XUÂN PHƯƠNG
BÔNG DÃ QUỲ, BA MƯƠI NĂM, CÒN NỞ. Tựa một bài thơ mới của TTSH
- Ba mươi năm - Nhạc sỹ Trần Quảng Nam đã cho ra đời lần lượt:
“ Mười năm tình cũ “ với Lệ Thu, rồi đến “ Hai mươi năm tình cũ
“ với Ý Lan - Dừng lại, không hiểu ông chưa tiếp tục hay sẽ thôi
luôn phần “ Ba mươi năm tình cũ “ - Chỉ sợ ba mươi năm sau, nhiều
thay đổi quá, thời gian hằn sâu trên khuôn mặt; Để nhận ra người
xưa, phải nhìn con gái em: bản sao của chính em; Để rồi kỷ niệm
lại ùa về!
” Bản sao của chính em - Kỷ niệm lại ùa về”, làm chợt nhớ đến
câu thơ của Thôi Hộ:” Đào hoa y cựu tiếu đông phong “, mà ngày
còn cắp sách đến trường, mình dzịch giải “ sát “ nghĩa y cựu =
như cũ, để ra “ Hoa đào như cũ còn cười gió đông “, để cãi chầy
cãi cối với bạn bè, để tranh thắng cho được đó là hoa giả. Hay
dziễn ý hai câu thơ Kiều của thi hào Nguyễn Du: “ Chàng Vương
quen mặt ra chào. Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa “.theo dzuy dzật
biện chứng như vầy: “ Thúy Kiều, Thúy Vân thời đó, tệ lắm cũng
phải cao cỡ một thước rưỡi, muốn nép vào dưới một đóa hoa, không
phải là cây hoa, thì đài hoa đó phải “ tổ chảng “, chỉ có hoa hướng
dương mới đủ to cỡ vậy mà thôi. Chưa kể, “ Đoạn Trường Tân Thanh
“ lấy bối cảnh là năm Gia Tĩnh nhà Minh, là niên hiệu của Minh
Thế Tông ( 1522-1566 ), vị vua thứ 11 của nhà Minh; Còn thời đại
sống của Nguyễn Du tiên sinh từ Mạt Lê cho đến khi vua Minh Mạng
của nhà Nguyễn mới lên ngôi ( 1766-1820 ); Mà theo tài liệu tìm
hiểu thì hoa hướng dương được dùng làm cây cảnh trang trí ở Âu
châu đầu thế kỷ 15, rồi bằng con đường thương mại đi đến các xứ
khác, trong đó có Trung Hoa và Việt Nam.
TTSH sáng tác một bài thơ - Cảm ý, cảm lời vô cùng, nhưng “ tâm
hữu dư mà lực bất túc “ cho nên không thể nào rặn được ra thơ,
người viết đành phải sưu tầm một bài về hoa hướng dương đáp lại
cho phải lễ với ông anh mình vậy.
Hoa hướng dương, là một giống hoa quỳ có một nhánh mọc thẳng .
Người Tàu gọi là Hướng nhật quỳ. Tên tiếng Anh là Sunflower. Tên
tiếng Pháp là Tournesol. Tên khoa học là Helianthus annuus L, thuộc
họ Cúc ( Asteraceae ). Helianthus là do hai chữ Latin ghép lại:
Helios có nghĩa là thần mặt trời, còn Anthos có nghĩa là hoa.
Tiếng Việt Nam, Trung Hoa cùng mang ý nghĩa là hoa luôn hướng
về, ngoảnh về phía mặt trời. Tiếng Anh có nghĩa là hoa mặt trời.
