SỐ 23 - THÁNG 7, NĂM 2004

 

Thư toà soạn

Thơ
Cựu phù du
Huỳnh Kim Khanh
Khi xa Thụy Tuyết
Phạm Hồng Ân
Hạt bụi tình yêu
Nnguon
Tháng 8
Trần Việt Bắc
Mẹ tôi
Hà Phú Đức
Biệt ly
Tôn Thất Phú Sĩ
Ta vẫn chờ em
Hoàng Mai Phi
Nhớ thời đi biển
Tóc Tím
Nắng dại khờ
Dã Thảo
Nhớ Đà Lạt
Ngọc Trân
Ngẫu nhiên
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Trăng nước Tầm Dương
Hạt Cát
Về với cơn mưa
Phan Thái Yên
Thiếu nữ cài bông hồng đỏ
Nguyên Nhi
Giọt trầm
Song Thao
Chén cơm và nước mắt
Nguyễn Hồng Quang
Tháng bảy và phượng tím
Vũ Hoàng Thư
Lưới trời
Cỏ Biển
Ngày đầu ra khơi
Tôn Thất Phú Sĩ
Một chốn trụ hình
Tầm Xuân
Quê nhà, Biển và Odyssey
Vũ Hoàng Thư

Biên khảo
Ai giết Lê Lai
Trần Việt Bắc
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 10
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 17
Huỳnh Kim Khanh


 

Trăng nước Tầm Dương

 

Dạ thâm giang thủy tâm vu hoang
Ðãng đãng vân thiên quyển điệu đàn
Lãng phách thiết tha hàm thán tứ
Nguyệt minh u uất yểm sầu nhan
Thiên thu hiểu vãn đa tồn thất
Chích ảnh hôn triêu kỷ hợp phân
Tịch chử linh đinh hồn viễn xứ
Bạc chu hàn dạ sầu mang mang


Sông nước chèo khuya dạ ngổn ngang,
Trời mây lồng lộng quyện cung đàn.
Nỉ non sóng vỗ niềm than thở,
Ray rứt trăng soi mặt héo hon.
Nghìn thu sớm tối bao còn mất,
Một bóng mai chiều mấy hợp tan.
Bến vắng chơi vơi hồn viễn xứ,
Đò neo đêm lạnh sầu mang mang.


Trăng đêm nay đẹp quá.

Trăng dằng dặc mênh mông trời nước.
Trăng nhỏ từng giọt, từng giọt lung linh mặt sóng lao xao, trăng lấp lánh ngân nhũ đong đưa hàng liễu rũ.
Trăng huyễn hoặc mông lung. Trăng ảo mờ sương khói.
Trăng kết ngọc, dát vàng bãi sậy bờ lau.

Chân trời thăm thẳm, ngàn sao nhấp nháy trường không.
Ðom đóm lập lòe bóng ma trơi thấp thoáng lùm cây bụi cỏ, côn trùng rỉ rả tiếng vọng âm cung văng vẳng xa xôi.
Gió phất phơ ngọn cỏ hiu hiu mang theo chút hơi hướm rong rêu lãng đãng mạn thuyền, gió vỗ về lượn sóng nhấp nhô xô dạt chân cầu xào xạc v.v...

Chao ôi ! Ðất trời hạo đãng như thế đó, ánh trăng diễm lệ như thế đó, mà nàng, Cầm Nương, một mình, ngồi cạnh mạn thuyền buông neo bên dòng nước bồng bềnh sóng bạc. Hỡi ơi !

Nhất phiến nguyệt hàn lạc sấu nhan
Dạ thâm khuê đẩu trụy trường giang
Mặc mặc tinh cầu luân chuyển lão
Man man cô tịch dữ thùy phân ?

Dữ thùy phân ! Dữ thùy phân !

Lạnh lẽo viền trăng soi má nhạt,
Ðằng đẵng sông dài sao rớt khuya.
Lặng lẽ tinh cầu xoay chuyển mãi
Cô đơn vời vợi biết ai chia ???

Biết ai chia ! Biết ai chia !

Không có ai cả !

Trước sau chỉ một mình nàng đối nguyệt trầm tư !

