( Riêng tặng bạn bè một thời Phan Châu Trinh đã mộng mơ đi
làm thủy thủ )
Miền Trung đã bắt đầu đón nhận những cơn mưa phùn làm tê tái lòng
người, mùa đông đó có những thằng con trai đang còn lang thang nơi
ngưỡng cửa Đại Học, đã mộng mơ theo tiếng gọi của con dế mèn Tô
Hoài, bỏ trưởng, bỏ lớp, bỏ thầy cô, bỏ cả tuổi mộng mơ, đành đoạn
nhất là đã bỏ những mối tình dang dở đầy ắp kỷ niệm để đi tìm một
chuyến phiêu lưu theo con tàu bồng bềnh sóng nước của Đại Dương
mênh mông với bao nhiêu bờ bến lạ...
Có một chiều, trời đã vào đông, nhưng bỗng nhiên chợt nắng, những
tia nắng mềm êm ả trải dài trên khu phố chính Trần Hưng Đạo, Huế,
xuất hiện những chàng thủy thủ quân phục trắng tinh, áo veste dạ
đen sậm, lang thang dạo phố phường, những anh chàng giang hồ lãng
tử đó đi trong gió heo may lạnh lạnh như chất men rượu đã quyến
rũ chúng tôi chọn đời lính thủy. Quyến rũ hơn nữa, sáng sớm ngày
thứ bảy hôm sau, hai chiếc tàu nhỏ cặp cầu Thương Bạc, chở một toán
học sinh, sinh viên đi thăm một chiến hạm đang neo tại cửa biển
Thuận An, vui ơi là vui, theo dòng Hương trôi ra biển, trời như
trìu lòng người, nắng của ngày lập đông trong veo và ấm lạ thường,
lên thăm viếng một chiến hạm, nơi đây tiếp xúc bao nhiêu điều mới
la. về nếp sống của một người thủy thủ trên tàu, những làn sóng
lăn tăn dào dạt bên mạng tàu, xa xa trời nước bao la trầm bổng theo
lời ca tiếng hát của mọi người :
Toán chiến sĩ Hải Quân hôm nay ra khơi, bờ nước Nam gió khơi
nồng máu say.
Ra đi không vương thê nhi, miền Bắc núi tuyết rét buốt
Quen vui trong muôn phân ly
Sống sô trên ngàn trùng sóng.
Vui say trên Nam Băng Dương.
Nước xanh hồn Thái Bình Dương
Ra khơi sóng vang dạt dào
Mênh mông sóng vang trên tàu...
Những đam mê đó rạo rực trong lòng của đám thanh niên Huế, đến
ngày đầu Xuân năm ấy, chúng tôi khoảng 200 người, phần lớn là Sinh
Viên Đại học Huế nộp đơn dự thi vào khóa Sĩ Quan Hải Quân, hội đồng
thi đặt tại Căn Cứ Hải Quân Đà Nẵng Sơn Chà. Chúng tôi tình nguyện
chấp nhận đời thủy thủ với niềm hăng say của tuổi trẻ, rạo rực của
con tim phiêu bồng, với khẩu hiệu quyến rũ chúng tôi : CÁC BẠN GIA
NHẬP HẢI QUÂN ĐỂ CÓ MỘT KIẾP SỐNG HẢI HỒ, MỘT NGÀNH HỌC UYÊN BÁC,
MỘT NGHỀ NGHIỆP CAO QUÝ.
Sau ngày thi tuyển khoảng hai tuần, một tối nọ, tôi nghe trên Đài
phát thanh Huế đọc danh sách 12 thí sinh trúng tuyển, lòng phân
vân không biết buồn hay vui, tôi vào lính chắc chắn Ba Me tôi không
bằng lòng, tôi còn trong tình trạng được tiếp học, ngày đó Nam Sinh
Viên mà ở lại lớp một năm thì phải thi hành lệnh tổng động viên,
nhập ngũ vào quân trường Thủ Đức, đường học hành của tôi chưa có
trở ngại, nhưng tôi tự chọn cho mình con đường trong tương lai.
Tôi đi vào Hải Quân với tất cả ham mê của tuổi trẻ, của lòng yêu
quê hương, quê hương đang quằn quại trong chiến tranh Nam Bắc.
