SỐ 29 - THÁNG 1 NĂM 2006

 

Thơ
Ngõ cúc vàng xuân xa
24 Vũ Hoàng Thư
Bồ Tát
23
Hoàng Du Thụy
Đêm biển động
21
Huỳnh Kim Khanh
Rồi chỉ còn lại nỗi buồn
19
Nguyễn Xuân Vời
Lữ khách
20
Trần Việt Bắc
Noel hy vọng
18
Tôn Thất Phú Sĩ
Đếm sao
18
Kim Thành
Ta mất mùa xuân
17Ngọc Trân
Sóng ở đáy sông
17Maihoado

Truyện ngắn, Tâm bút
Mùa xuân trong hạ
15
Nguyên Nhi
Người đưa thư ở Cabramatta
14
Phan Thái Yên
Lao vào lửa
13
Hoàng Du Thụy
Thời kiêu bạc
12
Phạm Hồng Ân
Ru tôi mộng lành
8Song Thao
Mùa xuân trên thành phố
7Cỏ Biển

Phiếm luận văn chương
8Huỳnh Kim Khanh
Năm Bính Tuất nói chuyện chó
8Trương Thanh Diễm Thùy

Văn học, biên khảo
Ngày xuân, ngày Tết
4Xuân Phương
Nhà Trần khởi nghiệp (3)
4Trần Việt Bắc
Sống thiện chết lành
4Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 16

3Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
2 Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 23
1 Huỳnh Kim Khanh


 

Ngày Xuân - Ngày Tết

 

Mới cuối tháng 11 thôi, trời Nam Cali đã se sắt  lạnh. Năm nay trời lạnh sớm và lạnh nhiều hơn mọi năm. Ở cái xứ bốn mùa nắng ấm này mà người ta còn rên hù hù, hà huống chi ở mấy cái "xứ tủ đá", hay "xứ lạnh tình nồng". Tại Austin- Texas mà  tuyết cũng rơi lã chã, nhiệt độ xuống thấp nên tan không nổi, đóng băng đá, đường trơn trợt, chỉ trong một ngày mà có khoảng hơn 150 tai nạn xe cộ ."Dân xứ cao bồi ưa lái xe lớn  rồi chạy nhanh và ẩu !!!"Đàm tiên sinh phán một câu xanh dờn bằng e-mail khi được nghĩ làm, ngồi trong nhà nhìn ra ngoài trời. Trong cái lạnh và buồn của mùa đông, cảnh tượng băng tuyết  của khí hậu và thời tiết làm cho con người thấy lại kích thước nhỏ bé và hữu hạn của mình đối với thiên nhiên, cho dầu là đã bước vào thế kỷ 21, đã  tưởng mình là vạn năng bằng những tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật. Như trong bài thơ Thán Đại Tuyết của nữ thi sỹ Hạt Cát:

Phong thiết thiết
Hàn liệt liệt
Vãng lai vô nhân hành
Xa lạc liệt
Điểu phi tuyệt
Viễn cận đông tây bạch tuyết
Thái cấp yết
Ốc ốc quan môn
Vô sự bất năng suất niết
Chung dạ ngụ mỵ thính nộ phong
Ngạnh chi đoạn chiết
Khả liên vô gia nhân liệt
Hựu cố ảnh tự liên
Không phòng cánh khiếp
Lãnh khí thấu trùng song
Thấu tâm trung
Vô nhân triệt
Hựu liên nhân tự cố
Thiểu đa tâm sự đồng
Giá u tình vô cá biệt

Gió cắt riết
Hơi buốt xiết
Qua lại không bóng người
Xe nằm liệt
Chim bay biệt
Gần xa đông tây trắng tuyết
Tình trạng khẩn thiết
Nhà nhà kín mít
Chẳng nên ra khỏi cửa những ai không việc
Suốt đêm thức ngủ nghe gió gào
Cành gãy nhánh rớt
Thương cho những kẻ không nhà
Nhìn bóng tự mình thương tiếc
Phòng không vắng khiếp
Khí lạnh xen qua khung cửa dầy
Len vào tim
Không ai biết
Lại thương cho người xưa
Ít nhiều tâm sự giống nhau
Niềm u ẩn này đâu riêng biệt

