SỐ 27 - THÁNG 7, NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Bạch phiến
Hoàng Du Thụy
Những trưa nắng cũ để, dành
NNguong
Những tiếng hát bão giông
Phạm Hồng Ân
Áo em ngày cũ
Huỳnh Kim Khanh
Hè xưa
Trần Việt Bắc
Tơ sầu canh thâu
Hoàng Mai Phi
Mong một lần chim gãy cánh phù vân
Tôn Thất Phú Sĩ
Tình em
Maihoado
Mây hạ
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Mùa hè săn đuổi
Thi Vũ
Căn cước tháng tư
Nguyên Nhi
Dạ khúc
Phan Thái Yên
Nhạt màu phố cũ
Song Thao
Nhà tù conex
Nguyễn Hồng Quang
Một cái Tết bị lãng quên
Tầm Xuân
Chùm phượng vỹ
Cỏ Biển
Điện thư
Hoàng Mai Phi
Hành trình về lứa tuổi đôi mươi
Hoàng Quốc Việt
Những bài thơ TTPS
Doãn Quốc Sĩ
Haiku và những cơn nắng hạ, II
Vũ Hoàng Thư

Dịch thuật, biên khảo
Sống thiện chết lành (2)
Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 14
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 21
Huỳnh Kim Khanh


 

Chùm Phượng Vỹ

 

Một mình ngồi dựa lưng vào gốc cây phượng già đang nở hoa đỏ ối, tôi mơ màng nhìn bóng nắng chập chờn len vào cành lá tạo thành những đốm sáng lung linh trên mặt đất mỗi lần có cơn gió thoảng qua. Quanh tôi xác phượng rơi đầy, nhặt lên một bông hoa rụng và xoay tròn bằng hai đầu ngón tay rồi ngắt một đài hoa còn dính vào cuống, tôi vò nhẹ một đầu trước khi đưa lên miệng thổi phồng lên, sau đó đập mạnh vào lòng bàn tay để nghe tiếng nổ lụp bụp phát ra cho vui tai, trò chơi làm tôi nhớ lại vô vàn kỷ niệm của thuở còn là cô nữ sinh áo trắng. Trong khoảnh khắc của yên lặng thời gian dường như lùi lại khiến tôi quên đi thực tại, quên hết những ưu phiền chất chồng theo tháng ngày dâu bể.


1.

Mới đầu mùa hè mà đám ve sầu trên cây phượng ở góc sân thể thao của trường bên cạnh đường Đoàn thị Điểm đã kêu lên inh ỏi. Chưa hết năm Đệ Tứ bọn con gái trong lớp vội ríu rít chọn ban. Mấy nhỏ giỏi Toán cầm chắc trong tay ý định đi ban B, những đứa làng nhàng không xuất sắc môn nào rủ nhau vào ban A bởi chỉ cần ôm quyển Vạn vật tụng niệm là đủ điểm và cánh cửa đại học luôn mở rộng cho hai ban này. Riêng tôi, thấy bà chị học trên tôi một lớp thôi mà đã ốm o gầy mòn như xác ve vì tối ngày phải ôm một đống sách nào Vạn vật, nào Toán, Lý, Hóa mà lải nhải. Chẳng biết sang đến năm thi bà chị tôi có còn đủ hơi để thở hay chăng ? Đầu óc tôi vốn giàu tưởng tượng nên lúc nào cũng chực chờ bay lượn theo đám mây đang trôi bồng bềnh trên trời. Có hôm nhìn qua cửa sổ lóp học thấy đám cưới đang tưng bừng diễn ra bên kia trước cổng chùa Xá Lợi thế là hồn tôi buông thả theo bước chân mấy cô “ áo đỏ sang nhà người khác “ mơ ngày gặp được hoàng tử bạch mã của mình.

