SỐ 29 - THÁNG 1 NĂM 2006

 

Thơ
Ngõ cúc vàng xuân xa
24 Vũ Hoàng Thư
Bồ Tát
23
Hoàng Du Thụy
Đêm biển động
21
Huỳnh Kim Khanh
Rồi chỉ còn lại nỗi buồn
19
Nguyễn Xuân Vời
Lữ khách
20
Trần Việt Bắc
Noel hy vọng
18
Tôn Thất Phú Sĩ
Đếm sao
18
Kim Thành
Ta mất mùa xuân
17Ngọc Trân
Sóng ở đáy sông
17Maihoado

Truyện ngắn, Tâm bút
Mùa xuân trong hạ
15
Nguyên Nhi
Người đưa thư ở Cabramatta
14
Phan Thái Yên
Lao vào lửa
13
Hoàng Du Thụy
Thời kiêu bạc
12
Phạm Hồng Ân
Ru tôi mộng lành
8Song Thao
Mùa xuân trên thành phố
7Cỏ Biển

Phiếm luận văn chương
8Huỳnh Kim Khanh
Năm Bính Tuất nói chuyện chó
8Trương Thanh Diễm Thùy

Văn học, biên khảo
Ngày xuân, ngày Tết
4Xuân Phương
Nhà Trần khởi nghiệp (3)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 16

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
2 Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 23
1 Huỳnh Kim Khanh


 

THỜI KIÊU BẠC

 

Đám lính tranh nhau phóng lên bờ. Trong lúc các chiến đỉnh còn rú máy, loay quay, tìm chỗ cột dây. Chợ Hàm Rồng hiện ra, chói chang trong cơn nắng ban mai. Ngôi chợ quá nghèo nàn. Lưa thưa vài gian quán ọp ẹp, thấp lè tè.

- Thiếu úy thấy gái Năm Căn chưa ? Hết sẩy ! Vào đây làm một xị cho nóng máy ! Chiêm ngưỡng...đã con mắt !

Gã Trung sĩ kéo tôi vào khoảng hiên. Dăm ba bàn ghế ngã nghiêng. Có ghế chỉ còn ba chân, nằm lông lốc trên vũng nước nhầy nhụa.
Cô chủ quán đi tới. Khoảng hai mươi. Da ngăm ngăm. Mắt bồ câu lay láy. Hình như đôi mắt quá đen, làm nổi bật vành môi quá đỏ, lúc nào cũng muốn ươn ướt, gọi mời.

- Anh tư thông cảm. Hết rượu...
-  Còn sót ly nào hông cô hai ? Anh muốn mừng ông thầy. Mới đến.

Gã Trung sĩ giới thiệu. Giọng điệu diễu cợt. Sĩ quan mới ra trường. Tân đáo đơn vị. Thiếu úy sữa.
Tôi cười cười. Nhìn sâu trong gian nhà, xuyên qua cửa buồng trống hoác, có dán mấy bức tranh truyện Tấm Cám, đã ngả màu vàng cháy.

- Cô cho tôi cà phê cũng được. Còn Trung sĩ ? Dùng chi ?

Gã Trung sĩ gật gù, đưa hai ngón tay lên, khục khặc cười khả ố. Nụ cười bén ngót như lưỡi dao, muốn chém phăng khoảnh áo bà ba hơ hớ của cô chủ quán, để làm lộ ra khoảng da trần trụi, đang lung lay một cách diệu kỳ.
Tiếng động bỗng vang lên ở phía nhà lồng. Dân chúng hò reo inh ỏi. Họ túa ra từ các nhà mái thấp, đông đúc, vây quanh ngôi chợ. Hai người lính Địa Phương quân đang hì hục kéo xác một tên VC ra phơi bày.

- Mẹ, nó cắt hàng rào mò vô chi khu. Tui chơi cho một băng. Gục liền.

Người lính Địa Phương quân cầm que tre, chỉ chỉ vào vết thương nơi ngực tên VC. Ở đó, máu loang đầy, trộn lẫn với bụi đất, thành một màu nâu nâu, tanh tưởi. Hơi máu nồng nặc đã quyến rũ đàn ruồi và muỗi, vo ve sà xuống một cách dữ tợn.

