẫm, lĩnh năm trăm quân , hai thớt voi, đánh vào thành Tây Đô. Thấy giặc ra đối địch thì tự xưng tên: "Ta là chúa Lam-Sơn đây". Để cho gặc bắt ? Cho ta được náu mình, nghỉ binh, thu họp cả quân sĩ , để mưu tính việc về sau !"
Các tướng đều không dám nhận lời. Chỉ có Lê Lai thưa rằng :
- Tôi xin bằng lòng xin thay mặc áo Nhà -vua. Ngày sau Bệ Hạ gây nên Đế-nghiệp, có được thiên-hạ, thương đến công tôi, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều tôi mong mỏi.
Vua lạy trời mà khấn rằng:
- Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này trẫm cùng con cháu, và các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài này hóa ra rừng núi, ấn vàng hóa ra đồng sắt, gươm thần hóa ra đao-binh.
Nhà vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cửa trại giặc khiêu chiến.
Giặc cậy quân mạnh xông đánh. Lê Lai cưỡi ngựa, phi vào giữa trận giặc, nói rằng :
- Ta đây là chúa Lam Sơn !
Giặc liền xúm lại vây, bắt lấy trói đem về trong thành, xử bằng hình phạt cực ác, ra hẳn ngoài những tội thường làm".

Theo Lam Sơn Thực Lục, thì Lê Lai bị bắt ở Tây Đô (thành nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa, hữu ngạn sông Mã-tên cũ là Lỗi Giang) -1418- (không bị bắt ở Chí Linh) khi làm theo kế của Lê Lợi : lừa quân Minh bắt mình, để cho Lê Lợi rảnh tay mưu tính việc lớn. Tuy nhiên, không nói gì về việc ông Lê Lai bị giết trong thời gian này, và cũng không nói tới việc Lê Lai bị Lê Lợi giết năm 1427.

B- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sử quan Ngô Sĩ Liên là tác giả 15 quyển đầu (tổng cộng là 24 quyển), hoàn tất năm 1479, các tác giả khác hoàn tất bộ này năm 1697.
Không nói về việc ông Lê Lai bị bắt hay bị giết năm vào khoảng năm 1418. Tuy nhiên viết về việcTư Mã Lê Lai bị Lê Lợi giết như sau : “ Giết Tư mã [ 27b] Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có chiến công, nói năng khinh mạn”.

C- Đại Việt Thông Sử (1759) soạn giả Lê Quí Đôn. Dịch giả: Lê Mạnh Liêu-1973. Nhà xuất bản : Bộ Văn Hoá Giáo Dục và Thanh Niên –Sàigon-1973, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội-Hà Nội-1978. Chuyển sang ấn bản điện tử bởi: Công Đệ, Lê Bắc -2001.
Đại Việt Thông Sử, trang 5, nói về việc ông Lê Lai bị bắt năm 1418 như sau :

“ Lúc ấy binh tướng của ta đương thời-kỳ ban đầu, còn rất ít ỏi, thế mà quân Minh có tới hơn 45.000, voi ngựa cao hàng trăm con, bởi thế Hoàng –đế không địch nổi, thua trận phải chạy vào Mang-Một, nay là (Mang-Chánh), rồi lần đến Trịnh –Cao, giáp giới nước Ai-Lao, nơi đây, dân thưa lương ít, trên đường không người đi lại. Đóng ở núi Mang-Cốc trong núi Linh-sơn hơn 10 ngày, phải dùng mật ong trộn với vũ-dư-hương (thứ phấn hồng trong đá) làm bữa ăn, rất là khốn đốn! Hòang -đế bèn hỏi các tướng:
“Có ai dám bắt chước việc Kỷ -Tín thời xưa không?”
Người ở thôn Dặng-Tú là Lê Lai khẳng khái vâng mệnh, tự-nguyện thay đổi mặc áo bào nhà vua, xưng là vua Lê- Lam-Sơn, dẫn quân ta đánh nhau với quân Minh, quân Minh mừng rỡ, liền dồn cả quân vây chặt Lê Lai, Lai chống cự đến kiệt sức thì bị bắt, quân Minh dẫn Lai về thành Đông-Quang giết chết, [tờ 12a] chúng bèn lui binh, ta được thoát nạn”.