Tiếng Pháp thì rõ ràng nữa: Tourner vers Le Soleil, đi theo, quay
theo mặt trời. Hoa như một đài radar kỳ diệu, thường xuyên thay
đổi hướng để quay theo mặt trời, từ lúc mọc cho đến khi lặn. Đêm
về, hoa trở lại vị trí ban đầu là quay về hướng đông, chuẩn bị
tiếp tục cho ngày hôm sau. Thi sỹ Huy Cận đã có hai câu thơ:
Lòng anh như hoa hướng dương
Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời
Thi Sỹ Hà Huyền Chi còn “ đậm nét ” hơn: Khi em trao cho
ta một đóa hướng dương, là em chỉ cho ta một đường hướng duy nhất
:
Em trao một đóa hướng dương
Buồn vui gì cũng một phương nhớ về
Cây hướng dương có nguồn gốc
từ các nước châu Mỹ Latin. Theo các nhà khảo cổ thì cây đã có
mặt trên trái đất này từ 8000 năm trước. Các thổ dân châu Mỹ
Latin đã bắt đầu trồng hoa khoảng 2300 năm trước Công Nguyên.
Vào năm 1500, cây theo chân các nhà thám hiểm về lại Âu châu,
được dùng làm cây cảnh để trang trí. Czar Peter The Great là
người đầu tiên đặt kế hoạch trồng phổ biến loại cây này. Một
người Nga khác, đã sử dụng hạt hoa hướng dương để chế biến thành
dầu, dùng làm thức ăn trong mùa chay, để không vi phạm luật cấm
đang hiện hành thời đó. Hoa hướng dương sau đó, du hành theo
các nhà buôn qua Ai Cập, Viễn Đông v. v..v.. xuất hiện trên đất
Mỹ khoảng năm 1880, trong danh mục hạt giống với tên “ Mammoth
Russian” sunflower.
Cây hướng dương chịu được nhiệt độ cao của những vùng nhiệt đới,
những vùng khô cằn vì có rễ cắm sâu xuống lòng đất từ 2-2,5 m,
có đủ diều kiện để hút được nước nuôi cây. Cây thân thẳng, dài
và tròn, hơi có lông, cao trung bình 1,2m ( có loài cao dến 15
feet: 4,5m, có loài chỉ khoảng 2,3 feet: 0,6-0,9m ). Cây hướng
dương cao nhất thế giới ở Hòa Lan: 7,3m. Cây hướng dương nhỏ nhất
thế giới trồng ở Oregon - Mỹ, cao chỉ có 0,5m.
Lá hướng dương nhám, mọc đều trên thân cây, gần như đối nhau.
Cuống lá dài, thẳng ( 10- 20cm ). Phiến lá hình bầu dục, gốc hình
tim, thuôn hẹp và có mũi, ở đỉnh lá có màu xanh nhạt.
Cụm hoa hình đầu rất lớn ở phía đỉnh thân, rộng từ 20-25cm ( Hoa
hướng dương lớn nhất thế giới ở Canada, đường kính 82,5cm ). Ngoài
cụm hoa có hai, ba dẫy lá bắc màu xanh, mềm, hình thuôn, nhọn.
Hoa ở chung quanh không đều nhau, với cánh môi lớn, dài, mép khía
răng cưa, màu vàng. Hoa ở giữa đều, hình ống. Hoa nở trong suốt
4 tuần lễ liền, đài hoa thơm, lại có vị ngọt, là nguồn thức ăn
của ong mật, chim, bướm v.và
Bé chỉ thấy hoa đứng
Sao gọi là hoa quỳ
Mỏi chân không ngồi xuống
Cây thẳng như người đi
Cứ vậy rồi hoa nở
Thắm như vàng mười khoe
Cây hoa quỳ nho nhỏ
Bỗng xòe như lọng che
Mặt hoa như mặt người
Biết quay về ánh sáng
Cứ chọn hướng mặt trời
Ngày ngày hoa chiếu thẳng
Hoa quỳ, hoa quỳ ơi!- (Trần Mạnh Hảo)
Hạt hướng dương dẹt, cao, màu đen sọc trắng, bóng. Cây được trồng
bằng hạt. Sau khi gieo một tuần, hạt nẩy mầm. Thường người ta
gieo ba hạt trong một hốc, rồi chọn một chồi mạnh nhất. Khoảng
70- 75 ngày thì cây có hoa. Sau khi cụm hoa tàn thì cây cũng
chết.