Ngày tôi lên đường nhập ngủ, nước sông Hàn Đà Nẵng dâng cao, Ba
Má và em gái tôi ra tận bờ sông đưa tiễn, chiếc tàu nhỏ chở 12 đứa
chúng tôi qua Hải Khu Đà Nẵng ngoài Tiên Sa để nhập trại, chờ chiến
hạm đưa về quân Trường Hải Quân Nha Trang. Hình ảnh những người
thân yêu xa dần rồi mất hút, tôi mơ hồ thấy Me tôi khóc, Ba thì
trầm ngâm đứng lặng, riêng đứa em gái vẫn nở nụ cười hồn nhiên vô
tư :
Mưa vẫn mưa dài trên lối đi
Giọt mưa rơi ướt tuổi xuân thì
Em tôi từ độ em mười sáu
Vô tư chưa biết sầu biệt ly
Tôi bùi ngùi, lần tay vào vào cổ, mân mê lá bùa mà Me đeo cho tôi
và nói Me thỉnh từ một vị sư già nào đó làm bùa hộ mạng cho tôi,
tôi chợt ân hận vì đã đem nỗi buồn đến cho những người thân yêu
nhất đời. Chiếc tàu nhỏ đưa 12 đứa con trai mặt mày non choẹt, ngổ
ngáo đến Hải Khu Đà Nẵng, Thiếu úy Thiệt phòng nhân viên của Hải
Khu đón tiếp chúng tôi lập thủ tục nhập trại, đời lính bắt đầu từ
đây hay sao ? Tôi tự hỏi và cảm thấy trong lòng có nhiều sự đổi
thay, nhưng tuổi trẻ ham vui chúng tôi bắt đầu làm quen nhau 8 người
quê quán gia đình tại Huế, 2 người Đà Nằng và 2 là người Quảng Nam
Quảng Ngãi. Chúng tôi là những thí sinh trúng tuyển miền Trung.
Phần lớn đại đa số thi tại Sàigòn, trình diện trại Bạch Đằng, để
cùng về nhập khóa tại Nha Trang, tổng cọng 100 Sinh Viên được tuyển
lựa trên toàn quốc qua một kỳ thi tuyển. Trong những ngày tạm trú
tại đây, mưa gió buồn bã vây quanh, một eo biển nhỏ mênh mông nước,
một vài chiếc tàu nhấp nhô đem lại cho chúng tôi nỗi buồn man mác,
nhớ mông lung những tháng ngày cắp sách đến trường, thật sự rồi,
chúng tôi bắt đầu giã từ tuổi học trò mộng mơ, gởi lại bên bờ sông
Hàn chùm phượng vĩ, tiếng ve sầu và biết bao kỷ niệm êm đềm mà suốt
đời vương vấn mãi.Tạm trú được ba ngày, ngày thứ tư chúng tôi được
đưa xuống một chiến hạm mang số HQ 09, HQ Thiếu Úy Rạng ( Khóa 9
), Sĩ Quan đang phục vụ trên chiến hạm làm Sĩ Quan trách nhiệm toán
chúng tôi trong suốt chuyến hải hành Đà Nẵng - Nha Trang, ông ta
tập họp chúng tôi tại sân giữa của tàu để nói lời khích lệ, giới
thiệu trường Hải Quân Nha Trang, nơi chúng tôi sẽ có 2 năm học hải
nghiệp. Trung tâm Huấn luyện Hải Quân Nha Trang do Hải Quân Pháp
xây cất và khánh thành tháng 11 năm 1951 theo tiêu chuẩn của Trường
Hải Quân BREST của Pháp, sau hiệp định Genève được bàn giao lại
cho Quân lực VNCH với sự trợ huấn của HQ/Hoa Kỳ. Trường tọa lạc
trên một khu đất rộng đối diện với bờ biển Nha Trang muôn đời rì
rào sóng vỗ. Ông cũng giới thiệu lịch sử chiến hạm chúng tôi đang
quá giang, chiến hạm mang tên TỔ YẾN HQ 09, là loại tàu tuần dương
PCE ( Patrol Craft Escort ) được Hải Quân Mỹ chuyển giao đầu năm
1962.... và những hoạt đông của nó trong thời gian phục vụ trong
hạm đội VNCH.... Giọng nói của Thiếu úy Rạng ấm và hùng hồn cho
chúng tôi sự bình tĩnh trở lại, sau đó chúng tôi được hướng dẫn
thăm tàu và được khuyến khích tham dự các hoạt động của tàu trong
suốt thời gian hải hành.Chiến hạm ra khơi trong mùa biển động, con
tàu lắt lư theo từng cơn sóng bạc đầu, ngay ngày đầu tiên, tất cả
đều nằm liệt trên các giường nệm dành riêng cho chúng tôi. Thủy
thủ đoàn ai nấy đều làm việc vui vẻ, chỉ có bọn chúng tội những
lính mới tò te, mơ mộng tình yêu biển, những ngày tháng phiêu du
đó đây trong mênh mông của Đại Dương bao la, giờ đây đã vỡ mộng.