Cũng Đại Việt Thông Sử, đầu trang 15:

"Viên Tư-mã là Lê…*1 cậy có chiến công [tờ 31a] thường thốt ra những lời khinh nhờn. Hoàng-đế sai giết chết, và tịch thu gia sản. Viên Thiên hộ là Lý Vân, và Tòng nhân là Bùi Vĩnh, lấy trộm muối chở vào thành Chí Linh, ngài cũng sai giết cả, và đều bị tịch thu gia sản."

Với ghi chú dưới cuối trang như sau :

*1- Đây là tên người, nhưng chính bản chỉ chép một chữ “Lê” (họ Lê) mà bên dưới bỏ trắng khoảng một chữ. Vậy không biết viên này tên là gì?.

Theo Đại Việt Thông Sử thì Lê Lai bị quân Minh bắt và bị giết chết năm 1418 và có một viên Tư Mã họ Lê bị giết năm 1427 nhưng không biết tên là gì!

D- Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (hoàn tất năm 1819) .
Ghi chú : đoạn trích dẫn sau được sao lại từ bài : “Ai giết Lê Lai?” của ông Nguyễn Dư:

Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Phan Huy Chú (Nxb Sử học, Hà Nội,1960, tr.266) kể tên một số công thần nhà Lê :
"Công thần đầu nhà Lê nguyên số là 93 người, không thể chép hết được (...) Họ đều là bậc anh tài giúp vua, gặp hội phong vân trổ hết trí dũng, đều là có công đầu mở nước cả (...). Còn như Lê Thạch làm tiên phong thường thắng, Lê Lai vì nước bỏ mình, Lê Triện, Lê Lễ bày mưu lạ phá giặc, đều là tướng tài giỏi, có tiếng một thời tiếc rằng chết vì việc nước, công nghiệp chưa trọn (...)".
Phan Huy Chú ghi thêm về Lê Lai :
"Ông người thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang (Thanh Hóa) : Lúc mới khởi binh, bị tướng Minh vây ngặt, vua hỏi các tướng, bàn xem [có ai] đổi áo đánh lừa giặc, như việc Kỷ Tín ngày xưa. Ông xin đi. Bèn mặc áo bào, đem quân xông vào hàng trận của giặc, đánh đến đuối sức, bị bắt. Vua nhân dịp trốn thoát".

Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí viết: “…,Lê Lai vì nước bỏ mình,….”. Nếu ta chỉ đọc hàng chữ này thì câu “vì nước bỏ mình” đã không nói rõ là Lê Lai bị giết, sau khi “đánh đến đuối sức, bị bắt” . Tuy nhiên, trong đoạn văn đầu, nếu đọc nguyên câu thì người viết hiểu như sau:

- Lê Thạch làm tiên phong thường thắng.
- Lê Lai vì nước bỏ mình
- Lê Triện , Lê Lễ bày mưu lạ phá giặc.
- Lê Thạch, Lê Lai, Lê Triện, Lê Lễ “đều là tướng giỏi”.
- Lê Thạch, Lê Lai, Lê Triện, Lê Lễ “có tiếng một thời”
- “Tiếc rằng” Lê Thạch, Lê Lai, Lê Triện, Lê Lễ đã “chết vì việc nước” khi “công nghiệp chưa trọn(…)”

Vậy ta có thể hiểu rằng:
Ông Lê Lai đã vì nước bỏ mình và đã bị chết sau khi bị quân Minh bắt.
Tuy nhiên, người viết không có sử liệu “Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí” nên không được đọc, hay biết gì về việc ông Tư Mã Lê Lai bị giết năm 1427, ngoại trừ đoạn văn trên được sao lại từ bài viết của ông Nguyễn Dư.

E- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM), soạn giả: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, dịch giả: Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội-Hà Nội 1993, chuyển sang ấn bản điện tử (PDF file) bởi Lê Bắc, Công Đệ, Ngọc Thuỷ, Tuyết Mai, Thanh Quyên .