Không phải tôi lười học bài bởi vì môn Sử địa và Công dân hầu như không bao giờ tôi đứng ngoài năm hạng đầu trong lớp. Năm Đệ ngũ Vạn vật tôi đã được xếp hạng nhất trong kỳ thi mặc dù chỉ là lần đầu tiên. Tôi chỉ hãi hùng về môn Toán vì đa phần bài kiểm tôi bị xếp bét lóp. Mấy câu định đề, định lý gì gì nữa của ông Thalès hay Pythagore nào đó quá khô khan không hấp dẫn tôi. Thêm nữa, hình như tôi dị ứng với mấy chất xúc tác của môn Hóa học nên tôi không thể cân bằng được phương trình. Có lần để thực hành môn Vật lý ở trường tôi thử nối lại dây điện của cái đèn bàn học bị đứt, kết quả sau khi cắm điện thì một tiếng nổ và khói bốc ra suýt cháy nhà, vì vậy con đường học vấn của tôi chỉ còn lại một cánh cửa duy nhất mở ra mà thôi . Hôm nộp đơn chọn ban cho giáo sư hướng dẫn, cô giáo gọi tôi lên tỏ ý băn khoăn :

- Lớp học hơn năm mươi học sinh, mười lăm em đi ban B, số còn lại là ban A ngoại trừ em và Bạch Vân là chọn ban C. Về phần em Vân cô không lo ngại vì em này vốn giỏi sinh ngữ, riêng em thì cô có phần lo lắng, tuy là em có giỏi về môn Việt văn nhưng môn Anh văn của em không được khá lắm. Hệ số điểm của sinh ngữ trong ban C lại cao nhất trong các môn, chỉ ngang duy nhất có một môn Văn. Nếu em chọn ban này em phải cố gắng học thêm sinh ngữ tối đa .

Người ta nói, năm Đệ Tam là năm dưỡng lão dành sức cho hai năm cuối chuẩn bị thi cử. Mấy đứa bạn tôi chưa nghỉ hè là đã chuẩn bị cho chương trình ăn chơi cho thời gian sắp đến. Riêng tôi, ám ảnh với lời khuyên của cô giáo tôi chẳng lòng nào vui chơi nổi ! Tôi nhại giọng Huế hỏi Bạch Vân :

- Nè, Vân nợ, mi làm răng mà giỏi sinh ngữ như rứa ? Chỉ giùm ta với.
- Mình hỉ, rứa là hè nào ba mình cũng cho đi học thêm từ năm vào Đệ thất mô .

Thì ra là vậy, muốn giỏi là phải đi học thêm ngoài giờ học ở trường, cho nên bắt đầu mùa hè năm nay tôi phải xin tiền đi học thêm trong ba tháng hè. Ba tôi quan niệm con cái phải cố gắng thi đậu vào học trường công lập để gia đình đỡ phải lo đóng học phí hàng tháng, nhưng trong trường hợp này ông cũng đành phải chịu tốn kém cho con mình. Trường dạy Anh ngữ có rất nhiều nhưng tôi vốn nhút nhát và gà mờ nên năn nỉ Bạch Vân học ở đâu cho tôi theo cùng. Rốt cuộc Bạch Vân phải ghi tên học lóp Văn phạm căn bản cùng với tôi mặc dù trình độ giỏi hơn tôi nhiều :

- Chừ học ban C là phải làm luận bằng tiếng Anh, mi chỉ cần học lớp văn phạm nớ là đủ.

Tôi rụt rè theo Bạch Vân đi vào một ngôi biệt thự to lớn chắc của một nhà giàu xưa kia, giờ ngăn ra nhiều phòng và biến thành trường dạy Anh văn. Vì là lớp văn phạm nên nhiều độ tuổi chênh lệch nhau. Lớp học nhỏ hơn ở trường chúng tôi nhiều và trông chật chội vì hai dãy bàn song song chạy dài được ngăn đôi bằng một lối đi vừa đủ cho một người len lỏi thẳng đến trước tấm bảng đen đóng sát vách tường, phía dưới là cái bục gỗ dính liền đầu kia là cái bàn nhỏ xíu trên để lèo tèo hộp phấn cùng cái giẻ lau bảng .