Cầm Nương ngắm bóng, ngắm trăng nghĩ ngợi miên man.
Trời trăng mây nước bao la bát ngát diễm lệ vô cùng, nó khiến lòng thế nhân chìm đắm vào một cõi hư hư huyễn huyễn. Ánh trăng kia đã chiếu xuống trần gian từ bao đời bao kiếp, đã chứng kiến biết bao thịnh suy của cõi nhân gian,của một đời người. Ôi ! Ánh trăng nào soi mặt chinh phu quạnh hiu gió cát, còn ánh trăng nào ngậm ngùi phòng khuê lạnh lẽo canh khuya ? Ánh trăng nào theo dấu Minh phi Hán Hồ lưu lạc, còn ánh trăng nào rơi rụng chuông ngân trên bến Phong Kiều ? Từ thủa khai thiên lập địa thăm thẳm hoang sơ, nguyệt cầu kia đã là niềm cảm hứng vô tận cho nhân thế. Con người đã tốn biết bao bút mực, tim óc để ngợi ca cái ánh sáng huyền hoặc này, thậm chí đã có người nhảy xuống nước ôm trăng mà chết, thử hỏi nếu trăng không quyến rũ thì sao có thể như vậy. Tưởng tượng rằng một ngày nào đó nguyệt cầu kia tự dưng vắng bóng thì thế gian này sẽ ảm đạm ra sao. Chao ôi, một kiếp người ngắn ngủi biết bao so với ánh trăng chiếu ngời trong vạn đại.

Vạn đại ! Vạn đại !

Vạn đại bắt đầu từ bao giờ và bao giờ sẽ chấm dứt, sau ta rồi sẽ là ai cho vầng trăng ấy sáng soi. Chỗ ta ngồi hôm nay, nghìn xưa ai đã từng ngồi ? Một câu hỏi không có câu trả lời. Nhất định là như thế, ai có đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi kia, nàng chẳng biết, chỉ thấy dòng sông cứ miên man trôi chảy, trôi chảy không ngừng. Bấc giác mấy câu thơ đời trước hiện về, nàng ngậm ngùi cảm ngộ, người xưa đã chẳng từng than thở thế ư ???


Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt,
Giang nguyệt hà niên sơ chiếu nhân.
Nhân sinh đại đại vô cùng dĩ,
Giang nguyệt niên niên vọng tương tự
Bất tri giang nguyệt chiếu hà nhân,
Ðản kiến trường giang tống lưu thủy
(XGHND-Trương Nhược Hư )


Người bên sông ai nhìn trăng trước,
Trăng soi người buổi trước năm nao
Ðời đời kiếp sống nối nhau
Tháng năm sông nước trăng sao vẫn cùng
Chẳng biết trăng soi chung ai đấy
Chỉ thấy dòng nước chảy miên man …

Chao ôi !

Nguyệt thủy nhất phương !
Trăng nước một vùng !

Tịch mịch ! Thậm tịch mịch !

Cái không gian tịch mịch này, Cầm Nương đã đối diện với nó không biết từ bao giờ. Tuy vậy, nó vẫn không đáng sợ bằng nỗi tịch mịch trong lòng của nàng. Người ta nói đáng sợ nhất là cái tịch mịch trong lòng người đàn bà khi về chiều. Không phải chính là nàng bây giờ hay sao?

Tâm tư Cầm Nương chùng xuống, chùng xuống thật sâu.
Nàng ngồi đó,ngồi bên mạn thuyền, rất lâu, rất lặng lẽ, lòng nàng chìm theo tiếng nước trôi sóng vỗ, tiếng vạc kêu sương. Mắt nàng ngắm những tảng mây bay qua tầng không trong vắt ánh trăng nhưng lòng nàng trôi theo làn nước miên man xuôi tận cuối dòng. Không thấy gì cả, không một bóng con thuyền nào thấp thoáng cho nàng khởi lên niềm hy vọng, hy vọng trông thấy một hình ảnh quen thuộc đang trở về, dù chỉ là hy vọng thoáng qua rồi tan biến.

Sương xuống hơi nhiều, không gian chớm thu chừng như giăng thêm tơ mới,mông lung hơn, huyền ảo hơn. Nàng nghe lành lạnh bờ vai, bất giác, nàng đưa đôi tay gầy guộc ôm choàng bờ vai nhỏ bé của mình. Ðã lâu, đã lâu, bờ vai của nàng dường như quên mất cái thói quen tựa vào vai của người khác, nó trống trải, nó lẽ loi quá.