Hoa hướng dương ở Việt Nam được trồng làm cảnh, nhất là vào dịp
đầu năm. Muốn có hoa cho Tết Nguyên Đán, nhà vườn gieo hạt cỡ tháng
10 Dương lịch mỗi năm.
Xuân nhảy nhót trên môi cỏ sương
Bỗng một đóa hoa quỳ cháy rực
Em muốn hít một hơi căng lồng ngực
Cạn cả mùa xuân
Để trong mông lung
Không ai thấy được hoa quỳ- (Lê Thị Kim)
Những người bản xứ Incas của châu Mỹ Latin ( Incas là một tộc
dân da đỏ từng thống trị vùng châu Mỹ Latin cổ xưa, trước khi người
Tây ban nha sang xâm chiếm ) tôn thờ hoa hướng dương như một biểu
tượng của thần mặt trời. Các tu sỹ trong các thánh đường đeo những
chiếc đĩa hình hoa hướng dương bằng vàng hay dùng hoa trang điểm
trên y phục của họ.
Theo Tây phương, hoa hướng dương tượng trưng cho niềm tin và hy
vọng. Ở Trung Hoa, hoa được xem như biểu tượng của sự trường thọ.
Tiểu bang Kansas của Mỹ được gọi là Sunflower State, vì biểu tượng
hoa chính thức của tiểu bang này là Helianthus annuus.
Ở các nước Âu châu, hoa được trồng thành những cánh đồng để lấy
hạt. Một đài hoa có khoảng 1300 hạt. Trung bình 30 đài hoa ép được
1 lít dầu. Trên 1 hecta đất trồng hướng dương, người ta thu hoạch
được chừng 75000 đài hoa, ép được 2500 lít dầu. Dầu hướng dương
là loại dầu ăn tinh khiết dùng để chế biến các loại dầu salad,
magarine; Chế biến thành sơn, bột màu và mỹ phẩm. Hạt hướng dương
rang là thức ăn chơi rất phổ biến.
Ngoài ra, người ta còn dùng đài hoa để chiết suất ra thuốc nhuộm
màu trong kỹ nghệ dệt vải, vẽ tranh. Một số bộ phận của cây được
dùng trong y học để làm thuốc bôi ngoài da.
Theo thần thoại Hy Lạp, có một nàng tiên cá, sống dưới nước đã
yêu Apollo, vị thần mặt trời oai dũng . Nhưng thần Apollo chẳng
chú ý đến nàng. Cô tiên này ngồi trên mặt đất và suốt ngày trông
ngóng về hướng mặt trời. Các vị thần khác thương cảm, đã biến nàng
thành hoa hướng dương.
Lòng như hoa nhớ mặt trời
Ngày trên đỉnh nắng em ngồi hướng dương - (HPNT)
Cũng như tâm tình của người chinh phụ Việt Nam trong Chinh Phụ
Ngâm Khúc, bản nôm của nữ sỹ Đoàn Thị Điểm:
Hướng dương lòng thiếp như hoa
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương
Bóng dương để hoa vàng chẳng đoái
Hoa để tàn bởi tại bóng dương
Vì luôn luôn hướng về mặt trời, nên hoa quỳ có khi được coi như
là một biểu hiện của mặt trời, có những đặc tính tượng trưng cho
sức mạnh, cho uy quyền, cho sự ấm áp, cho sự nuôi dưỡng v.và của
mặt trời.
Hoa đài các quy triều bao ánh sáng
Như trái tim thương nhớ hướng về anh
Hoa vẫn thế kiêu kỳ không thay đổi
Vẫn ngàn năm soi bóng ánh mặt trời- Thomas Moore (1779- 1852)
Có khi hoa tượng trưng cho sự kiêu kỳ, vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài.
