SỐ 27 - THÁNG 7, NĂM 2005

 

Thư Tòa Soạn

Thơ
Bạch phiến
Hoàng Du Thụy
Những trưa nắng cũ để, dành
NNguong
Những tiếng hát bão giông
Phạm Hồng Ân
Áo em ngày cũ
Huỳnh Kim Khanh
Hè xưa
Trần Việt Bắc
Tơ sầu canh thâu
Hoàng Mai Phi
Mong một lần chim gãy cánh phù vân
Tôn Thất Phú Sĩ
Tình em
Maihoado
Mây hạ
Vũ Hoàng Thư

Truyện ngắn, Tâm bút
Mùa hè săn đuổi
Thi Vũ
Căn cước tháng tư
Nguyên Nhi
Dạ khúc
Phan Thái Yên
Nhạt màu phố cũ
Song Thao
Nhà tù conex
Nguyễn Hồng Quang
Một cái Tết bị lãng quên
Tầm Xuân
Chùm phượng vỹ
Cỏ Biển
Điện thư
Hoàng Mai Phi
Hành trình về lứa tuổi đôi mươi
Hoàng Quốc Việt
Những bài thơ TTPS
Doãn Quốc Sĩ
Haiku và những cơn nắng hạ, II
Vũ Hoàng Thư

Dịch thuật, biên khảo
Sống thiện chết lành (2)
Ngô Văn Xuân
Nguyễn Du trong thi ca Việt Nam - Kỳ 14
Hoàng Thiếu Khanh

Truyện dài
Thằng Nèm
Trần Phú Mỹ
Vô tình cốc - Kỳ 21
Huỳnh Kim Khanh


 


Tản mạn
Một cái Tết bị lãng quên

 

Thắm thoát mà đã giữa năm. Nhìn lại tờ lịch đầu bàn giật mình: Tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ 5 tháng 5 lịch trăng hàng năm, năm nay rơi vào ngày 22/6 dương lịch. Nghe đâu đây tiếng rao cơm rượu đầu ngõ.

Cơm rượu, có nơi còn gọi là rượu nếp, là món dân dã, tầm thường. Cơm rượu được bán quanh năm, khắp chợ. Ngày thường không ai gánh cơm rượu đi bán. Thế nên cái giọng rao lảnh lót trong sớm tinh mơ đánh thức cái phong vị ấm cúng ngọt ngào trong mỗi con người luống tuổi về một tập tục đẹp đẽ đã dần mai một.

Ấy, có những vật vốn tầm thường thế đấy, một nơi, một lúc, một khoảnh khắc nhất thời nào đấy, chợt “lên ngôi”. Cái đèn lồng quanh năm nhan nhản ở các khu chợ Tàu đợi Tết Trung thu, con lân múa đám cưới đám khai trương chờ ngày Nguyên đán, cái chữ nằm thường trực trên môi mọi người, trong đối đáp thường nhật, chờ nhà thơ đưa vào nơi “đắc địa“như thế nào thì tinh hoa cơm rượu đợi phát tiết ngày Tết Đoan Ngọ như thế ấy.

Vậy mà thức món dân gian ấy lại cần một phong cách cất chưng vương giả. Nếp nấu cơm rượu phải là thứ nếp ngon hảo hạng đã đành, lại còn phải là nếp lứt. Hạt nếp giã vừa tay, giã chỉ một lần, giã vừa đủ để làm rơi vỏ thóc, còn giữ nguyên màu vàng đục dịu mơ của cám. Rồi xôi làm rượu cũng không chỉ hấp một lần. Đem chõ xôi xuống, để nguội, rưới nước lạnh vào rồi lại hấp lại. Đãi ra nia, chờ cho xôi nguội mới đơm vào rổ. Một lớp xôi, một lượt men.

Men rượu cũng không vừa! Đó là một thứ sản vật trân quý, gia truyền, có từ bột gạo nhào với bột cam thảo, sa nhân, xương truật, đinh hương, thảo quả, đại hồi, thiên niên kiệu, quế chìa cả thảy ba mươi dược thảo hương nam vị bắc. Phải gọi là một thứ bí kíp công phu. Mỗi dòng họ có một tuyệt chiêu, mỗi lò men là một môn phái. Các vị trưởng lão nắn bột thành từng bánh , đặt trên nia trấu rồi ủ bằng rơm với lá chuối khô. Từ bao đời, bí quyết làm men vẫn là bí kíp trấn sơn của từng gia tộc mà không phải ai cũng là người được chọn làm truyền nhân, thừa hưởng y bát. Nếu xôi nếp là phần xương thịt, men rượu là linh hồn. Men là tinh anh, nếu xôi nếp là thể phách.