Bấc giác, nàng nhìn lại đôi tay của mình. Dưới ánh trăng diễm ảo, đôi tay nàng vẫn nổi bật lên một màu trắng muốt. Ôi ! Ðôi bàn tay của nàng. Ðôi bàn tay một thời khoấy động chốn Ngũ Lăng, đôi bàn tay một thời khiến lòng người điên đảo.
Nàng nhớ quá những trận cười hào sảng,nàng nhớ quá những lụa đỏ khăn hồng.Nàng nhớ chung Lục Nghị sóng sánh màu hổ phách, nhớ chung Bồ Ðào phơn phớt sắc ráng pha…Lâng lâng, lâng lâng men rượu ngọt. Nao nao, nao nao sóng hồ thu…Tất cả những hình ảnh ấy đã chìm sâu vào dĩ vãng xa lắc xa lơ.Thu ba đào kiểm Má phấn môi hồng! Chao ôi ! Còn nhắc làm chi nữa. Ðã là dĩ vãng ! Ðã là dĩ vãng ! Giờ này còn gần gũi với nàng nhất, còn trung thành với nàng nhất, họa chăng là chiếc tỳ bà cũ kỹ thiết thân. Nàng thở dài thán tức, không dừng được cảm hoài, nàng đứng lên khom lưng đi vào khoang thuyền, nàng khêu ngọn bạch lạp, vói tay lên vách đỡ nhẹ cây tỳ bà xuống. Ôm đàn vào lòng, nàng nhẹ nhàng vuốt ve những phím tơ như đang vuốt ve một đứa trẻ thơ. Nàng mường tượng nàng đang sờ vào đầu nó, sờ vào má nó, đôi má thơm lừng hơi sữa ngọt ngào. Nàng áp mặt lên bụng đàn thon thả bóng nhẵn hít vào phế nang mùi hương quen thuộc của chất gỗ thấm đẫm hơi tay nàng. Nàng đã sờ vào đó, chạm vào đó không biết bao nhiêu lần mà nói, mấy chục năm qua có đêm nào nàng không ít nhất một lần nâng niu nó, dù nàng có nhã hứng hay không có nhã hứng khảy nên cung bậc, nàng vẫn săm soi nó như săm soi một món cổ ngoạn quý giá. Ðã từ bao năm nay nó là vật bất ly thân của nàng.

Ðêm nay trăng đẹp quá, lòng nàng mênh mông quá, tâm sự trùng trùng của nàng chỉ có thể gửi gấm cùng mây cùng gió, cùng tiếng đàn dặt dìu khoan nhặt. Nước trời lồng lộng bao la, một thuyền một lái bỏ neo đêm vắng lạnh lùng,nàng biết tỏ bày mối cảm hoài với ai ngoài tiếng đàn của nàng.
Khoác thêm chiếc áo, ôm cây đàn trong tay, nàng lại khom lưng bước ra đầu thuyền. Nàng chẫm rãi khơi một đỉnh trầm, khói hương thoang thoảng quyện vào không gian tịch mặc khiến nàng không dám chuyển động mạnh, nàng nhẹ nhàng ngồi xuống khoanh chân, thẳng lưng, hít thở mấy hơi dài, chiếc đàn đã đứng gọn nghiêng nghiêng trong lòng, nàng bắt đầu nắn phím, so tơ, đôi tay nàng nhẹ nhàng lướt qua hàng phím, những âm thanh trầm trầm bổng bổng run rẫy vang lên. Nàng khép hai hàng mi lại, thôi không nhìn, không ngắm trời mây nữa. Trong bóng đêm mờ ảo ánh trăng, nàng có mở mắt cũng không thấy được gì nhưng cho dù nàng có nhắm mắt đi nữa thì nàng vẫn thấy rõ mồn một từng phím, từng phím tơ của nàng, từng vị trí cung bậc của thang âm, nàng đã quá quen thuộc với nó. Ðôi tay của nàng có gầy guộc xanh xao hơn nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, vẫn còn nhạy bén trong việc thay đổi vị trí cung bậc. Làm sao nàng có thể quên được chứ, làm sao nàng có thể chậm được chứ, nàng và đàn đã hòa làm một từ lâu, máu thịt, hơi thở của nàng được tiếp tục sinh tồn là nhờ âm thanh dìu dặt réo rắt của tiếng đàn kia mà. Nàng nhắm nghiền đôi mắt nhưng đôi tai của nàng vẫn tinh nhạy vô cùng,tiếng đàn réo rắt nhặt khoan hòa lẫn tiếng gió vi vu xào xạc, tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng côn trùng rỉ rả. Ôi! Còn có bản hợp tấu nào vượt qua nổi bản hợp tấu đặc biệt này, nàng đắm chìm trong tiếng đàn của mình, đôi tay nàng lướt trên phím đàn một cách vô tâm vô thức, nàng quên hết phiền muộn, quên hết chờ đợi nhớ nhung, quên hết trời rộng đất dày. Kìa là hình ảnh chập chờn thủa trước, xuân thắm má đào, chúc quang rực rỡ, tử y hồng quần thướt tha quấn quít theo cung đàn tiếng nhạc, kìa là những khuôn mặt thẫn thờ, những đôi mắt đam mê dõi theo dải lụa quay tít của nàng. Leng keng ngọc bội kim hoàn, lách cách cung thương sênh phách, những âm thanh ma mị ru hồn người văng vẳng bên tai. Ðắm chìm! Ðắm chìm! Mê man! Mê man !!! Nàng không nhớ, không biết mình là ai nữa.