Có khi hoa là biểu hiện cho sự chung thủy. Có khi hoa là
biểu hiện cho niềm đam mê. Và có khi hoa là biểu hiện cho một tình
yêu bất hạnh như trong bài Hoa Nắng của Ngọc Dung dưới đây:
Em nở dưới trời nắng mới
Nụ tròn e ấp mê say
Anh là mặt trời xa vời vợi
Đi chín phương bỗng dừng chút nơi đây
Để bây giờ còn lại kỷ niệm thôi
Tình anh nhạt đi, hoa không còn thắm nữa
Trong ánh nắng xưa hình như không còn lửa
Chiều xuống đi chiều, cho em được bình yên
Em là loài hoa yêu nắng
Giữ trong tim một điều cay đắng
Rằng ánh nắng anh
Cần cho tất cả mọi loài hoa.
Mặt trời - Bóng dương - Ánh nắng cần cho tất cả muôn loài nói
chung ( thực vật lẫn động vật ), cho tất cả các loài hoa nói riêng,
như thi sỹ Nguyễn Nhật Ánh đã viết:
Có một mặt trời
trong ngực em
Em mỗi sớm mai lên
Lòng anh buổi ấy
tương tư nắng
Không phải hoa quỳ
vẫn hướng dương
“Tình lai láng bóng dương/ hoa quỳ “ ( Ưng Bình Thúc Dạ Thị ),
chỉ một câu hát trong bài Ca Huế, điệu Nam Ai cũng đủ nói lên cái
duyên lẫn cái nợ của hoa quỳ và vầng thái dương. Cũng bởi vì duyên,
cũng lỡ do nợ với mặt trời mà hoa quỳ có màu vàng chói lọi, rực
rỡ, tươi thắm, vàng như thu tất cả nắng trời vào hoa. Cái màu vàng
rưng rức, “ vàng sao mà nhớ nhung “ ( Huy Cận ), cái màu vàng như
không thể vàng hơn: “ Có loài hoa nào màu vàng đến thế không
em ? ” ( Cao Tiến Sỹ ), cái màu vàng làm thi sỹ Đỗ Trung Quân trải
lòng khắc khoải không nguôi trong ba bài thơ khác nhau:
Tháng mười hai
co ro trong túi áo
Anh hỏi trong nỗi buồn của dã quỳ
Sao mày vàng đến thế
Vàng như chia ly..
Một hôm thấy nắng vàng đâu đó
Một hôm thấy nắng vàng trải dọc ven đường
Ồ! Chỉ là dã quỳ một ngày thu hết nắng
Lộng lẫy niềm nhớ thương
Thành phố dốc đồi già theo người đi
Hoa quỳ dại có bao giờ vàng thế
Sao hoa quỳ buồn quá
Hay chính ta buồn !
Tự
trong thơ của mình, Đỗ thi sỹ đã mặc nhiên cho biết hoa quỳ dại
là dã quỳ.( Ngoài ra, còn có thục quỳ là hoa nhiều màu, loại nhỏ
gọi là cẩm quỳ và thu quỳ: hoa vàng , giữa màu tím, có năm cánh).
Là hoa dại nên hoa dã quỳ mỏng mảnh, mau nở, mau tàn:
Làm sao cắt nghĩa được em với dã quỳ hoang dại
Để mà mong manh như mây trắng cuối trời
Thôi thì gởi nhau chút sắc vàng còn lại
Gió thổi hoài bạc những giấc đêm - (Văn Công Hùng)
Tiềm
tàng, ẩn chứa trong những cánh hoa dã quỳ mong manh ấy là cả một
sức sống mạnh mẽ, mãnh liệt. Hoa mọc khắp nơi - Từ chút đất ven
bờ suối đến vạt cỏ khô cằn nơi bìa rừng. Trên những đỉnh cao hun
hút gió. Dưới những vực sâu thăm thẳm. Dọc theo những triền đồi.