Hai ly cà phê nguội lạnh...cạn dần. Các bình trà “quạu” châm liên tục, giờ cũng hóa nước lã, loe hoe dăm xác trà nhạt thếch. Gã Trung sĩ vẫn lê thê, tán tỉnh cô chủ quán...dai như đỉa. Ngoài kia, các chiến đỉnh hụ còi dồn dập. Tiếng còi làm đôi chân cuồng lên, quính quáng...muốn chạy. Tôi đứng lên, dằn tờ giấy bạc lên bàn, bước xuống bờ đất thênh thang dẫn ra bờ sông :

- Thôi, mình đi Trung sĩ. Tụi nó chờ.

Mùi dầu Gasoline hăng hắc, bay thốc tháo vào mũi tôi, thông thống theo gió...hòa vào dòng sông Cái Lớn mênh mông. Tôi đứng trước đám đông, trên sàn chiếc Tango phong sương. Đứng trước một đám quân ô hợp. Không đồng phục. Không nề nếp. Không kỷ luật. Có người cởi trần trùng trục. Có kẻ mặc quần đùi kéo lên tới bẹn, lòi cả đùm dái ra ngoài. Đa số, họ để tóc tai và râu ria xồm xoàm...phủ kín khuôn mặt. Chỉ còn đôi mắt là trong sáng, là lộ phần tinh anh của người lính oai hùng. Nhưng bây giờ, đôi mắt đó cũng rực lửa – những tia lửa cực kỳ thử thách – hầm hập vây tròn, sẵn sàng bừng cháy, đốt tiêu tan khí phách tôi.

Mùi rượu nồng nặc, mùi thuốc lá khét lẹt, mùi dầu Gasoline hăng hắc, mùi sắt hen rỉ từ các khoang tàu...khiến tôi buồn nôn, choáng váng. Để cưỡng lại nỗi vật vã đó, tôi cắn mạnh môi, đưa thẳng nắm tay, đấm mạnh vào không khí. Quả quyết. Dứt khoát. Một cách nhà binh.

- Kể từ giây phút này, khi có lệnh tập họp, các anh phải ăn mặc chỉnh tề.

Gã Trung sĩ khục khặc cười. Tiếng cười khả ố và kiêu ngạo một cách dễ sợ. Nó cứ chạy đuổi theo tôi, dội vào tai tôi, bắn vào đầu tôi...những âm thanh thật ghê rợn.

- Thiếu úy mới về, chưa biết. Lính giang đoàn ở đâu cũng thế. Tác chiến. Bụi đời. Phong sương. Rày đây mai đó. Đâu phải lính cậu mà quần áo chỉnh tề, thiếu úy?
- Tác chiến hay văn phòng... cũng là lính như nhau. Mỗi chỗ đều có mỗi nhiệm vụ rõ ràng. Đã là lính, phải có quân phong quân kỷ. Chúng ta không thể đồng dạng với thảo khấu, hải tặc!

Đám lính bắt đầu ồn ào. Họ tản mác xuống cầu thang, đứng chụm năm chụm ba, bàn tán sôi nổi. Gã Trung sĩ lại khục khặc cười. Gã lơ đễnh ngó về hướng cửa biển Bồ Đề. Mưa trắng xóa ở đó. Mưa lướt thướt trên lòng sông thênh thang, còn ẩn chứa nhiều bí hiểm, rất đỗi lạ lùng.

Căn cứ Hải Quân như một tai nấm khổng lồ, nổi giữa ba bề cây lá bạt ngàn. Chỉ có một bề là con sông. Con sông Cái Lớn vắt ngang, trầm uất đôi bờ. Căn cứ gồm những dãy nhà tiền chế dã chiến, cửa trổ ra sông, có bậc tam cấp bằng ván đầy dẫy dấu giày. Buổi trưa, nó giống như lò bánh mì, bốc hơi nóng hừng hực. Chỉ có những ai đã say bí tỉ, mới vùi vào đó, nướng thân, tìm một giấc ngủ quên đời. Buổi trưa, tôi thường lầm lũi xuống Câu Lạc Bộ, cố quên đi cái lò bánh mì quái ác của giang đoàn. Từ Câu Lạc Bộ, tôi có thể nhìn ra phi trường nhỏ xíu như hộp diêm quẹt. Vui mắt với nhóm trực thăng ngang tàng, lúc nào cũng phành phạch lên xuống, vội vã theo vòng quay chiến cuộc. Và lần nào cũng vậy, cũng bắt gặp thằng bạn đồng hương, bên ly bia đã tan hết nước đá, trong góc bàn thật sâu, ở một góc vách mù mờ. Cô bé “cát xơ” ngồi kế đó. Một cô bé tóc dài. Dễ thương. Dáng dấp học trò.

