"Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"
Chỉ là hai câu ca dao đơn giản giữa
hàng trăm ngàn câu trong kho tàng văn chương truyền khẩu. Khi mới
bắt đầu vào độ tuổi nhận biết của một đứa trẻ tôi đã được nghe
câu này, từ cửa miệng của tất cả những người lớn tuổi, của bầy
học trò ê a bài học vỡ lòng mỗi khi nói về công lao của cha mẹ.
Hồi đó tôi có một nhầm lẫn hết sức tức cười vì lần nào cũng hay
đọc là " Nghĩa mẹ như nước
trong " buồng " chảy ra ", trí tưởng tượng non
nớt trẻ thơ bắt tôi chạy vào gian buồng nhà tìm tòi lục lạo, đầu
óc ngây ngô cứ thắc mắc tại sao không thấy có nước chảy ra !
Lớn
lên tôi lại thêm một tật, mỗi khi cầm tờ báo đọc hết tin tức trang
trong, trang ngoài thế nào tôi cũng phí thì giờ ngồi tỉ mẩn đọc
hết những cột quảng cáo, kể cả dòng chung vui chia buồn với hàng
tên dài dằng dặc, ghi rõ địa vị của tất cả những ai liên quan mà
người cậy đăng như có đôi chút hãnh diện ngầm trong đó. Rất nhiều
lần tôi để lòng mình chùng xuống, buồn bã và ngậm ngùi thương tiếc
với dòng cáo phó ngắn ngủi của thân nhân những người lính trẻ trong
các trận chiến ác liệt, cho dù không hề quen biết họ. Và cũng rất
nhiều lần tôi không nén xuýt xoa khi đọc tên một cụ ông, cụ bà
được nhiều phúc đức qua đời với tuổi thọ cao, kèm theo một lô lốc
tên họ, chức tước danh vọng của con cái, cháu, chắt.
Nhiều năm trôi
qua, tuy thời cuộc biến đổi tôi vẫn không mất thói quen đó, cho
dẫu cõi lòng bây giờ đã tỉnh lặng không còn sôi nổi và dễ dàng
xúc động như xưa. Vậy mà kể từ khi ra hải ngoại có một khung quảng
cáo tôi không hề đọc đến, thậm chí lật thật nhanh, lướt qua trang
khác ngay tức khắc tựa hồ như tôi bị phỏng tay, khi thoáng thấy
hàng chữ đầu tiên quảng cáo về nghĩa trang, nhà quàn được in đậm
trên trang báo, tôi tránh xa chúng như một điều kiêng kỵ bởi lẽ
khi người ta sống trong hạnh phúc càng hay lo sợ vu vơ. Có thể
vì những mất mát, chia ly sau ngày mất nước giống như vết sẹo in
dấu trong tâm hồn khiến hình thành một thói quen, điều kiện ắt
có và đủ để trở nên một thứ phản xạ vô điều kiện ở nơi tôi.
oOo
Tiếng chuông điện thoại vang lên giữa đêm rồi chợt tắt, chắc
đã có người bắt máy. Chưa kịp dỗ lại giấc thì nghe tiếng gõ cửa
phòng và tiếng gọi của đứa con tôi : "Má ! Có điện thoại
của Việt Nam !!" Lập cập tuột xuống giường, hai chân tôi như
cóng lại. Không cần suy nghĩ tôi biết ngay có chuyện chẳng lành
xảy ra bởi mấy ngày trước tôi đã được biết tình trạng sức khỏe
của ba tôi bỗng trở xấu. Giọng bệu bạo của đứa em gái Út thuật
lại lời Bác sĩ cho biết ba tôi chỉ có thể cầm cự chút tàn hơi khoảng
chừng hai hôm nữa thôi. Lần về thăm nhà mới đây chưa đầy hai tháng
tuy yếu sức, trí nhớ kém cỏi và không thể tự mình đi lại nhưng
tôi vẫn trông thấy nét khỏe khoắn ở nơi ông, đứa em gái chăm sóc
cho ba tôi hàng ngày còn nói diễu với chúng tôi :
- Ba coi vậy mà
còn thọ ít lắm cũng vài năm nữa à. Ba ăn uống còn được lắm, tại
ở nhà không dám cho ba ăn thêm nhiều vì sợ lên " tăng
xông " thôi.