Ghi chú : ấn bản điện tử ghi :
Soạn giả : Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, năm 1697 .
Điều này e rằng không đúng và nên viết là 1884.
Trong phần Tác Giả-Văn Bản-Tác Phẩm trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1998, trang 43, ông Phan Huy Lê viết :
“Cuối năm 1856, Tự Đức ra chỉ dụ biên soạn bộ quốc sử chính thức của triều Nguyễn do Phan Thanh Giản làm Tổng Tài . Đến năm Kiến Phúc 1 (1884), bộ sử đó hoàn thành và khắc ván in. Đó là bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục gồm 53 quyển…”

Đoạn viết về ông Lê Lai bị bắt như sau (trang 388, Chính biên quyển XIII) :

“Tháng 4, mùa hạ. Bình Định Vương đánh đồn Nga Lạc, bắt được chỉ huy Minh, Nguyễn Sao. Rồi Vương lui lại giữ núi Chí Linh. Quân Minh kéo đến bức bách. Đô Tổng Quản Lê Lai chịu chết thay Vương.

Vương tấn công đồn Nga Lạc, bắt được chỉ huy Minh, Nguyễn Sao, đem chém. Nhưng bấy giờ thế lực cuả giặc còn đang mạnh; về phía Vương, tướng còn hiếm, quân còn ít, lại đánh nữa, không thắng được địch. Vương chạy vào Trịnh Cao, rồi lui giữ núi Chí Linh. Quân Minh thường đến đánh úp: tình hình phí Vương khốn quẫn quá! Vương phải nhóm họp các tướng, dụ bảo họ rằng: “ Bây giờ ai có thể làm Kỷ Tín xưa , để ta ẩn náu trong rừng núi, mưu tính cử sự về sau?”. Trong các tướng chẳng ai dám đáp ứng cả. Riêng có Lê Lai khẳng khái xin vâng, tình nguyện trao đổi đồ mặc với Vương để đi chết thay.
Lê Lai liền cho sắp xếp nghu trượng chỉnh tề, chính mình đem quân và voi, hưóng ra phía địch, chỉ huy các tướng chia đường khiêu chiến. Tướng Minh lấy thêm quân bao vây Lê Lai. Lai chiến đấu kiệt sức, bị người Minh bắt và giết chết. Địch bèn rút quân về Tây Đô”.

Theo KĐVSTGCM thì Lê Lai bị quân Minh bắt và bị giết chết năm 1418 và không thấy nói về việc ông Lê Lai bị Lê Lợi giết năm 1427.

F- Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin 1999, trang 220 :

“Quan nhà Minh biết rằng Chí Linh là chỗ Bình Ðịnh Vương lui tới, bèn đem binh đến vây đánh. Vương bị vây nguy cấp lắm, mới hỏi các tướng rằng:
Có ai làm được như người Kỷ Tín ngày trước chịu chết thay cho vua Hán Cao không? Bấy giờ có ông Lê Lai liều mình vì nước, xin mặc thay áo ngự bào cưỡi voi ra trận đánh nhau với giặc. Quân nhà Minh tưởng là Bình Ðịnh Vương thật, xúm nhau lại vây đánh, bắt được giết đi rồi rút quân về Tây Ðô”.

Theo Việt Nam Sử Lược thì Lê Lai bị quân Minh bắt và bị giết chết năm 1418. Cũng không thấy Việt Nam Sử Lược nói về việc Lê Lai bị Lê Lợi giết năm 1427.

G- Việt Sử Toàn Thư (VSTT) của Phạm Văn Sơn- Tủ Sách Sử Học- Cơ Sở Xuất Bản Đại Nam, trang 360:

“Có một lần giặc đem nhiều binh đội đến vây Chí Linh, tìng cảnh của Vương rất là nguy khốn. Lê Lai đóng vai Kỷ Tín (Kỷ Tín ngày trước chịu chết cho Hán Cao Tổ)*46 mặc áo ngự bào giả làm Lê Lợi cưỡi voi ra đánh nhau với giặc để cho giặc bắt. Quân giặc tưởng Lê Lai là Bình Định Vương giết đi, rồi yên chí lui quân về Tây Đô.”

Ghi chú ở cuối trang 360:

“*46-Lê Lợi hứa rằng sau này mình chết thì con cháu phải cúng giỗ Lê Lai trước. Ngày 22-8 nhuần năm Quý Sửu (1435) vua Lê Thái Tổ mất nên ngày 21 là ngày kỷ niệm Lê Lai. Sau này có câu: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi là vì việc này.”

Theo VSTT thì Lê Lai bị quân Minh bắt và bị giết chết năm 1419 (khác với các sử liệu khác viết là 1418). Không thấy VSTT nói về việc Lê Lai bị Lê Lợi giết năm 1427.