Tội nghiệp thằng bạn. Cái thằng nghèo mạt rệp. Sống chật vật với một bà mẹ và bầy em – trong cái chòi lá xơ xác ven kinh Mười Sáu tỉnh Cà Mau mới ngày nào. Ngọn đèn dầu leo lét đã cho nó từng trang chữ trí tuệ. Bàn tay bê bết máu loài muỗi hung hăng đã cho nó từng giây phút nhẫn nại, miệt mài. Cái chòi lá xơ xác cũng là cái quán cà phê cóc cần giờ giấc, phục vụ cho trại lính Địa Phương Quân, bên cạnh. Nửa khuya, gia đình đang ngon giấc – hoặc sáng sớm, sương còn đọng giọt trên tàu lá, chưa kịp rơi lách chách xuống hàng hiên ven đường – bất chợt tiếng gõ cửa dồn dập của nhóm lính gác khuya, đánh thức bà mẹ, khiến bà phải lui cui đốt đèn nhúm lửa, pha ly cà phê nóng thơm lừng cho người khách bất đắc dĩ. Rồi...cứ đều đặn mỗi ngày, khi tiếng gà gáy lanh lảnh vang lên khắp xóm, trời lạnh se se, thằng bạn tôi quảy bao bánh mì nóng hổi từ lò trở về; trước khi rửa mặt, dọn bài, ăn qua loa...để kịp đến trường. Vậy mà nó lên được đại học. Trúng tuyển y khoa. Học chưa hết năm dự bị đã vội đầu hàng. Dăm ly cà phê lẻ tẻ của bà mẹ – mặc dù có nhiều đêm phải thức trắng – không đủ nuôi nó tiến thân trên con đường công danh. Nó theo chân tôi : đi lính. Tình nguyện vào Hải Quân. Rồi ra trường, cùng xuống vùng Năm Căn khỉ ho cò gáy, trấn thủ lưu đồn.
Quân đội là trường đời thực tiễn, biến đổi con người nhanh chóng nhất. Mới hôm nào, thằng bạn đồng hương còn là cậu học trò nhát như thỏ. Gặp gái, chưa ngó đã run. Chưa nói đã cuống lưỡi, ngọng nghịu. Rượu vừa nếm đã nhăn mặt. Thuốc chỉ ngửi đã sặc sụa, ho dài. Bây giờ, nó đang ôm hôn cô gái “cát xơ” một cách điêu luyện. Bây giờ, ly bia luôn để bên cạnh. Điếu thuốc bay khói liên tục trên đầu ngón tay vàng chét. Chưa kể những đêm trăng huyền ảo trên sông, dưới chiếc PCF đang phơi mình nghỉ bến, nó uống rượu bằng tô với thủy thủ. Uống đến say khướt, rồi...hứng chí ngâm thơ. Ngâm sang sảng giữa đất trời, giữa tiếng róc rách của sóng nước U Minh.

Nhìn mái tóc dài dễ thương, cơ hồ rối tung, chập choạng chìm khuất trong vòng tay cuồng bạo của nó. Tôi bỗng nhớ đến đôi mắt ươn ướt của cô chủ quán chợ Hàm Rồng. Ôi, những cô gái thời chiến. Đều giống nhau. Lãng mạn. Nhưng, thật bất hạnh !

Con kinh Cái Nháp dài và thẳng băng như cây thước thợ. Trong bóng tối nhá nhem, nó giống thân con rắn hổ mang khổng lồ. Toán giang đỉnh đang đi trên thân rắn, đang đi trên vùng tử thần. Chỉ cần thân rắn cựa quậy, cong đuôi...là mọi bất trắc hiện ra, tuôn xuống, phũ phàng. Tôi ngồi trên Alfa, nhìn lên vòm trời. Vòm trời thu hẹp lại, lửng lơ một khoảng không gian mù mờ, soi bóng lung lay trên dòng nước lặng câm. Hai bên bờ là rừng cây. Cây tua tủa. Lá đan vào nhau bạt ngàn. Xào xạc quặn mình theo cơn gió tung tăng. Toán giang đỉnh lầm lũi trở về, sau dăm ngày ngao du, truy kích trên kinh. Dăm ngày dài, trí óc tôi căng như một sợi dây đàn. Dây đàn sắp đứt. Sắp chùng. Sắp lạc điệu. Sắp sai phím. Đảo cung. Gã trung sĩ và đám lính kiêu kỳ đã bắt đầu thành chuyện lớn cho tôi. Sĩ quan học trò. Cộng với mớ lý thuyết tạp nham. Nào bằng kinh nghiệm thực tế. Những năm tháng lao vào biển cả. Những giờ phút băng mình trên sông, đong đưa cùng tử thần.

