(Tiếp theo kỳ trước)
Trần Việt Bắc
“Sứ quân” Nguyễn Tự
Như đã được trình bày trong
phần trước, Nguyễn Tự vốn là một bộ tướng của Tô Trung Từ, vì có
hiềm khích giữa ông này với con rể của Tô Trung Từ là Nguyễn Đà
La, Nguyễn Tự muốn giết La rồi làm phản, Trung Từ được Nguyễn Giai
là tướng dưới quyền của Nguyễn Tự báo cho biết sự việc, Nguyễn
Tự sợ bị hại nên bỏ trốn sang Quốc Oai (1),
rồi gặp cơ hội và trở thành “đầu sỏ” ở vùng này.
Nguyễn Tự thành một
“sứ quân” cũng chỉ được một thời gian ngắn là 8 tháng (Từ tháng
6 năm năm Tân Mùi (2)1211,
, đến tháng 2 năm Nhâm Thân,1212), ĐVSL viết: “Lúc bấy giờ
Nguyễn Tự nghe Tô Trung Từ đã chết bèn trở về kinh sư, ban đêm
dẫn đồng đảng ra đánh cắp hoá vật ở trong phủ của nhà vua. Vua
giận hạ chiếu bắt Nguyện Tự rất gắt gao. Nguyễn Tự chạy trốn
sang vùng Sơn Lão thuộc Khô Sách. Trong vài tháng thì áo cơm đều
cùng quẫn thiếu thốn cả mới toan về với Trần Tự Khánh. Lúc đi vào
trong ấp Than, các bậc phụ lão ngăn cản giữa đường, xin lưu lại
mà thưa rằng “Đất này khốn khổ với người Sơn Lão đã lâu rồi. Xin
Minh Công, nếu có thể lưu lại trong ít lâu thì một giải ấp này
mà sống được không phải là ít. Nguyễn Tự mới quyết định ở lại.
Rồi thì mở cuộc hội họp lớn, người trong ấp giết trâu, uống máu
mà thề ước với nhau. Nguyễn Tự đem những mối lợi hại ra phủ dụ,
dân chúng trong ấp đều nghe theo rồi “vâng, dạ” hết cả. Nguyễn
Tự thấy được lòng dân chúng, mói bèn dẫn binh đi đánh phá Sơn Lão,
chém đầu giặc rồi trở về. Lại sai làm hơn vài chục hình người bằng
cỏ, mỗi hình người có cầm đuốc, ban đêm đặt trong làng Sơn Lão.
Sai người theo giữ mà răn bảo rằng : Hễ các anh thấy ở nhà Sơn
Lão cháy rực lên thì phải cấp tốc đốt đuốc rồi kêu la huyên náo
lên nhé!”. Nửa đêm sai Nguyễn Cuộc đốt nhà bọn Sơn Lão. Người giữ
(những hình nộm-ND) thấy lửa phát cháy cũng đốt đuốc mà la réo
lên. Bọn Sơn Lão kinh sợ vùng dậy một cách gấp gáp và sắp muốn
cự chiến, nhưng lại nghi ngờ là trước sau đều có binh lính đông
mà không ra đánh. Rồi cả bọn đều hướng về cái làng ở phía trước
mà bắn, nhưng lại sợ Nguyễn Tự dẫn binh đến nên xin đầu hàng. Từ
đó một giải quận huyện đều về tay Nguyễn Tự”.
Theo như những
diễn tả khá chi tiết trong ĐVSL, Nguyễn Tự cũng là một nhân vật
có bản lãnh, đã dám chống lại chủ tướng (Trung Từ, người đang khuynh
loát triều đình ) cùng người con rể của ông này . Từ lúc “áo
cơm đều cùng quẫn thiếu thốn” (ĐVSL), ông ta đã tạo được cơ
hội riêng và thế đứng riêng cho mình (dẹp giặc Sơn Lão), liên minh
với Trần Tự Khánh để chia vùng “tự trị”. Lúc này Trần Tự Khánh
đã là một “sứ quân” hùng mạnh. ĐVSL viết: “Quan Minh Tự ở
Thuận Lưu là Trần Tự Khánh cùng với Nguyễn Tự họp nhau ở bến
Triều Đông thề là đến chết vẫn kết giao với nhau mà hết lòng giúp
nước, cùng chung dẹp yên cho dân cái họa nhiễu loạn. Rồi chia theo
hai bờ con sông lớn, mỗi người tự quản lãnh một bên. Từ Thượng
Khối đến Na Ngạn (3), con đường ven theo Bắc Giang và làng ấp
ở Lục Lộ thì thuộc về Trần Tự Khánh, Từ Kinh Ngạn đến Ô Diên thì
thuộc về Nguyễn Tự”.
Vùng đất mà Nguyễn Tự chiếm đóng ở phía
tây của kinh thành Thăng Long, có lẽ gồm những huyện Đan Phượng,
Hoài Đức, Thanh Oai, Thạch Thất thuộc phía bắc tỉnh Hà Tây ngày
nay. Tuy nhiên số phần của ông này ngắn ngủi: “Tháng 2, Nguyễn
Tự đánh người Cát Lợi là Ngô Thưởng Vu và Võ Cao, bị tên bắn
trúng bèn trở về ngõ Tây Dương (4). Hơn một tuần thì
vì lầm lỡ ăn nằm cùng với đàn bà nên khí độc lại phát lên mà
chết” (NV:
?!). Sau khi Nguyễn Tự chết, “Nhà vua sai người đến vỗ về dân
chúng ở đấy. Nhưng người vua sai ấy bị tên phó tướng ở đấy là Nguyễn
Cuộc giết. Nhà vua giận lắm, mới tự làm tướng dẫn quân đi đánh
Nguyễn Cuộc ở ngoài thành Tây Dương. Lúc tiến đến ngõ Phổ Hỷ, quan
quân nhà vua thua to. Cây bảo kiếm nhà vua dùng cũng mất. Vua phải
ra roi giục ngựa mà chạy về đến ngõ Diêu Tắc mới thoát được” (ĐVSL).
Lúc này thì triều đình nhà Lý đã xuống dốc đến độ thê thảm. Sứ
giả được nhà vua cử đi để vỗ về dân chúng thì bị giết, rồi chỉ
vì một tên phó tướng của một đám loạn quân dám giết sứ giả, nhà
vua vì nóng giận mà phải thân chinh để dẹp giặc đến độ gần bị
mất mạng, nhà Lý đã hết người! Thế là vùng đất này lọt vào tay
Nguyễn Cuộc. Người viết không thấy sử liệu nào nói về viên tướng
này, có lẽ vì sự kết giao của Nguyễn Tự và Trần Tự Khánh nên
vùng này chưa bị Tự Khánh “để ý” tới chăng? Lúc này Trần Tự Khánh
đã chiếm cứ quá nửa vùng châu thổ sông Hồng. Tuy nhiên hai năm
sau, năm 1213 , tức là năm Kiến Dậu (năm Kiến Gia thứ 3), “Trần
Tự Khánh đánh châu Quốc Oai, châu này phải hàng”
(ĐVSL). Vậy là vùng đất thuộc Nguyễn Cuộc lại bị đặt dưới sự
quản trị của Trần Tự Khánh.