Những tấm thân nằm im bất động, từ chối những lần được mời đi ăn
cơm của người phụ trách ẩm thực, Th/Úy Rạng cho mỗi tên vài bao
nylon để nôn mửa, ông tươi cười nhìn lũ chúng tôi và nói:
- Ngày xưa khi mới ra trường, tôi cũng như các anh, còn say sóng
nhiều hơn nữa, nhưng dần dần quen đi, bây giờ thì cảm thấy thích
thú trong những ngày đi biển.
Vừa nghe hết câu này, một đứa trong bọn buột miệng la “Trời ơi”,
thế là tất cả những gì còn trong bụng nó đều tuông ra khỏi mồm,
văng tung tóe vào ngươi Th/Úy Rạng. Chúng tôi nắm liệt một ngày
không ăn uống, có đứa tè ra cả quần, Th/Úy Rạng bảo phải ăn uống
vào để mà nôn mửa, chứ không thì sẽ bị đau bao tử, ông không cho
chúng tôi uống thuốc say sóng, ông bảo thủy thủ không biết loại
thuốc này, ngày xưa tôi vừa đeo Xô vừa làm việc, làm việc và nôn
ọe là hai động tác đưa người thủy thủ đến bến bờ mộng mơ. Con tàu
tròng trành nghiêng ngả, sóng càng lớn phủ mũi tàu trắng xóa, ông
giải thích thêm, đây chỉ là sóng cấp 6 trong 9 cấp của sóng và chỉ
là sóng dọc ngang, nếu gặp sóng ngầm thì càng vui hơn, loại sóng
này đưa thân thể vào tình trạng mất trọng lượng và mình cảm thấy
phiêu bồng vào một thế giới thần tiên, rồi còn gặp bão nữa, nói
đến đây ông cười, nụ cười mà tôi nhớ mãi người Sĩ Quan đàn anh vui
tánh.Chúng tôi hình như bị chạm tự ái, tuổi trẻ mà, đâu có chịu
thua bao giờ, chúng tôi đồng loạt đứng dậy, lê lết đi làm vệ sinh
cá nhân, ăn chút cháo cho ấm lòng người lính biển Quốc Gia, Lê Đình
Đức, tên chì sóng nhất trong bọn, đi tới đi lui, miệng lẩm bẩm như
đọc kinh sám hối, Nguyễn văn Kha bò lên boong tàu để nhìn đại Dương
mênh mông mà lòng hối hân, Hà thúc Thụy thì thào – “Tau muốn xin
về, không đi Hải Quân nữa”, Hồ văn Nam xổ tiếng Đức giọng Huế, mong
chóng đến Nha Trang xin giải ngũ về học tiếp cho hết cái cử nhân
toán, Nguyễn văn Sương người hùng của thôn Vỹ Dạ tuyên bố ồn ào
với bộ mặt xanh mét : “Phóng lao phải theo lao, ta sẽ chiến thắng
biển cả”, sau đó nó chớp chớp đôi mắt và hát bài Quốc Ca. Riêng
tôi, sau hai ngày không ăn, chỉ uống nước lã, bao nhiêu chất đắng,
chất vàng của bao tử đã trút đầy bao nylon, tôi gượng ngồi dậy leo
lên cầu thang để lên boong tàu, nắng vàng chiếu rực rỡ, mây trời
xanh biếc, đàn hải âu bay là là xung quanh tàu, từng đợt sóng lớn
phủ trắng xóa mũi tàu, không khí trong lành dễ chịu, con tàu vẫn
tròng trành lắc lư đi dưới sóng, với trời biển mênh mông, con tàu
chỉ là chiếc lá nhỏ trôi giữa dòng, vũ trụ bao la, con người chỉ
là hạt nước trong đại dương vô cùng tận. Tại đây tình cờ tôi gặp