Quen với không khí ngăn nắp và nghiêm trang ở trường, tôi bỡ ngỡ ngoáy nhìn những khuôn mặt ồn ào chung quanh đa số là con trai, đám nữ sinh chiếm mấy bàn đầu của một bên rụt rè ngồi với nhau. Tôi nói nhỏ với Bạch Vân :

- Không có mi đi cùng chắc ta bỏ chạy chứ không dám ngồi học một mình đâu .

Bỗng một thanh niên xuất hiện ở cửa, nếu anh ta không đi thẳng lên bục giảng cầm cái giẻ lau bảng và viết lên đó tựa bài học tôi cứ tưởng người là một anh học trò lớn tuổi trong lớp. Tôi khều tay thì thầm :

- Ê nhỏ, mi trông ông thầy gì mà nhỏ xíu hà, tau chắc chỉ lớn hơn bọn mình chừng vài tuổi .

Qua vài buổi học có dịp quan sát kỹ hơn, một tay chống cằm tôi nghiêng đầu ngắm nghía ông thầy rồi lẩm bẩm bình phẩm :

- Vân nè, mi nhìn xem đôi mắt của thầy có lông nheo dài như con gái hí ?

Bạch Vân gắt :

- Nghe giảng kìa, mi cứ chộ lung tung như ri, làm răng hiểu bài đây ?

Gần hết giờ học, không kềm giữ được suy nghĩ trong đầu khi nhìn ông thầy. Lợi dụng lúc ông thầy quay lưng về phía lớp học tôi cúi mặt xuống quyển tập vừa cười nho nhỏ vừa nói với Bạch Vân :

- Nè nhỏ, ta thấy thầy này trẻ quá mình phải gọi là " anh thầy " mới đúng .

Không biết ông thầy đã quay người lại từ lúc nào, vừa ngẩng đầu lên tôi bắt gặp đôi mắt hóm hỉnh của thầy nhìn thẳng vào tôi, miệng hình như cố giấu nụ cười. Thẹn và ngượng tôi cắm đầu xuống tập cho đến lúc tiếng chuông reo lên.
Ra về tôi hỏi Bạch Vân :

- Ban nãy mình nói nhỏ xíu chỉ vừa đủ cho Vân nghe thôi vậy mà hình như ổng nghe được, thấy mắt ổng nhìn có vẻ chọc quê mình, làm ngượng dễ sợ .
- Cho mi bỏ tật nói lén, răng mi không biết có người chỉ cần nhìn miệng người ta mấp máy là biết người ấy đang nói gì sao ? Lúc đó mọi người im lặng viết bài, mi quên là mi ngồi bàn đầu trước mặt thầy, mi cứ cất giọng oanh vàng như ri đứng chỗ ni răng lại không nghe rõ .

Một tuần ba buổi học rồi một tháng trôi qua, mỗi lần vào lớp học trước khi dạy “ anh thầy “ đứng trước bục giảng đảo mắt nhìn mọi người trong lớp, cuối cùng dừng lại trước mặt tôi mỉm cười, tôi vờ nhìn xuống tập che miệng len lén cười theo .

Buổi trưa, đến trường sớm tôi lên hành lang tầng lầu trên của ngôi biệt thự, cạnh cửa sổ có cành phượng vỹ đang trổ hoa mà tôi đã để ý từ tuần trước, vói tay hái một chùm đẹp nhất tôi giấu vào tà áo dài trắng, vào lớp chỉ lác đác có vài người đến sớm , thấy không ai để ý tôi nhẹ nhàng đặt chùm hoa lên bàn tặng cho thầy và xuống chỗ ngồi chờ bạn đến .

Chuông reo đã lâu vẫn chưa thấy thầy giáo, lớp học đang ồn ào bỗng im bặt khi thấy có hai người tiến vào lớp, người nhân viên trường đứng lên giới thiệu :

- Đây là thầy Phong sẽ dạy lớp Văn phạm thay thế cho thầy Nguyên Nhân đi nhập ngũ .