Thật vậy, ngày đầu tiên mới về, không ngũ được
nên tôi thức rất sớm. Trời chưa rạng sáng tôi đã ngồi dậy rón rén
bước dần về phía cửa cái bỗng nghe tiếng ba tôi kêu : " Ai
đó, có gì ăn không ? Đói bụng rồi " chứng tỏ giác quan ba
tôi vẫn rất tinh tường, đâu ai ngờ lại nhanh chóng suy sụp như
vậy. Tôi vẫn thường hay nghe nói : < Tuổi già như trái chín
trên cây, bất chợt thình lình một cơn gió lay động nhẹ cũng làm
cho trái rụng !! > bây
giờ tôi mới cảm được điều này. Bàn tay tôi bấm điện thoại gọi các
nơi một cách máy móc thông báo tình hình cho những đứa em khác.
Chúng tôi ai nấy tự tìm những phương tiện nhanh nhất để về gặp
cha lần cuối.
Cũng giống như nhiều trường hợp " tâm linh tương
thông " khác,
giờ khắc lìa đời của ba tôi tương ứng với giác quan nhận biết của
chị em tôi. Đứa đang ngồi trên phi cơ bỗng hắt hơi liên tục, chảy
nước mắt mũi cả giờ. Đứa khác thì mi mắt bỗng giật lia lịa không
ngừng, cõi lòng xốn xang, thiểu não, bất chợt nghĩ đến những điều
không muốn nghĩ tới. Tôi đâu ngờ lần về thăm đó cũng là lần cuối
cùng tôi trò chuyện với ba tôi. Tôi thấy tiếng nói so với nhiều
năm về trước có phần run rẩy nhưng giọng vẫn còn rõ ràng.Vuốt ve
bàn tay xương xẩu đầy nếp nhăn trổ đồi mồi, tôi hỏi ba còn nhớ
đến con không ?. Ba tôi cười thật hiền nói : - Ai nghe giọng quen
quen ?
Bởi mắt đã lòa không còn nhìn rõ mọi vật, tôi phải nhắc lại nhiều
thứ ba mới nhớ ra :
- À, Con là Kim Y hả ? Ừ là em của Kim An đó
mà.
Rồi ba miên man nói tiếp :
- Ba còn nhớ mà, hai chị em nó giờ ở
đâu mần ăn ra sao ? Lâu quá rồi không thấy nó về thăm.
Tôi cãi :
- Đâu có đâu ba, em con về thăm ba hoài mà, chỉ có con
là ít về thăm ba thôi. Bây giờ con về thăm ba nè. Cả gia đình con
về thăm ba đây, có cả cháu cố của ba nữa đó.
Rồi tôi gợi lại những
kỷ niệm, những nơi chốn cũ rích bởi vì tôi biết những người gần
đất xa trời như ba tôi chỉ còn nhớ được chuyện xa xưa. Khi nhắc
nhở từng cái tên của con của cháu, tôi muốn quay ngược cuộn phim
dĩ vãng của gia đình mong cho ba tôi nhớ lại mọi điều. Kể lể luôn
những thành đạt hiện tại của các con ba ở nước ngoài dù chỉ để
tìm thấy nụ cười. Dĩ nhiên là tôi giấu hết những sự thật đau lòng
về bịnh tình của người chị lớn nhất.
Ngồi dựa lưng vào chiếc trường
kỷ không biết ba tôi có nhớ được gì chăng, giống như vừa trở về
từ cõi xa xôi mơ hồ đâu đó, giờ sực tỉnh nên cười hớn hở luôn miệng
thốt lên câu :
- Tốt quá, tốt vậy ha ! Khá dữ vậy à.
Mấy đứa em tôi đứng quanh
mỗi đứa một câu và cười hi hí với nhau :
- Chị biết không, Ba nói
hoài ba còn mấy căn nhà, còn ruộng đất ở dưới quê ba biểu đưa ba
về quê để ba chia gia tài kìa.
