SỐ 27 - THÁNG 7, NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Bạch phiến
Hoàng Du Thụy
Những trưa nắng cũ để, dành
NNguong
Những tiếng hát bão giông
Phạm Hồng Ân
Áo em ngày cũ
Huỳnh Kim Khanh
Hè xưa
Trần Việt Bắc
Tơ sầu canh thâu
Hoàng Mai Phi
Mong một lần chim gãy cánh phù vân
Tôn Thất Phú Sĩ
Tình em
Maihoado
Mây hạ
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Mùa hè săn đuổi
Thi Vũ
Căn cước tháng tư
Nguyên Nhi
Dạ khúc
Phan Thái Yên
Nhạt màu phố cũ
Song Thao
Nhà tù conex
Nguyễn Hồng Quang
Một cái Tết bị lãng quên
Tầm Xuân
Chùm phượng vỹ
Cỏ Biển
Điện thư
Hoàng Mai Phi
Hành trình về lứa tuổi đôi mươi
Hoàng Quốc Việt
Những bài thơ TTPS
Doãn Quốc Sĩ
Haiku và những cơn nắng hạ, II
Vũ Hoàng Thư

Dịch thuật, biên khảo
Sống thiện chết lành (2)
Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 14
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 21
Huỳnh Kim Khanh


 

Dạ khúc

 

Bức tranh duy nhất treo trong phòng khách là tấm hình đám cưới rọi lớn, trịnh trọng trong khung gỗ chạm hồi văn nâu bóng thời gian. Cô dâu, chú rể, xênh xoang trong áo dài khăn đóng. Màu xanh đậm phu quân trang quyện vào tà vạc giai nhân rực rỡ sắc vàng hoàng hậu. Chỉ hai người trong tấm hình và những nét dọc ngang của tòa nhà trong nền ảnh thì mờ nhạt. Có lẽ tấm hình được chụp vào khoảnh khắc họ quay lại vì tiếng gọi của ai đó, lúc đang nôn nả bước lên những bậc cấp lối vào khách sạn.

Không như hầu hết những tấm hình tân hôn ước lệ thường treo trong nhà vợ chồng mới cưới, chẳng ai nhìn vào ống kính hay đăm đăm nhìn nhau, hi vọng có được một tấm hình ăn ảnh. Chú rể trẻ trung với khuôn mặt thanh gầy quay về phía trước trong lúc đường mắt thì rẽ nhìn xuống mặt đất, nơi gót hài cô dâu vừa bước qua hồ như còn thoáng vàng vạt gấm quyện chân. Một tay xách chiếc rương hành lý nhỏ, tay kia là hộp trang điểm của cô dâu, chàng thanh niên tươi cười rạng rỡ. Cạnh tân lang, cô dâu đang trong dáng e ấp quay nhìn một đôi người nào đó trong đám đông gia đình bè bạn vừa gọi tên cô chúc tụng. Đôi tà áo chéo quyện vào nhau lung linh như ngọn lửa gấm vàng lay động. Cánh tay nàng vươn thon thả trong găng voan trắng vẫy chào tạm biệt , tay áo che hờ lên một phần khuôn mặt khiến người xem ảnh khó hình dung được nàng đang mỉm cười hay rưng lệ hân hoan.

Cô dâu chú rể trong bức hình là vợ chồng bác Xương-Xuân ở Vaureal, khu ngoại ô xa Paris cả giờ tàu điện. Ngôi nhà nhỏ hai tầng màu xanh của họ xinh xắn như một chuồng chim câu với ba cô con gái ríu rít líu lo vào mỗi buổi sáng chuẩn bị đến trường. Chỉ cái tivi lớn quá khổ và chiếc tủ dàn bày hệ thống dĩa hát, âm thanh, đã chiếm một góc lớn của gian phòng khách bài trí đơn giản bình thường. Góc kia là một ghế nệm da dài và cái bàn nhỏ với chiếc máy vi tính rối bời dây nhợ. Chiếc cửa kính lùa trông ra khoảnh sân nhỏ, giang sơn của con Kiki nằm chực chờ cửa mở là phóng chạy ngay vào nhà. Trời vừa qua tết Dương lịch, hai bụi hoa nở vàng ối dưới hiên nhà, cánh nhỏ như hoa mai.