oOo

Tiếng đàn réo rắt quá như gió lướt rừng thông, tiếng đàn nỉ non quá như ve sầu khóc hạ, tiếng đàn miên man như nước cuốn Trường Giang, tiếng đàn thánh thót như mưa rơi phiến đá. Cung bậc ấy, thanh âm ấy hẳn là phải do một bàn tay ngà ngọc chuốt trau. Chao ôi, ở chỗ đất thô lậu này sao lại có thể sản sinh một dìệu thủ như vậy. Tư Mã Giang Châu ghìm cương ngựa lại lắng nghe. Ðêm thu quạnh quẽ,lác đác lá phong, hơi may se sắt lướt qua. Chàng chợt nhớ đến tấm áo choàng hãy còn nằm vắt vẻo trên yên ngựa, tấm áo choàng màu xanh của chàng đã cũ kỹ, bông đã sờn đôi chỗ nhưng Tư Mã chẳng màng thay đổi, thân phận trích thần như chàng có vui gì, có thích gì mà xênh xang áo mũ. Quanh năm đối mặt với đám dân đen chơn chất nghèo nàn ở chốn sơn lam chướng khí này, chàng có ăn mặc đẹp cũng chẳng lấy làm hãnh diện với ai. Lúc còn bé ở Từ Châu, chàng đã sống qua những tháng năm loạn lạc, mắt thấy dân tình điêu đứng khổ sở bởi họa binh đao và bị nhũng nhiễu bóc lột bởi đám quan lại tham ô nên chàng thấu hiểu những nỗi thống khổ của người dân quê, rồi khi trưởng thành, được cơ hội lên kinh đô Trường An, thi cử đỗ đạt, bắt đầu lui tới trong chốn quan trường, căm ghét bọn triều thần hủ bại thối nát, dùng ngòi bút lời thơ của mình mà đả kích khiến chàng trở thành cái gai trong mắt những kẻ nắm trọng quyền, và cũng vì thế mà chàng hết bị đày biếm chốn này đến trích giáng xứ kia, toàn là những chốn mà bọn quan lại sâu mọt chán chê vì chẳng có gì để gặm nhắm, thì hỏi sao dân tình không cơ cực điêu linh. Người dân quê chất phát tay lấm chân bùn chưa dám nghĩ đến việc ăn no mặc ấm, huống hồ là ăn ngon mặc đẹp. Chàng đành lòng nào áo mão xun xoe. Tư Mã kéo tấm áo khoác lên mình rồi nhìn sang bạn, cả hai không nói lời nào nhưng cả hai đều hiểu, tiếng đàn kia đã làm cho buổi đưa tiễn hôm nay bị đình trệ mất rồi. Men rượu vừa nâng toan uống đã không đủ làm ấm lòng hai kẻ sắp chia tay, sông nước mênh mông bàng bạc một màu trăng, buồn biết mấy, không đàn không sáo. Vậy mà, vó ngựa chàng vừa dợm bước đi thì bỗng đâu trỗi lên tiếng đàn dìu dặt khoan thai này, bảo sao chàng không ghìm cương ngựa được. Người bằng hữu của chàng dường như cũng đã dừng chèo, cũng đang lắng nghe như chàng. Tiếng đàn tuyệt vời mang theo âm hưởng kinh thành từ đâu mà vang vọng tới đây? Ðã hai năm qua kể từ ngày giã biệt đế khuyết phụng hành trích giáng, chàng không được nghe những tiết điệu nhã nhạc của chốn phồn hoa đô hội nữa. Dường như tiếng đàn lãng đãng trôi theo dòng nước quanh đây, vậy là đâu đó trên sông khuya có một con người đang mang mang tâm sự. Tư Mã quày quả xuống ngựa, chàng dắt ngựa cột vào gốc cây phong đứng trơ vơ bên cạnh thủy đình rồi ra dấu cho thuyền ghé sát độ kiều để chàng bước xuống, chàng khoát tay với bạn “Ta hãy đi tìm tông tích tiếng đàn kia”.