“Sứ quân” Trần Tự Khánh.
Trong các “sứ quân” cuối thời Lý thì Trần Tự Khánh có lợi thế và
hùng mạnh hơn cả. Sau khi Trần Lý chết, toàn bộ binh lực của ông
này trao cho người con thứ hai là Trần Tự Khánh, em của Trần
Thừa, anh của Trần Thị Dung ( là Nguyên phi của vua Lý Huệ Tông).
Trần Tự Khánh là người có nhiều tham vọng. Ông này đã có lần
kéo quân về kinh thành, cướp bóc tài sản của hoàng cung, nhưng
lần này đã bị dân chúng kinh thành đánh đuổi. Lần thứ hai lại
kéo quân về kinh sư với lý do là viếng tang vua Cao Tông để mưu
đồ riêng tư, tuy nhiên bị cậu ruột là Tô Trung Từ nghi ngờ, Trần
Tự Khánh bèn kéo binh về lại Thuận Lưu và im lặng đợi thời cơ.Tô
Trung Từ chết, cục diện tại kinh thành bắt đầu thay đổi.
Người
con rể của Tô Trung Từ là Nguyễn Ma La (cũng gọi là Nguyễn Đà La),
có lẽ cũng muốn ngồi vào vị trí của ông bố vợ, nhưng thấy mình
khó mà làm chủ được toàn bộ binh lực của họ Tô (vốn đã có sự chia
rẽ giữa các bộ tướng của Tô Trung Từ), hơn nữa ông này cũng thấy
là họ Đoàn ở vùng Hồng đâu có bỏ qua cơ hội để mang quân về kinh
thành. Nếu Đoàn Thượng dẫn quân về kinh thành thì Nguyễn Ma La
sẽ bị nguy khốn. Ông này bèn: “sang nói với Thái Tổ (5) ta
(Trần Thừa) xin tiến binh dẹp yên ấp Khoái. Nguyễn Ma La cùng
với vợ của y là Tô thị lên thuyền sang đạo Thuận Lưu để gặp tướng
của Tô Trung Từ là Nguyễn Trinh thì bị Nguyễn Trinh giết rồi
cướp lấy Tô thị đem về. Tô Thị sai người tố cáo với Thái Tổ. Thái
Tổ giận Trinh phi nghĩa bèn âm mưu giết Trinh….Thái Tổ đóng ở Hải
Ấp sai người đi triệu Nguyễn Trinh, Nguyễn Trinh không đến. Thái
Tổ bèn sai Tô thị dụ Trinh để giết đi” (ĐVSL). Trong khi
Trần Thừa bận đối phó với Nguyễn Trinh, Trần Tự Khánh không để
lỡ “dịp may” và lập tức kéo quân về kinh sư (?). Mặc dù ĐVSL
đã không nói rõ ràng, nhưng đã viết: “Trần Tự Khánh
an táng Tô Trung Từ ở làng Hoạch… . Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi
nói vu Trần Tự Khánh với vua rằng: “ Trần Tự Khánh đem binh về
kinh sư là muốn mưu đồ việc phế lập”. Vậy là “sứ quân” nào
cũng muốn mang quân về kinh sư, tìm cách khống chế và lợi dụng
triều đình để có được chữ “chính nghĩa”. Trần Tự Khánh thì lấy
lý do là lo an táng cậu của mình. Họ Đoàn ở vùng Hồng vì chưa
kịp mang quân về, bèn dùng kế “vu oan giá họa (6)”
để tìm cơ hội. Mà quả thật như vậy : “ Nhà vua giận. Mùa thu,
tháng 7, vua hạ chiếu cho các đạo binh đánh Trần Tự Khánh, và
giáng Nguyên phi Trần thị xuống làm Ngự nữ. Người vùng Hồng là
Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi đem binh về kinh sư. Nhà vua hạ chiếu
tấn phong tước hầu cho Đoàn Thượng ”. (ĐVSL).
Người viết không
biết là Trần Tự Khánh có kéo binh được tới kinh đô hay không? Hoặc
nếu tới được kinh đô thì ông này đóng quân tại đây được bao lâu?
Hay là trên đường kéo quân tới kinh đô đã bị ngăn chận, vì nhà
vua hạ chiếu cho các đạo binh chận đánh . Tuy nhiên Trần Tự Khánh
cũng đã lấy được xác Tô Trung Tự về để chôn cất (7).
Để
mở rộng ảnh hưởng, “Trần Tự Khánh đem binh
đánh người ở vùng Ma La là Đinh Cảm, nhưng thua rồi rút quân
về”
(ĐVSL). Dù bị thua nhưng không từ bỏ ý định, hai tháng sau: “Mùa
đông, tháng 10, Trần Tự Khánh lại đánh lấy ấp ấy. Đầu tiên đánh
núi Đội (8),
giết và bắt được rất nhiều người. Đinh Cảm phải chạy sang Sơn
Lão”
(ĐVSL). Người vùng Hồng đánh Nam Sách. “Dân Nam Sách sai người
đi cầu cứu Trần Tự Khánh. Trần Tự Khánh sai tướng là Đinh Khôi
đánh vùng Hồng. Quân vùng Hồng thua chạy. Trần Tự Khánh lại đi
kinh lược Lạng châu đến núi Tam Trĩ. Lúc bấy giờ hết cả đất đai
ở đấy Trần Tự Khánh lấy được hết cả ” (ĐVSL).
Trần Tự Khánh liên minh với “sứ quân” Nguyễn Tự. “Hẹn nhau
đến tháng 3 (năm
sau , 1212)
họp binh đánh người vùng Hồng”( ĐVSL).
“Tháng chạp, Trần
Tự Khánh rầm rộ kéo binh đến đóng ở Tế Giang. Thái hậu nghe quân
đến, ngờ Trần Tự Khánh có ý mưu việc phế lập”
(ĐVSL). Tuy nhiên ông này cũng đã được nhà vua phong là Chương
Thành hầu, có lẽ vì nhà vua bị Tự Khánh ép buộc, vì vua Huệ Tông
đã phong tước hầu cho địch thủ của Tự Khánh là Đoàn Thượng, thế
nên ông này muốn có danh chính ngôn thuận để cùng với Nguyễn
Tự đánh người ở vùng Hồng chăng?
Trần Tự Khánh vùng vẫy dọc ngang tại châu thổ sông Hồng trong suốt
14 năm, từ lúc mới nổi lên làm giặc, đánh phá cướp bóc kinh thành
cho tới lúc làm tới chức Phụ quốc Thái Úy thì qua đời (1223) (9),
và được “truy phong làm Kiến Quốc Đại Vương” (ĐVSKTT).