Thoai thoải vào thung lũng - Hoa đua nở à Sự tồn tại của hoa, cái
sắc vàng của hoa đã góp phần trang điểm cho những miền đất lạnh,
những vùng cao nguyên một chút ấm áp của nắng trời:
Em như một đóa quỳ sơn cước
Gió và mưa chẳng thể nào tắt được
Cái màu tươi nguyên sơ
Tự đốt cháy mình trong cơn khát đam mê
Hoa rực cháy một vùng biên ải
Dã quỳ! Dã quỳ
Đợi tay người đến hái
Chiều nay, người biết không ?- (Nguyễn Đạo Tĩnh)
Đalat, mỗi khi mùa đông về, dã quỳ lại nở rực khắp nơi, nên người
ta gọi dã quỳ là “ hoa báo đông “. Loài hoa quỳ dại này tưng bừng
khoe thắm dọc suốt đường đèo Dalat trong những ngày nắng lạnh,
sương mờ của tháng chạp, tháng giêng.
Đalat xôn xao mùa quỳ nắng
Một mùa hoa khắc khoải nỗi chờ em- (Vi Quốc Hiệp)
Đalat em không đến
E tháng giêng bớt hồng
Hoa quỳ không còn nở
Giữa vô cùng mênh mông- (Huỳnh Hữu Võ)
Tháng giêng vàng rực
Chao ôi dã quỳ
Tháng giêng phố núi
Mênh mông dã quỳ - (P T N Liên)
Cái liên hệ như tình yêu của phố núi và dã quỳ sao tha thiết và
đằm thắm đến như vậy kìa trời! Con người từng đếm được bao nhiêu
lớp lớp, hàng hàng mùa dã quỳ tự đến rồi ra đi trên những vùng
đất lạnh ? Đã muôn muôn, vạn vạn lần khô hạn làm dã quỳ úa tàn,
nhưng đến đúng thời điểm: Một nhánh bén rễ; Một cành hoa
mọc lên; Một bụi hoa vượt lên; Một vạt hoa rồi một dải hoa bật lên,
trỗi dậy như “đến hẹn lại lên” với lời thề nguyền muôn kiếp
không phai giữa phố núi mù sương và hoa quỳ dại vàng: “ phố núi
hoa vàng “. Phố núi không chỉ mình Đalat, mà còn là Ban Mê Thuột:
Tôi muốn biết những hoa thục quỳ, hoa cánh bướm
Có tươi vàng rực rỡ trong sương
Và rất nhiều hoa cỏ dại bên đường
Vẫn âm thầm đua nở khắp đồi nương- (Đ T Quế Phượng)
Và tuyệt vời Pleiku với bài thơ “ Bông dã quỳ, Ba mươi năm, Còn
nở à” của TTSH:
Khi những đám dã quỳ khảm vàng phố núi
Mây cũng len lén vàng trong chút ráng hoàng hôn
Áo trắng ngoài kia, một thoáng lạ lùng
Óng ánh sắc tơ vàng theo bờ vai, chảy xuống
Và hồn anh cũng tan về muôn hướng
Đại dương nào dung trăm nhánh sông mê ?
Nhân gian như đứng im khi bước tiểu thư về
Phố tròn mắt - cả mùa thu nín thở
Dốc thấp dốc cao những hàng cây trăn trở
Níu lá ngừng rơi, e động nhịp tim non
Giữa lồng ngực anh – chao chác rung dồn
Có một đóa dã quỳ , thao thức nở …
Ba mươi năm trở về, đón ta, quay quắt phố
Pleiku mềm như gió đẩy đưa nhau
Có giận dỗi gì không mà xanh biếc một màu
mà lá rụng thế kia ?
mà tường rêu đến vậy ?
Có dăm đóa dã quỳ nem nép ấy
nở buồn thiu bên vạt cỏ, lẻ loi
Chút ngượng ngùng , ta gọi, Pleiku ơi!