oOo

Cầm Nương chưa rời được nỗi niềm xúc cảm tự tâm tư vừa được nàng khơi dậy qua đôi tay tuyệt vời với tiếng đàn réo rắt của nàng thì lạ chưa, dường như có tiếng người văng vẳng đâu đây. Nàng có nghe lầm chăng? Bến vắng tha phương này đã bao đêm âm thầm lặng lẽ giống như đời sống của nàng, sao hôm nay, khuya khoắt dường này,có điều gì bất ổn chăng? Tiếng chèo khua nước ngày càng gần hơn và hình như…, hình như …họ đang cao giọng hỏi nàng thì phải…Té ra họ đang đi tìm xuất xứ của tiếng đàn nàng. Cầm Nương ngập ngừng, có nên cho họ biết là mình vừa đàn hay không? Là quen hay lạ, là dữ hay lành? Cầm Nương hắng giọng, toan lên tiếng rồi lại thôi. Ích gì đâu, một tiếng đàn lạc lõng cô đơn đã trải bao sông nước đìu hiu rồi cũng sẽ lại trải thêm những đìu hiu sông nước cho đến lúc nào đó không còn tinh diệu nữa thì thôi, chẳng có gì thay đổi nữa đâu, là lạ hay quen, nào có gì trọng đại !

Nhưng kìa, tiếng chèo khua sóng dường như đang ở đâu đó quanh thuyền nàng, và tiếng người hỏi han vẫn cao giọng, chân thành. Cầm Nương tần ngần một đỗi. Chao ôi! Tâm hồn mẫn cảm như nàng sao có thể làm ngơ cho được. Cầm Nương cất giọng hồi đáp :

- Là dân phụ, là tiếng đàn của dân phụ, xin hỏi quý quan nhân có điều chi chỉ dạy”.
- Chúng tôi, hai khách nhàn du, nhân lạc bước qua đây, nghe được khúc đàn tuyệt vời của tôn nương, muốn thỉnh tôn nương tương kiến.

Chao ôi! Tương kiến nữa à? Thật khó cho nàng quá, nàng đâu phải là một ca kỹ đàn ca múa hát để mua vui cho khách hào hoa như ngày nào nữa chứ. Nàng bây giờ đã là Nương tử của trượng phu nàng, tương kiến cùng kẻ xa lạ, e là nàng sẽ lỗi đạo chăng? Huống nữa, ngày xưa dù còn là một ca kỹ nhưng đâu phải ai cũng có thể tương kiến cùng nàng, cũng đâu phải hễ ai bỏ ra nghìn vàng là có thể nghe được tiếng đàn của nàng(1), lui tới với nàng thường chẳng phải là hạng tục khách. Nàng cất giọng thưa trình:

- Xin quý quan nhân rộng tình lượng thứ, thật là thất lễ, dân phụ thiếp không thể đáp ứng thỉnh cầu. Dân phụ vốn là hữu chủ chi hoa nên không thể tùy tiện tương kiến người xa lạ.

Im lặng một lúc, Cầm Nương nghe một giọng nói chân thành trịnh trọng cất lên.

- Xin tôn nương hãy yên tâm, chúng ta đây thật ra cũng không phải người xa lạ. Ta, Hương Sơn Cư Sĩ, tính Bạch danh gọi Lạc Thiên, cũng chính là quan Tư Mã Giang Châu sở tại, từ đế kinh bị trích giáng đến đây. Ðã hai năm qua, Bạch ta chưa từng nghe được những điệu nhã nhạc thánh thót du dương tựa như ở chốn tiên cung này, ngưỡng mộ người đồng điệu nên mới tìm đến mong thỉnh kiến tôn nương, quyết không dám làm điều chi mạo phạm tôn giá.