Con kinh Cái Nháp thẳng băng như một huyệt đạo. Nó xuất phát từ sông Cái Lớn, chui sâu vào đám rừng lá bạt ngàn, rồi cắm đầu chạy tuốt về phía Đầm Cùng quạnh quẽ. Tuy vậy, ở đoạn giữa, con kinh bỗng dưng cong lại, phình ra như compa. Chính ngay đoạn cong đó, biết bao giang đỉnh bị trúng B.40, rơi vào ổ phục kích của VC. Cũng chính ở đoạn đó, người ta thấy có một miếu thờ đã trơ gan cùng tuế nguyệt. Các lính giang đoàn lần lượt đến đây, truyền khẩu nhau, cho đấy là miếu tử sĩ. Dân làng lập lên để cúng bái các vong linh chiến sĩ hy sinh tại đây. Vì họ chết oan ức, nên đêm đêm chập choạng hiện về, khuấy phá xuồng ghe qua lại khúc kinh này. Riêng tôi, tôi không tin câu chuyện truyền khẩu là sự thật. Biết đâu, miếu là di tích của miếu thần hoàng ngày xưa. Hay miếu thành hình để nhằm suy tôn bậc tiền nhân có công lao đào xới con kinh Cái Nháp, như một tưởng mộ, nhắc nhớ cho các thế hệ đời sau.
Tôi nhớ, tuần trước, khi dẫn toán giang đỉnh kích đêm, tôi đã thả nguyên đại đội Biệt Động Quân lên bờ, cách miếu tử sĩ khoảng 100m. Rồi... bất chấp sự phản đối của đám lính, tôi lầm lũi cho tàu ủi vào khúc cong của kinh, hẹn đến sáng hôm sau sẽ “bắt tay” với đơn vị bạn.

Lúc đó, gã trung sĩ có vẻ bực tức. Và gầm gừ, khuyên lơn tôi một cách đe dọa :

- Thiếu úy nên tìm chỗ khác chém vè, nếu còn muốn sống. Kích ở đây rất nguy hiểm. Ổ VC.

Các thủy thủ đứng bất động. Họ cố tình chậm chạp, lặng lẽ trì hoãn mệnh lệnh.

-  Mẹ, ổ VC thì tìm cách tiêu diệt. Tại sao lại lẩn tránh? Đây là lệnh hành quân. Tất cả phải thi hành. Rõ chưa?

Tôi chửi thề, văng tục một cách cường điệu. Tôi xoay xoay khẩu 45  trong tay, thiện nghệ như những tên cao bồi trong phim Mỹ. Hôm qua, khi giang đỉnh vừa rời bến, tôi đã rút súng biểu diễn một màn hấp dẫn, bắn chết tươi con chìa vôi đậu tít trên ngọn tràm. Phát đạn thần sầu đó, vô tình đã làm các thủy thủ chấn động. Họ trố mắt nhìn nhau, ngạc nhiên như rơi từ cung trăng xuống. Chỉ có gã trung sĩ là lặng lẽ quay lưng. Tôi biết, gã lặng lẽ quay lưng để cố chối bỏ sự thật. Thiếu úy sữa, sĩ quan học trò... chưa hẳn... dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm? Hành động táo bạo của tôi và trung đội trưởng Biệt Động Quân, đêm đó, không ngờ đã tạo nên chiến công rực rỡ. Khúc cong con kinh, ngay chỗ miếu tử sĩ âm u – từ lâu – là nơi chốn ẩn náu an toàn cho bọn vi xi. Chúng tha hồ múa may, lập hang ổ, bắn B.40 dài dài vào giang đỉnh. Thế nên, thủy thủ qua đây đều ớn da gà. Các sĩ quan trưởng toán chém vè, chưa bao giờ muốn ủi vào nơi này để đùa giỡn với tử thần.