Hầu như mỗi tối bác Xuân đều hát karaoke. Bà hát khá hay với giọng thổ, thâm thấp khàn khàn. Mặc dầu cha mẹ tôi không hát karaoke, tôi biết hầu hết những bài hát đó trên nhiều băng nhạc mà họ vẫn thường lắng nghe. Bác Xuân hát mỗi ngày, bà nói, nếu không bác sẽ quên lời. Do vậy mỗi lần quên vài chữ đâu đó hay vấp váp nhịp lời của bài hát, tôi lại nghe bác lẩm bẩm một mình là cần phải tập thêm nhiều. Phước, con gái bác Xuân, nói với tôi mẹ nàng vui hơn khi có người mới nghe bà hát. Bác Xuân vừa nghỉ hưu vì lý do sức khỏe sau nhiều năm làm việc ở phòng ăn của trường trung học trong phố Vaureal. Ban ngày khi ba cô con gái ở trường và chồng ở sở làm, bác Xuân hát một mình ở nhà. Vào những ngày không la cà ở Paris, sự hiện diện biếng lười của tôi ở nhà dù sao cũng đã giúp bác Xuân nghĩ bác có được một thính giả trung thành. Thỉnh thoảng tôi ngưng viết, ngồi lắng nghe rồi góp chuyện với bác Xuân bằng mớ tiếng Việt đáng bị đánh đòn của mình về bản nhạc bà vừa hát xong. Dù bác Xuân có vẽ vui và linh hoạt hẳn lên mỗi khi bà hát, tôi lại cảm thấy buồn buồn khi nghe những lời ca quen thuộc. Tôi nghĩ tới mẹ cũng nghe bài hát này lúc bà im lặng làm việc, mắt nhìn ra khu vườn hoa lá xanh tươi, góc Đông Phương của cha mẹ trên vùng đất kiều cư tận vùng Bắc Mỹ. Tôi bâng khuâng nghĩ tới biết bao nhiêu gia đình trong biết bao nhiêu quốc gia trên thế giới, cùng một bài ca đã hát đã nghe... Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên. Như dòng sông nước cuộn xa nguồn... Như người đi cách mặt xa lòng...(Nam Lộc)

Thỉnh thoảng bác Xuân nài nỉ chồng hát chung với mình. Họa hiếm hơn, một đôi khi, họ ôm nhau nhảy theo tiếng nhạc. Nhưng thường thì bác Xương ngồi trước máy vi tính tìm tòi những trang cụ quân đội bán đấu giá trên liên mạng. Ông cặm cụi suốt buổi tối sưu tìm huy hiệu, nón lính, quân phục, huân chương... Một buổi chiều tôi ở nhà lúc người phát bưu phẩm gõ cửa. Mặc dầu đã biết những thứ gì bên trong, bác Xương vẫn nôn nao háo hức lúc mở thùng bưu kiện. Ông trân trọng kéo ra chiếc áo trận bộ binh bốn túi thời những năm sáu mươi bảy mươi, loại áo ngụy trang đặc biệt cho chiến tranh rừng rậm. Tôi đã quen thuộc với hình ảnh người lính quân đội Miền Nam trong phim ảnh tài liệu về chiến tranh Việt Nam, với những tấm áo trận hằn xanh những bệt rằn ri đậm nhạt. Bác Xương nâng chiếc áo lính ngang tầm mắt, gật gù vừa lòng với sự xác thật của nó. Mấy cái áo này đã từng được tụi “mũ xanh” mặc lúc đánh đấm, ông trầm trồ. Tôi nhìn chiếc áo khá rộng cho tầm kích của bác Xương, lòng thầm lo ông sẽ thất vọng khi mặc thử vào người. Nhưng không, bác Xương chỉ trải chiếc áo ngay ngắn lên bàn rồi bước lại tủ kéo ra một cái thùng khá lớn. Khi mang chiếc áo trận biệt kích đến cho ông, tôi thấy trong thùng đã xếp một chồng cao những áo lính màu xanh tương tự và nhiều phù hiệu quân đội, nón beret, huy chương, dây biểu chương đỏ vàng rực rỡ. Quỳ xuống bên cạnh những món quân trang cũ kỹ, tôi chợt có cảm tưởng như đang nhìn xuống một chiến địa hoang tàn, biến thể, nhỏ nhoi, nhưng chứa đựng hằng hà vô số những người lính tử thương. Lòng mộ chí trống hoang, thi hài chỉ còn lại mảnh chiến y từng bọc thây họ trước sự rã tan khai quật cuối cùng.

