Tâm thức tục tồn (the mind continues)
Không còn phải và trái
Vì những điều ấy đã bị vượt qua
Vượt qua rất xa
Allen Ginsberg
Chết giống một giấc ngủ. Bardo (trung ấm) giống như một giấc mơ
giữa cái chết và một đời sống khác. Rồi chúng ta thức dậy. Khi tỉnh
dậy, nếu chúng ta may mắn chúng ta sẽ ở một nơi đẹp đẽ, một vùng
tinh khiết an lành, hoặc một gia đình loài người. Cũng có thể chúng
ta chấm dứt ở một nơi nào đó, nơi mọi vật đều bị đốt cháy-- mặt
đất đang cháy, các bức tường đang cháy, những dẫy núi bốc cháy,
các khu rừng bốc cháy, hàng trăm ác cơ đất đai đang cháy, và chúng
ta đang ở ngay nơi trung tâm. Có thể như thế. Mọi sự đều có thể,
dầu chẳng có gì là vĩnh viễn.
Trung ấm giống như một giấc mơ. Chúng ta có thể nghĩ rằng bất cứ
điều khổ đau nào chúng ta gặp trong giấc mơ là không thực; chúng
ta nói “ đó chỉ là giấc mơ.” Nhưng chúng ta trải qua sự đau đớn,
rất đau đớn. Và cả sự vui sướng nữa, khi chúng ta có một giấc mộng
lành. Điều đó là thực. Nếu bạn nằm mơ thấy mình bị đau bụng, điều
ấy cũng thực.
Khi bạn tỉnh dậy sau cơn mơ và nhìn trở lại, giấc mơ tan rồi; nó
đã thuộc thời quá khứ. Bất cứ điều gì thực hay không, nó cũng chỉ
là giấc mơ, và nó đã qua đi, đúng không? Điều khôi hài là khi chúng
ta chết, khi chúng ta bị chết thật sự rồi, và chúng ta nhìn trở
lại cuộc đời mình, nó cũng giống như một giấc mơ. Tốt hay xấu, bất
cứ điều gì đã xẩy ra thì cũng đã qua. Nó giống như chúng ta vừa
từ trong giấc mơ bước ra và nhìn trở lại. Tất cả mọi dầy vò khổ
đau, vui buồn, tất cả—chậc—qua rồi. Tốt hay xấu cả hai cũng giống
như một giấc mơ và đã trôi qua rồi.
Sự tan rã cuả các thành tố
Cái gì là ý nghiã cuả câu nói này “Tôi đang sống?” điều ấy có ý
nghiã như thế nào đối với bạn? Mọi người sẽ cho tôi tên họ cuả họ,
lưu ý tôi nghề nghiệp cuả họ, ngay cả họ nói rằng họ có một thể
xác. Tôi thấy một sự khôi hài để nhìn vấn đề. Tôi luôn nghĩ rằng
khi con người bước chân vào đời sống, là lúc họ mang theo cái vũ
trụ nhỏ nhoi cuả họ và nối kết vào đại vũ trụ. Tôi nhìn đời sống
như một thể thống nhất kết hợp-- sự kết hợp giữa thực thể vật chất,
cái mà tôi gọi là cơ thể, và tôi, hoặc đúng hơn, tâm thức tôi(my
mind). Nếu thực thể vật chất không còn bị tâm thức chiếm hữu nữa,
không còn sự sống. Sự chia tay giữa thân thể và tâm thức đựơc gọi
là cái chết.
Đời sống hoạt động ra sao? Thể xác được tạo nên bằng các vật liệu
di truyền từ ông cha ta truyền lại và rồi sau đó chúng ta lại truyền
lại cho con cháu mình. Đó là căn hộ tạm, một căn phòng trong chung
cư mà chúng ta vô tình vào ở.
Thể xác đựơc tạo ra bằng 4 yếu tố—Đất, nước, lửa và không khí.
