SỐ 29 - THÁNG 1 NĂM 2006

 

Thơ
Ngõ cúc vàng xuân xa
24 Vũ Hoàng Thư
Bồ Tát
23
Hoàng Du Thụy
Đêm biển động
21
Huỳnh Kim Khanh
Rồi chỉ còn lại nỗi buồn
19
Nguyễn Xuân Vời
Lữ khách
20
Trần Việt Bắc
Noel hy vọng
18
Tôn Thất Phú Sĩ
Đếm sao
18
Kim Thành
Ta mất mùa xuân
17Ngọc Trân
Sóng ở đáy sông
17Maihoado

Truyện ngắn, Tâm bút
Mùa xuân trong hạ
15
Nguyên Nhi
Người đưa thư ở Cabramatta
14
Phan Thái Yên
Lao vào lửa
13
Hoàng Du Thụy
Thời kiêu bạc
12
Phạm Hồng Ân
Ru tôi mộng lành
8Song Thao
Mùa xuân trên thành phố
7Cỏ Biển

Phiếm luận văn chương
8Huỳnh Kim Khanh
Năm Bính Tuất nói chuyện chó
8Trương Thanh Diễm Thùy

Văn học, biên khảo
Ngày xuân, ngày Tết
4Xuân Phương
Nhà Trần khởi nghiệp (3)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 16

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
2 Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 23
1 Huỳnh Kim Khanh


 

MÙA XUÂN TRONG HẠ


Nguyên Nhi

Cuối Hạ
Mười mấy năm gặp lại trận mưa mùa cũ. Căn gác đầu hẻm ướt sẫm hồn xưa. Chiếc đồng hồ nhựa móc trên tường vẫn thong thả bước thời gian muôn thuở. Cái kệ sách trên tường im lìm cất giữ một thuở hoa niên. Thẻ sinh viên Trường Luật. Tờ báo ố vàng tưởng có thể rã vụn khi tay người chạm đến. Chiếc vỏ ốc mang về từ mắt bão Trường Sa ngày nào như còn mang mang nhịp đập trùng khơi...

Tôi hiểu thế nào là tình thương và sự quý trọng của những người thân khi họ giữ gìn những đồ vật chẳng đáng chi của bạn. Chỉ để nhớ người xa. Đứa em gái tuyệt vời của tôi đã cẩn thận giữ gìn những thứ lặt vặt dính dáng đến đời tôi.

Nhưng Trần Tịnh An cũng có một người em như thế. Tôi và An là bạn cùng trường OCS, Newport, Rhodes Island, lại về cùng đơn vị đầu tiên. Đời sống gian nguy của một đơn vị Thủy Bộ làm chúng tôi gần gũi nhau hơn. Sau khi tưởng chết trong một trận phục kích của một trung đoàn đặc công thủy VC, tôi về nằm dưỡng thương ở hậu cứ. Ở đó, tôi làm tờ đặc san tết đầu tiên cho đơn vị. Tờ đặc san thô sơ này An gởi cho Thọ, em mình đang du học ở Tây Đức.

Ba mươi năm bặt tin nhau, không biết ai mất ai còn, tình cờ tôi lại được tin An và chúng tôi có buổi gặp mặt đầy thú vị ở Houston. Tháng rồi, An bất ngờ gọi tôi và hỏi có muốn xem lại tờ đặc san lính-học trò ngày đó! An nói Thọ vừa từ Đức sang thăm anh và mang cho anh tờ báo cũ mèm mà Thọ giữ suốt băm hai năm. Băm hai năm! Tôi biết nói gì với An và Thọ nhỉ?

Đầu Thu
Nếu trong buổi cà phê sớm nay bạn không bận lòng thì tôi xin giở lại tờ báo cũ. Mùa thu lấp ló trong những cơn gió đầu hôm. Thu ở đây mang thời tiết của mùa tết quê nhà. Ôi, tôi nhớ Tết! Không phải cái Tết thanh bình sum họp mà là những cái tết trên ngã ba sông, bên bờ đảo vắng. Những cái Tết ầm ì súng đạn miệt tràm. Những cái tết âm thầm chuyến hải hành xa.