Lấy lá sen, lá chuối hoặc lá khoai môn đậy ủ rổ xôi và men cho kín. Xôi nếp được ủ trong hương cỏ cây, hồn thảo mộc, nên cơm rượu lãng đãng càn khôn, ngất ngây thiên địa là thường. Nước rượu nhỏ từ xôi nếp ủ men là tinh hoa trời đất qua bàn tay, khối óc con người. Không cần là đại tử đồ, Tầm Xuân vẫn nghĩ rằng rượu là phát kiến vĩ đại nhất của nhân loại! Và trong thế giới của những vang, whisky, cognac, sake... rượu nếp là Vua của những vị vua! Chúa tể của những Hoàng hậu!

Thế nhưng, rượu nếp không phải là kẻ độc hành trên mâm Đoan Ngọ. Bên cạnh chàng còn bánh ú tro, bánh lá chạn (một loại bánh bột nếp bọc trứng vịt muối, thịt mỡ, đậu phụng), trái cây. Và chè trôi nước. Món chè trôi nước của dân Việt ngàn xưa đã đi vào văn học sử với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, xuất hiện thường xuyên trong những ngày giỗ, ngày rằm bỗng mang một giá trị đặc thù cùng Đoan Ngọ. Trong thời tiết chuyển mùa tháng 5 lịch trăng, hoa phượng lác đác sân ngoài, những trận mưa đầu mùa chợt tuôn chợt biến, ngồi lai rai miếng bánh ngọt lịm, nồng đậm vị gừng, thoảng thơm mùi mè, ôi, một điều tuyệt thú!

Phiền một nỗi, đối với ngay những người bây giờ luống tuổi, Tết Doan Ngọ cũng đã mang mang ký ức. Giới trẻ hầu như không biết Tết Đoan Ngọ là gì. Mặc dù có một thời, xưa, Đoan Ngọ là cái Tết sắp hàng ngay sau Nguyên Đán. Và trong số những người hiếm hoi còn ăn Tết Đoan Ngọ bây giờ, không phải ai cũng đều để ý tới truyền thuyết xa xưa. Người Việt hình như không cần biết chuyện Khuất Nguyên, nhà thơ nổi tiếng, trung thần nước Sở, do can ngăn Sở Hoài Vương không được, đã ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm đó nhằm ngày 5 tháng 5 lịch trăng. Người Việt xem đây là ngày “Tết giết sâu bọ”. Đây là giai đoạn chuyển mùa, khí hậu thay đổi, mang bệnh tật. Ca dao: “Cha ăn bánh nếp Đoan Dương - Áo bông chẳng dám khinh thường cởi ra”. Đoan Dương là Đoan Ngọ. Đây cũng là thời gian sâu bọ sinh sôi phá hoại mùa màng, tà ma xuất hiện quấy rối con người, nên phải cúng vái, phải treo Ngũ Thụy để trừ. Ngũ Thụy gồm 5 loại cây tượng trưng cho 5 điều lành: xương rồng, ngải cứu, hành lá, hoa thạch lựu, hoa long thuyền. Từ rất lâu, người Việt chúng ta nếu còn ăn Tết Doan Ngọ chẳng qua vì tập tục chứ không để ý tới truyền thuyết.

Buồn thay cho một tập tục đang lụi tàn dần. Người Hà nội, Sài gòn bây giờ nguội lạnh hững hờ cùng Đoan Ngọ. Đặc biệt lạnh tanh Đoan Ngọ năm này. Euro 2004 xâm lăng và chiếm ngự tâm não dân tôi. Đầu thành cuối phố, ngoài đường trong hẻm, nhà nhà Euro, người người Euro, đêm biến thành ngày. Đêm 21/6 lịch trình hai trận song song ở bảng A, Tây ban nha quyết đấu với Bồ đào nha, Nga tử chiến cùng Hy Lạp. Sáng Đoan Ngọ lắm cửa nhiều nhà còn then cài ngõ đóng, người người còn mê mê trong chăn, giấc ngủ chờn vờn quả bóng, ai huỡn đâu mà để ý đến một tiếng rao hàng. Dù là tiếng rao ngất ngây hương rượu nếp.

Đó là nói chuyện bên nhà. Còn ở đây, Texas tháng 6 bắt đầu những ngày nắng lột da này, có bè bạn gần, bà con xa nào chỉ giùm Tầm Xuân nơi mua một vò cơm rượu?

Tầm Xuân