Thịt, xương và các dây thần kinh là từ đất. Những chất lỏng trong
cơ thể là từ nước. Độ nóng dùng để vận hành tiêu hóa là từ lưả.
Thở là sự chuyển đổi cuả không khí. Khi các yếu tố này cân bằng,
chúng ta không bị đau đớn khó chịu, chúng ta bảo chúng ta khoẻ mạnh.
Khi các yếu tố này mất quân bình, một thành tố trở thành yếu hơn
các thành tố còn lại, chúng ta cảm thấy khó chịu hoặc đau đớn trong
cơ thể và điều ấy có thể ảnh hưởng tới tâm thức chúng ta.
Chết là sự chia lìa-- sự đứt đọan. Trước khi chết, thời gian có
thể kéo dài nhiều tuần hay thậm chí nhiều tháng, thành tố đầu tiên
ra đi là đất. Khi thành tố này yếu dần, chúng ta có ảo giác cuả
nước--làm như thể chúng ta luôn nhìn thấy nước dầu rằng không đâu
có nước cả. Môt số người khác thì cảm thấy họ đang bị nước buả vây.
Một phụ nữ nói với tôi rằng khi mẹ bà ta chết, bà than trách cả
tháng là tai sao để nước chẩy vào phòng cuả bà, chẩy dưới nệm, khắp
nơi--mà thực ra chẳng có chút nước nào cả. Đó là chỉ dấu đầu tiên;
nó có nghiã là thành tố đất đã chia lìa khỏi bạn và thành tố nước
trở nên thắng thế.
Khi thành tố nước đoạn tuyệt, thành tố lửa trở nên mạnh mẽ và bạn
sẽ nhìn thấy khói, như thể không khí quanh bạn tràn ngập khói, như
thể căn phòng đang chứa đầy những người hút thuốc hoặc đầy khói
nhang. Một người đàn ông than vãn với tôi rằng trứơc khi ông ấy
chết phòng ông ta đầy khói. Vị bác sĩ bảo,” Quên chuyện ấy đi. Đó
chỉ là ảo giác thôi.” Thành tố lửa đã nắm quyền.
Rồi thành tố lửa chấm dứt và các màn khói được thay thế bằng các
tia lửa điện, như thể bạn đang liệng những cục than hồng lên không
trung. Giờ đây các thành tố đất, nước và lửa đã ra đi, tất cả chỉ
còn lại không khí. Khi yếu tố cuối cùng này đứt đọan, bạn sẽ chỉ
còn nhìn thấy ánh sáng cuả một cây đèn cầy phản chiếu-- như thể
có một cây nến ở một nơi nào đó phía sau lưng bạn, ánh sáng cuả
nó lay lắt trong đêm đen. Tất cả các thành tố ngoại vi giờ đây hoàn
toàn đoạn tuyệt. Khi thành tố nước ra đi, đôi môi bạn khô bỏng.
Khi thành tố lửa mất, bạn mất dần hơi ấm. Khi thành tố không khí
mất, bạn ngừng thở, và trái tim bạn không còn đập nữa.