Cầm Nương ngẩn người khi nghe khách lạ xưng hô danh tánh. Phải chăng đó là thi nhân nức tiếng đương thời Bạch Cư Dị (2) ở đế đô? Làm sao mà người lại lưu lạc tha phương mãi tận chốn này? Nếu thực đúng là người ấy thì chắc chắn không phải là kẻ phàm phu tục tử rồi. Tuy rày đây mai đó theo thuyền buôn của trượng phu trên khắp Ðại Giang nam bắc(3) nhưng nàng vẫn có dịp được nghe phong thanh lời ca ngợi tài đức của vị danh sĩ họ Bạch này. Nàng từng nghe rằng người đối với chị em giới kỹ nữ tuyệt không có lòng rẻ rúng khinh khi như hầu hết khách mua vui chức trọng quyền cao nhiều tiền lắm bạc khác. Không biết hư thực thế nào, âu là, hôm nay nàng mạo muội diện kiến một phen cho biết giả chân.

oOo

Hàn lộ dạ quân quy
Cầm nguyệt lạc kiều bi
Thủy miên thâm dạ trạo
Phù vân quyển thanh y

Người về sương lạnh canh thâu
Ðàn tôi nhỏ giọt bên cầu rụng trăng
Chèo khuya sông nước miên man
Áo xanh một phiến bàng hoàng mây trôi


Tiếng chèo khua nước xa dần rồi mất hẳn.

Mặt sông trở lại nỗi mênh mang tịch lặng ban đầu, cái mênh mang tịch lặng trước khi có hai con người đến đây khoấy động những ngày đêm âm thầm một bóng của nàng. Cầm Nương thở dài thán tức. Họ đã đi rồi! Và chắc có lẽ không bao giờ trở lại nữa đâu. Ðó là tính chất của cuộc đời, nàng vẫn thường biết vậy, có gặp gỡ nào mà không kết thúc bằng chia xa, có hợp nào mà không tan. Cuộc đời nàng đã chứng kiến biết bao tương ngộ phân ly, biết bao hợp tán. Nhưng mà,tương ngộ phân ly lần này chắc chắn sẽ để lại cho nàng những tháng ngày còn lại khó nguôi ngoai. Từ nay, đêm đêm nàng sẽ cưu mang thêm một nỗi đợi chờ khắc khoải khác dù nàng biết là vô vọng. Nàng và họ …bình thủy tương phùng…bèo nước gặp nhau …rồi…nước trôi dòng nước, bèo trôi đời bèo, trong muôn một dễ đâu mà có cơ hội tương ngộ lần thứ hai. Vả lại, hãy còn một khoảng cách lễ nghi, cho dù người ấy có trở lại để nghe tiếng đàn của nàng thì mọi việc cũng sẽ diễn ra trong âm thầm lặng lẽ mà thôi. Chao ôi! Nếu được như vậy thì cũng không uổng phí cho tiếng đàn của nàng, nàng nào mong muốn gì hơn. Hỡi ơi ! Lão thương thiên trớ trêu chi bấy! Sao lại khơi dậy trong lòng nàng những hồi ức xa xăm tưởng chừng như đã chìm lắng mất hút dưới tận đáy sông sâu vực thẳm kia. Những đêm dài trở trăn mộng mị cùng ký ức đầy hình ảnh một thời huy hoắc đã xâu xé tâm tư nàng quá đủ rồi, huống hồ, đêm nay, một bậc đương thời danh sĩ đã rơi lệ đầm đìa vì cảm khái tiếng đàn của nàng, một thiên trường thi vì nàng mà tác xuất. Nàng tự biết rằng mình sẽ lại phải trải qua lắm đêm dài mộng mị từ đây. Người lữ khách không mời mà đến, thân thế phi thường kia đã chẳng nề hà đẳng cấp hạ cố đến nàng mà thốt nên câu “Ðồng thị thiên nhai luân lạc nhân” há không đáng để cho nàng cảm kích muôn phần sao. Huống nữa, nàng, một đóa hoa phấn nhạt hương phai, chút cầm nghệ riêng tư của nàng so với bọn đương thời danh kỹ ở chốn đế đô cũng đã trở thành lỗi điệu mất rồi. Vậy mà, người ấy, một người đã từng lai vãng biết bao nhiêu là trà đình tửu quán, giao kết biết bao nhiêu là hào môn vọng tộc, xuất nhập đế khuyết biết bao nhiêu triêu mộ, lại có thể vì thân phận của nàng mà nhỏ lệ rơi châu ướt đầm tấm áo. Lòng nàng ngập tràn nỗi cảm kích. Tri âm trong trời đất thực hiếm hoi, khó gặp khó tìm. Tâm sự trùng trùng của nàng không ai hay biết, vậy mà người chỉ nghe vài tiếng đàn của nàng là đã lập tức thấu suốt. Nàng có nói muôn lời nghìn chữ cũng không nói hết được lòng cảm kích chân thành. Chỉ ân ân cần cần nghiền ngẫm cái câu “Ðồng thị thiên nhai luân lạc nhân - Cùng một lứa bên trời lận đận” là đã đủ khiến nỗi tịch mịch trong lòng nàng vơi đi, là đã đủ cho nàng tâm trung mãn nguyện, mai sau bèo dạt hoa trôi chung cuộc thế nào cũng mặc, một lần gặp gỡ trong đời như thế là đã quá xứng đáng để bù đấp cho chuyện mất còn nhân thế. Nàng cảm kích, cảm kích muôn vàn …