Trong Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn- Tủ Sách Sử Học- Cơ Sở Xuất Bản Đại Nam, trang 429, quyển 1 (7 quyển) cũng viết như trên .

H- Việt Sử Khảo Luận (VSKL) của Hoàng Cơ Thụy, nhà xuất bản Nam Á, Paris, năm 2002, trang 483 quyển 1 (6 quyển), cũng dùng các nguồn sử liệu trên. Tuy nhiên cuối trang này có viết một câu như sau:

“-Lam Sơn thực lục quên không có một lời thán phục 500 dũng sĩ đã cùng hy sinh với Lê Lai!”

Qua những trích dẫn từ các nguồn sử liệu trên, ta thấy chỉ có Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (ĐVSKTT) nói đến việc Lê Lai bị Lê Lợi giết năm 1427 . Đại Việt Thông Sử của ông Lê Quí Đôn có viết về một ông Tư Mã họ Lê (không nói tên), cũng bị Lê Lợi giết năm 1427 vì cùng một lý do như trong ĐVSKTT.

Có những giả thuyết để có thể giải thích sự kiện này như sau:

1- Giả thuyết ông Lê Lai chỉ bị quân Minh bắt (1418), bị tra tấn, nhưng không bị giết và vì một lý do nào đó , ông đã trở về lại với nghĩa quân Lam Sơn, để rồi bị Lê Lợi giết năm 1427. Thuyết này được đưa ra bởi ông Nguyễn Dư, trong bài viết “Ai giết Lê Lai?”.

Người viết cũng hiểu rằng, sự kiện sẽ chính xác hơn nếu những người cùng thời viết về sự kiện này. Qua các sử liệu đã dẫn chứng, ông Nguyễn Trãi, người viết Lam Sơn Thực Lục và ông Ngô Sĩ Liên (được nói là người tham gia nghĩa quân Lam Sơn rất sớm, nhưng không rõ năm) là những người cùng thời với biến cố đã nêu trên. Tuy nhiên ông Nguyễn Trãi không nói chính xác là Lê Lai bị giết, mà chỉ nói bị bắt và tra tấn dã man. Còn ông Ngô Sĩ Liên thì không nói tới việc Lê Lai bị bắt hay bị giết, mà chỉ nói về việc Tư Mã Lê Lai bị Lê Lợi giết năm 1427, chính điều này đã gây nên nghi vấn .

Sự phân tách và giải thích một câu viết có thể đi tới những kết luận khác nhau, đặc biệt khi câu viết không được rõ ràng (dù bản chính hay bản dịch).

Lam Sơn Thực Lục viết:

“Giặc liền xúm lại vây, bắt lấy trói đem về trong thành, xử bằng hình phạt cực ác, ra hẳn ngoài những tội thường làm”.

Câu này không nói về việc Lê lai bị giết, tuy nhiên, cũng không thể đưa ra kết luận là Lê Lai còn sống. Ông Nguyễn Trãi biết ông Lê Lai bị tra tấn, có thể được kể lại bởi chính ông ta, cũng có thể bởi người khác nhìn thấy, hay bởi chính quân Minh đầu hàng kể lại. Vậy thì việc biết ông Lê Lai bị tra tấn, không thể đưa ra kết luận là ông còn sống sau khi bị bắt, đã trở về, và kể lại sự việc.
Trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, nếu theo cách hiểu của người viết như đã trình bày ở trên, thì ông Lê Lai đã bị quân Minh giết năm 1418.
Giả thuyết về chuyện ông Lê Lai còn sống đến năm 1427, theo thiển ý cá nhân, thì thuyết này không đưa ra kết luận thoả đáng để giải thích về việc ông Lê Lai bị Lê lợi giết năm 1427 (được viết bởi ông Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

2- Hay có nhiều Lê Lai? Một ông bị quân Minh bắt và giết năm 1418, một ông bị Lê Lợi giết năm 1427 như giả thuyết của ông Nguyên Thắng .
Điều này cũng có thể xảy ra, như trong bài viết của ông Nguyên Đạo “Nghe bàn chuyện Lê Lai” :

“Nhưng khó tưởng tượng nổi trong một triều đình có ba bốn quan đại thần, cùng mang một tên, cùng có công trạng lớn đến mức độ được mang quốc tính, dám ngạo mạn với vua, công trạng đó lại không được nhắc nhở trong sử sách. Trong các trận đánh, lớn nhỏ, sao không thấy nói đến tên Lê Lai? Ngoài công "liều mình cứu chúa", có Lê Lai nào còn công trạng khác?”