Trong tôi nỗi niềm thất vọng hình như vỡ òa khiến tôi lặng người đi. Chùm hoa phượng tôi để trên bàn trở thành nhạt nhẽo vô duyên. Giờ tan học xếp tập ra về tôi cố ngoáy nhìn chùm hoa lần cuối, chỉ lìa cành có hai tiếng đồng hồ hình như những cánh hoa đang bắt đầu héo rũ .

oOo

Mùa hè rồi cũng qua mau. Toàn bộ một cấp lớp gần ngàn học sinh chỉ có không tới ba mươi người theo học ban C. Bọn chúng tôi cứ nghe người ta diễn giải lớp Đệ Tam C là gồm ba chữ “ chơi cho chết “ hoặc “ chết cũng chơi “. Quả thật năm Đệ tam là năm “ dưỡng lão “ đúng nghĩa, nhất là với ban C. Bên cạnh Bạch Vân tôi có thêm nhiều bạn mới đồng chí hướng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Gần Tết lớp tôi hình như ăn Tết sớm nhất trường. Mấy đứa giành nhau rủ rê, Lệ Hoa thì bô bô quảng cáo :

- Có bồ tèo nào đi cùng mình dự party của đơn vị ông anh mình không ? Lính mang đôi cánh bạc trấn giữ Tổ quốc Không gian đây .

Con Thái Thanh thì bĩu môi :

- Gớm, làm như rao hàng không bằng. Mũ xanh áo hoa rừng của ta mới oai hùng vừa đánh Đông vừa dẹp Bắc nức tiếng nè .
- Xời ơi, Thủy quân Lục nồi, lục chén chứ báu gì. Nè đi theo tao bảo đảm tụi bây sẽ gặp những chiến sĩ áo trắng hiên ngang lướt sóng mang hoa biển về tặng em cho xem. Ngọc Ánh vừa nói vừa nắm tay tôi kéo đi như sợ bị ai giành mất .

Chiều thứ bảy cuối tuần, bốn đứa trong lớp theo chân Ánh đi dự party. Con đường Cường Để với hai hàng cây cao vút lộng gió làm tà áo dài trắng của chúng tôi bay phất phơ. Qua khỏi Hải Quân Công Xưởng tôi thấy lố nhố, tấp nập sắc áo đủ màu chen lẫn giữa những bộ quân phục trắng toát di động trên bong một chiếc tàu. Tôi theo Ngọc Ánh tham dự party chỉ vì muốn thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình, muốn biết con tàu có gì quyến rũ và cuộc sống những người lính biển thế nào ? Sao lại tạo nhiều nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ, thi sĩ đương thời như vậy. Mặc dù đã là một cô nữ sinh trung học đệ nhị cấp nhưng dường như thời gian không làm cho tâm hồn tôi lớn lên bao nhiêu. Tôi vẫn còn là một con bé nghịch ngợm, thích trêu chọc người khác, dễ xúc động nhưng mau quên, dễ vui và cũng dễ buồn. Tôi được biết, buổi tiệc được tổ chức để các Sinh viên sĩ quan chung vui với gia đình trước khi lên đường sang Mỹ tham dự huấn luyện. Trong khi mọi người cùng dìu nhau theo tiếng nhạc, tôi nhẹ nhàng len lén một mình rời bàn tiệc bước ra sàn tàu đi dọc theo bên hông, đứng ở đó ngước nhìn bầu trời đêm lấp lánh những vì sao, gió thổi ào ạt từ mặt sông mang hơi lạnh xuyên qua tà áo mỏng thấm vào từng thớ thịt làm tôi rùng mình. Vội bước vào bên trong suýt chút nữa tôi va phải một sinh viên sĩ quan đang nắm tay một cô gái bước ra nhưng anh ta lại vội vàng lên tiếng xin lỗi trước .Ánh sáng vàng vọt từ bên trong hắt ra soi rõ cho tôi thấy mặt người vừa nói. Tôi bỗng sửng sốt và ngẩn ngơ một lúc vì quá bất ngờ khi nhận ra khuôn mặt người đó là "anh thầy", hóa ra thầy đã gia nhập binh chủng Hải Quân từ dạo ấy. Thời gian trôi qua việc học bận rộn đã khiến tôi nhanh chóng quên đi tất cả. Có phải những tình cảm đẹp trong sáng, thánh thiện và giàu mơ mộng chỉ có trong thời cắp sách, bởi vì nó mới tinh khôi với tất cả rung động đầu đời nhưng tiếc thay hiếm khi duy trì được lâu. Giống như cơn gió thoảng qua lặng lẽ tan vào hư vô .