Tạ tri âm khách

Ta hồ !

Thiên địa tri âm dĩ thậm hi
Tâm sự mang mang nhân bất tri
Chỉ thính cầm thanh quân triệt ngộ
Hựu năng vị ngã tác trường thi

Ða tạ quân ân đối ngã trân
Thiên ngôn vạn ngữ bất trần chân
Chỉ nãi ân cần tham nhất cú
“Ðồng thị thiên nhai luân lạc nhân”(TBH)

Dĩ năng thỏa ngã vọng tâm trung
Lưu thủy phù bình nhiệm sở chung
Nhất sinh trần thế nhất tương hội
Khả thích nhân gian bổ tồn vong


Tạ khách tri âm

Than ôi !

Tri âm trời đất hiếm hoi,
Nao nao tâm sự ai người biết cho
Người nghe suốt một tiếng tơ
Lại vì ta phổ thành thơ vắn dài

Tạ ơn tấc dạ quan hoài
Ngàn lời vạn chữ khó bày lòng chân
Một câu nghiền ngẫm ân cần
“Bên trời lận đận đôi đàng khác đâu”

Ðủ ta thỏa nguyện thâm sâu
Bèo trôi nước chảy mai sau mặc lòng
Kiếp người một buổi tương phùng
Thế gian san lấp tồn vong cũng vừa.

Chao ôi !

Có ai biết được rằng buổi hội ngộ trăng nước Tầm Dương kia đã để lại cho hậu thế cả ngàn năm sau một áng văn chương tuyệt tác mãi làm rung động lòng người. Nhưng mà có thực là đã xảy ra buổi tương ngộ ấy chăng? Hay chỉ vì muốn ký thác tâm sự thầm kín khó nói trước những thế lực của cung đình và sự hàm hồ của một đấng quân vương mà tác giả đành phải mượn lời kỹ nữ để ví với thân phận của mình ??? Ai mà biết được !

Hạt Cát

Viết tại Khán Vân Hiên
08/29/03


Chú thích:

(1)Nghề kỹ nữ : Khái niệm "nghề", theo nhà kinh tế học Thomas Robert Malthus, người Anh, là một cái gì có lợi cho bản thân, vừa có ích cho xã hội. Và nếu hiểu theo cái nghĩa nghiêm túc đó thì kỹ nữ không thể là một nghề. Kỹ nữ, người con gái làm nghề bán phấn buôn hương, còn có nghĩa là ả đào, con hát. Nếu người ta có thể chấp nhận ả đào con hát là một nghề thì người ta khó có thể chấp nhận được chữ nghề trong cái người ta gọi là bán phấn buôn hương. Trong thơ của Đỗ Mục, kỹ nữ còn được gọi là "thương nữ":

Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng hậu hoa đình

(Đỗ Mục - Bạc Tần Hoài)

