Vũ Hoàng Thư
Tháng bảy và cơn mưa bất ngờ ngập ngừng buổi sáng. Hải âu oang
oác kêu đàn vang vang trong gió. Tiếng chim biển nhắc nhở tôi về
một điều tưởng đã quên. Tôi muốn gọi thật to tên của một vùng biển
xa. Hè luôn luôn là mùa nhớ biển. Nhớ cát và nước mặn. Nhớ Duy Tân
trải dài về Cầu Đá, Hòn Yến lấp lánh mờ ở biển khơi. Nhào xuống
sóng, một ngụm mặn chát để lại vị tê ở đầu lưỡi, bỗng dưng quên
hết mọi sự đời. Chân hải đảo ngoài xa lúc bấy giờ ngang tầm mắt,
lồ lộ thật to. Và ta như chìm xuống, nhỏ nhắn tan loãng trong từng
cơn sóng vỗ. Mát rượi chạy rần theo thớ thịt cho đến khi nắng bắt
đầu háp vào da. Màu nắng trắng chói chan nở thành hoa đốm lóe trên
mặt vịnh, trên hàng dừa, trên bãi cát dài. Đưa mắt bâng quơ về cuối
chân trời nhìn theo bóng ai thấp thoáng. Nụ cười ẩn hiện mênh mông
biển. Mắt đầy hoa không trung long lanh từng chấm sáng theo làn
tóc gió. Mắt phản chiếu một đại dương nên sâu thăm thẳm xanh, đại
thể nằm gọn trong đôi mắt cho ba nghìn thế giới rơi rớt rụng vào
một ánh nhìn. Bất giác nhớ một hồng của má và một ấm của môi. Biển
xa xôi căng gió lồng lộng lòng buồm. Buồm mở lối cho người lên đường
từ những tiếng gọi trùng khơi. Cứ thế viễn du và bến cảng muôn đời
níu đẩy những mộng ước giang hồ.
Từ khung cửa, Santa Barbara nhẹ hẫng, lửng lơ trong màn sương đục.
Tiếng mưa bụi thì thầm về một câu chuyện không đâu, chuyện một ngày
tháng bảy thay vì nắng ráo thì lại âm u, chuyện nắng gió thất thường
cũng như chuyện đời, nó cứ lên xuống quanh ta. Mưa nhỏ không đủ
ướt đường nhưng làm hơi đất bốc lên, chút ẩm và nồng trong không
khí buổi sáng làm mềm tôi, dẫn tôi vật rũ vào cơn ngủ nán. Mộng
mị chập chờn. Hàng cây xóm Gennevilliers, vùng ngoại ô Paris vờn
bay lá tinh mơ. Nghe rất gần tiếng xe rác và những người da đen
đổ thùng vang động thanh âm quen thuộc của ngày. Tôi muốn vùng dậy.
Thèm một ly café thật đậm với sắc đen quánh của sáng Paris dợn ánh
trời ẩm đục trong chiếc tách sứ trắng tinh. Mùi bơ thơm lựng quyến
rũ trong từng miếng baguette giòn tan mới mua từ lò bánh mì cuối
đường. Đó là những buổi sớm Paris tôi còn giữ trong đầu. Chiếc bánh
croissant đầu ngày vàng óng khêu gợi không kém gì tiếng nói líu
lo của cô chủ quán liếng thoắng như loài họa mi chào hót nắng lên.
Từ tiệm bánh thả bộ về nhà anh T.V., bước qua quán rượu có những
chiếc ghế nghiêng ngã nơi góc phố lù mù. Tối qua quán đông ắp khách,
ồn ào, náo động, bây giờ chỉ còn những chiếc ghế chổng gọng như
muốn phơi bày hết phía bên kia của một bề mặt. Về một đêm đã qua.
Về niềm vui đi ngủ sớm, khi không một nơi nào đủ sức quyến rũ cho
chân bước về. Đêm hoang và sâu nhưng đêm mãi sớm. Đêm kể chuyện,
đêm mơ hồ tiếng vọng. Men rượu càng khuya càng dâng cao ngút, xoáy
tròn để ta băng vụt thành ánh tinh cầu rơi. Như thế, chỉ còn lòng
đêm ôm gọn và làm nhân chứng cho sao di hành. Quán rượu Paris hay
bất cứ quán rượu nào ở trên trái đất này vào giấc sáng cũng mang
một nỗi buồn của niềm vui tức tưởi. Tôi bật cười về mối liên hệ
vốn không có gì liên hệ giữa những chiếc ghế vô tri nơi quán rượu,
những vì sao rụng hằng đêm, và tôi, đứng ở một góc phố, một buổi
sáng nào đó vùng ngoại ô Paris, lơ đễnh tìm một mặt trời mất biến
đàng sau bầu trời xám đục. Âm ỉ trong tôi những mảnh rời mọc cánh,
bay đậu đó đây của loài bướm hè. Mẹ tôi mỗi khi thấy bướm bà bảo
đó là hóa thân của ông ngoại tôi vì ông tôi lúc sinh tiền thường
nói sau khi chết ông sẽ thành bướm. Ông ngoại tôi mơ làm bướm mà
không là gì khác phải chăng vì cánh bướm nhẹ và thảnh thơi, những
con bướm nhởn nhơ suốt đời không muốn bay ra khỏi hàng dậu. Hủ
hủ nhiên hồ điệp dã / Tự du thích chí dư (1). Phấp phới thân
hồ điệp / Tự mình bay thích lắm thay! Con bướm Trang Chu làm thành
những cơn mộng Đông phương có bướm bay vào giấc ngủ rồi bướm bay
trở ra. Bay ra bay vào cho người đi từ mộng đến mị, đến quên khuấy
ngay cả chính mình, từ đó tra vấn phải chăng đời là cơn mộng lớn.