Tôi gật đầu xác nhận :
- Chuyện ba nói là có thiệt đó, hồi nhỏ
ba kể cho tụi chị nghe hoài, tại vì vùng đất đó mất an ninh nên
sau này không ai dám về và coi như bỏ luôn, tại mấy đứa không biết
thôi.
Bọn nhỏ trố mắt ngạc nhiên :
- Ủa vậy hả, tụi em lại tưởng ba mình
già lẫn nên nói sảng, chắc tại tụi em nhỏ quá nên không biết chuyện
này. Hèn gì có lần mấy người bà con dưới quê xúi ba về đòi đất,
đòi nhà gì đó mà ba không chịu. Ba nói lâu quá rồi, bốn năm chục
năm nay người ta đã làm chủ, bây giờ có quyền gì mà đòi lại.!
Nhỏ
em thứ năm là người chăm sóc hàng ngày khều tay ba tôi kêu :
- Ba
nè, Có mấy bà bồ nhí tới kiếm ba kìa, họ nói ba còn mấy đứa con
với họ kìa
Nói xong cả đám em xúm lại cười rần rần trong khi ba
tôi xua tay phản đối :
- Bậy nè, làm gì có chuyện đó.
- Vậy là bây giờ là lúc ba tỉnh táo, chứ thường là ba chỉ nhắc
chuyện đời xưa thôi. Nhiều khi ba kể tên ai lạ hoắc rồi cho tụi
em biết là bà con, còn tên con cháu trong nhà hiện tại thì ba quên
hết.
Đứa em kể tiếp :
- Chị biết không, mấy năm về trước lúc ba còn
mạnh khỏe, còn đi đứng được một mình hễ mỗi đầu tháng là ba đòi
tiền trèo trẹo, nói là tiền của các con ở nước ngoài gởi về cho,
không đưa là không được dù ba đâu có việc gì phải tiêu xài. Tụi
em nom theo té ra là mấy con mẹ bán vé số nó vây quanh ve vuốt
ông già, dụ ba mua cả cọc toàn là vé số xổ rồi.
- Thì hồi đó khi chị nghe điện thoại mấy đứa kể chuyện chị có nói
là thôi kệ cứ đưa tiền theo ý ba muốn cho ba vui đi. Cứ coi như
hồi kiếp trước ba có mắc nợ bây giờ phải trả, còn nếu không phải
thì coi như kiếp này ba cho họ vay, giống như mình bỏ tiền mua
vui cho ba, vậy thôi,
Nhỏ em thứ bảy tức tối kể tiếp :
- Trời ơi, chị đâu biết mấy con
quỷ đó nó coi ba như cái mỏ tiền, mới hai ba năm nay ba yếu quá
không đi xa một mình được thôi, chứ hồi đầu tụi nó còn kéo tới
đứng núp sau gốc me bên kia đường, thấy ba ngồi trước nhà là ngoắc
ba qua bển, bị tụi em thấy được nên chạy qua chỉ mặt chửi cho một
trận.
Tôi bật cười to :
- Ha ha, đâu phải một mình ba của mình bị dụ
dỗ đâu. Thời đại bây giờ đàn bà con gái ở Việt nam chỉ tìm mấy
ông già gần đất xa trời có con cái ở Mỹ, ở Tây là dễ kiếm tiền
nhất mà, tại ba mình hay khoe có nhiều phước đức, con cái có
hiếu ở nước ngoài gởi tiền về cho nên họ đánh hơi bu theo ba
thôi. Ở bển chị còn nghe nhiều thứ chuyện động trời ngoài mấy
ông Việt kiều già trốn vợ, còn mấy lão ông tỷ phú chân đất không
nên nết ôm tiền bán ruộng, tiền hưu tiền già dành dụm về bao
bồ nhí đáng tuổi cháu nội, cháu ngoại khiến mấy bà vợ giờ trở
thành quá " date " tức
nghẹn họng luôn nữa kìa.
Những ngày ở lại, chăm sóc cho ba tôi rồi cũng trôi qua thật
nhanh, thật ngắn ngủi.