2.

Không ai ngờ được rằng mình đã sống ngần ấy năm sau cuộc đổi đời. Tôi cũng vậy, rồi cũng phải gắng thích nghi với mọi thứ chung quanh cho dù miễn cưỡng. Dạo sau này vì người ta vượt biên nhiều quá, hầu như tất cả những người trí thức nếu không bị kẹt lại trong các trại tù cải tạo của Cộng sản đều đã ra đi. Vào trường học, bệnh viện thấy vắng dần các khuôn mặt quen thuộc. Mọi người dường như ngầm bảo nhau chỉ cần có đủ tiền cho một chỗ trên ghe vượt biên là họ ra đi bất kể nguy hiểm sống chết hay tù tội .

Cuối cùng thì chính quyền phải thừa nhận là đất nước đang trong tình trạng " chảy máu chất xám ", vội vàng " sửa sai " bằng cách không còn ép buộc hay xô đuổi những người được thả từ trại cải tạo phải đi vùng kinh tế mới hoặc hồi hương về quê như trước kia. Để cải thiện đồng lương vốn dĩ có cũng như không, họ ban hành chế độ mới cho phép các xí nghiệp, bệnh viện, trường học kinh doanh ngoài giờ để thu tiền thêm với giá cao để chia chác nhau ; việc này được gọi là “ ba lợi ích “, nhưng người ta thường gọi kèm theo “ bốn lợi nhuận “ bởi nếu công việc dù có ích nhưng không thu được lợi nhuận thì sẽ không ai thèm thi hành.

Cứ mỗi lần vượt biên thất bại, tôi lại trở về với tâm trạng chờ đợi chuyến đi mới, công ăn việc làm đối với tôi chỉ là tạm bợ. Có lẽ nhìn thấy vẽ chán nản của tôi lúc xếp lại chồng hồ sơ sau khi cập nhật xong các phiếu xuất nhập chị Loan làm cùng phòng hỏi tôi :

- Đi làm về buổi tối Kim Phượng có rãnh không ? đi học cùng với mình cho vui .

Tôi gương mắt nhìn chị ngạc nhiên hỏi lại :

- Đi học ??
- Ừ, đi học Anh văn ban đêm .

Tôi bỗng nhớ rằng mình đã không cắp sách đến trường lâu lắm rồi, có lẽ trên mười năm kể từ ngày đất trời đổ sụp. Mười năm biến đổi tôi từ một cô gái trẻ trung đôi mươi yêu đời trở thành một “ bà cô “ nửa chừng xuân, gương mặt lúc nào cũng buồn thiu, ưu tư vất vả vì cuộc sống. Tôi không màng đến thời gian, tuổi trẻ hay tình yêu tuy rằng chung quanh tôi không thiếu những thanh niên đồng trang lứa làm việc chung. Có lần tôi nói với chị Loan khi thấy chị sửa soạn đi thăm chồng là sĩ quan bị tù cải tạo :

- Cho em theo với, em lên đó tìm một ông để đi thăm nuôi cho đỡ buồn .
- Con nhỏ này coi bộ khùng rồi ta ơi !!
- Em nói thật mà, hay là chị nói với anh ấy giới thiệu cho em một ông bạn tù của ảnh giùm .