Hãy còn đôi ba tháng nữa mới Xuân. Nhắc tết bây giờ quá sớm! Nhưng chờ đợi không chắc là một thói quen tốt. Trong chờ đợi có phần chuẩn bị. Sự chuẩn bị đón nhận làm sút giảm sự cuồng nhiệt, thui chột cảm xúc. Mùa xuân, tết đang ở trong tôi. Tâm tưởng tôi đang bị khuấy động bởi những mùa xuân binh lửa cũ. Trong tôi mênh mang ngọn gió xuân do những người như em tôi, em An mang lại.

Ngọn gió mênh mang thổi tự miệt biển qua rừng tràm. Những cánh rừng tràm. Có thời xanh tôi ở đó. Có bạn bè tôi ở đó. Tôi đã đi qua những cánh rừng hồng mộc thâm trầm những cánh rừng bạch dương lao xao, những cánh rừng phong du rưng rức. Để phát hiện ra rằng không đâu đẹp hơn những cánh rừng tràm. Nơi đó cất giữ mùa xuân đời người, tuổi trẻ của tôi. Khái niệm về mùa xuân cũ xưa nhưng không hề cổ điển. Chung quanh không biết bao nhiêu người có thể mang đến cho bạn mùa xuân.

Ai mà chẳng có một thời để nhớ? Một lúc nào đó, nguồn xanh xưa sống dậy không ngờ, khơi gợi lại một trời ký ức. Tôi gặp lại những người lính- học trò xưa. Ôi, đã có một thời tôi suy nghĩ như thế! Và viết thế!

Trong Mùa Xuân Cũ
11/ 02/ 1972

Hết mười ngày phép. Buổi chiều xuống tới vùng hành quân. Mệt mỏi vì hơn 200 cây số đường dài. Người khách cuối cùng, một người đàn bà, đang to tiếng với bác tài vì chiếc va li bị thất lạc.

Tôi yêu những chuyến xe cuối năm, đầy nhóc người và hành lý, đưa những kẻ tha hương trở về với mái nhà. Riêng tôi, tôi lại làm kẻ ra đi. Đời lính! Thét rồi đời lính đối với tôi là một cái gì lắt léo, trái ngược với những thói thường. Thứ bảy chúa nhật chạy bù đầu. Thứ hai long nhong ngoài phố trong khi mọi người vào trường, đến sở. Nửa đêm bị dựng đầu dậy nhận công tác. Tảng sáng ngồi khề khà bên bàn rượu ly chén ngổn ngang. Mười giờ trưa đi ngủ... Nhưng có lẽ vì vậy mà tôi yêu đời lính. Tôi nhớ mà thương cho những thời khóa biểu ngày xưa trước mỗi mùa thi tôi đã mất cả ngày đêm để tính toán, sắp đặt giờ giấc. Giờ đi uống cà phê, giờ Toán, giờ Lý Hóa, và dĩ nhiên là có giờ đi đánh bi da (tôi vốn là dân ghiền bi da hạng nặng)à Những thời khóa biểu áp dụng chưa được một tuần đã bị vất vào sọt rác.

Thành phố đã lên đèn. Giờ này chắc hết đò. Căn cứ còn xa gần hai cây số. Phải qua hai dốc cầu, một khu nghĩa địa. Trời lành lạnh. Tôi ghé vào quán cóc lề đường hỏi mua gói thuốc đen và bao diêm. Cô hàng có hàm răng vàng chói.

Th. gặp tôi trước cửa hậu trạm. Hắn cười thật tươi. Tôi biết ngày mai hắn sẽ về Sài Gòn. Đã đến lượt hắn đi phép. Rồi đây bọn tôi sẽ có thêm một lô chuyện về em G. của hắn cho mà xem. Cứ nghe hắn kể mà bắt mệt! Em đẹp nè. Em ngoan nè. Em mết tao nhất đời nè. Có lần tao về mà chưa kịp lại thăm, em giận, em đòi nhảy xuống sông cầu Ông Lãnh... Nụ cười hắn mới dễ ghét làm sao! Mới xuống tới? Vào trình diện Chỉ huy trưởng! Có chuyện cho mày! Nhờ hắn xách chiếc túi con (gia tài sự sản của tôi: hai bộ đồ trận, mấy cái quần đùi, khăn mặt, bàn chải đánh răng...), tôi sửa lại chiếc mũ.