Nhiều lần dìu ba đi tắm rửa, đắp mền thay áo tôi đều nghe ba nói
: " Bà ơi, tôi thương bà lắm," Người xưa viết rằng, lời
nói của người trước khi lâm chung mới là lời nói thật lòng. Có
lẽ ba tưởng tôi lúc ấy là má nên từ trong tâm khảm tự động bật
thốt lên lời. Trước mắt tôi là hình ảnh một ông lão râu tóc bạc
phơ, gầy còm, da dẻ nhăn nheo xương xẩu, đôi mắt đã lòa chẳng trông
thấy người bên cạnh. Hình ảnh hiện tại khiến tôi ngậm ngùi cho
một kiếp người và nhớ lại thời xa xưa " vàng son " của
ba tôi.
Không như các em sinh ra khi ba tôi hơi luống tuổi, tôi có may
mắn là con gái thứ sau bà chị lớn đầu lòng, thế nên những hình
ảnh thời trai trẻ của ba tôi đều có biết. Nói theo cách nói hồi
ấy ba tôi là người khá " bảnh trai ". Sở dĩ tôi còn nhớ
nhiều là tại lúc nhỏ ba hay kể về thời gian ba tôi cầm tay lái
coi sóc những chiếc xe đò chạy đường liên tỉnh lộ cho dòng họ.
Nhiều cô bạn hàng quen biết cứ đợi cho chuyến xe nào có mặt ba
tôi họ mới chịu đi cho dù có hôm ba tôi không cầm lái mà chỉ đi
theo thu tiền. Có nhiều cô khi lên xe là thót vào ngồi cạnh ba
tôi, bất kể sự có mặt của má tôi. Cũng cả chục lần má tôi nghe
lời xúi biểu của mấy bà bạn " đồng hội, đồng thuyền " đi
bắt ghen ba tôi. Được cái là ba tôi không phải hạng " trăng
hoa ong bướm " nên lần nào má tôi cũng về tay không, về sau
khi chúng tôi lớn lên nhiều lúc ba tôi vui chuyện hay nhắc đến
tật ghen bóng, ghen gió của má tôi :
- Mấy đứa nghĩ coi, người ta
là bạn hàng, họ muốn chờ xe ba để đi là tại ba vui vẻ, tử tế. Lên
xe người ta muốn ngồi ở đâu là ý của họ, má tụi bay thấy lần nào
họ ngồi cạnh ba là ghen dữ dội, đến nỗi chuyến nào tới phiên xe
đi nằm đêm (*) ở Chợ Lớn cũng đi theo tò tò, còn dắt theo hai đứa
con nữa chứ.
Má tôi không kém, trả đũa ngay :
- Hứ, tui mà không đi theo làm
kỳ đà cản mũi mấy con ngựa bà đó thì giờ này dám ông cũng hai ba
dòng con chứ bộ tốt lành như bây giờ sao !.
Ba tôi cười cầu tài
nói :
- Thì ăn thua ở tui, tui không chịu họ thì thôi, làm sao xảy
ra chuyện đó được.
oOo
Cho đến bây giờ đã gần năm mươi năm trôi qua, tôi vẫn còn giữ
trong trí hình ảnh ngày đó ba là một nhà thể tháo gia lành mạnh.
Cứ mỗi cuối tuần với quần sọt, áo thun cỡi chiếc xe đạp có đòn
ngang, ở đó ba đặt tôi ngồi vắt vẻo trên cái yên bằng sắt gắn thêm,
phía sau " boọc ba ga " là bà chị tôi ngồi đong đưa
chân hai bên. Với đôi giày đinh máng trước ghi đông, ba chở hai
chị em chạy qua nhiều con phố rợp bóng cây đến một sân vận động
có con đường trải đất đỏ ôm vòng bãi cỏ xanh, ở đó chúng tôi
ngồi trên khán đài vắng người nhâm nhi chùm mía ghim hay gói
đậu phọng rang để xem ba tôi chạy nhiều vòng trước khi dợt banh
bởi khi chúng tôi chưa ra đời ba tôi đã là một cầu thủ có hạng
trong các đội banh ở địa phương.