Người viết cũng có cảm tưởng giống như ông Nguyên Đạo, nhưng “cảm tưởng” không là một yếu tố quan trọng để nhận định sự việc, để có thể đi đến một kết luận hợp lý.
Hơn nữa, nếu nói là có nhiều Lê Lai, thì cũng như ông Nguyên Đạo viết, bằng cớ để chứng minh là một điều cần thiết. Ông Nguyên Thắng đã đưa ra một số dữ kiện. Nhưng vấn đề “tam sao thất bổn” là một việc rất đáng quan tâm để tìm hiểu sự việc này, với thí dụ sau :
Ông Nguyên Thắng viết :

“Lam Sơn thực lục tục biên chép cả việc Lê Lai hy sinh cứu Lê Lợi và việc Lê Lai bị giết năm 1427”

Người viết không tìm thấy sự việc này ghi lại trong bản LSTL (PDF file- xuất xứ như đã nói trên). Vậy là bản Tục Biên khác với bản chính ?
Thêm nữa lấy những bia đá, mộ chí để chứng minh, có thể sẽ đưa đến sự thiếu chính xác. Biết đâu , những hậu duệ của người quá cố đã “phóng đại” về sự nghiệp của tổ tiên mình. Việc này dễ làm sai lạc sự chứng minh và sẽ gây nên những câu hỏi, vì không có những kiểm chứng rõ ràng. Tuy nhiên, giả thuyết của ông Nguyên Thắng cũng khá gần với thiển ý của người viết là: ông Lê Lai đã bị giết năm 1418, và có một người khác (không nhất thiết phải có tên là Lê Lai) bị giết năm 1427, để giải thích cho câu viết của ông Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Phần 2 - Thiển ý của người viết về nghi vấn này:

Sau khi đọc qua một số sử liệu, thì nghi vấn “Ai giết Lê Lai?” được nêu lên bởi câu viết của sử quan Ngô Sĩ Liên trong ĐVSKTT:

“Giết Tư mã [ 27b] Lê Lai, tịch thu gia sản, vì Lai cậy có chiến công, nói năng khinh mạn”.

Để tìm hiểu và thử giải thích việc này và để đi đến kết luận, người viết xin phép các sử gia, các độc giả xa gần để trình bày ý kiến thô thiển, mà khả năng về sử học của người viết rất là hạn hẹp, và về Hán học là thì chỉ gần như là con số không.
Vì chỉ có sự kiện về việcTư Mã Lê Lai bị Lê Thái Tổ giết năm 1427, được viết trong ĐVSKTT, nên chúng ta thử có cái nhìn sơ lược về bộ sử này.

Bộ ĐVSKTT (bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 hay năm 1697, gồm 24 quyển), 15 quyển đầu của Sử Thần Ngô Sĩ Liên, đặt căn bản trên hai quyển sử:

a- Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu (1230-1322) đời Trần (gồm 30 quyển, thất truyền)

b- Đại Việt Sử Ký Tục Biên (10 quyển, thất truyền), Phan Phu Tiên (Năm sanh? Năm qua đời? Ông sống từ cuối đời Trần đến đầu đời Hậu Lê), chép việc từ đời Trần Thái Tông cho đến khi quân Minh rút về nước (từ năm 1226 cho tới năm 1427)

Bộ ĐVSKTT được viết bởi các tác giả sau (theo niên đại)

1- Ngô Sĩ Liên (năm sinh và năm tử không được ghi lại, ông thọ 98 tuổi!), tham gia khởi nghiã Lam Sơn từ năm 1418-1427, viết 15 quyển đầu cuả bộ ĐVSKTT
2- Vũ Quỳnh (1452-1516).
3- Phạm Công Trứ (1600-1675).
4- Lê Hy (1646-1702).
5- Các cộng sự viên.
6- Những người trông nom việc viết và khắc, các thợ khắc ( Hồng Lục và Liễu Chàng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương- ĐVSKTT trang 59).