Đêm mịt mùng. Chập choạng bóng tối. Một màu đen khổng lồ trùm phủ khu rừng. Một nỗi im vắng đáng sợ đang bao quanh chúng tôi, đe dọa đến từng số phận mỗi người. Nhưng, điều đáng sợ hơn nỗi im vắng, là tiếng động. Tiếng róc rách của nước, chẳng hạn. Làm tôi liên tưởng đến những trái mìn đang trôi lừ lừ trên kinh. Chúng có thể tấp vào chân vịt, móc vào khoang sắt, làm nổ tung chiến đỉnh như chơi. Hoặc tiếng côn trùng rúc rích. Tiếng lá cây chao động. Phải chăng, chúng phát xuất từ bước chân rình rập của quân thù. Những bước chân ngập đầy tang tóc.
Nửa khuya, súng bỗng nổ giòn giã từ phía bờ. Súng nối nhau từng tràng, từng chuỗi dài. Gây huyên náo khu rừng, làm chim chóc vụt cất cánh bay lên, kêu quang quác trong đêm. Xen kẽ tiếng súng, là tiếng nổ bùng của lựu đạn, của hỏa châu. Những đốm hỏa châu treo lơ lửng trên không, soi sáng một góc trời.

- Mỹ Ngư, đây Linh Điểu gọi, trả lời? Linh Điểu đã đụng chuột. Đang nhổ lông từng con. Xin đại ca cho tí lửa về phía... này...
- Mỹ Ngư nghe. Linh Điểu cứ an tâm. Lửa sẽ có ngay. Có tối đa...

Con kinh Cái Nháp đang co thân, ngủ vùi trong đêm khuya lạnh lùng. Bỗng cựa mình, quẫy đuôi, tung sóng rền vang nơi khúc cong định mệnh. Từng tốp giang đỉnh vội vã rú máy, tách ra khỏi mạn bờ. Tiếng áo giáp sột soạt. Tiếng cơ bẩm lách cách. Tiếng chân vịt cuộn nước hùm hụp. Rồi, tiếng súng đủ loại... thi nhau phụp vào rừng. Khói lửa bốc lên ngun ngút. Từ xa, ngay tọa độ mà trung đội Biệt Động Quân vừa chấm, đạn pháo của chúng tôi đã làm thành một quầng sáng khổng lồ, như thiêu như đốt cả đêm thâu.   Trận đánh bất thần này, cơ may làm tan tác lực lượng hậu cần của binh đoàn VC. Biệt Động Quân đã khám phá và tịch thu kho vũ khí quan trọng, nằm sau lưng miếu tử sĩ. Ngày sau, Bộ Chỉ Huy Chấm phải huy động tất cả lực lượng giang đoàn, nhanh chóng vận chuyển chiến lợi phẩm về căn cứ. Tư Lệnh vùng hãnh diện bay đến gắn huy chương. Một số Anh Dũng Bội Tinh tưởng thưởng riêng cho hải quân. Nhân danh sĩ quan trưởng toán, tôi đề nghị gã trung sĩ kiêu bạc và vài ba thủy thủ nòng cốt - được ưu tiên lãnh phần danh dự đó.

Đêm. Năm Căn âm u như địa ngục. Đêm đe dọa dưới sông. Đe dọa trên bờ, tận những bãi rừng trong kia, nơi có tiếng lá đuổi nhau rì rào, như mọi ngày. Đêm tối đen như mực. Chỉ có bầy đôm đốm bay lượn như ánh ma chơi, lập lòe dưới những táng cây. Chỉ có côn trùng rúc rích thâu đêm. Chỉ có đàn muỗi đói hung hăng, vo ve xung quanh. Chúng tìm hơi chúng tôi, sà xuống từng loạt...và cắn đau thấu ruột gan. Chỉ có tiếng MK3, thỉnh thoảng nổ bùng lên, quậy sóng, dập dềnh thân tàu.