Những lần tranh giải hoặc đá
giao hữu tại nơi gần nhà như sân banh ở vườn " Bờ rô " là
chắc chắn chị em chúng tôi được ba cho đi theo. Lúc đó không
thèm ngồi trên khán đài với mấy thầy đồng nghiệp trong sở của
ba, chúng tôi chạy xuống con đường đất quanh sân, dõi mắt tìm
ba trong đám đông cầu thủ đang rượt theo tranh giành trái banh,
để khi ba tôi chạy theo trái banh đến gần thì mừng rỡ nhẩy cẫng
lên gọi ba ỏm tỏi.
Giống như đang cầm chùm chìa khóa dĩ vãng, tôi mở ra từng cánh
cửa thửơ thiếu thời trong tâm não của mình. Nơi đó ngày mồng một
Tết, ba ngồi trên bộ ván, mặc bộ đồ lụa Lèo trắng, thời trang quen
thuộc của những công tử miệt vườn vào những năm vừa lập lại hòa
bình ở miền Nam, chị em chúng tôi xúm xít quanh ba chơi bầu cua
cá cọp. Mồng ba Tết ba dẫn hai chị em đi Chợ Lớn xem múa lân. Phố
xá vẫn còn đóng cửa im ỉm, ngoài đường xác pháo đỏ ối vương đầy.
Hai chị em tôi thay phiên được ba công kênh ngồi lên vai chen vào
đám đông, để xem màn múa võ hoặc ông Địa chọc cười trong khi con
Lân đang chót vót trên cao giật cây cải xà lách có buộc phong bao
lì xì đỏ chót.
Cũng giống như bao nhiêu gia đình công chức khác, chúng tôi sống
đời êm ả và bình dị giữa thành phố Saigon. Buổi sáng trời còn mờ
sương, tôi hay giành phần ra tiệm bánh bánh mì ở đường Bonard sau
này là Lê Lợi mua về cho cả nhà ăn. Điểm tâm của ba luôn luôn có
ly cà phê khác với chúng tôi là ly ovaltine thơm phức. Tôi vẫn
còn nhớ những ngày Lễ Quốc Khánh 26/10 trân trọng với những cổng
chào trang trí bằng lá cây đủng đỉnh và đèn hoa trước cửa công
sở. Ba dẫn đàn con ra chợ Saigon để xem đoàn xe hoa với biểu tượng
chim bồ câu hòa bình diễn hành từ đường Công Lý đỗ xuống. Ba mua
một chùm bong bóng bay đủ màu và nhiều gói bắp rang thơm lừng phát
cho mỗi đứa. Buổi tối vui vẻ khi về đến nhà vẫn chưa hết, chúng
tôi ôm chiếu cùng ba má và mấy gia đình trong cư xá qua khu đất
trống đầy cỏ của khám lớn khi xưa nằm chờ xem bắn pháo bông, say
sưa với màu sắc và làn gió mát rượi ru chúng tôi thiếp ngũ từ lúc
nào cũng chẳng biết, đến nỗi ba phải bồng từng đứa về nhà.
Thời
cuộc biến đổi, đồng lương công chức không còn đủ để gia đình chúng
tôi sống thoải mái như xưa. Khi có thêm nhiều em ra đời thì thời
kỳ sung sướng của gia đình đã không còn nữa, hết rồi những ngày
lãnh lương ba dẫn chúng tôi đi Chợ Cũ ăn cơm thố, đi Chợ Lớn ăn
tửu lầu. Lâu thật lâu ba mới dẫn cả gia đình đi ăn mì Cây nhãn
là món chị em tôi ưa thích, cũng không còn thường xuyên mỗi tối
chúng tôi đòi ba mua mỗi đứa một ly sữa đậu nành thơm phức với
cái bánh chao béo ngậy. Tội nghiệp các em tôi chúng ra đời vào
thời điểm đất nước không còn cảnh bình yên và gia đình không còn
sung túc. Ba tôi ngoài thời gian ở công sở phải thức khuya, dậy
sớm phụ với má tôi mua hàng về giao cho mối lái kiếm thêm tiền
nuôi đàn con mười đứa. Còn nhớ khoảng thời gian đầu gia đình tôi
phải dọn về khu ngoại ô xa thành phố không điện, không nước. Gặp
chị người làm quá lười biếng, buổi trưa về ăn cơm, ba tôi tự động
xách từng thùng nước giếng đổ đầy lu cho các con dùng mà chẳng
có một lời sai biểu hay rầy rà đến chị ta. Thói quen trưởng giả