Sự tan rã nội vi và trạng thái trầm tử
Giờ đây hệ thống nội vi bắt đâu phân rã. Trước thời điểm này phần
thể xác đã chết, nhưng phần thần thức (consciousness) vẫn còn tồn
tại vì sự phân rã toàn bộ nội vi chưa xẩy ra. Những vi lượng không
thể hủy hoại được, những tinh túy nhận được cuả cha mẹ khi mẹ vừa
thụ thai lúc này bắt đầu chia lià. Khi tinh túy cuả cha đoạn lià
bạn sẽ nhận ra vật hình tròn như mặt trăng, phản chiếu ánh sáng
trắng. Rồi khi mầu trắng thay qua mầu ráng đỏ, chỉ dấu tinh túy
cuả mẹ cũng chia lià. Sau đó bạn chìm vào đen đặc. Cái đen đặc ấy
thực sự đến như thể từ một chấn động vì bạn vừa mất đi cả hai thành
tố ngoại và nội vi và các vi tế tinh túy cuả cha mẹ. Cơn sốc đưa
bạn vào đêm tối giống như khi bạn bị ngất, bất tỉnh. Bạn sẽ cảm
thấy ngộp thở tựa hồ bạn muốn chui ra khỏi thân xác cuả mình. Đó
là giai đoạn chết, giai đoạn này rất ngắn. Đó là khoảng thời gian
tĩnh lặng mà con người có khả năng dọn dẹp những chướng ngại cuối
cùng để trở thành giác ngộ.Người ta có thể nhận ra rất rõ ràng vào
giai đoạn này mặc dầu trái tim người chết đã ngưng đập và hơi thở
đã dứt, thần thức vẫn còn lẩn quẩn bên phần xác. Chưa có dấu hiệu
cuả sự phân rã và nước da vẫn còn hồng mầu bình thường. Ngay sau
khi thần thức lìa xa, nước da trở thành tái xanh, hai bên thái dương,
đôi mắt và gò má hóp lại. Có thể cả hốc mũi và các cơ quan bài tiết
khác.
Cha tôi mất trong giai đoạn cuối cuả cuộc Cách mạng văn hóa ở Tây
tạng, giữ nguyên trạng trong 15 ngày. Thầy tôi và vị phụ giáo cuả
Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ling Rimpoche, giữ nguyên trạng trong 14 ngày,
và vị phó phụ giáo cuả Đức Đạt Lai Lạt Ma, Trijang Rimpoche, trong
vòng 32 tiếng đồng hồ.
Chết là khoảnh khắc rất nhậy cảm
Một số người nghĩ rằng chết là một điều kỳ thú, bởi vì trước hết
đó là một tiến trình tự nhiên.Điều đó có vẻ thật, nhưng không phải
luôn luôn là đẹp đẽ đâu. Khoảnh khắc tử vong là khoảnh khắc rất
nhậy cảm. Chúng ta tan biến đi, mất đi toàn bộ các giác quan, từ
các đầu ngón tay, bàn tay, cánh tay, tứ chi. Chúng ta rút dần, lùi
dần, cho đến giây cuối cùng ngay cả hạt giống mà cha mẹ ta gieo
trồng rơi vào hố thẳm. Sự nhậy bén cuả chúng ta đạt đến điểm đỉnh
cuả nó trong giây phút ấy.
Tôi đã kinh nghiệm trong một lần, một người, khi tôi không hay
biết cho tôi một ít lá Hashish có tên gọi là Bhang. Chất này được
bỏ trong một loại kẹo Ấn độ dùng trong các bữa điểm tâm trong nhà
cuả các thương gia. Có một vị bác sĩ người Tây tạng cùng hiện diện
trong bữa ăn với một số bộ trưởng lão thành trong chính phủ. Thương
gia này nói “ Ông Rimpoche, ông phải dùng thử loại kẹo này.” Và
tôi hỏi lại “ Tại sao?” ông bảo, “ Đó là một ơn phước, Prasad.”
Nếu ông nói không với Prasad, có nghiã là ông nói không với Thượng
đế vậy.” Hai vị bộ trưởng lập tức từ bàn ăn đứng lên và nói “Ồ,
được , đựơc, chúng tôi sẽ dùng Prasad sau vậy,” và bỏ đi. Tôi không
hiểu tại sao. Vị bác sĩ cũng cầm lấy một cái kẹo, nhưng thương gia
này bảo “ Thôi đừng đưa thêm cho ông ta nữa-- ông ấy còn phải khám
cho bịnh nhân.” Tôi thắc mắc không biết tại sao ông ta lại nói như
thế, nên cũng ăn thử một ít. Kẹo rất ngọt, và tính tôi vốn khoái
đồ ngọt.