Dưới khoang chiến đỉnh, giữa ngọn đèn vàng ệch tuôn tuôn khói đen, gã Trung sĩ với tôi, đối diện hút thuốc. Chai rượu đế kề bên. Thứ rượu nếp chánh hiệu Cà Mau. Và đĩa tôm lụi nướng giòn rụm, đã vơi đi một nửa. Khói đèn cùng khói thuốc ẻo lả bốc cao, bốc lên sàn Tango, bay loạng choạng trong đêm tối. Gã Trung sĩ rót đầy ly rượu. Mùi rượu vừa phà vào mũi tôi, vội rần rần chạy khắp cơ thể, làm nóng ran buồng ngực, nóng buốt trái tim.

- Cưa hai, thiếu úy. Ông trước, tui sau.

“Ót”. Tôi chiêu một hơi, ngon lành. Còn nửa ly, đẩy vào môi gã Trung sĩ :

Dzô. Cạn ly. Dzô...

“Ót”. Gã nhếch mép, khà khà. Rồi quay ngược cái ly xuống sàn tàu. Miệng ly khô ran. Chỉ có chất thủy tinh trong suốt, lấp lánh dưới ánh đèn leo lét.

- Thua. Tui thua Thiếu úy. Ông có lối suy nghĩ thật độc đáo. Suy nghĩ đưa ra hành động. Hành động cũng thật phi thường, bất ngờ. Làm vixi té đái, ỉa trong quần... dài dài...
- Mày tưởng tau là học trò lóc chóc, hỉ mũi chưa sạch sao ?
- Dạ...tướng Thiếu úy lù khù...dễ hiểu lầm.

“Ui cha”. Tôi nhổm đít, đưa thẳng bàn tay ra, bậm môi, đập mạnh xuống chân. Hàng chục con muỗi bẹp dí. Máu loang loáng trên da, vấy đỏ cả mép quần.

- Tau có thời gian dài đi “bụi” trước khi đi lính. Từng ngủ ở sạp chợ, ăn ở vỉa hè. Từng leo lên ghe thương hồ ngao du bốn vùng chiến thuật. Từng đói đến kiệt xác, khát đến lả người. Đau khổ như thế quá nhiều, cái đầu phải đi trước chớ!

Có tiếng giày lộp cộp xuống cầu thang. Người thủy thủ trực ghé sát vào tai tôi, lí nhí :

- Phòng hành quân gọi Thiếu úy. Gấp.   

Phòng hành quân gọi giữa khuya ? Có chuyện chi ? Giặc đang sang sông ? Đang tung hoành nơi nào ? Tôi chụp vội ống điện đàm, gầm gừ trong máy :

- Alfa đây ! Nghe rõ, trả lời.
- Alfa đây Zoulou.   “Bẻ cổ”, tôi cần nói riêng với anh.

Tôi vội vã chuyển tần số :

- Zoulou đây ! Báo cho anh biết, thằng bạn đồng hương của anh đã bị vixi bắn rơi xuống sông, mất tích...
- Hả ???

Tôi bắt đầu thấm say. Hình như giá rét vùng U Minh đang ngấm dần...ngấm dần vào cơ thể. Khiến đôi chân rã rời. Đầu óc như dại như điên.

- A lô ! Anh xác định kỹ lại đi ! Tôi mới vừa uống cà phê với nó ở Câu Lạc Bộ chiều nay. Tôi còn giữ hộ nó một bao Capstan đây ! Làm gì có chuyện đó ?
- Đúng đấy Alfa ! Chiếc PCF của bạn anh vừa rời căn cứ đi tuần. Khi đến đầu rạch Ông Quyền, vixi đã thổi B.40 trúng ngay phòng lái. Bạn anh bị thương, rớt xuống sông, chìm mất. Hiện tại, Hải Đội và Người Nhái đang tìm cách vớt xác.

Tôi buông ống điện đàm. Ôm đầu. Rống lên. Ngoài kia, nơi rạch Ông Quyền, hình như giông tố lật bật kéo về. Có cả tiếng súng nổ giòn. Tiếng súng xé nát tim tôi. Xé nát tim cô bé “cát xơ”. Xé nát thế hệ tuổi trẻ. Một cách tội tình.
Chiếc Hải Vận Hạm vừa ra khỏi cửa Bồ Đề. Trời bỗng nổi gió dữ tợn. Lòng sông như có bàn tay vô hình nào khuấy động, cuồn cuộn tung cao những làn sóng khổng lồ. Một đoàn chiến đỉnh rải dọc ven sông, đã làm xong nhiệm vụ hộ tống chiếc Hải Vận Hạm ra cửa biển an toàn. Đoàn chiến đỉnh bắt đầu trở về. Lặng lẽ chạy trong cơn thịnh nộ của sóng gió. Chiếc này nhắm đít chiếc kia, giữ chặt đội hình, sẵn sàng tác chiến.