còn sót lại ở ba lúc đó chỉ là phải có một món ăn ngọt trước khi
trở lại sở làm sau giấc ngủ trưa. Lần nào tôi cũng hãnh diện giành
phần chạy thật nhanh vào xóm mua khi thì chén chè, lúc là miếng
cốm nếp trước khi ba trở dậy. Lớn lên đi học tôi thường nghe người
ta nói " mưa từ trời rơi xuống " hay " nước mắt
chỉ chảy xuôi ", để nói về công lao của cha mẹ thà chịu đói,
lạnh nhường ấm áp, no bụng cho con mình không hề nghĩ đến ngày
được báo đáp. Thấy ba cực khổ, má nấu thêm chút thức ăn ngon dành
phần riêng cho ông, nhưng lần nào ba cũng kêu tất cả các con cùng
ăn, bầy con ngây thơ cứ nhè món ngon chọc đũa giành hết, ba không
ăn chỉ ngồi nhìn các con cười rồi nói với má : " nhìn các
con xúm xít ăn uống lòng tôi thấy sung sướng, hạnh phúc hơn là
chính tôi ăn ".
Không ai chọn được cửa để mình sinh ra, nhưng chị em chúng tôi
thật diễm phúc có được một người cha như ba. Suốt cả đời tôi chẳng
hề thấy ba tôi đánh đòn hay quát mắng nặng lời với các con, cả
trai lẫn gái. Trong khi đó không ít mấy đứa con nít hàng xóm thường
xuyên bị ba chúng đánh đòn, nhất là mấy thằng con trai, mỗi lần
thấy ba chúng rút sợi dây lưng da ra đánh là tôi bụm mắt không
dám nhìn, vậy mà bọn nó vẫn không sợ, đòn roi khiến chúng lì thêm.
Ba tôi lấy đời sống hiền lành gương mẫu của mình để dạy con cái,
lấy chuyện đời xưa để khuyên con. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, đến bữa
cơm mấy đứa em trai nghịch ngồi ăn không tề chỉnh là ba nhắc chuyện
ngày xưa ba ngồi ăn cơm kiểu như vậy sẽ bị ông nội đánh một cái
văng xa ba thước liền. Đứa em trai nào lì lợm nói không nghe ba
chỉ nói rằng : " Đừng để ba liệt vào hàng " vĩnh bất
tự dụng " có nghĩa là gia đình sẽ vĩnh viễn không sử dụng,
vậy mà các em tôi nhớ hoài câu này. Với mấy đứa con gái để khuyên
chúng tôi siêng học, ba chỉ nhẹ nhàng hướng vào hình ảnh mấy cô
thư ký cùng sở rồi nói : " Còn nhỏ cố học có bằng cấp sau
này giống mấy cô đây làm việc chỉ cần cầm cây viết, nhẹ nhàng.
Nếu không học lớn lên dốt nát, làm phu quét rác hay gánh cái gánh
hàng trên vai đi ngoài mưa nắng cực khổ, vậy các con muốn chọn
cái nào ? "
Miền quê nơi ba lớn lên là vùng đất cụ Đồ Chiểu
mở trường dạy học, tinh thần Nho Giáo và đạo lý Khổng Mạnh bàng
bạc trong nhân gian, có lẽ vì vậy nhân sinh quan của ba tôi ảnh
hưởng phần nào. Lúc nào cũng đề cập trung hiếu tiết nghĩa với đám
con trai. Còn con gái thì phải công ngôn dung hạnh, bên cạnh câu
xuất giá tòng phu là kèm câu nữ sanh ngoại tộc. Vậy mà khi tôi
lấy chồng lúc đưa dâu ba tôi lại rơi nước mắt khóc thương cho tôi
phải lìa xa cha mẹ anh chị em ở nhà người lạ, khiến họ hàng có
mặt cũng ngậm ngùi theo. Ba tôi sống hiền từ không những chỉ với
gia đình mà còn với tất cả mọi người chung quanh. Từ nhỏ cho đến
lớn tôi không hề thấy ba tôi cãi vã to tiếng với hàng xóm hay giận
hờn ai, ba cư xử với bạn bè hết lòng không hề so đo, tranh giành
hay tính toán, vụ lợi khi kết thân với ai. Vì cá tính như thế nên
ba luôn luôn nhận phần thiệt thòi khiến má tôi luôn càm ràm là
vô phúc bởi lúc nào cũng phải lo lắng thay cho ông.Cuộc đời của
ba là tấm gương về lòng nhân hậu và tín nghĩa cho các con soi theo.