Ta mềm hơn gió, ta mềm như hơi thở …
Cứ tâm niệm đã tàn tro, nguội lửa
bước quay về, lại cháy đỏ một trời thương
Phố lạ lùng, đâu chắc được, những Hùng Vương
những Phú Quốc, Đình Phùng, Minh Thế …
Hé ký ức, còn những gì thêm nữa
Chỉ thầm thì, khẽ nhé ! Pleiku ơi
Trường xưa ơi, và áo tiểu thơ ơi
Bay về đâu, giữa vòng đời luân lạc …
Ba mươi năm trở về, còn tương tư khúc nhạc
Lũ dế xưa tấu dưới cội thông già
Tan trường chiều rước lễ bước ai qua
tà vướng vít, mắt nhìn ai thăm thẳm
Ai nhớ ? Ai quên ? Và ai đăm đắm ?
Ai giăng sợi tơ vương ? Ai thổi khói sương mù ?
Pleiku của ai còn đứng đó, ngây ngô
một chút nắng rơi vào
làm long lanh khóe mắt
Pleiku của ai, chiều nay vàng vọt
lá buồn xơ lác đác rụng vô hồn …
Đóa dã quỳ lem lém sắc vàng buông
Lạc lõng chiều Pleiku, ngộp thở
Đang ở giữa lòng, vẫn đang trăn trở nhớ
Ba mươi năm gặp lại đóa hoa xưa
Những thiệt tình, thơ dại có qua chưa ?
Mà triu trĩu màu dã quỳ - nặng vậy !
Pleiku khóc, một chiều ta ngoảnh lại à
Đã ba mươi năm rồi mà trái tim người đàn ông trung niên hãy còn
đập cùng nhịp như ngày niên thiếu! Những đóa hoa quỳ dại thời thơ
ấu đó luôn là nỗi rung động khôn cùng:
Cuống quýt những con đường đến trường
Hoa quỳ gởi theo nghìn nụ hôn thơm
Thời gian trôi đi rưng rưng
Nhiều năm xa thành phố ấu thơ
bộn bề
chưa một lần nhìn lại
Hoa quỳ
Trái tim - (P T Ngọc Liên)
Ba mươi năm cộng với số tuổi của ngày trước, thành trên dưới chút
đỉnh “ ngũ thập niên “. Ba mươi năm trở về, còn tương tư
khúc nhạc, còn trĩu nặng màu dã quỳ, còn đang trăn trở nhớ: trường
xưa ơi, và áo tiểu thơ ơi, bay về đâu giữa dòng đời luân
lạc ?
Đóa hoa quỳ ngày một bước chân qua
Và còn nữa sương mù đan dưới núi
Trường ngói đỏ, thầy cô và bạn hữu
Hành lang dài nhốt kín nỗi vu vơ – (Lê Thị Ngọc)
Nỗi vu vơ gặp đúng đối tượng, nó sẽ sáng bừng lên như pháo bông.
Nó là bài thơ cũ, tấm hình xưa, một thời của đôi lứa … Vẫn ăm ắp
trong ta một mặt trời tươi vàng của tuổi mười lăm, mười bảy quăng
tim mình ra phố. Kín trong đầu ta cơ man là bóng ai - tóc rợp trời
- xanh mắt ngọc - những tà áo bay hoài không nghỉ ngơi - suốt
một đời ta - lẩn khuất đâu đó - lâu lâu lại xôn xao.
Xin dã quỳ và xin cả mùa xuân
Ủ thầm những lời như niềm mơ ước
Và chờ đấy khi nắng vàng rót mật
Lại bung ra những cánh hoa vàng - (Lê Hoàng Anh)
Đó là kỷ niệm - Những kỷ niệm nhắc nhớ con người, những kỷ niệm
lắng sâu vào lòng - Kỷ niệm là gạch nối trong không gian xa cách,
trong thời gian chảy xuôi. Thời gian ba mươi năm chưa đủ dài cho
sông trôi về biển rộng, chưa đủ trũng để xoáy đất tạo thành hồ.