Nói về Trần Tự Khánh, sử gia Ngô Sĩ Liên viết về ông này như sau
:
ĐVSKTT, tập 1, trang 338: “Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Năm đầu
niên hiệu Kiến Gia, giặc cướp đua nhau nổi dậy, Huệ Tông nhu nhược
không đánh dẹp được. Trần Tự Khánh vì cớ Huệ hậu bị thái hậu làm
khổ mà đem quân phạm cửa khuyết xin đón xa giá. Đương lúc bấy giờ,
lòng người không thể không ngờ vực, cho nên Huệ [31b] Tông có lệnh
bắt Tự Khánh mà không bắt được. Tự Khánh muốn làm cho kỳ được mới
nhiều lần làm kinh động đến vua, xa giá phải dời chổ mấy lần,
tội rõ ràng rồi. Nhưng mà Huệ Tông và Huệ hậu rốt cuộc phải nhờ
Tự Khánh mới được yên, thì tội ấy không kể đến. Thế là việc tuy
là trái nhưng tình thì thuận, sử chép không nêu lên nhưng thực
cũng có nêu đấy. Nếu không thế thì chỉ là kẻ đầu sỏ giặc cướp mà
thôi.”
Ông Ngô Sĩ Liên cho là Trần Tự Khánh đã có công về việc giúp vua
Huệ Tông nhà Lý, nên đã xoá được cái tội làm kinh động đến nhà
vua nhiều lần. Đấy là quan niệm của một Nho gia, nhưng người viết
thì nghĩ hơi khác. Với thiển ý cá nhân, ông này đã từng là kẻ làm
giặc. Để đạt mộng bá vương, ông ta đã gây nên biết bao chinh chiến
điêu linh cho đất nước, sinh mạng những người dân vô tội bị ảnh
hưởng nặng nề. Những hành động của Trần Tự Khánh đối dân chúng
cũng như tài sản quốc gia:
Lần thứ nhất, năm 1209, Trần Tự Khánh
đã kéo quân về kinh thành đốt phá và cướp bóc (đã trình bày ở phần
trên).
Lần thứ hai, tháng 9, năm 1214, “Trần Tự Khánh thả quân
sĩ đi cướp lấy các tài vật trong phủ của nhà vua. Rồi lại đốt phá
gần hết cung thất và nhà dân ở trong kinh thành” (ĐVSL).
Lần
thứ 3, tháng tư năm 1215, “Ngày nọ Trần Tự Khánh phát binh
đi cướp vàng bạc và tài vật ở trong phủ đường của các quan. Nhân
đó mới đón Nguyễn (NV:
Lý) Vương đi đến hành cung Lị Nhân. Rồi sai Lại Linh đốt cung
thất ở kinh đô, gồm có 19 sở” (ĐVSL)
Lần thứ 4, Năm 1215,
“Tháng 3, Trần Tự Khánh đánh làng Khoái và san bằng
làng này” (ĐVSL).
Lần thứ 5, năm 1217, “Thái úy Trần Tự Khánh dẫn binh đánh
Chân Na thuộc Phong Châu. Xứ ấy đều bị đánh tan hoang cả” (ĐVSL).
Chỉ có một lần người dân không bị càn quét được nhắc tới là: “Thái
Uý lại dẫn quân đánh Hiển Tín Vương Nguyễn Bát (10) và
hương ấp ấy được bình yên”.
Những hành động của Trần Tự Khánh
nêu trên bị coi như là những hành động của một tướng cướp. Tháng
5 năm 1216 (Bính Tý), “Ngày Giáp Thìn, nhà vua cùng
với phu nhân là Trần thị, ban đêm sang trại quân Thuận Lưu để
theo về với Trần Khánh….. Trần Tự Khánh thấy nhà vua thì mừng
rỡ lắm. Các tướng sĩ đều đánh trống nhảy múa hoan hô nhà vua. Từ
đó nhà vua cùng với Trần Tự Khánh có ý quyết đánh Vương tước ở
Bắc Giang là Nguyễn Nộn, Hiển Tín Vương là Nguyễn (Lý) Bát cùng
người ở vùng Hống là Đoàn văn Lôi, và người Qui Hoá lá Hà Cao v.v…”(ĐVSL).
Lúc này, Trần Tự Khánh có nhà vua bên cạnh nên có vẻ “đàng hoàng”
hơn, bởi thế; người viết tự hỏi: vì Trần Tự Khánh cảm thấy có
được “chính nghĩa” , nên ông này đành bớt những hành động giặc
cướp của mình, hay là Trần Tự Khánh thấy mình sắp làm vua đến
nơi (?), nên phải có những hành động xứng đáng của một bậc đế
vương trong tương lai! Xin để độc giả nhận xét.
Trần Tự Khánh có
mưu đồ vương bá hay không? ĐVSL viết: “ Năm Mậu Dần
(1218)….Ngày đó Thái Úy (Trần Tự Khánh-ND) dẫn binh đến trạm
Nỗ (Nõ) ngồi nghỉ. Thái úy giỡn chơi, chỉ cái cành nhỏ trên cây
mà bảo kẻ tả hữu rằng: “Như ta làm vua, bọn các ông xem ta bắn
cái cành cây nhỏ kia một phát thì trúng”. Thấy vậy quân tướng
đều vừa sợ vừa phục. Nhưng một lát sau cái trạm ấy sụp đổ, đè
lên người Thái úy. Quân sĩ sợ lắm, vội lo tìm bới mãi mới thấy
Thái úy. Vậy mà Thái Úy vẫn không hề gì”.
Dù ĐVSL viết là
“Thái úy giỡn chơi”, nhưng ý của ông này
cũng đã khá rõ rệt. Nếu triều Lý còn đang thịnh, một viên tướng
cầm quân mà nói “giỡn chơi” thế này thì cái hoạ diệt tộc không
xa, may cho Trần Tự Khánh, nhà Lý đã suy vong cực độ; nên ông này
mới không biết sợ và dám nói như trên. Tuy nhiên Trần Tự Khánh
chắc là cũng bị một phen sợ bở vía, vì vừa thốt ra câu nói “giỡn
chơi” thì Thái úy bị cái nhà trạm sụp đè gần chết ! Có lẽ vì cái
điềm này mà Trần Tự Khánh sợ chăng! Năm năm sau binh lực của Trần
Tự Khánh ngày càng mạnh, quyền lực càng cao, chức vụ đã lên đến
tuyệt đỉnh -chức Phụ quốc Thái úy- nhưng cho tới khi chết (1223),
người viết chưa tìm thấy sử liệu nào nói là Trần Tự Khánh đã có
ý định tiếm ngôi nhà Lý.