Giở lịch " Tam tông miếu " ra xem thì thấy hiện giờ chúng ta còn nằm trong Tiết Đại tuyết ( còn gọi là Tiết Đại hàn ), vài hôm nữa sẽ qua Tiết Đông chí, lạnh lẽo nhất trong năm. Ngày 1 tháng 1 dương lịch thường rơi vào Tiết  Đông chí. Chữ Tiết ở đây theo tự điển Thiều Chửu có 15 nét, gồm 13 ý nghĩa khác nhau, trong phạm vi bài sưu tầm này, người viết chỉ đề cập đến đến hai nghĩa của nó với Tiết là khí tiết ( Hiện tượng thời gian ) và Tiết là ngày  Tiết( Tết)  mà thôi.

Dựa vào một bài viết của giáo sư Trần Thượng Thủ đăng trên Việt Nam Nhật Báo, giai phẩm Xuân Tân Tỵ 2001 nói về " BA LOẠI LỊCH ĐANG LƯU HÀNH " thì chúng ta được biết  trên thế giới hiện nay đang sử dụng 3 loại lịch là : Âm lịch ( Lunar calendar ); Dương lịch ( Solar calendar ) và Âm Dương lịch ( Luni- Solar calendar).
"Âm Dương lịch thể hiện sự phối hợp khá tinh xảo của hai loại lịch trên, mà từ lâu nay  khi dùng người VN quen gọi sai lầm là Âm lịch. Âm Dương lịch căn cứ vào vòng quay cả của mặt trăng quanh trái đất và của trái đất quanh mặt trời, mà ấn định mỗi tháng có 29 hay 30 ngày, và mỗi năm 12 tháng hoặc có khi 13 tháng để xác định gần đúng theo mùa dương lịch. Ngoài ra, người ta cứ tưởng rằng đó là lịch Tàu vì có nguồn gốc từ Trung Hoa, chớ có dè đâu bên cạnh  lịch Tàu còn có lịch Ta, được vua Lý Thánh Tông ban hành  năm 1054, dựa vào  lịch pháp thuở Tống Sơ ( hậu bán thế kỷ X ) ".

Theo Âm Dương lịch thì một năm có tứ thời ( bốn mùa ): Xuân, Hạ, Thu, Đông và  24  khí: gồm 12 trung khí và 12 tiết khí nằm xen kẽ đều nhau. Trung khí là khí chính, luôn luôn bắt đầu vào khoảng quá giữa của tháng dương lịch ( sớm nhất là vào ngày 18, trễ nhất là vào ngày 24 ). Tiết khí là  khí phụ, luôn luôn bắt đầu vào thượng tuần tháng dương lịch ( sớm nhất là vào ngày 4, trễ nhất là vào ngày 9 ).
Mỗi thời ( mùa ) có 6 khí. Khởi đầu  bằng tiết khí mang tên với chữ " Lập " đứng đầu như: Lập xuân, Lập hạ, Lập thu, Lập đông. Khí giữa là trung khí, mang tên mùa tương ứng như: Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, Đông chí. Bắt đầu trung khí này đến bắt đầu trung khí kế độ 30 ngày, lâu hơn một tuần trăng .

Bốn mùa luân chuyển. Mùa xuân là mùa đầu của bốn mùa: khí hậu mát mẻ, ấm áp nên vạn vật tốt tươi, con người hớn hở, cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa lá khoe sắc thắm. Người ta ví mùa xuân giống như tuổi trẻ  ( tuổi thanh xuân ) và gọi mùa xuân là  mùa  " Sinh Thành": muôn việc khởi  đầu từ mùa xuân ( vạn sự khởi ư xuân ):

Xuân thủy tồn trì mãn
Xuân thời xuân thảo sinh
Xuân nhân ẩm xuân tửu
Xuân điểu lộng xuân thanh – Vô Danh Thị

Hồ xuân ngấn nước vẫn đầy
Cỏ xuân tươi tốt những ngày đang xuân
Tiếng xuân chim rộn đua vần
Người xuân ngồi uống rượu xuân la đà- Nguyền Sĩ Đại