Chị sờ trán tôi và nói :

- Nhỏ này nó đâu có nóng đầu sao lại mê sảng vậy kìa ! Mỗi lần nhận được giấy cho thăm nuôi là phải bán đồ đạc mới có tiền đi thăm, khổ muốn chết mà nó đòi nhào vô .

Tôi cười cười :

- Chị không thấy em đang buồn vì ế chổng gọng sao,
- Tại em kén chọn quá, đám thanh niên thì chê là con nít, còn mấy tay kỹ sư cán bộ thì chê là môi thâm, răng vẩu .

Nhún vai tôi quay đi :

- Em thà mang tiếng ế chứ không thèm cán cuốc, Saigon hết đàn ông tốt rồi .

Vậy mà cũng có ngày chồng chị được ra tù, vừa được thả là chị đã lo cho anh đi vượt biên ngay .
Tôi nói :

- Chị đang chờ giấy tờ bảo lãnh đi Mỹ của chồng nên cần đi học tiếng Anh, còn em chẳng biết tương lai ra sao đi học làm quái gì !
- Thì đi để đỡ buồn trong khi chờ đợi chuyến khác, với lại nếu may mắn được tàu Mỹ vớt thì trên ghe còn có người nói được chút ít tiếng Anh .

Tôi bĩu môi cười chế nhạo :

- Trời ơi, chưa đi được đã lo chuyện tàu Mỹ vớt,

Cuối cùng thì chị cũng rủ rê được tôi đến trường. Nhờ chuyện " ba lợi ích " nên các trung tâm lóp đêm bắt đầu mở ra ì xèo. Đủ thứ môn học, võ thuật, ngoại ngữ đến lớp đàn guitar, lớp cắt may, y tế gia đình, ngay cả châm cứu bấm huyệt. Hình như thầy dạy chỉ cần viết được giáo án, cho thấy có khả năng trong môn dạy và nhất là quen biết với Phòng giáo vụ của trung tâm là có chỗ dạy ngay bởi trí thức có bằng cấp của chế độ trước năm mất nước nhất là ngoại ngữ hiếm như mặt trời mùa đông. Tuần lễ đầu tôi và chị Loan cùng học lớp cô Minh Thy dạy, tôi mới biết mình tuy đã lâu không cầm tập vở nhưng mọi thứ chưa hẳn đã quên hết. Lật sơ quyển sách Anh văn tôi thấy mình sẽ phí phạm thì giờ và dễ chán vì trình độ lớp quá thấp vì vậy tôi bèn lên phòng giáo vụ xin được chuyển qua lớp khác .

Khi tôi đến lớp thì chuông reo báo hiệu giờ học từ lâu, thầy giáo đang viết về một thì trong bài văn phạm và đứng quay lưng về phía lớp học. Tôi len lén vào lớp, ngồi ghé xuống bàn học cạnh cửa sau và lật tập ghi tựa bài. Ngẩng đầu tôi bắt gặp một khuôn mặt gầy với vầng trán nghiêm nghị trông có vẻ quen thuộc nhưng không nhớ là đã gặp ở đâu. Nhìn thấy tôi thầy gật đầu chào, giơ tay nói với lớp :

- We have a new friend, please tell us your name .

Tôi lúng túng đứng dậy giới thiệu tên mình, lâu rồi không đụng đến chữ nghĩa tuy vậy tôi cũng vẫn còn nhớ chút ít và đủ khả năng đối đáp vài câu hỏi của thầy liên quan đến việc học .

Phải mất một tuần lễ đến buổi học thứ ba biết được trọn vẹn tên thầy tôi mới nhớ ra thầy là ai. Ban đầu học sinh chỉ gọi một chữ cuối của tên thầy nên tôi không tài nào nhớ được mình đã gặp thầy khi nào. Bây giờ mọi thứ như cuộn phim dĩ vãng quay lại trong tâm tư tôi. Chính là "anh thầy" của thuở xưa kia gần mười lăm năm trước. Trái đất tròn cho tôi phút giây hạnh ngộ nhưng mọi thứ đã thay đổi. Tôi không còn là một cô nữ sinh vô tư, nghịch ngợm và thầy cũng không còn là chàng trai trẻ năm xưa. Nhưng những cây phượng vỹ của Saigon ngày trước lại không hề thay đổi, chúng vẫn đều đặn mỗi năm nở những đóa hoa báo tin mùa hè lại đến .