Với đôi mắt xa vắng (sau lưng ông chúng tôi thường kháo nhau đó là đôi mắt của người thất tình... kinh niên), với giọng nói đặc biệt, người anh cả đơn vị cho tôi biết ngày mai tôi sẽ hướng dẫn đoàn công voa tiếp tế cho Đầm Dơi. Và có lẽ sẽ ăn Tết ở đó. Ông cũng có mặt trong chuyến đi để giải quyết những biến cố quan trọng, nhưng quyền điều động là ở tôi. Tôi nhận lệnh, hỏi người vô tuyến đặc lệnh truyền tin rồi bắt đầu lấy check-point. Tôi thấy thật đúng: Sự làm việc tránh cho ta được ba điều: nỗi buồn...

12/ 02/ 1972

Khi những chiếc tàu đã ủi bãi, cột dây xong, những cánh cửa đổ bộ đã được mở ra, người thuyền trưởng cắt nhân viên đi chợ. Nghèo thì nghèo nhưng ít ra phải có nồi thịt kho chớ. Hai trái dưa hấu nữa. Một bắp cải... Đề nghị mỗi người đóng thêm hai trăm mua một con gà thả trong hầm lái tay cho vui. À à, nhớ đừng quên ký mứt thèo lèo với mấy gói trà con khỉ nghe. Bao nhiêu đó đủ rồi. Tôi nhờ mua thêm mấy cành hoa để cắm vào chiếc vỏ đạn 105 trong phòng ngủ. Màu đồng sáng chói sẽ làm rạng rỡ thêm sắc hoa tôi yêu.

Hãy còn sớm quá! Giờ này có lẽ những người lính tiểu khu được lệnh xuống hàng hãy còn ngồi ngoài ngã ba, trước mấy hàng bì bún, bánh canh. H. kéo tôi vào quán cà phê gần đó. Gương mặt nó còn vẻ ngái ngủ. Nó được nghỉ bến để bù lại những chuyến công tác trước. Trong đơn vị, tôi thích nó có lẽ vì cái tính hồn nhiên, yêu đời, hay nói, hay cười. Nó nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện chiến tranh hòa đàm, chuyện lấy vợ gả chồng, chuyện ngừa thai mắn đẻ... và khi tôi vỗ vỗ tay lên đầu kêu... nhức... nhức... thì nó đứng dậy cười hắc hắc, chúc tôi gặp vận may năm mới rồi lên phố. Có lẽ đến nhà cô H. nào đó. Tôi ngạc nhiên vì những cô gái nó quen, cô nào cũng mang tên mở đầu bằng chữ H.

Có một cái gì đó không xuôi, không ổn đây. Người thuyền trưởng cho tôi biết có một số gia đình binh sĩ muốn quá giang chúng tôi vào thăm thân nhân của họ. Tôi không ngạc nhiên mấy về vấn đề bảo mật của chuyến đi vì nó có tính cách thường lệ. Hơn nữa đây là vợ con binh sĩ của đơn vị mà chúng tôi sẽ tiếp tế. Có lẽ nguồn tin phát xuất từ hậu cứ đơn vị này. Tôi xin chỉ thị ở trên và được chấp thuận với lời nhắn nhủ phải cẩn thận khám xét vật dụng trong túi xách họ mang theo. Cũng hơi phiền nhưng tôi thấy vui vui. Nỗi lo lắng ngay sau đó: lỡ có đánh đấm gì...