Khoảng một hai tiếng sau, mọi vật đều trở nên chói lòa và tôi có
thể nghe rất rõ những tiếng động rất nhỏ tựa như chúng đã đựơc khuếch
âm lên hàng ngàn lần. Những vị khách nói chuyện bên phòng kế bên
cứ như thể họ đang nói chuyện sát bên tai tôi vậy. Sự nhậy bén trở
nên cực mạnh, cơ hồ nếu có ai giựt nước trong cầu tiêu lúc đó tôi
sẽ có cảm giác như người ấy đang xối nước vào tai tôi vậy.
Tương tự như thế, sự nhậy bén cuả khoảnh khắc tử vong cũng được
khuếch đại lên hàng ngàn lần. Bạn đang rút dần, lùi dần ra khỏi
phần thể xác, cho nên sự nhạy bén cuả phần tinh thần tăng lên. Lúc
ấy có thể có sự đau đớn lớn lao. Bạn có thể cảm nhận mình đang bị
chôn vùi dưới đống đá chuồi, hoặc đang trong trung tâm một con chốt
xoáy lớn, hoặc đang bị chết chìm. Thần thức vẫn còn hiện diện, nhưng
rất tinh tế đến nỗi ngay cả những thói quen cảm xúc cũng không còn
nữa. Dầu rằng những thói quen này trở nên tiềm sinh trong suốt thời
gian siêu thoát, chúng sẽ xác định dòng sống mới của bạn.
Bardo (Trung Ấm)
Không có thể nói một người chết, mà chỉ có xác chết. Thần thức
cuả tôi, nó đến từ kiếp trước, ở lại trong tôi trong đời hiện tại
và rồi tiếp tục cuộc hành trình vào cuộc đời tương lai cuả tôi,
không có hình tích, ngoại trừ trường hợp tôi là một người có công
phu tu tập cao, không có hồi ức. Hình tích không tồn tại nếu không
có thời điểm dùng để đối chiếu, đựơc đặt tên, có danh tính, hoặc
những sự kiện làm nền để ghi dấu. Bởi vì nhận dạng thay đổi luôn
luôn, tôi là ai hoặc tôi có thể là ai, thực ra không là vấn đề.
Trong khoảnh khắc tôi tách rời thân xác, cái được gọi là “ tôi”,
chủ thể mà tôi dùng để gọi nó không còn nữa. Nó đã tách ra khỏi
tôi; nó trở thành cái thân xác đã chết rồi. Cho tới lúc ấy, thân
xác tôi còn qúi giá hơn chính tôi. Tôi giữ gìn nó, chăm sóc nó,
và ngay cả một chút đau đớn cũng không chịu nổi.
Thần thức di chuyển ra ngoài vì thân xác đã trở thành vô dụng. Lúc
ấy trung ấm hướng dẫn đi tái sinh. Nó giống như một sự chuyển đổi,
hoặc một sân ga mà ở đó bạn sẽ chuyển sang một chuyến tầu khác.
Khi chúng ta chết, làm cách nào để chúng ta chuyển từ đời này sang
bardo (trung ấm) và rồi từ bardo sang đời sống khác? Cái gì chuyển
hành? Cái thực sự chuyển hành là sự tồn tục rất tinh tế cuả chúng
ta, một loại thần thức rất tinh tế ( very subtle mind), một loại
năng lượng tinh tế tựa như không khí vậy. Nó vô hình, vô dạng, không
chứa đựng ngay cả những dạng năng lượng thông thường. Nó không thể
nắm bắt đựơc, nó còn tinh tế hơn cả những loại hạt nguyên tử hiện
tìm đựơc. Khoa học hiện nay chưa có khả năng đo lường được nó.
Cái tiếp tục đi xa vượt qua khỏi cả những nhân dạng tích cực hay
tiêu cực: thần thức cuả người đã chết là trung hòa không còn phân
chia đạo đức hay không đạo đức. Đó là cái rời bỏ thể xác và sớm
muộn gì, trong cuộc đời kế tiếp, nó lại đảo ngược tiến trình cuả
sự dứt đoạn đã xẩy ra trong giai đoạn tử vong. Nó đảo ngược lại
điều ấy, và thần thức bắt đầu khoác một hình thức mới, nhận biết,
và cuối cùng thành một nhận dạng.