Toàn cầu hiện nay lấy Tiết Xuân phân ( 21/3 dương lịch ) là ngày đầu mùa xuân.  Còn mùa xuân theo Âm Dương lịch bắt đầu từ tiết Lập xuân ( nằm trong tháng giêng âm lịch, khoảng 4- 5/2 dương lịch) đến Tiết Cốc Vũ (tháng 3 âm lịch, 20-21/4 dương lịch ), gồm 6  khí tiết là: Tiết Lập xuân ( Lichun-Beginning of Spring ), Tiết Vũ thủy ( Yushui-Rain Water ), Tiết  Kinh trập ( Jingzhe-Waking of Insects), Tiết Xuân phân ( Chunfen-Spring Equinox ), Tiết Thanh minh ( Qingming-Pure Brightness ) và Tiết Cốc vũ (Guyu-Grain Rain ) như 8 câu ( 39-46 )  trong những đoạn mở đầu truyện KIỀU của thi hào Nguyễn Du:

Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đà ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh  tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là  Tảo mộ, hội là Đạp thanh
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Mùa xuân gồm 3 tháng, khoảng  90 ngày, những ngày trong mùa xuân là " ngày xuân ", là  "xuân nhựt" hay " xuân nhật" :

Thảo sắc thanh thanh liễu sắc hoàng
Đào hoa lịch loạn lý hoa hương
Đông phong bất vị  xuy sầu khứ
Xuân nhật thiên năng nhạ hận trường - Giả Chi

Sắc cỏ xanh xanh, sắc liễu vàng
Hoa đào hoa lý lẫn mùi hương
Gió đông chẳng thổi sầu đi hết
Mối hận ngày xuân để vấn vương- Vũ Mộng Hùng "

Mấy câu thơ trên là  xuân nhật trong cổ thi Trung Hoa, còn trong thơ mới Việt Nam có bài " Ngày xuân " của thi sỹ Anh Thơ :

Trời hơi lạnh và nắng vàng hơi hửng
Lúa xanh đồng rợn  sóng tận chân mây
Vài con én liệng ngang trời lơ lửng
Từng lũ cò phất phới đậu rồi bay.

Chữ Nhựt hay  Nhật theo tự điển Thiều Chửu có 4 nghĩa:
-Mặt trời
-Một ngày ( 1 ngày và 1 đêm): nhất nhật
-Ban ngày : vãng nhật ( ngày hôm qua ), lai nhật ( ngày mai)
-Nước Nhật  Bản .

Nhưng xuân nhật ( hay xuân nhựt ) có giống như Xuân Tiết? Ngày xuân ( ngày của mùa xuân ) có phải là ngày lễ tết mùa xuân hay không thì phải dài dòng  mà như vầy:
Tết do chữ tiết  nói trại mà  ra, có nghĩa là  ngày lễ đầu tiên của một năm, là  Tết Nguyên Đán( còn gọi là Nguyên Nhựt ). Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm mại. Tết Nguyên Đán là ăn mừng buổi sáng  ngày bắt  đầu năm, ngày mồng một tháng giêng  âm lịch. Người Việt Nam khi sử dụng Âm Dương lịch không đổi  tên ngày Tết Nguyên Đán như người Tàu đã làm năm 1911. Vì từ năm 1911 trở về sau, người Tàu dùng tên  " Nguyên Đán Tiết " để gọi ngày 1 tháng 1 dương lịch , và gọi ngày mồng một tháng giêng âm lịch là " Xuân Tiết ", trong khi trước đó ( trước năm  1911), với họ Nguyên Đán  Tiết  cũng là Xuân Tiết.