Thế nhưng dòng chảy, cứ chảy, chảy mãi. Như nước nằm trên mặt ao
hồ, trôi theo sông suối, bốc hơi thăng hoa thành những đời kiếp
khác, như lòng ta cũng tan về muôn hướng cuộc đời:
Dã quỳ
Dã quỳ
Tôi gọi
Nụ vàng xưa trong mắt ai
Còn đó khoảng tối dài
Đêm
Trước mặt
Dài lẻ loi những vì sao
Dài hun hút bước đời- (Khiêm Lê Trung)
Ba mươi năm gặp lại đóa hoa xưa để lòng ta mềm hơn gió, mềm như
hơi thở … Để lại cháy đỏ một trời thương, để còn những gì thêm
nữa ? Ai nhớ ? Ai quên ? Ai giăng sợi tơ vương ? Ai thổi khói sương
mù ? Và ai đăm đắm ? Và khẽ nhé! Chỉ thầm thì: “ Nhân diện
bất tri hà xứ khứ “- Những gương mặt thuở mười lăm, mười bảy của
ta ơi - Còn có mùa nào cho ta - Xanh mơn mởn những tàn cây - Áo
trắng có còn tung tăng trong những giấc chiêm bao mịt mù khói thuốc
- Ngày hôm qua tràn xuống hôm nay - Ta ngồi làm bụt trên đài sen
– Trô trố mắt:
Dã quỳ vàng áo Tỳ kheo
Phố khuya gọi nguyện lên đèo nghe kinh
Thác treo dải lụa trắng tinh
Chiều phơi ngực hở mà trông dã quỳ
Thơ tình thí phát quy y
Vàng hoa phố núi, tư nghì sắc không – (Võ Minh Trang)
Lại sắc sắc, không không của Tâm Kinh Bát Nhã: “ Sắc chẳng là
không. Không chẳng là sắc. Sắc tức là không. Không tức là sắc “.Có
đi được đến cuối đời, ta cũng chẳng bao giờ gặp lại, ta cũng chẳng
bao giờ nhớ hết những khoảnh khắc của đời người trôi qua, không
bao giờ trở lại. Thời gian không trở lại. Như ngày nối ngày. Như
mùa lại mùa trôi qua. Mùa xuân thay áo mới - Mùa hạ rồi trở về
- Mùa thu đến lại đi - Mùa đông cũng dần qua. Nói gì đây ! Chẳng
có gì để nói! Quá nhiều điều để chẳng biết nói gì ! Chỉ là bốn
mùa! Nhưng rồi … Mùa xuân quay trở lại! Có thể nào ta không nghĩ
về nhau ? Dẫu biết rằng : Nhân duyên sở sanh pháp ( Các pháp do
nhân duyên sanh ra ) - Ngã thuyết tức thị Không ( Những gì
do nhân duyên sanh ra, thể tánh nó là không ) – Diệc danh vi Giả
danh ( Tuy thể tánh không, nhưng duyên hợp thì có hình
tướng, đó gọi là giả danh. Giả danh không phải là không, cũng không
phải là có hẳn: nó tạm có, không thật ) – Diệc danh Trung đạo nghĩa
( Ngay nơi giả tướng có, mà biết nó không thật, là hiểu
đúng nghĩa Trung đạo ). Đọc hoài; Học hoài; Nghiệm hoài hai chữ
sắc không; Mà vẫn còn lẩn quẩn trong vòng hữu vô; Vẫn còn biên
kiến ( chấp một bên ): chấp hoặc có thật hoặc không có thật.
Dã quỳ giờ vẫn còn “ vàng hoa phố núi “ hay đã “ vàng áo Tỳ kheo
“ ? Nhưng “ Thà là chấp có bằng núi Tu Di, còn hơn chấp không
bằng hạt cải “ ( Chấp không là chấp đây có kia không ); Cho nên
bông dã quỳ của ba mươi năm sau hình tướng có hiện bày, đâu nói
không được; Bông có đó nhưng không phải thật là bông của ba mươi
năm trước; Bởi vì chấp có nên nói tới cuối cùng vẫn hiện hữu trong
tâm ta BÔNG DÃ QUỲ, BA MƯƠI NĂM, CÒN NỞ …
|