Bác Xương ngồi im lặng thu xếp vuốt ve mớ kỷ vật sưu tập rồi chợt thở dài khoác lên vai tấm áo lính rộng thùng thình, bước ra ngoài.
Buổi chiều sa xuống khu ngoại ô trải những vệt nắng muộn lên khoảnh sân sau nhà. Tiếng người trong công viên nhỏ bên kia đường lãng đãng gần xa, chen trong giọng kể trầm đều của người lính già, nghe như tiếng thoảng vọng hắt hiu của đoàn quân thấm mệt trở về từ bãi chiến trường xa. Không gian hiện tiền chợt mất hút rồi cuồng xoay trong dải núi rừng thẩm xanh, bơ phờ hỗn mang bãi bờ sóng dậy, thấp thoáng bóng quân đi. Tiếng hát khàn đục từ trong phòng khách vọng ra lúc bác Xương ngửa cổ uống cạn ly rượu trong bóng tối hiên nhà. Chiều trên Phá Tam Giang, anh chợt nhớ em, nhớ bất tận... Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn. Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng của chiến tranh mà em không biết rõ...(Tô Thùy Yên)

Bác Xương bảo tôi giống cha tôi như khuôn đúc lúc hai người lần cuối gặp nhau. Gần bốn mươi năm trước. Và cho đến chỉ vài tháng trước đây, ông vẫn nghĩ cha tôi đã chết trong chiến tranh hoặc sau đó trong trại cải tạo hay trên đường vượt biển. Số phần chung cho lớp người như cha tôi hay bác Xương vẫn thường xảy ra như vậy. Bạn bè cùng một thuở lớn lên. Rồi chiến tranh. Tuy mỗi người một ngả, nhưng cả quê hương vẫn chỉ là bãi chiến trường, oan khiên gươm súng vô tình. Chỉ cần không biết tin về nhau, có khi chỉ trong vài tháng, là đã có người nằm xuống. Huống chi nhiều năm... Người còn sống đành lòng với những đoán chừng thất thoát. Những cái chết không tên. Những bóng ma thất thểu bước qua chiến hào trận cũ hằng khuya rợn vầng trăng lặn. Hồn oan cất tiếng than van mà chẳng ai nghe được ngôn ngữ kẻ đã chết về mối lòng thương quê nhớ mẹ, bầu bạn gia đình.
Lần cuối từ biệt nhau, bác Xương và cha tôi khoảng cỡ tuổi tôi, có lẽ còn trẻ hơn đôi chút. Bác Xương trở thành một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến. Cha tôi, học hành đàng hoàng hơn - theo lời bác Xương - tốt nghiệp trường Hải Quân ở Mỹ, trở về nước đi khắp cùng sông biển miền Nam.

Lần đầu tiên gặp Bác Xương chờ đón tôi ở ga tàu điện từ Luân Đôn qua. Ông thoạt nhìn tôi đăm đăm, ánh mắt sững sờ mà rạng tỏa niềm vui. Tôi có cảm giác như ông đang nhìn một người từ cõi chết sống lại trở về. Bác Xương ân cần hỏi han về chuyến đi rồi chuyện sưu khảo học hành của tôi trong thời gian một năm ở Châu Âu đã giúp tôi trút bỏ được sự e dè lo ngại phút đầu. Trong suốt quãng đường về nhà, tôi ngồi lắng nghe chuyện đời hai người bạn cũ mà lòng thì trào vui lẫn với bâng khuâng.