Theo thiển ý của người viết thì Trần Tự
Khánh cũng có những điểm hay, như sự tổ chức quân đội, đặc biệt
là thủy quân. Tổ tiên của ông này đã mấy đời làm nghề chài lưới
và đã trở nên giầu có vì nghề này. Một đội ngư thuyền để xử dụng
cho việc đánh cá là điều ắt phải có. Nhiều kinh nghiệm về thuyền
bè là chuyện tất nhiên. Khi đất nước nhiễu loạn, để tự bảo vệ mình,
đoàn ngư thuyền này được cải tiến thành một đội thủy quân với những
thủy binh điêu luyện là chuyện không đến nỗi khó khăn. Trần Tự
Khánh đã làm điều này, và đã chiếm ưu thế trong những cuộc chiến
thời loạn lạc. Căn cứ của họ Trần ở huyện Mỹ Lộc phủ Thiên Trường,
nằm ngay trên bờ nam sông Hồng, nên việc tiến lui đều nhanh chóng
và hiệu quả. Trần Tự Khánh đã nhiều lần đưa thủy quân về uy hiếp
kinh thành. Từ những ưu thế về thủy quân, nhà Trần đã dựng được
một đội thủy quân kiêu hùng vào bậc nhất vùng Đông Nam Á, để sau
này đã ba lần đánh bại được đội quân Nguyên Mông hùng mạnh, thủy
quân Đại Việt đã góp công rất lớn, đặc biệt là trận Vân Đồn và
trận sông Bạch Đằng . Việc làm này của Trần Tự Khánh đối với quốc
gia; dù gián tiếp cũng nên được nhắc đến.
Một điểm nữa là sau khi
vua Huệ Tông về với Trần Tự Khánh, thì ông này đã liên tục ra công
giúp nhà Lý đánh dẹp các “sứ quân” khác, để cho đất nước bớt cảnh
chia năm xẻ bẩy. Những năm cuối đời của Trần Tự Khánh cho tới đầu
đời Trần, đất nước đã bớt cảnh ly loạn ly. Chỉ còn lại hai “sứ
quân” là Nguyễn Nộn hùng cứ ở Bắc Giang và Đoàn Thượng ở vùng
Hồng là chưa dẹp xong.
Những việc Trần Tự Khánh đã làm, xin để
cho lịch sử phán xét, người viết chỉ mạo muội trình bày cũng như
sắp xếp lại những dòng sử liệu trong thời điểm này, đồng thời cũng
xin góp thêm vài thiển ý cá nhân để mong rằng sự việc sẽ sáng tỏ
thêm được phần nào.
“Sứ quân” Đoàn Thượng
Đoàn Thượng được kể là
một sứ quân có nhiều bản lãnh ở vùng Hồng. Ông này và Đoàn Văn
Lôi là những địch thủ đáng gờm của anh em họ Trần cũng như Nguyễn
Nộn.
Vùng Hồng theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí (ĐNNTC) của Quốc
Sử Quán Triều Nguyễn (QSQTN), tập 3, nói về tỉnh Hải Dương, trang
376 và trang 378, phủ Bình Giang và Ninh Giang : “Xưa gọi là
Hồng châu cuối đời Trần chia làm châu Thượng Hồng và châu Hạ
Hồng…”.
Vậy vùng Hồng gồm các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện,
Gia Lộc, Ninh Giang và Tứ Kỳ ở phía nam tỉnh Hải Dương ngày nay.
Nói
về Đoàn Thượng, ĐVSKTT viết: “[28b]
Nhâm Thân, [Kiến Gia] năm thứ 2 [1212] , (Tống
Gia Định năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 2, sai người cùng một vú
nuôi (NV:?) là
Đoàn Thượng chiêu mộ dân châu Hồng đi bắt giặc cướp. Bấy giờ
thế nước suy yếu, triều đình không có chính sách hay, đói kém
luôn luôn, nhân dân cùng khốn, [Đoàn] Thượng thừa thế tự tiện
làm oai làm phúc, không ai dám nói gì. Sau tội trạng tỏ rõ, bị
các quan hặc, phải giam vào ngục để hỏi tội. Thượng mới rút gươm,
cởi trần chạy về châu Hồng, nhóm họp bè đảng, đắp thành xưng
vương, cướp bóc lương dân, triều đình không thể ngăn được”.
Tương
tự như ĐVSKTT, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KDVSTGCM)
của QSQTN với: “Lời chua: Đoàn Thượng người làng Thung Độ,
huyện Gia Lộc”, tỉnh Hải Dương (vùng Hồng). Năm 1212,
“Đoàn Thượng chiếm cứ huyện Đường Hào (11) thuộc
Hồng Châu, đắp lũy ở xã Yên Nhân, biên tên những quân dân ở các
làng ấp bên cạnh sung vào việc phòng thủ”. (KĐVSTGCM).
Có
sự khác biệt giữa các sử liệu về thời gian Đoàn Thượng nổi lên.
ĐVSL viết: “Năm Tân Tỵ (năm 1211-ND)
là năm Kiến Gia thứ nhất: ….Tháng 6, …Người trong vùng Hồng đánh
ải Quảng Điểm…. Mùa thu, Tháng 7…. Người ở vùng Hồng là Đoàn
Thượng và Đoàn Văn Lôi đem binh về kinh sư”. Vậy năm 1212,
Đoàn Thượng đã là thủ lãnh vùng Hồng từ lâu. ĐVSL ghi lại nhiều
chi tiết về những sự việc trong thời gian này, nên người viết xin
dùng ĐVSL như là tài liệu chính cho bài viết.
ĐVSL viết: “Năm
Đinh Mão (năm 1207-ND) là năm Trị Bình Long Ứng thứ 3:…Mùa thu
tháng 3 Đoàn Thượng và Đoàn Chủ làm phản. Nhà vua sai đem đại binh
đi đánh. Đàm Dĩ Mông xuất phát đạo Đại Thông,. Bảo Trinh hầu xuất
phát đạo Nam Sách. Quan Thượng phẩm Phụng Ngự là Phạm Bỉnh Di xuất
phát đạo Khả Liễu. Quan Chi hậu Hoả đầu là Trần Hinh xuất phát
đạo Phù Đái. Các đạo sắp sửa muốn họp nhau để đánh. Đoàn Thượng
đương khi ấy ngầm sai người đút lót quan Thượng phẩm Phụng ngự
là Phạm Du xin hãy rút quân về. Phạm Du hết sức xin vua và được
vua sai sứ triệu bọn Đàm Dĩ Mông rút quân về, Đoàn Thượng mới thoát
khỏi trận ấy””. Rồi tới “Năm Trị
Bình Long Ứng thứ 5 (năm Kỷ Tỵ-1209-ND)…Tháng 3….
Ngày Đinh Tỵ, Phạm Bỉnh Di lại đánh người ở vùng Hồng là Đoàn
Thượng và Đoàn Chủ tại Vệ Kiều. Người vùng Hồng thua tan, Đoàn
Chủ bị hãm ở chỗ bùn lầy và bị Hà Văn Lôi đâm chết” .