Cũng có lúc ba tôi biết được một người bạn xấu lợi dụng lòng tốt
của mình ông chỉ cười coi như nhờ đó khám phá ra khía cạnh thật
của họ và để họ tự thẹn mà thôi, nhưng thói đời hiếm có người như
vậy, bù lại ba tôi cũng có rất nhiều người tử tế quý mến, giúp
đỡ vì thấy ông quá hiền lành, chân thật.
Không là công chức cao
cấp nên ba tôi thoát được cảnh tù tội. Tuy đã nói rằng " Nữ sanh ngoại tộc " vậy mà sau ngày
mất nước, thấy tình cảnh con cháu mình khốn khó ba tôi vẫn dang
tay cưu mang đem thêm gánh nặng chất trên đôi vai của mình không
hề than thở. Tôi vẫn còn nhớ như in dáng còm cõi của ba nửa đêm
giúp tôi mang đồ đạc ra bến xe thăm nuôi chồng. Ba phải xin việc
làm kiếm chút gạo tiêu chuẩn, đồng lương ít ỏi để nuôi sống bầy
con cháu dù tuổi đã ngót sáu mươi, ba cũng làm tài xế chở tôi vượt
đường xa lên tận chốn rừng thiêng nước độc thăm chồng cho tôi tròn
câu " xuất giá tòng phu ". Ngày chị em tôi còn là những
đứa con gái mới lớn, lúc nào ba cũng đích thân đưa đón cẩn thận
mỗi khi có việc đi đâu vào ban đêm. Những ngày vắng chồng, bên
cạnh ba trong gia đình tôi không còn thấy lẻ loi, đơn độc không
chỗ tựa nương trong khoảng tối đen, cùng cực của xã hội.
Rồi cũng đến lúc chồng tôi được thả, thân phận người tù sau
cuộc chiến chắc hẳn quá thê thảm dưới mắt ba tôi. Không biết ba
tôi đã nhìn thấy điều gì thay đổi ở tôi, hoặc trong cung cách cư
xử hàng ngày với chồng, hay là ba chỉ lo xa ? Nhiều lần ba nói
với tôi :
- Ba ghét nhất cái thói lấn lướt, ăn hiếp chồng.
Con là con nhà có giáo dục không được có cái thói xấu đó, cho
dù vào thời nào đi nữa, ba cũng không chấp nhận.
Có lẽ ba tôi
đã nhìn được sự thay ngôi đỗi chủ của nhiều gia đình sĩ quan sau
khi chồng ra tù nên ba luôn luôn nhắc nhở về đạo lý tam tòng tứ
đức với tôi.
Ngày gia đình tôi rời đất nước, tôi thấy dáng ngần
ngại phân vân nửa muốn nói, nửa lại không, bởi cái thuyết " tại
gia tòng phụ, xuất giá tòng phu " vẫn còn đè nặng trong tâm
trí của ba. Cuối cùng ông mới nghẹn ngào nói :
- Hay là tụi con
ở lại đừng đi ! Ba thấy bây giờ chính sách cũng có cởi mở đôi chút
cho mọi người làm ăn lại được rồi.
Con ra đi đến chốn xứ lạ quê
người đơn độc, có việc gì biết lấy ai nâng đỡ, cậy nương.