Giọng kể chuyện trầm đều của bác Xương, người mà không quá vài giờ trước đó chỉ là một kẻ xa lạ trên đường phố Paris, khiến tôi nhớ tới hình ảnh người cha trầm lặng quẩn quanh bên ngõ sau vườn nhà với nỗi ân hận mơ hồ. Tôi lắng nghe những chuyện chưa hề biết về cha mình rồi chợt mường tượng, hiểu ra. Ba mươi, bốn mươi năm là thời gian rất dài cho một đời người để tâm hồn có thể được yên ổn trong quên lãng. Tình cảm nào đã giúp bác Xương, giúp cha tôi, giữ mãi được sự tươi tắn của kỷ niệm thời son trẻ trong lòng ? Như mới hôm qua. Những giọt mồ hôi đượm trên mặt hai gã sinh viên nghèo chở nhau trên chiếc xe đạp cũ qua nhiều dãy phố xa đến trường như vẫn tươi ròng thấm mặn đầu môi. Những giọt cà-phê quánh đặc vẫn biếng lười chưa kịp tan vào lớp sữa đọng đáy cốc, quyện thơm vào lời buồn thánh (TCS), lơ đãng buổi chiều Duy Tân lá rắc cơn mưa. Những giọt máu vẫn còn tươi từ vết thương chưa liền miệng, xót đau dấu đạn trên thân thể lớp tuổi trẻ góp máu mình vào chinh chiến điêu linh. Những giọt mưa nguồn vẫn rớt dài vào đêm tù thao thức trở lăn, bồi hồi vuốt mặt. Và cuộc tình vẫn một đời rộ xanh qua bao cuộc đá vàng cho thắm đượm nghĩa trăm năm.

Tuy mỗi người phải cheo leo khốn khó trên chiếc thuyền đời riêng, họ đã có chung một thác ghềnh vận nước để chèo lái can qua. Bác Xương và cha tôi đã có cùng một quê-hương-đã-mất để tiếc rẻ và để nhớ nghĩ về nhau trong suốt quãng đời dài. Một Quê-Cha tôi chỉ học hỏi qua sách vở với những phân tích lịch sử vô tình ở trường học. Đâu rồi dòng lệ mẹ tôi, nước mắt bác Xuân, khóc cho đứa con đầu lòng vắn số trong khi chồng vẫn biệt tăm trong cải tạo tù đày. Làm sao tôi có thể thấu hiểu được nỗi xót xa về cánh gió trời bùi ngùi kỷ niệm thoảng vọng chuỗi cười của đôi học trò nhỏ vô tư cùng sánh nhịp đạp vòng xe, chẳng ngờ khu nghĩa trang đìu hiu hoang cát trắng bên lối núi Phước Tường sẽ là nơi chôn cất đứa con đầu đời của họ sau này...
Quê-Hương. Một quê-nhà-thương-vọng tôi chỉ biết qua nỗi buồn của cha của mẹ.

Tôi ngồi quây quần trò chuyện với chị em Phước dưới mái hiên nhà nhìn ra khoảng sân đã phủ bóng tối. Tiếng hát vợ chồng bác Xương-Xuân vọng ra, ví đuổi nhau trầm bổng đong đưa... Giờ này có thể trời đang mưa. Em đi nép hàng hiên sướt mướt...Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh...Nghĩ tới kiếp người đang lỡ độ đường, trên mịt mùng nghi hoặc. Nghĩ tới thanh xuân mất tích tự đời nào...(Tô Thùy Yên)

Chúng tôi chợt ngưng nói rồi phá ra cười khi nhận ra bốn người đã chuyện trò bằng cả ba thứ tiếng Việt Anh Pháp đề huề. Phước hỏi tôi bằng tiếng Anh với thổ giọng Pháp duyên dáng về phá Tam Giang. Tôi loay hoay giải thích chuyện “Dãy phố buồn thiu” với mớ tiếng Việt nghèo nàn của mình nhưng rồi đành thất vọng trở về với ngôn ngữ quen thuộc từ ngày mới chập chững biết đi... Quê hương chúng ta đó, dải đất tang thương hoang phế bên vùng đầm phá mênh mang trời nước dậy sóng biển Đông.

Tôi nghĩ đến ánh mắt xa xôi của cha và hình ảnh chiếc chiến đĩnh chập chùng vùng biển tháng Chạp loáng ánh trăng khuya phía ngoài phá Tam Giang.
Ba cô gái ngồi im lìm trong bóng đêm... Có dòng lệ nào bất giác rơi tuôn.

Phan Thái Yên
Tháng Bảy, 2005