Vậy nếu theo ĐVSL thì Đoàn Thượng đã “làm phản” và hùng cứ
ở vùng Hồng từ thời vua Lý Cao Tông. Với những chi tiết từ
sự việc tới nhân vật nêu trên thì sử liệu trong ĐVSL đáng tin
hơn, vì ĐVSKTT cũng như KĐVSTGCM viết là năm “Kỷ Tỵ, [Trị
Bình Long Ứng] năm thứ 5 [1209]….”,
để nói về cái chết của Phạm Bỉnh Di và lúc có loạn Quách Bốc, ĐVSL
cũng viết là Phạm Du chết năm 1209 (xin coi phần trên).
Theo như
ĐVSKTT, thì không thấy bộ sử này viết rõ là Đoàn Thượng “làm
oai làm phúc” và “cướp bóc lương dân” như
thế nào, tuy nhiên ông này cũng đã được vua Huệ Tông phong tước
hầu rồi tước vương và có một bộ tướng là Đoàn Văn Lôi đã được ĐVSL
viết như sau: “Năm Đinh Sửu (năm 1217-ND)…. Quan Thái Uý (Trần
Tự Khánh-ND) đem người em gái của y là Trần Tam Nương gả cho
Hầu tước ở vùng Hồng là Đoàn Văn Lôi. Đoàn Văn Lôi là
người dũng cảm có trí lực, có tài năng và được lòng dân chúng,
cho nên người vùng Hồng, đa số theo về với ông”. Năm 1217,
Đoàn Thượng còn được phong tới tước Vương, ĐVSL viết: “(tháng
5) người vùng Hồng là Đoàn Thượng đem quân chúng ra hàng. Đoàn
Thượng được phong tước vương” (12).
“Sứ quân” vùng Hồng xưng hùng tại chính quê quán của mình (huyện
Gia Lộc) nên dễ được dân chúng theo giúp, chắc hẳn ông ta cũng
đã có những hành động được lòng dân, vì bộ tướng như thế thì chủ
tướng cũng không đến nỗi tệ, nếu không muốn nói là phải tốt hơn.
Thế nên Đoàn Thượng tung hoành được 21 năm (từ 1211 tới 1228) ở
vùng này. Tới khi nhà Trần làm vua (Trần Cảnh lên ngôi tháng 12,
năm 1225), Đoàn Thượng vẫn còn làm bá chủ vùng Hồng. Trần Thủ Độ
cũng đã từng mang quân đánh Đoàn Thượng nhưng không thắng, đành
phải hứa hẹn phong tước cho ông này.
ĐVSKTT: “Thủ Độ cũng hẹn
phong tước cho Đoàn Thượng, định ngày hội họp, làm lễ minh thệ,
nhưng Đoàn Thượng không đến họp”. Tới năm 1228 thì Đoàn
Thượng bị Nguyễn Nộn đánh bại và bị giết. Không thấy sử liệu
nào nói về viên bộ tướng Đoàn Văn Lôi sau khi vùng Hồng thất
thủ. Khá nhiều nhiều binh biến đã xảy ra giữa Đoàn Thượng và
Trần Tự Khánh cũng như Nguyễn Nộn, người viết xin phép sẽ trình
bày sau.
“Sứ quân” Nguyễn Nộn
Nguyễn Nộn hùng cứ ở Bắc
Giang, xưng là Đại Thắng Vương, ông này là một “kỳ phùng địch thủ”
của họ Trần và Đoàn Thượng . Họ Trần dù đã lên ngôi làm chủ Đại
Việt nhưng vẫn không thể nào dẹp được ông này, đến độ phải phong
vương và gả công chúa cho ông ta. Để tìm hiểu về “sứ quân” Nguyễn
Nộn, trước hết xin phép lạm bàn về căn cứ địa của ông này: Bắc
Giang.
Bắc Giang, theo như ĐNNTC, tập 4, tỉnh Bắc Ninh, trang
54 : “Nước
ta thời Tiền Lê là Bắc Giang; đời Lý là quận Gia Lâm; đời Trần
là lộ Bắc Giang, lại gọi là lộ Kinh Bắc”. Lộ Bắc Giang tới
“năm Quang Thuận (13) thứ
7, đặt Bắc Giang thừa tuyên; năm thứ 10 định bản đồ cả nước đổi
gọi là Kinh Bắc, lãnh 4 phủ 20 huyện….Năm Hồng Đức thứ 21 gọi
là xứ Kinh Bắc, sau gọi là Trấn” (ĐNNTG). Vậy Bắc Giang
có thể coi như là tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Theo ĐVSL, năm 1209-
Bắc Giang đang là đất của Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải, khi viết
về cái chết của Phạm Du : “(Phạm Du) bị người
ở Bắc Giang là Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải bắt đưa cho Vương Tử
Sam giết đi” (1209). Vậy Nguyễn Nộn thành “sứ quân” ở Bắc
Giang từ khi nào?
ĐVSL viết: “ Năm Quí Dậu (năm 1213-ND)
là năm Kiến Gia thứ 3….Trần Tự Khánh sai người sang Bắc Giang
mời viên tướng của y là Nguyễn Nộn về. Nguyễn Nộn về đến nơi, Trần
Tự Khánh dùng dây thép trói lại năm vòng”. Theo như đoạn
văn này thì năm 1213, Nguyễn Nộn đã là bộ tướng của Trần Tự
Khánh. Rồi khi nói về cái chết của Nguyễn Nộn, ĐVSL viết: “Năm Kỷ
Mão (năm 1219-ND) là năm Kiến Gia thứ 9….Tháng 6,…Lúc
trước Thái Úy ( NV: Trần Tự Khánh) sai bọn Vương Lê
đem binh về Nam Sách để cùng họp nhau mà mưu đánh Nguyễn
Nộn…Mùa Đông, tháng chạp Nguyễn Nộn bệnh nặng. Quân của Thái
Uý ở bến Triều Đông mà Nộn đã chết rồi. Ngày Canh Ngọ, tướng
của Nộn là Phí Thám đưa Thái hậu và các người con của vua là
bọn Công chúa ra hàng nơi Thái Uý”. Vậy theo ĐVSL thì
Nguyễn Nộn chết năm 1219.
ĐVSKTT viết: “Mậu
Dần, [Kiến Gia] năm thứ 8 [1218]
, (Tống Gia Định năm thứ 11). …Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu
bằt cư sĩ ở chùa Phù Đổng (14) là
Nguyễn Nộn, vì bắt được vàng ngọc mà không đem dâng”.
Rồi ĐVSKTT viết về cái chết của Nguyễn Nộnnhư sau: “Kỷ Sửu,[
Kiến Trung] năm thứ 5[1229] , (Tống Thiệu Định năm thứ 2, Nguyên
Thái Tông Oa Khoát Đài năm thứ 1….Sau khi kiêm tính quân của Thương,
Nộn tự xưng là Đại Thắng Vương, chè chén chơi bời bừa bãi. Nhưng
Nộn cũng biết là thế không thể cùng đối lập với nhàTrần, định đến
tháng 10 sẽ vào chầu, song còn do dự chưa quyết.