Qua thời của các sử gia trên, việc ông Ngô Sĩ Liên chép, chắc chắn đã được các sử gia đời sau đọc và phân tách kỹ càng . Vậy việc “Tư Mã Lê Lai bị giết năm 1427”, thế hệ sau như chúng ta nên hiểu rằng sự kiện này đã được các ông công nhận và đây là đúng sự thật!

Vậy vấn đề phải giải thích như thế nào? Những người thời nay, đọc bộ sử này bằng bản dịch!
Trong bộ Đại Việt Thông Sử (1759), ông Lê Quí Đôn (1726?-?) một học giả uyên bác đã để lại cho chúng ta một manh mối về nghi vấn này:

“Viên Tư-mã là Lê…*1 cậy có chiến công [tờ 31a] thường thốt ra những lời khinh nhờn. Hoàng-đế sai giết chết, và tịch thu gia sản.”

Một điều có thể đoán được là Ông Lê Qúi Đôn đã đọc những điều được viết trong bộ ĐVSKTT, để tham khảo cho bộ Đại Việt Thông Sử của ông ( người sống trong thời Lê trung hưng, và thời gian đã không quá xa khi bộ ĐVSKTT được hoàn tất năm 1697). Tuy nhiên, ông đã không viết tên của Tư Mã họ Lê và để trống như đã trình bày trong phần 1.

Ông không viết tên vị Tư Mã họ Lê, có thể vì những vấn đề sau:

1- Ấn bản in tên Tư Mã họ Lê khó đọc, hay không đọc được như bị mờ hay thiếu nét, hoặc nghi ngờ vì thiếu nét, sự liên tục của nét chữ, v.v… (Xin coi hình đính kèm về đoạn văn viết trong ĐVSKTT về chữ Tư Mã Lê Lai). Thí dụ trong trường hợp này là nét sổ ngang của chữ “Lai” bị đứt quãng một cách rõ ràng, hầu như cố ý (hai chữ “Lai” khắc giống nhau).

2- Thợ khắc có thể khắc sai chữ!

3- Hay vì lý do nào đó về ngôn từ, như một chữ Hán có nhiều cách đọc sang Nôm như tên người, hoặc ngược lại, một chữ Nôm có thể dịch và viết bằng nhiều chữ Hán khác nhau.
Vấn đề ở đây là chúng ta thấy có khúc mắc, có thể vì chữ Hán, chữ Nôm viết tên người Việt, hay lý do nào đó về từ ngữ, mà ông Lê Quí Đôn đã không viết để tránh hiểu lầm.
Đó là nói về những nghi vấn về ngôn từ.
Sang vấn đề dịch thuật, dịch giả có thể dịch khác nghĩa, hay tên, khi dịch từ Hán tự sang Nôm, vì một chữ Hán có thể dịch sang nhiều chữ Nôm khác nhau. Chữ * “”(chữ Hán) có thể dịch là “Lai” hay “Lãi” hay “Lại”.

Trong tự điển của Thiều Chửu http://perso.wanadoo.fr/dang.tk/langues/hanviet.htm
Hoặc http://www.viethoc.org/

Có viết như sau:
Theo bộ:

lai, lại (11n)

1 : Ðời xưa dùng như chữ lai .
2 : Một âm là lại. Yên ủi.

Theo chữ :

: lai
: lãi

Vậy tóm lại, những việc có thể gây nên nghi vấn, không phải là vì nhân vật, hay sử liệu mà còn nhiều yếu tố như bản khắc, người dịch, mà chúng ta, vì những chi tiết nêu trên -những người đọc bản văn dịch- có thể nói là sử liệu đã đưa những điều mâu thuẫn.

Để kết luận, theo thiển ý cá nhân của người viết, sử liệu đã viết, thay đổi rất khó, ngoại trừ bằng chứng phải cực kỳ rõ ràng.

Chuyện ông Lê Lai giả Lê Lợi để bị quân Minh bắt và giết, hy sinh cho đại nghĩa là một điều rõ ràng .
Ông Tư Mã họ Lê bị vua Lê Thái Tổ giết không phải là ông Lê Lai đã hy sinh vì đại nghĩa, là một người khác, có thể có tên là Lai, Lại, Lãi, hay một tên nào đó ở trong vòng nghi vấn vì vấn đề từ ngữ, và vấn đề này cũng không quan trọng đến nỗi phải thay đổi sử liệu.

Trần Việt Bắc (tvb)
5-11-04