Một năm hoạt động ở vùng này tôi đã có dịp đi qua, sống với hầu hết những căn cứ hỏa lực và những đồn bót xa xôi. Hình ảnh gây cho tôi nhiều xúc động nhất là những người đàn bà, những đứa trẻ theo sát để chia sẻ những nguy hiểm, gian lao với chồng với cha dưới những chiếc poncho che mưa nắng đơn sơ, bên những công sự chiến đấu ngập nước. Tôi nhớ lại Hiếu Lễ, một quận lỵ lèo tèo mấy trăm dân mà phần đông là gia đình binh sĩ. Những chuyến trực thăng đổ những người lính trở về từ mặt trận hừng hực lửa trong kia. Người đàn bà chạy giữa hàng quân. Nàng gọi tên. Nàng khóc. Người chồng đã không trở về để chiều nay bên chiếc lều họ tập nói cho đứa con đầu lòng.

Mười ba giờ việc xuống hàng hoàn tất. Đoàn tàu bắt đầu bò trên con sông nhỏ giữa hai dãy nhà sàn cũ kỹ. Dòng nước lấp loáng ánh mặt trời. Khói tỏa trên ống khói những nhà máy xay lúa xa xa. Tôi ngồi trên phòng lái, phóng mắt theo những con tàu như theo dõi những quân cờ  trong một ván quyết định. Hai ống liên hợp trên đùi. Tấm bản đồ trên tay. Phải tăng hai máy cho kịp con nước xuống.

13/ 02/ 1972

Quận lỵ mới được tái chiếm mấy tháng nay sau hơn một năm chịu sự kiểm soát của Việt cộng. Chúng tôi không tham dự trận đánh nhưng nghe kể cũng gay go. Chương trình tập trung dân được phát động ngay sau đó và bây giờ, sau những dãy nhà lá lẹp xẹp, tạm bợ, tôi thấy mấy cây cột chính ngôi chợ được dựng lên. Phương tiện di chuyển độc nhất ra tỉnh: hai ngày một chuyến đò tám giờ sáng. Một ngày để đi và một ngày để về. Bốn hướng là rừng tràm, rừng lá với sự rình rập, đe dọa của những người phía bên kia.

Trước công sở Chi khu một ngọn nêu đã được dựng lên tự hồi nào. Gió lùa những lá cờ vàng ba sọc bay phất phới. Tiểu đoàn đồn trú đang sửa soạn cho buổi văn nghệ cuối năm. Những người lính phát cỏ, đốn cây, dựng một khán đài lộ thiên. Loa phóng thanh mắc trên nóc nhà chính đang léo nhéo một bản nhạc có lính, có em gái hậu phương. Có đám cưới nhà binh. Có tàu bay, tàu bò, tàu lặn.

Người Hạ sĩ quan Chiến tranh Chính trị đơn vị cười cười đưa tôi hai lá thư không có con dấu nhà bưu điện: hai lá thư tay. Lá thứ nhất là một thiệp chúc tết. Dòng ngày tháng và chữ ký không đủ để tôi biết xuất xứ lá thư. Nhìn ngược nhìn xuôi thấy sao lạ hoắc. Một người bạn cũ? Vô lý! Một người con gái nào đó? Tôi chặt lưỡi. Lá thứ hai của một nữ sinh Trường Trung học MT. Ít ra cũng được vài chuyện vui vui. Được cười cho bớt những nét nhăn trên mặt. Có lẽ ở đó họ chưa hiểu rõ về chúng tôi, về quân chủng Hải quân cho lắm. Ngoài bì, dưới tên tôi (dĩ nhiên là do hậu cứ thêm thắt vào) là địa chỉ... Tiểu đoàn 73... Thuỷ Bộ... Có ức không! Có chết người ta chưa! Hay là có cô bé nào muốn chơi khăm đây? L. từ trong lòng tàu nhảy hai bậc một lên sàn phi cơ trực thăng cười hô hố, đưa tôi xem lá thư của hắn. Lời lẽ không khác gì lá thư của tôi và dưới hai chữ “thiết tha” của câu “chúng em lấy làm cảm động và thiết tha nghĩ đến các anh” tôi thấy lờ mờ hai chữ “xót xa” chưa tẩy sạch hết. Có lẽ chị trưởng lớp nào đó đọc bài không được rõ giọng.