Đến khi ốm nặng, vua sai nội nhân tớihỏi thăm, Nộn cố gượng
ăn cơm, phi ngựa để tỏ ra còn khoẻ mạnh, không bao lâu thì chết.
Người dưới quyền là Phan Ma Lôi Ngầm phóng ngựa chạy trốn, không
biết là đi đâu. Ma Lôi là người Chiêm Thành, buôn bán ở Ai Lao,
được Nộn nhận làm nô, có tài chủ động đánh thắng, dùng binh như
thần. Sau khi Nộn chết, thiên hạ lại quy về một mối”. Vậy
theo ĐVSKTT thì Nguyễn Nộn chết năm 1229.
KĐVSTGCM
viết : “Canh Thìn, năm thứ 10 (1220).
(Tống, năm Gia Định thứ 13). Tháng 3, mùa xuân. Nguyễn Nộn giữ
làng Phù Đổng540 , tự xưng là Hoài Đạo vương. Nộn là cư sĩ chùa
Phù Đổng, vì bắt được vàng và ngọc, không đem dâng triều đình,
nên nhà vua hạ chiếu cho bắt. Tự Khánh xin cho Nguyễn Nộn tòng
quân đánh giặc để chuộc tội; nhà vua ưng thuận, sai Nguyễn Nộn
đem quân đi đánh Mán Quảng Oai. Đến đây, Nguyễn Nộn tự xương
vương, dâng biểu xưng thần, xin đi dẹp giặc để chuộc tội; nhà vua
sai người đem sắc đến dụ bảo Nộn.
Lời chua - Phù Đổng: Tên làng. Nay là xã Phù Đổng, huyện Tiên Du .
Nguyễn Nộn: Người làng Phù Minh, huyện Tiên Du” .
Rồi cũng
tương tự như ĐVSKTT, KĐVSTGCM viết: “Kỷ Sửu, năm thứ
5 (1229). (Tống, năm Thiệu Định thứ 2). Nguyễn Nộn
chết”. Vậy
theo K ĐVSTGCM thì Nguyễn Nộn chết năm 1229.
Thật
là nan giải, ba nguồn sử liệu nói về Nguyễn Nộn khác nhau, từ khi
trở thành một “sứ quân” cho tới lúc chết. Để tìm hiểu sự việc,
với sử liệu giới hạn hiện có, người viết thấy chỉ có thể dùng sự
suy đoán để phân tích, may ra có thể tìm được một chút manh mối
nào hay chăng!
ĐVSL viết khá chi tiết về việc Nguyễn Nộn
trở thành “sứ quân”, cũng như việc binh biến với các “sứ quân”
khác. Tuy nhiên sau khi viết là Nguyễn Nộn chết năm 1219, thì sự
việc chấm dứt ở đây. Như đã trình bày ở trên, vùng Bắc Giang, năm
1209 đang bị đặt dưới sự cai quản của Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải
(15). ĐVSL đã không nói vì lý do nào Nguyễn Nộn thành bộ tướng
của Trần Tự Khánh, cũng như việc ông này thành “lãnh chúa” ở Bắc
Giang thay Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải. Qua ba danh xưng: Nậu, Nải,
Nộn, rất có thể Nộn là em của hai ông Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải.
Những sự
việc liên quan đến Nguyễn Nộn theo ĐVSL từ năm 1213 tới năm 1219:
-1213, tháng giêng, Trần Tự Khánh sai người sang Bắc Giang “mời”
Nguyễn Nộn về kinh sư, Nguyễn Nộn bị Khánh giam giữ. Tháng 9, Trần
Tự Khánh gả con gái của bà dì (16) cho
Nguyễn Nộn.
-1214, tháng giêng, Nguyễn Nộn theo Trần Tự Khánh đánh
kinh sư. Quân triều đình thua. Sau đó Nguyễn Nộn được Trần Tự Khánh
cử đi giữ Bắc Giang. Tháng 3, Nguyễn Nộn bị người vùng Hồng là
Đoàn Nhuyễn đánh, Nguyễn Nộn đánh lui người vùng Hồng và giết Đoàn
Nhuyễn, nhưng cũng bị thương ở lưng. Tháng 4, Nguyễn Nộn phản Trần
Tự Khánh. Tháng 6, Trần Tự Khánh đánh Nguyễn Nộn. Nguyễn Nộn được
nhà vua phong tước hầu. Tháng 8, Nguyễn Nộn đánh Ô Kim hầu Nguyễn
(Lý) Bát.
Những sự việc viết về Nguyễn Nộn theo ĐVSL:
- 1215, tháng giêng,
hai tướng của Trần Tự Khánh là Nguyễn Đường và Nguyễn Giai thông
đồng với Nguyễn Nộn đánh Trần Tự Khánh, nhưng Đường và Giai lại
hàng Trần Tự Khánh. Tháng 2, Nguyễn Nộn được phong tước Vương.
Tháng 3, Nguyễn Nộn đánh thắng Nguyễn Đường và Nguyễn Giai.
- 1216,
tháng 5, vua Huệ Tông về với Trần Tự Khánh và sai Tự Khánh đánh
Nguyễn Nộn đồng thời hạ chiếu đày Nguyễn Nộn làm lính thường.
-
1217, Trần Tự Khánh đánh Nguyễn Nộn, tướng của Khánh là Phạm Ân
bị Nguyễn Nộn đánh bại, tuy nhiên sau đó, đối đầu với Khánh, Nộn
lại bị thua.
- 1218, đầu mùa hạ, Trần Thừa (em Trần Tự Khánh) lãnh
các đạo binh bao vây Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, Nguyễn Nộn thua, lui
về giữ Phù Ninh (17).
-1219,
mùa đông, tháng chạp, Nguyễn Nộn chết vì bệnh.
Tuy nhiên ĐVSKTT cũng như VSKĐTGCM lại cho hậu thế nhiều chi tiết
về ông này ở khoảng thời gian sau năm 1219.
Những đoạn viết về
Nguyễn Nộn và việc nhà Trần lên ngôi theo ĐVSKTT (Nv: KĐVSTGCM
viết giống như ĐVSKTT, chỉ khác về năm nhà vua Huệ Tông hạ chiếu
bắt Nguyễn Nộn như đã trình bày ở trên) :
- 1218, “mùa thu, tháng 8, xuống chiếu bằt cư sĩ ở chùa Phù
Đổng là Nguyễn Nộn, vì bắt được vàng ngọc mà không đem dâng”.
- 1219, “mùa xuân, tháng 2, Trần Tự Khánh tâu xin tha cho
Nguyễn Nộn, cho đi đánh giặc chuộc tội. Vua y cho. Mùa đông,
tháng 10, sai Nguyễn Nộn đem quân đi đánh người Man ở Quảng Oai”.