Nói thì nói thế nhưng trong xã hội Trung Hoa ngày xưa, một xã hội vốn coi người phụ nữ là đồ chơi của đàn ông, có thể dễ dàng mua, bán, bắt cóc, sang nhượng hoặc đem làm quà tặng giữa những người đàn ông với nhau thì sự xuất hiện của nghề kỹ nữ cũng là điều rất bình thường, thậm chí được coi là hợp lý.
Nghề ký nữ có từ thời nào? Người ta khó mà xác định được thời điểm xuất hiện của nghề này, tuy nhiên cũng có thể khẳng định được nghề này gắn liền với chén rượu câu khách, mời khách đàn ca làm vui và bán dâm cho khách. Theo tư liệu của ông Nguyễn Tôn Nhan đăng trên tạp chí Kiến thức ngày nay, ông tổ của nghề kỹ nữ là Bạch mi thần. Thần mày trắng có thể là Hồng Nhai tiên sinh, tên gọi Linh Luân, bầy tôi dưới thời vua Hoàng Đế, người làm ra âm luật đã được ghi trong Lã Thị xuân thu của Lã Bất Vi thời Tần. Thần mày trắng cũng có thể là Liễu Đạo Chích, thời Xuân Thu; Quản Trọng (Quản Di Ngô), thời Xuân Thu, người có công lập ra 700 nhà chứa gái để đàn ông đến mua vui, thu tiền lời để lo tiền quân quốc cho Tề Hoàn Công; cũng có thể là Lã Động Tân trong nhóm Bát tiên, nhân vật chuyên dạy hát kiêm trị bệnh hoa liễu cho phụ nữ làng chơi. Trong bất kỳ thời đại vua chúa nào ở Trung Hoa, nghề kỹ nữ cũng vẫn được hoạt động, các "viện" chứa gái vẫn mọc lên ở khắp nơi.

………… Kim Dung cũng cho biết các cấp bậc trong các kỹ viện ở Dương Châu. Má má là chủ viện, người bỏ tiền ra mua gái về, có toàn quyền sinh sát đối với các cô gái. Mụ đầu là những người đàn bà lớn tuổi, chuyên môi giới giới thiệu, làm môi giới mại dâm. Kỹ nữ là người trực tiếp bán dâm trong các kỹ viện, lại kiêm nhiệm vụ mời khách uống rượu và kêu đồ nhậu. Công việc của họ là khuyên khích bọn khách chơi xài tiền càng nhiều càng tốt. Hoa nô là những chàng trai cô gái có nhiệm vụ phục vụ các công việc vặt trong kỹ viện: nấu nướng thức ăn, pha rượu, dọn bàn ghế, mua đồ ăn cho kỹ nữ và... đánh đập những cô gái nhà lành, dằn mặt họ nếu họ không chịu bán trinh, không chịu tiếp khách.

Nhưng thật ra, kỹ viện không chỉ là nơi mại dâm. Nếu trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, bọn hào sĩ giang hồ bị bọn quan binh truy nã; người bị thương lánh vào kỹ viện trị thương, thì trong thực tế, các danh sĩ thường tìm đến kỹ viện để nghe hát làm thơ, rồi dạy các kỹ nữ hát những bài thơ của mình thành nhạc phổ. Kỹ viện trở thành nơi nương náu của những tâm hồn cô độc, của những người bị vua chúa lưu đày. Trong những trường hợp đó thì kỹ nữ trở thành người bạn tri âm. Chúng ta đã từng biết Bạch Cư Dị bị giáng làm Tư Mã Cửu Giang, đã từng làm bài Tỳ bà hành ca ngợi tiếng đàn của một kỹ nữ dài 622 câu. Triong phần đề tựa, Bạch Cư Dị đã viết: "Năm Nguyên Hoà thứ mười (816), ta bị giáng làm Tư mã huyện Cửu Giang... tiễn khách ở bến Bồn, giữa đêm nghe tiếng tỳ bà ở trên thuyền... hỏi ra thì đó là ca nữ ở Trường An" Tác giả ngồi nghe tâm sự của người ca nữ đó. Bản thân người ca nữ đó là một nhân vật có học, có lòng tự trọng, không phải khách nào mời cũng ra.

Di thuyền tương cận yêu tương kiến
Thiên tửu hồi đăng trùng khai yến
Thiên hô vạn hoán thi xuất lai
Do bão tỳ bà bán già diện(
TBH)

(Ghé thuyền đến cạnh chào mời
Khêu đèn thêm rượu lại bày tiệc hoa
Nằn nì mời mãi mới ra
Ôm đàn che nửa mặt hoa thẫn thờ)
(Trân Trọng Kim dịch)

( Theo Vũ Đức Sao Biển trong “Kim Dung giữa đời tôi” )

(2) Bạch Cư Dị ( 772 – 848) đại thi hào đời Ðường,tác giả bài thơ Tỳ Bà Hành,nguyên uỷ của câu truyện ngắn này.

(3)Tầm Dương: Khúc sông Trường Giang chảy qua tỉnh Giang Tây, thị trấn Cửu Giang.