Nghiệp, hoặc mô hình hành động mà bạn đã tạo nên trở thành một ấn
bản, nó sẽ đi theo cùng bạn. Ấn bản này giống như hình ảnh cuộc
đời được thu nhỏ lại thành các dấu vết cực nhỏ. Nó tinh tế hơn cả
hồi ức và không thể nhìn thấy được. Nó được lưu trữ lại, chỉ nổi
lên bề mặt khi hội đủ điều kiện.
Trong thời gian trung chuyển, con người mang dáng vẻ trưởng thành
mà họ sẽ có trong cuộc đời sắp tới. Nhưng lúc này họ chưa có phần
thân xác. Những hình nhân (hồn ma – Beings) này có thể nhìn thấy
nhau, nhưng chúng ta lại không thể nhìn được họ, bởi vì chúng ta
có thân xác. Đó là nơi tấm màn đã đựơc kéo xuống.
Bản chất cuả trung ấm là không bị hạn chế trong các chuyển động
cuả mình. Bạn vẫn còn hình thể, nhưng nó là thể phách (mind-body),
cho nên nó dịch chuyền vô giới hạn. Bạn muốn đi đâu tùy ý, nó có
thể là một cuộc đi hoang. Ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ, người
ngoài không thể nhìn hoặc nghe được bạn. Bạn mất khả năng giao tiếp
cuả con người sống đang sử dụng.
Đôi khi vong (bardowas) nghĩ rằng mình vẫn còn đang sống. Họ không
biết rằng mình đã chết. Họ có thể nhìn thấy bạn bè hoặc những người
thân yêu đang gào khóc, và họ có thể tiến lại gần để an ủi họ. “
Này! Này , đừng khóc than nữa. Tại sao lại khóc?.” Nhưng người sống
không trả lời và điều này làm họ tức giận. Họ có thể đến ngồi lại
chỗ ngồi quen thuộc nơi bàn ăn, nhưng họ lại thấy một người khác
ở đó. Họ không đựơc tiếp đồ ăn và rồi thắc mắc: “ta đã làm điều
gì? Tại sao họ không thèm để ý đến ta? “Trung ấm rất nhậy cảm, và
đời sống trong giai đoạn trung ấm này rất mong manh. Một chút gì
đó làm họ tức giận cũng có thể tiêu diệt họ và đẩy họ vào một đời
sống khác trong trung ấm. Đó là những khỗ đau cuả giai đoạn trung
ấm.
Không phải ai cũng kéo dài thời gian trung ấm. Một số người có thời
gian rất ngắn; một số phải lập lại thời gian này 7 lần. Thời gian
tối đa cho một trung ấm là 7 ngày. Mỗi lần chết đựơc gọi là tiểu
vong (small death). Thời gian tối đa cho một con người duy trì trong
tình trạng trung ấm là 49 ngày. Sau 49 ngày các vong tái sinh
Đây là một khả năng cuả cái chết. Còn hai khả năng khác nữa tùy
theo truyền thống, mà kết quả do nghiệp tốt hoặc hành động cuả xác
và thần thức: Một là bạn được tiếp nhận bởi các vị thánh (wonderful
beings) vào đất thần tiên. Trường hợp khác, có thể chẳng ai đón
nhận bạn, nhưng bạn lại có cảm giác như thể đứa con trở lại nhà.
Chẳng ai nhớ lại được những điều gì đã xẩy ra trong kiếp trước,
ngoại trừ một số vị công phu tu tập còn lưu giữ một số những kinh
qua trong tiền kiếp và họ đã trình báo lại. Có khoảng 18 pho sách
nói về các câu chuyện tái sinh kể lại chi tiết các vụ việc trong
thời gian trung ấm và sự tái sinh.
Ngô Văn Xuân - chuyển ngữ
|