Tết Nguyên Đán Việt Nam bắt đầu  từ lúc Giao thừa ( theo Hán việt  tự điển của Đào Duy Anh thì giao thừa có nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy ), lúc giao tiếp giữa hai năm cũ và mới, khoảng 23 giờ ngày cuối năm cũ đến 1 giờ  ngày đầu năm mới, thường gọi là  đêm Trừ Tịch ( Trừ nghĩa là qua đi, bỏ đi; Tịch nghĩa là đêm. Người Tàu có lễ  Khu trừ ma quỷ đêm Trừ  Tịch ) hay gọi nôm na là đêm 30 tết:

Trời tối quá! Bên ngoài trời tối quá
Những cây nêu tiếng khánh khẽ khua thầm
Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục
Thằng cu con rụi mắt cố chờ ăn
Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen nhức
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm
Bỗng tiếng pháo đẹt đùng xa nổ :báo
Ngoài đình trung làng đã tế giao thừa
Cả nhà vội giật mình không ai bảo
Cùng đứng lên thăm bánh chín hay chưa!- Anh Thơ

Để ổn định được ngày mồng một tháng giêng  âm lịch là ngày Tết Nguyên Đán cho tới nay, không phải  là chuyện đơn giản. Theo huyền sử Trung  Hoa, từ lúc mới tạo thiên, lập địa, dựa trên lý thuyết " Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng v.và"thì giờ tý có trời, giờ sửu có đất, giờ dần sinh ra loài người ( trình tự hệ Thiên can và Địa chi có khái niệm từ đấy). Đời nhà Hạ ( 2205-1766 trước  CN )  thích màu đen, chọn tháng Dần là tháng giêng để ăn tết. Đến đời nhà Thương ( 1766-1122 trước CN )  thích màu trắng, đổi lại tết nhằm tháng Sửu là tháng chạp ( 12 ). Đời nhà Châu ( 1122-256 trước CN ) ưa màu đỏ, chọn tháng Tý là tháng 11 làm tháng tết. Qua thời Đông Châu  liệt quốc, Khổng tử chủ trương  theo  nhà  Hạ. Đến đời nhà Tần ( 256-206 trước CN ), tết là tháng Hợi, tức tháng 10. Cho đến khi nhà Hán ( 206 trước CN-221 ) theo quan niệm của Khổng tử, bắt đầu lại tháng tết là tháng Dần, tức là tháng giêng.

Trong đời nhà Hán, Đông Phương Sóc, soạn ra  sách " Phương Sóc chiêm thư" bổ sung thêm về những hiện tượng đầu tiên ở những ngày mới khai thiên, lập địa thì 8 ngày  đầu  năm, mỗi ngày sanh ra một giống như sau:
-Ngày mồng một sanh giống gà
-Ngày mồng hai sanh giống  chó
-Ngày  mồng ba sanh giống heo
-Ngày mồng bốn sanh giống dê
-Ngày mồng năm sanh giống trâu
-Ngày mồng sáu sanh giống ngựa
-Ngày mồng bảy sanh  ra loài người
-Ngày mồng tám  có thêm ngũ cốc

Ngũ cốc là năm thứ hạt để ăn mà sống lúc con người mới biết trồng  trọt. Đó là :
1-Ma: Mè (vừng )
2- Thử: Gạo nếp dẻo, gọi là nỏa hay nhu.
3-Tắc: Gạo tẻ trắng, gọi là cánh hay đồ.
4-Mạch: Lúa mì, gồm đại mạch và tiểu mạch .
5- Đậu: Gồm đại đậu ( đậu nành) gọi là thúc và tiểu đậu ( đậu xanh, đậu đỏ à) gọi là đáp.

Người Việt Nam ăn, chơi, vui tết từ ngày mồng một cho đến ngày mồng bảy: ngày sanh ( sinh nhựt ) của loài người. Còn ngày mồng tám thuộc về ngũ cốc nên phải " động thổ ", bắt đầu công việc đồng áng của nhà nông, không còn ai rảnh rang  được nữa, thành ra ngày mồng bảy là ngày cuối tết. "Thong thả dân gian  nghĩ việc đồng "( Nguyễn Bính ) như trong bài thơ Chơi xuân của thi sỹ Đoàn Văn Cừ:

Đàn ông khăn nhiễu đội đầu
Đôi giày da láng, khăn trầu đỏ loe
Đàn bà yếm đậu vàng hoe
Hàm răng đen nhức, váy lê thẹn thùng
Đám " quay đất " họp đang đông
Tiếng cười nắc nẻ vang trong góc lều
Hiu hiu trời tắt nắng chiều
Chõ xôi trong bếp phì phèo lên hơi
Bàn thờ hương cháy tỏa mùi
Từng tràng pháo chuột nổ dài trong khuya

"Ăn tết ", " Chơi tết " là những thành ngữ của người Việt Nam trong dịp đón  chào năm mới, Tết Nguyên Đán, bằng rất nhiều phong tục, tập quán cổ truyền như: dựng nêu, đốt pháo, múa lân, đưa ông Táo, rước ông bà, hái lộc, thăm viếng, chúc tụng, lì xì v.và với những ý nghĩa thiêng liêng mang đầy tính chất dân tộc. Người người, nhà nhà, ai ai cũng ăn tết. Qua bài vè " Ăn Tết"dưới đây,  chúng ta thấy cảnh rộn ràng của người dân quê trong mấy ngày cận tết:

Ăn Tết ! Ăn Tết !
Kẻ lo hết gạo, người sợ tiền không
Đừng lăng xăng mà nhắc mà trông
Lo bảy bữa lo đà sản kiếp
Mần thời không kịp
Xóm trên chạo rạo đội nếp chia đàng
Xóm dưới sắm sửa vần sàng
Lúa phơi rồi còn nỗi chưa xay
Đêm tới sáng thức làm lạo xạo
Kẻ lo hết gạo, người sợ lá tươi
Từ hăm lăm cho tới ba mươi
Giã gạo vang trời động đất
Mần sao lật đật như đứa mắc phong
Nếp tẻ tính đã vừa xong
Sức ai ai đặng mạnh mượn quết bánh phồng
Hái mớ lá, dây, mua hành cùng hẹ
Mần cho nhặm lẹ chớ khá dật dờ
Vừa đặng quét dọn bàn thờ
Hối con vợ thức khuya đi chợ
Ngày hăm tám dọn thoàn đi chợ
Kẻ không ghe chèo thế, có giang
Rạng đông rồi quán đã bày hàng
Đông thiên hạ mặc tình buôn bán
Nhà giàu người ta mua hồng, mua nhãn, mua núm, mua mì
Mua không thiếu vật chi
Bổn phận mình nghèo muốn mua xấp vải
Nghiêng qua ngắm lại ngặt nỗi thiếu tiền
Vái trời cho lành mạnh tết khác qua mua
Người ta giàu, mình khó chẳng dám bì
Tỏi một củ, trà một bao
Còn dư bao nhiêu mua giấy hồng đào
Coi ai viết liễn viết chơi vài cặp
Nhang mua đủ thắp
Giấy mua ít chục đủ đốt thời thôi
Đặng lo dìa sớm mà đi chia thịt
Muốn ăn cho bãm dạ nào có rít
Thịt ba xâu, lòng lấy vài quan
Cúng ông bà  đôi cỗ cho bỉ bàng
Rồi dọn xuống say sưa một bữa
Ngày ba mươi canh năm vừa lứa
Heo thiên trùng chết biết mấy muôn
Nghe tiếng kêu mở cửa chạy tuôn
Lợi mình dành phần chắc
Đem về miếng thì kho, miếng thì xắt
Bèn dọn lên mời vái cúng ông bà
Rượu thì rót bằng chén, chung trà
Nói chi lăng nhăng nghiêng qua ngã lại
Nghe tiếng pháo đại kêu con vợ sắm sửa nấu chè
Vác cây nêu đem cặm ngoài hè
Nói con vợ sao cửa đóng sớm
Làm hơi mặt bợm, mở pháo đốt um sùm
Kêu con vợ lấy mền trùm
Co cẳng quốc ngủ cho tới sáng
Sáng ngày mùng một anh em bạn tới nhà
Đem rượu đãi liền
Ba ngày nầy ăn uống liên miên
Rồi mãn Tết tính coi bao nhiêu sở hụi
Thịt thời hai yến ba đồng
Rượu thời mười hai chuỗi
Tôi lạy khóc ông
Tôi lạy bác nội đừng trông tới Tết .