Những ngày tháng bảy đi giữa nắng nhớ dữ dội về một hàng phượng
và tiếng ve râm ran ở bên nhà. Tôi muốn trở về làm một tên học trò
lười biếng trong những lớp học cuối năm. Những giờ học lấy lệ mong
cho chóng qua vì cả thầy lẫn trò đều mệt mỏi. Quên đi sự gò bó để
thấy mình bay bổng vào sân trường rợp lá đầu hè. Bay theo hàng phượng
xanh ngắt bắt đầu rộ bừng những chùm đỏ thắm. Phượng nồng lên chất
lửa. Phượng hồng máu nóng của huyết quản thanh xuân phà hơi vào
hè rực rỡ. Phượng bước vào mọi góc đường của phố. Phượng sánh theo
những bước của tình nhân. Phượng ở giữa những thân thiết học trò.
Phượng gọi nắng về cho hè bốc cháy, cho lớp học mau tan, cho sách
vở thả bay theo gió. Những tờ giấy vở sẽ thành diều cất cao cánh
vút bay theo áo trắng lung linh trên mặt đường nhựa bốc nóng tựa
những cánh vạc chập chờn trên dòng sông ảo.
Từ đầu hè hoa Jacaranda nở rộ dọc hai bên đường, bây giờ hoa đã
bắt đầu tàn. Jacaranda có lá nhỏ như loài dương xỉ, hoa màu tím
thơm ngát những buổi trưa. Nhìn từ xa cây giống như phượng vĩ ở
bên nhà nhưng lá nhỏ hơn, có lẽ vì vậy cây được gọi là phượng tím.
Tên phượng được đổi căn cước, mặc một chiếc áo khác màu. Mắt đã
quen màu đỏ của phượng nên khi nghe tên phượng tím thấy có chút
lựng khựng. Đem tên loài cây ta đã yêu từ nhỏ gán cho một màu sắc
mới không khỏi có những lâng lâng buồn. Cái buồn vô lý của những
tên lưu vong khó tính. Nhưng cũng chẳng sao, cứ nhìn những hàng
hoa tím dọc theo các đường đi thì ta trở về ngay tức khắc cái tim
tím của Huế. Những cây phượng tím đáng lý phải mọc ở Huế vì Huế
vốn yêu màu tím. Mẹ và chị tôi vẫn thường sắm những chiếc áo dài
tím và khi đông lạnh màu tím sậm của chiếc áo len mang đến một sự
gần gũi ấm cúng lạ thường giữa gió bấc và mưa dầm. Từ lâu tôi vẫn
chưa hiểu vì sao Huế yêu màu tím. Có phải vì Hương thời gian
thanh thanh... Màu thời gian tím ngát... (2) ở Huế? Hương là
hương của mùa yêu ngây ngất chảy dài dưới sông thành tên của chính
con sông. Màu là màu thời gian ngát tím hoàng hôn của đợi, gọi vào
đêm của chờ cho tình nhân lên. Hay tại vì màu đỏ thắm của phượng
tan trong mảng xanh đậm của trời hè pha thành một màu tím lóng lánh
trong mắt ai ? Ánh mắt tím gọi mời những hò hẹn cũ, những đồi sim
thơ dại, và những luống cà trổ bông sau vườn. Chút tim tím nhạt,
màu của đợi chờ, luôn ẩn sâu kín trong tâm hồn Huế. Và như thế,
Huế muôn đời làm một sương phụ ngồi trông chờ đàn con ra đi không
bao giờ trở lại.
Những bước tháng bảy giữa hàng phượng tím dẫn chân về hàng phượng
đỏ của ngày trước. Bước chân cũ đi tìm tiếng ve mà ở đây thiếu vắng
một tiếng ve, chỉ có những chú quạ đen lớn tiếng gọi nhau trên hàng
cây. Và tím đã thay cho màu hè. Nhưng có hề chi, vẫn còn đó hàng
phượng xanh thắm trên lối đi và tôi cũng đã bắt đầu yêu màu tím.
Phượng tím. Tôi chợt nhận ra mình vừa nói về một loài cây mang cùng
tên của một người rất dấu yêu.
Vũ Hoàng Thư
S.B., Tháng 7, 2004
(1) Nam Hoa Kinh, Trang Tử
(2) Màu thời gian, thơ Đoàn Phú Tứ
|