-
1220, “tháng 3, Nguyễn Nộn giữ hương Phù Đổng, tự xưng là
Hoài Đạo Vương, dâng biểu xưng thần, xin đi dẹp loạn để chuộc
tội. Vua sai người đem sắc thư thư đến tuyên dụ. Song vì vua
có bệnh phong, không thể chế ngự được”.
- 1223, “Tháng
12, thế quân của Nguyễn Nộn ngày càng mạnh”.
- 1224, “Mùa
đông, tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng
thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong
đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu
Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu Hoàng”.
-1225, “Tháng
12, ngày mồng một Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên
An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới
sân. Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng
đế. …. . Phong Trần Thủ Độ làm Quốc
thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước…. mời
thánh phụ Trần Thừa nhiếp chín”.
-1226, “Sai Trần Thủ Độ đem quân đi đánh Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng và các
man…. Lúc ấy, nhân thế suy yếu của triều Lý, giặc cướp tụ tập nhiều.
Người Man ở vùng núi Tản Viên, vùng núi Quảng Oai xâm phạm đánh lẫn nhau. Nguyễn
Nộn chiếm cứ Bắc Giang , Đoàn Thượng chiếm cứ Hồng Châu . Thủ Độ điều động
các quân đi đánh dẹp.
Bấy giờ Nộn và Thượng binh thế còn mạnh, chưa dễ hàng phục
được, mới phong cho Nộn làm Hoài Đạo Vương, chia cho các huyện
Bắc Giang Thượng, Bắc Giang Hạ, Đông Ngạn cũng hẹn phong làm
vương cho Thượng định ngày đến thề, nhưng Thượng không đến”.
-
1228, “Tháng 12, Nguyễn Nộn đánh giết Đoàn Thượng. Nộn đã
phá được Thượng, nhân gộp cả quân của Thượng, cướp bắt con trai,
con gái, tài sản, trâu ngựa đất Hồng Châu. Con của Thượng là
Văn đem gia thuộc đến hàng. Thanh thế của Nộn rất lừng lẫy. Thủ
Độ lo lắm, chia quân chống giữ và sai sứ đem thư đến chúc mừng,
gia phong Nộn làm Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương, đưa công chúa Ngoạn
Thiềm gả cho hắn để ngầm [5b] dò la tin tức. Nộn cũng chia nha
tướng riêng cho công chúa ở. Vì thế công chúa không thể báo được
tin gì”.
- 1229, mùa xuân, tháng 3, “Sau khi kiêm tính
quân của Thượng, Nộn tự xưng là Đại Thắng Vương, chè chén chơi
bời bừa bãi. Nhưng Nộn cũng biết là thế không thể cùng đối lập
với nhàTrần, định đến tháng 10 sẽ vào chầu, song còn do dự chưa
quyết. Đến khi ốm nặng, vua sai nội nhân tới hỏi thăm, Nộn cố
gượng ăn cơm, phi ngựa để tỏ ra còn khoẻ mạnh, không bao lâu
thì chết. Người dưới quyền là Phan Ma Lôi Ngầm phóng ngựa chạy
trốn, không biết là đi đâu. Ma Lôi là người Chiêm Thành, buôn
bán ở Ai Lao, được Nộn nhận làm nô, có tài chủ động đánh thắng,
dùng binh như thần. Sau khi Nộn chết, thiên hạ lại quy về một
mối”.
Qua những trình bày và trích dẫn ở trên, người viết có
nhận xét như sau: ĐVSL đưa ra những sử liệu rất có lớp lang và
liên tục, cùng những chi tiết về “sứ quân” Nguyễn Nộn từ năm 1213
tới 1219, đây là những sự kiện mà hậu thế chúng ta không thể chối
bỏ, ngoại trừ nghi vấn về năm Nguyễn Nộn qua đời (chết vì bệnh,
năm 1219) . ĐVSKTT và KĐVSTGCM cũng đưa ra những sử liệu thứ tự
và chi tiết về Nguyễn Nộn từ lúc nhà Trần lên ngôi (1225). Đây
là những sử liệu mà lớp hậu sinh đã ghi nhận qua hai bộ chính sử
này, ngoại trừ nghi vấn về lúc Nguyễn Nộn “nhập cuộc” (1219). Năm
1229, Nguyễn Nộn qua đời (chết vì bệnh), thì người viết nhận xét,
thì đây là chuyện không nên nghi ngờ, vì ĐVSKTT đã ghi lại những
biến cố cho đến ngày Nguyện Nộn chết. Người viết- kẻ hậu sinh-
chỉ dám có thiển ý là gom chung những sự việc, để tạo nên một giả
thuyết dựa theo những sử liệu hiện có:
- 1213, Nguyễn Nộn ở Bắc
Giang, vì không nộp triều đình những quí vật như vàng ngọc nên
bị nhà vua hạ chiếu truy nã (18),
Nguyễn Nộn dựa thế lực ở Bắc Giang mang quân làm loạn. Trần Tự
Khánh dùng Nộn làm tướng.
- 1213 tới 1218: những sự việc xảy ra
có liên quan tới Nguyễn Nộn được ghi lại trong ĐVSL.
- 1219, Nguyễn
Nộn không chết như ĐVSL đã viết, mà chỉ thua Trần Thừa một trận
lớn, làng ấp bị ngập lụt vì Trần Thứa dùng thủy công để tấn công
Nguyễn Nộn bằng cách phá đê (19). “Vợ
con Nguyễn Nộn đều bị bắt. Nguyễn Nộn mang theo 100 người về
giữ Phù Ninh (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh-ND)”. Nguyễn Nộn coi
như thua một canh bạc gần cháy túi, nên phải tìm cách trốn tránh
để gầy dựng lại lực lượng mới.
- 1220, từ năm này trở về sau tới
lúc Nguyễn Nộn chết, sự kiện được hiểu theo sử liệu trong ĐVSKTT
cũng như KDVSTGCM.
Như đã trình bày ở trên thì Nguyễn Nộn xưng hùng
ở vùng Bắc Giang 16 năm (từ năm 1213 tới năm 1229), một người rất
có bản lãnh. Nói về cá nhân của Nguyễn Nộn, ĐVSL có một đoạn viết
rất chi tiết và lý thú về ông này như sau: “Tháng 9, Trần Tự
Khánh mở trói dây thép cho Nguyễn Nộn, Nguyễn Nộn là người có
gương mắt đẹp lạ lùng, lại có lòng bao dung, có tính bình thản
thanh thoát. Tuy ở trong cái cảnh ngục tù mà thần sắc vẫn tự nhiên.
Khi thấy bọn dũng sĩ nhảy, đối lại, ông mang theo cả cái dây xích
sắt (vì đang bị trói-ND) mà nhảy, nhưng lại nhảy hơn bọn dũng sĩ.
Trần Tự Khánh thấy, lấy làm lạ, lại cho làm tướng và đem người
con gái của bà dì mà gả cho. Rồi lại trao cho hai ấp là Trần Khê
cà Cả Lũ (Nay thuộc tỉnh Thái Bình-ND)”. (ông này đã bị Trần
Tự Khánh cầm tù 8 tháng -từ tháng giêng tới tháng 9 năm 1213).