Sau khi dồn hết công của trong điều kiện chật vật  của mình, người dân quê nghèo lo xong cái tết  cho có với người ta, cho phải lễ, để rồi thêm  nợ, thêm nần. Cái khốn khó, túng quẫn làm cho người nghèo bình thường đã thiếu trước, hụt sau , huống chi đến ngày tư, ngày tết, cho nên họ " sợ tết hơn sợ chết". Đó là chưa nói đến cảnh chủ nợ réo đòi, như trong  bài thơ " Cảm khó "của  Trần Tế Xương:

Cái khó theo nhau mãi thế thôi
Có ai, hay chỉ một mình tôi
Bạc đâu ra miệng mà mong được
Tiền chửa vào tay đã hết rồi
Vay nợ lắm khi trào nước mắt
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi à

Để rồi ngậm ngùi  cảm Tết với nhà thơ xứ Vị Xuyên:

Anh em đừng nghĩ  tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem: hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi: giá còn kiêu
Bánh chưng sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi đành tết khác
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo

Người dân nghèo, đại đa số khốn khổ, đầu tắt, mặt tối trong đời sống đến nỗi họ phải: "Tôi lạy bác nội đừng trông tới tết " ; Bên cạnh sự se sua, xa hoa của của những con ông, cháu cha, những " tai to, mặt lớn "của xã hội đương thời  với những  hình thức vui chơi, giải trí " hiện đại "  làm mất dần đi tính chất  đặc thù  của ngày tết. Đối với truyền thống dân tộc Việt Nam, ngày Tết là dịp để gia đình sum họp, là dịp để gặp lại người thân, là dịp để vấn an ông bà, cha mẹ, là dịp để thăm viếng mồ mả tổ tiên v.và thì theo ông Lê Văn Lân :

"Ngày nay, dân Việt Nam đang ít nhiều lâm vào hoàn cảnh xa lạ, ngơ ngác trên chính quê hương của họ, như một con dế bị nắm râu và quay tít, họ xây xẩm đứng không còn vững và hết còn ý niệm đâu là di sản của tiền nhân, đâu là con đường đi trước mặt."
"Nhìn vào hiện tình của  người tỵ nạn Việt Nam có thể nói rằng chẳng ai có lại những mùa xuân cả, tuy rằng thời tiết xuân vẫn đến theo nhịp tuần hoàn trên tờ lịch. Làm sao mà dân Việt tha hương  có lại những ngày Tết Âm lịch ở những xứ theo Dương lịch, đã dành ưu tiên chính thức cho ngày Christmas và New Year's Day, khi mà thiên hạ rộn rịp mua sắm, ăn mừng chúc tụng theo phong tục của họ ".

Mùa xuân tuyết trắng trời, trắng đất
Người, xe gì thảy đều tất bật
Ngọn gió cuốn hồn anh bay mau
Mặt mũi se khô tái một màu
Trước mặt nhà cây phong trụi lá
Trần truồng khô như cây mai giả
… Không  khí tết không mùi để ngửi
Không thiêng liêng cho lòng lạnh sưởi
Ngó ngoái lại thương quá vợ con
Miệng tươi cười mà dạ héo hon- Phan Ni Tấn

" Tết ở phương người " thì thôi cũng đành!  Sống trong những xã hội kỹ nghệ hóa, cơ khí hóa, tự động hóa, tốc độ hóa  v.và hóa này thì:"Nỗi nhớ quê nhà  cũng như tình yêu, mới hôm qua mà đã nghìn năm trước, mới một chút mơ ước mà đã nghìn năm sau " ( Trần Kiêm Đoàn). "Xuân Đất Khách"thì chúng ta chỉ đành ngậm ngùi như  thi sỹ  Trần Trung Đạo:

Tôi, con én lạc mùa xuân trước
Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương
Vẫn đếm xuân về trên đất khách
Nghe buồn nhỏ giọt xuống vai tôi
Thèm nghe ai nói lời tha thiết
MỘT LỜI CHÚC TỤNG BƯỚC SANG NĂM  

XUÂN PHƯƠNG