Buổi tối đến lớp, thời gian nghỉ giữa giờ học tôi hay lang thang một mình băng qua khoảng sân trống vắng. Kiến trúc của các trường học xây dưới thời Pháp thuộc hình như đều giống nhau, sân trường nào cũng được điểm trang bằng những cây phượng vỹ. Những dãy lớp cổ kính, hai tầng với mái ngói, tường rêu bao chung quanh cái sân rộng làm tôi nhớ nhung ngôi trường cũ, tưởng như mình đã trở về lại trường xưa là cô nữ sinh trung học ngày ngày leo lên những bậc thang lầu bằng gỗ, bên tai tiếng guốc khua ròn rã khuấy động những tình cảm đã từ lâu im ắng trong tâm tư .

" Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu …
Chùm phượng vỹ em cầm là tuổi thơ mười tám còn hoài trong vở ...” (*)

Tiếng đàn hát của lớp dạy nhạc bên cạnh vọng qua làm tôi nhớ đến chùm phượng vỹ năm xưa. Lần đó thầy đã không nhận được chùm hoa tôi tặng, lần này tôi hồi hộp chờ đợi chuông reo báo giờ vào lớp, bóng thầy xuất hiện ở ngưỡng cửa làm tôi thở phào nhẹ nhõm. Thầy ngạc nhiên khi nhìn thấy chùm phượng vỹ trên bàn, cầm lên và hỏi :

- Chùm hoa này của ai ?

Những đôi mắt nhìn nhau ngơ ngác thay cho câu trả lời. Cuối giờ học, một tay ôm sách tay kia thầy trân trọng cầm chùm hoa phượng ra khỏi lớp. Những buổi học kế tiếp khi vào lớp thầy đã thấy ngay một đóa hoa phượng đặt sẵn trên bàn và vẫn không có ai nhận mình là tác giả, thầy chỉ biết mỉm cười thốt lên hai tiếng “ cám ơn “.

Một hôm đi học về anh tôi cho biết người của tổ chức vừa ghé qua nhắn tin bảo gia đình đừng cho tôi đi đâu xa thành phố, chuyến vượt biên sắp sửa khởi hành vì chủ tàu đã tìm được tài công chỉ còn chờ mua xong bến bãi là xuất phát .

Giờ nghỉ giải lao, thấy thầy một mình đứng dựa hành lang nhìn xuống sân trường hút thuốc, tôi đánh bạo kéo chị Loan cùng tiến đến gần nói với thầy :

- Thưa thầy cho em hỏi cái này, có phải hồi xưa thầy đi lính Hải quân. Lúc em đi dự party trên một chiếc tàu ở bến Bạch Đằng em có gặp thầy .

Dụi tắt điếu thuốc thầy nhìn tôi nói :

- Em có người thân đi lính Hải quân thời gian đó à ?
- Dạ không, em đi theo nhỏ bạn thôi, lúc đó em gặp thầy đi với một cô đẹp lắm .

Tôi thấy thầy cười làm tính nghịch ngợm của tôi nổi lên, tôi trêu :

- Thầy biết không, lúc đó em thấy thầy mặc lễ phục của Hải Quân trông đẹp trai hết sẩy luôn. Nhỏ bạn em nói nó mê anh bồ chỉ vì thích bộ đồ trắng của Hải Quân thôi .

Chị Loan lúc này mới chen vào :

- Ông xã nhà tôi cũng đi lính, xin phép hỏi thầy đã được mấy cháu rồi .

Cười nhẹ thầy nói đùa :

- Tôi vẫn chưa có gia đình, bây giờ đâu ai thèm lấy ngụy quân .