Lúc ấy tôi mới nhận ra rằng, cho dù tôi đã có chồng con, có lớn
lên hay thậm chí có già đi bao nhiêu tuổi, dưới mắt ba, tôi vẫn
là đứa con gái thưở nào ba gìn giữ, đưa đón trước cạm bẫy, giông
bão cuộc đời.
oOo
Tôi trở về chỉ còn nhìn thấy mặt cha qua làn kính đậy trên quan
tài. Trong đó ba tôi nằm nhắm mắt ngũ giấc ngàn thu. Cho dù đã
xem hàng bao nhiêu lần phim ảnh, đọc hàng trăm ngàn bài viết diễn
tả nỗi đau buồn phải mất cha, tôi đoan chắc sẽ không ai biết được
cảm giác mất mát, đau đớn thật sự nếu chưa từng nếm trải. Ngọn
núi Thái sơn nghe nói đâu đó ở bên Trung Hoa, cũng chưa chắc là
có ngọn núi đó thật sự có thể đó chỉ là một vật thể tượng trưng
vô hạn, vô hình trong thế giới hữu hình. Tùy theo hoàn cảnh của
mỗi người sẽ thấy được ngọn núi Thái Sơn to bao nhiêu, cao như
thế nào trong tâm tưởng của mình đối với công cha. Có nhiều bài
viết để đời ca tụng tình mẫu tử, nhưng để nói về cha thì hình như
không có hoặc là quá ít và không đủ, ngoài một câu ca dao ví công
cha như núi Thái Sơn mà thôi.
Đám tang ba tôi được tổ chức trọng thể đầy nghi lễ. Qua làn hương
khói tôi mường tượng hình ảnh ba tôi đang ngồi mỉm miệng cười một
cách hiền từ, thỏa mãn khi thấy con cháu tề tựu đông đủ, đó là
thói quen của ba. Nhìn đứa em trai xới chén cơm, rót ly rượu dâng
lên cho ba tôi ở trước quan tài đang rưng rưng nước mắt, đám con
cháu khăn tang trắng, lớp lóp quỳ lạy khiến tôi se thắt lòng, lã
chã tuôn rơi giọt lệ khi nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc được
sống bên cha. Hồi đó tôi hay nói với các em về suy nghĩ của tôi.
Lúc cha mẹ còn sống và còn mạnh khỏe thì đừng phạm điều quá đáng
để sau này khi cha mẹ mất đi mình sẽ phải có điều ân hận, dày vò
tâm khảm. Cũng như khi còn sống thì không lo chăm sóc nuôi dưỡng
tận lực, khi chết lại bày ra cúng kiếng vô ích, chỉ dối người,
dối đời. Những hình ảnh về phút giây cuối cùng của ba tôi sẽ đọng
lại, mãi ghi khắc trong tâm tưởng của chị em chúng tôi không bao
giờ phai nhạt. Có lẽ ba tôi rất ấm lòng trong những ngày cuối đời
khi thấy bầy con vây quanh chăm sóc tận tình, thay phiên nhau lắng
nghe từng hơi thở trước lúc ra đi không để mình cô độc lạnh lẽo.
Đôi mắt ông thực sự khép lại khi đứa con thứ mười vượt ngàn trùng
về tới giơ bàn tay vuốt mắt cha với lời thì thầm ba hãy yên giấc.
Ba tôi đã đi hết con đường buồn vui hữu hạn của đời mình, bây giờ
nhẹ nhàng thanh thản về lại quê cũ, bên cạnh phần mộ tổ tiên cha
mẹ như mong mỏi khi còn sinh thời vì các con của ba đã làm đủ mọi
điều như ba ao ước. Lúc sống ba đã vì các con thì khi chết hương
hồn cũng vẫn vì các con của mình. Những trùng hợp xảy ra trong
những ngày tang chế khiến tôi không tin cũng không được là đã có
sự phù hộ của ba tôi trong đời sống của chúng tôi. Dù bây giờ ba
đã vĩnh viễn lìa xa chúng tôi, ngủ yên trong lòng đất, ba vẫn là
bóng núi Thái Sơn râm mát che chở cho đàn con trong gia đình mãi
mãi không bao giờ mất.
Cỏ Biển.
(*) nằm đêm : chuyến xe cuối cùng từ địa phương lên thành phố
buổi chiều phải đậu lại bến qua đêm để sáng sớm hôm sau là chuyến
trở về đầu tiên trong ngày.
|