Tôi có cái tật đáng yêu là rất khoái nhận thư nhưng lại lười viết. Đôi khi có cố gắng lắm viết được một tờ, cho vào bì, thì lại quên mất địa chỉ người nhận, chỉ nhớ được lan man tên hẻm, tên đường. Th. thường trách: muốn nhờ nó chuyện gì phải viết vào tờ giấy năm trăm, khi nào móc ra xài họa chăng nó nhớ. Những việc lặt vặt như chưa có tem, bì thư cũng đủ khiến những lá thư tôi trở thành những lá thư không bao giờ gửi. Nằm đâu đó giữa một quyển tiểu thuyết, đâu đó giữa xấp giấy má lộn xộn. Có tình cờ gặp lại, mở ra xem, vất bỏ. Cho nên hai bức thư mới nhận làm tôi dễ chịu: khỏi mất thì giờ ngồi vào bàn viết và khỏi phải cảm thấy bứt rứt vì cái lười của mình.

C. thắp bóng đèn nhỏ bằng cục pin cũ máy 25 rồi rủ tôi đánh đô mi nô. Ở một góc, T. đang lim dim với cây đàn nứt thùng vì bỏ quên ngoài mưa ngoài nắng. Sơn nữ ơi, đời ta như cánh chim trời...

14/ 02/ 1972

Ngày cuối cùng của một năm. Tờ mờ sáng, tất cả đã thức dậy sửa soạn cho căn nhà của họ. Với tôi, với họ, con tàu đúng là một gia đình, một căn nhà thứ hai. Trước kia, C. ở trên một chiếc khác và hắn đã khóc ròng khi hay tin con tàu hắn đắm trên dòng Trèm Trẹm. May mà hắn không có mặt trong chuyến công tác đó. Trừ những ngày phép hiếm hoi mỗi hai tháng, cuộc đời chúng tôi đã gắn liền với con tàu, với những bến nước quạnh hiu. Thấy tội cho những người yêu lính thủy.

M. lật ngược bàn cờ tướng, vẽ vào mấy chữ “Mừng Xuân Mới” rồi để dựa vào thành tàu. D. sắp lại mấy dây đạn trong pháo tháp. C. thay lá cờ mới trên cột ăn ten 46. Tôi cũng vui lây niềm vui giản dị, hồn nhiên của họ. T. cứ xuýt xoa vì quên mua hai câu đối tết và lệnh cấm dùng súng thay pháo đón giao thừa. Thời gian hưu chiến được lập đi lập lại trên đài phát thanh. Hưu không hưu gì cũng được, miễn đừng như Mậu Thân là quý rồi. Tôi chỉ T. viết theo lối chữ triện: Tối ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp... bà già ra cửa- Sáng mồng một súng nổ đì đẹt, giơ tay ôm... thiếu nữ vô nhà.

Trưa M. lên quán kiếm một lít đế với mấy con khô mực đem về dọn lên bàn ăn. Gọi là để tiễn năm cũ. Nghe hắn đề nghị lai rai đến giao thừa, tôi nhăn mặt: Để sáng mồng một nằm liệt giường à? Dông chết! Cái điềm phải say sưa suốt cả năm. Ba ngày này mà... Nhưng rồi tôi cũng ngồi vào bàn. M. xoa xoa hai tay: Có thế, có thế... D. bày chuyện mỗi người phải kể lại cái tết đáng ghi nhớ của mình. Binh lửa Mậu Thân làm gia đình L. tan nát. Năm ngoái T. dù về Sài Gòn để chứng kiến cảnh “đào” hắn đi với ‘kép của ẻn”. Hắn khăn gói trở lại vùng hành quân để lãnh bốn ngày trọng cấm và được phóng thích vào buổi chiều 30. Hắn chửi thề: “Không biết sao em lại mết được cái thằng mặt gà mái, gặp Cảnh sát là cứ lấm la lấm lét. Chỉ trông bộ tóc dài của nó tôi cũng đủ tởm, đủ khiếp.” Còn tôi, tôi kể cho họ mùa xuân đầu tiên tôi xa nhà. Newport. Bờ Đại Tây Dương tuyết băng trắng xóa. (Nỗi nhớ không cùng về một thành phố mà đôi lúc tôi đã văng tục là “thành phố chó đẻ” và thề độc không bao giờ quay gót trở về. Thành phố mà lắm khi, như buổi chiều nay, tôi xem như một phần thân thể, chặt không đứt, bứt không rời... Dòng suy nghĩ lan man về một khuôn mặt nửa xa lạ, nửa thân quen, nửa trang nghiêm, nửa giễu cợt mà một ngày nào, khi những tấm lịch sách Tết vừa được vén lên, tôi đã biết ngay là lòng mình vừa bắt đầu đổi khác...)