Chuông reo báo giờ nghĩ chấm dứt, chị Loan đi nhanh về lớp, tôi và thầy đi chầm chậm phía sau, đột nhiên thầy hỏi tôi :

- Em có biết ai đã tặng cho thầy chùm phượng vỹ mỗi buổi học không ?

Tôi bối rối im lặng lắc đầu, thầy nói tiếp :

- Thầy rất cảm động khi nhận được những đóa hoa này, thấy hoa là thấy hình ảnh thời cắp sách vô tư và thánh thiện, thời đó dường như vẫn còn mãi trong ta .

Có lẽ hôm nay là buổi học cuối cùng của tôi. Sáng mai có người đến đón tôi đi Cần thơ, tôi sẽ phải ở lại đây nhiều ngày chờ chuyến vượt biên. Có thể tôi trở về và cũng có thể tôi sẽ ra đi mãi mãi không hẹn ngày về, tất cả không ai đoán trước được. Như lệ thường, tôi vào lớp rất sớm để đặt lên bàn thầy chùm hoa phượng nhưng lần này tôi lại đặt thêm một bông hoa phượng trên bàn học ngay trước mặt tôi. Chắc chắn thầy sẽ biết tôi là chủ nhân của chùm phượng vỹ thầy nhận được mỗi khi đến lớp bởi tên tôi trùng với tên hoa .Tôi sẽ nhắc với thầy tôi chính là cô học trò nghịch ngợm gọi thầy là " anh thầy " của những ngày hè năm xưa .

Hình như giữa tôi và thầy có một khoảng cách vô hình khiến những điều muốn nói không thể nói ra bởi muộn màng. Buổi học cuối cùng của tôi thầy không đến dạy. Ngồi học với người thầy mới mà mắt tôi chỉ đăm đăm nhìn ra cửa lớp ngóng chờ dù thừa biết là vô vọng.

oOo

Hai ngày núp trên chiếc tam bản " tắc xi ", đến nửa đêm tôi mới leo lên được con " cá lớn ", nó giống chiếc ghe đánh cá bằng cây tôi thường thấy ở bãi trước Vũng Tàu. Chủ tàu dồn hết đàn bà con gái xuống khoang khi ngang qua trạm biên phòng, hầm tàu chật nức người lớn con nít, khiến tôi ngộp thở. Mấy ngày chờ đợi trên ghe ăn ngủ không yên khiến đầu óc tôi căng thẳng, tay chân rũ liệt. Ra đến biển lại thêm bị sóng nhồi nên tôi nằm mẹp không nhúc nhích trong trạng thái mơ hồ nửa mơ, nửa tỉnh. Chỗ tôi nằm gần phòng máy nên đầy vết dầu và nước ướt mem, người ngợm mặt mày đầu cổ tôi chắc trông dị hợm lắm, tôi nhưng không hề quan tâm chuyện dơ bẩn miễn là để cho bọn hải tặc khi trông thấy chê bai thôi. Tiếng máy chạy đều đều, nghe mấy người đi chung nói, chủ tàu kiếm đâu được tài công trước kia là sĩ quan hải quân duyên phòng có đi học bên Mỹ nên cầm lái giỏi và rành mạch đường đi nước bước. Tin tức đưa xuống hầm ghe ; chủ tàu cho mọi người được lên khoang trên để thở vì ghe đang chạy ngoài hải phận quốc tế với mục đích là đón tàu buôn cứu vớt trước khi tìm ra đảo .

Phải hai người phía trên nắm tay kéo tôi mới leo lên khỏi khoang ghe. Múc một gáo nước biển rửa sạch mặt mũi tay chân tôi thấy mình tỉnh táo hơn. Biển êm, tôi ngồi trên sàn đưa mắt nhìn chung quanh. Khi nhìn về phía tay lái tôi trông thấy một khuôn mặt quen quen sạm nắng đen thui, tôi dụi mắt hai ba lần để nhìn cho rõ, tôi bổng kêu to vì mừng rỡ

" Anh thầy, anh thầy " .

Cỏ biển

(*) Thơ Đỗ Trung Quân