Thật
là hiếm có đoạn sử liệu nào mà sử gia (cũng là Nho gia) lại hết
lời ca tụng một loạn tướng như thế. Vậy thì Nguyễn Nộn phải là
một nhân vật kiệt xuất, ngoài hình dáng bề ngoài với “gương
mặt đẹp lạ lùng”, võ nghệ tuyệt luân, Nguyễn Nộn “lại
có lòng bao dung, có tính bình thản thanh thoát”, Nguyễn
Nộn phải là người được lòng dân vùng Bắc Giang; nên mới mới
có thể hùng cứ một thời gian lâu dài như thế. Nguyễn Nộn lại
thắng Đoàn Thượng và gồm thâu toàn bộ binh lực của ông này
nên đã làm triều đình nhà Trần rúng động. Nhà Trần dù đã mang
quân đánh Nguyễn Nộn, nhưng cũng không dẹp được, đến nỗi phải
phong vương và mang công chúa gả cho ông ta để lấy lòng. Tuy
nhiên, số phận Nguyễn Nộn không lâu dài, ông này chết sớm vì
bệnh. Thế là nhà Trần bớt được nỗi lo lắng lớn lao, dân chúng
bớt lầm than vì chinh chiến, cảnh thái bình đã trở lại với
đất nước.
Những cuộc binh biến giữa các “sứ quân”.
(còn
tiếp)
1. Quốc Oai ngày
nay là huyện Quốc Oai, thuộc tỉnh Hà Tây (phía tây bắc của
tỉnh này, phía nam huyện Thạch Thất, phiá bắc huyện Chương
Mỹ, phía tây thành phố Hà Nội). Tuy nhiên theo Đại Nam Nhất
Thống Chí, tập 4, trang 185 thì thời Lê Quang Thuận thứ 7
(Vua Lê Thánh Tôn, niên hiệu Quang Thuận), “Phủ Quốc
Oai lãnh 5 huyện là Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc Lộc, Thạch Thất
và Ninh Sơn”. Chuối đời Lý, Quốc Oai là một châu.
2. Năm này phải
là năm Tân Mùi chứ không phải là năm Tân Tỵ như trong ĐVSL
: “Năm Tân Tỵ (năm 1211-ND) là năm Kiến Gia thứ nhất:”.
Có lẽ tác giả (hoặc dịch giả) đã viết nhầm mà người viết đã
không ghi chú trong phần trước (ĐVSKTT viết là : “Tân Mùi,
[Kiến Gia] năm thứ nhất [1211], (Tống Gia Định năm thứ 4)
3. Ghi chú cuối
trang 51, ĐVSKTT tập 2: “ Na Sầm: tức Na Ngạn, thuộc đất
huyện Lục Ngàn, tỉnh Hà Bắc ngày nay”.
Huyện Lục Ngàn nằm phía bắc tỉnh Bắc Giang (2005).
4. Ghi chú của
dịch giả: “Tây Dương là khu Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay”.
5. Thái Tổ đây
là Trần Thừa, anh của Trần Tự Khánh và Trần Thị Dung (nguyên
phi của vua Lý Huệ Tông). Được gọi là Thái Tổ, dù ông này chưa
từng làm vua vì ông ta là thân phụ của Trần Cảnh- Trần Thái
Tông- vua đầu của nhà Trần.
6. Có lẽ cũng
chẳng oan !
7.Kể ra cậu
cháu cũng còn giữ được chút tình nghĩa!
8.Ghi chú trong
ĐVSKTT, tập 1, cuối trang 334: “Đội Sơn: còn gọi là núi
Long Đội tức núi Đọi, ở huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà ngày nay”.
Nay cũng là huyện Duy Tiên, phía bắc tỉnh Hà Nam.
9. Không biết
rõ Trần Tự Khánh thọ bao nhiêu tuổi .. Theo ĐVSKTT: “Giáp
Ngọ, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 3 [1234], (Tống Đoan Bình
năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 18, thượng hoàng (NV:
Trần Thừa) băng ở cung Phụ Thiên, thọ 51 tuổi”. Vậy
Trần Thừa sinh năm 1184, Tự Khánh là em Trần Thừa, thì Tự Khánh
phải sinh sau năm 1184. Tự Khánh chết lúc chưa tới 39 tuổi.
Tuy nhiên như đã trình bày trong phần mở đầu, trong mục –Gia
phả họ Trần –theo như http://vietnamgiapha.com/XemGiaPha/367/giapha.html thì
Trần Tự Khánh (1175-1223) là anh cả, Trần Thừa là em kế (1184-1134).
10. Hiển Tín
Vương tên là Lý Bát, vì họ Lý đã bị đổi sang họ Nguyễn đời
Trần, nên tác giả (cuối đời Trần) đã viết là họ Nguyễn thay
vì họ Lý cho Hiển Tín Vương
11. Huyện Đường
Hào có lẽ ở giữa ba huyện Bình Giang, Cẩm Giàng và Gia Lộc
thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay
12. Lúc này
vua Huệ Tông đã về với Trần Tự Khánh (tháng 5, 1216). Gọi là
hàng, nhưng Đoàn Thượng vẫn có binh quyền.
13. Quang Thuận
là niên hiệu đầu của vua Lê Thánh Tông (từ năm 1460 tới 1469),
sau đó đổi niên hiệu là Hồng Đức (từ năm 1470 tới năm 1497)
14. Phù Đổng
nay thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội
15. Nguyễn Nộn
cùng họ với hai ông này, không biết rằng Nậu, Nải, Nộn có liên
hệ như thế nào về họ hàng? Có một điều là họ Nguyễn lúc này
không có nhiều người. Thời nhà Đinh, có một người họ Nguyễn
ở Cổ Loa (huyện Đông Anh, tỉnh Hà Nội ngày nay) được sử sách
ghi chép lại là Định Quốc công Nguyễn Bặc. Người viết tự hỏi
là những nhân vật này là hậu duệ của ông Nguyễn Bặc ?
16. Mẹ của Trần
Tự Khánh họ Tô, chị của Tô Trung Từ. ĐVSL lại nêu ra đây một
chi tiết nữa là Tự Khánh có thêm một bà dì.
17. Phù Ninh
(lời người dịch) nay thuộc tỉnh Bắc Ninh
18. Thiển ý
của ngưới viết: có lẽ Nguyễn Nộn bị truy nã vì đã gặp được
những quí vật; vốn là của triều đình; nhưng không nộp, vì có
thể những quí vật này đã bị lấy đi từ trong cung, được dấu
tại Bắc Ninh bởi loạn đảng Quách Bốc.
19. Phá đê!
Đây là một hành động tàn nhẫn đối với dân chúng, vi phạm về
qui ước chiến tranh ngày nay.
|