Ngã ba Tam Giang phía trước. Mịt mù khói sương. Chỉ thấy loang loáng như ba vệt sơn màu trắng, kéo dài trên tấm thảm xanh rờn. Rừng U Minh rung chuyển. Gió vít những ngọn cây xuống thấp, rồi bắn chúng lên cao. Cứ thế, cây lá vặn vẹo vào nhau, rối tung xạc xào. Một đàn chim bỗng bay vút ra từ đám lá, chúng kêu lên hoảng hốt, như tiếng kêu của chim mẹ mất con, chim trống mất mái. Tôi chụp vội ống điện đàm, la lớn :

- Coi chừng vixi ! Phía hữu ngạn.

“Bụp”...”Xè...xè”...Một khối lửa chụp xuống. Rồi tung lên, nổ lớn phía hữu ngạn. Mảnh đạn bay rào rào. Khói bốc lên mù mịt. Chiếc giang đỉnh nẩy ngược, và lồng lên giống con ngựa lên cơn. Gã Trung sĩ như chiếc lá rụng, lảo đảo trong cơn giông – bị sức tống của trái đạn, lăn nhào xuống sàn tàu.

Đoàn chiến đỉnh đồng loạt ghim thẳng vào bờ. Mũi tàu rướn lên các lùm cây...nghe rào rạo. Đại liên, M.79, M.16...thi nhau bắn xối xả lên cánh rừng. Có hơi khói bốc lên – từ xa – bốc lên từ những thân cây xoắn xít vào nhau, gục ngã tơi bời. Một chiến đỉnh ủi lên đám lá. Lá xanh thẳm, đan vào nhau chằng chịt, phủ kín mặt đất. Hạ sĩ Trọng Pháo phát hiện trong đám lá xanh rì, có lẫn những khoảng lá khô, màu xanh nhạt hơn, còn dính đó đây vài dấu bùn. Hắn chụp vội cây M.16, ria xuống đám lá :

- Mẹ, VC.

Đám lá nhô lên. Hai tên VC phóng ra, cắm đầu chạy bừa vào rừng. Một loạt đạn ria theo. Hai tên VC gục xuống, bất động.

Tôi trở về căn cứ. Chìm sâu vào nỗi buồn chưa có tên gọi. Có thể, cái chết bất ngờ của thằng bạn đồng hương đã ám ảnh tôi ? Hay đôi mắt sưng húp của cô bé Câu Lạc Bộ, sau nhiều đêm thức trắng, sau nhiều ngày khóc cho cuộc tình thời chiến chinh, quá ngắn ngủi ? Hay đôi chân mất đi của gã Trung sĩ ngang tàng ? Kể từ bây giờ, anh đã trở thành phế binh vĩnh viễn, với đôi nạng gỗ oan nghiệt, suốt đời.

Tôi muốn ra chợ Hàm Rồng, ngồi đốt một điếu thuốc, dìm đời vào đôi mắt bồ câu thăm thẳm của cô chủ quán, để cố trốn đi những nỗi buồn, đang bám lấy tôi như kẻ thù truyền kiếp. Nhưng khi vừa bước lên bờ đất dẫn vào hiên chợ, tôi chợt thấy đám đông đứng chật ních trước quán. Họ ồn ào, bàn tán và kéo nhau vây kín lối đi. Thấp thoáng trước mặt, hai người cảnh sát cố gắng tách khỏi đám đông, để kéo cô chủ quán về hướng chi khu. Tôi hấp tấp chạy theo.

Tiếng giày bình bịch, tung bụi bay mịt mù một góc chợ.

- Chuyện gì thế, cô bé ?

Cô chủ quán đã nhận ra tôi. Nàng chớp chớp đôi mắt bồ câu, mếu máo :

- Cứu em, Thiếu úy ơi ! Em bị bắt lầm...

Hai người Cảnh sát vội nhào tới, vừa đẩy tôi về hướng bờ sông, vừa quát lên ầm ĩ :

- Tránh ra ! Đừng dính vào mang họa. Đây là thứ dữ : Giao liên.

PHẠM HỒNG ÂN