T. chui vào giường, lấy cây đàn và lên lại dây. “Anh còn nhớ anh nói rằng sao mùa xuân đến không vui, sao mùa xuân đến không tươi. Em ơi...” Giọng ca trầm ấm, kiếm ra bạc cắc đây. Tôi bảo hôm nay khan tiếng, không hát hò gì được. D. bung tay lên không: “Thì ngâm thơ!” “Thơ thì thơ,” tôi cười. “Thơ thẩn nghe! Mùa xuân trên ngã ba sông. Đò ngang đò dọc ngó mông phát rầu. Vung tay thả một cần câu. Hai ba con cá nửa bầu rượu lưng. Dăm con én liệng vô chừng. Hăm hai năm ngỡ thanh bình đây chăng.” Nghe hai chữ “ngó mông” L. vỗ đùi cười ha hả. T. chỉ chỉ vào mặt L.: “Ê, ê... Cái thằng lúc nào cũng nghĩ bậy.”

Bên chiếc soái đĩnh, Chỉ Huy Trưởng Đơn vị gọi máy bảo tôi Tiểu đoàn họ mời mình lên dự Tất niên, anh có vui thì sắp xếp xong công việc lên chơi. Tôi trả lời xin lỗi vì hơi mệt. Ông bảo tôi hôm nay anh nói chuyện sao hôi rượu quá! Tôi chắc ông biết tôi nói dối và từ đàng xa ông đã thấy tôi “mệt” như thế nào rồi.

Nửa đêm trái sáng treo đầy trời. Gió thổi những cánh dù nhỏ lắc lư. Những sợi khói trắng trông như những cuộn dây rối. Trong xóm nhà ven sông, tôi còn thấy ánh đèn, còn nghe tiếng cười và mùi khói hương nhè nhẹ. Giờ này, ở một nơi xa xăm, mẹ tôi hẳn đang quỳ dưới bàn thờ, trong hương trầm nghi ngút, cầu nguyện cho tôi được an lành. Các em tôi chắc đang háo hức chờ mặc vào bộ quần áo mới, những đồng tiền mới. Tự dưng tôi nhớ nhà quá đỗi. Buồn hết kể. Buồn không biết nói năng chi. Biết ngày nào cho yên giặc tôi về. Biết đến khi nào mùa xuân trọn vẹn là mùa xuân. Năm đã mới mà nỗi buồn vẫn cũ.

Người yêu ơi, em đang làm gì? Giờ này em vẫn còn bận rộn bên bàn học sách vở ngổn ngang hay đang nhỏ nước mắt trên vai một người tình nào đã cũ? Em đang cười mỉm vì giấc mộng quá ngọt ngào hay đang thao thức vì đầu mùa gió lạnh? Có phút giây nào nhớ đến anh không? Mùa xuân, chúc em thêm đẹp thêm ngoan và cầu cho anh quên được em chóng chóng. Cũng xin chúc lành chúc đẹp cho tất cả những người con gái trên đời. Riêng những người con gái vô phúc vì đã dại dột yêu tôi, xin chúc thêm được quên mau mau và có chồng sơm sớm.

Xin cầu cho lòng người độ lượng vì cuộc đời vốn đầy dẫy khó khăn.