anh Lân, Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Hải Châu của tôi ngày trước,
anh bây giờ là Thượng Sĩ điện khí phục vụ dưới tàu, anh em mừng
vui bất ngờ, anh thấy tôi say sóng cũng phì cười, tôi quen lần với
sóng gió, không còn chóng mặt, buồn nôn và thấy khỏe hẳn nhờ mấy
múi cam anh cho ăn, anh em tâm sự..Ngày nào cùng với các thanh niên
thiếu nữ Phật Tử bên ánh lửa trại bập bùng Sơn Trà, Non Nước, Mỹ
Khê, Mỹ Thị, Quá Giáng, Đò Xu... Cả một thời thơ dại lại trở về,
thành phố Đà Nẵng thân yêu chập chờn trên sóng nước đưa con tàu
về đến bến bờ hoa mộng.
Qua ba ngày ba đêm sóng gió, tàu neo trước bải biển Nha Trang trong
một sớm mai nắng đẹp, tất cả chúng tôi đã tỉnh lại sau những ngày
chập chờn triền miên rã rời. Chúng tôi tắm rửa sạch sẽ, thay áo
quần mới dĩ nhiên vẫn là quần áo học trò, điểm tâm ngon lành sau
ba ngày nhịn đói, tất cả sẵn sàng để xuống tàu nhỏ đưa vào Trung
Tâm Huấn Luyện Hải Quân. Mười thằng học trò cù lần tập họp tại sân
giữa chiến hạm để nghe Hạm Trưởng nói vài câu từ giã, lần đầu tiên
thấy mặt Hạm Trưởng, trong bộ quân phục màu vàng giản dị, tươi cười
nói chuyện với chúng tôi :
- Chúng tôi sẽ đưa các anh vào nhập học tại Trung Tâm Huấn Luyện
Hải Quân Nha Trang, tại đây các anh sẽ được trao dồi kiến thức
lý thuyết về Hải Nghiệp, thời gian hai năm. Sau đó các anh ra
trường và được đi thực tập trên các chiến hạm của Đệ thất Hạm
Đội Mỹ để thực hành, khi các anh về nước, chính thức đi phục vụ
Hạm Đội như chúng tôi. Chúc các anh thành công trong cuộc sống
mới
Chúng tôi đồng loạt cám ơn Hạm Trưởng, trong lòng phơi phơi như
sóng gió dạt dào vây quanh. Bình minh trên biển, lộng lẫy huy hoàng,
mặt trời chiếu lung linh trên sóng nước lăng tăng như thuỷ tinh
vỡ. Chúng tôi đã thấy quân trường của mình trải dài trên bãi cát
trắng, phía trước là hàng thông xanh lao xao tiếng gió, những con
dã tràng xe cát thành những viên tròn nhỏ để rồi tan biến sau đợt
sóng mong manh, tuổi trẻ dễ nhớ và cũng dễ quên, mệt nhọc trong
chuyến hải hành không còn nữa, thay thế bằng những rạo rực của một
tương lai :
Các chiến hữu Hải Quân bên nhau hôm nay.
Cùng hát vang, những tâm tình ngất ngây.
Trao nhau bao nhiêu tâm tư
Ngồi nhớ những lúc chiến đấu.
Bôn ba qua bao gian nguy
Những khi vượt ngàn sóng
Vui say trên Nam Băng Dương
Nước xanh hồn Thái Bình Dương
Ra khơi sóng vang dạt dào
Mênh mông sóng va thân tàu...
.... Mờ mờ xa mây núi
Bờ bờ xa ra khơi.
Đi không quên bến bờ chờ
Ra khơi trùng dương bát ngát...
Ngày về Tổ Quốc ghi tên...
Tôn Thất Phú Sĩ
PCT
|