15/ 02/ 1972

Bộ Chỉ huy Liên đoàn đặt trong một công sự chiến đấu trên bờ. B. mò xuống kêu tôi lên đánh bạc. Còn thiếu một tay, mày lên bói vài quẻ đầu năm lấy hên. Tôi theo nó vì không biết phải làm gì. Q. và N. đã ngồi đợi sẵn, nhai mứt gừng và uống nước trà. Tấm biểu ngữ “Chào mừng Tư Lệnh và phái đoàn” đã được gỡ xuống, dẹp một góc. Lực lượng chúng tôi có một vị Tư Lệnh thật đặc biệt, chịu khó đi sát với đời sống nhân viên dưới quyền. Ngay những chuyến công tác hiểm nghèo nhất tôi thấy ông cũng có mặt. Lúc sáng ông có vào thăm viếng và chúc chúng tôi một cái tết vui vẻ. Phái đoàn có hai cô nữ quân nhân mặc váy ngang đầu gối. Một cô tôi quen từ hồi ở Tạm Trú Hạm 9050. Tha hương ngộ cố tri...

Hên thật! Đánh chơi chơi bạc chục mà được hơn một ngàn. B. cay cú hơn ai hết. Khi tôi kêu mệt, đói, đòi nghỉ, nó không chịu, bảo không được chạy làng. Đen bạc đỏ tình. Mày được bạc ắt sẽ “ao’. Tôi hỏi mày chọn bạc bỏ tình sao, nó cười: Tao vợ con đùm đề, lo là lo cho mày. Tôi bỏ bọn nó ngồi lại, phủi áo đứng dậy, cám ơn anh em có lòng tốt, biết tôi túng tiền, góp cho mỗi người vài trăm lẻ để uống cà phê chờ lương tháng. Rồi bước ra cửa.

Buổi cơm chiều thật kham khổ. Nồi cơm khét với mấy hộp cá tuna. Thức ăn dự trữ đã được lai rai từ sáng hăm tám. T. kêu đau răng rồi bỏ đũa, kể cho tôi nghe Việt Cộng vừa mò về bắn một ông lão, đẩy xác xuống con rạch  nhỏ trong kia. Hai đứa cháu đưa xác ông về trên một chiếc xuồng con. Ngực ông nát bấy vì băng đạn AK tàn bạo. Hai đứa nhỏ mếu máo thuật lại... Ông có con sao không gả cho tui mà gả cho Quốc gia? Và tiếng nổ...

Đám táng thật nghèo. Ngay sau đó người ta đắp cho ông một nấm mộ đơn sơ. Có tiếng khóc thảm thiết và tôi nghĩ bao nhiêu đó đã đủ cho một người chết. Tôi không cho rằng đây là một vụ trả thù riêng tư. Dù không muốn tôi vẫn phải nhìn nhận đây là một trong những hành động khủng bố tàn bạo nhằm vào tinh thần lương dân vô tội. Đó là đường lối lôi kéo dân của những người phía bên kia. Làm sao tôi nói cho họ hiểu rằng đó là những hành vi mê muội, những tính toán ngu xuẩn? Tôi nhớ lại mùa xuân binh lửa xưa: những hầm chôn người tập thể, những trái hỏa tiễn đêm đêm rơi vào những xóm lá nghèo nàn, trại tiếp cư, trường học. Những gói chất nổ trong quán nước. Những trái mìn trên cầu, dọc theo quốc lộ...

Đài phát thanh vẫn đọc bản tin vi phạm hưu chiến mỗi đầu giờ. Hai mươi vụ. Rồi 32. 74. Bóng người lính gác đi đi lại lại và tiếng lựu đạn nổ dưới nước chống đặc công thủy làm tôi yên tâm hơn...

Những người anh em của tôi ơi, những người đã mù quáng chạy theo ảo tưởng về một thế giới đại đồng như bầy ngựa điên cuồng đuổi theo bóng mặt trời đang khuất núi, hãy dừng lại! Hãy nhìn xuống! Dưới chân bạn là máu sông, là xương núi. Là oán hờn. Là tiếng khóc. Là niềm đau sâu kín của lòng tôi.

Hỡi những người anh em của tôi, những người cũng có một mái nhà, cha mẹ già, đàn em nhỏ và người yêu như tôi, mùa xuân, tôi cầu mong cho các bạn còn một chút tình người...

Nguyên Nhi